tháng 9 21, 2012
MÙA CÁ HẦM DÔNG
Chiều đi học về ngang nhà chú Tánh, thấy chú ngồi uống rượu trước sân. Mảnh sân xanh mượt cây cảnh, có hòn non bộ ngư tiều canh mục. Tôi đứng lại vòng tay, cúi đầu, thưa :
- Thưa chú.
Chú đang cầm ly rượu, vội bỏ xuống bàn, nheo nheo mắt nhìn :
- Đứa mô đó!. A, con anh Cai đây mà. Thằng ni giỏi.
Tôi dợm đi, nghe tiếng chú hấp tấp :
- Khoan đi khoan đi. Cho chú hỏi. Ba con về chưa?.
Tôi lại vòng tay, thưa :
- Dạ, thưa chú, Ba con chưa về.
Thấy chú ngẩng nhìn mây trời, cầm ly rượu trót ngọt một hơi, khà một tiếng sảng khoái :
- Chà, trời trở hầm dông rồi. Anh Cai không về, ai mà cho mồi nhậu đây hè…
Chú cầm nghiêng chai, rót thêm rượu đầy ly.
Trên đường về lại qua nhà Ôn Cửu. Mọi bữa không hề thấy Ôn. Chiều nay lại thấy Ôn ngồi, không rượu, chỉ trà. Trà xanh đậm chát quéo lưỡi thâm môi. Tôi bất ngờ khựng người, đứng lại, vòng tay thưa :
- Thưa Ôn.
Tôi thưa tới hai lần Ôn mới ngó ra, hỏi :
- Con ai mà giỏi chưa tề !. Mạ con Tuyết Minh ơi !. Ra coi con ai mà hắn thưa Ôn đây nầy. Ra coi mau không thôi hắn đi.
Biết tính Ôn, tôi thưa lớn :
- Dạ, con là con của chú Cai đây.
Ôn vuốt râu, cười sảng khoái :
- Ồ, mi là con chú Cai đem cá tới đó hỉ. Mạ con Tuyết Minh ơi ra lấy cá mau không thôi hắn đi. Hắn đem cá hầm dông tới đó!.
Tôi luống cuống chưa biết tính sao thì Mệ từ bên hông nhà đi ra sân trước. Thấy Mệ lắc đầu lia lịa, đưa tay khóat khoát. Tôi biết ý, chuồn mau.
Đường học về phải qua nhà anh Tấn, anh Thuận. Hai anh này là đệ tử ruột của Ba tôi trong nghề câu. Mùa câu năm nào cũng vậy, tôi cũng theo Ba tôi với hai anh vô suối Cam Ly quăng câu giựt cá. Tiếng là đi câu chung là coi như bình đẳng cần ai nấy quăng cá ai nấy giựt mà thiệt tình đâu phải vậy !. Tôi chỉ là thằng đi phụ việc cho hai anh.
Khi Ba tôi kêu “ Lấy thêm cho chú ít mồi nữa bây” thì y như rằng, không anh Tấn cũng anh Thuận, nói xướng theo “ Lấy thêm cho chú ít mồi nữa. Có ngay. Thằng Cu Trọc đâu ?. Đem mồi câu lẹ lên cho sư phụ”.
Khi Ba tôi hối “ Đưa cái rọ cá lên đây cho chú, tao mê rà cá quá bỏ quên, gần chổ tụi bây đứng câu đó”. Tức thời nghe tiếng dóng dã “ Đưa cái rọ cá lên cho chú. Có ngay. Thằng Cu Sún đâu?. Cầm cái rọ đây này, chạy u lên đưa cho sư phụ”
Anh Tấn thì gọi tôi là thằng Cu Trọc. Anh Thuận gọi chệch hướng xuống, là thằng Cu Sún.
Vừa đầu trọc vừa răng sún thì là tôi, còn ai vô đây.
Nhiều bữa trúng dòng cá ngược về đang mải mê câu cũng phải đành ngừng ngang chạy việc cho hai anh, trong lòng cũng nặng nề ấm ức lắm mà có dám ra lời đâu.
Ấm ức thì có chỉ trong giây phút đó thôi chớ nghĩ cho cùng thấy thương hai anh đang mải mê giựt cá. Cá ăn câu chỉ trong khoảng thời gian có hạn, bỏ quá đi, là mất trắng. Nếu tính thời gian lo phục vụ cho “sư phụ” thì cũng vuột mất một mớ cá cắn câu. Hai anh có sai-dây-chuyền thì cũng đúng thôi !.
Tôi được đi câu là chuyện nhỏ. Đi phụ việc là chuyện lớn.
Mùa hầm dông, cá từ nguồn đập Suối Vàng tràn lũ kéo về theo các nhánh suối nhỏ rồi hòa nhập vô dòng suối lớn : là suối Cam Ly. Khởi đầu nguồn là thác Cam Ly, một thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Đà Lạt quê tôi, chảy ngược về hạ nguồn để cuối cùng nhập vào lòng sông lớn Krong Na ở tận vùng Đăk Lăk ( Ban Mê Thuột ).
Suối chảy xa xôi quá thì tôi không biết rồi phải qua bao nhiêu ghềnh thác cheo leo.
Chỉ biết đầu nguồn thác thường gọi là Cam Ly Thượng chảy về đồi núi phía sau Xóm tôi là Cam Ly Hạ. Không nghe ai gọi Cam Ly Trung…
Cam Ly thượng. Cam Ly hạ.
Báo trước một mùa mưa dai dẳng là những ngày hầm dông. Chỉ có vài ngày thôi nhưng có biết bao nhiêu là kỷ niệm nhớ hoài !. Cứ hầm dông là nhớ mùa cá hầm dông. Cả Xóm cứ rộn ràng nôn nao. Ba tôi dù dù bận bịu công việc hầu như suốt năm phải đi xa nhà nhưng cứ dịp hầm dông là ông lại trở về hưởng cái thú đam mê. Ông thuộc vào hàng sư phụ trong nghề. Chỉ nhìn dòng nước chảy là đón biết nơi nào cá tụ nơi nào cá chia đàn. Nhìn trời mây biết thời điểm nào cá hám mồi, cá rong mồi. Mổi lần đi câu ông sử dụng tới sáu cần. Cứ nhịp nhàng đều tay giật cá, gỡ cá, móc mồi, quăng câu, không hề lơi lỏng một cần câu nào hết. Thường thì ông ngồi câu không lâu. Khi đoán biết mồi nhử cá đã bợt mùi hay câu lên con cá thấy nhỏ, thì thôi, cuốn cước xếp cần chuẩn bị đi về. Ông nói : “ Khi mồi nhử cá đã bợt mùi thì cá không tìm tới nữa. Khi câu con cá lên thấy nhỏ thì biết cá lớn đã mỏn rồi. Không câu nữa là dưỡng cá nhỏ cho lần sau. Biết câu đúng lúc biết dừng đúng lúc, là nghề câu ”.
Riêng mùa cá hầm dông thì Ba tôi chỉ câu có một cần, không phao, chỉ cục chì vừa đủ nặng rút cước chìm, mồi chìm. Cũng không ngồi lâu một chổ. Ông nói : “ Cá hầm dông là cá náo loạn đi tìm chổ an toàn tránh trước mùa mưa lũ xô giạt giập mề, bể bong bóng(ông cười). Trên đường tháo chạy thế nào cũng tìm chổ nghỉ lấy hơi, tìm cái chi bỏ bụng rồi hùa nhau chạy tiếp. Vậy thì chổ nghỉ là chổ nào, chổ rẻ đàn chia tay ( à không, phải nói là chia vi ) chạy tiếp là chổ nào. Cứ quăng câu xuống nước, cứ ngồi một chổ là không xong. Câu cá hầm dông là câu chụp giựt có thanh cảnh nhàn nhã chi đâu…”.
Cần có người phụ việc ( là tôi, chớ còn ai vô nữa !) để xách cái oi (loại lớn) đựng cá với bọc lá chuối mồi câu. Sẵn sàng, kêu đâu có đó !.
Việc tuy là nhỏ mà lớn, hai anh làm sao mà kham nổi !.
Hai anh theo sư phụ đã nhiều mùa. Tôi cùng theo với hai anh để được sai-dây-chuyền riết rồi thành quen. Hai anh vui lòng hả dạ thì tôi cũng bấm bụng mà hả dạ vui lòng. Ba tôi nói : “ Con theo Ba câu cá hầm dông là dịp câu kiếm cá đãi bụng mình, đãi bụng người. Ba có câu được nhiều để sớt ra mà đãi bạn mình ít cá lấy lòng thơm thảo thì con cũng đã đãi hai anh ( ý nói anh Tấn với anh Thuận đó ) ít công, cũng là thơm thảo. Nếu như hai anh cứ lo phục dịch cho Ba thì …cá cắn câu có ai đâu mà gỡ !. Cá hầm dông hắn chạy tán loạn còn con thì Ba biết, hầm dông chạy lên chạy xuống, tuy là có mất công rồi mất lòng chút mà được việc cho hai anh. Đó cũng là nghề câu : nhẫn nại ”.
Hai anh nghe Ba tôi nói, cúi đầu, lầm lũi. Cái oi cá nặng oằn vai tôi phải ưởn người lấy sức qua con dốc Rừng Ngo, tôi không cúi đầu dù rất muốn. Mớ cá hầm dông Ba tôi câu được rồi chia lại cho nhà, chia cho lòng thơm thảo, chia cho tôi câu nói nhớ hoài.
Tôi thì được hai anh chia cho tình thương yêu ruột thịt….
Thấy anh Tấn đang lui cui bên hè, tôi chồm người ngó vô, hỏi :
- Anh Tấn ơi !. Anh đang làm gì đó ?.
Anh giật mình, ngó lên, sẳng giọng :
- Cái thằng ni !. Làm anh hết hồn…
Rồi anh chỉ mấy cái cần nằm la liệt, mớ cước cuốn tơ vò, lắc đầu :
- Đó, thấy không ?. Nãy giờ cứ vần tới vần lui mà có được chi đâu. Rối tung xèng hết thêm làm anh muốn điên cái đầu đây !.
Tôi biết tính anh vốn làm đâu bỏ đó in như là kiểu đặng cá quên nơm, đặng chim quên ná. Phải chi mùa câu qua rồi thì lo ngăn nắp cần câu dây cước phao chì đâu vào đó chờ mùa sau thì đâu có rối tung xèng để cho cái đầu muốn điên !.
Tính tình hời hợt quá chừng vậy thì đừng trách !. Tự nhiên có ý định muốn chọc anh một chút, cho vui. Tôi (cố) cười ngất, nói :
- Tưởng chuyện chi khó. Chuyện này làm dễ ợt anh ơi !
Anh nhìn tôi một thoáng rồi bỗng nhiên chồm người, tưởng chừng hai cái mặt sắp đụng nhau. Nghe tiếng anh vồn vập :
- Vậy hả ?. Em có cách chi đó, bày anh đi.
Tôi giả bộ đưa ngón tay trỏ lên miệng “suỵt, suỵt”, rồi lắc đầu ra dấu :
- Nói nhỏ, nói nhỏ thôi anh !. Sao mà la lớn dữ tợn vậy ?.
Anh có vẻ ngạc nhiên, dáo dác nhìn quanh :
- Bộ có chuyện chi hả?. Mà sao phải nói nhỏ hè !.
Tôi làm vẻ nghiêm trọng, thì thầm :
- Phải nói nhỏ chớ anh, lỡ có ai nghe bể mánh hết. Anh ghé sát tai lại đây, em nói nhỏ chỉ mình anh nghe thôi. Cách này vừa hay mà vừa dễ làm. Ghé tai vô, ghé tai vô đi anh.
Anh vội vàng nhướn người ghé tai vô sát miệng tôi. Tôi nói, cố nhẹ hơi, thì thầm :
- Anh ơi !. Ra chợ mua mấy thước dây cước mới đi !.
Rồi hít hơi nín thở ( tính ra chưa tới một giây ) thổi mạnh vô tai anh một cái : “phù”.
Chỉ kịp thấy anh giựt ngược cái đầu rồi nghe tiếng la “ái chà chà” là tôi đã kịp bung người dông tuốt…
Qua ngang nhà anh Thuận thấy vắng tanh.
Mọi bữa đi học về ngang thường thấy anh đứng trước sân rờ cành vuốt lá làm như là tay yêu vô cùng vô tận cây cảnh thiên nhiên.
Vậy mà không phải đâu là không phải đâu !
Anh vốn sinh(sống) nhai(cơm) với nghề bán than. Sớm mơi vô rừng chặt cành hung bạo tuốt lá hung tàn để ủ hầm, chờ thời gian đủ độ thành than, khui hầm rồi gánh ra chợ bán.
Ngược đời quá chừng chừng !
Sáng thì chặt cành tuốt lá. Chiều lại vuốt lá rờ cành.
Nguyên do cũng vì chị Vui đó !
Chị mỗi tuần đi học may ( có nhiều chị trong Xóm cũng đua nhau đi học làm bánh, học đan thêu, học nấu (và) nướng mấy món ăn dù cái Xóm nghèo như Xóm tôi thì có chi đâu để nấu với nướng ngoài món luộc giáp niên : su su luộc, củ khoai lang luộc, đọt khoai lang luộc, rau Dền luộc …), ở nhà Thờ Domain de Marie mà Xóm xưa quen gọi là nhà Thờ Domain do Ma Sơ Vincent quản lý .
Chương trình học một tuần chỉ mấy chiều thôi tôi đâu có nhớ là chiều nào. Anh Thuận thì nhớ nằm lòng bởi vì trên đường về chị phải qua ngang qua nhà anh trước khi tới nhà mình.
Chiều chiều anh rờ cành vuốt lá câu giờ là có ý chờ chị đi ngang qua để liếc nhìn cho đỡ nhớ, chỉ vậy thôi !.
Anh bán than hay chị thợ may, so cùng, thì cũng là trái tim nhịp đập chậm, đập mau, đập rộn ràng. Cũng đời thường, cũng tình trường. Tình yêu!.
Chiều nay không gặp anh sân trước sờ cành vuốt lá câu giờ chờ đợi người thương.Vậy là chiều nay chị không có lớp, anh đâu cần phải ra sân rờ cành vuốt lá làm chi.
Chọc anh Tấn vừa rồi chưa “đã” tôi ưng chọc anh cho vui, mới ngừng lại, gọi với :
- Anh Thuận Vui ơi !. Anh Thuận Vui ơi !
Kêu réo một hồi mới thấy anh, bất ngờ xuất hiện, mặt hầm dông, giọng hầm hầm :
- Đứa nào kêu réo om sòm vậy ?
Khi chợt nhìn thấy tôi, anh dịu tức thời cơn mưa dông, cười giả lả :
- Uả, em đó hả?. Tưởng ai!. Mà sao kêu tên anh chi kỳ rứa, lỡ ai nghe…
Tôi ( giả bộ ) làm mặt giận :
- Nghe thì sao không nghe thì sao ?. Anh mới là kỳ đó, đâu phải em. Kỳ đà kỳ nhông kỳ dị tới kỳ cục luôn, là anh đó. Hứ ( cố giả bộ hứ thêm một tiếng cho nhập vai ), còn dám nói em kỳ. Thôi em đi đây, không thèm nói chuyện với anh nữa !
Tôi ( lại giả bộ, thêm ) dợm người quay đi thì nghe tiếng anh, hầm dông sấm sét lừng trời :
- Khoan, khoan. Em muốn nói chuyện chi ?. Anh nghe đây, chờ nghe đây mà, em !
Tôi ngừng lại ( cá đã cắn câu ) muốn cười, mà hết sức nén, nói tĩnh queo :
- Muốn nghe thì em nói cho nghe nè. Chị Vui nói chiều nào qua nhà anh cũng thấy anh rờ cành vuốt lá thiệt quá, là quá sức, bực mình. Anh chỉ chay tịnh rờ cành vuốt lá cho tới lúc chị hầm than luôn sao ?. Chị nói với em câu nào thì em nghe rồi nói lại với anh , không dám sai sót một lời. Mai có gặp chị anh đừng rờ cành vuốt lá, cứ… Ôi chao, nói ra nghe ốt dột quá. Chị ( chỉ nói thầm với em ) là phải chi anh a-thần-phù chạy ra nắm tay chị một cái, khi chị đi qua nhà thì chị sẽ...chị sẽ… .
Anh Thuận, vốn người trực tính ăn cục nói hòn, giờ cúi đầu nghe mà trong bụng cũng lòng vòng thắc mắc, hỏi tôi :
- Em nói chị có lời nhắn thì anh nghe. Mai anh sẽ a-thần-phù nhào ra nắm tay chị. Uả, mà chị dám nói với em chuyện đó sao?. Hay là…
Thấy anh nhìn có vẻ nghi ngờ, tôi nói :
- So vai vế thì chị Vui là vai em. Anh biết rồi mà !. Mạ của chị là em họ của Ba em. Chị lớn tuổi hơn em nhiều nên gọi là chị. Chị em tâm sự với nhau không được sao?. Chị cũng biết em với anh thân thiết mới mượn người nói nhắn đó anh ơi !.
Anh cười giả lả :
- Nghe em nói cũng đúng nhưng mà anh thấy ngại quá !. Tự nhiên ra nắm tay người ta…
Tôi giả bộ giận hờn:
- Vậy thì thôi, để em về nói lại với chị….
Rồi vùng vằng .
Mùa hầm dông ngày đó, Ba tôi bận bịu công trình nên không về hưởng thú đam mê.
Tôi cũng không còn có dịp nào, hầm dông, chạy lên chạy xuống cho hai anh sai-dây-chuyền để có thời giờ rảnh tay giựt cá !. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi chuyển trường lên một vùng đất mới. Vùng đất cao hơn, buồn tẻ hơn.
Bỏ lại hết rồi phôi phai gần hết những chuyện Làng quê Xóm cũ...
Chuyện chỉ sương sương chút đỉnh nhân mùa hầm dông. Nhớ được chừng nào thì viết ra chừng nấy.
Tôi còn nhớ thêm !.
Là anh Tấn giờ cũng thuộc hàng sư phụ trong nghề câu.
Là anh Thuận với chị Vui giờ đã lên chức Nội, Ngoại đề huề.
Chưa nhớ là ai nói nhưng mà có, chắc chắn có, nghe nói vậy.
Hiên Trăng tháng 09/2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét