tháng 1 28, 2009


Lại có thêm một ông nữa, bán heo đất. Đất nung và cũng được đúc khuôn rời hai mảnh rồi gắn lại với nhau bằng lớp keo dính. Hình dáng khá rõ ràng là một chú heo mập ú. Có đôi mắt được vẽ xếch ngược lên có vẻ như đang cười. Có cả hai cái tai nhỏ xíu . Có chùm lông đuôi đen nhánh ở cuối cái đuôi được đúc nổi cộm. Có bốn cái chân ngắn củn, mập tròn. Điểm chính yếu và quan trọng nhất để nó trở thành con heo đất là một rảnh nhỏ, dài đủ để bỏ tiền lọt vô trong cái bụng to bành. Tiền giấy thì xếp làm tư, nhét xuống. Tiền cắc thì cứ thả vô tự nhiên. Heo đất giữ lâu hơn, có thể giáp năm, để giữ tiền dành dụm. Nó cũng cất giữ cho tôi nỗi buồn vui. Cất giữ luôn tiếng khóc tiếng cười. Và, cũng giữ cho tôi quá nhiều kỷ niệm.
Con heo đất được cất giữ ở một nơi kín đáo thường là dưới gậm giường ở chỗ tối nhất. Mỗi lần có tiền để bỏ vô bụng heo mặc dù không có ai nhưng cứ dòm quanh dáo dác. Tiền cắc bỏ vô nghe cái “rẻng”, sướng rêm. Tiền giấy xếp tư nhét xuống nghe tiếng giấy cạ vào thành lỗ “rẹt,rẹt” lại càng sướng hung. Lâu lâu lại, dáo dác nhìn quanh, lấy con heo đất ra cầm trên tay ướm chừng độ nặng, nhẹ.Thể nào cũng phải lắc lắc vài cái để nghe tiền cắc đánh nhau trong đó rổn rảng, tiền giấy đẩy nhau trong đó sột soạt. Thời điểm để khui heo đất là dịp cuối năm.
Nói là khui heo đất, thật ra, thì không đúng. Phải nói là đập heo đất nghe đúng nghĩa hơn. Cầm con heo đất mà xáng xuống nền nhà nghe một tiếng ”bộp”. Cầm cái búa hay cục đá, hòn gạch đập mạnh vào con heo đất nghe một tiếng “bụp”. Dù cho “bộp” hay “bụp” thì cũng cảm thấy sướng tay. Cảm giác sau đó là “đã” con mắt khi thấy tiền lâu ngày kìm hãm được dịp túa ra. Tiền giấy ôm tiền cắc sõng soài la liệt. Cảm giác cuối cùng sau khi đã sướng tay mãn nhãn là nỗi buồn vui lẫn lộn. Vui là vì cứ nghĩ là lâu nay mình bỏ tiền vô ít mà bây giờ sao mà ùa té ra nhiều dữ vậy! Buồn là vì cứ đinh ninh mình bỏ tiền vô nhiều mà sao giờ nhảy ra có chút đỉnh ! Buồn với vui cũng chỉ là cảm giác bất chợt rồi qua đi như tiếng “bộp” hay tiếng “bụp” thôi! Điều đáng nói lâu dài là có mớ bạc giắt lưng để rong chơi ba ngày Tết.
Khi đã có mớ tiền rủng rỉnh thì cũng tính chuyện tiêu pha nhưng phải nhớ là mua một con heo đất khác để cuối năm còn có dịp mà “bộp” hay “bụp” một cái cho buồn vui lẫn lộn.
Cũng đừng quên là có gian hàng mới lạ, mang vẻ dáng văn minh thành phố mà lâu nay làng quê chợ xóm không thể nào có được.
Đó là gian hàng nước đá nhận xi rô. Không kể đám con nít tụi tôi mà cả nam phụ lão đều đứng đông nghẹt để chờ nắm cho được cục nước đá có màu xi rô xanh, đỏ,tím,vàng mà mút chùn chụt. Đám con nít tụi tôi cầm cục đá nhận xi rô mà mút kiểu đó thì là chuyện bình thường, có khi còn thấy dễ thương. Tầm cỡ như bô lão, phụ lão, thanh niên, thiếu nữ mà mút, cũng chỉ là kiểu đó thôi, thì coi đã không bình thường mà thiệt là dễ nực.
Có mấy ông , chắc cũng tại vì răng cỏ lung lay chịu không siết hơi đá lạnh, nhịp mút không được sung. Nước đá quyện với nước xi rô chảy dính râu tèm nhẹp. Có mấy chị, chắc vì khoái khẩu mùi vị thơm ngọt của nước xi rô lại thêm hơi mát lạnh của cục đá nhận, cứ ngẩng đầu lên mút cố mạng. Vừa đi vừa mút đụng ai nấy chịu.
Mà cũng đúng thôi!
Thuở nào tới giờ ở Xóm quê làm gì có cục nước đá mát lạnh! Đã vậy lại còn có cả nước xi rô, tìm ở đâu cho ra mà hưởng! Nay, vừa có đá lạnh vừa có nước xi rô thì bu đông đen tìm của lạ là đúng ! Còn mút cỡ nào miễn tận hưởng cho tới bến là được rồi.
Buôn một lời năm, mười chớ đâu phải chơi đâu! Cục nước đá được bào nhuyễn rớt xuống cái ly đầy vun. Ngó thì đầy vun hào sảng vậy đó chớ khi nén xuống, nó chỉ còn có tới gần nửa ly thôi. Có thêm tiết mục hỏi khách hàng ưng ý xi rô màu gì?. Xanh đỏ tím vàng tùy theo ý thích, mà nếu ưng có nửa màu này nửa màu kia cho lạ mắt thì cũng được, không phiền hà gì. Cầm chai xi rô xịt vô rồi lật ngược cái ly thổ nhẹ. Cục đá tẩm màu rớt ra, cứng ngắt. Một tay đưa cho khách một tay lấy tiền bỏ hộc. Toàn tay trần năm ngón, không có ly dĩa giấy lót rườm rà. Cái thú của món đá nhận xi rô là cầm vừa mát tay mút vừa mát miệng lại mát cả lòng.
Trước sau cũng chỉ toàn là nước, vậy mà bà con cứ đứng xếp hàng đóng tiền vui vẻ, thoải mái.
Tôi rõ chuyện này lắm vì ông chủ gian hàng bán nước đá nhận xi rô có phải ai đâu xa lạ, là ông chú họ của tôi mà. Chú Thành đó.
Chú đứng tên xin Ban Hương Chức Làng một lô đất để bán nước giải khát . Làng thì không thắc mắc miễn có xin phép, có đóng tiền mua lô, có đóng thêm một vài khỏan tiền qui định là được.
Nhưng mà Thím tôi thì thắc mắc, cứ gặn hỏi chú hoài. Khi biết được cái tên nước giải khát gì mà lạ, trước giờ chưa nghe, thì thím ngồi buồn xo như chiều ba-mươi-tết. Thím làm mình làm mẩy không chịu gói bánh, không thèm làm mứt. Thím đình công luôn cái vụ mặc áo đẹp, nhồi phấn thoa son cho chú nhìn ngắm ba ngày Tết.
Lý do mà thím giận thím hờn cũng thiệt là đúng. Ai đời cái xóm đèn dầu quanh năm suốt tháng, nhà nào sang cả lắm thì cũng chỉ một cây đèn manchon, cũng được bơm và thắp sáng bằng dầu, mà tính chi tới chuyện xa vời khó tưởng. Nước suối nước sông thì có chớ nước đá, tìm đâu! Rồi còn cái nước xi rô xi ra đỏ tím xanh vàng chi đó, là cái nước chi?. Chắc là ông qua bên Tây, bên Mỹ ông kiếm đưa về. Thím trách chú là mộng tưởng xa vời, ngồi thắp cây đèn dầu mà uống nước đá “giận” với “xi rồ”( chắc là ý của Thím muốn nói khéo là thím giận chú điên rồ!).
Chú giải thích, phân tích mấy thím cũng không nghe. Năn nỉ quá chừng, cuối cùng, thím chịu theo chú tới gặp Ba tôi để bàn chuyện phải trái nên hư. Ba tôi phán :”Thím yên tâm về gói bánh, làm thêm mứt món ăn mừng. Chuyện này để chuù lo”. Thím liếc Ba tôi một cái, nhưng mà không dám bén, như khi liếc một cái cho chú. Bởi vì, Ba tôi là kẻ lớn trong Họ, lời nói phải nặng cỡ bao tạ. Thím là vai em, là dâu về gởi Họ, khó có lời. Về thôi !
Ba tôi mạnh miệng là vì ông biết quá rành về chú . Chú đã từng theo học nghề của Ba tôi mấy năm mà chậm lụt không ra gì, cuối cùng thì có ý lơ là bỏ cuộc. Bù lại, chú có đầu óc kinh doanh, nắm bắt thời cơ rất nhạy. Dám đi buôn bò ở tận miệt Gia Lai xa tít cả năm mười ngày rồi lùa bò về. Lặn lội lên tới miệt Suối Vàng vô các làng Thượng trao đổi heo, gà, đồ đồng, đồ cổ các loại. Bươn chải tới miệt Phan Rang, Phan Rí buôn vịt, chum, vại, đồ đất…Việc gì nhắm có ra hơi tiền là chú nhào vô kiếm chác. Không có lần nào thua hết. Thiệt đúng như lời anh Kiệt nói là “độc cô cầu bại”. Nay vợ chồng cùng tìm tới vấn kế làm ăn thì phán một câu như vậy là đúng sách. Tay này thì đâu có phải vừa, trước khi tới thì đã có vạch sẵn kế hoạch làm ăn, tính toán lỗ lời rồi. Chẳng qua tới để tìm đồng minh đó thôi !
Phần chú, được lời của Ba tôi, chú làm liền. Nước đá thì đâu có gì khó khăn gì. Hợp đồng( giá hợp đồng nhẹ hơn nhiều lần so với giá mua lẻ) với hãng nước đá ngoài phố. Chỉ cần nhân sự và xe đạp thồ về. Có đá là phải có biện pháp giữ cho lâu tan, cũng không khó. Trước tiên là đóng một cái thùng gỗ thật lớn trét dầu bên trong cho kín hơi. Sau là tìm trấu và mạt cưa để ủ đá trong thùng giữ độ lạnh. Toàn đồ phế thải vừa bán vừa cho cũng không thèm đau lòng. Trấu thì phải xuống tận vùng Đức Trọng tốn chút tiền xe chuyên chở. Mạt cưa thì xuống trại cưa Ngọc Dung gần phố, thồ về. Việc quan trọng, cuối cùng, là đặt làm một cái bàn bào nước đá. Bàn bào bằng gỗ thì đã có bác Hai Mộc vừa…qui cố hương đó, chỉ hì hục vài tiếng đồng hồ là xong. Lưỡi bào bằng thép thì tới chú Tùng thợ rèn, hì hục lắm thì cũng mau hơn hay lâu hơn bác Hai Mộc vài phút, cũng là xong.
Tính tới giai đoạn hai là nước xi rô xanh đỏ tím vàng. Đi qua Tây qua Mỹ làm chi, chỉ cần đích thân chú tôi nhảy lên xe đò Minh Tâm về gặp mấy chú ba ở Chợ Lớn. Ở đó thì xanh đỏ tím vàng đủ hạng. Hạng nhứt . Hạng nhì . Hạng ba . Muốn bao nhiêu cũng có. Mua nhiều thì tính giá sỉ, xoa bụng cười hề hề, tặng thêm một chai níu khách.
Tính ra, chịu khó bôn ba xoay trở rồi bỏ ít vốn vô đó mà lời khẳm ghe. Nói theo lời anh Kiệt, chú quả là tay hảo thủ, bất ngờ trở cú tuyệt chiêu hoàn toàn mới lạ để bà con tranh nhau đóng tiền cho chú thả được một cặp heo vô chuồng, gầy thêm hai cặp gà, mua tặng cho thím một chai nước hoa Bông Hồng, hai cái lược ngà ( một cái răng sưa để chải tóc, một cái răng sít để chải chí), một chai dầu gội đầu Bồ Kết, một đôi guốc gỗ sơn bóng có in chìm hoa Sen. Quan trọng nhứt là một gói giấy cho thím bỏ lẹ vô tủ khóa cẩn thận. Tới lúc này thì thím cười. Chú giả bộ hỏi thím còn chê đá “giận” với “ xi rồ” không?. Thím háy chú một cái rồi giả lơ làm như là không nghe. Thiệt là! Đàn bà là chúa giả lơ. Đàn ông là vua giả bộ.
Tôi thì không giả lơ mà cũng không thèm giả bộ, cứ giả thiệt đứng xớ rớ chờ ở gian hàng của chú. Cứ đứng chình ình trước mặt chú thì chú không thể nào giả bộ không thấy được cho nên chú phải nhận cho một cục nước đá đậm màu xi rô đưa tận tay. Giả bộ cười vui và cũng giả bộ quên lấy tiền bỏ vô hộc. Bề nào cũng phải nể tình Ba tôi, người đã nói một câu nói lót đường cho chú hốt bạc. Tính ra một ngày tôi giả thiệt cũng tới bốn năm lần. Lần nào chú cũng “tiếp chiêu” gọn, đẹp. Thiệt, đúng là tay hảo thủ!
Vừa mút đá nhận, vừa coi đá gà. Hết một độ gà thì lại vội vàng chạy qua gian hàng chú mà giả thiệt đứng sớ rớ. Khi chú giả bộ cười vui đưa cục nước đá nhận là vòng ngược lại qua sân gà cho kịp độ mới.
Sôi động, hào hứng nhất Hội Làng là sân đá gà. Anh hùng tứ chiếng khắp mọi miền nườm nượp kéo về, tay ôm con gà dị tướng, lông lá trụi lủi mà da dẻ thì đỏ ngầu. Ở xa tít dưới vùng Trạm Hành, Đơn Dương, Đức Trọng cũng lặn lội tìm lên. Ở mút tận Lạc Dương cũng tìm xuống. Bà con bu đông như kiến, la ó cãi vã nhau om sòm. Mấy tay chuyên nghề cá độ thì coi như ăn ở tại chỗ, bám sân từ sáng cho cho tới giờ mản cuộc. Quần áo xốc xếch, tóc tai bờm xờm thiệt chẳng giống ai.
Ở Xóm nghèo quê tôi, nuôi gà đá truyền đời là phải kể tới ôn Tôn Lạc. Sống gần như nghề độ nhật là chú Sáu Cử, chú Phú. Sau này, lớp hậu duệ, có dượng Đát là tay nuôi gà đá bài bản, nghiên cứu sách vở. Đã từng chiếm giải nhiều độ gà suốt mấy Hội Làng Xuân. Lớp đàn em nữa, có ông bạn Cu Lu ( là tên thường quen gọi ở Xóm chớ ra khỏi lằn ranh Xóm nhỏ là Hồ Ngọc Sơn chớ không có lu, vại gì nữa). Có chú em Tôn Thất Thuận (con của ôn Tôn Lạc, rể của võ sư Sáu Trọng). Gà của chú thì tôi chưa coi được trận nào nhưng có nhiều lần đi coi chú thượng đài tỉ võ ở sân vận động Thị xã.
Cũng còn mấy tay nữa nhưng mà thuộc loại nuôi gà tài tử.
Hội Làng Xuân mà không có sân đá gà thì đâu có ý nghĩa gì! Tôi cũng góp mặt cho vui vậy thôi chớ không đành lòng nhìn cảnh bại vong của mấy con gà xoải cánh, quỵ chân, lê lếch, máu me nhầy nhụa...Thắng thua hào hứng là từ những đồng tiền cá độ của những tay chuyên nghề và cả những tay ăn theo. Tôi có đứng đó chẳng qua là vì sân gà gần bên gian hàng đá nhận xi rô. Chạy qua , chạy lại cho tới lúc mút đá đã thèm là tìm đường đi qua gian hàng khác…

Không có nhận xét nào: