gởi Võ Tá Hân
Gặp nhau, rất
mừng cho nhau, vì còn đang ở cõi đời thường, chưa, và hi vọng còn lâu, mới rong
chơi cõi vô thường. Có thân mẫu của Hân, bác Võ Sum. Có em gái của Hân, nhà thơ Mỹ Ngọc [ cô của Mỹ
Ngọc là Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo vừa làm thơ và viết văn. Mỹ Ngọc chỉ Thơ,
Võ Tá Hân chỉ Nhạc ].
Chuyện trò không dứt sau bao nhiêu năm rồi, gặp nhau.
Chuyện trò không dứt sau bao nhiêu năm rồi, gặp nhau.
Hân nói còn nợ
tôi bài thơ “So Đũa” đã phổ nhạc rồi mà chưa vào CD.
Đòi tôi, trả
lại nợ là một bài Thơ viết về trường Trưng Vương ( hay Gia Long cũng được nhưng
mà Trưng Vương thì ngẫu hứng hơn ) để Hân phổ nhạc.
Muốn hỏi chắc
là Châu, bạn đời của Hân, e là có một thời Trưng Vương mà không tiện hỏi vì có
thể không chừng còn có, ai đó, tà áo (ai
đó) bay vương vấn một thuở…”em tan trường
về đường mưa nho nhỏ”. Hỏi chi cho thêm vướng bận câu trả lời, trả vốn.
Nhiều khi bỏ vốn lấy lời. Nhiều khi lấy lời bỏ vốn. Nhiều khi huề vốn không
lời.
Riêng tôi thì
không vốn, cũng không lời bởi tôi đâu có vướng mắc Trưng Vương với Gia Long.
Tôi chỉ “ em tan trường về đường mưa nho
nhỏ” với Bùi thị Xuân Đà Lạt và, Trường Nữ Học Nha Trang. Nếu như em tan
trường về trời không mưa to mưa nhỏ thì có con đường Đà Lạt mù sương lảng đãng
hay con đường Nha Trang vàng lá me rơi…
Nhưng thôi,
gặp lại sau nhiều năm là vui rồi. Nợ nần thơ nhạc cứ lần hồi trả góp.
Hân ngó ngoài
thì mô phạm nề nếp nhưng mà bên trong ngó bộ cũng loạn lạc sứ quân. Vẻ dáng
nghệ sĩ được phủ lớp đất phù sa do công việc nặng nề khuôn thức. Chỉ khi ngồi
lại với nhau trong mổi dịp nghỉ Hè thường niên về thăm Ba Mẹ ở thành phố San
Diego thì dòng chảy thời gian, dẫu ngắn, trôi tuột lớp phù sa, trả Hân về lại
dáng dấp phong độ của người nghệ sĩ.
Ngày đó, mổi dịp
Hè là mổi dịp gặp nhau. Gặp nhau thì bên nhạc bên thơ thiệt là tâm đắc.
Tôi còn nhớ,
ngày đó là buổi chiều, đưa bài Thơ “So Đủa” vừa mới ráo mực cho Hân đọc. Thấy
Hân, sau khi đọc xong, lẳng lặng lên lầu khoảng thời gian đâu chừng mươi phút. Thấy
Hân, lẳng lặng xuống lầu, ngồi vào piano. Đôi bàn tay lướt nhẹ, đôi mắt lim
dim, âm thanh thánh thót tràn ngập căn phòng. Tiếng nhạc dứt,
Hân quay lại hỏi “ Anh thấy sao ?”. Tôi ngần ngừ bối rối, Hân cười “ Thôi, để
tôi hát theo nhịp đàn cho anh nghe”.
Vậy là tôi đã…thấy.
Bài nhạc phổ này tôi rất ưng.
Rồi tới bài Thơ
“ Ngàn Dặm Biệt Ly” viết về Mẹ tôi đưa Hân đọc. Thoáng trầm ngâm một đỗi rồi
lên lầu, xuống lầu, ngồi vào đàn. Cũng hỏi và cũng hát cho tôi nghe.
Hân nói, thường
thì không dễ dàng như vậy đâu. Chỉ những bài đọc qua thấy rung động. Như bài
thơ Rất Huế của Huỳnh văn Dung, bài Sài Gòn Niềm Thương Nỗi Nhớ của Trần Ngọc, bài Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của Trần Trung Đạo, bài Một Thoáng Bâng Khuâng của Trần Phụng
Đình…
Đặc biệt bài Thơ
vỏn vẹn bốn câu của Đỗ Nghê :
Con cài bông hoa trắng
Dành cho Mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
chỉ bốn câu thôi mà Hân đã
phổ thành một bài nhạc chủ đề về Mẹ.
Nhắc lại chuyện
hồi xưa đó cho một lần tình cờ gặp lại. Hân nói bài “ So Đũa” đã hòa âm nhưng
chưa vào CD. Bài Ngàn Dặm Biệt Ly đã đưa vào CD “ Những Ngày Bên Mẹ”. Tôi có
nhận được CD này với đề tặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét