tháng 3 29, 2015

HÌNH ẢNH


Ra Biển Chụp Hình


 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                   hôm qua ra biển chụp hình
chụp cho tới nỗi giựt mình thất kinh
biển thì đứng lặng một mình
mượt cho ai sửa dáng tình chụp chung
                      
                     sóng xô bờ bãi nghìn trùng
nắng chia hai phía chập chùng bủa vây
cứ tay nắm lấy bàn tay
tha hồ giữ dáng bủa vây cuộc tình
                     
                      nhớ đừng cười chỉ một mình
rủ rê thêm nụ cười tình chia nhau
phải hai cười ảnh mới màu
còn không thôi ảnh héo xàu hết trơn
                      
                  vậy là cười tới biển luôn
hèn chi nắng cũng vàng lườm mây bay
hèn chi biển đẹp như vầy
    hai cười hẹn gặp còn lâu mới buồn !...

                     
                   Hiên Trăng 29/03/2015

HÌNH ẢNH


tháng 3 27, 2015

Tháng Tư Đời Lưu Lạc

 
Bốn-mươi-năm chan mặn đắng cay dòng đời. Tìm vị ngọt không ra. Tìm vị bùi không thấy. Cay đắng thì có, ngọt bùi thì không. Chuyến bay đêm hai-mươi-năm-tám-tháng trước, cả nhà hối hả đi tìm ngọt bùi. Mình diện cái áo vest đàn bà, vợ mua giá rẻ ở cầu thang chợ trời đà lạt. Thắt chiếc cà vạt đàn ông. Ôm kè kè cái cặp cán ngố, đựng hết thảy giấy tờ hồ sơ chứng nhận được phép bỏ quê cũ tới quê mới. Xuống tới phi trường San Diego, mọi người đón, và cười. Tưởng là cười vui, sau này mới biết, là cười ngộ. Sau này nữa, khi ngồi nhàn cư nói chuyện thời trang ăn mặc xứ người, biết ra lẽ sự mới hối vợ, hối các con cùng cười cho vui chuyện đời lưu lạc. Tới tận bây giờ, mổi khi nhớ lại, còn cười. Hồi đó người ta cười ngộ(nghĩnh). Bây giờ cả nhà cười ngộ (giác). Ở lâu mới biết nam nữ tuy bình quyền nhưng áo quần không có quyền mặc bậy. Mình lỡ mặc bậy một lần, giờ, không từng mặc vậy lần hai.

Mình viết bài này không phải để kể chuyện dông dài khi tới vùng đất mới mà chỉ kể lại chuyện quê nhà trước lúc mình bỏ đi. Chuyện ngắn chuyện dài cũng loanh quanh tình làng nghĩa xóm như là một lời tạ ơn nơi mình đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi, cuối cùng, bỏ đi không về nữa !. Biết nói như vậy là quá đoạn tình đoạn tuyệt  nhưng vì hoàn cảnh biểu mình xúi mình,  nên không thể làm chi hơn được. Đã từng chịu-đời-không-thấu trên chính quê hương làng xóm mình suốt mười-chín-năm nên mình muốn đi, không thèm không muốn không ưng ở nữa. Là kể chuyện cho thỏa lòng, ở vùng đất mới họ nói là xả stress để không thôi không khéo lạc vô hội chứng trầm cảm rồi hóa ra bệnh nan y khó chữa ngang tầm với bệnh ung thư. Cái khác nhau là bệnh ung thư có tiến trình thứ tự tới thời kỳ một, hai, ba, bốn, là đi. Bệnh trầm cảm thì dễ sợ hơn, không có thời biểu nào, chỉ tự mình giải quyết chuyện ra đi sớm muộn của mình. Sách vở y khoa còn lưu ý là bệnh trầm cảm rất khó chữa trị. Cần tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn tới trầm cảm mới có tác dụng tốt. Đọc vậy, nghe nói vậy mà ớn da gà. Mình thì đang ở độ trầm tư, chưa là trầm cảm.

Hồi đó đàn anh đàn chị còn chu mỏ học thuộc lòng tam tự kinh nhân chi sơ tính bổn thiện, ấu bất học lão hà vi. Tới thời mình thì kinh điển là bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư do quý ông Trần trọng Kim, Nguyễn văn Ngọc, Đặng đình Phúc, Đỗ Thận cùng biên soạn. Bộ sách gồm ba quyển cho lớp đồng ấu, cho lớp dự bị, cho lớp sơ đẳng. Tới năm 1939 thì đã in tới lần thứ mười ba cho thỏa lòng mến mộ. ! Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ theo lối tranh khắc trên gỗ. Nét vẽ chân phương phản ánh nội dung chứa đựng trong bài. Bộ sách được chính thức đưa vào chương trình giáo dục và cũng là kim chỉ nam cho lớp trẻ noi gương. Liên quan tới bài viết này, mình thấy có bài học Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả thiệt là đúng tâm trạng người bỏ quê hương mà đi. Bài học có nội dung như thế này : “ Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?”. Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan kể không sao xiết được”. Chỉ là đi du lịch thôi mà về nói làm vậy !. Còn bỏ đi xa biệt không về, nói làm sao !.
Có một nhà thơ mà mình rất thích đọc hồi còn ở quê nhà. Nhà thơ Xuân Quỳnh. Cô làm nhiều bài thơ tình thiệt là da diết tuy là cô  với mình hai mặt hai lời, hai nơi hai chốn, hai chỗ không từng có nhau. Gặp nhau chắc nói chuyện không lâu. Thơ của cô thì mình cố tình, dù chỉ dăm ba câu, học thuộc, ưng lắm. Thí dụ như bài, có thể và như thể, một bài rất Xuân Quỳnh : chỉ có thuyền mới hiểu. biển mênh mông dường nào. chỉ có biển mới biết. thuyền đi đâu về đâu. những ngày không gặp nhau. biển bạc đầu thương nhớ. những ngày không gặp nhau. lòng thuyền đau rạn vỡ. nếu từ giã thuyền rồi. biển chỉ còn sóng vỗ. nếu phải cách xa em. anh chỉ còn bão tố. những ngày không gặp nhau. lòng thuyền đau rạn vỡ. nếu từ giã thuyền rồi. biển chỉ còn sóng vỗ. nếu phải cách xa em. anh chỉ còn bão tố...thơ của Xuân Quỳnh đã tỏ tình(đời) như vậy gặp( gần mé 50 vở) kịch của chồng cô, là chú Lưu quang Vũ, thì lửa nhóm thêm bùng. Nói là thơ tình, kịch tính là nói chuyên văn học nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn nói theo kiểu diễn tuồng diễn giải diễn ngôn để cấu, dán, bắt, mà ví von gần xa, rào đón xa gần để phơi trần mặt thật xã hội. Vậy là có vấn đề “bức xúc”, cần và phải nên cho biển chỉ còn sóng vỗ. Vậy là sóng vỗ thiệt tình. Xuân Quỳnh và Lưu quang Vũ nắm tay nhau đi vô cõi vĩnh hằng sau tai nạn xe ở Hải Dương lúc 15:30’ ngày 29/08/1988. Không phải vì lòng thuyền đau rạn vỡ mà vì xe nhỏ gặp xe to. Bình thường thôi, không nói chuyện thời cuộc thời đời, nhỏ mà đụng phải to thì chịu làm sao thấu. Chỉ tiếc thương hai khuôn mặt nổi danh nổi đình lôi đám một thời mà cũng buồn thương là hai cô chú ra đi còn dắt theo cháu Mí Lưu quỳnh Thơ. Mình vốn ngưỡng mộ thơ Xuân Quỳnh ( chớ chưa dám chắc là ngưỡng mộ cô Xuân Quỳnh) vì nhà thơ viết nhiều câu thơ tiên tri thiệt muốn quên mà phải nhớ chỉ có thuyền mới hiểu. biển mênh mông dường nào. Nhân dịp tháng Tư sắp về tự nhiên nhớ loáng thoáng thêm mấy câu… lòng thuyền đau rạn vỡ…biển mênh mông dường nàochỉ có biển mới biết…thuyền đi đâu về đâu…

Buồn thiệt!. Những câu thơ nói chuyện tình riêng mà ứng vô cảnh người đi kẻ ở sao quá não nùng. Tháng Tư vốn đã buồn man dại lại thêm buồn man rợ luôn. Mấy con cá mập thất ngư ác đức, mấy thằng hải tặc cô hồn các đảng, mấy cái lòng thuyền đau rạn vỡ chi cho tạo thêm nhiều, quá nhiều oan nghiệt. Tới tận giờ, bốn mươi năm dài gần bằng hai thế hệ, có biết bao nhiêu người tha hương không dám ra nhìn biển.

Chuyện vắn chuyện dài tưởng bao năm quên mà quên chi được. Mình bây giờ có muốn dưỡng râu để vuốt cũng được rồi. Lớp con đang trên đường đi gần tới sinh lão… Lớp cháu đang lau chau đua nhau măng mọc…Thế hệ mình, theo lẽ tự nhiên,  trở thành đồ cổ. Nghiệt một nỗi tuy mang tiếng là đồ cổ mà không có giá chi trơn. Không có giá, không có nghỉa là vô giá, đừng có mà tưởng bở. May mà còn có nhiều chuyện chưa lảng quên, còn chút văn thơ không làm buồn lòng cây bút ( là cây bút hồi xưa, giờ là bàn phím, gỏ) . Còn, vẫn còn.

Rồi đây, tháng Tư về, còn viết nhiều nỗi nhớ, bởi vì mình có quên đâu !…

Hiên Trăng, 27/03/2015

tháng 3 25, 2015

Nhớ Ba

Ba thường đứng bên cửa sổ ngó ra
                     ngóng chừng coi có thằng con nào ghé
                    con hẽm Ngô Quyền cỏ lấn vô hè
                    thưa vắng người qua lâu rồi hoang dã
 
                    mấy đứa con chắc khó ghé thăm nhà
                   Ba đợi chi buồn thêm râu tóc bạc
                   cuộc đổi đời hóa ngược đời chi lạ
                  có chốn về không đủ sức để về
 
                     tại nồi cơm hành tụi con quá tệ
                    xoay trở gì cũng hụt trước thiếu sau
                    giật gấu vá vai chịu đời không thấu
                  có lúc nào ngơi mà ghé thăm Ba
 
                   nước mắt chảy xuôi con biết rồi mà
                    Ba ngóng chờ chi cho lòng con nhói
                 cứ mổi chiều ra đứng bên cửa sổ
                    tụi con không về buồn lắm phải không Ba
 
                tới lúc Ba nằm chờ chuyến đi xa
                 khung cửa sổ không còn người ngóng đợi
                chiều xóm xưa con vói hoài không tới
              lúc tới nơi rồi thì Ba lại bỏ đi
 
                mấy mươi năm đời mỏi cánh chim di
               con bắt chước Ba chiều bên cửa sổ
                ngóng đứa con nào bất chợt về không đó
                     nước mắt chảy xuôi lần nữa rồi Ba ơi….
 
               Hiên Trăng 25/03/2015

tháng 3 24, 2015

Làm Chi Quên Được....

Nhìn qua con dốc đã thấy nắng thoi thóp, rừng Ngo chớm màu đen, đàn chim xao xác gọi đàn tìm về tổ ấm, tiếng suối chảy chen lấn xô nhau nghe rõ từng chuỗi âm vang chảy dài giữa yên tỉnh chiều. Lát nữa đây rồi mới thấy cảm giác ớn lạnh rùng mình phát sợ cảnh đêm rừng một mình giữa bốn bề hiu quạnh. Muốn dợm về mà còn tiếc chút mồi câu. Mớ cá rộng trong cái oi dìm xuống nước, xao xác quẫy, chắc là cũng bộn rồi. Một ngày đi câu có vẻ thành đạt. Mà sao chiều rừng buồn quá chừng quá đỗi vậy nè. Mà sao ráng chiều đón mây bay về hướng núi mịt mù xa in như tuồng có tậm tư trĩu nặng. Cá cắn mồi chìm phao, mình nhấp nhẹ cái mà thấy nặng đầu tay, đầu cần câu cong vút. Vạt nước rẻ ngang một đường vòng rồi khựng lại, rồi giạt xa, căng cước.  Căng tới chừng muốn đứt. Ba mình có dặn là khi nào cá cắn mồi đau mép thì hắn sẽ rướn người phóng tới. Đừng giựt mạnh, đứt cước. Phải kịp rướn người lên, đưa tay dài ra cho  dây câu thả lỏng. Nó nhứt định sẽ quay một vòng sau cú quẫy mình đau chịu đời không thấu. Đây chính là phút giây quyết định. Nếu giựt mạnh, là tức thì đứt cước. Nếu thả lỏng, thì cơ may giữ lại con cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gở. Mình nhớ lời thầy dạy nên gở được con cá giữa trời chiều suối Cam Ly hạ. Thời buổi gạo châu củi quế mà có được con cá Chép vàng lườm, bự chảng, chỉ ngó thôi mà mừng muốn xỉu.
 
Buổi họp tổ dân phố mình cầm bảng kiểm điểm đọc trước hội trường, bên cạnh có anh Giai anh Tráng công an khu vực, có chú Năm Chạy tổ trưởng an ninh, có chị Bảy Hòa tổ trưởng phụ nữ, có bác Ba Hồ bí thư chi bộ, có thầy Ba Ninh mặt trận tổ quốc, có chú Ngọc phó phường, có chú Đức đoàn thanh niên, có mấy thằng em, hồi nào nhỏ xíu, giờ  đeo băng đỏ trong đội tự vệ, và, có súng. Mình có khai báo là tuần qua có đi ra phố một lần, lý do là vợ tôi dắt đi cho ăn một tô mì hoành thánh ở gần rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp, có xin anh Tráng và được anh đồng ý cho đi ( thiệt ra thì ăn đắp bồ hai tô vì quá thèm trong khi bà xã nhứt định nhịn thèm, ngó mình ăn mà rơi nước mắt). Có trồng được hai vồng đậu ve, mấy cây cà chua, nuôi một con gà em gái là cô Sương cho ( gà mới vừa trẩy mỏ, còn nhỏ quá không biết trống hay là mái nên chưa khai báo kịp thời, xin được báo cáo tuần sau). Có vô suối Cam Ly hạ câu cá một lần, cá ăn mồi ít quá nên về chỉ được vài con thôi (còn con cá Chép tổ chảng, giấu, không khai ra sợ thêm phiền). Bà con mấy tổ dân phố nghe đọc bản kiểm điểm có người cười rộ cười vui cười lau nước mắt, có kẻ cúi gầm mặt, nín thinh. Chỉ có chú Năm Chạy nói rồi tới chị Bảy Hòa nói là xác nhận lời khai báo thật thà vì hàng ngày có từng đi qua đi lại dòm thấy rõ ràng có hai vồng đậu thấy mấy cây cà chua thấy con gà nhỏ xíu chạy tìm ăn muốn xỉu. Vậy thì thông qua. Thư ký buổi họp vội vàng cầm xấy giấy, đọc Nguyễn, Trần, Lê, Lý...rồi kèm theo tên gì đó, lên đọc bản kiểm điểm.
Mệ Miên có dặn là con đi mô nhớ là phải khai báo không thôi phiền hà lắm. Hồi trước khác, bây chừ khác. Nhớ đừng làm chi để khổ vợ khổ con. Mình có làm chi đâu, chỉ làm thinh. À, lâu lâu có làm tình. Chú Năm Chạy, chị Bảy Hòa có đi rỏn đi rình cũng mần chi mà thấy đặng. Tối lửa tắt đèn dầu, có Trời chứng giám. Mạ vợ thì dặn là trong thời gian quản chế tại gia con cứ trồng trọt chăn nuôi được chừng nào hưởng chừng đó. Ăn uống Mạ lo (cũng) được chừng nào hay chừng đó. Nghe Mạ nói mà mình muốn khóc. Vợ mình, đang được hồng ân ban phát còn được là cô giáo lưu dung, thì đêm đêm bên trang giáo án miệt mài. Dùi mài đèn sách mười mấy năm trời, rốt ráo, cố vận dụng mấy năm đào ra nghề xới ra nghiệp để giữ dáng đứng một thời, kẻo không thôi là, mất…dạy!.
Mấy đứa con đang học dở dang thì cách nào cũng hà hơi tiếp sức cho tụi hắn tiếp tục hành trình. Cũng tới đâu hay tới đó. Biết chắc là chỉ qua ngưỡng Trung học, là cùng. Lên tới Đại học là có vách ngăn có rào chắn. Vậy là mất học chớ đâu phải là thất học. Thằng con lớn đang sức học mà phải đành bỏ trường học ra trường đời. Đứa con gái thứ hai cũng đành bỏ học chữ để cố học nghề, lo dọn mình tranh sống. Chỉ cầu có được miếng ăn thôi chớ sách vở ích gì cho buổi ấy. Đến như anh Liêu, anh Tính, anh Toàn ở xóm mình vốn là thầy giáo từng đứng mòn bục giảng thuở giờ cũng buộc phải tháo giày. Thấy rõ chuyện đó mới giải phá thành sầu con cái mình mất học là chuyện bình thường. Khổ cái là mất cái bụng chứa chữ chớ có mất đâu cái bụng chứa thức ăn. Nói nghe ra ốt dột mà thiệt tình không thể nói hơn.
 
Mệ Sáu Chu nói chừ con về được tới nơi rồi tính ở mô đây. Ở với Ba con hay là ở với Mạ vợ. Câu hỏi này nằm trong diện chính sách, không nằm trong tình cảm nên con không có đường nào chọn lựa. Mệ biết sao không ?. Tại vì hồi trước, lo ngược xuôi bốn vùng chiến thuật, gởi vợ, con ở nhờ nhà Mạ vợ, có tên trong Sổ Gia Đình. Rồi tới hồi sau, loanh quanh qua nhiều Trại, vợ, con vẫn còn khai báo ở nhà Mạ vợ, trong Sổ Hộ Khẩu. Khi con về được được tới nơi rồi thì Sổ Gia Đình đã hóa thành ra Sổ Hộ Khẩu. Con chỉ là thằng đeo bám Hộ mà không có tên trong Sổ, cũng mất quyền Khẩu luôn. Con thuộc “diện” quản chế.  Lâu mau tùy mức độ giác(hơi) ngộ(độc) qua đằng đẳng hành trình khai báo, kiểm điểm trước tổ dân phố, hàng-tuần-hàng-tháng-hàng-năm, để được bà(nội) con(mẹ) chứng nhận là thiệt(lưỡi) tình(cảm) khai báo qui hồi với quần chúng nhân dân. Phải mất đâu chừng, chín năm, con mới được phục hồi để có quyền được (ngồi) họp tổ dân phố mà không phải (đứng) đọc bản kiểm điểm. Nói rứa để Mệ biết là con mất  quyền chọn lựa. Ở đâu đó đừng có mà chộn rộn thêm phiền. Con ở với Mạ vợ, Mệ ơi !.
 
Phiền nữa là nhà Mạ vợ đông người, thêm nhà mình thì nhét không còn có chỗ. Mạ quyết định cho riêng một khoảnh đất bên hông để mình tự lo tự liệu để có nơi ra có chỗ vô mà tránh né nắng mưa. Vậy là Ba mình xuất hiện như ông Bụt cứu khổ cứu nàn đời con cháu. Ông xưa vốn tay nghề thợ mộc rồi rượt đẳng cấp đuổi bắt thăng hoa lên nghề thầu khoán. Nay gặp thời thế e là phải thế, chắc bắp nếp,  không ai xây nhà nên trở về ngồi ngó trời ngó đất. Ngó một đỗi thấy thằng con “bức xúc” nên mới xắn tay áo trở lại nghề xưa cho kịp thời cứu khổ cứu nàn. Muốn cứu cấp kỳ nhưng đâu có được. Phải chờ. Chờ thằng con vác Rựa lên rừng đốn cột đốn kèo. Chờ hắn “đăng ký” lên tổ hợp Ánh Sáng tiếng mua mà phải canh chừng giành giựt từng miếng gổ giát mỏng mụn mằn tính giá rẻ, đem về dựng vách. Chờ mình đi tìm cho ra những cuộn giấy dầu mỏng nhánh giá rẻ, đem về lợp mái. Chờ lâu lắm là lâu mới đủ để có cái nhà tránh nắng trú mưa.
Ba mình tự nguyện bỏ nghề thầu khoán, trở về nghề thợ mộc cưa đục xẻ bào. Không nói  khi bận rộn, khi rảnh rỗi, hai cha con ngồi nghỉ mệt bên nhau mình rót cho Ba ly rượu rồi tự rót cho mình một ly. Hai cha con giữa đời khốn khó, cười khan ly rượu tình. Mình nói hình như rượu có pha thêm nước phải không Ba. Ba mình cười, nhấp chút phân vân, rồi uống ngọt. Câu nói ngắn, gọn mà mình cứ nhớ hoài : Rượu thôi, con !. Hồi đó, nghĩ không ra. Nay bạc tóc bạc râu như Ba hồi nớ mới nghĩ ra là rượu nguyên không pha hay rượu pha không nguyên, nguyên thủy, cũng rượu. Chỉ là cách uống. Nồng cay nhạt do mình. Hóa ra là Ba không uống ly rượu mà Ba uống ly đời. Câu chuyện dặn dò triết lý sâu xa thôi đừng nhắc nữa, mình chỉ thiệt thương thiệt nhớ hình ảnh hai cha con ngồi bên nhau giữa cưa, đục, bào, đinh, búa, mạt cưa, dăm bào. Mình uống với Ba mình ly rượu ngày đó, rồi chia xa. Thiệt là nhấp chút phân vân, rồi uống ngọt. Nhớ quá chừng quá đỗi, hình ảnh con ngồi bên Ba ngày xót xa rồi ngày chia xa…

Nói chuyện chơi chơi giỡn giỡn vậy mà cũng bốn-mươi-năm. Gần hai thế hệ. Nơi mình ở bây giờ cũng nóng nhưng không nóng bằng nổi nực tháng Tư xưa. Nóng. Nực. Nghe bộ nực hàm ý hơn nhiều.

Mình thì nói chi cho ngạ. Viết chi cho ngạ…Những năm tháng và cả những người không thể nào quên…

Bốn mươi năm !. Mình viết mới chừng ni(tấc) là dè xẻn(đè nén) lắm rồi !!!
Hiên Trăng 24/03/2015

tháng 3 23, 2015

Gởi Lời Mưa Huế


 

 













nhớ chị, Ng. Huế

hồi nớ em về thăm chị buồn vui
dĩa bánh Bèo chị lén thêm trái ớt
chắc sợ em đi lâu ngày đã bợt
vị nồng cay rặt xứ Huế quê mình

tô bún nhiều rau chị cũng cố tình
tra ớt nhiều vô hối em nhớ lại
cho hắn quay về chặng đường xa ngái
chị noái lời chi ốt dột rứa hè

em xa Huế lâu hồi về tới Huế
chỉ ngó thôi cũng đủ mắt cay rồi
cần chi ớt để rộng đường mở lối
chị đừng coi em như đứa bỏ nhà

Huế là chốn một thời Ba có Mạ
rồi Mạ theo Ba lạc tận phương xa
chị em mình dẫu níu thời lưu lạc
mà có đời mô lạt nhách quê mình

rồi cũng tại vì thời cuộc điêu linh
em mới bỏ đi dặm trường xa ngái
chớ lòng dạ khi qua truông vượt ải
cứ thầm hương cay gốc ớt hồi xưa

lâu lắm rồi ghé về thương trả bữa
chị đừng khiến em ốt dột xót lòng
chẳng nhớ chẳng thương thì đâu xao động 
mắc mớ chi tình mà cứ xót xa

ngày em về mưa giăng mờ Vỹ Dạ
nước sông Hương ngợp Cồn Hến phát rầu
chợ Đông Ba gần mà đi không thấu
cầu Trường Tiền mưa Huế chắn lối qua

rồi từ đó em in tuồng đi lạc
nghe nói chừ chị cũng lạc Huế xưa
chị lẩn rồi nhớ giửa chừng giửa đổi
không biết em về hay em chưa về

câu Thơ nào gọi mớ lại tình quê
nhúm ớt nào để thương người xứ Huế
chị làm em cứ xót xa không xuể
nước mắt e chan ngập Huế hồi xưa…

Hiên Trăng 23/03/2015

 

tháng 3 22, 2015

Ngày Mới Chớm Xuân

 
qua Xuân đứng đâu cũng ấm
huống chi đứng chỗ gần em
đứng lâu quá đỗi thành quen
mấy mươi năm rồi chơ bộ…

tới được đây rồi cứ nhớ
cái hồi mình liếc trộm nhau
liếc thôi chưa dám gần đâu
tại vì em ưa mắc cở

rồi thì chắc là duyên nợ
lần lần tìm ghé gần nhau
gần lúc nào không biết nữa
em không ưng đứng một mình


vậy là chia xớt cuộc tình
chia luôn ngọt bùi cay đắng
từ thuở lao đao hoạn nạn
tới hồi chán vạn buồn vui

tình yêu qua sông vượt núi
lên đèo trấn ải xuôi truông
cảnh đời quá giang vay mượn
em đòi nắm chắt tay tôi

mấy mươi năm mình trôi nổi
cuộc tình cũng nổi trôi dòng
em xưa tình xưa vẫn giống
như hồi ghé đứng bên nhau

em ơi đời có gì đâu
phù vân mây trôi mây nổi
thuở giờ tình qua mấy đỗi
cứ còn đứng khít bên nhau

vậy là cuộc tình có hậu
hèn chi cứ ngó nhau hoài
ngó thôi chơ không thèm nói
nói chi cho ngạ đời tình…

Hiên Trăng, 22/03/2015

tháng 3 21, 2015

Về Ngó Ngả Ba Sông


 

 
 
 
 
 
 
 
 
 …là viết cho thằng bạn
hắn nõ biết làm Thơ….

ngả ba này đứng ngó ra sông
không biết đi đâu mà xa vô hậu
bến đợi đò lâu hung rồi mục rỗng
bước giang hồ đố ai biết đi đâu

giờ về lại đứng xoi buồn chi ngạ
mới ngày nào e ngó người dưng
đàn chim bay đàn cá lội sa đà
chắc lớp xưa đã mưa nhàu nắng trụng

ta về lại khúc sông hồi xanh tóc
nắng chiều soi sợi bạc trốn đâu rồi
e o nớ có một thời ngồi khóc
giờ ta về tóc bạc trốn tìm o

lâu lắm lâu hung ta chưa về ngó
đường quá xa đời lại chập chùng
o tội nghiệp hèn chi chiều ráng đỏ
nước mắt o chan đậm chiều buồn hung…

Hiên Trăng  21/03/2015

 

tháng 3 20, 2015

Tháng Đành Hanh

 
Nhiều khi muốn ngồi một chặp lâu, viết một điều gì đó, về một khoảnh thời gian không gian đặc biệt đáng nhớ rồi cũng đáng đời để mình sẽ quên, hứa là quên. Mà quên chi cho nổi. Có bài hát lâu rồi mình không nhớ tên chỉ nhớ đâu được câu : người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Thần sầu!. Tâm lý con người có quá nhiều mâu thuẩn giống như cái mâu chém xuống, cái thuẩn đỡ lên, tóe lửa. Cái nhớ chém, cái quên đỡ, hay ngược lại cũng vậy thôi. Triền miên khuấy động làm cho con người cứ manh động vòng vo trong cõi đời phù vân.

Như là cái Rựa để đốn cây chẻ củi, giờ nhắc lại mấy ai còn nhớ là vật bất ly thân khi vô rừng đốn cây khi ở nhà chẻ củi. Thời buổi lò gaz than điện, cái Rựa đã bỏ cuộc giữa đường để an phận rủi may trở về khoảng cách nhớ quên. Có nhiều khi không cố quên mà lại càng quên thêm mới hiện ngụy. Mình thì không dễ quên cái tháng đành hanh bên cái Rựa. Đó thiệt đúng là người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Bốn-mươi-năm rồi, kể từ khi có cái tháng đành hanh. Người thì từ rừng cầm súng về thành phố. Người thì từ phố cầm rựa vô rừng. Ác nghiệt. Đành hanh.

Quên chi nổi con dốc Trời dựng đứng, dòng suối Cam Ly êm đềm xuôi chảy từ bao đời giữa rừng Dẻ, rừng Ngo bạt ngàn. Cha nói thôi mi về được đây rồi thì tìm kế sinh nhai, bạn bè một thời xuôi ngược e chừ chắc chỉ còn cây Rựa. Ngồi thở mệt lưng dốc Trời bên bó củi, bên khúc cây, mình với cây Rựa ngó nhau nhớ lời Cha tiên tri, thôi cứ đắp đổi qua ngày bên vợ con. Bát cơm độn sắn khoai có độn thêm vô tình yêu thương chồng vợ cha con là may mắn là đầy no lắm rồi. Có nhiều hoàn cảnh tan nát chia lìa thê thảm, kêu trời không thấu kêu đất không nghe. Mình còn có cảnh vợ chồng chiều hôm chùm hum thổi lửa nấu nồi cơm độn, nồi canh rau hái mót dọc bờ mương, hàng giậu. Còn có con xoa hai bắp chưn tong teo như hai ống tre thổi lửa, đấm cái lưng mỏng lét trơ hai cục xương như hai hòn sỏi bọc da. Thời buổi chỉ cầu có cái ăn để sống, sống để được chia khổ cùng nhau. Miễn có nhau là thấy đủ rồi, còn đòi chi nữa.

Đời là bể khổ, vượt qua được bể khổ là qua đời. Vế đầu thì quá đúng, vế sau thì quá tào lao.  Ai ngu chi vượt qua bể khổ để rồi nhận thù lao một kết quả bất ưng. Con người tận cùng sâu thẳm vốn manh nha ý đồ tham sanh úy tử. Thôi thì cứ bơi trong bể khổ để sống khổ cùng nhau. Chỉ cầu ăn no không cầu ăn ngon. Chỉ cầu mặc ấm không cầu mặc đẹp. Cầu vậy mà đâu được vậy. Đói nhe răng, lạnh thót…bụng ( là nói tránh né không dám nói dạn miệng, bất nhã). Vợ mình vốn là nhà giáo, xuống danh hiệu là nhà giáo lưu dung, được đi dạy đang đi dạy thì bỗng nhiên mất…(chữ sau quá hồ đồ, quá xúc phạm nghề cao quý, xin được không viết). Túng quá, nhảy ra chợ Trời mua qua bán lại một thời gian cụt vốn, bỏ cuộc chợ. Trong lý lịch trích ngang của phường chợ , không ghi trên giấy, chỉ in chuyền trên miệng mấy tay đầu nậu chợ Trời. Đại khái gốc gác vốn là nhà giáo nên lời nói không có dáng con lươn, miệng mồm chắc chưa từng quen ăn kẹo mạch nha, kẹo kéo, dáng-đứng-bến-chợ na ná có họ hàng chi đó với con cù lần.

Dáng đứng cô giáo vốn là trên bục giảng. Vậy là lui về ở ẩn trong cái quán liêu xiêu dựng trước nhà, bán cà phê sáng, bán bánh kẹo ngày. Mình với thằng con lớn cùng đứa bạn của nó lại cầm cây Rựa vô rừng đốn cây, chặt sậy về dựng quán. Quán dù chút xíu nhưng phải xin phép của Phường không thôi sớm dựng, chiều dẹp. Buổi sáng bán cà phê thời trang cái nồi ngồi trên cái cốc, có nhạc thính phòng tiếng nghe khèng khẹt từ cái cassette cà giựt. Lâu lâu mở hé chút tiếng hát hàng ngoại Ngọc Lan, Kim Anh… Tiếng hát hàng nội Bảo Yến, Nhã Phương…thì thoải mái. Khách khá đông, khổ nỗi, ghi sổ nợ mạnh tay quá chừng. Suốt ngày, ngồi bán bánh kẹo và…ngáp gió. Một thời gian, xập quán. Cuốn sổ nợ, không từng xập, mà ngập…Gió rồi mưa cũng giập vùi cái quán liêu xiêu lây lan qua cái nhà vách ván mái dầu, nắng thì hở khe mưa thì mái dột. Sáu mạng người, thêm con Bi dễ thương và tình nghĩa, còn có thêm cái hồ non bộ nuôi mấy con cá vàng hồn nhiên bơi lội. Có thêm nữa, là chiếc xe đạp già chưa từng thấy. Gia tài còn lại của mình sau một cuộc đổi đời chỉ có bấy nhiêu. Xập quán rồi, gia tài còm cỏi co rút lại nhúm ít oi, thiếu vắng, thiếu hụt…

Dáng đứng cô giáo cũng không là trong quầy ly tách cà phê. Vậy là chui tuốt vô nhà làm bánh đi bỏ mối các quán. Bánh bi chiên giòn giòn, bánh phục linh, bánh kẹp…Tối lui cui làm bánh nhà, sáng sớm xuống lò bành mì lấy bánh đi bỏ kèm. Con dốc Ngô Quyền dài lên tới đường Thi Sách một dạo, tự nhiên nổi tam bành lục tặc mọc lên nhiều quán ngó mà phát hoảng. Quán liêu xiêu giống quán nhà mình, bạ đâu đơm đó, rứa thôi. Không biết rồi bán cho ai, ai là khách hàng tiếp hơi, để quán có cơ may trụ lại với thời gian. Mình hồi đó cũng còn giữ chút tiếu lâm, thầm đặt tên cho những quán này là quán xập. Quán xập (xệ) rồi tới quán xập, cũng đồng âm đồng nghĩa như nhau. Bạo phát e rồi bạo tàn, chẳng qua đói quá làm quàng đó thôi. Nghỉ ngợi tiếu lâm như vậy mà cũng đúng là vì, hồi nẫm hồi nào, suốt dọc đường Ngô Quyền của xóm nhỏ mình đã có mấy quán thuộc hàng trưởng lão. Tính từ lưng đầu dốc là quán của ông bà Trùm Chạp ( cha sinh mẹ đẻ anh Huỳnh Chùm, là nghị viên thành phố trước đổi đời, là nhà thơ, nhà chơi cây cảnh non bộ, nhà nhiếp ảnh, nhà viết thư pháp Duy Việt, sau đổi đời). Tới giữa dốc là quán bà Ba Cương. Tới cuối dốc là quán mệ Cai Hoành. Bắt đầu lên dốc (tiếp) tới giáp mí đường Thi Sách, không có quá nào hết trơn, và, hết trọi. So ba trưởng lão thì trưởng lão quán mệ Cai là đạt giải cúp vàng. Bởi, vì, sau đổi đời vẫn không xập xệ xập xình xập quán. Còn mấy quán tự phát ( rồi ) tự tàn thì cứ cho tàn nhang, cũng được, tàn than, cũng được, tàn mạt, cũng được. Tàn trầm hương xưa nhớ lại…Hương trầm hương nhang tàn, dẫu đậm, rồi phai. Có điều khi đi bỏ bánh nhờ cậy bán giùm, mười phần trăm hai mươi phần trăm cũng được, mệ Cai cứ tính đều sòng phẳng như bao người bỏ mối. Ồ, mà mình quên nói, là mấy cái quán mọc nấm quàng xiên trên dốc Ngô Quyền ở cái xóm Cây số Bốn của mình hồi đó. Cuối cùng tàn rụi thê thãm quá chừng…

Mình hồi đó thất chí sa cơ nên cứ quơ quào đủ dạng. Có anh Đạo, làm chức lớn lắm, là chức  cai trường Bạch Đằng nơi vợ mình đang (còn hồi chưa mất…) dạy. Anh cai trường nói tình thế này  là phải đi đãi vàng mới có cơ may cứu đói.  Anh còn nói là đang thống soái (ồ sướng quá, rứa là anh lên thêm chức cao tận nữa ) đám thần dân  của anh chuẩn bị gạo nè, mì gói nè, cá khô nè, cà phê nè, rượu thuốc nè, vô vùng đất đào hầm lấy sái  gạn đãi lấy vàng. Đồ nghề chiến đấu là dao, xẻng, cuốc, sà beng, bạt ni lông, mâm đãi. Phải có thêm cái Rựa nữa, đừng quên. Đám thần dân của anh nào có ai đâu, chỉ là đám con anh ( cháu Hùng, cháu Dũng với mấy cháu nữa, không biết con cháu nhà ai trong xóm, mong ngày xóa đói giảm nghèo theo cha  nếu như trúng hầm thì no, mo hầm thì đói. Có chú Thành ( chồng cô Hà, đứng lớp bên kia (vợ mình bên này) ở Trường Bạch Đằng hồi nớ, cũng nói y chang). Vậy là thôi, cứ chia ra làm hai phe. Thằng Trí, con đầu lòng của mình, cứ đi đi, đi về phe bác Đạo. Còn Ba, con út của ôn Nội mi, đi về phe chú Thành. Ba với con phải cố hết sức mình, cứu đói. Rứa mà đói hoàn nguyên đói. Còn ác nhơn, thối lại cho mình cơn sốt rét rừng. May là con không vướng nạn xập hầm, không sốt rét rừng, không nhiểm mùi bia rượu. Không chi hết trơn, vẫn cứ mạnh cui đói bạo lui cui lục nồi cơm nguội. …

Mình có quên đâu. Cây Đa bến cũ con đò năm xưa. Quê mình hình như thổ ngơi không hạp với cây Đa, nên ít hay không thấy cây Đa, chỉ có cây Mai thôi. Cũng không có sông, chỉ có suối, nên làm chi có đò xưa trên bến cũ. Cây Mai nhà cũ con suối ngày xưa. Dẫu gì cũng chỉ là hình tượng vay mượn để nhắc nhớ lại đó thôi. Cây Đa, cây Mai, dòng sông, con suối, bến đò làm chi cho khát đói tình nhau. Một thời tưởng như là đã lảng quên cho sắp tới đây, tháng-đành-hanh, lại về. Bốn mươi năm dâu bể tang thương . Hai nươi năm xa xứ đoạn trường. Con người có một thời để yêu và một thời để chết. Yêu, xin không chỉ là riêng tình yêu hai lứa. Làm ơn lớn rộng hơn chút xíu coi. Là tình yêu quê hương, tình yêu nồi cơm khoai sắn độn, tình yêu cạo nồi mót cháy, tình yêu lặng thầm ngó nhìn nhau nồi cháo lỏng, tình yêu nắm tay nhau bước lên thang máy bay tới một vùng đất lạ.

Tình yêu nào, thủy chung, vẫn là tình có nhau, yêu nhau.
Còn, nếu nói có một thời để chết !.
Thì chết thôi, chết ngắc chết chắc, chết ăn theo định luật hữu sinh hữu diệt. Ai có cãi chày cãi cối đâu. Nhưng tình yêu thì không chết, dù con người sẽ chết sắp chết chờ chết rồi chết, vẫn có quyền riêng tư, đem theo.

Tình yêu là bất hoại bất diệt…..

 Phòng Văn, khuya 19/03/2015

tháng 3 19, 2015

Phố Đêm



phố chiều chưa hẳn là đêm
đèn lên sáng rực sướng rêm mặt đường
mình đi tới cõi lạ phương
nhói đau hồi ở rồi thương đèn dầu
phố quen giờ biết tìm đâu
mấy mươi năm lạt vết dầu dãi xưa…

19/03/2015

tháng 3 18, 2015

Ai Dè Đâu Mà Có Thiệt


hồi đi đào hầm lấy lớp sái đãi ra vàng cám ở K.60 Di Linh Lâm Đồng thiệt là ngưỡng mộ giọng ca Bảo Yến, tuy o mới xuất hiện gần đây thôi nhưng hút hồn người nghe o hát, có tui. Mấy cái quán liêu xiêu dựng lên vội vã để phục vụ cấp thời nhu cầu người đi đãi vàng không thể thiếu tiếng hát của o. Mà o có ở đây đâu, nơi khỉ ho vượn hú nơi đổi mồ hôi và máu để kiếm miếng cơm chan vô đời sống cùng tận đói cùng tận nghèo tận cùng gian khổ mà bươi đất kiếm miếng ăn. Quán mô mà không có tiếng hát của o là ế. Ly rượu, ly cà phê, điếu thuốc rê mà không có tiếng hát của o là nhạt phèo. Nói rứa biết là o vô cùng thân mật dịu dàng đầm ấm xoa dịu vỗ về cho nguôi buồn nguôi mệt nguôi cô đơn trống vắng nguôi nỗi đau thua cuộc thế xoay vần. Ghé thăm o là ghé sớt nỗi buồn chia trong giọng ca luyến láy. Rứa o ở mô tụi này đâu biết. Chỉ biết o có tiếng hát trời cho để mổi đêm đêm sau một ngày đào hầm đãi sái vô quán ngồi buồn vui ly rượu điếu thuốc miếng cá khô để o mát-sa cho một ngày nhiều ngày ma-sát. Tiếng hát của o đã phần nào xoa dịu tận cùng nỗi khổ, hồi đó, o nờ.

là hồi đó, lâu hung, những ngày mưa gió dầm dề phải ngưng không đào thêm nữa sợ nước ngấm sập hầm. Rứa là thất nghiệp nên chi thời gian chờ mưa dài ngày cho dứt hột mới lê la hàng quán mới đêm nằm trăn trở chuyện áo cơm cay cực thời buổi đổi đời. Tui có kỷ niệm với o mà o mô biết !. Là có một đêm khi từ hàng quán liêu xiêu tôi cũng liêu xiêu trở về nằm thao thức nghe tiếng hát của o mà tui, ốt dột quá, khóc thầm. Nghe nói o sinh ra rồi lớn lên ở thành Nội Huế. Rứa là một nơi chốn với nhau dù tui không sinh ra ở Huế mà gốc gác thủy chung cũng rứa thôi. Rứa là mình chung nhau ở Huế. Đêm nớ nghe mưa đồm độp trên mái lều, nghe mưa sói hột rừng núi quạnh hiu, nghe mưa rớt độp trong lòng, nghe mưa sói đau tháng ngày mai rồi không biết về đâu tới đâu trong cuộc tình đời mịt mờ trăm nỗi…Tui nghe tiếng hát mưa của o…Chiều nay mưa trên phố Huế Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai. Ngày chia tay hôm nao còn đây. Nước trên sông Hương còn đầy. Tình đã xa gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài. Chiều mưa trên Kinh Đô Huế Tiếng mưa còn vương kỷ niệm Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không? Chợ Đông Ba khi mình qua Lá me bay bay là đà. Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua Hò...ơi...!!! Ơi...hò...!!! Chiều mưa phố buồn. Chiều mưa phố xưa u buồn có ai mong đợi. Một người biền biệt nơi mô Để nhớ với thương một người. Chiều nay mưa trên phố Huế Biết ai đã quên ai rồi. Hạt mưa rơi vẫn rơi rơi đều cho lòng u hoài. Ngày xưa mưa rơi thì sao. Bây chừ nghe mưa lại buồn. Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn…

Tui nói thiệt với o, tui người Huế nên chi rất Huế, trong lời Thơ, nguyên bản, của ôn mô đó viết là bây chừ mưa…mà o hát tráo lại răng chừ mưa, nghe rặt Huế quá chừng quá đỗi. Chỉ một chữ thôi mà thiệt quá sức Huế ngậm ngùi. Ôn vua nhạc Việt, Duy Khánh, cũng hát rứa mà tui cũng ưng lòng như rứa. Đêm ngày xưa đó, chừ là đã lạc bước ngày xưa…

có ai ngờ mô mấy mươi năm người không còn đào hầm lấy sái đãi vàng, người mong có có một ngày nghe lại tiếng hát đêm xưa, để kể lại chuyện đãi vàng tìm miếng no miếng đói ở rừng núi quê nhà một thời sa cơ thất thế lại tìm được tiếng hát ngày xưa…

dặm đường ly xứ, bạn tôi, anh Võ Tá Hân “chấm” bài thơ Món Qùa Sinh Nhật để phổ nhạc rồi cũng tình cờ chọn tiếng hát của o. dặm đường ly xứ, bạn tôi, anh Võ Tá Hân “chấm” bài thơ Món Qùa Sinh Nhật để phổ nhạc rồi cũng tình cờ chọn tiếng hát của o. có hòa âm của anh Quốc Dũng là chồng của o, hồi nớ, nữa đó.

cám ơn anh Võ Tá Hân
cám ơn o
cám ơn một thời  đào hầm lấy sái đãi vàng
cám ơn tôi ngẫu hứng bài Thơ...
và, cũng xin cám ơn một đời Thơ lộng gió phương trời....
Phòng Văn, 18/03/2015