tháng 4 30, 2016
Hồi Đói Cơm Lạt Muối
Hồi đó, theo chú Vá đi đào vàng ở Suối Hến. Thím Vá trề môi xém rớt
điếu thuốc Cẩm Lệ : “ Khéo làm chuyện
bao đồng. Vàng bạc mô mà hiện ngụy. Ông lo vạt bắp côi nương chưa xong còn mơ
chuyện trên trời dưới đất ”. Liếc xéo qua tôi một cái làm tôi thiệt nhột. Chú
Vá kịp ngó thấy, e chừng cũng cùng một nhột với tôi mà cố ráng cười, giả lả : “
Thì cầu may mà mạ mi !. Biết đâu...”. Thím nguýt qua thêm cái nữa !. Nguýt liếc
um sùm kiểu đó khiến tôi cũng hồ nghi, hỏi chú: “ Nghe thím nói cũng đúng đó. Có
chắc ăn không ?.”. Chú, chật lưỡi, nói là may rủi mà, biết đâu. Đói quá rồi,
cũng, biết đâu !. Nói kiểu huề vốn tôi nghe ra cũng thấy không chừng, e, biết chừng
đâu có thiệt. Chuyện rủi may cũng có lộng giả, mà không chừng biết chừng đâu,
thành chân. Ông Thạch Sùng, hồi xưa, giàu đó rồi nghèo đó. Chú Vá với tôi, hồi nay, không chừng nghèo đó
rồi giàu đó...
Huống chi, cơn lốc tìm vàng cũng đang thời rộn ràng nóng bỏng.
Xóm tôi, trai trẻ lên đàng hết trơn. Lên đàng đây là lên đàng đi
tìm vàng cứu đói cứu khổ chớ đâu phải lên đàng tòng quân diệt giặc. Thống nhất
rồi !. Bắc Nam liền cõi bờ rồi đó !. Giặc ngụy chạy trơn tuột (dốc) !. Chỉ còn
giặc đói hoành hành nhắm chừng muôn năm trường trị. Đói tới mù con mắt. Đói ngặt
thắt ruột gan. Đói lan tràn thôn xóm. Đói đã nư, đòi la ỏm tỏi, cứu đói, cứu đói...
Nên chi, phải đường trường xa lên đàng kịp thời cứu đói không thôi
thì không theo kịp phong trào.
Xóa đói giảm nghèo là câu châm ngôn mổi đêm họp tổ dân phố ở nhà
thờ Phổ Hiếu. Bác Hai..., chú Năm..., chị Bảy..., thầy Ba rồi tới (đàn) em...
thanh niên giải phóng xung phong ( giú tên không thôi mắc cở) thảy nói thiệt giống
y con vẹt, đều nhau, dặn nhau đồng lòng
đồng điệu cho bà con nghe không biết, không xiết...Mà có thiệt hay không ?.
Lời vàng ngọc quý cán bộ phùng mang trợn mắt nói ra làm vậy thì bổn
phận người hồi đó nên, phải nên, rất nên, nương theo khí thế phong trào cách mạng
cách tân, như câu biểu ngữ dán tùm lum từ thành thị đến xó quê nên phải hoan hô
hoan hỉ. Xóa đói giảm nghèo. Nào có thấy
xóa giảm gì !. Hoan hô thì cứ hoan hô . Nghèo thì phải đói mới lần lựa tìm ra
câu chữ đói nghèo !!!!.
Tôi với bà con chòm xóm đang lên cơn động kinh ( không phải động tình rồi đồng tịnh ) đương trào (dâng) nạn đói buổi đổi đời . Đói ù lỗ tai đói mù con mắt... Hoan hô rồi hoan hỉ hôn mê xin tình nguyện hưởng ứng phong trào. Không hưởng ứng thì có mà trào nước mắt có mà thắt ruột thắt gan có mà gian nan mình mình ráng chịu !. Riêng thậm thằng tôi, theo như bản kiểm thảo mổi buổi họp tổ là có trồng mấy luống đậu, hai vồng cà chua, một vồng sà lách, thè thẹ ghé bên là mảng rau húng quế rau răm rau thơm và, gầy (guộc) theo một đàn gà. Cây trồng lớn nhờ phân xanh. Vật nuôi lớn nhờ sắn khoai bắp. Con người cũng được nuôi lớn nhờ (kiểu) cách mạng đó.. Không có gì hơn không còn gì thua !. Người và vật thảy đều nhớ lời ơn trên, xóa đói giảm nghèo.
Buổi họp tổ dân phố cả phòng hội im re thầm lặng lắng nghe mấy cha ngụy rặt được thả về sau thời gian cải tạo. Trở về, tưởng là tự do, ai ngờ còn thêm vài năm quản chế nữa !. Ra một ngục tù lại tra thêm một ngục tù. Thiệt là ngục tù bao lớn bao la chưa từng thấy. Nay được đứng với quần chúng đọc lởi kiểm điểm. Đọc xong. Không có ai đưa tay phát biểu. Không có ai hạch sách lời lẽ chi về cái thằng tìm dáng đứng với nhân dân. Biên bản được viết và được chữ ký kiểu cua bò của mấy ổng. Người bị kiểm điểm cứ ra về tiếp tục cứu đói bo bo khoai bắp trộn. Người viết người ký biên bản, cũng cứ về tiếp tục cứu đói khoai bắp trộn bo bo...
Chỉ còn, thầm lặng, níu-nhau hơn một chút, nỗi lòng !!!
Nào biết Bác Ba, chú Năm, thầy Ba Ninh,
chị Bảy, các em thanh niên.....(e) giờ đã thấm chưa, nỗi đau giống như hồi nỗi
đau của một thời, người thua cuộc....Cuối cùng, cũng chỉ là một thời để hành tỏi nhau đau đớn . Bà con
dân phố cũng thầm lặng nuốt lốn nuốt trọng nuốt quên nỗi lòng quặn đau quặn thắt
với nhau đó thôi !.
Ôi chao cái hồi chi mà tơi tả rã rời. Suối
Hến thuở thanh bình chưa có cảnh đổi đời bể dâu thương hải, chỉ nơi sản xuất rặt
một loài Hến dày cơm thơm thịt. Bà con xóm tôi lâu lâu thèm ăn Hến thì cứ thoải
mái rủ nhau vô mà xúc Hến đem về nấu cháo Hến, cơm Hến, gỏi Hến trộn trái Vả (
xin quý Thầy ở chùa Linh Quang) rau răm đậu phụng xúc bánh mè. Là những món ăn
vui chơi kiểu cách hoa đồng cỏ nội, chớ hề có chen vô chi ba chuyện ba lơn ba
trợn, cứu đói. Nghe lảng nhách, dị òm...
Rồi tới khi “ kách mệnh” về, ai đời cái
suối Hến xóm tôi cũng thi đua theo phong trào người tốt việc tốt. Người hưởng ứng
phong trào đầu tiên là chú Vá. Tôi, hồi đó, nghe lời chú mà theo chú đi đào
vàng ở suối Hến tại vì đói quá. Hai chú cháu chổng mông cào lớp cát lớp đá bỏ
vô mâm sàng qua sàng lại đã đời. Rốt ráo chỉ còn lưa thưa đu đưa vài con Hến nằm
trong mớ cát mịn màng. Đâu có vàng cám li ti nói chi tới cục vàng như mơ như mộng...
Chú nói, rặt giọng, Huế quê mình : “ Mụ
nội bây. Hến mà cũng chạy tuốt rồi huống chi vàng mô mà đòi ở lại”. Câu nói đã
đời rồi để tới giờ mổi khi nhớ về chú Vá...
Rốt cuộc chuyện đãi vàng, chú còn nhớ
không ?. Hai chú cháu ngồi bên hai tảng đá, thầm lặng xúc từng miếng khoai bắp
trộn ngoại tình chút muối. Giờ, Thím đang chờ, vợ tôi đang chờ... Hai chú cháu mình
về, hổ ngươi quá ốt dột quá, cái lon gô trống trơn...
Chú
Vá, chừ chắc đã run tay mắt mờ răng cỏ không có răng mô ngồi một chỗ, trống
trơn, nhớ đời xưa ngày cũ , không biết,
nên buồn hay nên(giả bộ)cười, vui !.
Tôi thì còn may mắn được ngồi với căn phòng
khiêm nhượng mà hoài cố chuyện hồi xưa hồi nay.
Chú Vá ngày nào chưa từng vàng đeo nặng bởi
có đãi được vàng ở suối Hến đâu mà đeo !.
Tôi ngày xưa, theo chú, cuối đường tìm rủng
rỉnh vàng thau lẫn lộn.. Rốt đàng, cũng bèo giạt huê trôi. Trớt quớt. Cũng in
như chú, có vàng đâu, mà đeo. Nếu như có muốn đòi đãi được vàng để “hoành tráng” đeo vàng thì, y chang...Chắc chỉ
có đeo vàng vọt một thời thôi, chú ơi...
Dâu bể tang thương đổi thời đổi thế, người chạy lên non kẻ xuôi ra
biển rốt cuộc chạy tìm về nơi khởi điểm cuộc chạy chưa từng thấy. Chú chạy
không kịp thời, ở lại. Tôi chạy kịp thời. mình xa nhau.
Buổi điểm danh tan đàn xẻ nghé hết trơn, và rồi, hết trọi. Tháng
Tư !....
Ồ, còn nhớ nuối, viết thêm.
Ngày đó chú Vá có mời tôi ly rượu, từ hủ rượu đào rồi giú dưới đất
trăm ngày mới moi lên. Chú nói là rượu bách nhật. Nói thêm là chú mi uống vô một
ly là bách niên giai lão. Rồi ghé thầm, nhỏ nhẹ hết sức thầm thì từng tiếng
tránh phụ nữ (đầu tiên là thím Vá) chớ nghe, nói thêm, e là thím mi rồi tới vợ
mi cũng... Không chờ không đợi chú đặng
nói hết câu tôi cũng thấu hiểu là đó...đó....rứa... rứa...đã nưa. Hai chú cháu
ngồi uống bên hông nhà. Miếng đưa cay chỉ mấy con tôm khô đét dầm giấm thêm chút
đường thô. Đó là buổi chiều, tôi còn nhớ mà, chú Vá với tôi chia tay mùa vàng
suối Hến.
Bốn-mươi-mốt năm rồi !.
Chú Vá hồi xưa, nói dại, e chừng đã thiêu tro cốt.. Tôi bây chừ
cũng gần tới miệng lò. Lâu lắm rồi lâu ly rượu chôn đất trăm ngày đào lên với
người xưa vài giờ tâm sự. Rượu xưa thì chôn đất rồi moi lên, nồng nàn thơm lựng.
Người xưa thì thiêu đốt cho tan cho không thấy không nghe không nhìn lại một thời
đau dắt....
Tôi bây giờ ! Nói thiệt nghen, chú Vá hồi xưa ơi !
Chỉ thấy...lung linh hoài lúng liếng hoài một thời thế đảo điên !
Và, thấy quá rõ ràng hình ảnh ngày xưa, là đói quá mới đến bàn
tính chuyện cứu đói khiến cho thím Vá trề môi xém rớt điếu thuốc Cẩm Lệ.....
Phòng Văn, chiều 28/04/2016
Tháng Tư Muối Gừng
Hai tay nâng dĩa muối gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng phụ nhau
(ca dao)
khi ta về. ốm nhom. cây sậy
em liểu khô. gầy. gió thổi bay
dòng đời đã vậy thành như vậy
cũng may còn được gặp lại nhau
còn nắm bàn tay em xương xẩu
vậy là còn đây còn em đây
dẫu ta. đói. ốm như cây sậy
dẫu em. đói. liểu gầy gió bay
vẫn còn bàn tay để nắm tay
quá đỗi vui mừng khôn kể siết
tình ơi mấy năm dài xa biệt
muối còn vị mặn níu gừng cay
ta về chiều trời mây trắng bay
em đứng bên hiên nhà ngó sửng
liểu gầy.em.mắt lệ rưng rưng
ôm ta.cây sậy.lỡ độ đường
năm tháng nuôi đời nhau gắng
gượng
tình em hàn gắn buổi tang thương
vẫn bên nhau bươn tiếp đoạn trường
liểu gầy.em.cô Tấm thảo thơm
sậy khô.ta.úa mùa hảo hớn
tang bồng hồ thỉ lạc đường tên
nay về nương áo vá bên em
ta thiệt nhói đau thời kiêu bạt
cắn răng nhai ngướu từng hạt sạn
miếng cơm lỡ vận độn sắn.khoai
cúi đầu cố nuốt qua cơn đói
bởi có em.đời.có tình em
dựa nhau ngày tháng cũng dần
quen
bởi.tại. tình yêu .em. cô Tấm
sậy khô.ta.tháng Tư. đau đậm
về Xóm nghèo chia đói.khát.em
viết lời Thơ này.ta.em.nhớ nghẹn
thuở hai mình.cơm.nhai.hạt sạn
một thuở gừng cay thương muối
mặn
tới giờ vẫn mặn muối gừng cay….
Kể Chuyện Tháng Tư
tháng Tư về lại Xóm quê nhà
bỏ cây súng trận cầm cây rựa
lên rừng đốn củi sống qua bữa
em bây giờ cô giáo “lưu dung”
ta bây giờ thằng bất khiển dụng
nồi cơm khoai độn lo không nổi
đội đá vá trời chi cũng rối
về nương em đắp đổi qua ngày
vấn điếu thuốc rê lòng áy náy
khói thuốc bay buồn quá em ơi
“tiêu chuẩn” gạo khoai lo chưa nổi
lấy đâu…hương khói buổi tan hàng !
ta về Xóm cũ buồn năm tháng
tang bồng chi nữa lạnh tanh rồi
sáng vác rựa đi chiều về tới
oằn vai một khúc củi đau vai
em sớm chiều lo buổi sắn khoai
lửng bụng cho qua ngày đoạn tháng
đói no san sẻ đời hoạn nạn
vui buồn chia sớt rồi cũng quen
vết chai nhói nhức vẫn chưa quen
nhát rựa chưa sâu vết chém ngập
đã phải đi “ mười
ngày học tập”
vậy là đi thôi em ở nhà
buổi chia tay em buồn run tay
sắp xếp cho chồng manh áo vá
mấy viên thuốc cảm bao thuốc lá
nụ hôn nước mắt nhớ suốt đời !
từ đó ta đi em vẫn đợi
mười ngày, đâu phải, tới nhiều năm !
về lại nhìn nhau buồn nín lặng
thanh xuân bỏ lạc mất đâu rồi !
chuyện xưa đã nhiều năm trôi nổi
còn giữ đời nhau tới tận giờ
cứ mỗi tháng Tư lòng quặn nhớ
một thời khoai sắn trộn tình yêu...
Nhớ Thời Lạt Muối Đói Cơm
gởi
Lê Hoàng Paul (Bôn)
xa lắm rồi bạn còn nhớ không
điếu thuốc lào chuyền tay, ém khói
“ gô ” bắp lớ tạm dằn cơn đói
chén nước trà cơm cháy nhường nhau
hạt muối chia đôi ngậm rất lâu
thấm vị ngọt tê tê đầu lưỡi
khi tới độ khát thèm rã rượi
muối đường chi thì cũng vậy thôi !
chia ngọt đời nhau khi khát đói
sớt mặn tình nhau buổi đổi đời
ta cùng bạn vô chung một rọ
trước giờ mình có gặp nhau đâu !
bạn quanh năm trấn ải địa đầu
“ xuống Đông, Đông tĩnh. Lên Đoài, Đoài tan”
tháng Tư gảy súng rồi tan hàng
vô tới đây nằm chung một phảng
chia chung một nỗi buồn vô hạn
hút chung nỏ thuốc khói lừng trời
sớt chung chén sắn khoai đau nhói
ngậm chung hạt muối cắn tang thương
lâu lắm rồi lâu người mổi hướng
tháng Tư dưng nhớ chuyện ngày xưa
bài Thơ này cũng chia một nửa
gởi bạn ngày xưa thường nửa chia…
tháng 4 29, 2016
Đất Nước Mình Không Ngộ Đâu em
Đất nước mình không ngộ nghĩnh đâu em
sau bảy-mươi-lăm đã bắt đầu hết lớn
sau bảy-mươi-lăm đã khởi đầu lấy trớn
nòng súng lưỡi lê bầm dập kêu đòi
Đất nước mình không lạ lắm đâu em
chiếc bánh chưng có gì mà hùng vĩ
dự án với tượng đài còn gấp nhiều hơn nghìn tỉ
sinh mạng con người như cắt cụp móng tay
Đất nước mình vui vẻ lắm mà em
biển bạc bẻo rừng xanh xao cánh đồng khô hết biết
rừng trơ trụi biển dẫy đầy cá chết
những con thuyền mãi mãi biệt khơi xa
Đất nước mình thương quá mà em
mổi đứa trẻ sinh ra gánh nợ nần mấy thằng cha để lại
di sản cho đời sau chỉ mấy thằng ngu trường trải
bốn biển năm châu khi dễ quay đầu
Đất nước mình em tự hỏi về đâu anh
em không biết anh cũng không biết được
câu hỏi này xin hỏi bà con trước
ai trả lời giùm là cá chết tại vì đâu.....
Trần Huy Sao
tháng 4 26, 2016
Tháng Tư Đời Lưu Lạc
Bốn-mươi-mốt năm chan mặn đắng
cay dòng đời. Tìm vị ngọt không ra. Tìm vị bùi không thấy. Cay đắng thì có, ngọt
bùi thì không. Chuyến bay đêm hai-mươi-mốt năm trước, cả nhà hối hả đi tìm ngọt
bùi. Mình diện cái áo vest đàn bà, vợ mua giá rẻ ở cầu thang chợ trời đà lạt.
Thắt chiếc cà vạt đàn ông. Ôm kè kè cái cặp cán ngố, đựng hết thảy giấy tờ hồ
sơ chứng nhận được phép bỏ quê cũ tới quê mới. Xuống tới phi trường San Diego,
mọi người đón, và cười. Tưởng là cười vui, sau này mới biết, là cười ngộ. Sau
này nữa, khi ngồi nhàn cư nói chuyện thời trang ăn mặc xứ người, biết ra lẽ sự
mới hối vợ, hối các con cùng cười cho vui chuyện đời lưu lạc. Tới tận bây giờ,
mổi khi nhớ lại, còn cười. Hồi đó người ta cười ngộ(nghĩnh). Bây giờ cả nhà cười
ngộ(giác). Ở lâu mới biết nam nữ tuy bình quyền nhưng áo quần không có quyền mặc
bậy. Mình lỡ mặc bậy một lần, giờ, không từng mặc vậy lần hai.
Mình viết bài này không phải để kể
chuyện dông dài khi tới vùng đất mới mà chỉ kể lại chuyện quê nhà trước lúc
mình bỏ đi. Chuyện ngắn chuyện dài cũng loanh quanh tình làng nghĩa xóm như là
một lời tạ ơn nơi mình đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi, cuối cùng, bỏ đi
không về nữa !. Biết nói như vậy là quá đoạn tình đoạn tuyệt nhưng vì hoàn cảnh biểu mình xúi mình, nên không thể làm chi hơn được. Đã từng chịu-đời-không-thấu
trên chính quê hương làng xóm mình suốt mười-chín-năm nên mình muốn đi, không
thèm không muốn không ưng ở nữa. Là kể chuyện cho thỏa lòng, ở vùng đất mới họ
nói là xả stress để không thôi không khéo lạc vô hội chứng trầm cảm rồi hóa ra
bệnh nan y khó chữa ngang tầm với bệnh ung thư. Cái khác nhau là bệnh ung thư
có tiến trình thứ tự tới thời kỳ một, hai, ba, bốn, là đi. Bệnh trầm cảm thì dễ
sợ hơn, không có thời biểu nào, chỉ tự mình giải quyết chuyện ra đi sớm muộn của
mình. Sách vở y khoa còn lưu ý là bệnh trầm cảm rất khó chữa trị. Cần tìm ra
nguyên nhân sâu xa dẫn tới trầm cảm mới có tác dụng tốt. Đọc vậy, nghe nói vậy
mà ớn da gà. Mình thì đang ở độ trầm tư, chưa là trầm cảm.
Hồi đó đàn anh đàn chị còn chu mỏ
học thuộc lòng tam tự kinh nhân chi sơ
tính bổn thiện, ấu bất học lão hà vi.
Tới thời mình thì kinh điển là bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư do quý ông Trần trọng
Kim, Nguyễn văn Ngọc, Đặng đình Phúc, Đỗ Thận cùng biên soạn. Bộ sách gồm ba
quyển cho lớp đồng ấu, cho lớp dự bị, cho lớp sơ đẳng. Tới năm 1939 thì đã in tới
lần thứ mười ba cho thỏa lòng mến mộ. ! Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ theo
lối tranh khắc trên gỗ. Nét vẽ chân phương phản ánh nội dung chứa đựng trong
bài. Bộ sách được chính thức đưa vào chương trình giáo dục và cũng là kim chỉ
nam cho lớp trẻ noi gương. Liên quan tới bài viết này, mình thấy có bài học Chỗ
Quê Hương Đẹp Hơn Cả thiệt là đúng tâm trạng người bỏ quê hương mà đi. Bài học
có nội dung như thế này : “ Một người đi du lịch đã nhiều
nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một
người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy
ông cho ở đâu là thú hơn cả?”. Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông
thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn
quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ
cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi
ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan kể không sao xiết được”. Chỉ là đi du lịch thôi mà về
nói làm vậy !. Còn bỏ đi xa biệt không về, nói làm sao !.
Có một nhà thơ mà mình rất thích đọc hồi còn ở quê nhà. Nhà thơ
Xuân Quỳnh. Cô làm nhiều bài thơ tình thiệt là da diết tuy là cô với mình hai mặt hai lời, hai nơi hai chốn,
hai chỗ không từng có nhau. Gặp nhau chắc nói chuyện không lâu. Thơ của cô thì
mình cố tình, dù chỉ dăm ba câu, học thuộc, ưng lắm. Thí dụ như bài, có thể và
như thể, một bài rất Xuân Quỳnh : chỉ có
thuyền mới hiểu. biển mênh mông nhường nào. chỉ có biển mới biết. thuyền đi đâu
về đâu. những ngày không gặp nhau. biển bạc đầu thương nhớ. những ngày không gặp
nhau. lòng thuyền đau rạn vỡ. nếu từ giã thuyền rồi. biển chỉ còn sóng vỗ. nếu
phải cách xa em. anh chỉ còn bão tố. những ngày không gặp nhau. lòng thuyền đau
rạn vỡ. nếu từ giã thuyền rồi. biển chỉ còn sóng vỗ. nếu phải cách xa em. anh
chỉ còn bão tố...thơ của Xuân Quỳnh đã tỏ tình(đời) như vậy gặp( gần mé 50
vở) kịch của chồng cô, là chú Lưu quang Vũ, thì lửa nhóm thêm bùng. Nói là thơ
tình, kịch tính là nói chuyên văn học nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn nói theo kiểu
diễn tuồng diễn giải diễn ngôn để cấu, dán, bắt, mà ví von gần xa, rào đón xa gần
để phơi trần mặt thật xã hội. Vậy là có vấn đề “bức xúc”, cần và phải nên cho biển chỉ còn sóng vỗ. Vậy là sóng vỗ thiệt
tình. Xuân Quỳnh và Lưu quang Vũ nắm tay nhau đi vô cõi vĩnh hằng sau tai nạn
xe ở Hải Dương. Không phải vì lòng thuyền
đau rạn vỡ mà vì xe nhỏ gặp xe to. Bình thường thôi, không nói chuyện thời
cuộc thời đời, nhỏ mà đụng phải to thì chịu làm sao thấu. Mình vốn ngưỡng mộ
thơ Xuân Quỳnh ( chớ chưa dám chắc là ngưỡng mộ cô Xuân Quỳnh) vì nhà thơ viết
nhiều câu thơ tiên tri thiệt muốn quên mà phải nhớ chỉ có thuyền mới hiểu. biển mênh mông nhường nào. Nhân dịp tháng
Tư sắp về tự nhiên nhớ loáng thoáng thêm mấy câu… lòng thuyền đau rạn vỡ…biển mênh mông dường nào…chỉ có biển mới biết…thuyền đi đâu về đâu…
Buồn thiệt!. Những câu thơ nói chuyện tình riêng mà ứng vô cảnh
người đi kẻ ở sao quá não nùng. Tháng Tư vốn đã buồn man dại lại thêm buồn man
rợ luôn. Mấy con cá mập thất ngư ác đức, mấy thằng hải tặc cô hồn các đảng, mấy
cái lòng thuyền đau rạn vỡ chi cho tạo thêm nhiều, quá nhiều oan nghiệt. Tới tận
giờ, hơn bốn mươi năm dài gần bằng hai thế hệ, có biết bao nhiêu người tha
hương không dám ra nhìn biển.
Chuyện vắn chuyện dài tưởng bao năm quên mà quên chi được. Mình
bây giờ có muốn dưỡng râu để vuốt cũng được rồi. Lớp con đang trên đường đi gần
tới sinh lão… Lớp cháu đang lau chau đua nhau măng mọc…Thế hệ mình, theo lẽ tự
nhiên, trở thành đồ cổ. Nghiệt nỗi tuy
mang tiếng là đồ cổ mà không có giá chi trơn. Không có giá, không có nghỉa là
vô giá, đừng có mà tưởng bở. May mà còn có nhiều chuyện chưa lảng quên, còn
chút văn thơ không làm buồn lòng cây bút ( là cây bút hồi xưa, giờ là bàn phím,
gỏ) . Còn, vẫn còn.
Rồi đây, tháng Tư về, còn viết nhiều nỗi nhớ bởi vì mình có quên
đâu !…
Hiên Trăng, 04/2016
tháng 4 22, 2016
Cái Lon Gô
Thơ Tranh : Kim Rossa
nguyên thủy là lon sữa bột hiệu Guigoz
ở tận xứ Hòa Lan mịt mù sông biển
qua xứ Việt Nam bớt chữ xài cho tiện
Tây u gì thêm líu lưỡi, cứ lon gô
khi còn sữa là sữa bột Guizgo
xài hết trơn rồi gọi trỏng là lon gô
đựng muối đựng bột đựng đường đựng mỡ
đựng ôi thôi là đủ thứ hầm-bà-lằng
tới nổi lon gô đeo dính hành trang
khi loa gọi lên Phường mười ngày “học tập”
nói học mười ngày sao lâu dữ vậy
ai biết đâu nà cứ hỏi cái lon gô !
gô ruốc sả gô đường đen gô bắp lớ
theo suốt chặng đường rào kẽm bủa giăng
thời chinh chiến ta có bình bidon làm bạn
buổi sa-cơ-mười-ngày ta có cái lon gô
nước mắt nhớ thương em dành vô đó
mổi đợt “thăm nuôi” qua suối vượt đồi
lon gô có đợt thăm đầy có đợt thăm vơi
nhưng tình em không gian-dối-mười-ngày
ta nhờ cái lon gô để hãm trà cơm cháy
đựng nước tắm trôi những dề ghẻ lở
nấu nhừ sắn khoai những ngày đau ốm
cố nuốt cho qua lấy sức tiếp tháng ngày…
cách gì quên suốt bao năm đày ải
giờ em vẫn còn bên ta dặm đường xa ngái
còn cái lon gô xưa cứu độ đâu rồi !
ơi cái lon gô thân thiết quá một thời
nay tháng Tư về ta thiệt lòng tưởng nhớ
!....
tháng 4 19, 2016
tháng 4 16, 2016
Gô Cám Lớ
ta nhờ gô cám lớ mà sống còn
hay nuối tình em mà ta còn sống
bệnh phù thủng tưởng là không xong
đã bóng gió lời chia ly khi gặp mặt
thôi em về đi nhớ lau nước mắt
đừng để con thơ nhìn thấy nghe em
tim đau nhói mà phù nề ngắt nghẹn
mắt dõi mờ em qua hàng kẽm gai
ta sắp “đi” rồi để mình em ở lại
giỏ thăm nuôi này lần cuối gặp nhau
đuối sức rồi qua những cơn đau
em lại mừng khen dạo này anh mập
khờ quá em ơi mập mạp gì đây
đắng lòng đau cố cười vui mà nén
sống cảnh nhục hèn ta lại quá hèn
không nói thật cùng em lời đau xót
thôi cứ để em mừng vui mặn ngọt
còn đắng cay xin cứ để phần ta
đợt tới thăm nuôi người đã đi xa
người ở lại ta hình dung không nổi…
chỉ trân quý giỏ thăm nuôi lần cuối
đâu có gì chỉ lon gô cám lớ
món quà nhỏ nhưng tình yêu không nhỏ
ta chắt chiu từng muỗng níu tình em
vậy mà mổi ngày cảm thấy êm êm
hình như cơn đau khởi đầu lắng dịu
nước rút dần săn da thịt liu riu
trả dáng ngày nào dẫu nhăn nheo chút xíu
lời bóng gió chia ly chỉ riêng ta hiểu
lời khen vui ngày nào em cứ hồn nhiên
thương hải bể dâu bao nhiêu là chuyện
nhắc chuyện xưa dù sông cạn đá mòn
ta nhờ gô cám lớ mà sống còn
hay nuối tình em mà ta còn sống…tháng 4 09, 2016
Trang Thân Hữu
MƯA TÍM
Ngày 18, tôi bỏ Huế, đi mạng không. Tới 26 tháng 3, ở Sài
Gòn nghe tin Huế chết. Ngồi cà phê quán cóc trước Thư viện Quốc gia tự dưng
nước mắt giọt ngắn giọt dài giữa trưa đứng gió. Ba hôm sau, Đà Nẵng mất. Ngày
ám tối ấy được Luân Hoán khắc ghi trong 4 câu thơ:
“hăm chín tháng ba bảy lăm
chia tay nhau tại Ngã Năm dặn rằng:
thằng nào sống phải nhớ ăn
thêm tô mì Quảng cho thằng chết đi”.
Bạn tôi ai còn ai mất? Tôi không biết, tôi chạy xe về bên hông chợ Tân Định, ăn, và, lùa vô miệng đắng tô bún bò lưu lạc, nhai trái ớt hiểm rau ráu mà nước mắt thôi còn để chảy ra. Chỉ toát mồ hôi, ướt nghe ngói một chữ buồn. Buồn vô hậu. Một tháng sau, màu đỏ liền lạc suốt non sông.
chia tay nhau tại Ngã Năm dặn rằng:
thằng nào sống phải nhớ ăn
thêm tô mì Quảng cho thằng chết đi”.
Bạn tôi ai còn ai mất? Tôi không biết, tôi chạy xe về bên hông chợ Tân Định, ăn, và, lùa vô miệng đắng tô bún bò lưu lạc, nhai trái ớt hiểm rau ráu mà nước mắt thôi còn để chảy ra. Chỉ toát mồ hôi, ướt nghe ngói một chữ buồn. Buồn vô hậu. Một tháng sau, màu đỏ liền lạc suốt non sông.
Lại thất tán, lại đổ vỡ, lại thiếu hụt, lại tù tội, lại
kẻ ở người đi. Sau bốn năm đầy tai ương, tôi chịu cúi đầu vĩnh viễn xa đất mẹ
chưa phút giây nguôi hận thù. Lần này không nhớ tháng ngày, chỉ biết đêm không
trăng sao, gió lạnh và sóng lớn. Thuyền nhỏ trôi hơn hai tuần thì đến được Hồng
Kông, Hớn Cỏn, Hương Cảng, Cảng Thơm. Và một trang đời chính thức được lật qua.
“Em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười”. Cười thì quả có
cười thật, nhưng ngạo thì… dạ mô có. Em cũng biết thân biết phận chớ bộ, tại
bây chừ lý lịch em mang: Vô tổ quốc.
Xa xứ, do đẩy đưa duyên phận, tôi quen được lắm anh chị
đồng hương hoặc đôi người có cảm tình với Huế. Mới đây thì biết thêm anh Đỗ
Xuân Tê viết văn, anh Trần Huy Sao làm thơ. Bàn viết lữ thứ (chữ của Mai Thảo)
cả hai vị đều ở tận tiểu bang California, khác đất nước và địa lý thì xa muôn
trùng nên chẳng thể sớm chiều hẹn hò tay bắt mặt mừng (bán trời có văn tự).
Anh Đỗ Xuân Tê chỉ là khách phương xa lỡ nặng lòng với
đất Thuận Hoá. Để minh định anh trích dẫn thơ của Trần Kiêu Bạc trên bài tản
mạn “10 năm biết Huế” :
“Mai mốt về ôm lòng đất Huế,
Mượn Huế ai làm Huế của tôi”.
Mượn Huế ai làm Huế của tôi”.
Không che dấu cảm tình dành cho vùng gần sát địa đầu giới
tuyến kia, anh ghi ra những cột mốc khi ghé ngang, dừng chân như thứ duyên nợ
“chiều chiều trước bến Vân Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm..”: Đầu tiên là
mùa Thu 1965, kế đến là Mậu thân 68, mùa Hè 71, mùa Hè 73… và cuối cùng vào năm
1988, trên chuyến tàu Bắc Nam chở khách tang thương, ghé nhà ga Huế vào nửa
đêm, ăn được tô bún bò ân tình khi O bán bún nhìn và hiểu ra thân phận của
khách để từ chối việc nhận tiền. Nhà văn Đỗ Xuân Tê tả cảnh Huế chìm trôi trong
sương khuya, buồn lặng. Và anh chấm câu: Rồi thì xa Huế vĩnh viễn. Một sĩ quan
vì công vụ phải đến Huế làm việc ngắn ngày trong nhiều thời điểm, 23 năm sau
người sĩ quan ấy mang thân tù tội vừa được trở về quê cũ, ghé ngang Huế xưa,
sương giăng hấp hối tiễn biệt.
Nói tới Huế, vua Tự Đức từng xuất khẩu thành thi: “Tứ
thời giai hữu hạ, nhất vũ tiện thành đông”. Hè suốt bốn mùa, mưa một trộ biến
thành mùa đông. Nghĩ về Huế, hầu như chữ dùng ai nấy cũng đều váng vất chút
buồn. Như ruốc buộc phải nêm vô nồi bún bò giò heo (màu không trong như tô
phở). Nói rứa thì e mang tội là vơ đũa cả nắm. Anh Trần Huy Sao, dân cố đô thứ
thiệt, hình như biệt lệ. Thơ anh tách biệt với thứ không khí rất “căng” của
Trần Vàng Sao:
“Bây giờ tôi đủ tuổi tôi
Nam mô di Phật một đời như không
Ra đường tôi đứng trời trồng
Ốm o xo bại tưởng chừng đứa điên”.
…..
Nam mô di Phật một đời như không
Ra đường tôi đứng trời trồng
Ốm o xo bại tưởng chừng đứa điên”.
…..
“mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”.
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”.
Thơ Trần Huy Sao dung dị, bình thường, nặng tính tâm sự,
nhưng vì “đời thường” như rứa mà chữ nọ biết đi thẳng vô rọt, vô gan, nghe
thương dễ sợ:
“sáng hôm ni thiệt là sáng giựt mình
thấy hình o mô ở trên phây-bút
o mô ri hè ngó quen quá sức
ngó một thôi một đỗi, té o Mười!”
thấy hình o mô ở trên phây-bút
o mô ri hè ngó quen quá sức
ngó một thôi một đỗi, té o Mười!”
“hồi về xóm nhỏ giú cái mặt
không thôi ai ngó cũng thất kinh…
…
mụ nội cha bây đời thương hải
để người tau yêu khóc quá trời”.
không thôi ai ngó cũng thất kinh…
…
mụ nội cha bây đời thương hải
để người tau yêu khóc quá trời”.
Cũng hậm hực, cũng bất bình nhưng dễ lòi ra tâm địa của
người miệng hùm mà gan sứa. Giận lẫy ba lơn rứa thôi chứ lòng này lành như hòn
đất. Thơ anh Trần Huy Sao có nhiều chữ duyên dáng vì đặt nó đúng chỗ. Không
phải ai cũng có được chữ “khoèo” như anh:
“Huế mình lên núi qua đèo
Vượt truông trấn ải cũng khoèo ớt theo”.
Vượt truông trấn ải cũng khoèo ớt theo”.
Những khung cảnh của Ban Mê Thuột, Đà Lạt với nhiều kỷ
niệm qua thơ của Trần Huy Sao trở thành một dương bản êm đềm chứa nhiều thi vị
dễ mềm lòng khi ngắm lại. Ngoài tài nghệ là phó nhòm chụp bắt cảnh trí những
địa danh, Trần Huy Sao còn là một đầu bếp giàu kinh nghiệm. Tô cơm hến, tô mì
Quảng, bánh khoái, bún bò qua chữ viết “đắc địa” đã trở thành món “đặc sản’ của
riêng thương hiệu Trần Huy Sao. Đọc thơ mà thấy thơm ngon, tài nghệ ấy xưa nay
hiếm. Trong một đoản văn, Trần Huy Sao viết như thế này, có phải “chết người”
không?: “..Với nồi cá kho rim là rim tới đúng độ ngả màu là thè thẹ lửa riu riu
cho lai rai vô tới Huế”.
Duyên dáng quá! Thè thẹ. Huế mới gớm! Người xứ khác chưa
chắc hiểu ra. Một đôi chỗ, anh dùng chữ “ngạ”. Nói không ngạ tương đương với
“làm sao nói cho hết đây”. Hoặc “nói răng được”? Nhiều thức lắm, ăn không ngạ!
Huế đã đành, mà phải Huế xưa mới thấu hiểu. Chụp ảnh rồi, nấu nướng cũng xong,
thì giờ còn lại anh cặm cụi dệt vần thương yêu cho gia đình. Ba đảm đang hơn cả
những gì người ta mong đợi. Con gái mới sinh cháu, ông Ngoại mừng vui bằng bài
thơ ca ngợi hạnh phúc khi về già. Con trai đi xa, làm cha viết xuống tâm cảm
đắng lòng. Cô Út lấy chồng, ba lăng xăng tìm lời chia mừng bằng sáu, tám, bằng
thất ngôn, bằng lượng sóng cao bên ngoài eo biển San Diego…
Tôi sẽ rất trẽn nếu có ai hiểu lầm tôi mon men làm chuyện
bình văn thơ. Dị òm vì biết mình mô đủ khả năng, nói bâng quơ về cái duyên đẩy
đưa thì hoạ may. Tự dưng đến một lúc quen biết thêm hai ba người bạn văn, ấy
không phải là điều vui thú sao. Khi vui, lỡ nói điều không phải thì chuyện ấy
cũng dễ thứ tha. Khi buồn cũng vậy, mấy mươi năm rồi, nhớ về Huế cách trở lòng
còn nặng mang vết thương u uất cũng là điều dễ cảm thông.
Ngày cuối thầm lặng chia tay Huế, tôi đi mạng không. Năm
tháng trôi qua, các anh chị “đồng bệnh tương lân” đã cho tôi hưởng ké nhiều
hương liệu cuộc sống. Huế không chỉ có mù u, hoa phượng, khuynh diệp, sầu đông,
sen, sứ… mà Huế còn chất ngất những mùi vị khác toả lan qua chữ viết thập bát
ban võ nghệ “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Bây giờ tôi giàu hơn xưa,
hành trang nặng lòng, cám ơn những người đồng hành trên bước đường lưu lạc. Hẹn
gặp nhau ở Huế khi chốn ấy chỉ toàn cả người tử tế. Nói không ngạ, cười chưa
bưa và thè thẹ nhậu lai rai dưới trăng thanh gió mát. Anh Đỗ Xuân Tê và anh
Trần Huy Sao có đồng ý không?
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn : www.sangtao.org
Nguồn : www.sangtao.org
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)