Tranh Đặng Can
những-ngày-câu
những-mùa-câu
chỉ khác nhau một chữ mà khác một
dòng đời….
Tôi thường ngẫu hứng những bài Thơ và (đôi khi) những
bài văn khi nhìn thấy những hình ảnh đi-đúng-vào-tâm-hồn mình.
Ngó thấy những con Nục nằm xếp lớp bên người-việt-gốc-ớt
để chuẩn bị lên giàn lửa làm nên nồi cá Nục kho rục kho rim ( tiêu, tóp mỡ,
hành lá, dầu Mè ).
Rục từ đầu tới đuôi tới xương.
Ngọt mặn đồng điệu hòa quyện nhau danh bất hư truyền
từ lâu là món ngon xứ Huế. Món ăn dân dã nhưng nếu như mà có tiến cung thì vua
chúa cũng phải mê mải ham ăn quên cả buổi chầu bàn việc nước.
Ngậm miếng cá là cảm giác thoải mái dễ chịu mềm nhủn
tới nỗi miếng cơm tưởng(tượng) còn sượng(trân) cứng hơn miếng cá.
Hành trình để đến với nồi cá Nục kho rục kho rim thật
nhiêu khê không phải ai cũng có thể. Nồi cá kho rim, trước tiên, phải có tâm hồn
Huế truyền vô trong nớ, mới thấm đậm.
Bắc Trung Nam chi cũng có món cá kho rim tuy mổi miền
mổi phong cách gia vị nêm nếm tùy gia phong kiệm. Nói chung cũng là dạng kho
rim. Riêng miền Nam bộ ngộ nghĩnh thêm hơn là món cá kho tộ. Cũng là kho rim
nhưng không trong nồi mà trong cái tô (tộ).
Có thêm món kho tàu gây nhiều ngộ nhận.
Tàu, không có nghĩa là kho theo kiểu người Tàu.
Không, không hề dính dáng gì tới mấy cha bành trướng bá quyền.
Chỉ đơn thuần một ý nghĩa : tàu (lờ lợ mặn lờ lợ ngọt).
Nói bình dân nam bộ là kho lạt. Vậy thôi !.
Miền
Nam mặn ngọt kho tàu
Miền
Trung keo riết ngả màu kho rim…
Nhớ đó nghen. Với nồi cá kho rim là rim tới đúng độ
ngả màu là thè thẹ lửa liu riu cho lai rai vô tới Huế. Nặng lửa thì ê nhẹ lửa
thì huề. Rứa đó, xứ Huế ngó dễ thương mà thương không dễ đâu !!!!
Hai mươi hai năm quá giang trên vùng đất mới vẫn giữ
tình quê nồi cá kho rim Huế qua thú đam mê câu cá cha-truyền-con-nối.
Ba tôi vốn đam mê thú câu có tầm cỡ cũng là tay sát
ngư nứt tiếng Xóm, Làng. Nhà có xây riêng một cái bể cạn ( ý nghỉa nôm na là
cái bể mà cạn ) chỉ để nuôi dưỡng cá câu về, sau khi kho, chiên không ngạ nên
phải nuôi để dành. Miền Nam gọi là “rọng” hay “rộng”.
Không phải cá Nục nước mặn mà là cá Diếc nước ngọt.
Cá Diếc kho rim với tiêu xay. Nấu canh với cà chua
và lá Răm. Thơm ngon vô cùng.
Còn món ngon vô tận vô hậu là ăn sống, gọi là sanh
cầm. Chỉ chọn những con cá nhỏ bằng ngón tay. Món ăn này thật cầu kỳ kiểu cách,
chỉ dành cho bậc cha chú. Con nít như tụi tôi chỉ lấp ló đứng nhìn.
Xây riêng một cái bể cạn chỉ để rộng cá vừa tầm
dành riêng cho thú ăn sinh cầm. Mổi lần mở tiệc sinh cầm là nhà tấp nập như
ngày hội. Ông vốn giang hồ làm ăn đây đó, tính tình hào sảng phóng khoáng nên bạn(bè)tìm
tới đông vui…
Chuyện đông vui sau những mùa câu, là chuyện của
ông còn riêng tôi với mùa câu, tôi có những kỷ niệm giữ mãi trong đời…
Tôi cũng còn nợ nhiều câu chuyện về một thời tuổi thơ và tuổi chớm
lớn ở nơi chốn thiệt là bình an. Nơi chốn tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành,
đi giang hồ xuôi ngược rồi tìm về, không phải về nương náu nhưng chỉ thi thoảng
về nhìn lại tìm lại thấy lại mình đã có một thời kỷ niệm khó quên. Cuối cùng, rồi
cũng đành xa, thật sự chia xa…
Chốn xưa vườn ổi, một thời leo trèo hái trái, đã già cỗi cằn khô
không còn nhựa sống để sản sinh những trái ổi no tròn bóng lưởng. Chỉ lá xanh
theo mùa và lá vàng nua theo mùa để chờ úa, rụng…
Cây chè xanh cổ thụ bên hiên nhà, thân đã nổi u nần chai cứng,
lá đã trả lại thanh xuân trở nên dày cộm, đọt đã không thon thả mướt xanh. Vị
trà đã trở nặng mùi chát đắng…
Giàn su su theo thời gian cũng lưa thưa lá. Gốc su su cằn cổi to
sù. Mổi mùa cũng đơm hoa kết trái nhưng queo quắt đến não lòng…
Cái bể cạn cũng rạn nứt, bong rộp lớp hồ tô bày trơ hàng gạch đốm
nâu vàng đốm nâu xanh. Đã có những vết nhăn rò rỉ, không còn, chắc chắn là
không thể còn giữ được nước sau mùa mưa…
Ngôi nhà xưa…Xóm quê xưa...Người xưa ....Và những mùa câu...cũng
xưa...
Ngày còn nhỏ tôi thường được theo Ba tôi đi câu ở hồ
Cité Decoux, hồ Đội Có, suối Cam Ly Thượng,
Cam Ly Hạ, suối ấp Hà Đông và những dòng suối không tên êm đềm chảy
ngang thành phố. Quê tôi không có sông, chỉ có hồ và suối từ nguồn nước đập Suối
Vàng chảy về mang theo nhiều lượng cá nhiều vô số kể. Cá Trắng, cá Chép, cá Diếc
và hiếm hoi, cá Ngựa…
Tôi khai tâm nghề câu từ những ngày thơ ấu bên chiếc
cần câu “ruột” do Ba tôi dành tặng riêng tôi. Chiếc cần câu khởi thủy từ cây
trúc ngà. Nếu như chỉ là cây trúc ngà cây cảnh bình thường thì làm gì có được một
cái cần câu nếu không qua những công đoạn nắn, hong, hơ, dàn, kéo rất tỉ mỉ
công phu để trao lại cho tôi một cái cần câu “ruột”. Có thể là ông nhận biết
tôi cũng có tay sát ngư và hình như, chỉ hình như thôi, muốn truyền lại nghề
câu để, họa may, sau này có người nối dỏi. Hay là ông tâm đắc có thằng con cùng
thú đam mê. Tôi không biết. Chỉ biết, ngày đó, tôi cũng có riêng một cái cần
câu để cùng với Ba tôi qua những mùa câu.
Những mùa câu của thời thơ ấu tôi cứ giữ mãi…
Khi lớn khôn vào đời những mùa câu đã không còn có
dịp. Mặt nước hồ im ắng, dòng suối trôi êm ả đã chìm khuất theo bước giang hồ
trôi nổi. Những mùa câu đã khép lại một khoảng thời gian khá dài rồi tan loãng.
Chỉ còn là nỗi nhớ…
Tới hồi dâu bể tang thương cũng là giai đoạn mùa
câu đã thật sự không còn tìm đâu nữa. Ba tôi đã luống chiều đời. Mắt mờ, tay
run. Ông không còn tỏ tường để móc mồi câu, không nhanh gọn kịp thời nhấc nhẹ cần
khi cái phao chìm lút. Thú đam mê xưa đành bỏ lại cho những chiều đứng bên cửa
sổ ngó ra sân nhà coi có đứa con nào bất chợt ghé thăm.
Chẳng có đứa nào bởi đứa nào cũng như con cá mắc cạn
con chim vô lồng giữa thời thế nhiễu nhương…
Cuối cùng, ông đem những mùa câu của tôi đi theo
vào một buổi chiều, chạng vạng chiều, trong ngôi nhà cũ. Đi một mình thầm lặng
cô đơn…
Ông “đi” rồi tôi thật sự đã mất những-mùa-câu.
Chỉ có những-ngày-câu. Bắt buộc phải có những ngày
câu. Cứu đói. Cứu suy dinh dưỡng.
Thời buổi đổi đời ai cũng phải xếp hàng cả ngày để
đợi tiêu chuẩn. Nhà tôi là cô giáo lưu dung, tạm thời có tiêu chuẩn, được phép
xếp hàng. Tôi thì không.
Không được đứng xếp hàng cả ngày thì bắt buộc phải
đi, thậm chí còn phải chạy, để tìm miếng ngoài tiêu chuẩn. Từ sống-để-ăn giờ
qua ăn-để-sống tôi đã trường trải qua những ngày tháng đi đào vàng đãi thiếc,
đi tập tành làm nghề xây dựng, đi bán cà rem, chạy xe thồ và để có chất tươi chống
hiện tương tràn lan suy dinh dưỡng là những ngày vô núi tìm (hái) nấm Mối đồi
Ngo, câu cá lòng tong đập 3 Đa Thiện,
xúc hến mò cua suối Cam Ly...
Thú câu, mùa câu đã thật sự không còn, chỉ còn là
câu cơm cứu đói câu cá lòng tong cứu suy dinh dưỡng !.
Nói tới hai từ “lòng tong” là vận mạt rồi !.
Công việc lòng tong. Chuyện lòng tong…Ý niệm, đại
khái, là không đáng gì, không ra gì, không xứng !.
Đi câu cá lòng tong thì thiệt đúng là không còn ra
chi nữa. Đâu còn là thú câu…
Vận dụng kiến thức về nghề câu của Ba tôi truyền lại
mà nay phải đi câu cá lòng tong, thiệt là vô cùng đắc tội, nhưng đói quá (quá
đói), phải đành!. Thế nào Ba tôi cũng “xì” bực bội một tiếng, khiến tôi giựt
mình, nhưng rồi chắc ông cũng hiểu. Đói. Đói quá trời quá đất, Ba ơi !.
Lòng tong cũng được, nghen Ba.
Thời buổi nhiễu nhương con như ván cờ domino vào thế
buộc triệt, còn có cách gì. Phải kiếm cách lòng tong chi cho vợ cho con có chất
tươi dinh dưỡng qua ngày đoạn tháng. Nhà cứ quanh năm đậu-phụng-kho-queo rồi tới
nước-mắm-kho-quẹt, con thiệt không đành !.
Những ngày câu cá lòng tong hóa ra là những ngày vượt
cạn mùa hạn hán đói no suốt chiều dài năm tháng cơ cực ở quê nhà. Còn cho tôi
trúng mùa bội thu về hoài niệm trong thơ văn mổi lúc nhớ về kỷ niệm, ngày xưa…
Ngày đó…
Sau một ngày câu cá lòng tong, bếp nhà lại có dịp
um sùm khói than( tự chế, theo công thức: than vụn đi mót ở các vựa than+nước
cháo lỏng+đất. Tất cả trộn chung rồi nén thành viên rồi phơi nắng cho khô rang,
thành ra viên than).
Món đầu tiên nhứt định phải là món cá lăn bột chiên
dòn.
Cuốn lá xà-lách, rau thơm ( tự trồng ở vườn nhỏ sau
nhà).
Chấm nước mắm chanh đường (nước mắm, hạng ba, “tiêu
chuẩn” hàng tháng của cô-giáo-lưu-dung).
Con cá lòng tong hình dong nhỏ xíu mà lăn qua lăn lại
đã đời cho thành cục bột no tròn!. Cứu đã thèm, cứu đói !....
Ăn nhín vừa đủ (chưa đã) thèm, vừa lửng (no, còn
đói) thôi !.
Phần còn lại, kho mặn dành ngày mai. Tích cốc phòng
cơ, tích y phòng hàn…
Đời sống nào thê thảm hơn đời sống thời buổi đó !.
Mùa câu nào kỷ niệm hơn những ngày xưa đó !
Giờ ngồi viết và nhớ lại ơn nghĩa nặng sâu với mớ
cá lòng tong một thời cứu khổ…
Em còn nhớ không ?.
Các con còn nhớ không ?.
Những-ngày-câu và những-mùa-câu !.
Chỉ khác nhau một chữ mà khác một dòng đời !!!!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét