Chúc mừng sinh nhật Quyên Trần.
trong tuyển tập GIỮA HAI BỜ HƯ THỰC,
Truyện, Hiên Trăng, 2008.
THÔI, KHÔNG NHÌN TRĂNG NỮA
Viết cho chị.
Trăng lòn qua cửa sổ, sáng nhờ nhờ. Những đêm trăng sáng như thế này, tôi hay nhớ đến chị. Cố nhắm mắt lại, tôi tưởng tượng tấm màn đang phất phơ trong gió như bóng ai đổ dài. Mở choàng mắt. Nằm miên man nối lại những ngày cũ, tôi chợt nhận ra những kỷ niệm về chị đều gắn liền với trăng.
Lần đầu tiên mẹ cho chị dắt tôi về quê thăm dì là năm chị thi rớt đại học. Xe đò thả hai chị em xuống giữa mênh mông. Nhìn quanh quất, không có lấy một bóng người, chỉ có con đường đất đỏ quạch chạy dài trước mắt. Tôi lục tục cầm giỏ chạy theo chị. Hai bên đường thông reo rì rào. Cả đến một tiếng sau mới tới nhà dì. Dì đang ngồi trong bếp, thấy chị chỉ hỏi, “Mi thi sao?” Chị gãi đầu, “Đề bài năm nay khó quá, con làm trật đề, sang năm thi tiếp.” Dì hứ một tiếng nhỏ rồi đi thẳng về phòng. Nhà quê, tối đến chỉ có đèn dầu, dì bắt mấy chị em đi ngủ sớm để sáng theo dì lên rẫy. Nằm trong mùng nghe mũi kêu vo ve, trăng dọi vào khung cửa sáng ngời, tôi nhớ mẹ muốn khóc. Chị nằm bên cứ thở dài thườn thượt. Tưởng chị buồn chuyện thi cử, tôi an ủi, “Chị thấy anh Tí không? Thi tới hai lần mới đậu. Thi không xong thì học trường bán công cũng được.” Bỗng đâu, có tiếng chim kêu ngoài hàng rào, chị bật dậy, vén màn cửa nhìn ra. Bên phòng bên kia, dì đập tay xuống thành giường thình thịch. Chị trở lại giường nằm. Lát sau, tiếng chim lại cất lên một lần nữa. Chị rón rén ngồi dậy, búi lại tóc, lay tôi, “Dậy em, đi với chị chút!” Tôi dụi mắt, lồm cồm bò dậy. Hai chị em băng qua dãy nhà trên, vòng ra sân sau, xuống đồi. Tôi giật mình thấy có bóng người thập thò sau nhà bếp của dì. Chị bỏ tôi đứng đó, lao lại ôm lấy cái bóng người kia. Tôi lãng vào góc bếp, đứng chờ. Tiếng dì ho khúc khắc trong phòng. Tôi nghe tiếng chị hối người kia về rồi kéo tôi chạy lúp xúp về phòng. Tôi lẳng lặng theo chị mà không hỏi gì vì trong đầu cũng đoán ra bóng người đó là anh Xuân theo lời thằng Na kể.
Nhà dì đông con, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với nương rẫy, ruộng vườn. Thấy chị ham học, dì gởi chị lên ở với ngoại để học tiếp trung học. Năm cuối bậc trung học chị về nghỉ hè, đi cùng chuyến xe với anh Xuân. Hỏi thăm mới biết anh là người cùng xóm, lên ở phố từ nhỏ rồi đi lính, giờ giải ngũ về lại nhà. Sáng sáng chị đi rẫy, thường đi ngang nhà anh. Anh Xuân thường ra đứng trước ngõ, gật đầu chào. Đi riết hóa quen, bữa nào không đi ngang thì thấy nhớ. Đến lúc thằng Na lách chách kể cho dì nghe chuyện anh bưng nước ra mời chị, dì dãy nãy, giọng lạc đi, “Không đuợc, mi không được qua lại với cái ngữ đó. Ngày xưa ba nó độc ác giết biết bao nhiêu là mạng người. Bắn người ta không thương tiếc. Máu nhuộm từ đời cha tới đời con, đời cháu. Mi mà qua lại với hắn, tau từ mi luôn.” Từ đó, chị hay lầm lũi khi đi ngang nhà anh Xuân. Không nhắc chuyện gì về anh nữa nhưng tôi biết anh vẫn lên thăm chị vì chị hay viện cớ đi ra ngoài vào buổi tối.
Đêm sau, ngày rằm, dì chất cả nhà lên chiếc thuyền nhỏ, bơi ngược lên hướng bắc của con sông Đại Ninh để thắp nhang bên gốc cây trăm tuổi. Tôi thắc mắc tại sao phải đi thắp nhang đèn ở đây mỗi bận rằm thì dì gạt ngang, chuyện dì tin, nói ra không linh đâu con. Trăng sáng vằng vặc, tiếng chim kêu rung rúc hai bên bờ. Tôi ngồi thu lu ở giữa, nhìn dòng nước chảy lờ đờ đen thui hai bên mạn thuyền, níu chặt lấy chân chị. Tôi rùng mình khi thấy dì cho xuồng ghé vào cái gốc cây già. Cái cây này không biết có từ bao giờ, tán rộng che cả khúc sông, bên gốc cây, nhan nhản những đèn nhang, bông chuối. Trăng dọi qua kẻ lá, lung linh. Khúc sông này, mặc dù gần bờ nhưng nước sâu hoăm hoắm, trong veo. Đầu xuồng, dì đang lầm rầm khấn vái. Tôi thấy chị nhoài người ra mạn thuyền, vục nước lên rửa tay. Rồi như trong mơ, chị trượt tay, lăn tòm xuống sông. Tôi nhoài người theo, la thất thanh. Tôi thấy rõ ràng đôi mắt chị mở lớn, miệng há ra, từng chùm bong bóng thi nhau nổi lộc xộc lên mặt nước. Chị vùng vẫy, níu kéo. Tôi trên bờ tuyệt vọng, kêu tên chị vang cả khúc sông. Ngay lúc đó, anh Châu nhảy xuống, nắm lấy mái tóc đen dài của chị kéo lên. Hoàng hồn, tôi ngồi ôm chị khóc rưng rức. Dì không nói gì suốt cả đường về, môi mím lại làm những vết nhăn trên má như sâu thêm.
Những ngày sau đó, tôi đi theo dì và chị vô rẫy, trong lúc mọi người đi làm, tôi hết đi ra rồi đi vào ngôi lều của dượng. Mấy quyển truyện mẹ mua cho trước khi về quê, tôi đã đọc hết trong mấy ngày đầu. Có hôm, dì biểu tôi ở nhà chơi với thằng Na. Chiều về thấy tôi ngồi khóc, dì cầm gậy rượt nó vòng quanh nhà vì đã dám bỏ con trùn vào lưng áo tôi. Thấy tôi cứ lủi thủi chơi một mình bên gốc mít, dì xoay qua biểu chị, “Mai mi chở nó ra chợ huyện chơi, mớ bắp đó tau với thằng Na hái được rồi!” Tối đó, chờ dì ngủ say, chị lại kéo tay tôi nhón nhén ra sau vườn. Anh Xuân đã chờ sẵn ở đó. Tôi căng mắt cố nhìn cho rõ gương mặt của anh. Dưới ánh trăng bàng bạc, dáng anh to sừng sững, khuôn mặt chử điền sáng láng, hiền từ. Thấy tôi khoanh tay chào, anh chỉ cười vuốt tóc tôi. Cả ba ngồi bệt xuống một khúc cây mục. Chị tựa đầu vào vai anh. Tôi ngó quanh quất, thấy mình thừa thải vô cùng. Hai người chỉ ngồi bên nhau không nói gì đến khi tôi khúng khắng ho vì sương xuống, ướt cả tóc.
Sáng hôm sau, chị kêu tôi dậy sớm, nhét vô tay một khúc bắp rồi dắt xe ra ngõ, dì tựa cửa nhìn cho đến chiếc xe đạp của hai chị em khuất sau rừng thông. Đi được nửa đoạn đường thì thấy anh đang chống chân chờ bên đường. Chợ huyện nhỏ xíu, đi loanh quanh một chút đã hết chợ. Trên đường về, anh đèo tôi, cùng chị đạp xe song song trên con đường đất. Đi được một đoạn, bỗng chị loạng choạng ngã chúi vào xe anh. Tôi còn nhớ rõ ràng cái cảm giác bị bay bổng lên rồi miệng bị va vào chiếc yên xe đạp của chị. Cả ba lồm cồm ngồi dậy. Anh và chị xúm lại đỡ tôi lên. Nước mắt vắn dài, tôi bám vào người chị, chiếc răng cửa dưới lung lay sắp rớt ra ngoài, máu chảy ướt cả vạt áo. Chị ôm tôi vỗ về. Đến khi nhìn xuống cánh tay chị, thấy nổi lên một cục u rồi sưng to dần. Chị bắt đầu nhăn nhó. Không biết phải làm gì giữa khu rừng vắng vẻ này, anh và tôi tháo đồng hồ của mình đeo chặt vào chổ tay sưng của chị. Chị loạng choạng đứng lên, chiếc quần bị rách toạt một mảng ngay đầu gối, máu thi nhau tuông chảy. Chiếc xe đạp của anh gãy làm đôi, bỏ chỏng chơ bên vệ đường. Ba anh em dắt díu nhau về.
Đoán giờ này dì còn ở trong bếp nên cả ba nán lại trong rừng thông đến khi mặt trời xuống rồi mới chia tay, ai về nhà nấy. Chị sai tôi nói với dì chị bị say nắng nên không ra ăn cơm tối. Tôi có thể dấu chiếc răng lung lay của mình nhưng chị không thể dấu cái tay đang sưng phồng và tướng đi khập khiễng vì vết thương ban chiều. Tối đó, chị nằm cắn răng chịu đau. Tôi ngồi thu lu trong góc phòng nhìn chị vật vã rồi thiếp đi lúc nào không biết. Khi giật mình choàng tỉnh thì nghe tiếng dì la lớn sau hè, “Làm sao ra nông nổi này?” Tiếng chị lí nhí, “Hồi tối con ngủ quên ngoài phản, nửa khuya bị rớt xuống, tay chống xuống đất trước nên chắc bị bong gân.” “Cái phản bằng nửa người mi, làm sao mà té nặng vầy được. Chắc hôm qua đi chơi bị té, may là nó không sao, lỡ có chuyện gì làm sao ăn nói với dì dượng mi đây?” Không nghe tiếng chị trả lời. Tôi thè thẹ leo xuống giường, vòng cửa trước ra sau nhà múc nước rửa mặt. Thấy tôi lò dò đi vô bếp, dì nhìn khắp người tôi rồi dúi vào tay tờ giấy bạc, sai, “Con chạy qua bên quán ông Cường, mua cho dì một xị rượu rồi về đi với chị tới nhà ông Sáu để ổng mằn tay.” Cũng may là chị chỉ bị bong gân. Nhìn ông Sáu uống từng ngụm rượu rồi phun vào tay chị, hết nắn rồi bẻ, chị chốc chốc lại la oai oái, nước mắt chảy ròng ròng, tôi thấy người mình cũng đau nhoi nhói. Tối tối, chờ dì giăng mùng đi ngủ, hai chị em mới loay hoay sức thuốc, băng bó lại vết thương trên chân chị. Anh Xuân hay đón đường hai chị em, lúc thì đưa cho mấy trái dưa ngọt, lúc thì đưa hủ cơm nếp, xong lại lầm lũi đi về.
Khi vết thương trên chân chị vừa khô thì tôi cũng phải về để chuẩn bị vào học. Dì sai anh Châu chở tôi ra đường cái, gởi gắm chủ xe đò vì chị phải ở lại giúp dì. Mẹ đón tôi ở bến xe với Út. Tôi bật khóc, dụi đầu vào ngực mẹ. Kỳ lạ, khi về quê với chị, tôi nhớ mẹ quay quắt, giờ gặp được mẹ, lại quay sang nhớ chị. Những ngày tháng sau đó, tôi cứ thơ thẩn mong chị về lại phố để chuẩn bị ôn thi. Cái đàn guitar cũ chị treo trên vách đã đóng một lớp bụi dày. Tôi vẫn hay viết thư cho chị. Thư cuối chị viết, ngắn gọn, “Tháng sáu này, anh Xuân làm đám cưới.” Mẹ nói, chị không thi nữa đâu, bây giờ đã bỏ đi buôn, đem hàng lên mấy khu người ta đãi vàng để buôn bán. Tôi biết chị vẫn lên phố lấy hàng nhưng tuyệt nhiên không ghé thăm. Tôi đâm giận chị, đem cây đàn của chị cất vô nhà kho của ngoại.
Chị đột nhiên xuất hiện trước cổng nhà tôi một buổi tối mùa đông. Tôi mừng cuống lên, lăng xăng đi ra đi vào. Chị xin mẹ đem tôi đi chơi. Xuống hết dốc thì thấy một người đàn ông đang chờ ở đó. Chị xoay qua tôi nói, “Anh này là anh Tài, bạn của chị.” Tôi gật đầu chào anh. Nếu đem so anh Xuân với anh Tài, thì cả hai người khác nhau một trời, một vực. Anh Tài người khô quắt, da đen và ít nói. Tôi lặng lẽ leo lên cái dàn ngang của chiếc xe anh đang chống chân chờ, chị ngồi phía sau. Cả buổi tối như thế, trôi qua trong lặng lẽ. Đêm đó, nằm bên, tôi hỏi chị một câu rất ư là “người lớn”, “Chị có còn nhớ anh Xuân không?” Chị im lặng một hồi rồi nói, “Chuyện anh Xuân đi lấy vợ, cho dù ảnh không nói ra nhưng chị hiểu đó là sự xếp đặt bên gia đình ảnh. Chị không trách ảnh nhiều đâu em. Mà nếu ảnh không lấy vợ, chị không biết tụi chị đi về đâu vì ba mẹ chị sẽ không chấp nhận ảnh.” Tôi dấm dẳng, “Em vẫn thích anh Xuân hơn mà.” “Em đừng nói vậy, anh Tài cũng tội lắm. Ngày chị bỏ đi buôn, lơ ngơ đâu biết gì, cũng nhờ anh ấy bảo bọc, che chở mới đứng nổi đó em. Anh Tài làm lơ xe cho chiếc xe chị hay đi. Ảnh thương chị lâu lắm mà không nói ra. Có hôm xe bị hư, nằm giữa đường, chị ngồi chờ trên xe. Nửa đêm trăng dọi sáng quá, chị ngồi tủi thân khóc, anh mới đến ôm lấy chân chị mà khóc theo, hỏi sao anh theo chị lâu rồi mà không ngó ngàng gì đến anh.” Chị kể. “Chị không biết nói gì, kéo tay anh đứng dậy. Anh tứ cố vô thân, không nơi nương tựa nên chị đưa về nhà thưa với dì dượng, tháng sau tụi chị chỉ làm tiệc ra mắt bà con bên mình là xong.” Sáng sớm, khi tôi còn ngủ, chị đã đón xe đò về lại quê. Đám cưới chị, tôi không được theo ba mẹ về dự vì đang trong năm học. Hôm Tết, thằng Na lên chơi, kể lại, tối hôm trước khi đám cưới, trong lúc cả nhà nhộn nhịp giết heo làm thịt thì phía bên kia đồi, anh Xuân cứ hết đứng, lại ngồi lang thang trong rừng thông cho đến gần sáng. Tôi hỏi, “Sao mày biết đó là anh Xuân?” “Sao không biết, dì giao cho tao đi xuống suối múc nước, thấy tao ảnh còn hỏi thăm chị mà!” Nó trả lời một cách trịnh trọng.
