tháng 1 30, 2009
NGƯỜI CÙNG XÓM ÐÌNH
Viết lại những hình ảnh Xuân xưa nơi Xóm nhỏ mà không biết bây giờ những người xưa đã đi đâu, về đâu….Có lần nào rồi sẽ gặp lại nhau không, những người cùng chung Xóm Đình…
Chị Hẹ cầm tay tôi, nài nỉ :
- Em tới đó, gặp riêng anh Tấn...
Chị nhìn quanh quất rồi ghé sát tai tôi, nói nhỏ :
- ...nói với anh Tấn là ra chỗ cũ, chị muốn gặp.
Thấy tôi còn ngần ngừ chưa hiểu, chị dặn thêm :
- Thì cứ nói ra chỗ cũ là anh biết liền. Nói chừng nớ thôi nghe. Mà nhớ đừng có cho ai biết là chị nhắn.
Tôi nhìn chị, thắc mắc :
- Nhưng mà anh Tấn là ai, em có biết đâu !
Chị Hẹ ngẩn người một thoáng rồi nhìn tôi cười :
- Ừ hỉ? Chị quên. Là anh Bòi Anh đó. Em biết rõ quá mà !
Tôi không dấu nổi vẻ ngạc nhiên :
- Ủa, anh Bòi Anh là anh Tấn đó hả ? Tên chi mà lạ hoắc, ai biết.
- Thì tên trong giấy tờ khai sanh đó. Mai mốt anh “ ra ràng” rồi, bộ cứ gọi tên cũ hoài, dị chết. Như chị đây cũng rứa. Chị...mà thôi, em đi đi. Trăng lên cao rồi, sợ khuya. Nhớ là đừng nói với ai nghe, giú kín cho chị.
Rồi thấy tôi còn đứng tần ngần, chị hiểu ý, dỗ dành :
- Mai ra quán, chị để dành cho hai tán đường.
Tôi kèo nài :
- Bữa trước hai tán, bây chừ phải thêm một nữa là ba. Mà đường đen hay đường vàng đây chị ?
Chị Hẹ “xì” một tiếng nhẹ, đẩy vai tôi, hối thúc :
- Cái thằng ni ! Thôi, đi đi cho mau. Ba bốn chi cũng được. Ðừơng vàng đó, chịu chưa ?
Tôi cười, gật đầu rồi chạy vòng qua đầu con dốc.
Trăng sáng vằng vặc, trải ánh vàng trên con đường xóm nhỏ. Cảnh vật thanh vắng, nghe rõ tiếng dế kêu trăng hai bên đường. Tôi nhắm hướng có ánh đèn manchon từ xóm dưới. Anh Bòi Anh ( í quên, anh Tấn) đang sinh hoạt thanh niên thanh nữ ở đó. Cả tuần nay, mấy anh mấy chị lo tập dượt văn nghệ ráo riết để chuẩn bị tổ chức buổi lễ đưa tiễn đám thanh niên trong xóm lên đường thi hành Quân dịch. Làng trên xóm dưới, đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện tòng quân, nhất là mấy anh thanh niên vào độ tuổi. Vừa rồi chị Hẹ nói anh Bòi Anh ( í, lại quên nữa, anh Tấn) “ra ràng” là vậy đó. Tại vì Ba của chị chuyên nuôi bồ câu. Ông có tới bốn cái chuồng cao nghệu đặt ở bốn góc nhà. Chuồng nào cũng được sơn phết màu mè sặc sở. Bồ cầu bay lượn từng đàn tấp nập suốt ngày. Ông thích thú và tự hào có đàn bồ câu mà theo Ông thường nói là đông đảo không chỗ nào sánh bằng. Một số đông người trong Xóm cũng lấy làm thích thú lắm. Nhưng mà không đủ can đảm để tự hào vì lẽ rình bắn bồ câu ăn thịt thì tự hào cái nỗi gì ! Chị Hẹ bắt chước Cha, nói gì cũng nhớ tới mấy con bồ câu. Nhiều chữ chị nói nghe lạ tai nhưng mà cũng có lý. Chim đủ lông đủ cánh rời khỏi tổ tự kiếm ăn gọi là ra ràng. Anh Tấn bây giờ cũng đã đủ sức lớn khôn để rời bỏ cái xóm nhỏ mà đi thì cũng giống như con chim bồ câu ra ràng chớ khác gì!
Anh vốn không phải là người trong Xóm. Trước sau anh cũng chỉ là người ăn nhờ ở đậu. Tôi nghe những người lớn kể lại, anh được chú Hai Mộc đem về nhà khi anh còn rất nhỏ, đâu khoảng một hai tháng tuổi gì đó. Chú giải thích với mọi người là lượm được anh bên cạnh đường khi chú trở về sau một chuyến làm ăn xa. Chú không đành tâm đi thẳng nên đem anh về nhà. Lời giải thích còn có nhiều nghi vấn, nhất là đối với thím Hai, người vợ đanh đá chua ngoa của chú. Trong một khoảng thời gian khá lâu, thím làm hành làm tỏi chú đủ điều. Chú chịu không nổi nên có ý định đem thằng bé gởi cho Bà Sơ nuôi nấng giùm. Một buổi sáng, chú bọc thằng nhỏ trong chiếc áo len, quày quả ra đi. Vừa đi vừa khóc. Lên tới ngọn đồi nơi có ngôi nhà thờ lớn thì thím Hai rượt theo níu lại. Hai vợ chồng giằng co thằng bé một đỗi lâu. Cuối cùng chú đành để cho thím đem nó về. Từ đó, chuyện xưa thím không hề nhắc tới.
Anh Tấn ở với chú thím cho đến mười lăm tuổi thì chú, rồi sau đó tới thím, lần lượt qua đời. Anh trở thành đứa con chung của Xóm. Nay nhà này, mai nhà kia quanh năm suốt tháng. Miếng cơm đổi lấy từ những công việc nặng nhọc của một người ở mướn làm thuê. Như loài cỏ hoang trên đồi Trọc rừng Ngo, tự định đoạt lấy đời sống của mình.. Tính tình anh vui vẻ hoạt bát. Hình dong coi cũng ưa nhìn. Chị Hẹ ngó bộ ưa nhìn anh nhất. Không chừng anh chị có tình ý với nhau cũng tựa như con chim bồ câu trống với con chim bồ câu mái “gù” nhau. Tôi bật cười với sự so sánh ngộ nghĩnh này, suýt nữa táng đầu vô cái cổng Ðình.
Anh Tấn đang bận sắm vai diễn trong một vở kịch, tôi phải đứng chờ. Vở diễn cảnh người con trai lên đường thi hành Quân dịch, người con gái bịn rịn tiễn bước chân đi. Vai nữ là chị Bưởi. Hai người đang diễn cảnh bịn rịn cầm tay nhau mà thề non hẹn biển. Có anh Trai đứng phía sau nhắc tuồng. Những câu hẹn thề mùi mẫn với lại cái cảnh cầm tay nhau thân mật, tôi thấy nó ...động trời quá ! Chuyện trai gái của hai người sao lại đem bêu riếu cho mọi người cùng biết ?. Chị Bưởi lại lớn hơn anh Tấn 5, 6 tuổi, đã có chồng con. Chồng chị là anh Thuận thợ mộc. Lấy nhau do hẹn ước của hai gia đình từ khi anh chị còn nhỏ. Lời thề hẹn đá vàng không được thốt ra từ tình yêu trai gái mà từ tách trà chung rượu bằng hữu chi giao. Chị ngồi xuống nơi cha mẹ chỉ với tấm lòng hiếu thảo chớ thiệt tình trái tim chị chưa một lần biết rung động trước tình yêu. Thời con gái chưa một lần e lệ cúi đầu che dấu nỗi thẹn thùng từ một ánh nhìn của người khác phái. Rồi những đứa con ra đời như là chất keo gắn chặt thêm tình nghĩa theo năm tháng dần qua, kéo theo tuổi đời an phận.
Chị tham gia đoàn văn nghệ do lời tha thiết yêu cầu của anh Trai. Ðiểm chính là không có cô gái nào trong xóm chịu đóng vai nữ trong vở kịch nòng cốt cho buổi lễ sắp được tổ chức nay mai. Vở diễn do anh Trai, trưởng đoàn thanh niên thanh nữ, tự soạn và tự đặt lời. Công khó của anh đã thức liền mấy đêm đỏ lừ con mắt để “nặn” cho ra chữ, sắp xếp lớp lang cho thiệt mùi mẫn với lời thề non hẹn biển hợp với cảnh tiễn đưa. Nhất định là phải có chiếc khăn tay vẫy vẫy, có lệ rơi, có cầm tay bịn rịn không rời...Vậy mà, không có ai chịu nhập vai hết. Mấy chị thanh nữ vừa mới nghe anh Trai diễn tả sơ qua đã đỏ mặt ngượng ngùng, lắc đầu le lưỡi. Miệng đâu mà nói những lời ngọt ngào tình tứ như vậy. Lại còn cái cảnh nắm tay bịn rịn thì thiệt là muốn chọc cho thiên hạ đàm tiếu, dị nghị. Ðến như đã là vợ chồng rồi mà khi ra đường cứ việc chồng đi trước, vợ theo sau. Ði như kiểu nhà binh, hàng một. Ðừng nói chi tới mấy bà trong Xóm, chụp được cơ hội này thì đố có tha. Ðầu trên xóm dưới, tụm năm tụm bảy nói cho mà nhức óc. Cho nên mấy chị, mặc dầu trong bụng cũng ưng, nhưng mà đẩy không nổi bức tường thành kiên cố của thói cũ lề xưa...
Anh Trai bực mình lắm nhưng anh quyết định không chịu thua.. Là người đã từng có một thời gian lưu lạc kiếm sống qua những vùng đất xa lạ, tầm nhìn của anh vượt quá lũy tre làng. Khi mệt mỏi trở về, anh đã đem về bao nhiêu điều mới lạ. Ðiều mới lạ trước tiên là mái tóc anh lúc nào cũng láng mướt, chải tém đít vịt gọn gàng. Cái lược nhựa lúc nào cũng giắt ở túi áo trước. Chỉ chừng đó thôi mà ai cũng nhìn anh lạ lẫm. Lời khen tiếng chê dồn đống, anh vẫn tỉnh bơ. Riết rồi thấy hay hay, đám thanh niên lần hồi bắt chước. Mấy cái đầu trọc, đấu húi hai phân lần hồi biến dạng thành đầu tóc đen dài, láng coóng, tém đít vịt y theo một kiểu. Chiều chiều, thấy “ mấy con vịt” lạc đàn, đi lên đi xuống con đường chính của xóm nhỏ, mắt dáo dác nhìn quanh...
Nói tóm lại, anh Trai là người của thị thành. Chị Bưởi là người phụ nữ, tuy là hương-đồng-cỏ-nội, nhưng có đầu óc cách tân. Thêm anh Tấn là người thường khi trở chứng ngang tàng bướng bỉnh, không chịu trói buộc bởi lề thói khắt khe ngàn đời không thay đổi. Ba người gặp nhau thiệt là tâm đắc. Có anh Trai nhắc tuồng, chị Bưởi và anh Tấn nhập vai mùi mẫn như thiệt. Thiệt đến nỗi mà tôi cứ đứng nhìn mê mẩn. Cho đến lúc anh Tấn làm điệu bộ bước lên xe (chiếc xe tưởng tượng). Chị Bưởi đưa chiếc khăn tay lên vẫy vẫy tôi mới giật mình hoảng hốt. Cứ tưởng anh sẽ đi, tôi vội vàng chạy đến nắm tay anh giật giật :
- Khoan, khoan đi đã anh ơi !
Anh Tấn khựng người, ngạc nhiên nhìn tôi trong khi chị Bưởi với anh Trai phá lên cười ngặt ngoẻo. Tôi ngượng ngùng đỏ mặt. Anh Tấn cũng cười, đẩy nhẹ tôi một cái :
- Cái thằng này ! Ở đâu mà xuất hiện kịp thời vậy ?
Rồi anh ghé sát tai tôi, thì thầm :
- Sao ?. Có người nhắn nhe gì phải không ?
Tôi nhớ mấy tán đường. Tôi nhớ lời chị Hẹ dặn phải giữ kín cho chị. Kéo anh ra góc sân, tôi nói nhỏ :
- Là chị Hẹ nhắn anh ra chỗ cũ, chị muốn gặp.
Thấy anh ngần ngừ rồi lầm bầm :” Lại làm hành làm tỏi gì nữa đây, trời !...”.Tôi níu tay anh, giục :
- Anh phải ra đó nghe. Nếu như anh không ra là em mất ba tán đường !...
Anh Tấn im lặng. Không nói gì.
Ðêm đó, anh và anh Trai đưa chị Bưởi về dưới đường trăng thanh vắng. Tôi lẽo đẽo theo sau. Khi chia tay hai người ở hai con dốc, anh quày quả một mình trở về nhà. Vậy là anh không đến nơi chị Hẹ nhắn. Tôi ngồi sụp xuống vạt cỏ ướt sương đêm, ngẩn ngơ tiếc nuối ba tán đường đã vuột khỏi tầm tay. Và tôi khóc, ngon lành...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét