tháng 1 28, 2009


Ngoài cành Mai là tiêu biểu lớn, còn có hoa Vạn Thọ, hoa Cúc và cao sang quyền quý yểu điệu thục nữ quân tử háo cầu là hoa Lan.
Hoa Vạn Thọ, Cúc đơn, Cúc đại đóa thì hầu như , ít nhiều, nhà nào cũng rộ. Trồng trong chậu để cầu kỳ dành riêng cho ba ngày Tết . Trồng trước sân nhà làm cây cảnh tự nhiên.
Riêng về cái khoảng hoa Lan thì khó cầu nên chi rất hiếm. Cũng muốn có một chậu Lan để khi người đến chúc Tết , cố theo dõi cái liếc thầm của khách, mà thấy sướng vui trong bụng.
Nhưng mà đâu có dễ bởi vì hoa Lan thiệt như là đứa con cầu tự, khó nuôi khó dưỡng. Nóng thì bất ưng lạnh thì bất ổn. Phải dành một khu đất riêng có giàn rào che chắn gió, có mái chống nắng tránh mưa. Công sức và tiền của bỏ vô đó cũng bộn bề. Chưa nói tới chuyện phải tìm tòi học hỏi trao đổi về kỹ thuật qua sách vở, qua thực tế kinh nghiệm. Phải đong đo cân đếm khí hậu thời tiết thay đổi từng mùa mà liệu chừng tìm phương cách cưng chiều chăm chút thúc ép cho hoa nở đúng thời. Nở sớm quá thì mất duyên. Nở trễ quá thì…hết Tết rồi, nở làm gì nữa !
Miếng bỏ bụng đói no ngày tháng còn chưa lo tới được nói chi chuyện chăm lo cho đời sống cao sang của loài hoa vương giả. Và, nói cho cuối cùng, cũng chỉ nhằm để thỏa mãn, đắc ý cho một cái liếc thầm của khách. Cao xa quá! Nhiêu khê quá! Làm sao mà liếc cho tới đây ! Thôi thì cứ liếc thầm một cành Mai chưng Tết, đủ rồi !
Tết cũng là dịp để vui chơi sau một năm dài cực khổ trong việc mưu sinh. Cũng là dịp để gia đình đoàn tụ. Đồng tiền chắt bóp, dành dụm được trong năm đổ dồn cho ba ngày Tết. Mang công mắc nợ ai thì lo thanh toán sòng phẳng trước khi bước qua năm mới. Cố dọn dẹp thu vén cho lòng dạ nhẹ nhàng không còn cứ đeo nặng những rủi, buồn năm cũ để chuẩn bị sẵn sàng tống-cựu-nghinh-tân. Đón năm mới với tấm lòng bao dung hương trầm, ngọt ngào dẻo thơm miếng mứt. Và, tận hưởng ba ngày Tết cho giòn dã như pháo…
Tiếng là nói vui chơi ba ngày Tết nhưng có chừng mực như vậy đâu!. Có nơi vui chơi từ mồng-một cho tới mồng-mười. Qua ngày mười-một tháng Giêng thì không nghe ai nói mà cũng không có tự điển nào ghi là mồng-mười-một. Như vậy, có nghĩa là, hết mồng, hết chơi !
Có nơi vui chơi thả giàn tới cuối tháng Giêng.
Nói chung, Tết là không có ai làm mà chỉ chơi. Cũng không có ai buồn mà chỉ vui. Nhưng mà có gì để chơi cho vui đây?.
Thì có Hội Làng Mùa Xuân đó !
Hội Làng Mùa Xuân, nói gọn nhẹ là Hội Tết, ở quê tôi Làng nào mà không có.
Tuổi thơ tôi rưng rức những kỷ niệm mang vẻ dáng mộc mạc chân quê, đầy đặn sắc thái và đặc thù tính dân tộc của Hội Làng Tết. Ngầy ngật cho tới cả bây giờ.
Tiếng chiêng trống vang lừng và tiếng pháo nổ dòn tang báo giờ khai Hội của một buổi sáng Mồng Một Tết năm nào, và cả nhiều năm sau đó trong tuổi thơ, còn đọng lại đâu đây. Bà con lũ lượt về hướng sân Đình chờ giờ mở Hội khai Xuân.
Tôi thấy cả một bức tranh quê sống động.
Thấy chú Tiết Nhơn Quý ôm chai rượu đi ngang giữa đường Làng, gặp ai chú cũng cười. Một tiếng cười là thêm một ngụm rượu. Ba ngày Tết chú cứ đi ngang, không thèm đi thẳng.
Thấy mọi người mặc quần áo mới, nói cười hễ hả. Gặp nhau và chúc tụng nhau.
Thấy Ba tôi, ôn Cai Hoành, khăn đóng áo dài đang giục giã ba hồi trống lệnh. Bên kia, bác Ba Cận, tiếp chiêu với ba hồi chiêng vang lừng.
Thấy anh Bé, trưởng tràng nhóm Lễ sinh, hai tay trịnh trọng nâng cây đèn sáp đi từng bước theo nhịp trống. Những bước chân bài bản, nhấc cao lên rồi hạ xuống, vững chắc nhịp nhàng. Anh dừng lại trước tràng pháo dài được treo từ cây nêu cao ngất. Tiếng trống, từ nhịp khoan thai, trở điệu liên hồi gióng giả hòa với tiếng chiêng nghe rộn cả lòng. Ngọn lửa được châm vào ngòi pháo báo giờ khai Hội ngày Xuân. Anh lạng người chạy lẹ, tránh pháo. Đám trẻ tụi tôi thì tranh nhau nhào tới để giành giựt những chiếc pháo xì. Bà con xoa tay hớn hở, tìm chỗ vui Xuân.
Đầu tiên là phải tới thăm đám bầu-cua-cá-cọp hay mấy tay tráo bài ba lá. Văn nhân thì khai bút đầu năm. Thường nhân thì đâu có tài nhả ngọc phun châu, bút mực đâu mà khai! Khai bạc đầu năm để thử thời vận cũng tốt. Có người thì chừng mực. Có người thì quyết đấu!. Nếu thử thời vận thì chỉ một hai ván cho biết chừng số đỏ, số đen đầu năm rồi lo kiếm đường qua trò chơi khác. Ăn bạc thì mừng rơn vì tin là năm tới mình sẽ phát tài. Thua bạc thì buồn trong bụng vì nghĩ là năm tới số mình đen vận. Nhưng dẫu sao cũng còn vớt vát được vì sực nhớ còn có câu “đen bạc đỏ tình”. Câu nói thiệt như là lô an ủi cho vận hạn rủi may. Năm tới không có bạc nhưng có tình thì cũng coi như là, không đỏ, mà hồng. Hồng tất nhiên là phải tốt hơn đen.
Rồi nghĩ cho cùng, cũng thấy kẹt. Với mấy tay còn độc thân vui ( hay khó) tính mà được tình thì coi như buồn ngủ gặp chiếu manh, như mèo thấy mỡ. Mấy tay vợ con đùm đề mà được tình thì chắc là lụy.
Còn tính chuyện quyết đấu thì chẳng khác gì đem đồng tiền làm lụng cả năm trời mà lì xì mừng Tết cho mấy sòng bầu-cua-cá-cọp hay mấy đám bài ba lá.
Không tin ngó anh Cu Lập, con thím Nghi, ngồi ở góc sân nhà chú Thưởng uống rượu tì tì. Ai cũng lấy làm lạ, bởi hồi nào tới giờ anh có uống rượu đâu! Uống trà đậm còn say mà! Hỏi ra mới biết tại vì anh thua tới cháy túi vì sòng bầu-cua-cá-cọp nên uống rượu tiêu sầu ! Sầu thì không (hay chưa) tiêu mà chỉ thấy khiêng anh về nhà nằm rẹp thẳng cẳng, chẳng thèm ăn Tết.
Rồi còn chú Tư Lãm đi lên đi xuống ở đường Làng, mặt mày ngơ ngác dáo dác tìm quanh. Ngày Xuân mà gặp ai chú cũng không có lời chúc Tết mà có ai chúc Tết, chú cũng cứ bỏ ngơ. Hỏi ra mới biết chú vừa bị mấy đám bài…ba láp nó …táp hết tiền rồi!
Đi lên đi xuống dáo dác nhìn quanh là đi tìm lại tiền đó mà! Chắc là thua đậm mới lậm hồn vía tới tầm cỡ đó!.
Khai bạc đầu năm chi mà quá bất nhẩn vậy trời !
Đồng tiền được lì xì đầu năm mới thì thể nào tôi cũng mua một con gà đất của một ông nào lạ hoắc, không phải dân miền tôi ở. Tiếng nói ông lơ lớ, da màu nâu sẫm, tóc hơi xoắn. Tôi “ngửi” ông có mùi biển mặn. Chắc là ông từ miệt Tháp Chàm, Phan Rang, Phan Rí. Gà được bày hàng trên chiếc chiếu lớn. Đám con nít bu quanh tranh nhau lì xì tiền cho ông. Có qua có lại , ông cũng lì xì gà không hở tay. Mỗi ngày ông bán hết một vuông chiếu lớn gà rồi ngày sau gà lại nở ra thêm một vuông chiếu lớn nữa. Gà đất mà đắt như tôm tươi bởi đám nhỏ tụi tôi mê mệt con gà đất này quá sức. Nó thiệt ngộ nghĩnh về hình dáng, màu sắc mà còn biết gáy nữa.Đầu với đuôi được nối bằng lớp giấy rất dày. Hai tay cầm đầu cầm đuôi rồi đẩy tới đẩy lui, nó gáy nghe rất lạ. Nếu không muốn cầm mà đẩy thì ở cuối đuôi có khoét một lỗ nhỏ, tròn. Kê miệng vô mà thổi, lực hơi đẩy mạnh cái đầu nó nhỏm tới, nó cũng gáy nghe rất khoái. Nó được làm bằng đất nung. Chắc chắn là được đúc khuôn rời từng mảnh rồi gắn với nhau bằng lớp keo dính vì thấy đầu đuôi cũng y dạng. Toàn thân sơn màu đất đỏ rồi được phết sơ sài chiếu lệ một lớp dầu bóng. Mấy nét vẽ vội vàng chủ yếu là phân biệt đầu với đuôi. Đầu thì có hai con mắt với lại mấy nét vẽ phết xuống tượng hình là lông gà. Đuôi thì ngoài cái lỗ nhỏ khoét sẵn, thêm vài nét vẽ phết ngược lên tượng hình là cái đuôi. Lớp giấy dày nối đầu và đuôi làm thân gà thì không vẽ vời lông lá gì cả mà loang vết dầu chắc là có dụng ý giữ cho giấy có độ dai để chịu đựng lực kéo. Nhìn chung thì nó cũng chỉ phảng phất hình dáng con gà. Tiếng gáy thì cũng chỉ nghe “ót, ót” chớ đâu có trầm bổng gì đâu. Mấy nét vẽ sơ sài trên phần đầu tròn vo với phần đuôi cũng tròn vo y dạng không phân biệt được gà mái hay gà cồ. Thật ra, cũng chỉ tự lòng ham thích đồ chơi lạ và trí tưởng tượng phong phú mà nó đã là con gà đất hằn dấu trong kỷ niệm ấu thơ để mà giữ mãi trong đời. Còn chuyện gà trống hay gà mái thì có gì mà bận tâm. Gà trống cũng được. Gà mái cũng được. Miễn là có con gà đất biết gáy để chơi ba ngày Tết là cũng được quá rồi!

Không có nhận xét nào: