tháng 7 31, 2012
HIÊN MƯA CHIỀU HOA SỨ
hồi chiều ngó mấy bông Sứ rụng
bỗng dưng lại nhớ buổi lâu rồi
buổi em áo trắng còn thơm lựng
đứng ghé bên hiên tránh mưa trời
hiên nhà tôi trắng mùa hoa Sứ
bỗng ngợp thêm màu trắng áo em
lòng tôi ngầy ngật chiều mưa rũ
câu Thơ lãng mạn bỏ rơi thềm
vô tình em vẫn ngoài hiên mưa
đâu biết lòng tôi đang ghé mái
thầm cứ mong mưa lâu hơn nữa
để em nôn nóng giọt ngắn dài
bài Thơ ngẫu hứng chiều hương xưa
bông Sứ níu theo màu áo trắng
mai còn dịp nào em ghé nữa
chỉ có Thơ tôi giấu lặng thầm
vô tình em nào biết gì đâu
cứ để vướng lòng chiều mưa trú
bên hiên thầm lặng trời mưa lâu
gió rủ màu đêm về phố cũ
vậy đó, bao mùa bông Sứ rụng
là bấy nhiêu mùa thương nhớ ơi !
dâu bể tang thương nhòe dáng đứng
chiều gió mưa em lạc đâu rồi !...
tháng 7 25, 2012
NẮM TAY NHAU NHỚ TÌNH NHAU
ra ngồi đây ghé miếng tình với anh
nắng có rát da chi đâu mà sợ
chiều xuống rồi nắng dịu lòng cơn gió
mây cũng hùa theo mây bay…mây bay…
em ngồi đây, ghé chút nữa, gần đây
cho khẽ khàng bàn tay anh tìm nắm
bên kia núi, em thấy không, xa thẳm
chiều đang về quê tìm gặp bóng đêm
còn bây giờ anh đang nắm tay em
chiều bỏ thêm một khoảng trời lãng mạn
gió bỏ quên trước hiên nhà vạt nắng
nắng dịu cuối ngày có rát da đâu !
ngồi một đỗi rồi chắc muốn ngồi lâu
có gió mát có mây trời tản mạn
xao xuyến bâng khuâng bàn tay anh nắm
in như thuở nào mình nắm tay nhau
mấy mươi năm rồi anh có phai đâu
cứ bỏ trong Thơ lâu lâu nhắc lại
cái nắm tay thuở em còn con gái
thuở tình em còn kén cá chọn canh
rồi cuối cùng em ưng lòng chọn anh
(con cá nhiều xương nồi canh lạt muối)
nhớ chiều nhà xưa nắng sưa vườn ổi
anh nắm tay em, em siết tay anh
vậy là hai mình từ đó loanh quanh
hết ở quê nhà tới vùng quê mới
dâu bể tang thương dặm trường trôi nổi
bỏ lại nắm tay vườn ổi ngày xưa
bỏ lại anh chiều nay ngồi một nửa
chợt nhớ thương tình gọi với em ơi
ra ngồi đây dẫu lặng yên không nói
chỉ nắm tay thôi, thương lại mùa tình
mấy mươi năm anh chán nhớ một mình
muốn có em cùng hai mình nỗi nhớ
dẫu cuộc sống có lao đao ná thở
không biết nhịp nào dành trọn cho nhau
chiều nắm tay nắm nhớ thiệt là lâu
nghe trong bàn tay có cùng nhịp thở
lâu lắm rồi nghe kể từ ngày đó
có được chiều nay ngồi với ngày xưa …
chiều hiên trước
07/2012
tháng 7 19, 2012
HẠ HONG TÌNH KHÔ HẠN
tình buổi xa không về
tình buổi gần không tới
chỉ mình người đứng đợi
tình xa tình gần ơi !
nỗi buồn lâu cũng nhói
bông Sứ rụng hiên nhà
hoa Chanh mùa ra quả
chiều hiên trước sân sau
buồn ngả bóng tới đâu
khô giòn tình tới đó
chiều nay trời đứng gió
chừa chỗ đứng cho ai
ngó quày dòng thương hải
chiều đời giữa chiều hôm
hai cảnh chiều dáng mỏn
tàn phai theo phù vân !
tháng năm rồi khánh tận
tình nhau rồi tình đau
ta thiệt lòng không giấu
buồn bỏ rớt hiên nhà…
tháng 7 13, 2012
HỒI CON CÁ LÒNG TONG CẮN CÂU
Là nói chuyện lâu rồi, nay nhớ lại thôi.
Trước hồi con cá lòng tong cắn câu là tôi với bầy đoàn thê tử đói khát tơi bời giữa đời thương hải bể dâu.
Cái Đình của Xóm hồi trước dọc ngang bề thế. Mái Đình uốn cong Long Phụng. Trong Đình có bàn thờ các bậc tiên hiền, hương khói ngày đêm. Có bên phải Trống bên trái Chiêng. Có chú A biệt phái hương đèn ( kiêm “thằng mỏ” đêm đêm đầu trên xóm dưới vừa gỏ mõ vừa ê a học-thuộc-lòng câu “ Nghe đây. Nghe đây.Bà con coi chừng lửa củi.(Cóc.Cóc.Cóc ,là tiếng mõ chú gõ). Tới giờ nghiêm, ngoại bất xuất. Nội bất nhập.”
Sân Đình đêm Trăng treo cả Xóm ra ngồi không phải để ngó nhau mà ngó Trăng cho thỏa. Quê tôi xứ lạnh mấy thuở Trăng lên mà Trăng lại trong như giát vàng giát bạc. Con nít tụi tôi chạy vòng mướt mồ hôi trò rượt-bắt-cứu-tù, trò đạp-lon-tìm-người. Bà xã tôi hồi đó ngồi với đám bạn gái chơi trò rải-ô-quan, ngó hiền dịu dễ sợ. Lâu lâu đổi trò chơi, nhảy-ô, ngó điệu nhảy cà giựt cà giựt từng ô rồi bỗng xoay người nhảy ngược lại ngó bộ cũng…được. Chấm điểm từ hồi đó đó.
Bể dâu thương hải tới nỗi chi mà Đình mất tiêu. Thiệt là mặn chát đắng đau nỗi buồn!
Khi tôi về lại Xóm quê xưa, sau thời gian dài “đi học”, chỉ còn có cái quần lủng đít. Bà xã vá chầm vô một miếng che, cho đỡ chói.
Rồi sau đó cùng hè nhau đói hùn nhau khát dù chưa tới nổi đói quá rồi khát quá mà ôm nhau chết chùm.
Vẫn còn ngo ngoe tìm quanh đắp đổi miếng ăn.
Con cá lòng tong cắn câu vào thời buổi khó.
Mấy chục năm rồi phải dễ. Nhớ như in cái phao chìm lút, giựt cần, con cá lòng tong nhảy cà tưng theo nỗi tôi mừng nhảy dựng !.
Hồi đó thằng Hai con Ba thằng Tư con Út theo hùa với tôi qua Đập ba Đa Thiện tìm chất tươi cho mát bụng những bữa cơm hàng ngày cứ đậu-phụng-kho-queo, nước-mắm-kho-quẹt.
Bà xã chờ, nồi chảo chờ, cha con về có bữa cá lòng tong kho tiêu, cá lòng tong tẩm bột chiên giòn.
Những con cá lòng tong cắn câu một thời đói khát cứ theo tôi tháng năm dâu bể.
Xin cám ơn đời, một thuở, cá lòng tong
Và cũng xin cám ơn một buổi cơm chiều có cá lòng tong tẩm bột chiên giòn.
Cám ơn tôi, mấy mươi năm, còn nặng lòng nhớ lại…
07/2012
tháng 7 11, 2012
MÙA CÂU
tháng 7 06, 2012
MƯỜI-TÁM-NĂM RỒI ĐI CŨNG MỎI
Hòn Chồng-Nhatrang (07/1994,trước lúc xa quê)
mười-tám-năm rồi đi cũng mỏi
ngồi xuống đây nắng gió đã sờn vai
bên kia núi là quê nhà xa ngái
ngó không thôi cũng no ứ nỗi buồn
ai trong đời không có một quê hương
ta có quê đành xa quê quá tội
đi một đỗi lại ngoái nhìn một đỗi
nhìn tới hồi tóc nhuốm bạc thời gian
con dế kêu sương đêm khuya tĩnh lặng
ta vẫn ngồi đây thầm nhớ một mình
Thơ nói giùm khi ta cứ làm thinh
mười-tám-năm rồi đi cũng mỏi
chỉ nhắn hồn Thơ nói thêm cho tới
những dấu yêu xưa bỏ lại quê nhà
bởi vội vàng cho một lần chia xa
không kịp đem theo phải đành bỏ lại
bỏ Xóm nghèo nuôi ta thời thơ dại
có mái Đình dát bạc những mùa Trăng
bỏ tiếng chuông khua trống rộn Hội Làng
bài học đầu đời thương nhớ quê hương
da diết đêm nghe tiếng mỏ rộn đường
nhắc nhở bà con coi chừng củi lửa
bởi Xóm quê trời lạnh suốt bốn mùa
không sưởi lò than làm chi chịu thấu
cay đắng tháng ngày sắn khoai cất giấu
dành tới mùa Đông có cái mà ăn
hủ dưa cải nặng tay thêm muối mặn
dặm miếng sắn khoai đắp đổi qua Đông
khi lớn khôn dọc ngang trời đất rộng
cũng chỉ là trời là đất quê hương
đâu tới nỗi chi xa ngái dặm trường
sông biển chập chùng núi non che chắn
mười-tám-năm rồi gừng cay muối mặn
có nếm gừng cay muối mặn gì đâu
bởi quê hương từ thương hải bể dâu
lưu lạc lưu linh tình Làng nghĩa Xóm
còn lại trong ta Thơ tình giấy nỏn
không tình riêng chỉ tình tự quê hương
mười-tám-năm trải bao mùa gió chướng
trầm kha thêm cơn cảm mạo nhớ thương…
kỷ niệm mười-tám-năm xa quê
(06/07/1994 – 06/07/2012)
tháng 7 04, 2012
MỪNG NGÀY LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ, NÓI CHUYỆN KẺ NHÀ QUÊ
ngày Độc Lập ngồi vui cùng các cháu
mấy đứa con đang náo nhiệt hiên sau
mùi thịt nướng khói bay lừng thơm râu
rót ly beer nhậu sương nương mùi khói
ngôi nhà cũ ngày mới qua quê mới
cũng tháng này đây nhưng quá hai ngày
hiên sau cũng như ngày nào vẫn vậy
hồi đó khói đâu bay giờ khói bay
mười-tám-năm rồi khói nhập vô mây
quyện đời bể dâu ngoái nhìn thảng thốt
ta dạo đó như trái me dốt dốt
nay trở chín muồi chín rệu chín khô
con cái giờ đã tách dòng sông nhỏ
ra tới biển khơi nhập sóng bạc đầu
ta vẫn ngồi đây hòa nhập bể dâu
lão ngoan đồng vui đùa cùng các cháu
tre trở già măng mọc có gì đâu
các cháu Ôn cười Ôn cười theo với
chờ các con Ôn bày bàn nóng hổi
Ôn ghé vui Ba răng cỏ lung lay !
chỉ ghé thơm thôi bụng dạ cũng đầy
đâu phải miếng ăn miếng đời phỉ dạ
các con của Ba bây giờ lớn cả
không như ngày nào ngơ ngáo qua đây
ngày Độc Lập các con giờ độc lập
từ ngả ba sông hòa nhập Biển Đời
ta một thời dọc ngang giờ hết nổi
ngồi bên hiên nhìn nắng rực ngoài hiên
với chi tới thôi chỉ ngồi chưng diện
một mái nhà cần có một tâm hồn
khi thể xác lần hồi rồi hư đốn
ta nay còn ngồi nhá miếng hamburger
vẫn còn ngồi cười như thuở trẻ thơ
chợt ngoái lại mới giựt mình già chát
trái qua mùa đã hương phai vị nhạt
cười góp thôi vui góp vậy thôi mà
nói thì nói miếng cơm trời quê lạ
vẫn không quên ngày mới tới nơi này
hiên nhà sau lâu lắm rồi cứ vậy
cứ ngọt bùi cay đắng níu đời nhau….
ngày Lễ Độc Lập
kỷ niệm 18 năm, hiên sau nhà…
tháng 7 03, 2012
CAY ĐẮNG NGỌT BÙI, DƯNG NHỚ !
ta giờ trải bao mùa quê mới
rạ khô đã bợt mùi quê xưa
ruộng đồng bén hơi người kẻ chợ
chua phèn xin gởi lại nắng mưa
soi gương ngó lại mình hơi lạ
thay hình đổi dạng thiệt không ngờ
ngày xưa cơm áo đời tơi tả
xanh mồng-tơi nhăn nhúm cá khô
và miếng cơm suông cho đỡ đói
có miếng chi thêm để cắn nhay
hàng ngày cứ gặp bà-cả-đọi
chào nhau không nhấc nổi cánh tay
hết cơm rồi cháo cho qua bữa
thèm ơi thèm đủ thứ trên đời
cũng dáng chiều khói nhen bếp lửa
khói bay lên mất hút trên trời
vợ ngó chồng con ngồi hửi khói
bếp ngó nồi sôi ngụm cháo trơn
qua bữa qua ngày cho đở đói
lòng em chắc thắt quặn từng cơn
vậy đó, tháng ngày mình khát đói
ngó nhau xanh bợt ngó thương hoài
ta cay mắt đỏ chiều um khói
em nghẹn lòng cơm độn sắn khoai
từ dắt nhau qua vùng quê mới
cháo cơm bỏ lại chiều phương xa
bếp chiều không thấy rưng lòng khói
đời cũng bâng khuâng nỗi quê nhà
nơi này cơm áo lòng chẳng bận
riêng lòng ta vẫn bận chiều quê
khói bếp bay thương chiều lảng đãng
cơm cháo hồi xưa lạc lối về
ta viết bài Thơ chiều tháng Bảy
buồn ơi chút đủ để lòng đau
tưởng đã lâu rồi tìm không thấy
vậy mà, đâu phải, vẫn nương nhau….
03/07/2012
tháng này,rời xa quê hương
tháng 7 02, 2012
BÁT MÌ CỦA LÒNG TỰ TRỌNG
Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.
Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.
Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng./.
(Bài viết quá cảm động.
Lượm trên Net nhưng rất tiếc không thấy tên tác giả )
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)