Bốn-mươi-mốt năm chan mặn đắng
cay dòng đời. Tìm vị ngọt không ra. Tìm vị bùi không thấy. Cay đắng thì có, ngọt
bùi thì không. Chuyến bay đêm hai-mươi-mốt năm trước, cả nhà hối hả đi tìm ngọt
bùi. Mình diện cái áo vest đàn bà, vợ mua giá rẻ ở cầu thang chợ trời đà lạt.
Thắt chiếc cà vạt đàn ông. Ôm kè kè cái cặp cán ngố, đựng hết thảy giấy tờ hồ
sơ chứng nhận được phép bỏ quê cũ tới quê mới. Xuống tới phi trường San Diego,
mọi người đón, và cười. Tưởng là cười vui, sau này mới biết, là cười ngộ. Sau
này nữa, khi ngồi nhàn cư nói chuyện thời trang ăn mặc xứ người, biết ra lẽ sự
mới hối vợ, hối các con cùng cười cho vui chuyện đời lưu lạc. Tới tận bây giờ,
mổi khi nhớ lại, còn cười. Hồi đó người ta cười ngộ(nghĩnh). Bây giờ cả nhà cười
ngộ(giác). Ở lâu mới biết nam nữ tuy bình quyền nhưng áo quần không có quyền mặc
bậy. Mình lỡ mặc bậy một lần, giờ, không từng mặc vậy lần hai.
Mình viết bài này không phải để kể
chuyện dông dài khi tới vùng đất mới mà chỉ kể lại chuyện quê nhà trước lúc
mình bỏ đi. Chuyện ngắn chuyện dài cũng loanh quanh tình làng nghĩa xóm như là
một lời tạ ơn nơi mình đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi, cuối cùng, bỏ đi
không về nữa !. Biết nói như vậy là quá đoạn tình đoạn tuyệt nhưng vì hoàn cảnh biểu mình xúi mình, nên không thể làm chi hơn được. Đã từng chịu-đời-không-thấu
trên chính quê hương làng xóm mình suốt mười-chín-năm nên mình muốn đi, không
thèm không muốn không ưng ở nữa. Là kể chuyện cho thỏa lòng, ở vùng đất mới họ
nói là xả stress để không thôi không khéo lạc vô hội chứng trầm cảm rồi hóa ra
bệnh nan y khó chữa ngang tầm với bệnh ung thư. Cái khác nhau là bệnh ung thư
có tiến trình thứ tự tới thời kỳ một, hai, ba, bốn, là đi. Bệnh trầm cảm thì dễ
sợ hơn, không có thời biểu nào, chỉ tự mình giải quyết chuyện ra đi sớm muộn của
mình. Sách vở y khoa còn lưu ý là bệnh trầm cảm rất khó chữa trị. Cần tìm ra
nguyên nhân sâu xa dẫn tới trầm cảm mới có tác dụng tốt. Đọc vậy, nghe nói vậy
mà ớn da gà. Mình thì đang ở độ trầm tư, chưa là trầm cảm.
Hồi đó đàn anh đàn chị còn chu mỏ
học thuộc lòng tam tự kinh nhân chi sơ
tính bổn thiện, ấu bất học lão hà vi.
Tới thời mình thì kinh điển là bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư do quý ông Trần trọng
Kim, Nguyễn văn Ngọc, Đặng đình Phúc, Đỗ Thận cùng biên soạn. Bộ sách gồm ba
quyển cho lớp đồng ấu, cho lớp dự bị, cho lớp sơ đẳng. Tới năm 1939 thì đã in tới
lần thứ mười ba cho thỏa lòng mến mộ. ! Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ theo
lối tranh khắc trên gỗ. Nét vẽ chân phương phản ánh nội dung chứa đựng trong
bài. Bộ sách được chính thức đưa vào chương trình giáo dục và cũng là kim chỉ
nam cho lớp trẻ noi gương. Liên quan tới bài viết này, mình thấy có bài học Chỗ
Quê Hương Đẹp Hơn Cả thiệt là đúng tâm trạng người bỏ quê hương mà đi. Bài học
có nội dung như thế này : “ Một người đi du lịch đã nhiều
nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một
người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy
ông cho ở đâu là thú hơn cả?”. Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông
thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn
quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ
cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi
ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan kể không sao xiết được”. Chỉ là đi du lịch thôi mà về
nói làm vậy !. Còn bỏ đi xa biệt không về, nói làm sao !.
Có một nhà thơ mà mình rất thích đọc hồi còn ở quê nhà. Nhà thơ
Xuân Quỳnh. Cô làm nhiều bài thơ tình thiệt là da diết tuy là cô với mình hai mặt hai lời, hai nơi hai chốn,
hai chỗ không từng có nhau. Gặp nhau chắc nói chuyện không lâu. Thơ của cô thì
mình cố tình, dù chỉ dăm ba câu, học thuộc, ưng lắm. Thí dụ như bài, có thể và
như thể, một bài rất Xuân Quỳnh : chỉ có
thuyền mới hiểu. biển mênh mông nhường nào. chỉ có biển mới biết. thuyền đi đâu
về đâu. những ngày không gặp nhau. biển bạc đầu thương nhớ. những ngày không gặp
nhau. lòng thuyền đau rạn vỡ. nếu từ giã thuyền rồi. biển chỉ còn sóng vỗ. nếu
phải cách xa em. anh chỉ còn bão tố. những ngày không gặp nhau. lòng thuyền đau
rạn vỡ. nếu từ giã thuyền rồi. biển chỉ còn sóng vỗ. nếu phải cách xa em. anh
chỉ còn bão tố...thơ của Xuân Quỳnh đã tỏ tình(đời) như vậy gặp( gần mé 50
vở) kịch của chồng cô, là chú Lưu quang Vũ, thì lửa nhóm thêm bùng. Nói là thơ
tình, kịch tính là nói chuyên văn học nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn nói theo kiểu
diễn tuồng diễn giải diễn ngôn để cấu, dán, bắt, mà ví von gần xa, rào đón xa gần
để phơi trần mặt thật xã hội. Vậy là có vấn đề “bức xúc”, cần và phải nên cho biển chỉ còn sóng vỗ. Vậy là sóng vỗ thiệt
tình. Xuân Quỳnh và Lưu quang Vũ nắm tay nhau đi vô cõi vĩnh hằng sau tai nạn
xe ở Hải Dương. Không phải vì lòng thuyền
đau rạn vỡ mà vì xe nhỏ gặp xe to. Bình thường thôi, không nói chuyện thời
cuộc thời đời, nhỏ mà đụng phải to thì chịu làm sao thấu. Mình vốn ngưỡng mộ
thơ Xuân Quỳnh ( chớ chưa dám chắc là ngưỡng mộ cô Xuân Quỳnh) vì nhà thơ viết
nhiều câu thơ tiên tri thiệt muốn quên mà phải nhớ chỉ có thuyền mới hiểu. biển mênh mông nhường nào. Nhân dịp tháng
Tư sắp về tự nhiên nhớ loáng thoáng thêm mấy câu… lòng thuyền đau rạn vỡ…biển mênh mông dường nào…chỉ có biển mới biết…thuyền đi đâu về đâu…
Buồn thiệt!. Những câu thơ nói chuyện tình riêng mà ứng vô cảnh
người đi kẻ ở sao quá não nùng. Tháng Tư vốn đã buồn man dại lại thêm buồn man
rợ luôn. Mấy con cá mập thất ngư ác đức, mấy thằng hải tặc cô hồn các đảng, mấy
cái lòng thuyền đau rạn vỡ chi cho tạo thêm nhiều, quá nhiều oan nghiệt. Tới tận
giờ, hơn bốn mươi năm dài gần bằng hai thế hệ, có biết bao nhiêu người tha
hương không dám ra nhìn biển.
Chuyện vắn chuyện dài tưởng bao năm quên mà quên chi được. Mình
bây giờ có muốn dưỡng râu để vuốt cũng được rồi. Lớp con đang trên đường đi gần
tới sinh lão… Lớp cháu đang lau chau đua nhau măng mọc…Thế hệ mình, theo lẽ tự
nhiên, trở thành đồ cổ. Nghiệt nỗi tuy
mang tiếng là đồ cổ mà không có giá chi trơn. Không có giá, không có nghỉa là
vô giá, đừng có mà tưởng bở. May mà còn có nhiều chuyện chưa lảng quên, còn
chút văn thơ không làm buồn lòng cây bút ( là cây bút hồi xưa, giờ là bàn phím,
gỏ) . Còn, vẫn còn.
Rồi đây, tháng Tư về, còn viết nhiều nỗi nhớ bởi vì mình có quên
đâu !…
Hiên Trăng, 04/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét