tháng 3 31, 2014

CHIA TAY THÁNG BA

ngày mai tháng Ba đi rồi
thôi chia tay hẹn dòng đời qua năm
chỉ là khoảnh khắc thời gian
quay đi ngoảnh lại gặp nhau mấy hồi !!!



tháng 3 28, 2014

ĐÔI HIA NGÀN DẶM


               Nhìn tấm ảnh này, bỗng dưng tha thiết, muốn viết đôi dòng cho thỏa. Bởi vì, tháng 7, có liên quan tới giày, dép...
               Hình tượng chung : mang giày, xỏ dép là để chuẩn bị đi còn như nếu cởi giày bỏ dép là thôi, không đi nữa.
Tháng 7, mười-lăm-năm trước, mang giày xỏ dép để ra đi, chuyến đi dài hơn nửa cuộc đời. Và còn đi, đi mãi...
Đôi giày, đôi dép của một thời vượt đoạn đường dài qua sông qua núi qua đồi qua biển lớn nay đã lạc loài bơ vơ mất dấu, tìm không thấy nữa ! Đã cất công tìm hoài mà không hề thấy trong mớ đồ bề bộn xếp xó garage ( để chờ garage sale !!! ). Nhưng nếu cố tình nhìn ngó lại thì còn thấy, còn thấy đâu đây, và cả hình dung được bụi đất quê nhà còn bám víu đế giày đế dép suốt chặng đường quá giang.
Mười-lăm-năm qua vùng đất mới cứ mãi lo chuyện áo cơm đời để vươn lên như tuồng cây cỏ giữa trời cao đất lạ nghiệt ngã khí hậu nắng gió trở mùa, thổ ngơi Đông Đoài khác biệt.
Nay, nhìn lại, những đôi giày đôi dép tự nhiên nghe nặng nhẹ nhớ thương ngậm ngùi...
Đông đảo, ngổn ngang giày dép không có nghĩa(cởi giày bỏ dép) là thôi, là không đi nữa. Vẫn đi. Vẫn còn cứ đi ! Dẫu là đi vào chốn đông vui của một ngày( cuối tuần thư giản, hay là dịp lễ hội ở quê người) họp mặt bạn bè, người thân, người sơ, người xả giao công việc làm...Đại khái là những người cô đơn không còn có quê hương chỉ còn có người cùng quê hương...
Cởi giày bỏ dép ở xứ người không là ý nghĩa là thôi, là không đi nữa. Vẫn đi. Đi cho tận cuối cuộc đời. Đứng lại, không đi, là thua cuộc.
Nay, bất chợt, nhìn ngó đôi giày đôi dép trong hình thấy vẻ dáng hàng hiệu tân kỳ. Ngậm ngùi nhớ lại mà thương một thời lê dép( mòn)chốn quê nhà.
Đôi giày ngày nào không còn thấy ! Giờ, chỉ thấy, đôi giày của mình nằm riêng lẻ ở cuối hàng.
Một đôi giày cô đơn hay là chưa quen hội nhập !
Một đôi giày da chính hiệu ôm chầm đôi chân quê !!
Hay là một đôi giày gìn giữ đôi bàn chân đã mỏi !!!
Mười-lăm-năm! Thoáng chốc đã là tre tàn măng mọc !!!!


Phòng Văn, một mình, ngó nắng
tháng 7/09
(Trích : Truyện Trần Huy Sao, Hiên Trăng 2013 )
TB : giờ đây, 2014, đôi hia ngàn dặm đã hồi hưu
đôi giày da đã bỏ ở hiên sau, không bày ra hiên trước...

TRANG THÂN HỮU


 
 
 
 
 
 



KHÓC LỜI PHỐ NÚI

nồng nàn mùi đất đỏ
vướng víu trên gót ngọc thân quen
vàng hanh tia nắng mới
chiếc gùi hoa chở nặng trĩu tình người
tuổi thơ ngây
hít thở bụi mù đất trời
vẫn ngỏn ngoẻn cười
chẳng sợ nhọc nhằn, lạ xa
bánh xe thổ mộ
đôi chân trần của người thượng du
phố núi
đã nghiền nát từng viên sỏi đá đi qua
phố mịt mù sương
chiều khói cay
đôi mắt không phải khóc nhưng nhòa
từ đám lửa cháy rừng
đốt trụi những thân cây già cỗi
già tựa như tuổi đời của Nội, Ngoại
già tựa như sông núi Việt Nam
có những bước chân kẻ lạ
chưa từng quen
trơ mắt nhìn rừng núi tan hoang
mà không hề hấn
phố núi khóc
từ tiếng thác rì rầm
từ cơn lũ - buồn tênh xuôi dòng
từ tiếng thông gào
gió núi - cuồng phong
mưa rơi đầy lòng phố
thay lời phố núi
nhớ
thương

DÃ QUỲ

GIỮA HAI BỜ HƯ THỰC


             GIỮA HAI BỜ HƯ THỰC, tập truyện ngắn, Hiên Trăng 2008.
Tác giả Quyên Trần
  gồm những truyện ngắn, rất ngắn viết về cuộc sống đời thường .
   Tác giả hiện định cư tại San Diego, Cali, Hoa Kỳ

 
MÌ QUẢNG MỤ MƯỜI

                 Mỗi khi mẹ "trưng cầu dân ý" nấu món gì ăn, ba hay cười xoa bụng soạn lại câu cũ, "Mì Quảng hỉ.?". Ngày trước, cả nhà đã mê món mì Quảng, mỗi nơi có cái ngon đặc trưng riêng nhưng có lẽ tôi nhớ nhất vẫn là quán mì Quảng của bà Hai Ân. Bà là người Quảng chính gốc nên không phải thắc mắc vì sao bà nấu mì ngon. Cái quán lụp xụp nhưng lúc nào cũng đông khách. Đứng chờ tới lượt mình sao mà lâu kinh khủng. Cái kiểu bà cơi cơi rổ mì, nhón chút rau, dùng dằng bỏ ra bớt rồi thêm vào, rồi khỏa nồi nước sao mà bực mình quá chừng. Có lỡ nhăn nhó, bà giận biểu, "Thì rài rài chớ!"  
                 Tô mì của bà thường chỉ ăn lấy hương lấy hoa thôi vì ăn hết một tô vẫn còn thòm thèm. Sau này tôi cũng có đặt giả thuyết chắc ngày xưa thiếu đói, có húp nước cháo cũng thấy ngon như canh đồ biển với vi cá mập. Mỗi lần mẹ nấu mì, thường khen mì của mẹ nấu giống như bà Hai. Thật ra, không thể so sánh như vậy được, chỉ lấy "tiêu chuẩn" bà Hai làm mốc để khen vì nếu đặt thương hiệu, phải đặt là "Mì Quảng mụ Mười". Đi  đâu tôi cũng "quảng cáo" mì Quảng mẹ nấu nên mỗi lần có dịp gặp gỡ bạn bè, sinh nhật, hay mè nheo mẹ nấu mì.
                Tiết thu lành lạnh, làm một tô mì, thấy cả trời Đà Lạt trong mắt.
                Tôi vốn thích lót rau dưới mì, chan nước xâm xấp, thêm chút ớt xào, chút đậu phụng, bỏ thêm bánh tráng bẻ nhỏ, thêm nhiều nhiều rau tía tô, vài cọng rau răm làm tăng mùi nhân củ sắn và tôm khô.
                Thịt ba chỉ mẹ luộc chín, bỏ vào miệng là tan rượi. Sợi mì vì ở đây không có lò làm bánh tươi nên mẹ phải luộc mì sợi khô rồi trụng vào nước nghệ cho có màu vàng tươi. Sợi mì vẫn mềm và vàng óng. Có nơi còn bỏ cả giò hay sườn heo, tôi thì không thích vậy, càng đơn giản, càng thấm !. Rau thì mẹ hay dùng loại bắp thay vì dùng xà lách, xắt nhỏ, bỏ dưới mì nên khi chan nước vào, rau vừa được trụng sơ, ăn vẫn còn giòn.

                  Nói tới đây thì nước miếng mẹ, nước miếng con chảy tùm lum rồi.
                  Mụ Mười ơi, cho con một tô đặc biệt hỉ.!!!
Sunday,16/09/2007

 

NGHỄNH NGẢNG
                
                Anh Hai gởi tặng mẹ cái iPod và mọi chuyện bắt đầu.
                Một ngày, mẹ chạy vội vã vào phòng em Đào, hỏi lớn: "Con ơi, sao mẹ bấm cái nút này hoài mà máy không chạy?" Ba và anh nhà hốt hoảng lao vào, "Chuyện gì? Chuyện gì mà la lớn vậy?" Thì ra mẹ vẫn còn đeo cái headphones trên tai nên khi nói chuyện ngỡ là nói bình thường nhưng thật ra thì đang hét to hết cỡ. Nghe qua tưởng như đang quát tháo ai đó.
                Ngày khác, tôi đang ngồi đánh đánh gõ gõ trên office của mình, mẹ thò đầu vào, hỏi: "Con có gì "cháp" (ăn) không?" Hẳn bạn đồng nghiệp nghĩ tôi phải làm gì nên tội lắm nên sáng sớm đã bị mẹ thò đầu vào mắng rồi. Cứ cái đà này cũng xảy ra chuyện lớn vì gặp ai mẹ cũng quát tháo như thế này.
                 Hôm qua lúc ăn cơm, tôi hỏi mẹ, "Hôm qua mẹ đi chợ mua được cái gì không?" Thấy mẹ tròn mắt nhìn, tôi lặp lại câu hỏi. Mẹ gật đầu có vẻ hiểu biết, hỏi lại tôi, " À, con muốn qua bên kia ngồi hả ?”
                  Lỗi tại cái iPod. Ờ, mà không biết mẹ nghe nhạc gì mà nghễnh ngãng vậy không biết?

17/05/2007

 

 

 

tháng 3 27, 2014

TÌNH ÁI NÍU ĐƯỜNG TRƠN


 











sáng nay trời mưa rất nhẹ
đủ vừa thấm nỗi nhớ quên
con đường hồi xưa hẹn đến
mà em không đến tôi chờ

(em hỏi đường nào trong Thơ
lại có trời mưa rất nhẹ
lâu rồi đường tình nứt nẻ
em bỏ đâu rồi vậy em)

con đường một thuở tình quen
bùn rây lem màu áo trắng
buổi tôi tìm em quay quắt
buổi em níu cỏ tìm tôi

bùn trơn mà em bước vội
níu hai vạt cỏ ven đường
ôi chao hải hà vô lượng
tình em vượt dốc bùn trơn

là con đường tình nhiều hơn
những chặng đường dài tình ái
sáng nay mưa sao nhớ quá
dốc đường chúng mình hồi xưa

ngoài trời mưa lòng tôi mưa
giọt mưa bao mùa ngoái lại
thấy em dốc bùn xa ngái
níu tình tôi thuở quê nhà...

27/03/2014

tháng 3 26, 2014

CHUYỆN XÓM QUÊ


 
Xóm nghèo mình xưa thôi xin đừng về
về lại buồn thêm trong Thơ, Văn anh
anh tả cảnh Xóm Làng mình muôn vẻ
khiến lòng em đau xót quá chừng chừng

Xóm bây giờ em cứ tưởng người dưng
bởi thoáng đó đã hóa thành xa lạ
người Xóm cũ đã lạc đường muôn ngã
để người xa tìm tới ở...buồn ghê !

em ở lại đây chỉ nói anh nghe
không có ai buồn hơn em nữa đó
bởi anh biết khi ngày xưa còn nhỏ
em lớn lên thì Xóm đã mồ côi

nhà em ở cũng mồ côi thấy tội
bởi chung quanh nhà gạch ngói xây lầu
nghĩa hàng xóm đã ngăn che phên giậu
đâu như hồi nào nương dựa tình nhau

có phải chỉ vì một cuộc bể dâu
nên Xóm cũ cũng thay hình đổi dạng
lớp trẻ ra đi lớp già chạng vạng
rủ nhau nương hương khói sầu nhiễu nhương

đọc thơ văn anh em quá đỗi buồn
tha thiết một thời tình Làng nghĩa Xóm
chuyện anh kể lúc em chưa kịp lớn
nay lớn rồi thương lắm chuyện hồi xưa...

mấy ngả đường bùn trơn đâu còn nữa
sân Đình xưa trăng sáng cũng lạc rồi
nay phố thị mọc lên giành mất lối
anh có về chắc không nhận ra nhau

anh có về cũng người xa mất dấu
lại phụ phàng câu chữ với thơ văn
thôi đừng về để anh còn sâu đậm                                                     
trong thơ văn kể chuyện Xóm quê mình...

(Trích Thơ Trần Huy Sao, tập 2, Hiên Trăng 2013 )

ĐÀ LẠT THOẢNG HƯƠNG XA...


Đến với Đàlạt và khi rời xa Đàlạt mọi người thường mang theo nỗi nhớ không rời . Nhớ những đồi Thông trùng điệp bảng lảng sương mù giữa tiết trời se lạnh ngay cả những ngày có nắng hanh vàng . Nhớ Thành phố bốn mùa Hoa với những thắng cảnh nên thơ nằm bên những núi, đồi trầm mặc. Nhớ những cô gái Đàlạt đôi má lúc nào cũng hồng hào . Và, chiếc áo lain, tứ thời …
Tất nhiên , Đàlạt vẫn còn rất nhiều nét quyến rũ, nên thơ đủ níu chân người xa trở lại …
Một tách cà phê nóng đầu ngày ( ở nhà hàng Thủy Tạ hay Thanh Thủy ) bên bờ hồ Xuân Hương để trầm tư sâu lắng nhìn hơi nước mặt  hồ phả nhẹ quyện cùng với hơi sương lãng đãng . Tâm hồn thoát tục , tạm quên đi những vướng bận đời thường . Hoặc giả, nếu muốn được chút xôn xao nhập thế, xin quá bộ tìm đến những quán hàng lộ thiên dọc bùng binh Chợ Mới . Kêu một ly “ xây chừng”. Không cần phải chờ những giọt cà phê ( lãng mạn ) rơi bởi vì cà phê đã được pha sẵn và luôn được giữ nóng trên những lò than ấm . Không có Nhạc . Chỉ có xôn xao những câu chuyện xa gần thời sự , chuyện cơm áo đời thường . Trước mắt , quanh bùng binh , là hoạt cảnh của Chợ Rau nhộn nhịp người mua kẻ bán. Chợ nhóm từ khoảng 2, 3 giờ sáng . Các loại rau đặc sản được chuyên chở đến bằng phương tiện xe thồ ( nếu ở các vùng xa như Thánh Mẫu, Sầm Sơn, Trại Mát…) và gánh gồng đối với những vùng tương đối gần . Hoạt cảnh của Chợ không sôi nổi ồn ào  . Giữa không khí lạnh se và màn sương dày đặc , thấp thoáng những bóng người mua , kẻ bán qua lại nhập nhòa . Tiếng động tan loãng  qua màn sương ,  nghe như tiếng rì rầm, xa thoảng . ..
Khi nhâm nhi hết ly cà phê nóng  cũng là lúc tàn buổi Chợ. Ánh nắng đầu ngày đã xóa nhòa những dấu vết của những sinh hoạt về đêm .
Đêm Đàlạt không xa hoa phù phiếm với những ánh đèn màu qua những cảnh đời vui chơi sa đọa. Thi vị lắm , những đêm Đàlạt . Và cũng đời thường lắm, những đêm Đàlạt . Người Đàlạt vốn hiền hòa, trầm lắng thường “dị ứng” với những cảnh xô bồ , dung tục . Nếu đến Đàlạt để tìm những thú vui mới lạ thì chắc chắn là thất vọng . Nhưng đến Đàlạt để “biết” về Đàlạt thì chắc chắn rằng khi xa Đàlạt vẫn cứ còn luyến tiếc nhớ về và mong có một dịp nào đó , được về thăm lại Đàlạt .
Khi bắt đầu lên đèo Bảo Lộc ( từ hướng Sài gòn  ) hay qua Krông Pha bắt đầu lên đèo Ngoạn Mục ( từ hướng NhaTrang, Phan Thiết hay Ban MêThuột về ) là đã “chìm” giữa không khí lành lạnh và “cảm” những núi đồi với rừng Thông bạt ngàn ẩn hiện giữa màn sương lãng đãng . Giữa cái Nóng và Lạnh thay đổi đột ngột đã là một điều ngỡ ngàng thi vị .
Và khi vào Thành phố ! Tâm trạng chung của những người đến với Đàlạt là sự thoải mái và yên bình . Đó là tâm trạng chung của những người ( lần đầu tiên ) đến với Đàlạt  như lời tâm sự của người bạn tôi , một đời mơ ước,  được về thăm Đàlạt . Anh đã tìm đến và xa Đàlạt  với những tâm trạng ( mà bạn đọc cứ ( lầm ) tưởng như anh là người sinh ra và lớn lên  từ  Đàlạt ) qua những truyện anh viết về Xứ Mù Sương . Phải công nhận là anh viết rất thật và rất …Đàlạt . Nhưng có một điều anh quên không nhắc tới ( trong những Truyện ngắn ) là những- trái- bắp- nướng- thoa- mỡ-hành nóng hổi  giữa tiết trời đêm se lạnh Đàlạt . Có thể là khi anh về Đàlạt  trong dịp trái mùa Bắp . Cũng có thể anh không cảm thấy thi vị khi cầm trái bắp nướng thoa mỡ hành nóng hổi vừa cạp, vừa nhai vừa đi qua những con đường phố đêm giữa tiết trời se lạnh của Đàlạt .
Có một lần dung dũi gặp lại nhau , tôi có nhắc đến chi tiết ( dù rất nhỏ ) này nhưng cũng góp phần  “dậy hương ” Đàlạt . Anh xác nhận là khi về Đàlạt đã trái mùa Bắp nên không có dịp thưởng thức cái thi vị của trái-bắp-nướng-thoa-mỡ-hành nóng hổi . Và , nhân tiện, anh  cũng  xin “xám hối” là quên không viết về dĩa bánh xèo thơm giòn ở đường Tăng Bạt Hổ giữa buổi chiều mưa, và, chén chè Kê bánh tráng nướng giòn thơm lựng ( của Mệ Xứng) ở Khu Đoàn Thị Điểm . Tôi, trong lòng cũng có ý giận hờn anh về sự vô tình đối với quê hương nhỏ bé của tôi ! Tôi  nhắc anh nên phải nhớ là còn có tô Mì Quảng ở góc rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp. Còn ly nước sâm ở đầu dốc Minh Mạng xế quán chè Mai Hường . Còn có hương vị  ấm nồng  không thể nào quên được từ những ổ bánh mì nóng hổi vừa mới ra lò của tiệm Wĩnh Chấn …Anh cười ngượng nghịu , xin hứa là sẽ viết về .
Sau này, khi chia tay , tôi chợt nhớ ( và hoảng hồn ) là mình đã quá vô tình thêm gánh nặng cho anh.                            
Anh chỉ là người vãng lai , viết và nghĩ trong một mức độ giới hạn . Làm sao  anh có thể “cảm” được những chi tiết khi anh không có một kỷ niệm nào gắn bó kèm theo .
Tất nhiên là Anh cũng sẽ viết , như lời anh hứa , nhưng chắc chắn là không lột tả được cảm giác và hơi-thở-kỷ-niệm  như tâm trạng  của tôi đã từng  cạp trái bắp nướng thoa mỡ hành nóng hổi với người yêu ( đâu ai xa lạ , là nhà tôi hiện giờ ) đi trên con đường Duy Tân rồi lại ngược lên , rẽ xuống dốc Minh Mạng , qua đường Phan Đình Phùng  để về Khu Xóm nhỏ giữa tiết trời se lạnh  . Anh cũng đâu có nghe miếng cắn giòn bánh tráng chè Kê ( của Mụ Xứng) một chiều trời nắng hanh vàng sau khi đón ( nhà tôi )  từ Trường Sư Phạm ở tận Xóm Ga ( Khu Địa Dư). Làm sao anh cảm nhận được vị ớt nồng cay hòa trong chén nước mắm , chấm ngập miếng bánh xèo giòn tan trong quán nhỏ góc đường Tăng Bạt Hổ , một chiều mưa. Mà có cảm nhận được hương vị  đặc biệt của ổ bánh mì Wĩnh Chấn khi mới ra lò , còn nóng hổi , không anh ?
Không ! Anh không thể nào cảm nhận được đâu ! Hoàn toàn .
Phải là người ( sinh ra và lớn lên , trưởng thành ) từ Đàlạt mới cảm nhận được những buồn vui từ Hạnh Phúc và Đau Khổ khi nhớ về Đàlạt .
Anh có hỏi : Hạnh Phúc là chuyện vui nhưng sao có nỗi buồn ! Và Đau Khổ là nỗi buồn  sao lại nhắc tới niềm vui !
Tôi trả lời : Không ! Trong Hạnh Phúc vẫn có những nỗi buồn …  Và cũng không ! Trong Đau Khổ vẫn có những niềm vui ….
Bởi vì những ngày tháng đang sống trong lòng Đàlạt tôi cảm thấy rất là hạnh phúc nhưng , vì thời cuộc , đành phải rời xa nên rất những-nỗi-buồn .
Và, ( tất nhiên ) đau khổ vì phải rời xa Đàlạt ( nơi tôi đã sinh ra , lớn lên và trưởng thành ) nay có dịp nhắc nhớ về Đàlạt với những kỷ niệm , thì phải nói là, tôi-có-niềm-vui .
Nói như thế để anh hiểu giùm cho .Giữa Hạnh Phúc và Đau Khổ . Giữa Vui và Buồn thật ra chỉ là cách diễn đạt . Nào có ai bắt buộc  ! Tình cảm là tự nguyện đấy mà ! Tâm tình người Đàlạt vẫn cứ bảng lảng những mù sương như khung trời Đàlạt . Gần đó mà xa đó . Tưởng là đã quên nhưng vẫn mãi là hoài niệm . Tưởng là nhạt nhòa nhưng thiệt ra là gắn bó muôn đời …
Chắc chắn là anh phải biết Nghiêm Hữu Phỉ . Đâu tuần trước “ chú em” có gọi điện cho tôi , báo tin sắp đến ngày Họp Mặt Đàlạt . Năm nay Hội sẽ tổ chức ở một địa điểm mới và , tất nhiên , sẽ có những tiết mục sinh động  và khởi sắc  .  Nghiêm Hữu Phỉ là một khuôn mặt “ sáng giá” trong Hội của chúng mình . Một mẫu người nhiệt tình với Hội Đàlạt  từ bao năm qua và rất năng nổ trong sinh hoạt chung .  Đặc biệt , năm nay , sẽ thực hiện Đặc san Đàlạt . Và Phỉ kêu gọi đóng góp bài vở . Tôi thì bối rối vì quá bất ngờ không kịp chuẩn bị .
Đến tham dự Ngày Họp Mặt thì chỉ cần sắp xếp dời đổi công việc riêng tư để không còn phải bận tâm khi lên xe , rồ máy tăng ga, tìm một chỗ đứng ( hay được ngồi)  với bằng hữu trong Ngày Họp Mặt . Nhưng đến với Đặc San Đàlạt thì phải tìm một chỗ ngồi ( ngồi lì, một mình đối bóng  ) trước bàn máy để gõ những câu chữ về Đàlạt . Vẫn biết là, từ bao đời, Đàlạt rất có nhiều đề tài để viết . Văn nhân, Thi sĩ đã từng viết, và viết …mệt nghỉ .
Câu chuyện viết đại khái như là một cặp tình nhân dìu nhau trên lối mòn phủ lá Thông khô dẫn lối về Hồ Than Thở, tìm đến Đồi Thông Hai Mộ, nơi lưu dấu một chuyện tình ngang trái của hai kẻ yêu ( mà mãi mãi ) không được gần  nhau ! Thời gian và không gian là vào một buổi chiều lãng đãng màn sương và tiết trời se lạnh . Dứt khoát phải là se lạnh , phải là lãng đãng màn sương chứ nếu ( và không nên ) dùng những “từ” mạnh bạo như    quá lạnh, lạnh gắt hay là, sương mù ( không thấy mặt nhau là cái chắc , vì có chữ “ mù “ ) sương giá (  chữ “ giá” còn kẹt hung ) , thì có còn đâu vẻ dáng nên thơ của Đàlạt ! Rồi những câu nói tình tứ trao ( qua ) đổi ( lại ) với nhau. Ôi dà, chuyện của hai-kẻ-yêu-nhau-nói-với-nhau viết ngàn trang giấy cũng chưa xong ! Nếu như Đặc San Đàlạt không đủ sức tải ( vì số trang có hạn ) thì xin đề nghị dùng hai chữ “ Trích đoạn ” .
Hay là cứ “ đưa Em xuống Phố đêm nay…” như lời trong một bản nhạc của anh Lộc (Lê Uyên Phương) cũng là dân Đàlạt . Đưa Em xuống Phố thì đồng ý là phải đưa rồi ! Nhưng không lẽ cứ đi vòng quanh Phố Hòa Bình, hết một vòng Phố Hòa Bình lại dìu Em xuống bùng binh Chợ Mới, hết một vòng bùng binh Chợ Mới thì cứ dìu Em ngược lên Phố Hòa Bình để xuống dốc Duy Tân, cuối dốc Duy Tân rồi ( lại ) ngược lên ( lại ! ) gặp Phố Hòa Bình để rồi rẽ trái xuống dốc Minh Mạng, đi hết dốc Minh Mạng thì ( lại !! ) dìu Em ngược dốc lên để ( lại !!!) gặp Phố Hòa Bình ! Đúng là … “ đi năm phút đã về chốn cũ “ như nhà Thơ Vũ Hữu Định diễn tả . Nhưng đó chỉ là  ( trong cõi Thơ ) dành cho Phố Núi Pleiku chớ ( hoàn toàn ) đâu phải cho Xứ Sương Mù Đàlạt ! Với Pleiku thì chắc là có thể nhưng với Đàlạt thì còn lâu mới “ đi năm phút đã về chốn cũ “…Chỉ nhìn (những ) con dốc đường Đàlạt thôi cũng đã thấy hụt hơi rồi . Dìu người ta đi lên, đi xuống kiểu đó có mà sức voi ! Nhưng ( cũng may ) theo dàn dựng bố cục câu chuyện ( tất nhiên ) tác giả chỉ  nhằm vào đề tài chính là  giới thiệu những món ăn bình dân của Đàlạt như là bún rêu cua, bún thịt nướng,  bún bò, cơm hến, cơm sườn, hột vịt (gà) lộn, sò huyết, mực nướng, bắp nướng, bắp luộc, cơm rượu….ôi chao ! quá nhiều món ăn không kể siết . Tất cả được bày hàng trên bậc cấp ( đối diện nhà hàng Nam Sơn, cũ ) dẫn xuống khu bùng binh Chợ Mới . Lò than quạt tới tấp từ khoảng 6,7 giờ tối cho tới vãn khuya . Và ( theo như dự đoán ) sau khi “ đi năm phút đã về chốn cũ “ tác giả viết truyện  ( để gởi Đặc San Đàlạt) đã đưa người mình yêu ( hay người mình hành !) đến chốn cũ , là đây .
Như vậy thì tôi đã phần nào nắm bắt được dàn dựng cố ý của câu chuyện .
Nó có thể như thế này :
“ Đi năm phút đã…” là tiền đề để dẫn dắt vào ý chính của câu chuyện .
về chốn cũ “ là phần chính của câu chuyện mà tác giả nhằm giới thiệu những hương vị  riêng, ít người biết đến, của Đàlạt . Trong đó , có những món ăn rất bình dân.
Những món ăn rất bình dân của Đàlạt được bày bán ở chốn cũ được tác giả mô tả ngọt-mặn-cay-chua như thế nào thì  chưa biết ( vì đã được in ấn gì đâu mà biết !) . Nhưng (  cách dàn dựng câu chuyện để cho )  người yêu của mình yếu đi vì được (  hay bị ! ) dìu  ( trong ngôn ngữ tình yêu, từ “dìu” là rất lãng mạn đó nghen ) đi qua từng con dốc , trời ơi ! , Đàlạt để về “ chốn cũ “ thì thật là bất nhẫn .
Có thể tác giả đã thành công khi dẫn dắt bạn đọc tìm đến với những món ăn Đàlạt và điều chính là bài gởi cho Đặc San Đàlạt lại viết về Đàlạt . Như thế là đi đúng chủ đề rồi còn gì . Chọn đăng là cái chắc !
Nhưng mà dìu em đi kiểu đó có mà dễ xa nhau !
Những món ăn bình dân thì Đàlạt  nhiều lắm ! . Hầu như ở mỗi Xóm, Làng ( sau này gọi là Khóm, Phường) đều có riêng những món ngon không thể nào quên được  . Hương-gây-mùi-nhớ từ những món ăn chân chất xóm quê đã trở thành một hương vị không thể thiếu trong dòng hoài niệm . Xa đã nhiều năm , lưu lạc cũng nhiều nơi nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng hương vị món ngon đầu đời và cứ giữ mãi cho đến cuối đời . Thể nào trong Hội Ái Hữu Đàlạt cũng có vài Anh, Chị ở Xóm tôi , xóm đình Đa Cát , một Xóm nhỏ thuộc Làng Đệ Nhị , cách trung tâm thành phố Đàlạt 4 cây số nên cứ thường gọi quen ( và thành danh ) là Cây Số Bốn . Sau này, theo sự cải tổ hệ thống hành chính, tiếng gọi Làng, Xóm thân thương tự bao đời đã thay là Phường, Khóm (!).
Nhưng dù có đổi thay gì chăng nữa ,những người khởi đi từ Xóm Đình Đa Cát, khi gặp lại, thể nào cũng nhắc nhau nhớ hương vị đậm đà tình quê từ tô Mì Quảng của… Bà Mì Quảng . Vâng , chỉ cần nhắc nhớ đến tô-mì-quảng-của-bà-mì-quảng là đủ để ôm chằm cả một thời kỷ niệm Làng Xóm xưa . Là đủ chạnh lòng rưng nước mắt , tủi thân , cho  đời tha hương ly xứ ! Chưa kể tới hương vị đậm đà tình quê của gánh Bánh Nậm thím Vạy, gánh Bánh Bèo chị Hường, gánh chè Đậu Ván thím Năm Tiển , gánh Đậu Hũ và Kẹo Cau bà Cổ, quán sữa đậu nành khuya của cô Thu…
Nhắc tới chỉ để ngậm ngùi, và nhớ !
Đàlạt !. Nơi chốn một thời tôi giữ và một nửa đời còn lại, đành, phải dời xa. Nghĩ và viết về Đàlạt không chỉ trong một vài kỷ niệm . Quá nhiều kỷ niệm để viết về .
Đàlạt của những ngày mưa dầm dề níu kéo cả một nỗi buồn se thắt .
Đàlạt có những chiều hanh nắng đến nao lòng .
Đàlạt  của những ngày vào Đông trĩu nặng, thảm sầu. Bầu trời ảm đạm quyện mù trong không khí lạnh căm . Nhưng thật là kỳ lạ, dù đang là mùa Đông, Đàlạt vẫn có những buổi chiều nắng hanh vàng dịu nhẹ . Màu nắng vàng dịu nhẹ của buổi chiều rực lên từ màu vàng tươi của một loài hoa, đặc biệt, nở rộ trong mùa Đông : hoa Quỳ Hương .
Hoa Quỳ Hương vàng rực  trên những con đường Làng, Xóm . Nếu có dịp về Đàlạt vào tiết Đông nên ghé về những con đường Làng quê xa thành phố để nhìn ngắm màu sắc vàng tươi ( đến rộn rã cả lòng ) của loài hoa Quỳ Hương . Mà phải là những con đường làng quê thật xa thành phố mới tìm gặp được Quỳ Hương . Cuộc sống văn minh phương tiện theo đà phát triển, những con đường được khai quang trải nhựa rộng rãi đã vô tình giết chết đời hoa một thời góp hương thi vị cho Đàlạt . Nếu có về tìm gặp Quỳ Hương  xin về trong dịp giá đông và tìm đến những vùng xa, nơi còn có những con đường đất gập ghềnh, nơi một thời bấm cả mười ngón chân sau một cơn mưa nhão nhoẹt đường trơn ướt .
Nơi thuộc về những kỷ niệm ngày xưa !
Nếu về Đàlạt để đón Xuân vui Tết thì đã… lỗi hẹn rồi ! Quỳ Hương chỉ khoe hương sắc cho đẹp và ấm nồng mùa Đông Đàlạt mà thôi. Khi qua  Xuân, Quỳ Hương tàn tạ sắc hương để nhường cho hoa Đào, hoa Mai khoe sắc…
Mùa Xuân Đàlạt cũng nhiều thi vị …
Nhưng thôi ! Tản mạn về Đàlạt như  thế là cũng vừa đủ chạnh lòng !
Theo dòng đời dâu bể, những đứa con của Đàlạt đã tan đàn xẻ nghé, lưu lạc phương trời. Tấm lòng thương nhớ còn giữ lại hàng năm qua Ngày Hội Ngộ để có dịp gặp lại nhau, nhìn thấy nhau và chia sẻ cho nhau những vui buồn của một thời nương náu. Và lưu giữ những kỷ niệm qua những bài viết đa dạng ( Thơ, Truyện, Tùy bút…) đóng góp cho Đặc San. Khuôn mặt “nổi-đình-nổi-đám” chuyên phụ trách về Đặc San Đàlạt, theo như tôi có biết, phải nhắc nhớ đến  chị Quản Thị Hoài. Tôi chưa hề gặp Chị nhưng tình-đà-lạt đã là cơ duyên để tôi tìm đến. Mỗi lần Chị ( qua email) có lời kêu gọi  đóng góp bài vở là tôi cứ ngồi lì ở bàn phím. Tình-đà-lạt với nhau, nỡ lòng nào phụ nhau cho được. Rồi chú em Nghiêm Hữu Phỉ. Những lúc anh em gặp nhau vẫn thường nhắc nhớ những ngày Đàlạt . Những ngày vui và những ngày buồn . Những kỷ niệm có những ngày mưa dầm và bùn trơn trợt trên đường về qua  Ấp Nghệ Tĩnh. Nơi chốn bình yên một thời nương náu bao nhiêu là kỷ niệm . ..
Nay đã chia xa rồi …
Mùa này, ở San Diego có những buổi chiều nắng hanh vàng trải đều  núi đồi ở vùng tôi cư ngụ. Tôi vui mừng tìm thấy vẻ dáng thân quen của Đàlạt dù đã nghìn trùng xa cách …
 
( Trích " Truyện Trần Huy Sao, Hiên Trăng 2013 )

 

 

 

tháng 3 24, 2014

TRANG THÂN HỮU


VẠT NẮNG GẦN VẠT NẮNG XA 

 









Mến tặng Trần Huy Sao


Nhấp nhô thấp
nhấp nhô cao
Vào bờ
rồi sóng lại ào trở ra
Trời xanh
chim trắng lượn qua
Mây trôi la đà ôm đỉnh phù du
Vi vu
vòm lá gió ru
Chừng  rừng Thu khóc vọng từ quê ta…
Vạt nắng gần
vạt nắng xa
Soi vàng bãi cát dài ra cuối ghềnh
Bên em
như biển bên thuyền
Như dòng suối mát quanh triền núi xanh
Bên em
tròn cuộc nhân sinh
Trong tình biển rộng in hình quê hương !

Bờ biển San Diego 12/2013
Sông Cửu

 

tháng 3 23, 2014

BÀI LỤC BÁT THÁNG BA















đầu Xuân
lạnh.
gió.
se.
buồn.

nắng vàng
nhạt.
phớt.
nhẹ.
luồn.
nhói tim.

con tim nhịp đập trốn tìm
bóng chim tăm cá giờ chìm nơi đây
tưởng mù mịt hóa chiều nay
cũng se. gió. lạnh. đầu Xuân thuở nào
cũng vàng. nhạt. phớt. nhẹ luồn
dấu chân tình ái con đường tình xưa

lâu hung rồi đó nghe chưa
bây giờ tìm lại đã nưa đã đời....

chiều 23/03/2014

tháng 3 22, 2014

CUỘC TÌNH TRĂM NĂM


 
 
















tình tôi đó em giữ hoài kẻo uổng
lỡ mai đây đánh mất biết tìm đâu
nào phải bướm ong vui bay buồn đậu
tôi ngay lòng thiệt dạ đó mà em

từ buổi họ hàng nhận miếng trầu têm
Cha ngỏ lời giữa quan viên hai họ
Mẹ nắm tay em dắt ra đầu ngõ
em cúi đầu thưa Mẹ con đi

nhà gần ngõ mà thành xa vạn lý
cái trâm cài ngăn tóc xỏa bờ vai
chiếc áo cô dâu thay tà áo trắng
cầm tay tôi thay sách vở mổi ngày

xác pháo rơi đầy thay lá me bay
đường đến lớp đã mù tăm mất dấu
đôi guốc vông bỏ buồn bên bờ giậu
nhìn cô dâu hài đỏ dặm trường xa

dặm trường xa ơi dặm trường xa lạ
em chỉ còn tôi nhận mặt người thân
mình dắt nhau đi giữa cuộc phong trần
chia tình nghĩa và sớt đều duyên nợ

em cứ theo tôi làm chồng làm vợ
như trò chơi thời thơ dại xóm nghèo
chỉ khác ngày xưa còn Cha còn Mẹ
mà bây giờ hai đứa đã mồ côi

hai tiếng mồ côi nghe chi mà tội
để tôi buồn rồi em cũng buồn lây
giữa đất quê xa giữa người xa lạ
tôi với em đây như bóng với hình

mình nắm tay nhau đi trọn cuộc tình
ở chốn dương gian người qua kẻ lại
cuộc trăm năm níu tình yêu trẻ mãi
như ngày nào em ra ngõ theo tôi....

( Chỉ Còn Thơ Ở Lại, Thơ, Hiên Trăng 2002 )

tháng 3 21, 2014

CÂU CHUYỆN ĐẦU NGÀY XUÂN
















Ba tuổi chiều rồi, nhớ đó, tụi bây
đứa nào ới tiếng là Ba ùa theo
sáng nay, đầu Xuân, có tin sốt dẽo
Tư Đào được nhận việc ở Riverside

Riverside – San Diego lái xe thoải mái
gần nhà quá trời còn mong chi nữa
tháng Năm ra trường tháng Bảy thử lửa
tháng Sáu rảnh con nhớ dành cho Út

Út tháng Năm ra trường nhận việc CVS
tháng Sáu nhận trầu cau nhà anh Peanut
có anh Hai, chị Ba, thêm Tư Đào trợ lực
Ba chỉ vòng quanh thoải mái phải không bây

nói thiệt Ơn Trên cho chi hưởng nấy
thời đại bây giờ Ba tuột thắng rồi nghen
chỉ còn tụi bây nương nhau vượt bến
ai khó ba đời đâu ai nghèo ba họ

Ba giỏi lắm giờ đi ra đi vô
còn thơ văn lai rai thiền định lài rài
như con trâu già nằm ngơi nhai lại
nhai mớ xưa không đủ méng ngày nay

sáng sớm Tư Đào gọi báo tin vui vậy
Ba cách gì không chia xẻ cùng con
tháng Năm này con ra trường phải không
tháng Bảy khởi đầu vào đời khôn lớn

thôi con cứ dòng trôi dòng êm trôi
Ba đứng mé bờ dõi theo cũng được...

Hiên Trăng, 21/03/2014