Một hôm, đi học về, tôi thấy mẹ đang thu xếp đồ đạc như chuẩn bị đi đâu đó. Khi tôi hỏi, mẹ nói, “Mẹ phải chạy lên bệnh viện với dì, chị bị sốt rét nên dì đưa vô bệnh viện huyện. Ở đó không biết người ta truyền thuốc thế nào lại bị sốc thuốc nên phải chuyển lên bệnh viện tỉnh may ra mới cứu được cả mẹ lẫn con.” “Cả mẹ lẫn con?”Tôi tròn mắt hỏi lại mẹ.“Ừ, chị có bầu đã gần bảy tháng rồi!” Khỏi phải nói, cả buổi chiều tôi cứ tha thẩn trước cổng nhà, mong mẹ như chưa từng mong bao giờ. Chập tối, mẹ ào vào nhà, mắt đỏ hoe. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi đứng lặng trong góc nhà nhìn mẹ. Mẹ xoay qua dặn dò, “Con ở nhà với ba, đồ ăn mẹ nấu hồi trưa, để dành ăn dần. Mẹ phải đi theo dì đem chị về quê.” Sao lại đem chị về quê? Chị còn phải nằm điều trị mà! Khi chị hết bệnh, chị có thể về nhà mình ở như trước giờ vẫn vậy, cần gì về quê? Thấy tôi vẫn đứng tần ngần, mẹ lại nói, “Con ơi, chị không còn nữa, khi người ta đưa chị tới bệnh viện thì đã quá muộn, người ta không cứu nỗi hai mẹ con chị. Dì đau đớn quá, chạy từ phòng cấp cứu ra đến nửa sân bệnh viện, quỳ xuống rồi gào thét đến khản cổ.” Tôi đứng như hóa đá, mặc cho nước mắt chảy ràn rụa trên mặt. Đến nhiều năm sau, khi mường tượng cảnh dì chạy như điên cuồng ra sân gào thét, tôi vẫn thấy tưng tức ở ngực. Không hiểu sao, hình ảnh đau thương đó lúc nào cũng đi đôi với ánh trăng huyền hoặc.
Năm sau đó, tôi theo ba mẹ về thăm dì. Anh Tài lầm lũi dắt tôi ra thăm mộ chị. Tóc anh dài rũ rượi, người tàn tạ không còn nhận ra. Bên mộ chị, cây chuối dì trồng đã héo khô. Anh không nói gì trên suốt đường đi. Tôi muốn hỏi anh có thấy cây chuối trổ hoa không mà mãi không dám mở miệng, sợ anh lại đau lòng. Tối đó, cơm nước xong xuôi, trăng sáng nên dì kéo tấm phản ra ngoài hiên ngồi uống trà. Anh Tài biến đâu mất hút. Dì thở dài, nói, “Từ hồi con Ly chết tới giờ, nó nửa điên, nửa tỉnh. Cứ cầm cái tập hình đám cưới mà đi lang thang từ ngày này tới ngày khác. Có hôm lên xe đò rồi để quên trên đó, tìm không ra, nó ra sông ngồi cả mấy ngày không về.” Gió lạnh ùa về, tôi nép vào người mẹ, căng mắt nhìn qua khu đồi trước mặt, thấy có một bóng người đang lầm lũi đi, xa quá nên không nhận ra đó là ai.
QUYÊN TRẦN
(Trích GIỮA HAI BỜ HƯ THỰC, tập truyện, Hiên Trăng 2008 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét