tháng 8 30, 2014

Lá Me Trưa


 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
mai em xuống phố đông vui
để nhìn thiên hạ dập dìu xôn xao
để nhìn sợi nắng lên cao
sợi mưa xuống thấp sợi sầu đi xa
sợi tình tôi lạc nẻo qua
buộc em tơ rối gở hoài không ra !

cũng gần thôi, có đâu xa
tháng năm nào đã phôi pha cuộc tình
vẫn còn đứng lặng, làm thinh
vẫn còn bối rối một mình, đường trưa
vẫn còn giấu vội lá thư
giấu tôi thầm lặng nụ cười dễ thương
lá me ơi nhớ con đường
em qua. Ðể lại nỗi buồn tôi mang

đường đời giờ đã sang trang
lá-me-trưa cũng muộn màng theo em
đôi khi còn chút nhớ về
sợ thời gian sẽ vùi quên, phụ phàng !...

** Ly Hoàng Thao phổ nhạc
     Thùy Dương trình bày
(CD Đóa Tình Chưa Phai 6/2014)

 

Một Chút Nhớ Ngày Xưa


 

 










là nhớ về Ðàlạt, một chiều mưa

cuộc sống bon chen, có thể, em quên
chiếc dù xanh – cơn mưa mùa Ðàlạt
miếng bánh xèo cắn giòn tan trong miệng
đường Hai Thương mưa bụi giăng giăng

em đừng nghĩ là tôi lãng mạn
lãng mạn gì đâu ! Chỉ nhớ vậy thôi...
ngày tháng sợ quên, lâu lâu nhắc lại
để thoáng bâng khuâng cho đỡ buồn đời

kỷ niệm bỏ lâu vùi đau tội nghiệp
như bỏ quê hương lâu quá thiệt buồn !
cuộc sống bên này dư mà vẫn thiếu
mập mạnh đỏ hồng, lòng dạ trống trơn !

đời vẫn cứ vần theo cơm áo
cởi không ra những sợi buộc tháng ngày
lòng tơ rối mà hồn thì trơ đá
lấy gì đây mà nhắc nhớ ngày xưa !

thì đúng vậy, nhưng mà không phải vậy !
lẽ nào đâu mà quên cả chính mình
một chút bâng khuâng có gì phải, quấy
đời khô rang, mình nhúng nước, cho vui

tôi nhúng hồn tôi mềm như bánh tráng
cuốn miếng nem rau ghém quán Hương Trà
uống chén nước Sâm đầu đường Minh Mạng
đưa em về Ngọc Hiệp đón xe Lam

mưa ngập nước đầu ngã ba Mả Thánh
chiếc xe Lam chết máy, nằm lì
mình xắn quần níu nhau qua cầu ván
chiếc dép em trôi về suối Cam Ly...

đó, thấy không ! Mới nhắc đã bật cười
( cười thoải mái chớ phải đâu cười gượng )
vậy mới biết, tâm hồn em tươi rói
mà không chừng còn...lãng mạn hơn tôi!...

 

Bài Lục Bát Cho Nhau


 

ru em câu lục-bát-tình
trăng sao mấy độ có mình có ta
có chiều dáng bước em qua
có mơi nắng lụa nghiêng tà áo phai
có trâm giắt có lược cài
có đuôi con mắt đọng dài nhớ thương
có chia nhau những con đường
phố xưa và cả nhiễu nhương thăng trầm
cả tình thơ dại tháng, năm
giữ đời nhau những lặng thầm nhớ, quên
có an nhiên giữa bộn bề
có phiền dỗi những hẹn thề xưa. Xa...
có lần dấu guốc em qua
đời tôi hằn nỗi xót xa thuở nào
đắng cay trộn lẫn ngọt ngào
buồn vui cứ đuổi theo nhau một đời


sáng nay nhìn thấy trong tôi
một khuôn mặt lạ cả đời chưa quen
hình như, trong nỗi nhớ quên
có riêng một thoáng cho em tìm về...

* Phổ Nhạc : Lê Vũ

tháng 8 29, 2014

Từ Xa Quê Cũng Lâu Rồi...


 

ngó quành lại thấy tuổi đời về quê….

khi bỏ quê nhà tìm quê mới
cũng tại bởi vì quê đổi thay
xóm cũ làng xưa giờ không nổi
giành lại giùm tôi mùa hương bay

vầng Trăng bầm đỏ không vàng nữa
vạt nắng giờ phai bợt hững hờ
con đường làng xóm phà hơi lửa
nám đen dấu vết của một thời

bà con cũng tìm đường loạn lạc
sân đình còn nhúm cỏ phơi sương
ôn mệ nếp nhăn già ngơ ngác
ray rức lòng đau cuối chặng đường

em thơ chưa kịp tình làng xóm
ngó anh ngó chị bỏ nhà đi
mai mốt mấy em rồi kịp lớn
mới hiểu vì sao mà chia ly

từ đó tới nay buồn biết mấy
muối mặn chằng nêm chát mái đầu
quê nhà kính lão nhìn không thấy
cứ hoài thương hải lạc nương dâu.....

Hiên Trăng, 29/08/2014
quá hai-mươi-năm xa xứ…

Nỗi Lòng Công Chúa















xin mời hai công chúa ghé qua nhà
quà cáp gì đây cứ việc tự nhiên
vương hầu chi đâu giờ thì lạc điếng
ngày quẩn quanh ngó mỏi một đời qua

quà cáp đời thường có gì đâu lạ
công chúa chị nói Ba chừ răng yếu
con dành riêng ổ bánh mì mềm xa xíu
đúng là bình dân răng cỏ cũng bình thân

công chúa em nói Ba chừ ê răng
con về thăm không đem gì hết trọi
ưng nhà hàng nào tùy Ba lựa chọn
tằn tiện đắn đo không biết chọn nhà nào

nhà hàng cũng thua nhà mình thơm thảo
miếng ăn nào cũng là miếng ăn thôi
cũng tựa như đời bèo giạt huê trôi
hỏi sống để ăn hay là ăn để sống

công chúa em chưa có dịp qua sông
đâu biết ổ bánh mì đã từng cứu khổ
công chúa chị trải qua thời khốn khó
miếng cháy vét nồi cũng không có mà ăn

tháng năm xưa đã qua thời lận đận
đời đổi thay nhưng tình vẫn ngày xưa 
miếng thảo thơm dẫu chỉ là rau dưa   
vẫn có yêu thương trộn đều trong đó

quá cảnh nửa đời quê xa ghé ở 
Ba bây chừ nhiễu nhương thời bóng xế
công chúa chị công chúa em có về
cứ thanh đạm rau dưa như ngày nào… ngày xưa….

Hiên Trăng, 28/08/2014

 

tháng 8 28, 2014

Thơ Cuối Mùa Nắng Nóng


 


…nhớ em dịu hiền
nắng chiều ngừng trôi….
Lưu Trọng Nguyễn

Mirama Lake sáng nay
đeo kính đen ngó trời mây chập chùng
mùa này nắng vẫn còn sung
mây còn vẻ dáng trẻ trung mây trời

đi một đoạn ngắn rồi ngồi
ngó quanh ngó quẩn một hồi rồi đi
nhẩn nha thôi vội vàng gì
mây bay thanh thản gió thì thầm theo

cỏ cây lay động nhẹ hều
con chim chuyền nhánh giữ đều nhịp bay
sớm mơi tĩnh lặng như vầy
vội chi cho uổng một ngày trời cho

nửa vòng hồ cũng đủ rồi
quay về tìm một chỗ ngồi riêng ra
bỏ kính đen kẻo quáng gà
đeo vô cặp kính tuổi già thường đeo

soạn ra giấy viết mang theo
vậy là câu chữ ùa về lan man
bữa nay không hứng làm văn
làm Thơ thôi gió nồm nam vãng rồi

còn vài ngày nữa là thôi
mùa nắng Hạ sẽ ngỏ lời chia tay
để mùa hương gió heo may
hùa theo vạt nắng nhẹ lay lá vàng

một mùa rồi cũng sang trang
câu thơ nắng lửa ngỡ ngàng nắng Thu
tình thơ sao hóa lờ đờ
giữa say nắng giữa dật dờ gió lay

gió heo may lá vàng bay
nắng vàng ươm sợi tơ dày vạt Thơ
thiệt lòng cũng thiệt không chờ
bài Thơ đang nắng lại trờ gió hiu

sáng nay đi ít ngồi nhiều
không làm văn chỉ nuông chìu làm thơ
chủ đề lại hóa bất ngờ
không mây Hạ lại dật dờ mây Thu

thì ra ký-ức-sa-mù
mùa Thu một thuở em cù rủ tôi
nắng vàng thu dát lưng đồi
lá vàng thu ghé lá rơi tóc thề

Thơ dang tay níu lối về
thuở rưng rưng nuối bộn bề gió lay
mùa Thu nhẹ gió heo may
mùa tình một thuở đọa đày dắt nhau

lâu rồi sương gió trở màu
da nhăn nếp nhớ môi nhàu quan san
em xưa bỏ rớt dọc đàng
mùa Thu xưa hóa ngỡ ngàng ngoái nhau

sáng ra hồ Mirama
đi cho sức khỏe sống lâu sống đời
sống lâu chi vậy hở trời
chỉ cầu sống đủ một đời thơ nương

nương dâu nương bể đoạn trường
một đời nương vận rải đường văn chương  
tận giờ ta vẫn cứ bương
mười phương xa gần một phương lụy tình

em xưa nay rất là mình
không Thơ mà nói rất tình như Thơ
dịu hiền tới nỗi ngẩn ngơ
khiến cho Thơ cũng mịt mờ trùng khơi

giờ thì em lấy đi rồi
câu thơ lục bát gói lời gió đưa
may ra còn chút hương xưa
hồ in bóng nước mùa lưa ái tình

ta làm Thơ bất thình lình
mấy mươi năm cứ giật mình lạ quen
hóa ra yêu nết dịu hiền
nên câu Thơ cứ làm phiền tình em

lâu rồi lâu quá rồi nghen
mượn vần lục bát nhớ em dịu hiền….

hồ Mirama 27/08/2014

tháng 8 26, 2014

Văn Chương Lộng Gió



tôi nói-về-cái-tôi thì không nên
nhưng nếu bạn nói về tôi thì rất nên
trang trọng
 
 
TRÙNG HỢP
Một.- Trần Huy Sao là bạn tôi, anh trẻ hơn, thuộc lớp đàn em.
           Anh là một trong những nhà thơ được nhiều độc giả yêu thơ – nhất là ở vùng quận hạt San Diego – biết tên. Thơ anh có mặt trên nhiều báo và tạp chí tiếng Việt. Sức sáng tác của anh so với tôi, dồi dào sung mãn hơn nhiều. Ðến nay anh đã hoàn tất nhiều thi phẩm : Nhật Thi, Tháng Ngày Còn Lại, Trọn Ðời Làm Mây Bay, Chân Dung Ngày Tháng, Mưa Nắng Trong Ðời, Hạ Hồng Phượng Ðỏ và Nhánh Rong Phiêu . Tôi tin anh còn cho ra nhiều tác phẩm khác nữa.
Một lần tôi cùng anh Sao nói chuyện bâng quơ về thời tiết, về thời sự, về những sao Ðào Hoa Hồng Loan biến thành những sao quả tạ lên đầu lên cổ một người, về văn thơ Việt Nam hải ngoại.
Sau đó tôi có đưa ra một đề nghị, một góp ý với anh Sao về cái tên của một đứa con tinh thần của anh : Nhánh Rong Phiêu Bạt. Cũng là chỗ khá thân tình, nếu không, cát vàng tôi cũng không dám.
Vả, bản thân tôi cũng “được” người khác đề nghị, góp ý về tên một bài viết của tôi. Nói là “ đề nghị” là “ góp ý “ vì do quen miệng mà nói chứ thực ra tôi chẳng được ai đề nghị góp ý. Báo cho tôi biết cũng không ai. Mãi cho đến khi thấy mặt đứa con tinh thần trên mặt Báo tôi mới biết nó đã được đổi tên : “ Chuyện Nhà”. Trước kia tôi đặt tên nó là “ Chuyện Trong Gia Ðình”. Nghe có vẻ luộm thuộm thế nào ! Thế nên tôi rất đồng ý với cái tên mới ấy của con tôi, gọn gàng, đỡ choán chỗ trên trang Báo.
Tôi nói với anh Sao :
-Tôi thấy hình như ( chỉ “ hình như” thôi nghe ) giữa hai từ “ phiêu bạt “ và “ phiêu giạt “ có một khác biệt. Vì vậy tôi nghĩ “ Nhánh Rong Phiêu Giạt “ nghe chỉnh hơn “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “.
Anh nói : “ Khác Biệt là khác biệt làm sao ?”
- Bạt, mang ít nhiều tính chủ động, tự ý, cố ý. Một người phiêu bạt, gã đàn ông lang bạt, một tên bạt mạng. Giạt, mang tính bị động, không tự ý, không cố tình, như thể bị “ cuốn theo chiều gió “, theo dòng nước, theo hoàn cảnh. Áng mây trôi giạt về phương trời vô định. Cánh bèo trôi giạt về đâu.
Anh Sao nghe tôi nói, vâng vâng ừ hử cầm chừng.
Thời gian độ một mùa trôi qua, tình cờ tôi biết anh Sao đổi tên đứa con tinh thần của anh“ Nhánh Rong Phiêu Bạt “ không còn là “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “ nữa. Nhưng cũng không phải “ Nhánh Rong Phiêu Giạt “ như  tôi gợi ý.
Tên mới của nó là “ Nhánh Rong Phiêu “.
 
Hai. Mẹ tôi theo đạo Phật, nhưng họa hoằn bà mới đi Chùa.
Nay Mẹ gần trăm tuổi – hiểu theo nghĩa nào cũng đúng – Mẹ càng ít đi đâu, kể cả đến khách sạn Hải Yến dự lễ chúc thọ và chiêu đãi do chính quyền địa phương tổ chức. ( Họ vốn thích tổ chức ăn uống chiêu đãi ).
Con tôi có thỉnh về nhà một tượng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát để hhai bà cháu cùng thờ phượng tụng niệm.
Ngày về thăm Mẹ thăm con bên nhà, tôi thường thấy Mẹ công phu sáng trưa chiều và bất cứ lúc nào Mẹ thích !. Cũng tốt. Cũng hay.
Nhưng có một lần Mẹ làm lễ công phu chiều, trong lúc tôi đang đọc lại “ Hồn Bướm Mơ Tiên” ở phòng khách. Tôi xếp sách lại, lắng nghe. Tiếng chuông ngân nga trong buổi chiều tà êm ả, vang vọng giữa thinh không rực rỡ lụa vàng nắng quái. Trong giây phút, tôi hình dung chú tiêu Lan trong khu vườn Sắn đang thả hồn theo tiếng chuông chùa Long Giáng từ xa vọng lại.
Giữa lúc tiếng chuông còn âm hưởng ngân nga, Mẹ tôi lâm râm niệm Phật :
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Bất giác tôi hướng cái nhìn của tôi về phía bàn Phật. Pho tượng nhỏ màu trắng của Ðức Quán Thế Âm đang để tai nghe Mẹ tôi niệm Phật Di Ðà.
Ðợi ba hồi chuông Mẹ thỉnh sau đó dứt hẳn và Mẹ rời khỏi phòng thờ, tôi nhẹ nhàng hỏi Mẹ.
- Nhà mình thờ Ðức Quán Thế Âm, sao Bác – tôi gọi hai đấng sinh thành là Bác vì tôi bị khó nuôi từ lúc còn quấn tã; mấy ông anh bà chị tôi đều khó nuôi tất – lại niệm Ðức Phật Di Ðà ?. Sao Bác lại “ Nam Mô A Di Ðà Phật “ ?.
Rất dễ dàng, rất trôi chảy, rất thông suốt, Mẹ đáp :
- Ôi, Phật nào cũng là Phật, con ơi !
Thằng con tôi vừa đi làm về, nghe hai mẹ con tôi... trao đổi, cũng góp ý :
- Nhiều lúc nghe Nội nói con cũng “ ngọng “ luôn.
Và hiện giờ, tôi, Cha nó, cũng “ ngọng “ !
Cho đến ngày lên đường trở lại Mỹ tôi không còn nghe Mẹ niệm “ Nam Mô A Di Ðà Phật “ nữa.
Nhưng bà cũng không niệm “ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát “.
Bà niệm “ Nam Mô Phật “ ngắn, gọn.
Những lần nghe Mẹ niệm như thế, tôi lại nhớ một câu trong bài “ Hương Sơn Phong Cảnh “ của Chu Mạnh Trinh : “ Lần tràng hạt niệm Nam Mô Phật “.
“ Phật nào cũng là Phật “. Tôi vốn dốt nát về giáo lý Phật, về triết lý Phật giáo nên tôi không biết Mẹ tôi nói thế đúng hay sai.
 
Ba. “ Nhánh Rong Phiêu “ và “ Nam Mô Phật “.
Mẹ tôi người Việt gốc Huế. Anh Trần Huy Sao cũng người Việt gốc Huế như Mẹ tôi.
VÕ DOÃN NHẪN
trích : tuyển tập thơ văn  Rừng Phong Thu Đã... ( VÕ DOÃN NHẪN, 2000 )
 
NGÔI TRƯỜNG CŨ
VÀ THƠ TRẦN HUY SAO
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn
(Khi Tôi Về, Nguyễn Đình Toàn)


             “ Mỗi người đều cần có một ngôi trường để luyến tiếc, để nhớ về...”
            Tôi đã nghe câu ấy ở đâu. Dường như là một người nào đó đã nói vậy trong cuộc hội ngộ kỳ thú của nhóm bạn cũ, những người có chung một bề dày kỷ niệm về những năm sống dưới cùng một mái trường ở thị trấn miền cao nguyên đất đỏ.
            Cuộc hội ngộ, hai năm trước, trong ngôi nhà có phòng khách rộng. Trần Văn Chính, người bạn học cũ, đón gia đình tôi về nghỉ qua đêm. Nơi ấy tôi đã có dịp gặp lại những khuôn mặt, những bè bạn thân quen mà trước đó tưởng chẳng bao giờ còn gặp lại trong cõi sống mịt mùng, sau cuộc đổi đời cách nay hơn một phần tư thế kỷ.
            Gặp bạn cũ sau nhiều năm cách biệt, cái cảm giác ấy lạ lắm, thú vị lắm. Ðấy là cái cảm giác của những phút đầu  bỡ ngỡ, vừa mới cừa cũ, vừa lạ vừa quen. Sau cùng thì chúng tôi cũng nhận ra nhau, nhận ra những anh em, bè bạn một thời nào, cho dù chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi mấy vòng. Cho dù những nét đổi thay, những tàn phai nhan sắc, những dấu chân chim, những vết-hằn-năm-tháng đã ít nhiều trên khuôn mặt từng người.
            Thật khó mà tưởng tượng, tôi có cơ may được “hội ngộ” cùng một lúc đến nhiều người như vậy. Tất cả, những người bạn tôi, những con người đã tuyệt tích giang hồ đã bao năm, nay bỗng nhiên như từ phía sau tấm màn quá khứ bước ra, xuất hiện cùng lúc, nói cười, đi lại như trong một giấc mơ kỳ lạ...Ðến từ nơi xa nhất (Toronto) phải là vợ chồng Phan Ni Tấn, “tay thơ tay nhạc”. Cặp Hoàng Ðình Khôi&Ký Ðiệu, “anh đàn em hát”. Rồi Trần Huy Sao, cựu “chưởng môn” Thi văn đoàn Sao Dị Hình Banmêthuột mấy mươi năm về trước. Rồi Trần Vịnh “người anh cả”, tóc bạc như cước, phong thái điềm đạm của một ẩn sĩ. Và còn những ai nữa, tôi không làm sao nhớ hết, những người bạn văn nghệ của chủ nhà : đôi vợ chồng người họa sĩ quen tên ( sau này, tôi biết đó là họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt và ca sĩ  Diễm Châu, cũng là nhà văn Tôn Nữ Quỳnh Giao), những nhà thơ mang theo những thi tập, những nhạc sĩ mang đến những cây đàn, những giọng hát, những giọng ngâm... Tất cả, những con người thật đặc biệt của vùng đất San Diego hiền hòa, hiếu khách. Và, tất nhiên, đặc biệt hơn cả vẫn là chủ nhân “ngôi nhà có phòng khacùh rộng”, Chính &Vân Anh, thật hào sảng, nghệ sĩ và rất quý bạn bè.
            Chúng tôi ngồi  quây quần, nói đủ thứ chuyện trên đời. Nhắc nhớ đến tên những người Thầy người bạn, những bạn gái bạn trai, bạn cùng lớp, bạn khác lớp. Những người chúng tôi yêu và ghét, những người còn sống, những kẻ đã chết...Chúng tôi kể nhau nghe những chuyện xưa tích cũ,có lúc người này quên, có khi người kia nhớ. Những câu chuyện kéo dài, nối tiếp nhau như những câu chuyện “ngàn lẻ một đêm”. Chúng tôi nói bằng thứ ngôn ngữ riêng, người ngoài cuộc không cách chi hiểu được. Chúng tôi nói hoài không hết chuyện, chuyện không đầu không đuôi, cũ rích cũ rơ nhưng lúc nào cũng vẫn cứ mới, vẫn còn hấp dẫn. Và nhiều nhất vẫn là những câu chuyện vui buồn xoay quanh ngôi trường cũ. Thuở ấy, chúng tôi còn trẻ quá, còn sôi nổi quá, còn tha thiết quá, còn yêu người yêu đời quá...Thế rồi năm tháng êm đềm vụt biến mất, cơn bão của lịch sử đã cuốn phăng đi tất cả, cuốn phăng chúng tôi đi, cuốn phăng biết bao nhiêu số phận ( mà chúng tôi chỉ là những cọng rơm nhỏ nhoi, vặt vãnh và tầm thường). Ngôi trường ấy không còn là ngôi trường của chúng tôi nữa ! Chúng tôi tan tác như bầy chim hoảng loạn, mỗi đứa một phương.
             Giờ đây, sau khi những cơn bão những trận lụt đã đi qua, như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài qua bao mùa giông tố, chúng tôi lại gặp nhau đây, lại cùng ôn chuyện cũ, cùng chiếu lại cho nhau xem những thước phim thật cũ kỹ nhưng cũng thật quý giá về những ngày vui xa lắc, về một thời nào có trường có lớp, có Thầy có bạn, về một mùa nào áo xanh áo trắng trên sân trường. Những ngôi trường và những bè bạn dưới cùng một mái trường, đó là tuổi thơ, là tuổi xuân, là tuổi trẻ của tôi, đó là những phần đời, những mảng quá khứ không dễ gì từ bỏ, cắt lìa... Giờ đây, chúng tôi tìm được, nơi những người bạn học mình, chiếc gương soi lại những đời người đã cũ. Chúng tôi tìm đến nhau như tìm chút ý nghĩa cuộc sống, như tìm một nơi nương náu, như tìm một bếp lửa để sưởi ấm đời nhau.
             Tôi vẫn biết có những cô cậu học trò “ngày xưa còn bé” (mà giờ đây đã “tà tà bóng ngả về tây”).Có những người thầy khả kính, những cô giáo hiền thục ngày xửa ngày xưa(mà giờ đây đã như chiếc lá vàng thu sắp sửa lìa cành), cho dù đường đời có trăm sông ngàn suối, cho dù cuộc sống có lăn lộn nổi trôi, vẫn cứ mỗi năm một lần, như bầy chim xa xứ, náo nức rủ nhau bay về một điểm hẹn như những “cánh chim tìm về tổ ấm”. Gặp nhau chỉ để nói, để kể cho nhau nghe về ngôi trường kỷ niệm, để trông thấy lại ngôi trường cũ qua hình ảnh người thầy, người bạn. Những tình cảm trường xưa bạn cũ ấy, những tình thầy trò, tình bè bạn ấm áp ấy, đôi lúc đã là điểm tựa, là đôi nạng nhiệm mầu nâng đỡ con người trong những phút chông chênh, nghiêng ngả giữa dòng đời tất bật hay kiếp sống tha hương.
            “ Ðến một tuổi nào đó người ta không thể có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần”, ai đó trong số những người ngồi quanh tôi đã nói như thế. Câu ấy quả có đúng. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, của sự hiểu biết, cảm thông và tin cậy. “Bạn” là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho bạn mình, thực tâm vui sướng vì sự thành công và hạnh phúc của người bạn mình như của chính mình vậy( dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Những người bạn như thế làm sao có nhiều được(?). “Bạn” là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. “Bè” là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt phải, trái, con người vừa có bạn vừa có bè. Rủi thay, bè lúc nào cũng nhiều hơn bạn. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có bạn hoặc có rất ít bạn( và không biết đâu là bạn đâu là bè). Tình bạn thực sự chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay( và ít khi đếm hết được). Những người ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta ( hay tệ hại hơn, có khi còn quay đầu ngoái cổ, phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ). Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, thường lắng đọng hơn là ồn ào. Những con người ta dễ lầm tưởng là “bạn” ấy, nhiều lắm cũng chỉ đi với ta một đoạn đường ngắn ngủi, và cũng không khác mấy những anh chàng, những cô nàng vớ vẩn mà ta có lần “đụng” phải, có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện rồi chia tay, đường ai nấy đi và chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ hai.
            Tôi có rất ít bạn, những người bạn chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của bàn tay trái, và con số này cứ hao hụt dần mà không kiếm đâu ra để mà thay thế. Càng lớn tuổi người ta càng cảm thấy cô đơn là vì vậy. Tôi đã qua cái tuổi để có thêm những người bạn mới. Quỹ thời gian tôi chẳng còn được bao nhiêu, những con người tôi gặp gỡ về sau này làm sao có đủ bề dày của một tình bạn. Tôi còn cách nào khác hơn là cố mà giữ lấy và yêu lấy những tình bạn cũ kỹ và hiếm hoi còn sót lại.
            Ðêm hội ngộ, đêm tay bắt mặt mừng. Một đêm như thế làm sao trút cho vơi những tâm sự, làm sao dốc cạn những nỗi niềm...Chúng tôi đã phải hẹn nhau một ngày tái ngộ, mùa Hè năm tới, hay năm tới nữa. Thế nào cũng có một mùa Hè. Năm tới nữa không xong thì nhất định phải là năm hai-ngàn-lẻ-năm, năm đánh dấu một event trọng đại : ngôi trường của chúng tôi vừa tròn năm mươi tuổi. “ NửaThế Kỷ Voi Rừng chứ ít sao !”, một người nói vậy( ngụ ý nhắc tới phù hiệu “ đầu voi” – biểu tượng của ngôi trường – trên ngực áo đồng phục các cô, cậu học trò một thuở nao. “50 Năm Trường Cũ”, một người khác đổi lại, cho dễ hiểu hơn. “ Không phải, là “50 Năm Tình Cũ” chứ”, một người khác hỏi. Thế là chúng tôi mỗi người thử đặt cho cái event ấy một cái tên gì đó, thật kêu, hoặc văn vẻ, hoặc...tiếu lâm, như là “ Gặp Gỡ Mùa Hè”, hay “ Ðại Hội Võ Lâm”, hay cái tên có vẻ...phim Tàu là “Long Hổ Quần Anh Hội”!
             Càng về khuya những câu chuyện càng thêm vui, càng thêm gần gũi, thân mật. Ngồi quanh tôi, phút này đây, là những bạn bè cũ, mới, là đêm mùa Hè êm ả, là đêm Thơ và Nhạc chảy tràn như suối...Và không gian, thời gian như đọng lại:
ngồi quanh những bạn bè xưa cũ
và những bè bạn mới quen thôi
gom chung bàn chật, không gian chật
đêm đổ tràn ra giọng nói cười
( Miếng Bạn Miếng Bè, thơ Phan Ni Tấn(ND)
            “Bạn cũ như rượu cũ, càng để lâu càng ngon”. Tôi nhớ đã có uống một chút rượu, đêm ấy, không biết có phải là đã được rót ra từ chai rượu thật cũ nào của chủ nhà, nhưng một người nào đó trong số những người ngồi quanh tôi đã nhắc tôi câu ấy, đã nhắc cho tôi nhớ tôi đang ngồi giữa những tình bạn thật ấm áp, thật dễ chịu. Bạn cũ tôi còn đây, nhưng ngôi trường cũ tôi biết có còn đấy hay đã mất dấu, đã chìm khuất trong ký ức nhạt nhòa.
             Tháng trước nói chuyện với Phan Ni Tấn qua phone, trong một lúc chợt nghe Tấn hỏi “Nhớ đêm ngủ lại San Diego chứ ?”. Câu hỏi bất chợt, tôi không kịp nghĩ ra chuyện gì là chuyện gì. “ Nhớ chứ, làm sao quên được” tôi trả lời cho qua chuyện. “Nhớ gì?”, Tấn lại hỏi. Tôi ngẫm nghĩ không biết...nhớ gì vì có quá nhiều thứ để nhớ. Sau cùng, tôi nói “ Nhớ tiếng kèn Saxo.”. Tại sao lại tiếng kèn? Tại sao không phải là chuyện gì khác?...Không hiểu sao tôi cứ nhớ đôi mắt nhắm nghiền, nhớ vẻ mặt nhăn nhúm, sầu thảm của anh chàng thổi bài kèn ấy. Không hiểu sao tiếng kèn nghèn nghẹn ấy cứ theo tôi, theo tôi mãi. “ Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ...” ( Biển Nhớ, Trịnh Công Sơn).  Một bài tình buồn, một “biển nhớ” chứ  ít sao! Tiếng kèn đưa tôi về khoảng không gian, thời gian nào xa thẳm. Tiếng kèn đánh thức những nhớ thương dịu dàng. Thành phố ấy. Ngôi trường ấy. Những năm tháng sống và những năm tôi bỏ trường bỏ lớp...Tôi đã đi biệt, đi mãi, chưa một lần về thăm ngôi trường cũ, về thăm một phần đời tôi còn gởi lại chốn ấy. “ Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng...”Tiếng kèn saxo buồn bã, réo gọi...”Nhớ gì nữa ?”, Tấn lại hỏi. Tôi nói “Nhớ câu thơ Trần Huy Sao”
 ...ai chẳng có một thời rưng rưng nhớ
một thời thôi, là đủ để buồn vui...
(Về Qua Banmêthuột )
            Tôi nhớ hai chữ “rưng rưng”. ( Nếu không có hai chữ ấy, chắc tôi sẽ chẳng nhớ câu thơ). Câu thơ nghe “rưng rưng”. Nghe rất...Trần Huy Sao. Anh có “một thời”, tôi cũng có “một thời” vậy. Cái thời của anh, của tôi và của những bạn bè cùng lớp, cùng trường chắc cũng không khác nhau bao nhiêu. Ai lại chẳng có “một thời rưng rưng nhớ” ấy.
            Tôi nhớ đã nghe câu thơ ấy qua một giọng ngâm nữ. Tôi cũng nhớ, không khí lúc ấy yên lặng quá. Ðêm sâu lắng. Không còn một thứ tiếng động nào khác ngoài giọng ngâm ấy. Mọi người đã tạm ngưng những câu chuyện, chăm chú lắng nghe thơ. Tôi cũng chăm chú lắng nghe thơ. Thơ nói về một quê hương kỷ niệm, về một thời tuổi trẻ, một tình yêu đầu và những ngày vui đã xa như dĩ vãng. Rồi một giọng ngâm khác và những câu thơ khác, tôi nghe loáng thoáng hình ảnh một ngôi trường, những lớp học...Nói chuyện thơ, trong tập Thơ anh gởi tặng, có một bài tôi cứ đọc đi đọc lại. Thơ kể lại chuyến về thăm ngôi trường cũ, về thăm lại chốn xưa quê nhà.
chả mấy lúc ghé về thăm chốn cũ
kể từ khi rời bỏ mái trường quen
gởi lại sau lưng mưa-bùn-nắng-bụi
và tháng năm, phải nói, rất êm đềm...
“Về thăm chốn cũ”, để thấy gì, để gặp lại những gì ?
Banmêthuột của một thời mất dấu
lạ trong tôi từ mỗi ngã tư đường...
(Dẫu Một Ðời Phiêu Bạt)
“Lạ” đến thế sao?!. “Mất dấu” thật sao?!
             Tôi đọc, hình dung thấy cái thị trấn buồn thiu “mưa bùn nắng bụi” ấy. Hình dung thấy anh đứng đó, ngơ ngác như kẻ lạ giữa nơi chốn đầy ắp những kỷ niệm. Nơi chốn mà anh đã từng ước ao, đã luôn háo hức tìm về để rồi phải ngỡ ngàng, hụt hẫng trước những đổi thay của từng góc phố, của mỗi con đường...
tôi về lại thấy trường xưa lớp cũ
mà không hề thấy lại được ngày xưa...
 ...
mây thầm lặng giữa nắng Hè cố quận
và nỗi buồn tôi rải muộn sân trường...
(Khi Về Qua Banmêthuột)
            Tôi đọc, hình dung thấy ngôi trường im lìm, thấy sân trường vắng lặng, thấy ngàn năm mây trôi, thấy một nỗi ngậm ngùi.
            Tôi đọc, hình dung thấy bước chân anh tạt ngang qua đó, thấy anh đứng tần ngần trước cổng trường đó, một mình đối bóng...Tôi không chắc ngôi trường cũ đã nhận ra anh, cho dù anh có tạt ngang mấy bận, có đứng mãi nơi ấy hàng giờ. Ngôi trường vẫn nhìn anh dửng dưng, lạnh lùng. Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, ngôi trường cũ, người bạn thân thiết thuở nào, như đã thay hình đổi dạng, như đã hóa thành một người khác.
            Tôi thấy anh đứng mãi nơi ấy, dõi mắt đăm đăm về phía cổng trường, như người về lại bên cầu, nhìn dòng sông đời mình chảy xiết, nhìn nước đi đi mãi không về. Có ai tắm lại được hai lần một dòng sông đâu ! Bao nhiêu là nước chảy dưới chân cầu, bao nhiêu là mây trôi trên bầu trời xanh kia, thời gian vẫn cứ lạnh lùng... Vậy mà Trần Huy Sao, anh cứ muốn về thăm !...Thử đọc thêm ít câu lục bát :
mai tôi rủ phượng về thăm
đỏ au lớp học xanh đằm sân chơi
bạn bè tôi cũng cố mời
dù nay đưá ở đứa rời dương gian
...  ...
tiếng ve, tôi cũng cố nài
râm ran chút đỉnh cho dài đường quen...
(Tháng Hạ)
             “Ðỏ au”, “xanh đằm”, tôi chưa hề nghe ai nói vậy khi nào. Những màu sắc của cây cỏ, thiên nhiên như được anh tô đậm thêm từ những nỗi niềm riêng.. “Về thăm...”, nghe anh rủ rê, tôi cũng muốn về thăm lại, nhìn lại một lần để thấy lòng mình buồn vui ra sao (?). “ Chùm phượng vĩ, tiếng ve gọi Hè, bạn bè, lớp học, sân chơi, ,...”, trong những trang thơ anh, ta vẫn gặp rải rác những hình ảnh, những âm thanh như thế, thật gần gũi với ngôi trường, gần gũi với một thời tuổi trẻ, khiến thơ anh lúc nào cũng “trẻ trung”, như trái tim anh không lúc nào “già”, như kỷ niệm về ngôi trường ấy lúc nào cũng vẫn còn tươi rói.
            Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người Thầy người bạn, những lớp học, những giờ ra chơi và một sân trường kỷ niệm.
             Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những hình dáng, những khuôn mặt, những màu áo xanh thắm, những cánh Phượng đỏ rực, những bài thơ học trò, mây bay ngoài cửa lớp, mối tình đầu vụng dại...
            Tất cả những nhớ và nhớ ấy đều có ở trong thơ Trần Huy Sao.
            Ðọc bất cứ bài Thơ nào của anh, bài thơ nhỏ thôi,“Phố Bụi, Những Tình Thơ”mới đây chẳng hạn, ta dễ dàng gặp những “nhớ và nhớ” ấy. Nhớ gì? Nhớ thành phố Bụi-Mù-Trời( anh đặt tên là Phố Bụi ), thành phố anh đã sống gần hết những năm tuổi trẻ, thành phố của “ bông cà phê trắng, giọt cà phê đen...”
            Nhớ gì nữa?. Nhớ một tà áo, một vành nón nghiêng nghiêng...
em nón lá nghiêng che thời con gái...
            Nhớ gì nữa?. Nhớ cánh Phượng đỏ thắm như cánh môi người mình thương.
chẳng phải vô tình mà thương hoa Phượng
chỉ vì môi em đỏ thắm nụ cười...
            Những chữ  “phượng” viết hoa nằm rải rác đâu đó trong những trang Thơ không rõ có phải là chút niềm riêng anh gởi vào trong Thơ  (?). Tôi đã không hỏi Trần Huy Sao câu ấy, cũng như không hỏi anh đã sống như thế nào trong những năm nghiệt ngã ấy, sau những biến cố khốc liệt, những đổi thay đến tận cùng của đất nước, đến tận cùng đời sống của mỗi con người. Trong lúc chuyện trò, tôi chỉ nói rất vui biết anh...vẫn còn làm Thơ. Tôi nói thế vì biết có nhiều người trước đây vẫn từng làm Thơ, nay không làm Thơ được nữa( vì mỗi người chỉ có “một thời để làm Thơ”, vì ngọn lửa trong Thơ đã tắt ngúm, vì dòng thi hứng đã cạn nguồn, hay vì lẽ gì đấy tôi không biết được ), và có nhiều người trước đây chưa từng làm Thơ, nay quay ra ...làm Thơ.
           Thực tình tôi không thấy có gì khác nhau lắm giữa những người-làm-thơ và những người-không-làm-thơ, và tôi cũng biết có những người cả đời không bao giờ làm một bài Thơ nào nhưng lại có “tâm hồn thi sĩ ” hơn cả những người chăm chỉ làm Thơ . Tôi cũng từng gặp những con người thật là nghệ sĩ nhưng chẳng bao giờ thấy cần phải hút thuốc, uống cà phê hay uống rượu...(có thể là họ “ nghiện ngập “ cái gì khác không chừng ). Vậy thì làm Thơ được cũng tốt mà không làm Thơ thì cũng...đâu có sao! ( Có nghĩa là không cần phải tự hỏi : “ Nhiều người làm Thơ quá, tại sao mình không...làm Thơ ? ).
            Nói thế để thấy rằng “ làm Thơ hay không làm Thơ “ không  phải là chuyện gì quan trọng ( nếu không phải là chuyện lẩm cẩm ), và cũng để thấy rằng Trần Huy Sao, anh có cả hai : vừa làm Thơ không mệt mỏi, vừa rất là nghệ sĩ tính. Anh làm Thơ  cả trong cách nói, cách viết và...cách  sống nữa. Anh làm Thơ thật thoải mái, dễ dàng.
            Tôi biết Thơ anh được nhiều người tìm đọc, và tôi cũng nhớ cô gái đứng cạnh tôi đêm ấy, nhớ những ngón tay xinh xắn lật lật những trang báo của tờ tạp chí quen thuộc ( hình như là tờ Thế Kỷ 21 ) và dừng lại ở trang nào để đọc bài thơ tình mới nhất của Trần Huy Sao cho mọi người cùng nghe
thời mới lớn trời hành cơn sốt lạ
chân đuổi theo tình bước thấp bước cao...
(Phố Bụi, Những Tình Thơ)
            Trần Huy Sao là vậy. Trong bất cứ bài Thơ nào của anh, người đọc cũng dễ dàng tìm thấy những câu Thơ thú vị . Anh nói “ cơn sốt lạ “ chứ không nói “ tương tư là bệnh của tôi yêu nàng “ như Nguyễn Bính.
             Trần Huy Sao là thế. Trong lúc chàng Huy Cận thuở mới lớn chỉ biết thẫn thờ “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư “ thì chàng Huy Sao đã lận đận lao đao “ bước thấp bước cao “ trên con đường tình gập ghềnh.
              Tôi biết vì sao mọi người thích Thơ anh. Dễ hiểu thôi, mỗi người đều ít nhiều bắt gặp mình trong những trang Thơ ấy, bắt gặp mình “ chân đuổi theo tình...”, bắt gặp mình vật vã vì “ cơn sốt lạ” tình yêu...Như chúng tôi, như những bạn bè của anh trong đêm ấy, đã bắt gặp mình, gặp bạn bè mình, gặp ngôi trường mình trong Thơ anh.
              Bài Thơ tình mới nhất của anh gởi về Phố Bụi là bài Thơ mới nhưng...không mới, hay chỉ được...làm mới lại từ bài Thơ tình nào trước đó, bài Thơ tình trước cổng trường được anh viết ra cách đây đã nhiều năm. Bài Thơ, là chút tình anh gửi về ngôi trường cũ, gửi về “ một thời để yêu và một thời để...rưng rưng nhớ”.
              Ðọc thơ Trần Huy Sao để nhớ, để yêu thêm những mái trường.
             Trần Huy Sao, phải nói thật một điều, anh yêu quý mái trường ấy hơn tôi và rất nhiều bạn bè khác. Anh cũng yêu quý những Thầy những bạn hơn tôi và rất nhiều bạn bè khác. Ngôi trường cũ còn ở mãi bên anh, ở mãi trong những trang Thơ anh ngày nào anh còn ở với cuộc sống.
              Tâm hồn Trần Huy Sao là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ. Ðọc thơ anh, bao giờ ta cũng đọc thấy nỗi luyến tiếc, nỗi thiết tha quá đỗi, quá chừng.
              “ Cuối đời còn được nắm tay nhau...” tôi nhớ hai câu cuối bài thơ ấy. Bài thơ anh gởi đến những người bạn học cũ, những người đã chia với anh chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc gặp gỡ bất ngờ mà anh gọi là “Ðêm Hội Ngộ Banmêthuột”. Bài thơ cũng nhắc cho tôi nhớ tôi đã có những giờ hạnh phúc, và tôi cũng muốn được nói lời cám ơn những người bạn đã đến với chúng tôi đêm ấy, đã vượt qua những dặm đường xa hun hút, đã ở lại với chúng tôi đến khuya lắc khuya lơ ( để sớm ngày mai lại tiếp tục cày bừa ), đã sớt chia cùng chúng tôi những cảm xúc , những tình cảm vui buồn của những con người “cuối đời còn được nắm tay nhau...”.
               Cám ơn nhị vị chủ nhân đã dọn ra bữa tiệc bằng hữu, bữa tiệc văn nghệ thịnh soạn ( đủ các món ăn chơi ăn thiệt). Cám ơn  những câu Thơ Trần Huy Sao nữa, những câu Thơ đưa tôi về thăm lại những cỏ cây xanh tươi trên con đường trí nhớ, cho tôi gặp lại tôi của những ngày xưa ấy, cho tôi gặp lại những khuôn mặt, những bóng hình tưởng đã chìm khuất, cho tôi về ngồi lại dưới bóng mát của tàng cây rợp lá trong sân trường kỷ niệm...
Seatle, tháng cuối năm 2003
LÊ HỮU
__________________________
Thơ trích từ :
- NHÁNH RONG PHIÊU (Thơ) Trần Huy Sao 1999
- XÓM ÐÌNH ÐA CÁT (Thơ văn) Trần Huy Sao 2000


  HỒI ÂM THƯ TRẦN HUY SAO
             Tôi ở Đà Lạt ba-mươi-mốt năm.
             Năm 1958, tôi lên Đà Lạt để học Trung Học Đệ Nhị cấp. Năm 1960, xuống Nha Trang học Sư Phạm. Năm 1961, về lại Đà Lạt làm thầy giáo, tiếp tục tự học, lập gia đình và năm 1965 đi vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường Bộ Binh, tôi tác chiến tại Bình Thuận, ba năm sau thì biệt phái về dạy học lại. Tôi có một thời gian “cải tạo” khá dài khi chế độ mới ngự trị trên cả nước. Tôi rời bỏ hẳn Đà Lạt đầu năm 1989, tôi đi qua Mỹ…
             Với tôi, Đà Lạt  đã thành ruột rà. Hầu như không chỗ nào của Đà Lạt mà chân tôi không giẫm tới. Những cảnh đẹp, đã đành ( đi chung với học trò ), những nơi heo hút, sóc Thượng K’Ho, M’Nông, Chu Ru…tôi cũng không ngần ngại. Người Đà Lạt tôi quen đông( Cha,  Mẹ học trò, các bạn đồng nghiệp). Tôi thường giao du với những vị lão thành, uống rượu Tây chơi, không bàn bạc bất cứ chuyện nhân tình thế sự nào, ai cũng cùng có một ý nghĩ giống nhau : sống đời này là tạm bợ khi con người mất niềm tin. Lãng đãng một thoáng chính kiến rồi đó. Nhức đầu, cho qua đi !
             Những bạn già của tôi mất gần hết. Họ chết sau năm 1975, ngay trên quê nhà, hay ở ngoài nước vì tuổi cao, tàn tạ và tuyệt vọng…
            Cuối năm 1989, tôi tới Mỹ, gặp lại một ít bạn, rồi từ từ chia tay. Tới phiên tôi không còn ai để đọc cáo phó hay có lời phân ưu. Chẳng sao ! Tôi làm Thơ, rải đi cùng khắp. Tôi nghĩ, với cách này, tôi sẽ có bạn, gặp lại bạn cũ, thêm bạn mới. Những người Đà Lạt luôn luôn nặng cái tình.
            Tôi gặp Trần Huy Sao trong tình huống này khi tôi vẫn còn sống.
            Trần Huy Sao làm Thơ hay quá. Hay thật. Hay là hay. Giản dị. Đời thường. Hay đáng cho điểm 9, điểm 10. Trung bình là 5, Trần Huy Sao không ở cái thang điểm nhiều hạn chế. Tôi đọc anh thường xuyên trên nhiều Báo. Tôi thấy anh in sách. Và có vài tập Thơ của anh tôi mua được làm của riêng trong nhà.
            Tôi ở Đà Lạt. Trần Huy Sao cũng ở Đà Lạt. Ngộ ghê, không quen nhau ở quê nhà. Nơi tôi cư ngụ là đường Hoàng Diệu. Nơi anh cư ngụ là đường Ngô Quyền. Cách nhau chỉ 3 hay 4 cây số. Nơi Trần Huy Sao cư ngụ được gọi là Cây Số Bốn. Nơi tôi cư ngụ là Khóm Mỹ Thành( còn gọi là Khu Lò Gạch, Xóm Thượng Cam Ly ).
            Khóm Đa Trung, Đa Cát, Bạch Đằng, Đa Thành chẳng xa lạ gì đối với tôi, nhưng thật tình tôi quen ít người. Trong thơ Trần Huy Sao thấy nhắc hoài về những địa danh đó, lòng tôi xốn xang, mắc cỡ nhiều nhiều…
            Qua Mỹ, tôi gặp Trần Huy Sao hai lần. Mới đây thôi. Hai lần ấy, hai năm, năm trước, năm này, ở Hội Ái Hữu Đà Lạt. Gặp trên đồi thông xanh biếc, Fountain Valley. Bắt tay nhau, nói dăm ba câu chuyện, rồi thôi vì phải bắt tay thêm nhiều người nữa. Trần Huy Sao dành cho tôi những tình cảm rất đặc biệt vì anh nói anh thường đọc Thơ tôi trên các Báo, tìm hiểu tác giả thì biết là dân Đà Lạt. Tôi không ngần ngại gì khi khi lặp lại những lời ấy với anh – đọc thơ Trần Huy Sao hoài hoài, biết Trần Huy Sao là dân Đà Lạt, thấy Trần Huy Sao có nói về Ban Mê Thuột, về Huế, văn kiến kỳ thanh… Bây giờ, mình gặp nhau đây, đúng quá, thơ của Trần Huy Sao nhé : “ Gặp nhau thương lại thời yêu dấu, mắt cay lòng quặn nhớ ngày xưa.”.
            Ngày xưa hai đứa tôi không quen biết, nhưng bây giờ nhắc lại đường đi nước bước của Đà Lạt, coi như từng đồng hành…Tôi luôn nói với lòng : Thơ Trần Huy Sao thật là hay ! Nói như vậy hoàn toàn không khách sáo, không nịnh bợ. Nói như vậy, là nói thật lòng. Những gì mà tôi với Trần Huy Sao nói với nhau trong lần gặp mặt đầu tiên, năm 2006, không nói lại vào năm 2007, bởi đã nói rồi và đinh đã đóng cột ! Tôi ghi laị trong bài này là cái cớ, chỉ là cái cớ cho biết vì đâu tôi không quên Trần Huy Sao, không quên thơ Trần Huy Sao. Con người xương thịt Trần Huy Sao : đàng hoàng, khả ái, nồng nhiệt. Thơ Trần Huy Sao : chân thật, đằm thắm, dịu dàng, êm ái, nhẹ như ru.
            Gặp Trần Huy Sao, đọc thơ Trần Huy Sao, liên lạc thư tín với Trần Huy Sao, lòng tôi luôn ray rứt : bao giờ mình về lại Đà Lạt nhỉ ?. Lên Cây Số Bốn, thăm Khóm Đa Cát, đi tới nữa thăm trường Bạch Đằng, xuống thung lũng gõ cửa nhà ông Cam Lĩnh đốt cho Ông một nén hương. Thơ của tôi hiện ra loáng thoáng. Thơ của Trần Huy Sao thì tràn ngập trong hồn tôi. Không cùng anh, ít ra một lần, đi bên nhau, như từ nhiều năm nay, thơ anh là niềm quấn quyện, là Đà Lạt, là Ban Mê Thuột, là Huế dễ thương, ngọt ngào, nghẹn ngào !
           Sáng nay, mở internet, đọc được e.mail Trần Huy Sao thăm hỏi , tôi hồi âm cho anh như thế này, ngắn dài như tóc mai, anh nhé.
           Tôi rất cảm động khi đọc bài thơ về Đà Lạt anh thác lời của người chị chờ mong em ở xa, rất xa :
NGẬM NGÙI THÁNG GIÊNG
 Em nói tháng Giêng về thăm Chị
Bây chừ tháng mấy rồi hở em ?
Mưa nắng qua hiên Đời cô tịch
Chị chờ em rộn bước bên thềm

Em đi tính đã mười năm lẻ
Là bấy nhiêu ngày Chị nhớ mong
Nước mắt rơi theo dòng dâu bể
Răng mà lâu vậy hởi em thương !

Không biết bây chừ em có khác
Đất người mờ nhạt nỗi thương quê !
Tóc xanh e cũng nhiều sợi bạc
Lòng có còn quen một lối về !

Mười năm ! Em biết, mười năm đó !
Đời cũng vàng Thu lá rụng thềm
Chị ở quê nhà rưng nỗi nhớ
Bao giờ mới được nắm tay em !

Bao giờ nấu lại nồi cơm mới
Khui hủ cà dưa muối để dành
Ngồi ngó em ăn, vui mà khóc
Đừng cười ốt dột Chị, nghe em !

Thương em, Chị cũng thành thơ dại
Dễ hờn, dễ tủi, dễ cười vui
Mai mốt tháng Giêng quày trở lại
Chị vẫn bên hiên, đứng ngậm ngùi !!!
             Trần Huy Sao làm thơ cho Đà Lạt nhiều, nhiều lắm. Có bài làm ở chùa Linh Quang, chùa này ở Cây Số 4, tôi có biết, tôi có nhiều bạn tu ở chùa này, họ đã tu xuất hết rồi vì thời chiến thanh niên ai cũng phải đi lính. Trần Huy Sao làm tôi nhớ lại chỗ tôi từng đứng nhìn khói nhang bay, tôi biết khói nhang vẫn còn bay mà tôi thì cũng như anh, xa xôi vạn dặm !
            Những bài Thơ anh viết về Ban Mê Thuột khiến tôi buồn buồn. Một vài đoạn thế này, hỏi không thương làm sao cho được ?
Mắt dại mùa Thu, tim mùa dông bão
Hồn theo Thơ mà lòng dạ theo em
Người đời nói đường tình yêu rất đẹp
Có đẹp gì đâu ! Chóng mặt quá chừng !

Chưa tìm được cho riêng mình dáng đứng
Trong tim em, nên cứ chạy vòng quanh
Phố Bụi tình thơ tôi cứ để dành
Em có quay đi, tôi còn cất giấu !

Bông cà phê trắng nõn thuở ban đầu
Sao đoạn cuối lại giọt màu đen, đắng ?
Em Phố Bụi của một thời áo trắng
Mà giờ đây loạn lạc tới phố nào ?!!!
( PHỐ BỤI, NHỮNG TÌNH THƠ )
            Tôi không hiểu sao Trần Huy Sao có một bài cho Huế rất đau đớn. Anh nguyên quán Huế mà răng rứa hè ! Cái tựa đề của bài Thơ. Phụ Phàng, đã thấy tràn trề nước mắt. Anh để trước khi đi vào bài hai câu thật thê thảm : “ Huế rất đau lòng mà không nói. Những kẻ yêu rồi phụ phàng nhau “. Nhưng thật may mắn cho người thưởng ngoạn, nội dung bài Thơ không đến nỗi nào bi thiết lắm…
Phụ phàng chi tội rứa anh
Cho ran lồng ngực cho hành hạ nhau !
Tình như sớm đánh tối đầu
Nay hờn mai giận lụy sầu do đâu ?
Để rồi đứng với chưa lâu
Nói chi tới chuyện ngồi lâu, níu tình !
Mặc em ở với một mình
Anh đi đâu kiếm ái tình thì đi
Rứa là tính chuyện chia ly
Rứa là kẻ ở, người đi ! Rứa là…
Mai kia mốt nọ ngang nhà
Có còn liếc trộm như là hồi xưa ?
E chừng sớm nắng chiều mưa
Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !!!

Hôm qua ngang ngõ nhà người
Thấy ai chẻ tóc bạc trời mây bay….
            Trần Huy Sao đến Mỹ trên dưới mười-lăm-năm nay. Tuổi trẻ bay mất là chuyện của thời gian, không ai tránh được. Không cần ngang ngõ nhà ai, ta cứ ngồi trước gương, chính ta chải tóc cho ta, cả bầu trời trắng mây trên tóc ! Nhiều người bạn già của tôi đã chết. Chuyện đời như chớp mắt, như sớm nắng, như chiều mưa ! Đúng như Trần Huy Sao nói : “ Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !”. Tôi đọc thơ Trần Huy Sao thấy mình thêm tuổi lúc nào không biết…
           Hồi âm cho Trần Huy Sao, tôi kéo dài như cùng ai uống rượu. Tuổi tàn rồi, chúng ta có quyền “ nhề nhệ “ phải không Trần Huy Sao ?
 TRẦN VẤN LỆ
Temple City, Oct.26,2007