tháng 2 02, 2008



Ôi chao là tình, phát sợ! Đó là nói với ai kia, chớ với dì Ba Thanh Hồng của tôi thì thiệt là vô nghĩa. Có chăng là con mắt đa tình của Dì, phát sợ thì có!

Tôi nhớ, hồi đó có chú Quốc Việt năng lui tới nhà.Chú đẹp trai, ăn nói có duyên lại con nhà dư dả. Chú đến nhà để học cách ghép Hồng với Ba tôi. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Mục đích chính là chú thiết tha mong muốn được ghép đời chú vào đời của dì Ba Thanh Hồng. Hồng nào thì cũng là hồng. Đẹp mà lại có gai nữa. Chú biết vậy mà chú không sợ, một phần ỷ lại vào tài ăn nói có duyên và gia đình bạc tiền rủng rỉnh.. Chú siêng học hỏi lắm tới nỗi Ba tôi phát phiền, phát bực. Đi học ghép cây ngồi lê ngồi lết dưới vườn suốt buổi vậy mà chú ăn mặc bảnh bao lại còn xức dầu thơm lựng. Không chịu chăm chú vào mấy cây Hồng mà con mắt cứ láo liêng. Có lần, Ba tôi giận quá, Ông cằn nhằn :” Chú mầy sao mà tối dạ quá chừng vậy? Qua đã chỉ tới cả chục lần là vạt mặt chậu cho khít khao mối ghép mà làm hoài không xong!Chú ý nè, qua dạy một lần nữa nghen. Làm không xong thì đi luôn đừng ghé nữa. Mắc công quá mà!” Sau lần đó, Ba tôi có ý phàn nàn với Mẹ tôi. Bà cười ngất rồi nhỏ to với Ông điều gì đó. Ông khựng người một thoáng rồi cũng cười theo:”Thiệt vậy sao?. Chuyện này nghe cũng ngộ. Thôi, để tui giúp nó một tay. Tui không giận nó nữa Biết lòng dạ nó rồi, ai mà nỡ!”.Nhưng dì Ba Thanh Hồng của tôi không nghĩ vậy. Biết lòng dạ chú Việt rồi mà Dì cứ hành hạ đủ điều. Đụng mặt nhau bất ngờ, mặt Dì lạnh tanh, phớt tỉnh. Dì bắn tiếng, chê chú không hết lời. Thậm chí mỗi lần phải đi ngang qua chỗ chú làm, Dì ngúng ngoảy, vùng vằng khó chịu. Mỗi lần như vậy, chú Việt buồn lắm, ngồi thừ một chỗ không nói, không cười. Ba tôi phải dỗ dành chú như đứa con nít. Dì xé nát trái tim chú ra làm trăm mảnh vá khâu không kịp. Đến nỗi chú phát bịnh, xin phép Ba tôi nghỉ dài hạn, không hẹn ngày “đáo lai nhiệm sở”! Ba tôi buồn, hụt hẩng, ngẩn ngơ. Mẹ tôi buồn, tiếc. Chỉ mấy ngày chú vắng mặt, vườn Hồng xụi lơ, vắng tanh vắng ngắt. Cho tới một lần, tôi ngỡ ngàng hết sức khi nhìn thấy cảnh dì Ba Thanh Hồng ngồi bệt dưới thảm cỏ, khóc muồi mẫn. Mẹ tôi, có vẻ giận, ánh nhìn nghiêm khắc, nói với Dì :”Như vậy chẳng khác gì mi đuổi hắn đi. Mà thiệt, hắn đi rồi đó. Bây chừ có khóc lóc thì giữ được cái chi. Sao hồi nớ mi đanh đá, chanh chua, dữ dằn rứa? Sao không rớt một giọt nước mắt cho mượt mà tươi mát lòng hắn. Để hắn khô héo mỏi mòn. Hắn sợ, hắn bỏ đi là đúng. Thương người ta kiểu nớ là thương ác, chớ thương chi mà thương, cái con chằn lửa”.Rồi nhận thấy mình hơi quá đáng, Mẹ tôi dỗ dành Dì : ” Thôi, nín đi rồi tính liệu trì kéo hắn về. Tình cảm con người cũng rắc rối lắm. Chắc là phải nhờ anh Hai bắn tiếng cho hắn tới. Lần ni, nếu mà hắn có tới thì em phải bấu cho chặt vô đó! Con chằn...”Mẹ tôi ngưng kịp ở chữ cuối. Tôi biết là bà giận lắm nhưng không nỡ nói nặng lời. Chằn lửa hay chằn tinh chi rồi cũng phải lụy tình. Trái tim vẫn còn trần tục. Con mắt vẫn cứ liếc tình. Dì Ba ơi là Dì Ba!

Bẵng đi một thời gian không thấy chú Quốc Việt tới lui chi nữa. Chú đi rồi, mang mối tình thiên thu mà bỏ đi trước khi Ba tôi tới ngỏ lời. Nghe đâu chú bỏ vô Sàigòn chữa cơn bịnh trầm kha rồi mất biệt từ đó. Dương gian chừng quá rộng, mắt lệ giai nhân không níu được bước chân người. Laiï là người mang bệnh tình si. Con chim một lần đau sợ ná. Con cá một lần mắc câu, sợ điếng cái dây. Chắc là chú Việt sợ rằng, nếu một lần trở lại, gặp tính nết trái gió trở trời của Dì tôi lại lậm thêm một lần đau, chắc khó thoát nẻo hồng trần!

Dì Ba tôi thời gian biếng lười son phấn. Biếng nói biếng cười. Ngồi đâu ngồi lì như cục đất. Đứng đâu đứng sững như trời trồng. Nanh vuốt chằn tinh, chằn lửa chi đó hết muốn vồ chụp tới ai. Trạng thái Dì như người bị nhồi máu cơ tim, nhói đau từng chập. Dì rã rời thân xác một thời gian không lâu như mọi người(hay nói cho đúng, như tôi) nghĩ. Lại bắt đầu vươn mình sau giấc ngủ tình si. Giọng nói bắt đầu đổi tông, chanh chua đanh đá. Tiếng cười đã cao cung, rộn rã. Dì lại tươi tắn như hoa. Lại mặn mòi như trách cá bống kho tiêu. Thiệt lạ!

Tôi nhớ, có chú Chung, là sinh viên Văn Khoa, hát hay đờn giỏi. Có tài làm Thơ nên lấy bút hiệu là Quế Sơn. Quế Sơn là một địa danh ở quê chú. Nhưng mà muốn nghĩ là cây quế ở trên núi(hay rừng) như tôi thường hỏi chú, cũng được. Tính chú trầm lặng, có chiều sâu.

Dịp Hè năm đó, chú theo Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện về xây dựng trường lớp ở Thôn tôi. Đoàn chia làm năm nhóm, được phân về ở các nhà trong xóm. Các cô, chú làm việc không có lương bỗng, chỉ có một tấm lòng. Ban ngày quần quật ngoài sân trường. Ban đêm lại tổ chức văn nghệ giúp vui bà con trong xóm. Cây đàn ghi ta cũ mèm và giọng hát truyền cảm của chú Chung đã chinh phục được lòng người. Giấc chiều, cả xóm lao xao. Không ai dặn ai, đều lo cơm nước sớm để kịp ra sân trường coi văn nghệ. Sân khấu lộ thiên trời là mái, đất là sàn. Dàn nhạc chỉ độc một cây đàn của chú Chung. Hai cái muỗng nhôm gõ nhịp theo điệu nhạc của chú Tiến. Hai cái nắp nồi cũ mèm móp méo lấy từ hai cái nồi của Dì Tư cho mượn để Đoàn nấu cơm kho cá hàng ngày. Cái thôn xóm vốn hẻo lánh buồn hiu quanh năm suốt tháng trên miệt rẻo cao đã được đánh thức bởi không khí sinh động của những đêm văn nghệ. Có nhiều lý do để bà con tìm tới. Lý do rõ nhất là không biết làm gì trong khoảng thời gian từ khi mặt trời khuất núi cho tới lúc leo lên giường, phủi cẳng, đánh một giấc đầy đặn để lấy sức ngày mai ra vườn, ra ruộng, ra ao cá,ra đồi trà. Đám thanh niên thanh nữ thì nhất định không chịu bỏ qua giờ phút bằng vàng. Có cô lại thầm son phấn chút đỉnh. Có anh lén chải đầu láng mướt. Đi tìm tình yêu mà! Đâu có thể hời hợt, qua loa được.

Phải công nhận là chú Chung có nhiều tài. Chú hát hay, đàn giỏi, ngâm thơ rất truyền cảm lại ăn nói có duyên. Trong chú, hình như có hai con người trái ngược. Ban ngày, chú thầm lặng ít nói ít cười chỉ lo công việc. Nhưng khi màn đêm buông xuống và khi bước lên sân khấu phục vụ giúp vui bà con, chú hóa thân thành một con người khác. Linh hoạt, nói năng lưu loát, trơn lu như da cá trê. Dưới ánh đèn sân khấu và trong ánh mắt ngưỡng mộ của bà con, chú vươn lên, biến dạng thành một...siêu sao. Tiết mục nào cũng được bà con tán thưởng, vỗ tay la hét om sòm. Và rồi đâm ghiền cái không khí văn nghệ hằng đêm đó! Đến như Ông bà Ngoại tôi sau giờ cơm nước buổi chiều cũng níu tay nhau ra sân trường, sợ trễ. Chỉ có dì Ba Thanh Hồng tôi là vẫn bình thản. Dì lại chê chú Chung đủ điều làm tôi thầm bất mãn. Dì ví chú như một tên hề hạng bét, nói năng chọc cười thiên hạ thiệt vô duyên. Người ta cười là cười cái vô duyên đó chớ có phải cười tán thưởng đâu. Giọng hát chú ngọt ngào như có chất đường mía lau, thanh tao như múi bưởi Thanh Trà vậy mà Dì nỡ chê bai là như vịt đực kêu bầy, chó tru ngựa hí. Dì còn chê chú nhiều điểm nữa và tất nhiên không bao giờ tới sân trường. Mỗi đêm cả nhà chuẩn bị đi coi văn nghệ, Dì rút vô phòng. Có lần Mẹ tôi rủ Dì đi xem thử cho biết, Dì trề môi ngúng nguẩy, lại thốt lời chê bai. Tôi đâm giận và tự nhiên ghét Dì hết sức!

Rồi cũng tới lúc công việc xây dựng trường lớp hoàn tất. Chuyện chia ly đã tới cận kề. Đêm cuối cùng trình diễn văn nghệ để ngày mai Đoàn lên đường về lại Sàigòn, bà con nườm nượp kéo tới sân trường đông như ngày hội. Hai tiếng chia ly đã là một động lực vô hình để mọi người cùng xích lại gần nhau. Đêm đó, chú Chung đã để lại trong lòng bà con một niềm cảm xúc dạt dào. Tiếng đàn như nức nở nghẹn ngào. Tiếng hát như có một âm điệu ray rức xốn xang. Tôi buồn lắm.

Đêm văn nghệ đã chấm dứt một đỗi lâu, bà con lục đục kéo nhau ra về, tôi vẫn còn ngẩn ngơ đứng lại. Tự nhiên tôi muốn gặp chú Chung. Muốn nói với chú một lời dẫu ngắn để mai chú về lại Sàigòn xa tít tắp, chú còn giữ lại chút gì để nhớ đến tôi, thằng bé đầu trần chân đất trong cái xóm hẻo lánh miệt cao này. Vậy là tôi quyết định một mình đến nơi chú ở trọ.
Qua khỏi đồi trà của Ông bà Ngoại bắt đầu rẽ vào con đường nhỏ um tùm những bụi sim dại, tôi bỗng nghe tiếng nói thầm thì, rồi có tiếng khóc. Động tính hiếu kỳ, tôi khom người len lén đi về hướng có những lùm bụi um tùm nhất. Dưới ánh trăng mờ nhạt, tôi giật thót người khi thấy chú Chung. Đúng là chú Chung. Chú đang ngồi yên lặng trầm ngâm, tay chú cầm cuốn sách, tay kia chú vòng qua ôm vai một người con gái, đang gục đầu vào vai chú. Tim tôi đập thình thịch, cố rúm người cho nhỏ hơn, hai mắt nhìn chăm chăm vào người con gái đang gục đầu trên vai chú. Tiếng khóc đè nén như tiếng người nấc cục, rồi tôi nghe tiếng nói :” Mai anh về lo xong việc nhớ trở lại thăm em.Đừng bắt em chờ, em .....”. Tôi giật bắn người, ngã ngửa về phía sau. Mồ hôi tự nhiên toát ra, nóng ran cả người. Không còn kịp suy nghĩ, tôi cố sức ngồi bật dậy rồi vọt thẳng ra con đường lớn phía trước. Tiếng nói đó cứ đuổi quấn chân tôi, loạng choạng theo những bước chạy ngả nghiêng xiêu vẹo. Không, tôi không thể nghe lầm được. Chắc chắn là tôi không nghe lầm. Đó chính là giọng nói của Dì Ba. Dì Ba Thanh Hồng của tôi đó....

Buổi sáng Đoàn lên đường thật sớm. Xế chiều, anh Tư Sa chuyên nghề đi buôn trà chuyến trở về, vô tình thuật lại một chuyện rất thương tâm. Có chiếc xe đò xuống đèo Chuối, do vì bánh trước nổ bất ngờ, tài xế mất bình tỉnh không kềm được tay lái nên chiếc xe đã lao xuống vực sâu. Trên xe có một số hành khách và Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện vừa xong công tác trở về. Bà con ngơ ngác, xôn xao bàn tán. Tin tức loan truyền nhanh từ đầu trên xóm dưới. Tôi nghe choáng váng. Dì Ba Thanh Hồng thì ngả người, bất tỉnh.

Dì hoảng loạn tinh thần, rũ buồn, ngơ ngác. Mặt phấn môi son trở màu xanh lét. Ông bà Ngoại tôi lo lắng, thuốc thang chạy chữa cho Dì. Nhưng chỉ có mình tôi biết chắc là chẳng có thuốc nào mà chạy chữa cho được căn bệnh trầm kha đó. Chỉ còn nước chờ thời gian.

Mà thiệt. Chỉ một thời gian cũng không lâu lắm, Dì lấy lại được tiếng cười. Như loài gấu ngủ đông trở mình thức giấc khi mùa Xuân ấm áp trở về, Dì trở lại hồng hào tươi tắn. Lại tô son nhồi phấn. Lại vẫn cứ là dì Ba Thanh Hồng!

Không có nhận xét nào: