tháng 9 30, 2009
TÌNH BẠN
Y' ĐẠO, Buônmathuột 02/08/2008
chú Y' Đạo chuyển cho Phố và Tôm
Cả ngày cứ hụt hẫng chơi vơi.
Bởi sáng nay gần giờ đi làm, sốt ruột, nên lén mở hé cửa dòm chừng vô phòng thằng con trai. Thấy nó với hai thằng bạn thân tình, đang thiệt tình, nằm say ngủ. Tự nhiên thấy vui và xúc động với hình ảnh đó. Ra nói với bà xã : “ Ba đứa hắn hẹn gặp nhau, đang ngủ ngáy trong phòng. Tình cảm thiệt!”.
Và thầm nói riêng với mình: “ Thiệt đúng là tình bạn. Sao mà giống mình hồi đó...”
Hồi đó là hồi còn trung học, tự nhiên một trong hai thằng bạn thân nhất, bỏ ngang xương thời hoa mộng học trò để quyết định vào đời. Hắn vốn mê kiếp sống hải hồ nên đăng xin ( không phải dancing) vào binh chủng Hải quân khi đang còn dang dở tháng ngày đèn sách thi đua giành làm cậu Tú.
Chưa biết lý do vì sao và vì đâu.
Chỉ biết hắn đày đọa tôi phải tìm gặp và giàn xếp, bất cứ giá nào, cho được người hắn đang yêu (!), gặp hắn, trước khi khăn gói quả mướp lên đường bỏ lại thị trấn buồn hiu với hai thằng bạn khố rách áo ôm ( điếu thuốc Ruby Queen ba thằng giành nhau nhả khói, ly cà phê đen ba thằng giựt nhau nhấp-miếng-phong-trần, ổ bánh mì xa xíu ( công nhận có bề dài nhưng bề ngang thì nhỏ xíu) chia nhau mà cấu giựt nhau phần dài phần ngắn).
Nói chung, có giành giựt, có cắn xé, có ganh tị, có đôi co mà sao gắn bó tình bạn không rứt rời nhau được.
Đi đâu cũng có nhau tới nỗi cả gia đình ba đứa đều coi nhau như họ hàng thân thiết.
Bữa đó, người hắn yêu ( phải không, yêu chi mà yêu-sớm vậy) nhất định không, không thèm tới vì đâu thể tin là ngu gì mà hắn bỏ ngang thời gian đang hì hục tranh đua gắng sức tìm vốn liếng để vào đời. Chỉ là giàn cảnh .
Còn trách tôi sao để hắn gạt gẫm rồi ...ngu theo.Tôi bất bình muốn sửng cồ thì cô ấy cười dấu dịu ( mà không có lời xin lỗi, bây giờ tình cờ đọc bài này thì có lời xin lỗi không !) nhờ ngược lại là sao tôi không nói với anh đó ( lúc đó nói trổng không, không nhắc tên mà âm điệu cũng không hề dịu dàng) đến gặp, nơi mà hai người thường gặp nhau. Rồi đi vô. Cửa đóng then gài. Tôi trở về đường đêm hiu quạnh.
Khi hắn nghe tôi thuật lại ngọn ngành câu chuyện gặp gở tay đôi ở nơi mà hai người thường gặp nhau thì tự nhiên, cũng tự nhiên như khi có ý muốn vào đời, hắn cười ( đúng là cười ) như điên như dại.
Tiếng cười này, tôi nghe ra, đâu có phải là như điên.
Cũng không hẳn như dại.
Là tiếng cười đau !
Sau này, trường trải cuộc đời tôi thấy tôi thiệt quá ngây thơ khi không hốt nhận được tiếng cười của lúc giận-tình.
Đúng là tiếng cười-đau đó !
Và sau này nữa, ráng nghe thêm cuộc đời dạy dỗ dại khôn tôi mới nghĩ là có những lúc khổ đau mà người vẫn cười.
Trong tình cảnh này, tiếng cười chỉ là tiếng khóc khô không lệ.
Đêm đó, hắn cho bằng được, bắt thằng bạn thân của tôi(cũng là của hắn) ra quán ông Tàu bán hủ tiếu ( trước khi đóng cửa, bán thả giàn món xíu-quách ) ở ngả tư đường mua cấp kỳ một “xị” rượu thuốc và một thau (một thau lớn )xíu quách để ăn uống chia tay.
Lần đầu tiên hai đứa mới từng uống rượu .Nhăn mặt nhíu mày nóng xát từng khúc ruột. Khó nuốt mà phải nuốt cầm chừng cho vầy buổi tiệc chia tay.
Còn hắn thì cười và rót cho đầy ly tràn lấp quan san !
Hay cho đầy ly tràn lấp cuộc-tình-đau !
Hồi đó, thơ ngây và lý tưởng cuộc đời, hai tôi đâu có thấy cái đau của tình đời (và cả nghỉa tình yêu ) khi còn đang là những tháng năm hoa mộng học trò !
Hắn có lý để chia . Đau-tình
Còn hai thằng bạn thân của hắn thì có lý để chia. Đau-bạn.
Hai nỗi đau giữ lại một đêm ba đứa nằm bên nhau ngủ, ngáy, choài đạp, kéo mền hung bạo...Một đêm còn ở bên nhau để rồi mai chia xa...
Chuyện riêng tư xưa rồi hóa là đồ cổ, viết lại làm gì cho thêm nặng nhẹ bùi ngùi.
Chỉ nhắc thoáng qua thôi để thấy tình bạn là một món quà trân quí đáng nên gìn giữ. Mất đi rồi có tìm lại được đâu.
Một đêm tình bạn trải dài từ hơn bốn-mươi-năm. Hai thằng bạn thân nay đã không còn nữa...
Chỉ còn có mình tôi cô đơn thương níu tình bạn, một thời.
Sáng nay nhìn thấy tình bạn nằm ngủ ngáy choài đạp, kéo mền hung bạo sao lòng bỗng thấy bùi ngùi thương nhớ...
Chắc là ba chú em thức ăn uống chuyện trò chia tay gần hết đêm !
Quen nhau từ hồi còn Trung học. Thời gian tới nay cũng đã khá lâu dài cho những kỷ niệm gắn bó nay bỗng nhiên một chú tuyên bố đi. Dứt khoát đi không thể trì kéo thêm thời gian.
Lý do là phải về ở với cha mẹ anh chị em và học tiếp.
Tôi nghe cái lý do đó mà ưng thầm trong bụng dẫu biết cái thằng bạn ra đi là bỏ buồn cho hai thằng bạn ở lại. Bao nhiêu năm qua, thấy ba đứa quấn quít không rời, nghĩ cũng xót xa cho lần nói tới chuyện chia tay. Tình bạn, nhất là bạn thân tình, khó lòng không ray rứt, bùi ngùi.
Nhưng lý do để chia tay đầy sức thuyết phục cho nỗi buồn bằng hữu lắng xuống.
Chiều hôm qua, đại gia đình có món mì Quảng và cuốn chả nem để vui,chớ không buồn, đãi chú bạn nhỏ ăn thả giàn thêm sức mà lái xe một mình xuyên bang hơn hai-mươi-tiếng-đồng-hồ về với gia đình.
Cứ đi đi, chú bạn nhỏ của tôi.
Đi về xum họp buồn vui ngày tháng với gia đình. Đi mà học tiếp để tìm thấy tương lai.
Nghĩ người ta mà nực gà, nhà !
Ngày xưa thằng bạn đang xum họp gia đình, đang trên đường tìm tới tương lai lại bỏ ngang xương.
Cái lý do của hắn khi hiểu ra, nói thiệt, không phải nực gà mà nực đà điểu luôn !!!
Chỉ nghĩ thương tình bạn, thương người bạn thân tình, nên cứ nhớ hoài cái thau lớn xíu quách với xị rượu thuốc đêm chia tay dưới bầu trời đen quặn dáng mây ở thị trấn vốn đã buồn lại càng buồn hiu buồn hắt khi nhớ ngày mai tình bạn phải chia xa...
Bây giờ thì tìm đâu ra nữa!
Tình bạn trong đời ! Nay thời gian đã phủ phàng vùi lấp hết rồi ...
Hiên Trúc Cúc Sứ Quỳnh rau Lang Tía Tô lá Lốt.
28/09/2009
tháng 9 25, 2009
MIẾNG CƠM KHÔ BẰNG HỮU
gởi Nghiêm Đức
bạn ghé thăm đang giờ công việc
dăm ba câu chưa đã sự đời
thời buổi khó nồi cơm chín tới
cứ sa đà mất việc như chơi
mười sáu năm lưu lạc xứ người
ta bỏ sức trâu cày giả bữa
sáng lên xe chiều ran bếp lửa
vợ con ngồi chia sẻ đoàn viên
vẫn đang còn dựa sức trâu điên
dẫu đôi lúc thấy mình hết nổi
nồi-cơm-đời đang chưa chín tới
cơm vừa sôi lửa lại yếu xìu
như đời ta cay mặn muối tiêu
mặn thì ít cay thì không ngạ
xưa bạt núi lừng mây chưa thỏa
nay vết nhăn chặn nghẹn phong trần
gặp lại nhau buồn nhớ bâng khuâng
chưa nói hết chuyện đời đã nhả
miếng cơm vay bên trời đất lạ
đã vô tình cách núi ngăn sông
thời buổi khó lòng thêm vọng động
gặp lại nhau chưa nói gì nhau
bạn về thăm ngắn vội đôi câu
cái bắt tay bỏ sầu ở lại
cám ơn bạn níu tình xa ngái
bỏ gần ta nỗi nhớ bạn hiền
bạn đi rồi lòng nghe đau nghiến
miếng cơm đời chen lấn tình nhau!....
San Diego, chiều 20/09/2009
VẠN DẶM CÒN NHỚ DAI
Blowing Summer - Trưa Hè Gió Lộng - Tranh Vi Vi - Spring Valley 12-10-2007
ta về đây ngồi chới với một mình
gió se lạnh cũng nhức đầu xổ mũi
cơm cháo rau dưa qua cơn hồi tỉnh
em có thương tình ngồi ghé cho vui
đời ly xứ gì đâu mà dáng vội
đi mỏi chân cũng cuối đất cùng trời
ngồi mé xuống lạc tình chi mà sợ
chút rồi đi bỏ chạnh chỗ ta ngồi
có muốn nghe Thơ ta đọc cho nghe
nghe rồi bỏ chớ đừng thèm nhớ lại
ở nơi chốn đua chen đời nặng nhẹ
thơ chỉ dành cho những kẻ nhớ dai
ta lỡ một đời vụng dại với Thơ
qua tới đây thành người nhớ dai dễ sợ
bởi không thể quên bao điều đáng nhớ
chốn quê hương ta nằm vạ thuở giờ
có khói bếp xóm quê quyện dáng mây chiều
có tuổi thơ nối dài theo tuổi lớn
có suối Cam Ly mò cua cào hến
có rừng Ngo lượm nấm mối đỡ lòng
buổi ra đi ta giữ làm kỷ niệm
qua đất người lần lựa nhớ dai chơi
chợt lúc nào em tình quê da diết
cứ tìm tới đây nghe ta đọc thơ
ai trong đời không có lúc hương quê
đừng bận tâm cứ ghé đây ngồi mé
ta kẻ nhớ dai giữa dòng dâu bể
đọc mấy câu thơ cho em thấy lối về
những tay làm thơ thường rất nhớ dai
những người yêu thơ càng nhớ dai tới cỡ
ta nào biết giữa đời trắng đen phải trái
chỉ biết ta làm thơ và em yêu thơ...
9/2009
tháng 9 23, 2009
DÒNG SÔNG CÓ NHÁNH RONG PHIÊU
gởi tamvole
Nhớ rồi ! Bài “ Nhánh Rong Phiêu”….
Nhớ buổi chiều qua nhà, khi em còn ở Escondido…
Cánh cổng sắt cao dài phải chờ có em ra mới rộng mở để xe vào và phải tìm đúng vị trí mới được phép đậu. Anh cằn nhằn với cháu Minh Trí : “Thiệt bực. Cái thằng tính tình nghệ sĩ phóng túng mà ở chi cái chỗ phép nước lệ làng, gò bó bất ưng. Bây chừ muốn xuống xe, còn phải chờ lệnh lạc chi nữa không ?”. Cháu Trí cười, nói : “ Ba thiệt!”. Rồi chỉ ra ngoài phía kính xe. Anh nhìn ra, thấy em gõ gõ vào cửa kính, miệng cười tươi. Rứa là được phép xuống xe, không còn luật lệ chi cản trở nữa !
Vậy mà còn ! Không phải bước xuống xe là vào nhà ngay mà phải đi vào lối hành lang mờ mờ tối, rẻ phải, đi một khoảng ngắn mới tới nơi mình muốn tới.
Hóa ra là mình tới trễ. Căn phòng ấm cúng đã tràn ngập tiếng nói, cười rộn rã. Thấy ông bạn Vi Vi Võ Hùng Kiệt đang loay hoay sau kệ sách. Thấy nhà thơ Nhất Trần Phong đang bận rộn với mấy món ăn phía quầy bên phải. Đó là hai người quen, còn vài người, chưa quen.
Cũng nhân dịp này anh được gặp giáo sư Trần Đại Sỹ vừa mới ở Pháp qua.
Được biết Bảo Bình và các tình nguyện viên của Thư Viện Toàn Cầu.
Và, điểm lý thú bất ngờ, nghe chính tác giả vừa đàn vừa hát bài “ Nhánh Rong Phiêu”.
Vẫn điệu Rumba.
Nhưng, hình như nhớ, là bài nhạc ngày đó không dài đoạn như bài nhạc bây giờ.
Bài hát đã làm anh rung động …tôi làm Thơ để tặng em để em đọc và, để em lặng sầu một bài chỉ có một câu một câu gạn lọc cho đau điếng lòng tựa như nước chảy xuôi dòng ai ngờ có một nhánh rong lạc loài cảm ơn em, cảm ơn đời để cho tôi có một lời-thơ-tôi….Đúng rồi !
Có một lời-thơ-tôi !
Một lời thơ đồng cảm giữa người làm thơ và người làm nhạc.
Lời Thơ vốn từ lâu thầm lặng trong tâm hồn đã bật lên âm thanh thê thiết. Dáng ngồi ôm cây đàn và dáng ngồi cúi mặt trầm tư đã đưa chiều xuống thấp đưa tình tự thấm sâu và đưa Thơ hòa nhập dòng đời.
Câu Thơ sẽ vượt thoát hơn sinh động hơn theo dòng nhạc và giọng diễn ngâm.. phố núi cao phố núi mù sương*…phố núi thấy cao hơn phố núi thấy mù sương hơn qua tiếng nhạc
…em về điểm phấn tô son lại, ngạo với dương gian một tiếng cười**…phấn son thấy tô-hồng-chuốc-lục hơn tiếng cười thấy ngạo thế hơn qua giọng diễn ngâm.
Nhánh rong phiêu cũng đã cảm nhận thân phận phiêu giạt hơn rong rêu hơn qua tiếng hát tiếng đàn chiều hôm đó !
Những buổi chiều từng đã đi qua đời phiêu giạt lạc tới chỗ cùng trời cuối đất hiếm có rớt đọng lại, như buổi chiều hôm đó, khi đến với nhau lắng nghe và chia sẻ rồi ngậm ngùi ngó nhau để thấy… núi cách sông ngăn dài biển rộng đời của hai ta là con sóng vỗ hoài vòng nhật nguyệt vần xoay đến nỗi chi mà lạc tới đây*** !
Lâu lắm rồi, nay đọc lại bài viết của em tự nhiên thấy cũng cần có chút gì để viết chuyện hồi xưa...
Hồi anh em mình còn cận kề bên nhau một khoảng đường không dài không ngắn chỉ gắng một chút thôi, là tới gặp nhau rồi.
Mấy món ăn mà cô Bảo Bình bỏ công đem từ Santa Ana xuống. Ly nước-mắt-quê-hương sương sương với ông bạn Vi Vi.. ..anh còn nhớ, tưởng chừng như mới hôm qua.
Viết hai chữ “ hôm qua” mới sực nhớ.
Là hôm qua, tình cờ, lướt sóng thấy trên web bạn có đăng lời ( chỉ là lời thôi, không có ca sĩ trình bày ) bài nhạc Bông Sứ của nhạc sĩ Trầm Nguyên.
Giựt mình, nhớ lại, rứa là em còn nợ anh.!
Bài thơ Bông Sứ là của anh mà cũng là của em.
Nói là của em để dễ lời đòi nợ vì em đã phổ nhạc bài Thơ này khi còn ở San Diego. Có gởi cho anh bản in bài nhạc. Có gởi cho anh CD nhưng chỉ nhạc thôi, không có lời.
Tháng 12/2002 khi anh ra mắt tập thơ “ Chỉ Còn Thơ Ở Lại” trong vòng thân hữu tại nhà riêng của anh chị Hà Mai Khuê (vùng Oceanside, San Diego). Em có đến và tình nguyện giúp vui phần văn nghệ bỏ túi với bài hát Bông Sứ. Anh nghe mà sướng mé-đìu-hiu !
Vậy mà, cuối cùng, khi anh nói xong lời cảm tạ bằng hữu để mở màn phần văn nghệ thì em đã …chuồn lẹ ngả sau, bỏ …bông Sứ rụng rơi, lượm hoài không kịp !
Em có nhắn lại cùng các cháu là vì có chuyện riêng đến bất ngờ cần giải quyết, phải đi ngay. Anh hụt hẫng, chơi vơi và tiếc ngẩn tiếc ngơ…
Tháng 12/2003 tình cờ bông Sứ lại tìm anh.
Và lần này thiệt là quá-xá-đã.
Đó là buổi họp mặt cuối năm của Hội Ái Hữu Trung Học Ban Mê Thuột ( vì anh đã có một thời gian trung học nơi đây) được tổ chức tại Santa Ana.
Chỗ thân tình anh có mời em, đại diện Thư Viện Toàn Cầu đến cùng họp mặt. Đến họp mặt với một món quà quá bất ngờ đối với anh. Là ca sĩ Yến Thanh sẽ giúp vui trong phần văn nghệ với bài Bông Sứ ! Được giới thiệu là bài nhạc được phổ thơ của một cựu học sinh Ban Mê Thuột . Khen em, đi đúng chủ đề và đi trúng mục tiêu.
Phái đoàn Thư Viện Toàn Cầu tới. Ghi danh là bốn người nhưng cuối cùng chỉ có ba. Em, nhà thơ Nhất Trần Phong, Hoài Điệp Hạ Phương. Riêng Bảo Bình, vì bận bất ngờ, không đến được.
Anh ngồi dưới bàn ly chén ngổn ngang mà lòng dạ cứ lang thang bấn loạn ! Chỉ có mấy nhà thơ thôi, còn ca sĩ Yến Thanh đâu để hát bài Bông Sứ như lời em nói. Cứ thấp thỏm chờ trong khi em cứ nhìn anh cười cười ngó…dễ ghét. Tính em vẫn ưa bông lơn giữa đùa giữa thật, anh quên.
Tới lúc em lên nói lời chia vui và giới thiệu ca sĩ Yến Thanh với bài Bông Sứ. Anh giật mình ngó quanh, tưởng cô ca sĩ sẽ từ hướng nào đó, đi lên sân khấu.
Nhưng không. Chỉ thấy nhà thơ Hoài Điệp Hạ Phương đứng lên e lệ, cúi đầu chào. Hóa ra khi cô cầm lấy micro từ tay em, cô là ca sĩ Yến Thanh ! Thiệt quá đỗi bất ngờ !
Em vẫn dáng ngồi ôm đàn rất là nghệ sĩ, mấy tay thon thả lướt nhẹ phiếm đàn. Tiếng hát Yến Thanh cất cao làn điệu dân ca Nam bộ qua bài Bông Sứ…
bông Sứ trắng lòng em cũng trắng
để tôi về xanh lá tương tư
trường lớp cũ chở lòng tôi nặng
em về đâu lồng lộng bốn phương !
người em gái một thời sách vở
giữ giùm tôi bông Sứ ngày xưa
trang lưu bút còn câu Thơ dạo đó
hay đã mờ theo nắng theo mưa !
và lòng em có còn giú lại
chút bâng khuâng đứng đợi nhau về
bông Sứ rụng mưa trời lất phất
mắt em buồn dưới nón nghiêng che !
sao lòng tôi cũng buồn rất nhẹ
mưa ngoài trời mưa lạnh đời nhau
giọt vắn dài giọt mưa đan chéo
giọt sầu tôi thầm lặng tình đầu !
rồi từ đó tình vào khuây lảng
giọt mưa ơi ! Bông Sứ trắng ngần ơi
phải hồi đó một lời dẫu ngắn
thì có đâu hai đứa lạc phương trời !
tôi gọi em và bông Sứ chiều mưa
những yêu dấu một thời dĩ vãng
dẫu năm, tháng mịt mờ chi nữa
vẫn nhớ hoài bông Sứ rụng đời nhau!....
vẫn nhớ hoài…nhớ hoài…bông Sứ rụng đời nhau…..
Tiếng hát ngân dài và lịm dứt….
Anh điếng hồn Thơ theo tiếng hát. Có thể nào ngờ bài thơ anh thường đọc, nay nghe qua tiếng hát lại lại da diết nhớ nhiều hơn thương nhiều hơn những tháng ngày hoa mộng đầu đời…
Mai Tiến Thành ngồi bên cạnh nắm bàn tay anh lắc mạnh : “ Rung động quá ! Ông làm bài thơ này cho tụi mình, không phải cho ông nghen”. Tuất Đen, ngồi bên trái, cầm chai beer :” Dzô đi Huy Sao ! Vẫn nhớ hoài bông Sứ rụng đời nhau…”. Và thở dài. Chắc là có tâm sự!.
Mai Tiến Thành là nhân vật Minh trong tập truyện Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng. Thời gian câu truyện được viết, Thành về Đàlạt và học trường Trung học Trần Hưng Đạo. Vừa bỏ bạn bè ra đi vĩnh viển vào ngày 09/10/2008.
Bông Sứ một thời rụng trên con đường dẫn về mái trường xưa, anh Thành có về lại quê chắc thế nào cũng tìm và ngó thấy….
Hoài Điệp Hạ Phương có dịp tình cờ đọc được bài viết này xin nhớ đừng quên là có hứa gởi CD do cháu hát cho chú giữ làm kỷ niệm. Lâu lắm rồi, không gặp. Lâu lắm rồi cứ chờ.
Mà cũng lâu lắm rồi, chuyện hồi xưa, có dịp mà nhớ lại.
Nhớ lại để mà nhớ cho chút rộn ràng đời vốn đa mang. Em đừng lo, bài viết cho vui tâm sự thôi, không nợ nần chi đâu mà phải trả.
Chỉ cứ nghĩ là nghĩ đến bài thơ Bông Sứ nổi trôi theo dòng nhạc Trầm Nguyên, ngừng đó và trôi đó… Biết tới bao giờ tác giả bài thơ có nghe lại được nhạc trong thơ… Bởi, nói thật lòng, bài nhạc làn điệu dân ca, man mác sầu cố xứ…
Thuở nhỏ đến giờ
anh đâu biết bông Bằng Lăng màu tím hay xanh
không rõ hoa Quỳnh giờ nào mới nở
Cũng chưa hiểu tình đầu thường hay đổ vỡ
Thuở nhỏ đến giờ
mỗi lần nghe tiếng ca dao
anh lại buồn buồn trong dạ
Nghe kể chuyện tình Mỵ Nương-Trương Chi
Tim luôn bừng lên mãnh liệt một tình si
Giờ anh đã hiểu
tại sao
mỗi lần nghe tiếng ca dao anh hay buồn buồn trong dạ
Đã hiểu rồi cay đắng của yêu đương
Cũng thấm thía ít nhiều thân phận chàng Trương
Chỉ chưa biết màu bông Bằng Lăng
Chưa rõ hoa Quỳnh giờ nào mới nở
Bao giờ
lòng yên
cho mình hết nợ ?
( bông Bằng Lăng và hoa Quỳnh, thơ Tâm Vô Lệ )
…em đừng biết bông Bằng Lăng màu gì cũng đừng rõ hoa Quỳnh giờ nào mới nở. Bởi khi biết rồi, em sẽ khổ cho coi !!!!
San Dieo, chớm Xuân 2009
TRẦN HUY SAO
* thơ Vũ Hữu Định
** thơ Thái Can
***thơ Trần Huy Sao
nguồn : tvvn.org
vietbao.com
tinvietonline.com
tháng 9 18, 2009
CƠM CHIỀU ĐẠM BẠC
...rau dưa qua bữa nhớ qua ngày
đến nỗi chi mà lạc tới đây...
Buổi chiều. Cả nhà ngồi quây quần xum họp.
Nói là cả-nhà e ra là nói quá. Đúng ra, là chỉ một phần, của cả-nhà thôi!
Nhà có bốn người con từ buổi đầu dắt díu nhau qua vùng quê mới. Trải mưa dầm nắng dọi đã có nhiều đổi thay...
Anh Hai đã có gia đình riêng.
Chị Ba đã có gia đình riêng.
Cả hai gia đình anh Hai chị Ba đã có cơ ngơi vững vàng riêng lẻ. Có những buổi chiều quây quần xum họp riêng tư.
Chỉ còn lại Tư Đào và Út Linh đang còn ở với Ba Mẹ.
Nói cả-nhà là ý nói ôm đồm cho thêm ấm cúng. Mai mốt chú Tư Đào cô Út Linh rồi lại ra riêng, chắc chắn là phải ra riêng. Không biết ngày lành tháng tốt nào cô chú quyết định ra riêng để hai ông bà (già) như hai con khỉ (già) trong sở thú. Bắt chí cho nhau và làm trò...khỉ cho nhau coi đỡ, bớt, thấy buồn.
Ngày ra riêng cô chú, nào đây, thôi thì cứ hẳn tính sau.
Bây giờ cả nhà ta đang (được) quây quần bên buổi cơm chiều.
Buổi chiều mà được quây quần xum họp là một buổi chiều hiếm hoi khó tìm trên vùng đất lạ xa quê. Cũng may là công việc làm của mọi người cùng chung giờ. Sáng còn chào nhau khi lên xe rồ máy . Chiều còn quây quần xum họp... rau dưa qua bữa nhớ qua ngày...đến nỗi chi mà lạc tới đây....
Buổi cơm chiều nay đang dòn dã nhắc nhớ tới những buổi cơm chiều quê xưa với nhiều món ăn đâu thua nhà hàng :
- Mắm quẹt kho tiêu ( quẹt một đũa thôi là đủ nuốt trôi chén cơm độn khoai lang lát)
- Đậu phụng kho queo ( đậu phụng ít nước mắm nhiều thêm chút đường, chút dầu tiêu chuẩn của cô giáo “lưu dung” đang đi về phía mấy thầy-giáo-tháo-giày !).
- Tô canh rau cải tự cung tự cầu của anh chàng cải tạo mới về tăng gia sản xuất ( không hề, và chưa hề dám thấy, có chút thịt hay, cao cấp hơn, là tôm(dù là tôm khô!). Chỉ dám mượn nhờ ngọt nước, để nuốt trôi cơm, từ “ tiêu chuẩn” mì chính của cô giáo “lưu dung”).
- Ớt ( dằm nước mắm “tiêu chuẩn công nhân viên”. ). Gọi là đưa cay, hay, đưa cơm ! Ớt tự cung tự cầu không được có trong “tiêu chuẩn”. Do bởi, vì, được phóng khoáng tự do nên vườn ớt nhà đã một thời sai trái đỏ xanh. Nhưng có một điều là ớt không nuôi được con người. Ớt chỉ làm thêm cay cuộc sống để vượt lên chất đắng một thời cưu mang.
( Không như ngày xưa ăn ớt như nhồng, nay tôi thành thật rất buồn vì không còn có khả năng ăn ớt nữa dù vẫn cứ tự trào mình là người-việt-gốc-ớt.)
Chẳng hiểu vì sao!
Hay có thể ở nơi tôi đang ở, đời đã không còn đắng nữa nên chẳng cầu vị cay để hòa giải đắng cay !
Hay là vì hương vị ớt quê người không hấp lực như vị ớt quê hương .
Hay, chính tôi, đã không còn là người quê cũ !
Đã tha hương ! Đã mất dấu đoạn trường.
Ngày đó, do vì thực đơn đời sống nguy cơ thiếu dinh dưỡng quá nên phải “cải thiện” đời
Đi câu cá lòng-tong ở đập Đa Thiện.
Đi câu tôm ở hồ Xuân Hương.
Đi xúc hến, mò cua ở suối Cam Ly Hạ
Đi hái nấm mối ở đồi Trọc
Ngày xưa là vì nhu cầu bức thiết từ cuộc sống còn.
Bây giờ thì nhắc lại để cảm nhận là mình còn sống.
Còn sống để nhớ mãi, nhớ hoài, nhớ thâm căn cố đế lon ”gô” cá lòng tong ở hồ Đa Thiện đem về một nửa kho rim để bới ăn đi làm một nửa chiên bột để “cải thiện tại chỗ” cho cả nhà có chất tươi xanh. Cá lòng tong có một chút mà... lăn chiên... cục bột to đùng để cứu đói. Những con tôm hiếm hoi ít ỏi ở hồ Xuân Hương thì cục bột...lăn chiên...to hơn chút để có phần bột chiên chia đều mà ghém rau cho vừa một...ghém miệng. Con hến, con cua ở suối Cam Ly Hạ thì thi thoảng. Nấm mối ở đồi Trọc thì dành thay thịt để đổ bánh xèo thi vị những ngày mưa da diếc buồn đàlạt....
Cơm chiều đạm bạc của những ngày xưa....
Hôm nay, cũng cơm chiều, cả nhà quây quần nhắc nhớ chuyện ngày xưa.
Bữa cơm chiều nay không đạm bạc rau dưa.
nhưng tấm lòng thì đạm bạc khi chú Tư Đào và cô Út Linh còn biết nhớ ( dù rất mường tượng) và thương những tháng ngày đói cơm lạt mắm ngày xưa....
Cô chú khi qua vùng đất mới còn nhỏ tí, mà nay...
chiều 15/09/2009
tháng 9 17, 2009
tháng 9 13, 2009
BUỔI CHIỀU THƠ VÔ NGÔN
vẫy tay chào những ngày nắng ấm
mặc thêm lớp áo đón mùa Thu
ta làm thơ nên chi nhạy cảm
lạnh gió heo may cũng sật sừ
em thấy ta mặt mũi nặng nề
chớ vội tin là người khó tính
ta yêu đời từ thời mới đẻ
đời không yêu ta vẫn làm thinh
bởi gió chớm thu về qua ngõ
đuổi nắng hè ra phố lang thang
nóng lạnh bất chừng se nỗi nhớ
nên chi buồn rớt chút bâng khuâng
mấy tay làm thơ thường bất chợt
buồn vui như nắng sớm mưa chiều
hơi đâu em để lòng thương với
cứ mặc tình cho hắn buồn vui
lát nữa mây bay về cuối nẻo
nắng chiều rớt lạnh chỗ đang ngồi
e không nổi chịu đời đang réo
lò dò tìm tới chỗ em thôi!
chỗ em có nồi cơm chín tới
có hương thơm ngát cá kho rim
có bát canh hương đồng gió nội
có chỗ dành riêng níu gọi tình
thơ lạc đâu rồi không biết nữa
hạ vừa đi nắng nhạt màu mây
thu mới tới sao chưa hằn dấu
chỉ thấy em đơm bát cơm đầy
hóa ra ta vẫn chưa là thật
chỉ là thơ thẩn đâu bằng em
giữa áo cơm đời thơ chất ngất
em bới thơ đầy bữa cơm chiều...
chiều chớm thu 12/09/2009
tháng 9 10, 2009
YÊU
thương nhau lắm cắn nhau đau
không thương không ghét cắn nhau làm gì
đường ai đi cứ đường đi
nhìn qua liếc lại làm gì khổ nhau
khi xót dạ khi ấm đầu
khi ngầy ngật nhớ khi bần thần đau
trái tim có tội gì đâu
để cho tình ái lụy cầu hàm răng
ghét nhau cắn xé cũng đành
thương nhau lại cắn đau thành thương đau !
một mai móm mém răng sầu
rớt nơi miếng cắn lại cầu có nhau….
có nhau để cắn nhau đau
ước trăm năm vẫn có nhau cắn hoài !!!
09/09
tháng 9 09, 2009
BUỔI CƠM CHIỀU MỘT MÌNH
ngày 09/09/09
một ngày rất đặc biệt
một ngày để mỗi người có điều ước mơ
và chắc chắn ước mơ sẽ thành hiện thực riêng với ngày đặc biệt này.
Tôi có ước mơ mật ngọt về tình yêu, không chỉ riêng mình,
mà cho cả mọi người đang yêu nhau.
" Yêu nhau đằm thắm ngọt ngào cho trọn kiếp này
Bởi cuộc sống lo toan bộn bề khó có thời gian dành tặng để yêu thương nhau"
hôm qua trời nắng hôm nay lạnh
em se mình bỏ mứa phần anh
ngồi ngó mâm cơm buồn hết nỗi
thèm ghê một khoảng ấm để dành
miếng cá nhường nhau chia xương nạc
miếng rau nhớ miết buổi cơ hàn
em chia hết cả đời cay đắng
để anh có được ngày hôm nay
buổi anh tưởng lót đường giun dế
vòng vo chuyển Trại lạc lối về
em vẫn níu tình anh, níu riết
dẫu anh đày ải nẻo sơn khê
đi hết đường xa về cuối nẻo
có em hôm sớm gởi tình theo
ngày xưa cơm độn ngô khoai sắn
nay đã rời xa cảnh đói nghèo
vẫn có nhau cùng trời cuối đất
là giữ nhau đừng để mất nhau
miếng ngon cắn ngập xin nhường lại
thơm thảo tình yêu buổi đói rau
em ơi đã một đời dâu bể
mình đến nơi xa lạc lối về
có một thời chia thương chia khó
buồn vui cứ mãi dáng chân quê
đói no hôm sớm cùng nhau với
hồi xưa khoai sắn độn cơm rời
anh buổi cơm chiều ngồi lặng lẽ
một mình thấm thía nỗi đơn côi
khoai sắn chiều nay buồn ủ rũ
anh cũng lòng se buồn chớm Thu
cơm canh cũng ế tình nguội lạnh
không em ngồi với có gì vui!!!
Chiều 09/09/09
tháng 9 02, 2009
THẦM LẶNG MỘT CẢNH ĐỜI
tháng này, ở quê nhà, có mùa Vu Lan...
Từ xa, tôi đã thấy dáng Dì ngồi ở góc ngã ba dưới trụ điện đường. Chỗ ngồi đó không bao giờ xê dịch cho dù trời nắng hay mưa. Có hôm trời nổi gió, lạnh se da, chỗ ngồi đó vẫn cứ không hề thay đổi. Vẫn chiếc đòn gánh để ngang sau lưng. Chiếc ghế đẩu Dì ngồi. Hai chiếc thúng phủ giấy dầu xanh và cái trẹt nhỏ trước mặt bày những trái ổi chờ bán cho khách qua đường. Dì ngồi yên lặng trầm ngâm, không thấy bao giờ Dì mời mọc chào đón khách. Cả những khi người đến mua đông, Dì vẫn cứ chậm rải, từ tốn. Khách hàng quen thuộc của Dì là đám học trò của Trường Tiểu học Xuân An nằm mé bên kia đường. Giờ ra chơi hoặc lúc tan học Dì bận bịu với đám học trò không hề rảnh tay. Cả đám bu lại lau nhau cãi vả, lựa trái này bỏ trái kia, giành qua giựt lại ồn ào.
Khi cả đám học trò kéo nhau đi gánh ổi của Dì trở nên bừa bộn. Dì nhẫn nại sắp xếp lại từng trái vào cái trẹt nhỏ, quơ lượm từng trái ổi vung vãi xuống hè đường. Gọn gàng đâu đó rồi, Dì thong thả lấy cái khăn từ trong thúng cẩn thận lau từng trái. Dì biết chắc là số ổi vừa bán đi, trong đó, có một số thất thoát từ những bàn tay không lương thiện. Vậy mà tôi chưa nghe Dì phàn nàn về chuyện này. Có lần tôi nói với Dì :
- Hồi nãy con thấy có mấy đứa lựa ổi rồi bỏ đi không trả tiền cho Dì
Dì cười, hàm răng đen láng đều đặn :
- Làm răng mà tránh khỏi, con.
Rồi Dì vuốt đầu tôi, dịu dàng :
- Con đừng bao giờ làm chuyện nớ. Xấu lắm
Dì kéo tôi vô lòng, vỗ vỗ trên lưng tôi, nói nhỏ : “Tội nghiệp. Tội nghiệp cho con quá !”. Nước mắt Dì rớt xuống cái đầu trọc của tôi nóng ấm. Những lúc đó, có khi tôi khóc theo Dì. Có khi tôi quàng tay ôm lấy Dì rồi dụi đầu vô ngực Dì nũng nịu. Tôi nghe rõ tiếng đập của trái tim và hơi ấm lan tỏa trên từng vùng da mặt. Một cảm giác êm ái bình yên tràn ngập trong lòng tôi. Hai Dì cháu cứ ngồi yên như vậy và Dì thường kể chuyện về Mẹ tôi. Người Mẹ mà tôi chưa hề biết mặt, chỉ nhìn qua tấm ảnh thờ.
Tôi không còn Mẹ khi tôi vừa mới sinh ra vỏn vẹn chỉ có ba ngày. Sau này, nghe mọi người nói lại, Mẹ tôi mất vì sót nhau. Tôi không biết rõ về điều đó. Duy có một điều tôi biết chắc là tôi đã là một trẻ mồ côi Mẹ.
Năm, tháng tuổi thơ tôi sống nhờ vào tình thương yêu của những người Mẹ cùng xóm. Những người Mẹ đang thời kỳ cho con bú. Tôi biết ơn những người Mẹ đầy lòng nhân từ đó. Các Mẹ đã chia sớt cho tôi những dòng sữa ngọt, đã nuôi tôi vượt qua một chặng tháng, năm dài khát sữa.
Khi tôi bắt đầu biết ăn thì Chị tôi, rồi đến Anh tôi, thay nhau chăm sóc đút mớm hàng ngày.
Tôi lớn lên, mập mạnh đỏ hồng. Tròn trịa như hột mít. Đôi má phính, hồng hào. Ai gặp tôi cũng thích bẹo má. Sau đó, nhìn tôi một hồi lâu, rồi khóc. Mọi người đều nói tôi con của Trời nuôi. Họ thương cảm hoàn cảnh mồ côi của tôi. Một đưá trẻ mồ côi Mẹ khi chỉ mới ba ngày thì quả là một điều quá thương tâm. Nhất là Dì, Dì là người đã dành nước mắt cho tôi nhiều nhất. Hầu như lúc nào gặp tôi, Dì cũng khóc.
Có khi Dì khóc không cần che dấu.
Có khi Dì âm thầm lặng lẽ lau những dòng nước mắt. Tôi thì ít quan tâm đến điều đó, chỉ nghĩ đến mấy trái ổi của Dì thôi ! Bởi vì, khi nào ghé thăm, Dì cũng dành cho tôi những trái ổi no tròn, ngon nhất mà chính tay Dì chọn. Tôi thì thèm đủ thứ.
Bụng lúc nào cũng cảm thấy lưng lửng, chưa no. Tôi có thể ăn bất cứ lúc nào và ăn món gì cũng được, không hề kén chọn. Sau này, khi lớn lên, thói quen đó vẫn còn giữ. Mọi người cho là tôi thuộc loại người dễ ăn (hay ăn dễ !). Khôi hài chút, thì gọi là dễ nuôi !
Dì đi vào đời tôi lúc nào, tôi cũng không nhớ chính xác khoảng thời gian. Tôi chỉ nhớ có một lần, in như là vào dịp Tết Nguyên Đán, Cha tôi dẫn tôi đến thăm gia đình Dì. Nhà Dì ở giữa con dốc xóm Xuân An. Vừa gặp, chưa kịp chào hỏi, Dì đã ôm chầm lấy tôi. Dượng Tạo, chồng của Dì, đứng bên cạnh vội vàng nhắc nhở :
- Nì, mình đừng quên bữa ni là Tết đó nghe. Nín khóc. Nín khóc.
Dì không nói gì, ôm siết lấy tôi. Tôi nghe tiếng khóc cố đè nén của Dì thành những tiếng nấc nghẹn ngào từng nhịp một. Dì vuốt mãi cái đầu trọc tếu rồi bẹo hai má phính của tôi đến độ đỏ rần. Miệng Dì luôn xuýt xoa :” Tội nghiệp quá !Tội nghiệp quá !”.Bữa đó, Dì cho tôi ăn đủ thứ. Nhưng món mà tôi nhớ nhất là món hồng sấy khô do Dì tự tay làm lấy. Khi ngâm vào nước âm ấm, trái hồng nở ra đều đặn, no tròn. Ăn có vị béo lại vừa dai vừa ngọt. Tôi cứ ăn hoài không biết chán. Hương vị đó tôi còn giữ mãi cho đến bây giờ.
Kể từ sau lần đó, tôi thường qua thăm Dì. Hai Dì cháu ngồi bên nhau ở ngã ba đầu con dốc, cạnh gánh ổi. Dì kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về Mẹ tôi. Nhờ Dì, tôi biết nhiều về Mẹ, nhất là quãng đời khi Mẹ tôi đang thời con gái.
Thật ra, Dì không có liên hệ bà con gì với Mẹ tôi cả. Chỉ là bạn gái với nhau, ở cùng chung một Thôn. Thôn Vỹ Dạ. Sau khi lập gia đình, mỗi người lưu lạc mỗi nơi. Cha tôi, trong một dịp tình cờ, đã tìm được Dì và lần đến thăm Dì trong dịp Tết là lần đầu tiên.
Dì cứ tiếc mãi là không gặp được Mẹ tôi sớm hơn trong lúc hai chị em cùng ở chung một thành phố. Niềm tiếc nuối ân hận đó Dì cứ nhắc mãi mỗi khi kể chuyện về Mẹ tôi.
Theo lời Dì, Mẹ tôi là một người con gái rất hiền dịu. Tôi yêu Mẹ tôi qua những câu chuyện của Dì. Với tôi, Mẹ là một bà Tiên.
Cứ mỗi lần kể chuyện xong, Dì thường khóc, rồi ôm tôi vào lòng. Tôi có một cảm giác thật bình yên và cứ tưởng tượng như là Mẹ đang ôm tôi. Đang ru tôi ngủ từ những câu chuyện kể về chốn quê xưa, về một thời con gái của Mẹ với nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi quên đi cảnh sống đời thường đầy dẫy những trống vắng cô đơn. Chỉ khi tiếng trống của ngôi trường bên kia đường từng tiếng dội báo giờ ra chơi, tôi mới giật mình ngơ ngác. Dì cũng bắt đầu loay hoay chuẩn bị. Và đám học trò nhỏ bên kia đường ùa qua, vây quanh gánh ổi của Dì ồn ào, náo động.
Khi tôi trở về trên con đường vắng lặng, lòng tôi buồn man mát. Hơi ấm của vòng tay Dì tan loãng theo không khí lạnh trầm của đất trời Đàlạt.
Qua ngã ba Mả Thánh, bao giờ tôi cũng thường đứng lại, tần ngần nhìn lên khoảng lưng chừng ngọn đồi. Mẹ tôi nằm trên đó. Những ngôi mộ tròn vun san sát khuất lấp trong những bụi cỏ tranh và những lùm sim dại. Vẻ hoang lạnh thâm u của ngọn đồi in trên nền trời xanh và những cơn gió hiu thổi ngược về từ hướng suối Cam Ly. Tôi thầm nghĩ Mẹ giờ này chắc là lạnh lắm. Và tôi khóc. Cứ mỗi lần thăm Dì trở về qua ngang ngã ba Mả Thánh, tâm trạng của tôi vẫn cứ đều như vậy.
Khi tôi bước chân vào bậc Trung học, những lần qua thăm Dì trở về, tôi không còn khóc nữa. Không phải vì lòng tôi đã cứng rắn hơn đâu!. Chỉ vì tháng, năm dài đã cho tôi ý nghĩ yên phận của một đứa bé mồ côi. Tôi đã quen dần đi những thiếu vắng bất hạnh của người không được may mắn là còn có Mẹ.
Mỗi lần đến nhà các bạn học, tôi phải chứng kiến bao cảnh đầm ấm của gia đình bạn. Tôi biết rõ hơn, người Mẹ là chỗ dựa thân thương, là điểm tựa rất cần thiết trong tình cảm của những người bạn tôi. Nhìn những hình ảnh đó, tôi cũng thầm ao ước khát khao. Nhưng tôi nghĩ, mình làm sao có được. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi thường cố tình lãng tránh. Trong lòng tôi dậy lên một cảm giác, không hẳn là buồn. Có một chút gì đó, ganh tị. Một chút gì đó, ấm ức và tủi thân !
Tuổi thơ tôi trải qua những năm, tháng buồn thảm. Tôi phải tự lo lấy thân mình. Tôi cũng hiểu rằng, giá như tôi còn Mẹ, Mẹ tôi sẽ lo lắng hết cho tôi.
Nhưng tôi đâu còn có Mẹ nữa! Tôi phải tự lo lấy cho mình. Tôi không thể đòi hỏi ở anh chị tôi những điều gì hơn nữa. Bởi vì, xét cho cùng, anh chị tôi cũng như tôi, cũng là những trẻ mồ côi Mẹ.
Có nhiều lần, tôi và anh Hảo, người anh thứ hai của tôi, thường lên ngồi bên cạnh mộ Mẹ và khóc. Trong trí tưởng tượng thơ ngây của tôi, tôi nghĩ là Mẹ sẽ rất cảm động và sẽ hiện về ngồi bên cạnh chúng tôi, như là câu chuyện “Phạm Công Cúc Hoa” mà tôi đã được đọc. Theo như trong truyện, khi hai chị em Nghi Xuân Tấn Lực lên mộ Mẹ ngồi khóc ( cũng như hai anh em tôi đang ngồi khóc ) thì người mẹ là Cúc Hoa hiện về an ủi, vỗ về và hình như có bắt chí cho hai đứa con mình.
Nếu Mẹ tôi có hiện về, Mẹ khỏi phải bắt chí, vì đầu hai anh em tôi trọc lóc. Mẹ cứ hẳn dành thì giờ để nói chuyện. Tôi có nhiều chuyện, rất nhiều chuyện, để nói với Mẹ như tôi đã nói với Dì những lúc hai Dì cháu ngồi bên nhau.
Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra ! Mẹ tôi vẫn nằm im lìm. Chỉ có tiếng gió và tiếng lao xao của cỏ cây.
Hai anh em lủi thủi dắt nhau trở về. Tôi buồn và giận hờn Mẹ tôi lắm. Tôi nghĩ, Mẹ đã không còn thương tôi và chắc chắn là đã quên tôi rồi !
Sau những lần lên thăm Mẹ, tôi thường nói với Dì những ý nghĩ của mình và thắc mắc hỏi Dì tại sao Mẹ tôi lại không hiện về, dù chỉ là một chút, một chút thôi. Dì không trả lời những thắc mắc của tôi, chỉ ôm tôi vào lòng và khóc. Những lần như thế, số ổi dành cho tôi lại nhiều hơn. Sau này nghĩ lại, tôi thật thương hại cho tôi ngày ấy và thấy lòng thương cảm của Dì thật thâm trầm và đầy tâm lý. Ngày đó,thì tôi vui. Bây giờ, tôi cảm thấy bùi ngùi. Chả trách gì được, cái thời thơ dại, ham ăn...
Qua hai năm Trung học tôi lại phải chuyển trường lên sống với người anh cả. Anh tôi đi làm ăn xa và không thể để tôi côi cút một mình. Tôi còn nhớ, buổi trưa hôm ấy, anh tôi dắt tôi qua từ giã Dì. Chuyện quá đột ngột làm cho Dì tôi ngồi sững sờ một hồi lâu. Dì ôm tôi thật chặt như sợ rằng tôi sẽ vuột mất. Dì khóc lớn, không còn giữ gìn che dấu. Người qua đường nhìn ngó. Anh tôi bối rối, ngồi xuống bên cạnh Dì vỗ về an ủi.
Tôi thì không khóc. Lòng tôi đang nôn nao nghĩ đến chuyến đi ngày mai. Nghĩ đến những điều mới lạ đang chờ đón tôi. Ở thành phố này, cuộc sống trải dài theo từng tháng năm đơn điệu và buồn thảm quá. Tôi sợ những con đường tôi vẫn thường đi qua, thui thủi một mình. Sợ những khung cảnh quen thuộc cứ hoài nhắc nhớ những hình ảnh, những kỷ niệm không lấy gì làm vui.
Nói chung là tôi đang háo hức muốn được thay đổi một khung cảnh sống khác. Ở tuổi tôi lúc bấy giờ không rõ nét những ý niệm như thế. Chỉ đơn giản một điều là tôi không muốn, tôi sợ những năm tháng tôi phải cứ sống hoài với những buồn thảm. Tôi muốn được theo anh tôi vì tôi quá cô đơn. Ở một phương trời xa lạ nào đó, dầu sao cũng còn có anh tôi bên cạnh. Nếu tôi khóc vì buồn, vì giận hay vì điều gì đó thì vẫn còn có người dỗ dành an ủi...
Khi đứng lên để chuẩn bị theo anh tôi về, tôi nhìn thấy đôi mắt Dì đỏ hoe, những vết nhăn hằn dấu trên trán, trên má Dì. Tôi nhìn thấy những trái ổi nằm hỗn độn trong cái trẹt sứt vành, cái ghế đẩu bóng ngời nước gỗ. Tất cả, đã gợi lại rất nhanh trong tôi những ngày Dì, cháu còn bên nhau làm cho tôi xúc động, khóc ré lên. Anh tôi giật mình ôm lấy tôi nhưng tôi chòi tôi đạp tôi vùng vẫy và khóc to hơn nữa. Mấy trái ổi Dì nhét đầy trong hai túi quần tôi rớt ra vung vãi ngoài lề đường.
Tôi nhoài người tới và ôm lấy Dì tôi….
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)