Pháo xì :
pháo đốt không nổ thành tiếng, chỉ xì lửa.
Định nghỉa chính xác về pháo-xì như vậy thì
đâu có mùa pháo xì làm mê mẩn tuổi thơ !
Hồi đó, cứ nghe chú Tánh cằn nhằn : “ Mạ mi
mua pháo ở mô mà hết lép rồi xì, nghe không đã tai chi hết. Thua bên nhà anh
Tín. Năm mô cũng thua…”
Chuyện đó nghe quen !.
Đâu có riêng gì chú mà phần ít ( hay phần
đông, tôi cũng không chính xác) cứ cằn nhằn tới lui cũng ba cái chuyện pháo
lép, pháo xì.
Ba tôi nói : “ Tao thì không có chuyện pháo
lép pháo xì chi cả. Cứ mua pháo chính hiệu Bình Đà, mắc tiền một chút, nhưng
nghe đã con ráy”.
Rồi ông cầm cái rái tai tôi lắc nhẹ, nheo
mắt, cười, nói : “Không cần ngoáy tai nghe cũng như sấm”.
Rồi ông lên nhà trên làm(thêm)một ngụm rượu.
Chuyện đó bình thường !.
Ôn Cửu nói : “ Nếp thang hong vừa chín ráo
rồi ủ men thè thẹ chôn vô đất khi bươi lên phải đúng ngày đúng tháng. Con gà
thiến nuôi cũng phải đúng tháng, không tính ngày chi cho mất công. Hai thứ đó
chia chung nhau ăn Tết là cũng bằng mâm cao cỗ đầy. Nói chi cho ngạ”.
Ôn uống trà nhiều không uống rượu. Chôn hủ
rượu lâu ngày, đúng ngày là chỉ đãi bạn tâm đắc thơ, văn. Còn thịt gà thiến
nuôi đúng tháng thì ôn phá mồi rất tự nhiên.
Chuyện đó bình thường.
Ôn chỉ uống trà ngồi với nhìn bạn văn thơ
uống rượu. Là thèm không khí đông vui thôi.
Anh Thuận nói : “ Hồi sáng anh chưng chậu
bông Vạn Thọ trước cửa sao bây giờ không thấy ?”. Chị Thuận hồi đáp liền : “ Em
lấy vô bỏ ở phòng khách rồi. Để đó ai mà thấy, phải để trong phòng cho khách họ
ngắm nghía.”. Anh chờ chị xuống bếp nấu ăn, thè thẹ ôm ra để trước cửa. Chị ngó
thấy mà làm im. Sáng mai thức dậy, ra phòng khách, anh lại thấy chậu bông.
Người khiêng vô rồi người khiêng ra…
Chuyện đó bình thường.
Anh thì ưng khách vừa bước vô là nhìn thấy
chậu bông liền, khen liền trước khi vô
phòng khách. Chị thì ưng khách vô ngồi rồi nhìn ngắm thỏa thuê sau đó thì khen,
cũng không muộn. Chẳng qua cũng cầu có được lời khen mà mổi người mổi cách đó
thôi !.
Chuyện bình thường ba ngày Tết theo tâm lý
chung đã thành lề thói quen thuộc không thể nào thiếu được. Chính những
chuyện-bình-thường tưởng là bình thường mà thật ra đã góp phần rất lớn, quá
lớn, cho không khí rộn ràng ngày Tết.
Ở nơi chốn phồn hoa đô thị thì tôi không
biết nhưng ở những làng quê nghèo khó quanh năm suốt tháng như làng xóm quê tôi
biết rõ. Biết tới nỗi rất quí rất thương những chuyện-bình-thường như chuyện
bình thường của chú Tánh, của Ba tôi, của Ôn Cửu, của anh chị Thuận…
Thương quí ở chỗ xóm làng quê đã vì nhau mà
cùng nhau đón Tết.
Ganh nhau tiếng pháo nổ cho dòn dã hơn mọi
nhà trong xóm. Trang hoàng nhà cửa cho gọn gàng sạch sẻ, có chưng bày bông ba
cây cảnh để chờ khách đầu năm tới thăm mà chờ có lời khen nhà mình có cây cảnh
hơn bên nhà kia. Chuẩn bị rượu thịt để tỏ ra nhà mình năm mới có đông đúc người
ra kẻ vào hơn nhà bên phải, bên trái, trước mặt, sau lưng.
Tranh nhau, ganh nhau quyết liệt nhưng không
hề dung chứa dã tâm. Không hậu trường đạp nhau tranh sống.
Chỉ hòan toàn thánh thiện theo tâm lý hơn
thua giữa con người với con người. Chỉ văn hóa nhà quê : “ con gà ganh nhau
tiếng gáy ”. Thánh thiện thôi !. Nhà quê ( hay quê nhà) hồi nào, cũng chừng vậy
đó !
Vô hình trung, bao đời, những
chuyện-bình-thường đã làm ý nghỉa thêm đậm đà thêm hương hoa tình nghỉa cho ba ngày
Tết.
Không tranh nhau tiếng pháo nổ dòn, không
ganh nhau chưng hoa chưng kiểng, không cố tình cho bằng được những buổi họp đông
vui bên ly rượu thơm râu thì ngày Tết đâu có háo hức rộn ràng !. E cũng chỉ hơn
ngày thường chút đỉnh.
Người lớn có riêng nỗi háo hức rộn ràng theo
ba ngày Tết.
Người nhỏ nít tụi tôi cũng có nỗi háo hức rộn
ràng riêng : được mặc quần áo mới, được ăn no ăn ngon, được tiền lì xì và được
tha hồ lượm pháo xì.
Được mặc quần áo mới, được ăn no ăn ngon,
được tiền lì xì thì có nhiều lý do trở ngại. Tùy gia phong kiệm.
Nhà đông con quá không kham nổi thôi thì chỉ
may cho mấy đứa lớn, còn mấy đứa nhỏ thì mặc “nính” cũng được. Cũ người mới ta
miển còn lành lặn không rách cùi chỏ không lòi mông là được rồi !. Hơi dài thì
xắn lên. Ngắn thì đâu ăn nhằm gì, có còn hơn không !.
Ăn no thì có. Ăn ngon thì cũng còn tùy…gia
cảnh.
Còn chuyện lì xì tiền Tết, tất nhiên là cũng
có, nhưng mà chắc không thỏa ý mong…
Riêng cái khoản pháo xì thì thoải mái, vô
cùng thoải mái…
Cứ tính ra thì biết liền.
Mổi nhà, dè sẻn lắm, cũng phải có cho bằng
được hai phong pháo. Một cho buổi cúng Tất Niên, một cho buổi cúng đêm Giao
Thừa.
Chưa kể sáng mồng Một, cũng phải nên giòn dã
ngày đầu năm.
Nhìn cảnh nhà người pháo nổ giòn tóe lửa
mừng ngày đầu năm mới, trong lòng cũng thấy không(chia) vui. Cứ tiếc thầm, phải
chi có thêm phong pháo nữa…
Thà nhịn ăn chớ không đành nhịn nổ.
Đó là lý do tâm lý rất bình thường để nhà
nhà cùng nổ râm ran. Làng trên xóm dưới thi nhau nổ giòn không ngớt.
Chưa kể tới có nhà không thèm sắm pháo phong
mà sắm pháo dây. Lại ganh nhau dây pháo cho dài hơn.
Anh “chơi” dây pháo một thước hả ?. Tui
“chơi tới” luôn, một thước rưởi. Anh thước-rưởi hả ?. Tui, hai thước đó nghen.
!!!.
Vậy là pháo cứ tha hồ nổ !. Mà đâu nổ hết,
cũng có lẻ tẻ, pháo xì !.
Nếu đúng nghỉa của pháo xì là : pháo đốt
không nổ thành tiếng, chỉ xì lửa thì đám trẻ nít tụi tôi đâu còn có cái thú
vui lượm pháo ngày Tết.
Đâu có giành giựt nhau tới u đầu xẻ trán để
có được mấy cái pháo xì.
Đâu có được mùa-pháo-xì chùm gởi theo mùa
Tết !.
Chỉ là pháo-tịt-ngòi thôi, mấy người lớn ơi
!
Là do vì thuốc dẫn từ ngòi pháo vô ruột pháo
không đều nên chi khi ngòi bắt lửa vô ruột pháo để nổ thì nửa chừng khựng, do
thiếu thuốc dẫn, không cháy nữa. Tịt ngòi.
Tịt ngòi mà vẫn còn ngòi. Còn một nửa. Hơn
một nửa. Còn chút xíu.
Pháo tịt ngòi, mấy người lớn gọi là pháo xì.
Pháo xì, mấy người con nít gọi là pháo nổ
chậm.
Chỉ cần chịu khó phơi nắng cho khô ngòi rồi
châm nhang là nổ. Có xì đâu !.
Ngày đó, ngày xưa đó, mổi lần nghe tiếng
pháo là con nít tụi tôi chạy túa tới mà chen nhau giành giựt pháo xì. Một mùa
Tết cứ chạy qua chạy lại chạy lên chạy xuống, thiệt là vui.
Bây giờ, ngồi nhắc lại không biết có ai
trong đám con nít ngày xưa còn nhớ không ?.
Là hồi đó đó, tụi mình ở xóm đình Đa Cát, Đa
Trung, Đa Thuận (gọi chung là ở Cây số 4 ).
Chiều cuối năm, một hơi viết, nhắc lại
chuyện ngày xưa..
Ở phương trời quê xa quê nhà có ai đọc được
dòng hoài niệm này thì nói rõ giùm cho :
Có phải pháo-xì là pháo-tịt-ngòi không ?.
Mấy người lớn ngày xưa bây giờ đi xa đi biệt
hết rồi !.
Chỉ còn đám nhỏ (giờ già) tụi mình còn thương
còn nhớ còn nhắc lại.
Mai kia rồi cũng mất tiêu luôn…
Mùa Pháo Xì !!!
(có
hình để nhận diện [tác giả bài viết này ] là thằng cu sún cu trọc
lượm pháo xì, ngày xưa.... )
(Trích Truyện Ngắn Trần Huy Sao, Hiên Trăng, 2013 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét