tháng 3 24, 2015

Làm Chi Quên Được....

Nhìn qua con dốc đã thấy nắng thoi thóp, rừng Ngo chớm màu đen, đàn chim xao xác gọi đàn tìm về tổ ấm, tiếng suối chảy chen lấn xô nhau nghe rõ từng chuỗi âm vang chảy dài giữa yên tỉnh chiều. Lát nữa đây rồi mới thấy cảm giác ớn lạnh rùng mình phát sợ cảnh đêm rừng một mình giữa bốn bề hiu quạnh. Muốn dợm về mà còn tiếc chút mồi câu. Mớ cá rộng trong cái oi dìm xuống nước, xao xác quẫy, chắc là cũng bộn rồi. Một ngày đi câu có vẻ thành đạt. Mà sao chiều rừng buồn quá chừng quá đỗi vậy nè. Mà sao ráng chiều đón mây bay về hướng núi mịt mù xa in như tuồng có tậm tư trĩu nặng. Cá cắn mồi chìm phao, mình nhấp nhẹ cái mà thấy nặng đầu tay, đầu cần câu cong vút. Vạt nước rẻ ngang một đường vòng rồi khựng lại, rồi giạt xa, căng cước.  Căng tới chừng muốn đứt. Ba mình có dặn là khi nào cá cắn mồi đau mép thì hắn sẽ rướn người phóng tới. Đừng giựt mạnh, đứt cước. Phải kịp rướn người lên, đưa tay dài ra cho  dây câu thả lỏng. Nó nhứt định sẽ quay một vòng sau cú quẫy mình đau chịu đời không thấu. Đây chính là phút giây quyết định. Nếu giựt mạnh, là tức thì đứt cước. Nếu thả lỏng, thì cơ may giữ lại con cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gở. Mình nhớ lời thầy dạy nên gở được con cá giữa trời chiều suối Cam Ly hạ. Thời buổi gạo châu củi quế mà có được con cá Chép vàng lườm, bự chảng, chỉ ngó thôi mà mừng muốn xỉu.
 
Buổi họp tổ dân phố mình cầm bảng kiểm điểm đọc trước hội trường, bên cạnh có anh Giai anh Tráng công an khu vực, có chú Năm Chạy tổ trưởng an ninh, có chị Bảy Hòa tổ trưởng phụ nữ, có bác Ba Hồ bí thư chi bộ, có thầy Ba Ninh mặt trận tổ quốc, có chú Ngọc phó phường, có chú Đức đoàn thanh niên, có mấy thằng em, hồi nào nhỏ xíu, giờ  đeo băng đỏ trong đội tự vệ, và, có súng. Mình có khai báo là tuần qua có đi ra phố một lần, lý do là vợ tôi dắt đi cho ăn một tô mì hoành thánh ở gần rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp, có xin anh Tráng và được anh đồng ý cho đi ( thiệt ra thì ăn đắp bồ hai tô vì quá thèm trong khi bà xã nhứt định nhịn thèm, ngó mình ăn mà rơi nước mắt). Có trồng được hai vồng đậu ve, mấy cây cà chua, nuôi một con gà em gái là cô Sương cho ( gà mới vừa trẩy mỏ, còn nhỏ quá không biết trống hay là mái nên chưa khai báo kịp thời, xin được báo cáo tuần sau). Có vô suối Cam Ly hạ câu cá một lần, cá ăn mồi ít quá nên về chỉ được vài con thôi (còn con cá Chép tổ chảng, giấu, không khai ra sợ thêm phiền). Bà con mấy tổ dân phố nghe đọc bản kiểm điểm có người cười rộ cười vui cười lau nước mắt, có kẻ cúi gầm mặt, nín thinh. Chỉ có chú Năm Chạy nói rồi tới chị Bảy Hòa nói là xác nhận lời khai báo thật thà vì hàng ngày có từng đi qua đi lại dòm thấy rõ ràng có hai vồng đậu thấy mấy cây cà chua thấy con gà nhỏ xíu chạy tìm ăn muốn xỉu. Vậy thì thông qua. Thư ký buổi họp vội vàng cầm xấy giấy, đọc Nguyễn, Trần, Lê, Lý...rồi kèm theo tên gì đó, lên đọc bản kiểm điểm.
Mệ Miên có dặn là con đi mô nhớ là phải khai báo không thôi phiền hà lắm. Hồi trước khác, bây chừ khác. Nhớ đừng làm chi để khổ vợ khổ con. Mình có làm chi đâu, chỉ làm thinh. À, lâu lâu có làm tình. Chú Năm Chạy, chị Bảy Hòa có đi rỏn đi rình cũng mần chi mà thấy đặng. Tối lửa tắt đèn dầu, có Trời chứng giám. Mạ vợ thì dặn là trong thời gian quản chế tại gia con cứ trồng trọt chăn nuôi được chừng nào hưởng chừng đó. Ăn uống Mạ lo (cũng) được chừng nào hay chừng đó. Nghe Mạ nói mà mình muốn khóc. Vợ mình, đang được hồng ân ban phát còn được là cô giáo lưu dung, thì đêm đêm bên trang giáo án miệt mài. Dùi mài đèn sách mười mấy năm trời, rốt ráo, cố vận dụng mấy năm đào ra nghề xới ra nghiệp để giữ dáng đứng một thời, kẻo không thôi là, mất…dạy!.
Mấy đứa con đang học dở dang thì cách nào cũng hà hơi tiếp sức cho tụi hắn tiếp tục hành trình. Cũng tới đâu hay tới đó. Biết chắc là chỉ qua ngưỡng Trung học, là cùng. Lên tới Đại học là có vách ngăn có rào chắn. Vậy là mất học chớ đâu phải là thất học. Thằng con lớn đang sức học mà phải đành bỏ trường học ra trường đời. Đứa con gái thứ hai cũng đành bỏ học chữ để cố học nghề, lo dọn mình tranh sống. Chỉ cầu có được miếng ăn thôi chớ sách vở ích gì cho buổi ấy. Đến như anh Liêu, anh Tính, anh Toàn ở xóm mình vốn là thầy giáo từng đứng mòn bục giảng thuở giờ cũng buộc phải tháo giày. Thấy rõ chuyện đó mới giải phá thành sầu con cái mình mất học là chuyện bình thường. Khổ cái là mất cái bụng chứa chữ chớ có mất đâu cái bụng chứa thức ăn. Nói nghe ra ốt dột mà thiệt tình không thể nói hơn.
 
Mệ Sáu Chu nói chừ con về được tới nơi rồi tính ở mô đây. Ở với Ba con hay là ở với Mạ vợ. Câu hỏi này nằm trong diện chính sách, không nằm trong tình cảm nên con không có đường nào chọn lựa. Mệ biết sao không ?. Tại vì hồi trước, lo ngược xuôi bốn vùng chiến thuật, gởi vợ, con ở nhờ nhà Mạ vợ, có tên trong Sổ Gia Đình. Rồi tới hồi sau, loanh quanh qua nhiều Trại, vợ, con vẫn còn khai báo ở nhà Mạ vợ, trong Sổ Hộ Khẩu. Khi con về được được tới nơi rồi thì Sổ Gia Đình đã hóa thành ra Sổ Hộ Khẩu. Con chỉ là thằng đeo bám Hộ mà không có tên trong Sổ, cũng mất quyền Khẩu luôn. Con thuộc “diện” quản chế.  Lâu mau tùy mức độ giác(hơi) ngộ(độc) qua đằng đẳng hành trình khai báo, kiểm điểm trước tổ dân phố, hàng-tuần-hàng-tháng-hàng-năm, để được bà(nội) con(mẹ) chứng nhận là thiệt(lưỡi) tình(cảm) khai báo qui hồi với quần chúng nhân dân. Phải mất đâu chừng, chín năm, con mới được phục hồi để có quyền được (ngồi) họp tổ dân phố mà không phải (đứng) đọc bản kiểm điểm. Nói rứa để Mệ biết là con mất  quyền chọn lựa. Ở đâu đó đừng có mà chộn rộn thêm phiền. Con ở với Mạ vợ, Mệ ơi !.
 
Phiền nữa là nhà Mạ vợ đông người, thêm nhà mình thì nhét không còn có chỗ. Mạ quyết định cho riêng một khoảnh đất bên hông để mình tự lo tự liệu để có nơi ra có chỗ vô mà tránh né nắng mưa. Vậy là Ba mình xuất hiện như ông Bụt cứu khổ cứu nàn đời con cháu. Ông xưa vốn tay nghề thợ mộc rồi rượt đẳng cấp đuổi bắt thăng hoa lên nghề thầu khoán. Nay gặp thời thế e là phải thế, chắc bắp nếp,  không ai xây nhà nên trở về ngồi ngó trời ngó đất. Ngó một đỗi thấy thằng con “bức xúc” nên mới xắn tay áo trở lại nghề xưa cho kịp thời cứu khổ cứu nàn. Muốn cứu cấp kỳ nhưng đâu có được. Phải chờ. Chờ thằng con vác Rựa lên rừng đốn cột đốn kèo. Chờ hắn “đăng ký” lên tổ hợp Ánh Sáng tiếng mua mà phải canh chừng giành giựt từng miếng gổ giát mỏng mụn mằn tính giá rẻ, đem về dựng vách. Chờ mình đi tìm cho ra những cuộn giấy dầu mỏng nhánh giá rẻ, đem về lợp mái. Chờ lâu lắm là lâu mới đủ để có cái nhà tránh nắng trú mưa.
Ba mình tự nguyện bỏ nghề thầu khoán, trở về nghề thợ mộc cưa đục xẻ bào. Không nói  khi bận rộn, khi rảnh rỗi, hai cha con ngồi nghỉ mệt bên nhau mình rót cho Ba ly rượu rồi tự rót cho mình một ly. Hai cha con giữa đời khốn khó, cười khan ly rượu tình. Mình nói hình như rượu có pha thêm nước phải không Ba. Ba mình cười, nhấp chút phân vân, rồi uống ngọt. Câu nói ngắn, gọn mà mình cứ nhớ hoài : Rượu thôi, con !. Hồi đó, nghĩ không ra. Nay bạc tóc bạc râu như Ba hồi nớ mới nghĩ ra là rượu nguyên không pha hay rượu pha không nguyên, nguyên thủy, cũng rượu. Chỉ là cách uống. Nồng cay nhạt do mình. Hóa ra là Ba không uống ly rượu mà Ba uống ly đời. Câu chuyện dặn dò triết lý sâu xa thôi đừng nhắc nữa, mình chỉ thiệt thương thiệt nhớ hình ảnh hai cha con ngồi bên nhau giữa cưa, đục, bào, đinh, búa, mạt cưa, dăm bào. Mình uống với Ba mình ly rượu ngày đó, rồi chia xa. Thiệt là nhấp chút phân vân, rồi uống ngọt. Nhớ quá chừng quá đỗi, hình ảnh con ngồi bên Ba ngày xót xa rồi ngày chia xa…

Nói chuyện chơi chơi giỡn giỡn vậy mà cũng bốn-mươi-năm. Gần hai thế hệ. Nơi mình ở bây giờ cũng nóng nhưng không nóng bằng nổi nực tháng Tư xưa. Nóng. Nực. Nghe bộ nực hàm ý hơn nhiều.

Mình thì nói chi cho ngạ. Viết chi cho ngạ…Những năm tháng và cả những người không thể nào quên…

Bốn mươi năm !. Mình viết mới chừng ni(tấc) là dè xẻn(đè nén) lắm rồi !!!
Hiên Trăng 24/03/2015

3 nhận xét:

Dã Quỳ nói...

Lão Gia làm con nghẹn ngào theo rồi nè.

Trông hình Lão Gia ngày đó còn đỡ hơn Bố con. Bố con khi về, nhìn chẳng khác bộ xương cách trí là mấy. Lúc đó, lần đầu tiên thấy mặt Bố, con sợ quá, khóc thét, trốn mất tiêu luôn. hic ..hic ...

Trần Huy Sao nói...

...là sau khi được "bồi dưỡng" hai tô mì đó thôi !...

Dã Quỳ nói...

Lão Gia còn có "hai tô mì" để "bồi dưỡng". Chứ hồi đó, nhà con toàn khoai lang với khoai mì không hà. (bởi dzậy nên đứa em gái kế của con, tên ở nhà là Mỳ Lang đó) :) :)