MƯA TÍM
Ngày 18, tôi bỏ Huế, đi mạng không. Tới 26 tháng 3, ở Sài
Gòn nghe tin Huế chết. Ngồi cà phê quán cóc trước Thư viện Quốc gia tự dưng
nước mắt giọt ngắn giọt dài giữa trưa đứng gió. Ba hôm sau, Đà Nẵng mất. Ngày
ám tối ấy được Luân Hoán khắc ghi trong 4 câu thơ:
“hăm chín tháng ba bảy lăm
chia tay nhau tại Ngã Năm dặn rằng:
thằng nào sống phải nhớ ăn
thêm tô mì Quảng cho thằng chết đi”.
Bạn tôi ai còn ai mất? Tôi không biết, tôi chạy xe về bên hông chợ Tân Định, ăn, và, lùa vô miệng đắng tô bún bò lưu lạc, nhai trái ớt hiểm rau ráu mà nước mắt thôi còn để chảy ra. Chỉ toát mồ hôi, ướt nghe ngói một chữ buồn. Buồn vô hậu. Một tháng sau, màu đỏ liền lạc suốt non sông.
chia tay nhau tại Ngã Năm dặn rằng:
thằng nào sống phải nhớ ăn
thêm tô mì Quảng cho thằng chết đi”.
Bạn tôi ai còn ai mất? Tôi không biết, tôi chạy xe về bên hông chợ Tân Định, ăn, và, lùa vô miệng đắng tô bún bò lưu lạc, nhai trái ớt hiểm rau ráu mà nước mắt thôi còn để chảy ra. Chỉ toát mồ hôi, ướt nghe ngói một chữ buồn. Buồn vô hậu. Một tháng sau, màu đỏ liền lạc suốt non sông.
Lại thất tán, lại đổ vỡ, lại thiếu hụt, lại tù tội, lại
kẻ ở người đi. Sau bốn năm đầy tai ương, tôi chịu cúi đầu vĩnh viễn xa đất mẹ
chưa phút giây nguôi hận thù. Lần này không nhớ tháng ngày, chỉ biết đêm không
trăng sao, gió lạnh và sóng lớn. Thuyền nhỏ trôi hơn hai tuần thì đến được Hồng
Kông, Hớn Cỏn, Hương Cảng, Cảng Thơm. Và một trang đời chính thức được lật qua.
“Em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười”. Cười thì quả có
cười thật, nhưng ngạo thì… dạ mô có. Em cũng biết thân biết phận chớ bộ, tại
bây chừ lý lịch em mang: Vô tổ quốc.
Xa xứ, do đẩy đưa duyên phận, tôi quen được lắm anh chị
đồng hương hoặc đôi người có cảm tình với Huế. Mới đây thì biết thêm anh Đỗ
Xuân Tê viết văn, anh Trần Huy Sao làm thơ. Bàn viết lữ thứ (chữ của Mai Thảo)
cả hai vị đều ở tận tiểu bang California, khác đất nước và địa lý thì xa muôn
trùng nên chẳng thể sớm chiều hẹn hò tay bắt mặt mừng (bán trời có văn tự).
Anh Đỗ Xuân Tê chỉ là khách phương xa lỡ nặng lòng với
đất Thuận Hoá. Để minh định anh trích dẫn thơ của Trần Kiêu Bạc trên bài tản
mạn “10 năm biết Huế” :
“Mai mốt về ôm lòng đất Huế,
Mượn Huế ai làm Huế của tôi”.
Mượn Huế ai làm Huế của tôi”.
Không che dấu cảm tình dành cho vùng gần sát địa đầu giới
tuyến kia, anh ghi ra những cột mốc khi ghé ngang, dừng chân như thứ duyên nợ
“chiều chiều trước bến Vân Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm..”: Đầu tiên là
mùa Thu 1965, kế đến là Mậu thân 68, mùa Hè 71, mùa Hè 73… và cuối cùng vào năm
1988, trên chuyến tàu Bắc Nam chở khách tang thương, ghé nhà ga Huế vào nửa
đêm, ăn được tô bún bò ân tình khi O bán bún nhìn và hiểu ra thân phận của
khách để từ chối việc nhận tiền. Nhà văn Đỗ Xuân Tê tả cảnh Huế chìm trôi trong
sương khuya, buồn lặng. Và anh chấm câu: Rồi thì xa Huế vĩnh viễn. Một sĩ quan
vì công vụ phải đến Huế làm việc ngắn ngày trong nhiều thời điểm, 23 năm sau
người sĩ quan ấy mang thân tù tội vừa được trở về quê cũ, ghé ngang Huế xưa,
sương giăng hấp hối tiễn biệt.
Nói tới Huế, vua Tự Đức từng xuất khẩu thành thi: “Tứ
thời giai hữu hạ, nhất vũ tiện thành đông”. Hè suốt bốn mùa, mưa một trộ biến
thành mùa đông. Nghĩ về Huế, hầu như chữ dùng ai nấy cũng đều váng vất chút
buồn. Như ruốc buộc phải nêm vô nồi bún bò giò heo (màu không trong như tô
phở). Nói rứa thì e mang tội là vơ đũa cả nắm. Anh Trần Huy Sao, dân cố đô thứ
thiệt, hình như biệt lệ. Thơ anh tách biệt với thứ không khí rất “căng” của
Trần Vàng Sao:
“Bây giờ tôi đủ tuổi tôi
Nam mô di Phật một đời như không
Ra đường tôi đứng trời trồng
Ốm o xo bại tưởng chừng đứa điên”.
…..
Nam mô di Phật một đời như không
Ra đường tôi đứng trời trồng
Ốm o xo bại tưởng chừng đứa điên”.
…..
“mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”.
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”.
Thơ Trần Huy Sao dung dị, bình thường, nặng tính tâm sự,
nhưng vì “đời thường” như rứa mà chữ nọ biết đi thẳng vô rọt, vô gan, nghe
thương dễ sợ:
“sáng hôm ni thiệt là sáng giựt mình
thấy hình o mô ở trên phây-bút
o mô ri hè ngó quen quá sức
ngó một thôi một đỗi, té o Mười!”
thấy hình o mô ở trên phây-bút
o mô ri hè ngó quen quá sức
ngó một thôi một đỗi, té o Mười!”
“hồi về xóm nhỏ giú cái mặt
không thôi ai ngó cũng thất kinh…
…
mụ nội cha bây đời thương hải
để người tau yêu khóc quá trời”.
không thôi ai ngó cũng thất kinh…
…
mụ nội cha bây đời thương hải
để người tau yêu khóc quá trời”.
Cũng hậm hực, cũng bất bình nhưng dễ lòi ra tâm địa của
người miệng hùm mà gan sứa. Giận lẫy ba lơn rứa thôi chứ lòng này lành như hòn
đất. Thơ anh Trần Huy Sao có nhiều chữ duyên dáng vì đặt nó đúng chỗ. Không
phải ai cũng có được chữ “khoèo” như anh:
“Huế mình lên núi qua đèo
Vượt truông trấn ải cũng khoèo ớt theo”.
Vượt truông trấn ải cũng khoèo ớt theo”.
Những khung cảnh của Ban Mê Thuột, Đà Lạt với nhiều kỷ
niệm qua thơ của Trần Huy Sao trở thành một dương bản êm đềm chứa nhiều thi vị
dễ mềm lòng khi ngắm lại. Ngoài tài nghệ là phó nhòm chụp bắt cảnh trí những
địa danh, Trần Huy Sao còn là một đầu bếp giàu kinh nghiệm. Tô cơm hến, tô mì
Quảng, bánh khoái, bún bò qua chữ viết “đắc địa” đã trở thành món “đặc sản’ của
riêng thương hiệu Trần Huy Sao. Đọc thơ mà thấy thơm ngon, tài nghệ ấy xưa nay
hiếm. Trong một đoản văn, Trần Huy Sao viết như thế này, có phải “chết người”
không?: “..Với nồi cá kho rim là rim tới đúng độ ngả màu là thè thẹ lửa riu riu
cho lai rai vô tới Huế”.
Duyên dáng quá! Thè thẹ. Huế mới gớm! Người xứ khác chưa
chắc hiểu ra. Một đôi chỗ, anh dùng chữ “ngạ”. Nói không ngạ tương đương với
“làm sao nói cho hết đây”. Hoặc “nói răng được”? Nhiều thức lắm, ăn không ngạ!
Huế đã đành, mà phải Huế xưa mới thấu hiểu. Chụp ảnh rồi, nấu nướng cũng xong,
thì giờ còn lại anh cặm cụi dệt vần thương yêu cho gia đình. Ba đảm đang hơn cả
những gì người ta mong đợi. Con gái mới sinh cháu, ông Ngoại mừng vui bằng bài
thơ ca ngợi hạnh phúc khi về già. Con trai đi xa, làm cha viết xuống tâm cảm
đắng lòng. Cô Út lấy chồng, ba lăng xăng tìm lời chia mừng bằng sáu, tám, bằng
thất ngôn, bằng lượng sóng cao bên ngoài eo biển San Diego…
Tôi sẽ rất trẽn nếu có ai hiểu lầm tôi mon men làm chuyện
bình văn thơ. Dị òm vì biết mình mô đủ khả năng, nói bâng quơ về cái duyên đẩy
đưa thì hoạ may. Tự dưng đến một lúc quen biết thêm hai ba người bạn văn, ấy
không phải là điều vui thú sao. Khi vui, lỡ nói điều không phải thì chuyện ấy
cũng dễ thứ tha. Khi buồn cũng vậy, mấy mươi năm rồi, nhớ về Huế cách trở lòng
còn nặng mang vết thương u uất cũng là điều dễ cảm thông.
Ngày cuối thầm lặng chia tay Huế, tôi đi mạng không. Năm
tháng trôi qua, các anh chị “đồng bệnh tương lân” đã cho tôi hưởng ké nhiều
hương liệu cuộc sống. Huế không chỉ có mù u, hoa phượng, khuynh diệp, sầu đông,
sen, sứ… mà Huế còn chất ngất những mùi vị khác toả lan qua chữ viết thập bát
ban võ nghệ “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Bây giờ tôi giàu hơn xưa,
hành trang nặng lòng, cám ơn những người đồng hành trên bước đường lưu lạc. Hẹn
gặp nhau ở Huế khi chốn ấy chỉ toàn cả người tử tế. Nói không ngạ, cười chưa
bưa và thè thẹ nhậu lai rai dưới trăng thanh gió mát. Anh Đỗ Xuân Tê và anh
Trần Huy Sao có đồng ý không?
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn : www.sangtao.org
Nguồn : www.sangtao.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét