tháng 5 15, 2009

NGÀY CỦA BA


photo by Trần Minh Trí

Mới vừa qua (xong) Mother’s Day.
Lại tới ngày của Ba.
Ngày này là ngày của Ba, hạn hẹp trong tình thân gia đình, hoàn toàn không chính thức là ngày Father’s Day. Chỉ là ngày riêng của Ba riêng, không là ngày chung của Ba chung.
Ngày chính thức, Father’s Day, là ngày Chủ Nhật 21/06/2009.
Ngày đó mới đích thực là ngày hỉ nộ ái ố ai lạc dục về hình ảnh người Cha. Bày tỏ kiểu nào cũng, cuối cùng, là màn ăn uống vui chơi để vượt thoát tạm quên những tù túng, bế tắc, nhàm chán, rập khuôn từ ngày này qua ngày khác. Một ngày hơn ngày thường.
Ở đất nước tôn trọng tự do cá nhân Cha Mẹ già nên và cần phải ra riêng . Ra riêng có nghĩa là ở riêng, ăn riêng, không còn chung sinh hoạt hàng ngày hàng tháng hàng quý hàng năm của con(cháu).
Sống trong tình cảnh hiu quạnh cảnh vợ chồng già chỉ hôm sớm có nhau !
Trường hợp vợ chồng lâm vào tình huống người đã đi trước, kẻ ( rồi sẽ) đi sau, thì thật là cô đơn.
Nếu như cả hai vợ chồng đều vào viện dưỡng lão thì cứ coi như đã chết rồi đó, mà chưa chôn !
Còn chút ân tình níu kéo một năm 365 ngày có hai ngày Father’day và Mother’day.
Với hai ngày này, Cha Mẹ đang thời tuổi trẻ thì cảm thấy vui mừng trọn vẹn. Cha Mẹ ở tuổi xế chiều thì cảm nhận nỗi vui buồn chen lấn. Hình như là, buồn lấn hơn vui !
Nay con(cháu) bỗng nhiên tìm tới, có hoa, có quà và có phút giây xum họp ngắn ngủi. Vui.
Chỉ nói là vui thôi không nói nỗi ngậm ngùi !
Con (cháu) vừa ra khỏi cửa đã thấy nỗi cô đơn tràn lấp lối vào nhà.
Cha Mẹ đang trong Viện dưỡng lão con (cháu) tới-thăm-không-tới-thăm cũng không là buồn cũng chẳng là vui. Vì, bệnh hoạn đã làm cho trí nhớ lẩn lộn chẳng nhận biết ai, chỉ mơ hồ nhận biết được mình. Bông hoa với giọng nói tiếng cười chỉ thêm (làm) mê sảng.
Đời luống tuổi thời gian con người lại luống tuổi đời. Nhìn quay thấy lại tuổi đời chen tuổi thời gian để cứ luống thương cứ thèm nhớ,cứ bâng khuâng …
Không phải nôn nóng chờ đợi tới ngày Father’day. Hãy cứ nhớ là trong 12 tháng của một năm, có một ngày nào đó và chỉ một ngày thôi không thể là hai, được ghi nhận ( trên giấy tờ ) là ngày sinh của Ba.
Vậy thì, ngày đó, là ngày của Ba.
Đông Tây khác biệt.
Ba Tây khác với Ba Ta.
Hai phương trời cách biệt !
Ngày sinh nhật hàng năm của Ba phương Tây thì ồn ào sôi động tiệc tùng náo loạn đông vui. Tưởng nhớ ngày mất thì coi như một-ngày-như-mọi-ngày có khác hơn là âm thầm thăm viếng với một bó hoa tưởng nhớ.
Ngày sinh hàng năm của Ba quê ta thì đúng là một-ngày-như-mọi-ngày, phớt tỉnh lạnh lùng. Tưởng nhớ ngày mất thì hương khói ngạt ngào, cỗ bàn linh đình bà con xum họp trước cúng sau cấp. Đông thì tất nhiên nên vui. Có chút cay cay có mồi thịnh soạn không chừng quên lửng mà tưởng đây là tiệc mừng chuyện gì chăng !
Cũng đã là khác biệt rồi !
Huống nữa cái bánh hamburger có thêm ketchup, Ba của trời Tây khoái khẩu.
Ba của quê ta thì á khẩu vì lòng chỉ thầm thương trộm nhớ chén (hay tô) cơm có nước mắm dầm ớt tươi. Nếu như không ăn ớt được hay (vì bệnh) không được ăn ớt thì xin chỉ nước mắm không ( hay còn gọi là nước mắm chay. Í, mà đã nói tới từ “chay” thì làm gì có nước mắm ! Chỉ có xì-dầu ( soy sauce), nhưng phải là xì-dầu chính hiệu lá bồ đề, loại xì dầu chay tịnh !).
Dẫu sao, nước mắm, cũng hơn. Có tình tự cố hương chan hòa trong đó!
Cái khác biệt Tây Ta có nhiều rắc rối, nói hoài viết hoài không hết.
Duy có một điều không khác biệt.
Dù cho cách núi ngăn sông chập chùng sóng biển dị biệt màu da tiếng nói phong tục tập quán thì hình tượng về Cha Mẹ vẫn mãi mãi là hình tượng được ghi nhớ theo cách riêng.

Không có nhận xét nào: