MÊ MAN THÁNG BẢY
Mổi tháng viết một, ngắn dài…
Nghe tiếng sấm rền xa xa, lại nhớ một chiều, rồi nhiều chiều, đi dọc bờ
suối Cam Ly. Tay cầm cần câu, tay cầm bọc lá chuối gói mớ trùn huyết đỏ au. Mắt
láo liêng tìm chỗ quăng câu. Bầu trời xám xịt giữa rừng. Tiếng sấm rền từ hướng
Suối Vàng râm ran dội về. Thấy thân phận mình nhỏ nhoi quạnh quẽ giữa trời như
thấp xuống rừng Thông như trầm lặng. Trời chưa muốn mưa chỉ hầm dông báo trước
những cơn mưa tháng Bảy.
Tôi ưng nghe tiếng sấm rền để, được dịp, chìm đắm những chiều xưa. Mê
man nhớ thêm nồi cháo cá Trắng vừa mới câu còn tươi rói, bỏ vô nhúm hành hương
xắt nhỏ, rắc thêm chút tiêu sọ xay, nêm thêm chút nước mắm dằm ớt chỉ thiên…Là
chiều của Xóm quê nghèo dợm vào mùa mưa tháng Bảy…Cũng đã mấy mươi năm rồi…
Tháng Bảy bây giờ có Ngày-của-Út. Mâm quả bưng vô nhận vô rồi chia chỗ
đứng hai bên Nam tả Nữ hữu để tiện bề ngó qua ngó lại, thấy thiệt là ôi chao,
thương hải tang điền !
Một ngày vui. Mà cũng ngậm ngùi
đó, thưa quan viên hai Họ thưa cái lọ lục bình!.
Ngày Út qua đây tuổi thơ thua thằng cháu Ngoại…
Hồi đó tóc tôi xanh chưa thấy muối mặn chấm tiêu hồn dạng tôi trẻ không
sần sùi lốm đốm…
Anh sui thì ngó bộ…
Buổi tiệc trà nhà Gái đãi nhà Trai thân mật đầm ấm, thoải mái, ở chỗ,
xin thưa cùng anh với chị là bây chừ mình đang tính tới chuyện cho Út. Út trai
của anh. Út gái của tôi. Sau út rồi thì
mình đâu có còn lo chi nữa.
Chỉ còn lo là lo cho mình với người mà mình gọi là mình ơi ! ( để cọng hay là trộn lại, se lại,
quyện lại) là hai mình .
Mình ơi em rất thương mình
Đi mô em cũng níu tình mình thôi !
Nếu mà người Nam hay người Bắc mà đọc được hai câu ni(này) là nhất định
phải có thái độ từ chê bai (tới ghét bỏ) cô ni (này) quá là ích kỷ, chỉ nghĩ
tới mình mình, không nghĩ tới ai.
Tới hồi “chộ” được chữ “mình”
của Huế không chỉ đơn thuần là tiếng xưng hô bản thân mà còn ý nhị, tha thiết,
tình cảm “ vô hậu”. Mới “té ngữa” biết
là tiếng gọi đó là tiếng( rất tình yêu tình nghĩa) chỉ dành riêng cho người
mình yêu thương. Tiếng gọi người mà mình nguyện suốt đời gắn níu nhau tới suốt
cuộc tình cuộc đời. Cho tới nỗi ( nào ) khi hai tay xuôi hai mắt nhắm cũng chỉ
thều thào hai tiếng “mình ơi!”….
Theo anh suốt cả cuộc đời
Tới hồi bỏ cuộc vẫn hoài : ‘ Mình
ơi !”….
Anh chị sui cũng là “Huế mình” nên chi cười thoải mái khen chú em đi xa
lâu lắm rồi mà vẫn giữ phong rêu thành Nội…
Bây giờ Út vẫn còn là người nhà, để rồi mai mốt Út sẽ là nhà người. Nghĩ tới đó
cũng thấy ngậm ngùi…
Mà nghĩ cho tới tận cùng, nữ nhân mà cứ mãi là người nhà không ai đưa rước về nhà
người, còn ngậm ngùi hơn bội !.
Tháng Bảy, bất ngờ, bạn cũ Trường xưa từ France, Florida, Texas, Santa
Ana Calif cùng hẹn nhau rủ nhau ghé về San Diego gầy một đêm hội ngộ tại nhà
Trần văn Chính&Vân Anh. Điện thư điện thoại tới tấp nhắc chừng tôi phải
ghé-bến-xưa. Tất nhiên là bất cứ giá nào cũng tới bến. Người từ Pháp quốc xa
xôi ghé tới, là Lữ thị Hương, đã tuyên bố đây là chuyến đi “dối già” để chỉ
mong gặp lại một thời hoa mộng ngày xưa !.
Hương là người bạn cùng lớp cùng Trường lại là đoàn viên Thi văn đoàn
Sao Dị Hình Ban mê Thuột ( 1960 – 1964 ) ngày nào mà tôi là Đoàn trưởng. Đoàn
phó là Đoàn văn Trường ( bút hiệu Hoàng Hải Sơn), Thư ký là Hồ việt Thống( bút
hiệu Triều Phong Sương). Thủ quỷ là Phùng ngọc Long ( bút hiệu Hoàng Chúc Linh
). Liên lạc nội& ngoại vụ là Hoàng văn Đức ( bút hiệu Hàn Mặc Đan).
Chuyến đi, trước là gặp nhiều bạn cũ, sau là gặp ông lại Đoàn trưởng…
Bộ sậu của Thi văn đoàn ( Hoàng Hải Sơn, Triều Phong Sương, Hoàng Chúc
Linh, Hàn Mặc Đan) giờ đã “đi xa” hết rồi !. Chỉ còn lại đoàn trưởng nơi đây !.
Cho nên Hương ( bút hiệu Hương Lam ) muốn được gặp…
Vậy thì gặp nhau.
Cám ơn Hương Lam đã dành hết lòng ưu ái cho người Đoàn trưởng ngày
xưa…Làm tôi cứ tưởng mình vẫn-còn-như-là Đòan trưởng ngày nào khi đến dự buổi
họp hàng tháng tại nhà thư ký Triều Phong Sương…
Thôi !. Hương Lam cứ nói chuyện bạn cũ ngày xưa đi !. Đừng nhắc gì về dĩ
vảng của Thi văn đoàn.
Bây giờ, tôi cũng chỉ là tôi, vẫn giữ nguyên bút hiệu ngày xưa ( Huy
Sao, thêm chữ Trần vừa là Họ của mình vừa là nghĩa trần gian, trần đời..). Vẫn
thơ văn chất ngất, y như ngày nào…
Trần, Huy Sao .
Hương Lam bây giờ không làm được Thơ nữa, cạn dòng Thơ, bởi bôn ba cuộc
sống.
Tôi thì vẫn cứ là Thơ, thêm Thơ, bởi càng bôn ba cuộc sống thì giàu sang
nuôi dưỡng hồn Thơ.
Có điều, Thơ bây giờ không còn hoa mộng.
Thơ có trộn vị đắng-cà-phê lừng danh Ban mê thuột.
Thơ có chia ngọt thanh mùi-bắp-nếp Ban mê thuột
Thơ có ghé bụi-nắng-bùn-mưa Ban mê thuột
Thơ có nhắc nhớ một thời hoa-mộng-tuổi-học-trò một thời Ban mê thuột.
Thơ có về qua nẻo-phố-xưa-tình Ban mê thuột.
Thơ, vẫn cứ là Thơ, cho Ban mê thuột, một thời.
Cay đắng ngày xưa là do vì đời dâu bể tang thương đâu có phải do Thơ….
Dịp này, gặp lại Lê Hữu. Suốt thời gian, nói ít chuyện thơ văn, chỉ chụp
nhiều những tấm hình. Vậy là cười ( để chụp hình ) nhiều hơn nói.
Tháng Bảy, chú Tư báo tin đầu tháng Tám sẽ về San Diego cho thời gian
thực tập, khá lâu. Vậy là coi như chú có được dịp may mắn trở về mái nhà xưa.
Nhà lại đông vui như ngày nào. Hủ tôm chua mẹ làm từ tháng Sáu, vẫn để dành.
Vườn sau nhà rau thơm xanh lá tốt tươi. Cây ớt Phụng&Uyên trái oằn cành, đỏ
rực. Rồi qua tháng Tám, trời hanh khô nắng nóng, thế nào anh Hai cũng rủ đi câu
cá trên cầu Oceanside. Chị Ba với Út còn dự định sẽ có vài ngày cắm Trại. Lần
này, cắm Trại giăng lều, đốt lửa cời than với núi rừng, không mướn nhà ở như
lần trước.
Tháng Bảy, hoàn thành tập hai, thơ trần huy sao. Thiệt là sảng khoái.
Mổi sáng, bên tách cà phê, lật từng trang đọc từng bài để nhớ lại từng ngày
từng tháng đã đi qua. Thử lật qua mấy trang, khoảng thời gian tháng Bảy năm
ngoái, chỉ thấy lơ thơ có vài bài ( tháng Tám viết nhiều hơn ) !. Vậy là , năm
ngoái tháng Bảy, không có gì … Tháng-Bảy-năm-ngoái vẫn bình thường.
Thơ, viết như là nhật ký ( nên gọi là nhật thi ) để ghi lại từng chặng
đường đời đã đi qua. Vậy cũng hay !.
Thay vì viết nhật ký thì viết nhật thi. Vậy cũng được.
Vừa được thoải mái làm Thơ vừa được coi ngó lại đời mình qua tháng năm
cũng là một thú riêng.
Thơ đâu cứ phải là mộng mơ khóc gió thương mây !. Cứ thoải mái nói
chuyện, kể chuyện đời thường, rất thường nhưng phải là Thơ. Như vậy, mới là
Thơ.
Tháng Bảy, năm nay ngó bộ đuối nắng hơn năm ngoái.
Tôi, làm Thơ, cũng chỉ có hơn năm ngoái, chút đỉnh.
Vậy là coi như là cuộc sống vẫn bình an, không có chi là không có chi,
để viết…
Thôi ! Giã từ tháng Bảy năm nay nghen !.
Thiệt lòng mà nói tháng Bảy năm ni vui thiệt, bởi, có Ngày-của-Út…
Hẹn tháng Bảy, năm sau…
Hiên Trăng,
tháng Bảy 2013
Hẹn tháng Bảy, năm sau…
Nay, tháng-bảy-năm-sau, đã
đến rồi…
Chiều chiều ngồi nghe tiếng sấm rền hướng núi xa, vẫn cứ như những lần
nghe tiếng sấm rền tháng Bảy mổi hàng năm trong suốt dọc chiều dài hai-mươi-năm
trên vùng quê mới!. Nao nức buồn!.
Những hình ảnh xưa xa gợi nhắc những đợt sóng đời thăng trầm dâu bể
từng đã đi qua lại thấy, vui vui vừa đủ ngấm, khi biết mình vẫn còn giữ được
nét chân quê của một thời chân đất. Như câu thơ Chế Lan Viên rất thấm : khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất lại
hóa tâm hồn…
Tháng Bảy năm nay, ơn Trời, bình lặng. Chỉ có đôi ba bữa lại nổi giận
cơn dông sấm trời vang dội từ hướng núi bạt ngàn xa. Năm nào cũng vậy mà !. Năm
nào tháng Bảy cũng nghe quen.
Năm nay, tháng Bảy, có một ngày đặc biệt.
Ngày kỷ niệm hai-mươi-năm qua vùng đất mới.
Hai mươi năm cho một chặng đường trong đường đời là một khoảng đường
xa. Xa và lạ.
Bởi trong chặng đường đời xa đó, có những chuyện lạ sinh sôi nẩy nở
trên chặng đường xa và lạ.. Từ xa lạ, ở đây, xin cho được giải thích tỏ
tường.
Xa lạ, thì hai mươi năm trước đã khởi đi quê nhà đến nơi quê xa lạ rồi.
Lạ nơi chốn, lạ phong thổ, lạ cơ ngơi lạ nghìn trùng xa cách và đôi khi nhiều
khi nhìn ngoái lại, lạ cả chính mình !.
Mới lạ, thì nẩy mầm vươn lên từ xa lạ sau hai mươi năm ăn dầm ở dề quen
hơi bén tiếng và đôi khi nhiều khi nhìn ngoái lại, lạ cả chính mình và cuộc đời
mình.
Cũng là tiếng xa mà hai nghỉa
hai nơi.
Cũng là tiếng lạ mà hai nơi
hai nghỉa.
Tháng Bảy, sau hai mươi năm, không còn có nghỉa là xa lạ mà là mới lạ.
Xa, thì đã xa rồi, còn lại lạ, thú thật rất là mới lạ. Nhiều mới lạ.
Không như tháng Bảy năm trước, có ngày-của-Út. Một năm vậy mà mau qua,
năm nay, có ngày-vui-của-Út nhưng vui trước một tháng, tháng Sáu.
Và, vui trước hai tháng, tháng Năm. Tư Đào và Út cùng ra trường. Rồi ra
riêng…
Tháng Bảy !. Một mình ngồi viết lại chuyện ngày qua với nỗi lòng hầm
dông. Út ra riêng. Đào ra riêng. Nhà trống vắng. Thơ, văn lại giàu thêm kỷ niệm…
Câu, chữ tản mạn cuối tháng Bảy ở nhà cậu Hai, Escondido. Một mình
riêng một cõi ôn nhớ lại những chặng đường đi qua, từ lúc các con cùng chung
sống dưới một mái nhà. Hai mươi năm đã là nhà riêng, đời sống riêng…
Thôi thì, lâu lâu ghé nhà cậu Hai. Lâu lâu ghé nhà cô Ba.Rồi mai rồi
mốt thể nào cũng có dịp ghé nhà chú Tư, nhà cô Út.
Thành quả hai-mươi-năm qua ăn nhờ ở đậu đất người…