tháng 4 24, 2009
Dù là các cháu hay khóc nhưng đâu có khóc hay như hai chú bé mà ôn đã quan sát từ đầu chí cuối khi ở khách sạn HiAtt nhân chuyến nghỉ hè thường niên của gia đình Trần.
Khóc mà đến nỗi cha mẹ cũng héo xàu đau khổ!
Khóc tới nỗi ôn cũng mất bình tĩnh muốn bỏ chỗ chạy lấy người! Ôn không chịu nổi tiếng khóc dai dẳng của hai chú nhỏ ngó thì dễ thương mà thương không dễ !
Câu chuyện được kết thúc khi vừa có chuyến xe bus trở về đậu trước khách sạn. Tiếng khóc ngưng ngang. Và thiệt bất ngờ, cả hai vợ chồng bật người đứng dậy, ôm con chạy về hướng xe bus. Hai ông bà [nội, ngoại] cũng cuống cuồng thu dẹp đồ đạc, rượt theo.
Không cần phải( hay là nôn nóng mà quên) sắp hàng theo thứ tự văn minh, họ ngang nhiên lùa ép dòng người để nhào lên phía cửa. Đang đi tìm hạnh phúc đó !. Khi nghe con khóc đến không chịu nổi mà bây giờ nó nín khóc, lại cười. Khi đang chờ chuyến xe đến rã rời mà xe đang đến. Cũng là niềm hạnh phúc.
Nhưng có điều đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, kiểu đó, có khi nào nghĩ ra là mình làm nên mất hạnh phúc cho mọi người. Đây cũng là một nan đề cần lý luận để giải mả niềm hạnh phúc cao xa.
Riêng ôn thì cứ nghĩ thiệt là không nên không phải khi người ta đang gần với tới hạnh phúc là đang chờ để được bước lên xe lại bỗng dưng, có chuyện gì đó vật gì đó người gì đó, ngăn trở để mình không tới được hạnh phúc. Hạnh phúc, lúc bấy giờ, đã không còn là gần gụi gang tấc mà…xa vời !
Cũng là chuyện nhỏ thường ngày trong cuộc sống nhưng ôn hốt ngộ niềm hạnh phúc là vì ôn có được các cháu ngộ ngĩnh .
Các cháu hay khóc nhưng chưa từng khóc hay như vậy !
Ba(Cậu) và Mẹ (O) của các cháu, ngày xưa cũng khóc, nhưng mà không hay khóc mà hoàn toàn không khóc hay như bây giờ.
Chỉ khóc trong những lúc lỗi lầm bị đét-roi-mây vô mông. Chỉ ba roi thôi tùy theo lỗi nặng nhẹ mà gia giảm độ mạnh yếu của đường roi. Và tất nhiên là khóc nhưng tiếng khóc chỉ vỡ òa vì đau điếng đòn roi, rồi sau đó là sự dằn nén tiếng khóc để thành tiếng “tớt” ( tìm tra trong tự-điển không thấy chữ “tớt” chỉ nghe trong tự-nhiên là tiếng này,có, tiếp nối sau tiếng khóc) tức tưởi.
Nhiều khi đánh con xong, ôn lại tìm chỗ khuất lấp không người để…khóc. Khóc vì xót ruột con đau roi đòn, khóc vì con có lầm lỗi để mình thấy buồn lo. Nói ra ốt dột lại thấy như là nói chuyện cười chuyện giỡn chuyện vui. Ai biểu đánh con chi mà tự khóc! Bây giờ thì nói, vì nếu như có những điều muốn nói mà không nói được, nay, được nói cũng là hạnh phúc.
Nhiều bữa ngồi ăn uống quây quần, nhắc chuyện đòn roi xưa, Ba(Cậu) và Mẹ(O) các cháu cười vui . Ôn cũng cười mà chỉ cười một nửa. Một nửa trải lòng theo kỷ niệm xưa. Té ra câi roi mây làm nên đau điếng mà bây giờ cũng có kỷ niệm da diết vậy sao !
Bây giờ thì các cháu không biết cây-roi-mây là cây roi gì ! Mà để làm chi!
Nói ra các cháu cũng giật mình. Ôn lớn lên thành người, một phần, cũng nhờ cây-roi-mây đó!
Nói lan man rồi ôn chợt nhớ lại, hồi xưa ôn hay khóc nhiều hơn các cháu ! Chuyện giú kín lâu rồi ôn đã không muốn nói, lại cứ cố tình quên. Nhưng đã lỡ thố lộ ra rồi nên phải nói cho rõ ngọn ngành.
Hồi, nhỏ hơn rồi bằng rồi lớn hơn tuổi các cháu bây giờ, ôn hay khóc lắm. Nguyên do khóc là vì nhớ bà Cố ( ngọai,nội) của các cháu. Bà Cố mất khi ôn sinh ra được ba ngày tuổi. Một đứa trẻ mà không còn có Mẹ sớm hôm chăm sóc nâng niu thì đúng là…Thôi, ôn không nói tới chuyện hoàn cảnh mà chỉ nhắc tới chuyện ôn hay khóc hơn các cháu. Mỗi lần nhớ tới bà Cố là ôn ngồi sau hốc cửa trước nhà, nơi ít người lui tới, và khóc cho tới khi mệt vùi ngủ quên hồi nào không biết nữa! Mà tuổi thơ thì nỗi nhớ có chừng mực gì ! Cho nên ôn hay nhớ để rồi hay khóc nhiều hơn các cháu…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét