tháng 2 28, 2015

Hết Tết Thiệt Rồi !....


              Để cho tới lúc mà nâng niu đòn bánh Tét, lai rai lột lá, lài rài tét ra từng lát
mỏng nhánh, lải rải bỏ vô chảo dầu, chiên giòn, trở màu vàng rụm.
Để tới khi cắn miếng bánh rải đường giòn tan hay chan qua chút nước mặn mà dưa món. Nghe dịu mùi thơm hương lúa, mùi dầu (dãi) rộn ràng ba ngày Tết, mùi bâng khuâng thương và nhớ, mùi tiếc nuối những ngày vui qua mau.
Là hết Tết rồi !.
Hết Tết…..
Không biết nói vậy có trúng trật chi không !.
Nghe ai cũng nói hết Mùng( hay Mồng) mới là hết Tết. Trong 12 tháng của một năm, chỉ có tháng Giêng có Mùng. Lại chỉ có Mùng Một tới Mùng Mười. Qua ngày Mười Một không còn gọi là Mùng. Vậy là hết Mùng(hay Mồng) là hết Tết.
Còn bài ca dao (Khuyết Danh)truyền đời, không ít thì nhiều, ai cũng đọc thuộc không hết bài thì vài câu. Nhất là câu mở đầu : “ Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Rồi mới tiếp theo : “Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà ”…
Tháng Giêng là tháng có ba ngày Tết dành để vui chơi trong một năm. Qua tháng Hai mới không còn vui chơi để lo làm. Vui chơi chỉ hết tháng Giêng thôi.
Vậy là hết tháng Giêng mới là hết Tết !.
Còn riêng chuyện cắn miếng bánh Tét chiên giòn tan mỏng nhánh mà đã gọi là hết Tết thì chắc là không trúng (mà cũng không trật).
Hồi đó( là hồi cách đây cũng mấy chục năm rồi!) Làng, Xóm quê tôi ăn Tết hết tháng Giêng cũng có, ăn Tết hết mồng Mười cũng có, ăn Tết chỉ ba ngày Tết cũng có. Không ăn Tết cũng có luôn !.
Ôi ! Những năm tháng tuổi thơ ở Xóm nghèo nhắc nhớ về Tết thì có nhiều câu chuyện nói cho nhau nghe không hết chuyện hay như có thể viết được thì viết cho nhau đọc không xuể.
Thời gian dằng dặc bỏ đi xa lâu quá nên chi nỗi quên nỗi nhớ cũng bộn bề nhưng nếu có dịp tình cờ gặp lại người cùng Xóm quê chắc ba ngày Tết cũng chưa hết chuyện.
Nhiều chuyện quá thành ra lắm chuyện.
Có chuyện vui để cười rộn ràng như pháo. Có chuyện buồn để nỗi bâng khuâng thương nhớ chốn xưa cứ quyện vòng lảng đảng như khói nhang trầm…
Xin trích đoạn một vài chuyện nhỏ trong kho chuyện lớn về hồi đó :
[trích]…Hội Làng Mùa Xuân, nói gọn nhẹ là Hội Tết, ở quê tôi Làng nào mà không có.Tuổi thơ tôi rưng rức những kỷ niệm mang vẻ dáng mộc mạc chân quê, đầy đặn sắc thái và đặc thù tính dân tộc của Hội Làng Tết. Ngầy ngật cho tới cả bây giờ. Tiếng chiêng trống vang lừng và tiếng pháo nổ giòn tan báo giờ khai Hội của một buổi sáng Mồng Một Tết năm nào, và cả nhiều năm sau đó trong tuổi thơ, còn đọng lại đâu đây. Bà con lũ lượt về hướng sân Đình chờ giờ mở Hội khai Xuân.
Tôi thấy cả một bức tranh quê sống động.
Thấy chú Tiết Nhơn Quý ôm chai rượu đi ngang giữa đường Làng, gặp ai chú cũng cười. Một tiếng cười là thêm một ngụm rượu. Ba ngày Tết chú cứ đi ngang, không thèm đi thẳng. Bà con ăn Tết còn chú thì uống Tết !!!
[trích]…Không tin ngó anh Cu Lập, con thím Nghi, ngồi ở góc sân nhà chú Thưởng uống rượu tì tì. Ai cũng lấy làm lạ, bởi hồi nào tới giờ anh có uống rượu đâu !. Uống trà đậm còn say mà ! Hỏi ra mới biết tại vì anh thua bạc tới cháy túi vì sòng bầu-cua-cá-cọp nên uống rượu tiêu sầu !. Sầu thì không (hay chưa) tiêu mà chỉ thấy khiêng anh về nhà nằm rẹp thẳng cẳng, chẳng thèm ăn Tết. Rồi còn chú Tư Lãm đi lên đi xuống ở đường Làng, mặt mày ngơ ngác cứ dáo dác tìm quanh. Ngày Xuân mà gặp ai chú cũng không có tới một lời chúc Tết mà nếu như có ai chúc Tết, chú cũng cứ bỏ ngơ. Hỏi ra mới biết chú vừa bị mấy đám bài…ba lá[p] nó …táp hết tiền rồi !. Đi lên đi xuống dáo dác nhìn quanh là đi tìm lại tiền đó mà ! .Chắc là thua đậm mới lậm hồn vía tới tầm cỡ đó !.
Khai bạc đầu năm tầm cỡ như vậy thiệt  quá là bất nhẩn !!!
 

[ trích]...Tháng Mười Hai là tháng cuối năm cũng thường gọi là tháng Chạp.

Tháng Một là tháng đầu năm, cũng thường gọi là tháng Giêng.

Gọi quen thành lệ . Cuối Chạp ra Giêng. Nghe cũng hay hay mà gọn. Ít ai nói là cuối tháng Mười Hai ra tháng Một. Nghe dài thoòng lại không thấy gần gụi hương vị ba ngày Tết là thời điểm chấm dứt một năm, cuối Chạp. Bắt đầu một năm mới, ra Giêng.

( chữ Chạp bắt nguồn từ tập quán chạp( sửa sang) mộ ( mộ phần, mồ mả)  [ sửa sang lại mộ phần của người đã khuất bóng]. Tháng cuối năm, tháng mười hai, là tháng để người sống lo sửa sang cho phần mộ người đã khuất, là cách để người đã khuất cũng được ăn Tết như người sống. Gọi là tháng Chạp Mộ. Gọi tắt là tháng Chạp )

Nói là ra Giêng có ba ngày vui chơi thoải mái là ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba là hết Tết. Mà thật ra, có hết đâu, vẫn còn tới ngày mồng Mười.

(thật ra mỗi tháng đều có mười ngày được gọi là mồng ( mùng).. Mồng một tháng Hai, mồng Hai tháng Hai v..v…
Riêng tháng Giêng (?!), đặc biệt, là ngày đầu năm có ba ngày vui mừng đón Tết Nguyên Đán mồng 1, mồng 2, mồng 3. Trên thực tế là vui mừng tới hết ngày mồng ( mồng 10)..Sau này, khi nhắc tới chữ mồng, người đời thường nghĩ chữ mồng chỉ dành cho tháng Giêng vì đó là những ngày thật sự( mừng) vui (vui) chơi. Mồng, đọc trại là Mùng, đọc trại là mừng. Chỉ tháng Giêng là có những ngày Mùng, mừng. Các tháng khác tuy có ngày Mồng (mùng, đọc trại) nhưng không là những ngày mừng như tháng Giêng ( nghỉ ngơi, ăn chơi, đón Tết) mà phải làm việc ( tháng Hai trồng đậu tháng ba trồng cà…)
Qua ngày mồng Mười tưởng đã là chấm dứt. Mà cũng chưa, vẫn còn :
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà…
( tháng Giêng=Riêng(! )mà không gọi là tháng Một !. Phải chăng đó là một tháng riêng, khác hẳn, trong những tháng phải tất bật làm ăn. Chỉ có tháng Riêng=Giêng(đọc trại) là tháng ăn- chơi-cho-bỏ những tháng phải làm lụng cực khổ ?.( Nghi vấn. Xin được bổ sung thêm ý kiến).
Chuyện dài dòng nói sao cho hết lý.
Thôi thì không gọi là tháng Chạp. Không gọi là tháng mười hai. Gọi là tháng cuối năm cho gọn.
Tháng cuối năm là tháng không còn ( mà cũng không muốn) làm gì khác, chỉ dành thời giờ trang hoàng nhà cửa, rửa mặt mũi tay chân, cạo râu hớt tóc, chuẩn bị chờ tới nôn nóng ngày hẹn tới chú Tấn thợ may lấy quần áo mới để mặc đẹp ba ngày Tết.
Mọi việc thành bại trong năm đã được tổng kết chi thu gia đình ngay từ tháng-mười-chưa-cười-đã-tối. Suốt năm mà ăn nên làm ra thì hứa hẹn một mùa Tết phong lưu nhàn nhã. Làm ăn thua lỗ thì cố mà liệu cơm gắp mắm.
Tháng mười một là lo thanh toán nợ nần của mình và của người cho được thanh thản mà chuẩn bị đón mừng năm mới.
Tháng cuối năm, tùy gia phong kiệm, nhà nhà tất bật lo liệu mọi thứ để chuẩn bị đón mừng năm mới. Cũng là tháng nhàn nhả vui chơi thoải mái…
Thoải mái nhất là quán mụ Nghệ rồi quán thím Lu, o Ngát, chị Cam. Chiều chiều, mấy anh trai Xóm ghé vô hào phóng kêu cả lít rượu gạo, kêu thêm vun dĩa mực, cá khô nướng có kèm thêm chén nước mắm chanh đường dằm ớt chỉ thiên. Mấy anh ngồi, ồn ào quá chừng, ba hoa chuyện trên trời dưới đất.
Mấy thím mấy o mấy chị chủ quán phục vụ tận tình vui vẻ hết mình vì cuộc nhậu cuối năm, theo định lệ là không được ghi sổ mà phải trả tiền mặt. Tiền mặt đó nghen,cho nên chủ quán cố tình vô ra cho có mặt để chìu đón khách.
Đôi khi và, thường khi, chủ quán được (ép) mời chia chung ly rượu kèm thêm một miếng mồi đưa cay. Thì cũng tới luôn !.Uống sặc sụa, uống hít hà chảy nước mắt mà cũng phải uống cho mát-trời-mây câu khuyến mải “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi “.
Có mụ Nghệ là không cần vui lòng khách vừa lòng khách chi cả !. Mụ ngồi chung bàn luôn, uống tới luôn !.Mụ hò câu Nam Bình, Nam Ai nghe rứt ruột. Mụ gởi lòng thương nhớ cố hương đã ngày tàn tháng tận mà chưa từng chưa có dịp về lại cố hương …cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…anh đi không kịp…
Tàn buổi nhậu cuối năm, mấy anh móc túi trên túi dưới, góp chung trả tiền. Tiền mặt à nghen. Mụ nhận tiền vui vẻ cám ơn, từ tốn, ân cần sớt lại một phần tiền vừa trả để gởi lại quý anh, coi như sòng phẳng góp chung phần của mình. Riêng phần đóng góp văn nghệ câu hò tiếng hát coi như mụ không tính thù lao.
Tình mà !. Cho không biếu không ! Hào phóng quá trời ơi người cố đô !…
Tôi hồi đó, còn nhỏ, biết gì!. Chỉ thấy Mụ, đờn bà mà uống rượu như đờn ông. Nghe anh Tống Hồ, tên Hiền ( đọc "trọn gói" là Tống Hồ Hiền) kể chuyện mụ uống rượu như Lổ Trí Thâm, tính tình bộc trực ngay thẳng như Lỗ Đạt. Tôi ngây ngô không biết hai ông họ Lổ này có họ hàng gì với nhau không mà anh Tống Hồ tên Hiền đưa ngang bằng khí phách nam nhi chi chí. Sau này nghe chú ( Tiết Nhơn ) Quý, nằm dưới gốc Quỳ vì đang say rượu, diễn nghĩa chuyện ông Lổ Trí Thâm cạo trọc đầu đi tu mà uống rượu như hủ chìm. Chú đâu có phải là nhân vật Tiết Nhơn Quý trong truyện Tàu. Chú chỉ là chú Quý của Xóm quê tôi, tên Quý. Tướng tá chú dềnh dàng to lớn, lại tên Quý, nên mọi người gọi là Tiết Nhơn Quý, vậy thôi !. Thêm đoạn này (xin nói nhỏ, nói thầm, nói lén là mấy o mấy dì mấy thím mấy chị nhỏ to thầm thì lén lút gọi chú là Ác Nhơn Qúy chớ Tiết Nhơn chi !. Lý do là vì chú cứ say xỉn ba ngày Tết không thèm ngó ngàng chi tới mọi chuyện nhà hết trơn. Tìm chú là tìm ở mấy bụi Qùy bởi Xóm quê tôi khoai sắn thì cằn cỗi mà cây Qùy thì mọc tràn lan ôi thôi là lùm bụi.). Có điều chú có tài nói lối diễn nghỉa tuồng tích rất hay. Càng say nói càng hay. Càng hay càng được bà con chuốc cho say, miễn phí. Có điều thêm, là chú chỉ nhứt định say xỉn hết mồng thôi. Còn mồng Tết còn say. Hết mồng Tết hết say. Thiệt là sòng phẳng. Tôi ngưỡng mộ chú vô cùng.
Chú diễn nghỉa :
Lỗ Trí tên Thâm
thật là Lỗ Đạt,
làm chức Đề Hạt
ở tại Đông Kinh,
là người lực lưỡng
mình cao tám thước
vai rộng đầy ôm
mặt tròn tai lớn
mũi thẳng miệng vuông
hàm râu quai nón
sức khỏe muôn người
vì giết Trịnh Đồ
nên bị truy nã
cắt tóc đi tu
trên núi Ngũ Đài
xin làm môn đệ
trưởng lão Trí Chân…
Câu kệ còn dài nhưng nhờ chú tôi mới biết ông Lỗ Trí Thâm cũng chính là ông Lỗ Đạt.
Muốn hỏi thêm thì chú Tiết Nhơn Quý đã dựa gốc Quỳ, ngáy vang như sấm !
Tháng Mười Hai của những ngày thơ ấu, nhớ lại, viết lại, thiệt là quặn lòng …
Chân dung tôi hồi đó, tròn vo, đầu trọc, răng sún, đít có đinh không ngồi một chỗ, chưn có lò xo không đứng được lâu, cái đầu mới lớn cứ muốn nhét đầy chuyện kể, trái tim thì chay tịnh vẫn trống trơn, tâm hồn thì đang vơ vẩn vớ vẩn  những câu Thơ.
Riêng phần cái bụng, xin thiệt thà nói, đói quá chừng ! Xóm nghèo tuy là có cơm ăn nhưng không có thức ăn. Chỉ mắm dưa, cá cơm khô, đậu phụng kho queo, nước mắm kho quẹt, cho qua ngày tháng ! Thèm. Thèm đủ thứ !
Mấy anh chơi chi sang cả giống như cao lầu. Chỉ buổi nhậu rượu thơm râu mà thấy ê hề rệu nước miếng mấy dĩa mực khô, cá khô, tôm khô…
Sang cả tới nỗi lớp ăn lớp bỏ .
Những buổi chiều tháng mười hai tôi thường đi rảo quanh Xóm tìm quý anh để chỉ rụt rè đứng bên ngoài nhìn vô ăn-ngó-theo mấy dĩa đưa cay hấp dẫn.. Con mắt cứ láo liêng, miệng thì rệu nước miếng, cái bụng cứ sôi rồn rột, thèm ăn…
Chị Bưởi kêu tôi, nói nhỏ : “ Em đi rảo quanh Xóm nếu như mà thấy anh Hiền ngồi quán thì nói với anh về nhà liền không thôi là chị giận. Nhớ nói nghe. Mấy viên kẹo Cau này chị cho em . Cầm đi em, mai mốt chị cho thêm ”. Tôi nhanh nhẩu ( không hẳn lắm, theo lời chị, chỉ theo lời mấy viên kẹo Cau ) đi liền. Thấy anh đang cười nói huyên thuyên ở quán mụ Nghệ, tôi len lén đi vô nói nhỏ với anh : “ Chị Bưởi nhắn em là nếu thấy anh ngồi quán là vô nói với anh là chị giận. Giận dai dẳng khủng khiếp. Về đi anh ! ( mấy lời này là tôi nói thêm, chị Bưởi không có nói ). Anh giật mình nhìn quanh tưởng như có chị đang đứng ngoài nhìn vô. Một thoáng lưỡng lự, anh kéo tôi ra sau quán, hỏi nhỏ : “ Chị Bưởi có đi theo em không?”. Tôi lắc đầu, lắc đầu. Anh cười : “ Vậy là không sao. Bây giờ em chạy ngược về nói với chị Bưởi là có thấy bàn nhậu mà không có anh. Nhớ phải nói rõ ràng là không thấy anh, thiệt là không thấy anh. Chạy u đi “. Thấy tôi còn đang ngần ngừ anh sực nhớ, cười giả lả : “ Quên. Quên. Muốn ăn mực nướng, tôm khô củ kiệu hay cá khô nướng đây !”. Tôi mau mắn : “ Cả ba món luôn !. Mỗi món một chút là em chạy u liền”.
Tháng mười hai có bao nhiêu chuyện kể hoài không hết !
Giờ ngồi nhớ lại, kể nhín một vài chuyện cho vui.
Vậy thôi !
( Trích Tuyển tập thơ văn NẺO VỀ TRẦM MẶC,  sắp xuất bản )
 
Hôm nay là mồng 10, cứ coi như là hết Tết !. Thật ra, ở đất quê người, Tết ta đã hết từ thứ Hai khi ra xa lộ đến sở làm, vói chi tới hết mồng Mười hay hết tháng Giêng !. Không có đâu !. Không có chuyện đó " Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục".
Tại vì chiều nay, có được chia phần mấy lát bánh Tét mỏng nhánh chiên giòn rụm giòn tan mới ngẫu hứng sinh tình viết vài dòng tâm sự đầy vơi….
 
Hiên Trăng, mồng Mười năm Ất Mùi
28/02/2015
 
 

 
 

tháng 2 27, 2015

Hết Tết Rồi Nghe....


 
phải chi hương khói đừng bay mất
không chừng ngày Tết chắc vui hơn
khói lại hùa theo hương tản mạn
để cho hết Tết lại trở buồn…

O Hương tôi khóc không thèm nín
tiễn Dượng lên xe về trấn sơn
hết Tết rồi nghe, o đừng vịn
để Dượng về đá dựng sườn non !

anh Phụng tôi ngồi buồn thở gió
không đưa chị Nguyện lên xe đò
hết Tết rồi nghe, anh có nhớ
chị cũng phải về lại Sài Gòn !

chú Báu tôi khan giọng gọi tình
hành hạ cây đàn chi kể xiết
hết Tết rồi nghe, chú hành mình
gọi được tình thím nào, ai biết !

cậu Tấn tôi rượu ngắm đêm suông
thả mấy câu Thơ buồn rứt ruột
hết Tết rồi nghe, Cậu đừng buồn
trước sau rồi cũng gặp Mợ thôi !

thằng Chắt em tôi thì vui quá
không còn bỏ mối rượu mọi nhà
hết Tết rồi nghe, em được thả
tha hồ ăn nính Tết người ta !

thằng tôi của tôi giờ xa ngái
buồn vui chan trộn mùa quê xưa
hết tết rồi nghe, mi nhớ lại
làm chi cho khói quyện hương đưa !....

Hiên Trăng, mồng Chín Tết Ất Mùi
27/02/2015

tháng 2 24, 2015

Ngày Xuân Bằng Hữu


gởi bạn phương Đông

tụi bây chừ đi tới mô hết trọi
bỏ mình tao ngồi ngó vói hết trơn
chuyện hồi xưa nỡ lòng chi chơi giởn
mén rượu ngày Xuân bỏ rớt mô rồi

đường quan san tao đạp choài mới tới
còn tụi bây chới với ngó phương Đoài
ở lại phương Đông thân phận lạc loài
râu tóc theo phe bạc dòng cơm áo

xưa còn cơm chừ e chừng húp cháo
đắp đổi qua ngày đợi ghé vói phù vân
râu tóc Kiều Phong đã chia phần lỡ vận
bạc trắng in như tiền bối Hồng Thất Công

còn dám hủ chìm hủ nổi nữa không
hay đã bế quan rửa chén qui hồi
tới chốn một ly cũng đi không nổi
phù vân, hề, mờ mịt Nhạn Môn Quan

tao nửa đời quá giang trời lạng quạng
buổi phong vân níu chao đảo phong trần
miếng bằng hữu e chiều hôm lạc tận
mùa xuân xưa buồn quá đỗi bây ơi

mén rượu chừ nhấp nhấp chút vui thôi
đâu có ngày xưa hủ chìm hủ nổi
đâu còn tụi bây để hò reo tới tới
chừ tao ngồi thui thủi mấy ngày xuân

bằng hữu giờ đang chở đời khánh tận
tao cũng y chang chờ phủi bụi thời gian
chuyện hồi xưa dột mưa xong dang nắng
rốt cuộc rồi không còn chi hết trơn

chỉ sót chút đâu đây một thời ba trợn
mén rượu chia nhau ly cối ly tràn
thấy mụ nội đầu hôm tới hồi chạng vạng
uống trẻ không tha già không thả rứa bây

ba ngày xuân mềm môi không thèm dậy
mà dậy chi hè cho ép uống nữa rồi nằm
tao gốc Huế nhắc hồi nào hồi nẫm
có ghém lời quê o Huế đọc cười chơi

nhớ tụi bây tao viết nhín rứa thôi
viết nữa làm chi cho đời đau quặn  
có rót trăm ly cũng xót lòng cố quận
bởi tụi mình chừ xa ngái Đông Đoài…..

Hiên Trăng mồng Bảy Tết Ất Mùi 2015

 

 

 

 

 

Hạn Xuân


 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 






quê nhà còn mồng còn Tết
quê xa hết Tết còn mồng
qua mồng ba là vọng động
trâu cày trả nợ áo cơm

coi như không còn gì trơn
vẫn theo ngày thường cơm áo
trầm hương rồi bay hết ráo
chúc mừng cũng bỏ quên luôn

phấn son thoa phớt dọc đường
không thôi trễ giờ làm việc
mùa Xuân đành xin giã biệt
đang chờ đèn đỏ bật xanh

nhấn ga đời chạy loanh quanh
kiếm mụm cơm và cuộc sống
chan nhau giữa trời đất rộng
để còn chờ đón Xuân sau….

Hiên Trăng mồng Bốn Tết Ất Mùi 2015

 

 

 

 

tháng 2 22, 2015

Chiều Mồng Bốn Buồn Bưa, Mưa



tôi thiệt buồn như chiều San Diego
mưa gãi ngứa không đưa tin thời tiết
bởi, tại, vì mưa chưa hả lòng hạ nhiệt
bỏ quá đi nghen chiều-mồng-bốn-tết

lỗi-tại-tôi-lỗi-tại-tôi mọi đàng không hết
bỏ buồn làm chi cho ngày tết lạc vui
xin chuộc lỗi dĩa bánh chưng trở nguội
ly rượu mừng xuân lạt nhách chiều nay

con cháu hôm qua bỏ mứa lại đây
những sợi buồn vui lựa hoài không xuể
trống vắng nhiều khi đôi khi rất tệ
không kín bàn tay che giú nỗi buồn

tôi có ngồi đây giọt rơi vay mượn
thà chẳng đừng mưa phai nhạt nắng xuân
có vói tay ươm giọt trời bâng khuâng
đâu thấm gì đâu chiều mồng-bốn-tết

mồng-bốn-tết nhớ nhiều chi cho hết
con cháu đi rồi bỏ nhớ lại đây
hiên trước lên xe bỏ buổi xum vầy
để lại hiên sau ngồi se sợi buồn vui ….

chiều mồng-bốn-tết Ất Dậu 2015

 

 

 

 

 

Ngũ Long Công Chúa



 

















ngũ long công chúa của Ba
Ba ba ngày Tết thiệt là tết tư
riêng tư mà lại có dư
món ngon vật lạ tới thừa mứa luôn

ngày Xuân có món Nem ngon
con Tím hắn gởi xe đò về đây
hỏi con nghe, miếng nem này
chắc con có gói tình đầy cho Ba

con Út Uyên về quê nhà
đem qua chai rượu làm quà cho Ba
hỏi con nghe, hương quê nhà
chắc con muốn rót hương xa níu gần

con Dã Qùy ở Hiu Tân
nhờ Phố đem xuống cho Ba mứt nhà
hỏi con nghe, mứt ngọt ngào
chắc con nhớ lắm ngày nào gặp Ba

con Loan hắn vốn thiệt thà
gởi Ba cái bánh ngó mà phát no
hỏi con nghe, bánh thì to
Ba mà ăn hết chắc no quên già

con Ba Quyên ở gần nhà
món chi hắn nấu cũng là quá ưng
hỏi con nghe, ngon quá chừng
chắc con nêm nếm yêu thương vô cùng

đêm nay Ba chẳng đặng dừng
ngày Xuân khai bút nói lừng chuyện qua
ngũ long công chúa của Ba
mới ra cớ sự mở màn Thơ Xuân…

Hiên Trăng, đêm mồng Ba Tết Ất Mùi 2015

 

 

tháng 2 21, 2015

HÌNH ẢNH

NGÀY XUÂN ĐI LỄ




 

 










tháng 2 20, 2015

Chờ Đón Giao Thừa


đón giao thừa mặt đỏ bừng
cái chai hắn nói thôi đừng rót thêm
nghe rồi mà giả bộ quên
ly vừa nửa ngấn lại thêm ly đầy

Thơ còn thơ thẩn đâu đây
nên chi câu chữ cứ bay mòng mòng
cái chai ngó bộ mích lòng
cái ly hắn cũng a tòng cái chai

ngày Xuân đượm chút lai rai
cho thơm râu tóc bạc phai tháng ngày
gieo Thơ đón Tết nơi này
còn cơ may níu lại ngày hồi xưa

từ khi đời đã sớm trưa
bánh Chưng bánh Tét tàn than lâu rồi
tưởng là ngày Tết quá thời
mà đâu phải, vẫn cứ đòi như xưa

cuối năm thức đón Giao Thừa
chớ nào phải đón ly vừa ly vơi
bao năm sống vói sống đời
vẫn ly rượu đó vẫn lời Thơ say

dẫu cho lạc tận phương này
hương bay tìm lại Tết vầy lối xưa
thức đêm chờ đón Giao Thừa
trầm hương bay lạc bao mùa xuân qua

có điều rất nhớ quê nhà
mà không thể đặng về qua thăm nhà
thôi thì Tết ở quê xa
chờ Giao Thừa tới cũng là về quê….

Hiên Trăng năm mới 2015
Giao Thừa năm Ất Mùi

Du Xuân



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
lên xe anh đưa em về
kẻo thôi không kịp Tết quê nhà mình
núi đồi xa tắp gập ghềnh
dẫu gì cũng có hai mình, lo chi

thuở giờ từng dắt nhau đi
từ hồi đường đất tới khi đường bằng
gian truân gian khổ vô ngần
đường xa cách mấy cũng gần nhau thôi

xin em cứ việc lên ngồi.
nắm tình cho chắc vịn đời cho yên
đường đi có quảng gập ghềnh.
có nơi bằng phẳng có miền chênh vênh

có gì em cứ ngồi yên
đừng buông tay vịn đừng nghiêng dáng tình.
anh đang cố ráng sức mình
đưa em tới chốn an bình cùng anh

hai mình sướng khổ để dành
có ba ngày Tết để anh chia đều
chiếc xích lô đạp nhẹ hều
em ngồi, anh vặn dây thiều lên gân

không đi xa được thì gần.
không về quê kịp thì ngần đây thôi
đón xuân như vậy được rồi
có đôi có cặp còn đòi chi đây!…

Khai Bút Đầu Năm/ Mồng Một Tết Ất Mùi 2015
(19/02/2015)