tháng 3 20, 2015

Tháng Đành Hanh

 
Nhiều khi muốn ngồi một chặp lâu, viết một điều gì đó, về một khoảnh thời gian không gian đặc biệt đáng nhớ rồi cũng đáng đời để mình sẽ quên, hứa là quên. Mà quên chi cho nổi. Có bài hát lâu rồi mình không nhớ tên chỉ nhớ đâu được câu : người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Thần sầu!. Tâm lý con người có quá nhiều mâu thuẩn giống như cái mâu chém xuống, cái thuẩn đỡ lên, tóe lửa. Cái nhớ chém, cái quên đỡ, hay ngược lại cũng vậy thôi. Triền miên khuấy động làm cho con người cứ manh động vòng vo trong cõi đời phù vân.

Như là cái Rựa để đốn cây chẻ củi, giờ nhắc lại mấy ai còn nhớ là vật bất ly thân khi vô rừng đốn cây khi ở nhà chẻ củi. Thời buổi lò gaz than điện, cái Rựa đã bỏ cuộc giữa đường để an phận rủi may trở về khoảng cách nhớ quên. Có nhiều khi không cố quên mà lại càng quên thêm mới hiện ngụy. Mình thì không dễ quên cái tháng đành hanh bên cái Rựa. Đó thiệt đúng là người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Bốn-mươi-năm rồi, kể từ khi có cái tháng đành hanh. Người thì từ rừng cầm súng về thành phố. Người thì từ phố cầm rựa vô rừng. Ác nghiệt. Đành hanh.

Quên chi nổi con dốc Trời dựng đứng, dòng suối Cam Ly êm đềm xuôi chảy từ bao đời giữa rừng Dẻ, rừng Ngo bạt ngàn. Cha nói thôi mi về được đây rồi thì tìm kế sinh nhai, bạn bè một thời xuôi ngược e chừ chắc chỉ còn cây Rựa. Ngồi thở mệt lưng dốc Trời bên bó củi, bên khúc cây, mình với cây Rựa ngó nhau nhớ lời Cha tiên tri, thôi cứ đắp đổi qua ngày bên vợ con. Bát cơm độn sắn khoai có độn thêm vô tình yêu thương chồng vợ cha con là may mắn là đầy no lắm rồi. Có nhiều hoàn cảnh tan nát chia lìa thê thảm, kêu trời không thấu kêu đất không nghe. Mình còn có cảnh vợ chồng chiều hôm chùm hum thổi lửa nấu nồi cơm độn, nồi canh rau hái mót dọc bờ mương, hàng giậu. Còn có con xoa hai bắp chưn tong teo như hai ống tre thổi lửa, đấm cái lưng mỏng lét trơ hai cục xương như hai hòn sỏi bọc da. Thời buổi chỉ cầu có cái ăn để sống, sống để được chia khổ cùng nhau. Miễn có nhau là thấy đủ rồi, còn đòi chi nữa.

Đời là bể khổ, vượt qua được bể khổ là qua đời. Vế đầu thì quá đúng, vế sau thì quá tào lao.  Ai ngu chi vượt qua bể khổ để rồi nhận thù lao một kết quả bất ưng. Con người tận cùng sâu thẳm vốn manh nha ý đồ tham sanh úy tử. Thôi thì cứ bơi trong bể khổ để sống khổ cùng nhau. Chỉ cầu ăn no không cầu ăn ngon. Chỉ cầu mặc ấm không cầu mặc đẹp. Cầu vậy mà đâu được vậy. Đói nhe răng, lạnh thót…bụng ( là nói tránh né không dám nói dạn miệng, bất nhã). Vợ mình vốn là nhà giáo, xuống danh hiệu là nhà giáo lưu dung, được đi dạy đang đi dạy thì bỗng nhiên mất…(chữ sau quá hồ đồ, quá xúc phạm nghề cao quý, xin được không viết). Túng quá, nhảy ra chợ Trời mua qua bán lại một thời gian cụt vốn, bỏ cuộc chợ. Trong lý lịch trích ngang của phường chợ , không ghi trên giấy, chỉ in chuyền trên miệng mấy tay đầu nậu chợ Trời. Đại khái gốc gác vốn là nhà giáo nên lời nói không có dáng con lươn, miệng mồm chắc chưa từng quen ăn kẹo mạch nha, kẹo kéo, dáng-đứng-bến-chợ na ná có họ hàng chi đó với con cù lần.

Dáng đứng cô giáo vốn là trên bục giảng. Vậy là lui về ở ẩn trong cái quán liêu xiêu dựng trước nhà, bán cà phê sáng, bán bánh kẹo ngày. Mình với thằng con lớn cùng đứa bạn của nó lại cầm cây Rựa vô rừng đốn cây, chặt sậy về dựng quán. Quán dù chút xíu nhưng phải xin phép của Phường không thôi sớm dựng, chiều dẹp. Buổi sáng bán cà phê thời trang cái nồi ngồi trên cái cốc, có nhạc thính phòng tiếng nghe khèng khẹt từ cái cassette cà giựt. Lâu lâu mở hé chút tiếng hát hàng ngoại Ngọc Lan, Kim Anh… Tiếng hát hàng nội Bảo Yến, Nhã Phương…thì thoải mái. Khách khá đông, khổ nỗi, ghi sổ nợ mạnh tay quá chừng. Suốt ngày, ngồi bán bánh kẹo và…ngáp gió. Một thời gian, xập quán. Cuốn sổ nợ, không từng xập, mà ngập…Gió rồi mưa cũng giập vùi cái quán liêu xiêu lây lan qua cái nhà vách ván mái dầu, nắng thì hở khe mưa thì mái dột. Sáu mạng người, thêm con Bi dễ thương và tình nghĩa, còn có thêm cái hồ non bộ nuôi mấy con cá vàng hồn nhiên bơi lội. Có thêm nữa, là chiếc xe đạp già chưa từng thấy. Gia tài còn lại của mình sau một cuộc đổi đời chỉ có bấy nhiêu. Xập quán rồi, gia tài còm cỏi co rút lại nhúm ít oi, thiếu vắng, thiếu hụt…

Dáng đứng cô giáo cũng không là trong quầy ly tách cà phê. Vậy là chui tuốt vô nhà làm bánh đi bỏ mối các quán. Bánh bi chiên giòn giòn, bánh phục linh, bánh kẹp…Tối lui cui làm bánh nhà, sáng sớm xuống lò bành mì lấy bánh đi bỏ kèm. Con dốc Ngô Quyền dài lên tới đường Thi Sách một dạo, tự nhiên nổi tam bành lục tặc mọc lên nhiều quán ngó mà phát hoảng. Quán liêu xiêu giống quán nhà mình, bạ đâu đơm đó, rứa thôi. Không biết rồi bán cho ai, ai là khách hàng tiếp hơi, để quán có cơ may trụ lại với thời gian. Mình hồi đó cũng còn giữ chút tiếu lâm, thầm đặt tên cho những quán này là quán xập. Quán xập (xệ) rồi tới quán xập, cũng đồng âm đồng nghĩa như nhau. Bạo phát e rồi bạo tàn, chẳng qua đói quá làm quàng đó thôi. Nghỉ ngợi tiếu lâm như vậy mà cũng đúng là vì, hồi nẫm hồi nào, suốt dọc đường Ngô Quyền của xóm nhỏ mình đã có mấy quán thuộc hàng trưởng lão. Tính từ lưng đầu dốc là quán của ông bà Trùm Chạp ( cha sinh mẹ đẻ anh Huỳnh Chùm, là nghị viên thành phố trước đổi đời, là nhà thơ, nhà chơi cây cảnh non bộ, nhà nhiếp ảnh, nhà viết thư pháp Duy Việt, sau đổi đời). Tới giữa dốc là quán bà Ba Cương. Tới cuối dốc là quán mệ Cai Hoành. Bắt đầu lên dốc (tiếp) tới giáp mí đường Thi Sách, không có quá nào hết trơn, và, hết trọi. So ba trưởng lão thì trưởng lão quán mệ Cai là đạt giải cúp vàng. Bởi, vì, sau đổi đời vẫn không xập xệ xập xình xập quán. Còn mấy quán tự phát ( rồi ) tự tàn thì cứ cho tàn nhang, cũng được, tàn than, cũng được, tàn mạt, cũng được. Tàn trầm hương xưa nhớ lại…Hương trầm hương nhang tàn, dẫu đậm, rồi phai. Có điều khi đi bỏ bánh nhờ cậy bán giùm, mười phần trăm hai mươi phần trăm cũng được, mệ Cai cứ tính đều sòng phẳng như bao người bỏ mối. Ồ, mà mình quên nói, là mấy cái quán mọc nấm quàng xiên trên dốc Ngô Quyền ở cái xóm Cây số Bốn của mình hồi đó. Cuối cùng tàn rụi thê thãm quá chừng…

Mình hồi đó thất chí sa cơ nên cứ quơ quào đủ dạng. Có anh Đạo, làm chức lớn lắm, là chức  cai trường Bạch Đằng nơi vợ mình đang (còn hồi chưa mất…) dạy. Anh cai trường nói tình thế này  là phải đi đãi vàng mới có cơ may cứu đói.  Anh còn nói là đang thống soái (ồ sướng quá, rứa là anh lên thêm chức cao tận nữa ) đám thần dân  của anh chuẩn bị gạo nè, mì gói nè, cá khô nè, cà phê nè, rượu thuốc nè, vô vùng đất đào hầm lấy sái  gạn đãi lấy vàng. Đồ nghề chiến đấu là dao, xẻng, cuốc, sà beng, bạt ni lông, mâm đãi. Phải có thêm cái Rựa nữa, đừng quên. Đám thần dân của anh nào có ai đâu, chỉ là đám con anh ( cháu Hùng, cháu Dũng với mấy cháu nữa, không biết con cháu nhà ai trong xóm, mong ngày xóa đói giảm nghèo theo cha  nếu như trúng hầm thì no, mo hầm thì đói. Có chú Thành ( chồng cô Hà, đứng lớp bên kia (vợ mình bên này) ở Trường Bạch Đằng hồi nớ, cũng nói y chang). Vậy là thôi, cứ chia ra làm hai phe. Thằng Trí, con đầu lòng của mình, cứ đi đi, đi về phe bác Đạo. Còn Ba, con út của ôn Nội mi, đi về phe chú Thành. Ba với con phải cố hết sức mình, cứu đói. Rứa mà đói hoàn nguyên đói. Còn ác nhơn, thối lại cho mình cơn sốt rét rừng. May là con không vướng nạn xập hầm, không sốt rét rừng, không nhiểm mùi bia rượu. Không chi hết trơn, vẫn cứ mạnh cui đói bạo lui cui lục nồi cơm nguội. …

Mình có quên đâu. Cây Đa bến cũ con đò năm xưa. Quê mình hình như thổ ngơi không hạp với cây Đa, nên ít hay không thấy cây Đa, chỉ có cây Mai thôi. Cũng không có sông, chỉ có suối, nên làm chi có đò xưa trên bến cũ. Cây Mai nhà cũ con suối ngày xưa. Dẫu gì cũng chỉ là hình tượng vay mượn để nhắc nhớ lại đó thôi. Cây Đa, cây Mai, dòng sông, con suối, bến đò làm chi cho khát đói tình nhau. Một thời tưởng như là đã lảng quên cho sắp tới đây, tháng-đành-hanh, lại về. Bốn mươi năm dâu bể tang thương . Hai nươi năm xa xứ đoạn trường. Con người có một thời để yêu và một thời để chết. Yêu, xin không chỉ là riêng tình yêu hai lứa. Làm ơn lớn rộng hơn chút xíu coi. Là tình yêu quê hương, tình yêu nồi cơm khoai sắn độn, tình yêu cạo nồi mót cháy, tình yêu lặng thầm ngó nhìn nhau nồi cháo lỏng, tình yêu nắm tay nhau bước lên thang máy bay tới một vùng đất lạ.

Tình yêu nào, thủy chung, vẫn là tình có nhau, yêu nhau.
Còn, nếu nói có một thời để chết !.
Thì chết thôi, chết ngắc chết chắc, chết ăn theo định luật hữu sinh hữu diệt. Ai có cãi chày cãi cối đâu. Nhưng tình yêu thì không chết, dù con người sẽ chết sắp chết chờ chết rồi chết, vẫn có quyền riêng tư, đem theo.

Tình yêu là bất hoại bất diệt…..

 Phòng Văn, khuya 19/03/2015

Không có nhận xét nào: