tháng 2 09, 2010

PHO HIEU NHA-THO PHO HIEU


Xin diễn nghĩa lại cho thật đúng là :
Phổ Hiếu | Nhà-Thờ | Phổ Hiếu
Tấm hình này là tấm hình muôn dặm biệt ly, nay rất tình cờ, tìm lại được. Đây là một trong những hình ảnh nặng lòng thương nhớ về Xóm nghèo quê tôi: xóm đình Đa Cát, nơi tôi sinh ra, lớn lên và xa biệt.
Nhìn tấm hình mà xúc động bồi hồi, nhớ lại một thời xưa....
Tôi cứ nhìn tấm hình” muôn năm cũ” mà tưởng tượng ra một điều rất ngộ.
Những đám cỏ xanh là thế hệ đàn anh đàn chị, và cả thế hệ tôi đang bám víu vào chân tường rêu phong là biểu tượng của thế hệ cha ông. Vượt qua lớp rào chắn là thế hệ của bậc trưởng thượng khói nhang hàng năm vọng tưởng.
Nhìn qua chính diện, thì bồi hồi xúc động những hoài niệm, ngày xưa.
Nhìn kỹ hậu diện, thì cảm giác, như là có điều gì, không ổn !
Không ổn vì không đúng là hình ảnh nguyên dạng, ngày xưa !
Làm gì có bức tường cao, bên trái.
Cũng không hề có hai mái nhà cao tầng phía sau.
Cũng không thấy cột điện và dây nhợ giăng mắc.
Hai cái loa phóng thanh lại càng không thể.
Mặt tiền bên phải, thêm bức tượng được che bởi cái dù ( chớ không lá cái lọng) vẻ dáng tân thời.
Trước thềm lại có chiếc dream ( hay là cánh én cánh chim) lại càng thêm xa lạ, ngày nào...
Như vậy là tấm hình mới gần đây thôi.
Chỉ có cái hàng rào vẻ dáng canh tân nhưng rêu phong ngày tháng cũ vẫn còn lưu dấu trên những kẻ đá, chân rào mà chạnh lòng gợi nhớ....
Đây không là Đền, Miếu thờ tự chung của Xóm, Làng. Chỉ là nhà thờ Họ Tộc.
Xóm thì có ngôi đình bề thế khang trang ( có cái sân rộng nhập với con đường chính của Làng mang tên là đường Ngô Quyền) ở cạnh nhà chú Thưởng (bên trái) và cạnh dãy nhà đạo của bà sơ Vincent (bên phải). Gọi là xóm Đình Đa Cát (là một Xóm thuộc Làng Đệ Nhị gồm các xóm Đa Thuận, Đa Cát, Đa Trung). Sau này, không gọi ( hay ít khi gọi ) là làng Đệ Nhị mà chỉ quen gọi là Cây số Bốn vì Làng ở cách trung tâm thành phố Đàlạt (tính từ địa điểm cây xăng Kim Cúc) 4 cây số.
Làng thì có ngôi cơ ngơi rộng rãi trên một ngọn đồi thuộc Xóm Đa Trung. Xuân, Thu nhị kỳ hay ba năm vô Hội Kỳ Yên, ba Xóm đều hội về. Thông lệ hàng năm có tổ chức Hội Làng rất lớn, trong ba ngày Tết. Sau này, dời về cuộc đất ở gần Trường Tiểu Học Đa Nghĩa, cạnh bên trụ sở, không còn gọi là Làng mà lạ hoắc cái tên Phường Đệ Nhị. Ngôi đình của Làng cũng đã đổi dáng tân kỳ, không lân long qui phụng và cũng thiệt đau lòng là không còn, không thấy, không tìm đâu ra được dáng cổ kính phong rêu của một thời khăn đóng áo dài đôi guốc mộc !. Dù cũng là khăn đóng đó, áo dài đó, chỉ thay đôi guốc mộc bằng đôi giày hạ tân kỳ. Nhưng cái hồn quê bao năm cũ, đã theo đời cách tân mà nhạt hương trầm khói quyện, nhạt không khí một thời hưng, bái trống chiêng...
Cuối cùng, bể dâu thương hải, gọi là Phường 6. Tới cái Phường này là xa thiệt rồi, thiệt là xa mất dấu cái Làng Đệ Nhị, cái Phường Đệ Nhị...của ngày xưa...
Phổ Hiếu- Nhà Thờ - Phổ Hiếu là ngôi nhà thờ họ tộc nằm chung trong khu đất nhà của chú Nhì thợ mộc. Hàng năm, vào dịp Tết, cửa ngỏ ngày đêm mở rộng đón người cùng quê cùng cảnh tha hương về thắp nén nhang vọng tưởng ông bà. Thấy người vô ra cũng khá đông, hương trầm thơm ngào ngạt.
Khi chú đi đứng khó khăn mà phải nằm ghế phơi nắng, thở hít khí trời để may ra kéo dài tuổi thọ thì giao việc gánh vác nhà thờ họ cho người con lớn. Là anh Chương (cũng) thợ mộc. Anh là chồng của chị Huế bán bánh bèo ngon nổi tiếng ở Xóm tôi. Anh cũng là bạn cùng trang lứa với anh Phước, anh tôi. Anh Liêu, anh vợ. Anh Tính (tên gọi trong nhà là Bê), gia sư Pháp văn khi tôi vừa vào lớp Đệ Lục trường Trung Học Trần Hưng Đạo. Anh Vĩnh Nhi ( con mệ Bửu Thực ), anh Cu Lập( con của thím [quên tên] em của bác Nghi), anh chi mà đang làm xếp bẻ ghi xe lửa, bỏ ngang về học chữ lại, rồi vô trường Võ Bị làm quan to [quên tên] con bác Cữu Xứng, anh Xuân con chú thợ hồ ( thợ đây không phải là thợ hồ xây dựng mà là thợ phết hồ dán giấy vàng bạc làm xe, làm ngựa...nói chung là làm đồ mả cho người...vừa nằm xuống !). Còn nhiều anh nữa muốn nhớ mà, lâu quá, quên !. Có ai cùng Xóm, nhân đọc bài viết này, xin bổ xung thêm.
Nói rõ như vậy để biết là mình cùng chung một Xóm. Không trật đường nào !
Nếu đã không trật đường, thì mạnh dạn, viết thêm....
Sau gian thờ tự xây gạch là tiếp nối một phòng dài, rộng mái tôn vách ván. Sức chứa ước chừng cả trên trăm người !.
Tôi giữ cái phòng dài, rộng này để mênh mang một trời tâm sự...
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: