tháng 3 28, 2012
MỘT NGÀY NHƯ MỖI NGÀY QUA
gởi tư đào Trần Minh Đạo, út linh Trần Nhã Uyên
bên kia núi nơi Tư Đào đang học
rượt đuổi tháng ngày vói bắt công danh
Ba ở bên này chiều ngó loanh quanh
thấy núi cũng thương thấy mây cũng nhớ….
Út Linh học gần đường không cách trở
mỗi tuần về nhà ôm Ba ôm Mẹ
may Trời còn nương tuổi chiều quạnh quẻ
đứa học xa bù lại đứa học gần
nỗi nhớ hai con Mẹ cũng dự phần
chiều ngồi lén nhìn lâu mà giú nhớ
nói thiệt ra e nhói lòng không nỡ
nên cứ ngồi nhau ngó riết nhau ơi !
nỗi nhớ thương vượt đường xa khó nổi
cứ quyện quanh nhà rơi rớt quanh sân
dẫu học đường xa hay học đường gần
cũng không thể về kịp buổi cơm đâu !
thôi đành thôi Ba với Mẹ bên nhau
chia xớt miếng ngon chia đều miếng dở
qua bữa rồi Mẹ ngồi coi phim bộ
Ba miệt mài ngồi gỏ phím làm Thơ !
một ngày qua mỗi ngày qua vậy đó
riết rồi quen mà nỗi nhớ không quen
cứ mỗi chiều bới mén cơm vô chén
cơm nửa phần nỗi nhớ trộn đầy vun !...
28/03/2012
tháng 3 26, 2012
CHUYỆN TÌNH THỜI HOA MỘNG
gởi trời cố quận
tôi vốn là dân Trần Hưng Đạo
chuyển trường lên xứ buồn-muôn-thuở
nắng bụi mưa bùn Ban Mê Thuột
không còn Đà lạt xứ sương mù
sách vở học trò giờ bụi phủ
áo quần đồng phục cũng bùn lem
ở lâu rồi riết cũng làm quen
Phố Mù Sương thành dân Phố Núi
mùa mưa bùn rồi mùa nắng bụi
chỉ hai mùa không có bốn mùa
thương bông Sứ buồn hiu ướt mưa
thương bông Phượng hực nồng chói nắng
thương những chiều một mình thầm lặng
thương những đêm khuya phố lặng thầm
thương những câu Thơ tình ướt đẫm
gởi bâng quơ tà áo ai bay
áo ai bay trong Thơ tình đây
nhìn đỏ mắt chẳng ai bay cả
chỉ có gió cuốn bay đám lá
chiều công viên ngồi điếng một mình
tuổi mới lớn khó lòng chay tịnh
để ý em thì níu em vô
Thơ đang nắng đang mưa đang gió
không có em Thơ sẽ lạc hồn
em ngày xưa môi đỏ má hồng
lòng thánh thiện như tờ giấy nõn
mắt hiền ngoan sách vở học trò
biết gì đâu mà tình với tự !
chỉ có tôi cái thằng quỷ sứ
níu em vô cắn trái tình yêu
như có lần lòng em lỡ yếu
thẹn thùa cầm lấy lá thư tôi
đó là buổi chiều mây nhẹ trôi
gió cũng nhẹ hều không nổi gió
áo tiểu thư quyện tình rồi đó
sách vở học trò cũng lụy theo
thời hoa mộng tình như viên kẹo
ngậm rồi tan rồi ngậm rồi tan
mới cười đó lại hờn lại giận
mới quen chưa đã nói chưa quen
lâu lắm rồi chặng nhớ chặng quên
nay nhắc lại nghe lòng quặn thắt
rất tiếc là em giờ đã mất
đâu đọc Thơ tôi viết chuyện xưa
trời cố quận sớt lòng một nửa
gởi lại em đôi mắt hiền ngoan
chỉ xin lại một thời lãng mạn
trong tình Thơ hoa mộng học trò…
Hiên Trăng ngàn dặm
03/2012
tháng 3 24, 2012
THƠ TÌNH NƯƠNG GIÓ
gởi người thời Trung học
chỉ ngâm mấy câu Thơ thôi có gì đâu
em thầm lặng ra vườn ngồi một chắc
cuộc đông vui em nỡ nào bỏ mặc
ngồi đây chi cho gió lạnh se da
bạn bè lâu nhớ tới nhau không ngạ
buổi tìm về ngồi ấm lại hơi xưa
xa lâu quá tìm gần nhau một bữa
rồi mai chia mỗi đứa một phương đời !
em có đời em tôi có đời tôi
đâu còn nữa em ngày xưa hoa mộng
câu Thơ tôi cũng theo đời gió lộng
chỉ ngâm nga nhớ lại tuổi học trò
em hồi xưa áo tiểu thư vờn gió
tôi hồi xưa bày đặt khói thuốc bay
những bài Thơ chưa đủ nhớ chưa đầy
em có bao giờ thèm ngó tới đâu
mấy mươi năm rồi thương hải bể dâu
tưởng lạc mất ai ngờ đâu gặp lại
trường lớp cũ bạn bè xưa xa ngái
tìm tới nhau nay kẻ mất người còn
tôi vẫn ngày xưa thơ tình giấy nõn
tóc muối tiêu rồi đời đã dấu nhăn
đâu còn trẻ thuở vời trông áo trắng
chiều tan trường hoa Sứ rụng tình thơ
gặp lại tôi em quá đỗi bất ngờ
trong nỗi nhớ nghẹn nỗi buồn-muôn-thuở
hoa bướm ngày xưa một thời níu gọi
em yêu cầu tôi ngâm một bài Thơ
tôi ngâm đây em bài Thơ ngày đó
chỉ mấy câu thôi em đã bỏ đi rồi
lời Thơ tôi lạc giọng buồn đoạn cuối
em giú tình riêng một góc vườn sau
chuyện xưa rồi em nay có gì đâu
chỉ còn lại là bất ngờ thấy lại
em cứ coi như một thời thơ dại
giữ để làm vui đừng giữ làm buồn
chiều nắng nghiêng cơn gió nhẹ sau vườn
em nhìn tôi, ngày xưa, đâu nhìn như vậy
khi vào hiên em còn quày nói lại
anh vẫn như xưa tính tình nghệ sĩ
thôi em ơi tôi nghệ sĩ nỗi gì
từ trước giờ chỉ là thằng phải gió
gió tình tới đâu tôi rượt về tới đó
cho đời Thơ mát rượi những tình Thơ...
03/2012
tháng 3 20, 2012
MÙA TÌNH XƯA GHÉ LẠI
gởi xóm đình Đa Cát
bao giờ về lại đình Đa Cát
nhìn rêu phong trải nắng dầm mưa
những đêm Trăng sáng sầu man mác
mơ hồ nghe vọng tiếng người xưa…
trầm hương khói quyện còn vương lại
trống rộn chuông khua buổi hội hè
tôi trải lòng thương thời thơ dại
lời Thơ níu lại cảnh trời quê
em với tôi người đình Đa Cát
cùng chia khói bếp chiều nương mây
miếng khô cá mặn lùa cơm lạt
miếng đói no cho qua tháng ngày
em lớn lên giữa đời đạm bạc
Xóm quê nghèo bữa đói bữa no
tôi lớn lên nhói đời cơm lạt
bỏ Xóm quê giạt bước giang hồ
xa lâu lắm buồn theo lâu lắm
buổi trở về ngó lại em tôi
miếng cá khô cho nồi cơm mặn
thời gian qua em trở mặn mòi
từ đó hai mình chung duyên nợ
nồi cơm xưa ghé chuyện chúng mình
miếng cá khô mặn lòng không nở
cũng nhả mùi cho dịu ái tình
lâu lắm rồi mặn lạt em ơi
giờ hai đứa tới miền xa lạ
ngoái nhìn lại nồi cơm chín tới
miếng cá khô giờ đã trùng xa
Xóm quê xưa một thời để nhớ
một thời tôi ghé với tình em
hương thời gian muôn trùng cách trở
vẫn nao lòng thương lại Xóm quê…
Hiên Trăng khuya 20/03/2012
tháng 3 18, 2012
MƯA GIĂNG TRỜI CỐ QUẬN
Trời cuối tháng Sáu, chiều nào cũng vần vũ mây đen. Tiếng sấm gầm lan trải về hướng núi Lang Biang và thỉnh thoảng có vài tia chớp lóe. Trời Đàlạt vốn đã buồn lại càng buồn thêm. Không khí trầm lắng, sâu hút tận những ngọn đồi mù sương lảng đãng. Phố Núi buồn hiu trong chiều. Nhịp sinh hoạt muôn đời như dòng chảy chậm buồn của Đàlạt đã trở thành như một biểu tượng của sự an lành, sâu lắng nội tâm. Một nét riêng, Đàlạt.
Hương đứng nép bên hiên hiệu sách Thiên Nhiên, tránh cơn gió thốc từ cuối dốc Minh Mạng. Trời bắt đầu vần vụ mây đen. Người đi đường vội vã tìm nơi trú mưa. Phố xá bỗng trở nên ồn ào, nhốn nháo. Tiếng còi xe inh ỏi. Hương ngước nhìn bầu trời đen kịt, quyết định trở vào lại hiệu sách. Mưa sẽ đến. Hướng Cam Ly trời đã giăng trắng màn mưa. Sẽ không còn kịp cho nàng đến bến xe Lam và, sẽ không còn kịp cho lần hẹn chiều nay với Trấn.
Khi nàng bước hẳn vào bên trong thì mưa cũng vừa kéo đến, nặng hạt. Tiếng mưa rớt nhịp dồn dập trên mái ngói và mặt đường tung tóe trăm ngàn giọt nước trắng xóa, vỡ òa lan chảy. Một đám mây mù vồ chụp xuống và phút chốc thành phố chìm trong màn sương trắng mịt mờ. Tiếng động chung quanh nghe loáng thoáng, xa. Hương cố tình đi thật chậm và chăm chú nhìn những tựa sách bày trong hàng tủ kính. Nhưng nàng có thấy gì đâu ngoài những màu sắc lẫn lộn và phía sau đó, hình như thoáng hiện khuôn mặt của Trấn đang chăm chú nhìn nàng. Ánh mắt có vẻ giận, buồn. Và gì nữa ? Chờ trông ! Đúng rồi,vì rõ ràng chính lòng nàng cũng đang mang tâm trạng đó. Bất giác, nàng quay nhìn ra phía cửa. Trời vẫn giăng kín một màn sương trắng.Trăm ngàn giọt mưa vẫn rơi đều trên mái ngói,tạo nên một thứ âm thanh dồn dập,thôi thúc. Nàng khẽ thở dài, lơ đểnh cầm một cuốn sách lật từng trang chăm chú. Những hàng chữ vô tri nhảy múa trước mắt,dồn cục lại,đen ngòm. Nàng để sách lại chỗ cũ, cầm lên cuốn khác. Cũng chẳng hơn gì ! Đi hết một dãy dài tủ sách, nàng cầm lên để xuống cả chục lần. Những hàng chữ cứ vẫn nhảy múa ngoằn ngoèo.. Nàng thở dài, đi lần ra phía cửa, nhìn bâng quơ phía đầu dốc mịt mù. Những chiếc xe vội vã chạy qua dưới màn mưa trắng xóa, nước tóe lên hai bên lề đường. Thỉnh thoảng, một vài người bộ hành cúi đầu chạy lúp xúp tìm chỗ trú mưa.. Nàng để ý tới một cặp trai gái dìu nhau dưới chiếc dù xanh, bên kia đường. Chiếc dù bé nhỏ mỏng manh như muốn bật tung lên dưới những cơn gió thốc. Họ vẫn dìu nhau đi từng bước chậm, bình thản qua những hàng người đứng trú mưa bên hiên. Hình như, tất cả, đã không còn hiện diện. Chỉ còn lại tình yêu. Chỉ còn lại những bước chân dìu nhau thầm lặng dưới mưa, dưới chiếc dù xanh là một cõi trời riêng tư. Và, hơi ấm quyện lẫn vào nhau trong cái lạnh chiều Phố Núi. Tự nhiên, Hương thấy khó chịu trong người, nàng thầm ganh tức cảnh âu yếm của cặp tình nhân đó. Nàng quay mặt nhìn nơi khác, nhưng hình ảnh hai người âu yếm dìu nhau đi dưới trời mưa, cứ ám ảnh nàng không rời. Một cảm giác cô đơn len lén ngập òa làm nhói buốt con tim. Đôi mắt cay cay, nàng cúi đầu dấu nhanh dòng nước mắt, ngượng ngùng rảo bước về phía trái. Nơi đó, có một góc nhỏ vắng người. Nàng muốn đứng một mình mặc dù trong lúc này, nàng rất sợ sự cô đơn.
Cơn mưa kéo dài tưởng chừng như không bao giờ tạnh. Phố đã lên đèn. Hương sốt ruột nhìn đồng hồ, giật mình khi nghĩ tới cơn mưa vậy mà đã kéo dài hơn hai tiếng. Giờ này, chắc chắn Trấn đã không còn nơi chỗ hẹn nữa. Anh sẽ nghĩ thế nào? Chắc là phải buồn lắm ! Có biết đâu, giờ này em cũng đang đứng đây, lòng như lửa bỏng. Nàng định bụng ngày mai sẽ ra bến xe thật sớm. Ý nghĩ đó làm nàng dịu nỗi xót xa. Nàng ngước nhìn ra bầu trời đen thẩm, mưa đã không còn nặng hạt nhưng gió rít từng cơn vật vã.Thành phố đang run rẩy. Tiếng gió miết trên đường dây điện cao thế phát ra âm thanh thê thiết kéo dài,kéo dài như chừng không dứt...
Chị Ánh cầm tay Hương vội vã kéo vào nhà :
- Thôi chết,ướt hết cả rồi nè
Chị phủi những giọt mưa đọng phấn trên chiếc áo len của Hương :
- Xin lỗi nghe. Chị cứ nghĩ là ngày mai Trấn mới đi. Sáng sớm, con Lan đến cho chị biết. Ai ngờ...
Chị ngừng lại nhìn Hương dò hỏi :
- Sao rồi ? Có ra bến xe hả? Gặp nhau chứ !
Hương không nói gì, thẩn thờ ngồi xuống ghế. Chị Ánh đoán được phần nào,vội đi vào nhà bếp,vừa đi vừa nói :
-Thôi thì, chuyện nói sau. Bây giờ uống với chị ly trà nóng đã. Trà Blao chính hiệu Đỗ Hữu đây.
Hương vẫn ngồi yên lặng, thẩn thờ. Chị Ánh bưng tách
trà nóng đến bên Hương, dịu dàng:
- Chị xin lỗi nghe. Chị thật vô tâm...
Hương cố gượng vui, mĩm cười :
- Chị có lỗi gì đâu ! Là ý tốt của chị đó mà.
Chị Ánh cầm tay Hương, khẽ gật đầu :
- Chị cũng muốn cho hai em có cơ hội nhưng nghĩ lại thấy ngượng trong tình huống này. Nếu mai Trấn đi thì buổi họp mặt hôm nay mang ý nghĩa tiễn đưa. Nhưng bây giờ Trấn đi rồi, họp mặt lại chẳng khác gì vui mừng cho người đã đi xa. Chị thấy không hợp lý lắm. Nó làm sao ấy !
Hương nhìn vẻ bối rối của chị Ánh, nàng thấy thương hại :
- Thì có làm sao đâu !
Rồi nàng cao giọng :
-" Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt. Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung..."Đó, người ta lên đường đi giữ nước cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Chia xẻ niềm vui đó, cũng là điều hợp lý chứ sao
Nàng cười thành tiếng. Chị Ánh nhìn Hương, vẫn còn nghi ngờ :
- Ừ nhỉ, có vậy thôi mà chị nghĩ không được. Nhưng mà em.. có sao không? Chị chỉ sợ em buồn lại khóc.
Hương lắc đầu. Nàng trầm ngâm nhìn từng sợi khói mỏng manh bốc lên từ tách trà nóng trong tay :
- Đâu phải cứ buồn lại khóc, cứ vui lại cười ! Đôi khi, vui mừng quá cũng khóc và buồn khổ quá lại cười đó thôi !
Chị Ánh cầm lấy tay Hương, nhỏ nhẹ :
- Cũng có thể là vậy. Nhưng đàn bà vẫn cứ khóc cười theo cảm tính, không dễ dàng như em nói đâu. Em nói thử chị nghe, hiện giờ em đang vui hay đang buồn đây ?
Hương trả lời một cách hờ hững :
- Không vui mà cũng không buồn..
Chị Ánh đáp lại, dứt khoát :
- Vậy là em đang buồn đó. Chị biết mà... Thôi, bỏ qua đi. Giờ mình tính chuyện của mình. Đố em biết chị đang nghĩ gì đây ?
Không đợi Hương trả lời, chị Ánh liếng thoắng :
- Ngoài trời mưa gió thế này điều thú vị nhất của dân Đàlạt tụi mình là đổ bánh Xèo, phải không?.Ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp, chờ chực cái bánh vừa đổ xong nóng hổi. Vừa ăn vừa nói chuyện trời mây cũng là một cái thú. Một cái thú vị tuyệt vời, nhất là...
Chị bỗng giật mình khựng lại, không nói tiếp. Hương cười lên thành tiếng, nàng vui vẻ tiếp lời :
-... cho những người đang yêu và được yêu.
Chị Ánh giả bộ tròn xoe mắt :
- Không sai. Con bé này thông minh thật. Đoán được cả ý nghĩ của người ta.
Cả hai cùng bật cười. Chị Ánh lại đưa thêm một đề nghị :
- Hay là chị em mình đội mưa thả bộ lên quán bánh xèo Tăng Bạt Hổ. Ăn xong vào Ngọc Lan xem phim. Sau đó, một là ghé quán chè Đoàn Thị Điểm hai là ghé xuống xe bò-bía Ngọc Hiệp. Chọn cái nào cũng được.
Hương cảm thấy ngại phải ra ngoài trời mưa gió trong lúc này. Nhưng cái chính là nàng không muốn đến những nơi mà Trấn và nàng đã từng đến. Nàng sợ những gợi nhắc sẽ làm cho nàng thêm xót xa buồn nhớ :
- Thôi, chị ạ. Em ngại ra ngoài mưa gió lắm. Chị em mình ăn uống ở nhà đi, tự nhiên hơn.
Chị Ánh sốt sắng :
- Tùy em. Nếu vậy thì em ở nhà sắp sẵn các thứ chị đã để trong tủ. Chị phải đi xay bột. Gần đây thôi, chéo cây xăng Ngả Ba Chùa...
Khi chị Ánh đi rồi, còn lại một mình trong căn phòng im ắng, Hương cảm thấy hụt hẫng một cảm giác cô đơn. Ngoài trời vẫn mưa đều, những cơn gió vật vã rít qua khe cửa tạo những âm thanh nhức buốt. Nàng nghĩ đến Trấn, có thể giờ này chàng đã đến miền nắng ấm, bỏ lại sau lưng không khí lạnh lùng giá buốt và cơn mưa dai dẳng của trời Đàlạt. Bỏ lại rất nhiều những kỷ niệm từ những nơi chốn đã trở thành thân quen. Con đường Cộng Hòa rợp hàng thông cổ thụ và những bữa cơm bình dân Ký Túc Xá. Những chiều nắm tay nhau lang thang quanh khu Đồi Cù và lúc chung nhau ly trà chanh nóng Thủy Tạ. Khung cảnh ấm cúng của quán cà phê Tùng, sau đó phất phơ qua phố Hòa Bình đông vui trong những ngày nắng ấm, âm trầm buồn lắng trong những ngày mưa. Những buổi họp mặt đông vui bè bạn, những chàng trai Trần Hưng Đạo, những cô gái Bùi Thị Xuân vừa tốt nghiệp, ngỡ ngàng bước chân lên ngưỡng cửa Đại Học. Ly chè bột-lọc còn đọng vị ngọt ngào qua con đường Võ Tánh dọc dài theo lối Phù Đổng Thiên Vương về ngang Học Xá. Xa hơn, từ hướng núi là Đập Đa Thiện là Thung Lũng Tình Yêu với những đồi thông ngút ngàn. Vết khắc tên nàng và Trấn còn hằn dấu trên phiến đá rêu phong bên dòng thác Datanla.
Con đường đá sỏi gập ghềnh dẫn lối vào hồ Tuyền Lâm với những luống rau xanh mướt, thẳng đều dưới thung lũng. Và còn biết bao nhiêu kỷ niệm trải dài theo tháng, năm. Tình yêu nàng được nuôi dưỡng từ những kỷ niệm trong thành phố
lạnh buồn này. Mỗi nơi chốn đến và đi còn để lại những hằn vết. Đậm nét nhất là những ngày mưa dài lê thê. Tình yêu đẫm ướt từ những giọt mưa ngắn, dài đan chéo nhưng thật ấm nồng qua những con đường quen thuộc. Con dốc Hải Thượng( mà nàng thường gọi là Hai Thương) dẫn vòng qua khu Domain de Marie về khu Xóm nhỏ. Bến xe Lam cuối dốc La Sơn Phu Tử, nàng thường co ro đứng đợi chuyến xe đông người về thành phố, trong màn mưa trắng xóa...Vậy mà giờ đây, Trấn đã xa rồi. Bỏ lại thành phố những ngày mưa dài lê thê và nỗi buồn nhớ ngập tràn như cơn lũ, xô giạt nàng về những gợi nhớ xôn xao. Ở đó, nàng chỉ còn lại một mình. Cô đơn. Thầm lặng. Và, xót đau....
Có tiếng cửa mở từ phòng khách. Chị Ánh tay xách cái xô bột bước xuống nhà bếp, sôi nổi ồn ào:
- Gớm, sao mà đông người thế. Đứng đợi cả hàng dài. May là chị quen biết, được ưu tiên (chị nhún vai, cười khẩy ) đúng là nhất thân nhì thế, chẳng ra làm sao cả.
Hương vội vàng đón lấy xô bột từ tay chị Ánh, đặt xuống cạnh lò than. Nàng cố gượng cười, nói đùa :
- Đã chuẩn bị xong các thứ rồi. Bây giờ phải làm tiếp gì đây, thưa...bà nội tướng...
Chị Ánh cười thoải mái:
- Đã Bà nội rồi, còn thêm Tướng nữa. Chức nào cũng to cả. Cái cô bé này thiệt đúng là chữ với nghĩa, lắt léo đến là hay
Rồi chị nhìn quanh các thứ, tỏ vẻ bằng lòng :
- Giỏi lắm. Bây giờ chị bắt đầu...xắn tay đây. Em xắt giùm chị một ít ớt. Ăn bánh Xèo phải thật là cay, cay đến chảy nước mắt nước mũi ra mới thấy thú vị. Đó là một trong những lý do mà người ta thích ăn uống ở nhà để được tự nhiên, được thoải mái, được khỏi phải lịch sự với mọi người và được no cái bụng, no cành
Cả hai cùng cười vui vẻ. Hương chọn mấy trái ớt đỏ, no tròn từ trong rổ, đi về phía góc bếp. Mùi dầu mỡ đã bắt đầu lan tỏa trong phòng. Chị Ánh yên lặng, cắm cúi trong công việc. Ngoài trời, mưa vẫn tầm tả. Gió trở mạnh. Hương thẩn thờ nhìn mấy trái ớt nằm trơ vơ trên mặt thớt, thoáng nghe tiếng gió rít qua khe cửa,tiếng cành cây đập mạnh vào mái hiên như lay gọi. Nàng lại xót xa nhớ đến những ngày mưa gió dầm dề khi nàng còn có Trấn bên cạnh, còn có sự vỗ về êm ấm để nàng không cảm nhận được sự cô đơn trống vắng như hiện giờ. Nước mắt tự nhiên lăn dài trên má. Nàng nhớ Trấn, nhớ đến lặng cả người. Có tiếng chị Ánh thoang thoáng bên tai :
- Hình như có ai đang gọi cửa. Để chị ra xem.
Căn phòng bỗng ngập ùa hơi gió lạnh. Tiếng chị Ánh kêu lên thảng thốt. Hương giật mình, bật đứng dậy. Vừa lúc đó, có tiếng nói ồn ào, vừa thoáng nghe Hương đã sững người, bất động. Tim nàng đập rộn ràng.
- Xe xuống Bảo Lộc ngừng đón khách, em quyết định đón xe trở về. Nhất định em phải gặp Hương rồi em mới đi. Lần này, chị phải giúp em
Nghe tiếng chị Ánh cười vui vẻ :
- Nhất định, nhất định. Chị phải giúp rồi. Nhưng trước tiên, các em phải giúp chị đã...
Rồi chị cao giọng hướng về phía trong :
- Hương ơi ! Ra phụ với chị tiếp đãi ông khách lỡ độ đường. Ông ấy mới từ Bảo Lộc về đấy...
Tôi có đến tham dự " Ngày Họp Mặt Đàlạt" truyền thống hàng năm. Đến địa điểm, vừa xuống xe, Nhà tôi đã "lặn" đi đâu mất tiêu ! Có lẽ đang nôn nóng đi tìm mấy người bạn cũ. Cựu dân Bùi Thị Xuân mà. Như rồng gặp mây, như cá gặp nước. Mà cũng đúng thôi, một măm chỉ có một ngày để mà đưa nhau về thăm Đàlạt. Thăm lại cái thời xuân trẻ xa xưa, ngẩn ngơ nhớ lại mái tóc thề, nhớ vẻ yểu điệu thướt tha tà áo trắng, cười nói hồn nhiên, yêu đời phải biết !
Mọi người đã đến khá đông. Tiếng cười nói xôn xao rộn cả lòng. Tôi được anh Tiến đón đầu tiên. Anh vồn vã :
- Đến đây, đến đây. Có người ái mộ đấy !
Tôi bắt tay anh, xiết chặt :
- Thôi, ông Tướng ơi ! Đừng có làm lớn chuyện. Ông lại bày vẽ, thêm thắt gì đây ?
Anh Tiến cười, vỗ vỗ vai tôi :
- Không đùa đâu. Có người muốn gặp đấy. Đằng kia kìa, nhanh chân lên kẻo lại mất phần.
Tôi được giới thiệu và quen biết chị Hương trong trường hợp đó. Chị dáng người thon thả, gương mặt thanh tú và đặc biệt, có đôi mắt rất buồn. Mái tóc chị đã gần như bạc trắng,được bới xén cẩn thận. Chị ăn nói nhỏ nhẹ và hình như, rất là thích nói chuyện. Biết tôi người ở Khu số Bốn, một cái xóm nhỏ cách trung tâm thành phố 4 cây số nên thường được gọi là như vậy, cho nên chị muốn được gặp. Nguyên do chính cũng từ anh Trấn mà ra. Anh Trấn, thì tôi có biết vì cũng cùng là dân Khu Số Bốn với nhau. Nhà anh ở cuối dốc Ngô Quyền gần Khuôn hội Tuệ Quang. Trước nhà anh có cây ổi, tới mùa trái trĩu cả cành trông thiệt là hấp dẫn. Anh học trên tôi rất nhiều lớp, cũng là dân Trần Hưng Đạo cả. Tôi còn nhớ cứ mỗi năm vào mùa ổi đi ngang qua nhà anh thì cứ phải đứng lại nhìn ngắm những trái trĩu cành, ao ước thòm thèm không muốn bước chân đi. May mắn lúc nào có anh thơ thẩn đứng trong sân, thế nào anh cũng cười cười và nói đùa :
- Thế nào ? Mua bao nhiêu đây, chú em ?
Thấy tôi đứng tần ngần, anh cười khoái chí, vít cành ổi xuống chọn những trái no tròn vàng bóng đưa tôi. Có hôm còn vào nhà lấy cho tôi cả gói muối ớt. Vì vậy, nên cứ tới mùa ổi là tôi thường cố tình đi ngang qua nhà anh, mong mỏi được gặp anh đứng thơ thẩn trong sân để nhận từ tay anh từng trái ổi no tròn vàng bóng. Sau này, anh lên đường nhập ngũ. Chú học trò bé nhỏ là tôi cũng lớn rồi, mỗi lần đi ngang qua nhà anh, không còn có cái cảm giác ao ước thèm thuồng như ngày nào nữa.
Sau Mậu Thân 1968 biết tin anh tử trận ở chiến trường cao nguyên, lúc đó tôi cũng đã dời xa Đàlạt. Với anh, tôi chỉ có chừng đó điều nhắc nhớ. Nhưng với chị Hương, thì không. Suốt cả
một buổi chị hỏi tôi đủ điều và kể cho tôi nghe đủ chuyện về anh Trấn. Chị rất vui thích câu chuyện về những trái ổi mà anh Trấn cho tôi. Tôi nhận biết một điều rất thú vị là chị thương nhớ cái khu xóm nhỏ của tôi bằng một tình cảm thật nồng nàn, chan chứa. Chị say sưa gợi nhắc lại từ những nơi chốn rất nhỏ nhặt làm như chính chị đã từng sinh ra và lớn lên từ khu xóm ấy. Những con đường mòn ngang dọc rậm rạp cỏ tranh gai, cỏ cú đi sâu vào khu Lãnh Địa Đức Bà chị vẫn còn nhớ. Những bụi Quỳ Hương hoa vàng rộ nở mùa Đông dọc dài theo con dốc bên hông Chùa Linh Quang, chị cũng không quên. Đến cả cái hố rác Bà Sơ sâu hút cuối con dốc Chợ Chiều và những bụi Sim dại mọc đầy dưới chân núi Trọc, phủ lấp con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn vào thác Cam Ly Hạ, chị cũng ngọn ngành không bỏ sót...Mấy mươi năm rồi, ít gì đâu ! Cái Khu số Bốn, cái xóm nhỏ của tôi, đã có nhiều thay đổi theo thế sự thăng trầm. Nhưng tôi biết là trong trí nhớ của chị chỉ có ngày xưa. Và trong cái-ngày- xưa đó có hình ảnh của anh Trấn. Có mối tình đầu chị để lại và, giữ mãi cho tới bây giờ...
Chị nói chuyện say sưa đến quá trưa, than mệt và xin được cáo từ. Tôi ý tứ quay nhìn đi chổ khác để chị tự nhiên lau nhanh dòng nước mắt. Trước khi dợm bước, chị còn nói với tôi :
- Cái buổi trời mưa đó là lần cuối cùng...
Rồi chị bước đi. Không lời giã từ. Không hẹn lần gặp. Không để cả số phone.
*
Từ sau lần gặp chị, tôi viết câu chuyện này khi nhớ về Đàlạt, nhớ mấy trái ổi của anh Trấn cho, nhớ câu chuyện tình thật đẹp mà chị Hương tâm sự ngày nào !
Với Đàlạt, tôi viết cho vợi lòng thương nhớ. Với anh Trấn, để thầm cảm ơn anh tình-trái-ổi ngày xưa và với chị Hương, để chị đọc như là một chia xẻ ngậm ngùi
" Ngày Họp Mặt Đàlạt" năm sau ,tôi háo hức trở lại chốn xưa, tìm đến chỗ chị Hương ngồi năm trước...
Nhưng chị đã thật sự đi rồi, đi xa, quá mịt mù xa ! Không lời nói giã từ, không bao giờ hẹn lần gặp lại. Và,chắc chắn bây giờ, chị đã không cần đến số phone....
( Trích XÓM ĐÌNH ĐA CÁT, tuyển tập thơ văn 2000 )
tháng 3 16, 2012
ĐÀ LẠT MỘT THỜI ĐÃ LẠC
( ngó bên phải, đầu dốc (dốc này là dốc Duy Tân), là tiệm bành mì Wĩnh Chấn, đi xéo tới rồi qua ngang đường là đầu cầu thang xuống Chợ Mới, có nhiều rất nhiều lò than đang nướng bắp(nếp)thoa mỡ hành nóng hổi
thôi em về lại làm chi nữa
thà ở đây mình quày ngó lui
chốn cũ đã tanh bành ra rứa
chỉ ngó quày lui đủ ngậm ngùi !
huống chi về lại nhìn tận mặt
e buồn không biết bỏ vô đâu
mình dân Đà lạt xa Đà lạt
cũng tại vì thương hải bể dâu !
ai đời Đà lạt giờ se nóng
không còn se lạnh cả bốn mùa
chiếc áo laine xưa giờ quá rộng
hay là chật quá mặc không vừa !
ai ngờ Đà lạt giờ tranh sống
quá xô bồ bát nháo đảo điên
thương lại những chiều tình qua phố
tà áo em tha thướt phố hiền !
tôi lòng đau em có đau không
dấu xưa đã mất của hai mình
một thuở gót hài em gió lộng
lòng tôi cũng miết rượt níu tình !
hai mình cũng là dân Đà lạt
cạp chung trái bắp nướng mỡ hành
bẻ chia ổ bánh mì Wĩnh Chấn
dìu nhau đi giữa trời se lạnh !
Đà lạt một thời xưa đã lạc
về chi em để cạp nỗi buồn
thà ngó lại dẫu lòng ngơ ngác
tình vẫn còn giú được niềm thương !...
Hiên Trăng
đêm 16/03/12
tháng 3 13, 2012
EM ƠI ! ĐÀ LẠT ĐÃ XA RỒI.
Em ơi !
lâu không thèm nhớ về Đà lạt
mà có gì đâu để nhớ mong
nơi chốn bình an nay đã mất
những đổi thay đau xót cả lòng
bầy chim Sẻ nhỏ buồn bay khuất
bởi mái Đình xưa đã chẳng còn
cái lạnh làm nên trời Đà lạt
đã râm ran nóng giữa người đông
em xưa thanh thản về qua phố
tha thướt đôi tà áo trắng lay
giờ đây phố đã bày nhốn nháo
người ở phương nào về nơi đây!
người ơi người ở từ phương lạ
vào đây tranh sống giết tình tôi
tôi vốn quê tôi là Đà lạt
bể dâu thương hải phải xa rời !
khi đi bỏ sót tình quê lại
hẹn một lần nhớ gợi hương xưa
tới lúc trở về thương Đàlạt
thì đã rồi gội nắng dầm mưa !
khi tôi đứng cầu thang Chợ Mới
nhìn cảnh bon chen lại thấm buồn
khi tôi qua ngả cầu Ông Đạo
hồ Xuân Hương hẹn sẽ khô dòng !
hàng Mai dốc Chợ sầu nín nhịn
quán Hạnh Tâm xưa giấu mất rồi
vạt nắng vàng ươm cây Phượng tím
chiều vô tình trôi dòng ngược xuôi !
vô cà phê Tùng xa lạnh quá
bạn bè đâu ngày tháng xưa đâu
chỉ hai mình sớm mơi Đà lạt
ngồi bên nhau dưng buồn ngó nhau
khi trở lại dốc dài Minh Mạng
nhớ-thèm-thương một dĩa bánh Xèo
tình yêu tôi trộn mưa Đà lạt
hương bánh Xèo tôi níu em theo
để nhớ chiều bước xuống xe Lam
em còn níu tay tôi bịn rịn
bến xe Lam cũng rồi mất dấu
chỉ còn tôi em cứ níu tình
lâu lắm rồi về qua chốn cũ
bỗng giật mình chốn cũ là đâu
đi xa rồi tìm thương tìm nhớ
mới ghét đời thương hải bể dâu !
Đà lạt ngày xưa đã lạc hồn
chỉ còn thể xác dật dờ trôi
giận buổi về chi cho thêm rộn
thà xa vạn dặm nhớ thương thôi !...
Hiên Trăng
03/2012
tháng 3 11, 2012
HỒ TRƯỜNG
gởi về Thôn Thiện Chí, Đại Ninh ( Đà lạt - Lâm Đồng ) khi viết truyện này là mượn khung cảnh từ nơi ấy !
Mọi việc đã chuẩn bị phân công rõ ràng, ông Mẹo yên tâm vô giường nằm. Trời hừng hực như có hơi than. Cơn bão chi mà quái ác, ảnh hưởng tới toàn thế giới chớ phải chơi đâu ! Ông vừa quạt mát, vừa suy nghĩ coi còn có gì chưa kịp tính ra. Không còn gì nữa, nhưng mà hơi khó chịu một chút với thằng cha Nẫm. Rõ ràng hồi chiều hắn bắt chẹt mình, đòi hỏi có hơi quá đáng. Mộ chôn hơn hai chục năm rồi chớ có mới mẻ gì! Ông định làm tới, không thèm thuê mướn mất công. Bắt mấy thằng cháu tự đào tự bốc cũng được. Nhưng mà nghĩ tới vong hồn của chú nó chắc sẽ không vui, với lại thằng Thẻo nó gởi tiền về, nó nhờ cậy. Trong thơ có dặn là phải chụp hình rồi gởi qua cho nó. Kẹt cái vụ phim ảnh cho nên phải nghiêm chỉnh, không thể qua loa lấy có . Ông bấm bụng làm vui nhưng mà giận lắm! Giận luôn mấy cha cán bộ trên Tỉnh, giận tới cả mấy tên ở Thị xã với lại cái đám cò ke lục chốt hạ tầng. Miếng đất hồi nào tới giờ chôn cất bà con chòm xóm có hàng có lớp. Mỗi năm giỗ chạp, hương khói ngạt ngào. Người sống tới lui gởi niềm thương nỗi nhớ với người khuất mặt. Nó đã trở thành một mảnh đất thiêng liêng gắn bó đời sống tình cảm của bà con. Vậy mà đùng một cái, có lệnh giải tỏa để dự trù xây dựng một nhà máy chế biến bột sắn mì xuất khẩu...có tầm cỡ quốc tế! Mấy cha này bàn chuyện trên mây chắc!
Bốn cái Thôn này gộp lại có bằng nhúm. Phần đất bằng, trũng dành trồng lúa. Đất gò đồi trồng củ sắn mì xen kẽ với bắp cứu đói. Ăn còn không muốn đủ nữa, nói gì tới chuyện xuất khẩu?. Nói thiệt, có Trời thương, mỗi năm bà con chỉ mập mạnh đỏ hồng được một mùa. Đó là mùa bắp. Bắp nếp. Thứ này ăn thay gạo được. Tới bữa, cứ làm xổi mấy trái bắp luộc vừa trẩy ngoài rẫy. Khỏi phải tốn thức ăn giặm lại ngọt dẽo thơm ngon. Ăn mạnh miệng chớ không e dè cắn đắn như đong gạo nấu cơm. Được đâu một mùa cho là khoảng hai, ba tháng, rồi lại xẹp lép với ba lát sắn mì độn gạo. Lại thêm tốn thức ăn mặn để đưa cho trôi.
Mà cũng khó nuốt lắm!
Sau này, chắc là thấy dân ăn dữ dằn quá, không có ích lợi chi cho Nhà nước nên trên mới chỉ thị xuống dưới là phải trồng bắp chăn nuôi. Họp hành mấy đêm liền để “đả thông tư tưởng”. Luận điệu cứ cũ mèm, không cần bàn thảo góp ý. Bà con cứ việc trả bài cho thuộc là bắp chăn nuôi có thể...xuất khẩu được. Bắp chăn nuôi có điều kiện phát triển mạnh về mặt chăn nuôi heo, gà, vịt...( còn trâu, bò thì sẵn cỏ thiên nhiên ưu đãi, khỏi phải bàn). Bắp chăn nuôi có ưu điểm vượt trội là dễ trồng, không cần nhiều phân tro mà lại có mức thu hoạch cao ( có nghĩa là gieo đâu mọc đó). Ờ, vậy thì trồng bắp chăn nuôi. Người người thi đua. Nhà nhà thi đua phát động phong trào. Tới mùa thu hoạch chờ Nhà nước cho cán bộ thương nghiệp xuống thu mua với giá tượng trưng thắt cổ. Có mùa, chờ hoài không thấy ma nào tới. Bắp muốn lên mốc xanh, nẩy mầm trở lại. Phơi thêm mấy nắng để rồi cứ đợi, cứ chờ….Thiệt, chưa thấy ở đâu cán bộ Nhà nước xuống mà mừng như thấy người thân ở xa mới về, như ở đây!
Chưa nói tới chuyện đường sá lưu thông!
Dọc đường liên tỉnh, rẽ nhánh vô Thôn là con đường đất nắng bụi mưa bùn, ổ voi ổ gà như hố mìn thời chiến. Mỗi tuần có hai chuyến xe hàng thay phiên phục vụ bà con chở muối mắm rau hạt với lại các thứ nông cụ. Toàn là lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao, rựa...chớ có máy móc gì đâu! Tội nghiệp chiếc xe già khú, nêm cứng người. Lớp thì hàng hóa trên trần xe cao nghệu. Lớp thì đám thanh niên đeo kín hai bên, đánh đu tòn ten như làm trò xiếc. Tới ổ voi khó vượt, lại xuống xe hè nhau mà đẩy phụ. La hét om sòm. Chuyến xe vô tới thôn Đông, nghỉ xả hơi đâu chừng hai tiếng rồi đón khách trở ra. Vô đông.Ra ít.Có khi lèo tèo mấy mống, ngồi nằm thoải mái
Mùa mưa thì vô phương, cả tháng mới có chuyến. Bánh xe bọc xích mà cứ sàng qua sàng lại như người say rượu. Đường bùn lầy trơn trợt, đi bộ còn muốn té, huống chi...
Còn một phương tiện lưu thông nữa là đi đò, nhưng mà bất tiện lắm. Không có mang xách cồng kềnh, chỉ một thân một mình với túi hành trang gọn, nhẹ. Phương tiện này giành được khách là mấy bà chữa đẻ, mấy cô phấn son đỏ chót ăn bận hoa hòe lên Thị xã dự đám tiệc, đám cưới. Thỉnh thoảng còn rước những kẻ phương xa ghé về Thôn thăm thân nhân họ hàng.
Tới mùa mưa thì cũng vô phương. Nước sông dâng cao chảy xiết, đục ngầu đất phù sa. Chỉ nhìn thôi cũng đủ khiếp vía bạt hồn. Dại dột qua đò mùa này thì đừng có trách sao Hà bá tham ăn...
Vậy thì nhà máy chế biến bột sắn mì xuất khẩu bao giờ sẽ được thực hiện đây, cho bà con được nhờ cậy chút đỉnh! Ít ra, cũng sẽ có con đường tráng nhựa ra vô thoải mái, đỡ cơ cực hai mùa mưa nắng. Còn cái chuyện xuất khẩu với lại chế biến gì gì đó, thì tính sau.
Nghĩ tới đó thôi, ông Mẹo bực mình “xì” một tiếng cho hả. Bà Mẹo, nằm bên cạnh, giật mình hỏi :
- Bộ nóng ngủ không được sao ?
Ông Mẹo trở mình, quạt phành phạch :
- Ngủ nghê gì được. Đang nghĩ tới chuyện ngày mai đây! Không biết phái đoàn mấy ông phim ảnh gì đó có vô đúng...hợp đồng không á?
- Vô chớ. Nghe thằng Chín nhắn là mấy ông đi Honda vô mà. Mùa khô hạn, đường sá khô rang...
- Ừa, rồi con heo quay? Bà dặn dò tụi nó ra sao ?
- Cũng vô luôn. Thằng Ron nằm chờ ngoài Thị xã. Mơi sớm đưa qua đường sông rồi gánh vô.
- Còn mấy chai rượu, nhang đèn, giấy đốt..
- Đủ hết rồi, ông lo chi. Ngủ đi mà, mai còn lo chuyện cho chú nó.
Ông Mẹo trở mình :
- Ừa, nhưng mà nghĩ còn ức thằng cha Nẫm. Rõ ràng nó bắt chẹt mình mà. Tui tính...
- Thôi mà, ông. Chuyện trên đầu trên cổ với lại cũng bàn tính hết trơn rồi. Thằng Thẻo nó gởi về là theo nguyện vọng của nó. Phần mình chỉ có chút công lao đóng góp vậy mà. Ngủ đi ông, mai còn lo chuyện...
Ông Mẹo còn ấm ức trong bụng, nói vớt một câu cho đỡ tức :
- Hứ, tiền rừng bạc bể chắc...
Mấy con muỗi vo ve đậu ngoài mùng tìm kẽ hở chun vô. Trời đêm im ắng, có tiếng con chim heo kêu “ụt ụt” vang thoảng từ bến sông xa...
***
Tờ mờ sáng đã thấy đông đủ con cháu tụ tập. Ông Mẹo dậy sớm và như thường lệ, rón rén vô phía sau bàn thờ mở chai đế tu một hơi xúc miệng. Từ lúc đợi con cháu tới cho đông đủ, đâu chừng cũng đặng ba hơi rồi. Người hơi nóng, giọng nói có phần sôi nổi.
Mấy bà tới lui lo nấu xôi chè dưới nhà bếp. Tiếng cười đùa rôm rả như ngày giỗ Họ. Mấy anh con trai thì lo chuẩn bị các thứ theo phần việc của mình. Nghe nói có được bữa ăn sáng cho chắc bụng trước khi ra quân cho nên cũng có ý chờ.
Một đỗi sau, có tin báo từ mấy đứa con nít quanh Thôn là heo quay đã ghé bến, đang gánh vô. Ông Mẹo đứng ở cửa, mặt mày có vẻ nghiêm trọng. Nằm mơ cũng không dám tưởng tượng nổi có một ngày ông lại được con heo quay trong nhà. Vậy mà, giờ đây có con heo quay gánh vô rồi đó. Nghĩ tới miếng da heo vàng lườm tươm mỡ, ông nuốt nước miếng không kịp. Thứ này mà chơi mấy ngụm “Huê cơ Huê cót” chi đó của thằng Thẻo gởi về chắc là muốn tới...thiên đường luôn!
Có tiếng con nít la ó inh tai ngoài cổng. Ông Mẹo háo hức ngó ra. Thằng Ron với thằng Thửng đang ì ạch gánh con heo quay vô, phía sau đám con nít bu đen nghẹt. Có thằng Chìa cầm cây roi đi hộ tống, sợ mấy đứa con nít nhào vô làm sảng. Mấy bà đang lui cui dưới bếp cũng túa ra coi... mặt con heo quay.
Thiệt y như là đám rước ông Trạng về làng.
Con heo được trịnh trọng đặt trên cái bàn to bày sẵn giữa nhà. Ông Mẹo tằng hắng mấy tiếng cho thông...nước miếng, bước tới săm soi chăm chú giữa cái không khí đột nhiên im lặng và những đôi mắt nhìn ngó theo dõi của mọi người. Một đỗi lâu, Ông ngước nhìn lên, gật gù trịnh trọng tuyên bố :
- Được, không thiếu
Không thiếu đây là không thiếu bộ đồ lòng. Tính ông ưa đa nghi. Với lại thiếu bộ đồ lòng thì mấy ly rượu chắc là cũng không... đậm đà lắm...
Vừa lúc đó, có tiếng Honda ngoài cổng. Phái đoàn phim ảnh vô.
Đám con nít lại quay ngược ra sân, chen nhau háo hức nhìn ngó. Phái đoàn gì đâu! Chỉ có trơ một mống đầu tóc mặt mũi vàng rôm vì bụi đường. Cặp kính đen to chảng cũng đóng một lớp bụi vàng. Chiếc quần bò với cái áo pull cũng vàng mốc. Tay này trông có vẻ như mấy tay phóng viên nhà báo, đeo xách đùm đề. Con mắt láo liêng, chắc là do thói quen nghề nghiệp. Đám con nít vòng trong bu quanh nhìn ngó thả giàn.
Tiếp tới, lại nghe tiếng reo hò chói lói của đám con nít vòng ngoài. Phái đoàn lo việc cải táng tới.
Mới nhìn ra, tưởng là đám bán thuốc Sơn đông. Đi đầu là tay Nẫm, tướng tá ốm o như con gà mắc dây thun. Nhưng bữa nay ngó bộ cũng ra vẻ dữ! Bộ quần áo đen viền đỏ. Quần bó xà-cạp. Chân đi bata nội địa. Đầu thắt quanh một giải dây đỏ, hai đầu dây buông thõng xuống vai phất phơ theo gió. Bốn tay đàn em cũng đồng phục y chang. Có điều, tay nào cũng to con lớn xác, khác với...chủ tướng Nẫm. Dân miệt ruộng đồng mà! Ngày thường thì lên rẫy xuống đồng cày thuê cuốc mướn. Có dịp đặc biệt như hôm nay thì tụ lại trước làm việc nghỉa sau kiếm chút đỉnh giắt lưng. Gặp nhà chủ là tay hào phóng thì rượu thịt thỏa thuê một bữa. Gặp nơi khổ chủ túng thiếu thì cũng làm chiếu lệ lấy tiền tự ra quán đãi nhau một chầu. Dạo sau này làm ăn khấm khá vì có lệnh trên giải tỏa khu nghĩa địa Thôn Đông, Thôn Tây và Thôn Trung Nghĩa. Có ruợu thịt đều đều trả bữa. Trúng thêm mối nhà ông Mẹo này, coi như thắng lớn là cái chắc. Bởi nhà có hơi hướm đô la thì phải khác chớ !
Do vậy, ông Nẫm đã dặn dò đàn em rất kỹ trước khi ra quân. Phải làm gọn, đẹp để nhà chủ nhả ra mà không tiếc. Đồng tiền thì nó liền khúc ruột. Nghiệt cái là thằng chả gặp đâu gây đó. Của đau con xót là lẽ thường tình nhưng cũng vừa phải thôi chớ!
Đám con nít vòng ngoài cũng nhập vô sân nhìn ngó cho rõ. Chen lấn, la hét om sòm như họp chợ. Ông Mẹo đứng trên thềm nhà, khẽ liếc vô con heo quay rồi nhìn đám người vừa mới tới. Trong bụng thì thấy ưng, nhưng ngoài mặt làm ra vẻ bất cần. Muốn gây rồi!
- Cha, bữa nay ngó anh Bốn khác lạ.
Rồi ông day mặt qua phía khác, nói trỏng :
- Cũng đúng thôi! Cho đáng đồng tiền bát gạo mà.
Ông Nẫm nghe câu nói đó, đứng sượng trân. Ông dằn bụng, cố nở một nụ cười theo đúng bài bản :
- Dà, thì bát sành bát kiểu khác nhau. Với lại, lâu ông anh nhờ tới, phải khác người ta chút chớ.
Ông Mẹo trong lòng còn bực bội, nói mát :
- Ủa, vậy là tui khác người ta lắm hả ?
Tức thì, ông Nẫm trả miếng lại liền :
- Khác nhiều chớ. Ông Trời còn có khi mưa khi nắng. Con người ta cũng có lúc này lúc nọ. Bây giờ anh Hai đã khác xưa lắm rồi. Có điều...
Ông cố tình bỏ lửng câu nói. Tình hình trở nên gay go. Ông Mẹo mặt mày đỏ tía sửa soạn đốp chát. May là bà vợ đứng bên cạnh theo dõi từ nãy đến giờ, cản lại:
- Thôi ông,tới giờ rồi.Thầy Sáu đã định giờ tốt,trễ không nên.
Ông Mẹo xẹp lốp “xì” một tiếng, gỡ gạc một câu cho đỡ tức :
- Lại thêm ông Thầy nữa! Sao mà...Tiền rừng bạc bể chắc.
Rồi ông quay ngoắt vô nhà, nôn nả tới sau bàn thờ làm một ngụm.
Nắng lên quá lũy tre. Đám đàn bà lăng xăng chạy tới chạy lui lo trầu nước cho số người đi dự đám cải táng chú Tư Tỵ, em ông Hai Mẹo. Con nít ồn ào xô đẩy, giành giựt uống ké nước chanh đường để sẵn trong cái thùng thường dùng để nấu bánh tét. Rõ ràng tụi nó uống lấy no làm bà Mẹo cứ chạy lui chạy tới, cản không kịp. Anh thợ chụp hình đứng lên ngồi xuống nháy lia lịa. Có phim là có tiền mà. Giao hẹn trước rồi! Mấy bà, mấy cô cố tình đi qua đi lại trước ống kính làm dáng làm điệu và cười rất tươi. Đi lo chuyện cải táng mà làm như đi dự đám cưới, đám tiệc không bằng !
Ông Nẫm thì đang tả xung hữu đột hò hét om sòm. Mấy tay đàn em hiểu ý, đào xúc hối hả. Anh nào anh nấy mồ hôi nhễ nhại, ở trần trùng trục chẳng còn nghiêm chỉnh áo mũ gì nữa. Đất dập xuống, mặc dù đã lâu nhưng vẫn còn xốp đâu có chắc thịt như đất mới đào. Màu mè chút đỉnh mà. Kiểu dơ cao đánh khẽ. Nhưng mà trời nóng quá lại thêm tiếng ồn ào như vỡ chợ, khích động mấy cánh tay gân guốc miệt vườn nhịp nhàng như cái máy.
Chỉ có con heo quay vàng lườm là im lặng, buồn hiu bên mấy lề giấy vàng bạc và mịt mù hương khói.
Cả ông Hai Mẹo nữa!
Ông ngồi xếp bằng trên gò cao, có thằng Thửng đứng bên cầm dù che nắng. Mặt mày đã thấy đỏ. Chai rượu Johny Walker để trước mặt với hai cái ly nhỏ sóng sánh chất rượu thiệt hấp dẫn. Một ly cho ông và một ly dành cho chú Tư nó. Lát nữa đây thôi, chú lại nhìn thấy dương gian thì mời chú một ly gọi là phút giây tương ngộ. Âm dương cách trở, dịp trùng phùng cũng là dịp anh em tâm sự. Ông khẽ thở dài, với tay nâng ly rượu làm ngọt một hơi. Mùi rượu thơm lừng, vị nồng cay tê đầu lưỡi, nóng ran xuống từng khúc ruột. Ông lại rót tiếp một ly đầy, suy nghĩ mông lung về cuộc tử sinh, cảnh đời dâu bể. Mắt ông cay cay. Một cảm giác xốn xang, ray rức lôi kéo ông về lại những tháng ngày xưa cũ...
Hai anh em ông lưu lạc phương trời đến mảnh đất này theo đám đào vàng. Láng trại đầu tiên được dựng lên sơ sài ở thượng nguồn Sông Lớn. Hàng ngày đào sâu xuống lòng đất lấy lớp sái gồm đá cát trộn lẫn nhau rồi đem ra sông đãi gạn lấy vàng. Chỉ
là vàng cám, nhỏ li ti. Cả một thùng sái lớn chỉ đãi gạn đâu được chừng vài hạt nhỏ như đầu tăm. Công việc thiệt là cực khổ và đầy dẫy sự hiểm nguy. Lớp thì sợ sụp hầm. Lớp thì lo bệnh sốt rét.
Nhưng mà đói quá thì đầu gối phải bò. Hết đám người này chán nản bỏ đi, đám người khác lại hăng hái tìm tới. Cả một khoảng dài ven sông lở lói do đào bới, dập vùi lớp này qua lớp khác. Rừng măng le đã có lối mòn ngang dọc. Con sông cũng có bến phà đưa người qua kẻ lại. Quán hàng dựng lên để trao đổi thực phẩm. Để đón người mới đến và tiễn người cũ ra đi. Chú Tư Tỵ, em ông, là chủ phà còn ông là chủ quán. Hai anh em quyết bám trụ nơi mảnh đất này, đương đầu với đám người tứ xứ. Thôi thì đủ hạng người. Kẻ thì hiền hòa chất phác tìm tới đây vì chén cơm manh áo thật lòng. Người thì mặt xanh nanh vàng thích lấy chuyện ngang ngược mà đối xử với nhau. Ông trở thành con tắc kè. Ở trên cây thì trổ màu xanh, xuống đất thì ra màu nâu sậm. Khi cương lúc nhu, thoái bộ nhịp nhàng. Cuộc tranh sống đã dạy cho ông biết lúc nào cần gian dối lọc lừa, lúc nào cần thật thà chất phác để luồn lách qua những hiểm nguy luôn chực chờ. Thiệt đúng là vàng máu pha chung chớ đâu có dễ gì!
Riết rồi ông cũng không còn nhận ra ông nữa! Nhiều lúc cứ tự hỏi mình có phải là tay Hai Mẹo đó không và em ông, có phải là chú Tư Tỵ? Hai con người cùng khổ,bỏ làng bỏ xóm để tha phương cầu thực! Thiệt tình chỉ muốn kiếm miếng ăn nuôi thân chớ đâu có muốn vì miếng ăn mà trở lòng đổi dạ ra nông nổi là con tắc kè xanh-đỏ-tím-vàng!
Cũng may là cơn sốt vàng chỉ rộ lên một khoảng thời gian rồi hạ xuống. Lạnh tanh. Chỉ tội nghiệp khúc sông lở lói những hố hầm như bị băm vằm trăm mảnh. Từng đám người theo nhau lục tục ra đi chỉ còn lại một ít bám trụ, kiếm sống. Trời đất bao la, đi cho cùng kiệt thì cũng vậy thôi. Vàng đã phụ người, nhưng Đất, chắc là không. Hai anh em ông cùng với một số người ở lại phá rừng làm rẫy. Đất gò cao trồng bắp, đậu. Đất trũng nước gieo mạ, cấy lúa. Mùa đầu thu hoạch, nhìn nhau cười mừng mà rơi nước mắt. Mảnh đất tang thương đã thành nhịp sống mới. Cuộc đời nới rộng tầm tay đón người cùng khổ tha phương. Nhà cửa dựng lên. Thôn xóm hình thành. Tiếng khóc tiếng cười của đám con nít làm sinh động, khởi sắc nơi chốn xưa vốn thâm u khuất
lấp.Ông Mẹo lại khẽ thở dài nghĩ tới số người bám trụ ngày xưa đó, giờ đây còn có bao nhiêu!
Ông Chín Rựa bị cọp vồ mất xác ở thượng nguồn. Cô Ba Sang, theo đám người ngậm-ngải-tìm-trầm sau mùa bắp rẫy thứ hai, rồi biệt tăm biệt tích. Cô Năm Thiệt, giờ là vợ ông. Chú Tư thợ mộc, mang căn bệnh tê liệt nửa người từ khi bị cây đè lúc lên rừng xẻ gỗ dựng nhà. Bây giờ chú nằm một chỗ, hát hò suốt ngày cho nguôi khuây. Chú Tư Tỵ, em ông, đã nằm xuống sau một cơn sốt xuất huyết. Vợ chú bỏ đi liền sau đó, để lại thằng Thẻo. Ông buồn bực chuyện này lắm, trách Ông Trời sao nỡ để chú lâm vòng khổ nạn. Chú hiền như cục đất, ai nói chi cũng cứ nhe răng cười. Rồi còn ai nữa? À, ông nhớ tới một người nữa. Con người mau mắn, miệng nói tay làm. Đã từng một thời chia bùi xẻ ngọt, dầm mưa đội nắng cùng ông trên mảnh đất hoang vu chưa có dấu chân người. Trong gian nan khổ cực anh em vẫn quyết bám lấy nhau cho tới ngày hôm nay. Bữa đói cùng chia, bữa no cùng san sẻ. Thiệt như tình anh em thủ túc chớ phải chơi! Qua bao cảnh đời thay đổi vẫn giữ trọn sắt son tình nghĩa. Chỉ từ khi bắt được hơi tiền ngoại, ông tự thấy trong lòng lần hồi có sự đổi thay khác lạ. Mỗi ngày một chút, lâu rồi thành cơn bệnh trầm kha, khó bề chữa chạy. Cũng tại vì đói rách cùng khổ quá mà sinh hôn mê lú lẩn đó chăng! Đúng là bần cùng sinh đạo tặc. Con tắc kè xanh-đỏ-tím-vàng năm nào giờ đây lại hóa thân trong con người ông. Cái gì mà chén sành với lại chén kiểu! Chén mẻ hết trơn chú Bốn ơi! Đời tụi mình vớt lên từ cùng đinh khổ ải chớ có cao sang gì. Ví von kiểu này thiệt là hết thuốc chữa cho Hai Mẹo này quá. Tự nhiên ông thấy ngượng ngùng. Cầm ly rượu mà tay run. Ly rượu gạo của ngày nào chén chú chén anh ngọt ngào tình nghĩa. Còn ly rượu bây giờ! Đã có một khoảng cách ngăn rồi...
Ông ngửa cổ, dốc ly rượu, nưốt mạnh cho nỗi ngượng ngùng xấu hổ trôi tuột xuống cái lòng dạ đen bạc của ông. Chất rượu cay nồng như xé ruột gây cho ông một cảm giác xốn xang bứt rức. Ông day qua nói với thằng Thửng :
- Thửng, cháu xuống nhắn chú Bốn là bác có chuyện muốn bàn.
Thằng Thửng dạ một tiếng lớn, bỏ chiếc dù che xuống, chạy về phía đám người đang bu đen phía dưới. Lát sau, thấy ông Nẫm đi lên, mồ hôi nhễ nhại. Chưa tới nơi đã nghe tiếng :
- Sắp “tới” rồi, anh Hai. Cha, bữa nay trời nóng dữ!
Ông Mẹo không nói gì, rót đầy ly rượu, đưa ngang trước mặt ông Nẫm:
- Anh Bốn làm ngọt ly này đi, cho ấm bụng.
Ông Bốn Nẫm ngạc nhiên, sững người giây lát. Đầu óc ông chạy loạn một lúc rồi dừng lại ở ly rượu sóng sánh màu vàng hấp dẫn. Thái độ thân thiện bất ngờ của ông Mẹo làm cho ông cảm thấy có điều gì bất ổn. Như con nhím xù lông sẵn sàng ứng phó, ông thầm nghĩ :” Thằng cha này, định giở trò gì đây?”. Ông không thèm nhìn ly rượu, nói mát :
- Bụng dạ gì anh. Ba cái rượu Tây, rượu Mỹ xót bụng thì có, chớ ấm nỗi gì!
Ông Mẹo giật mình, ly rượu tràn sóng sánh. Phải như lúc khác, ông “chơi” tới luôn. Nhưng lúc này đây lòng ông đang ngổn ngang tâm sự. Ông khẽ thở dài ,dấu dịu:
- Bụng dạ thuở giờ, xót đó ấm đó. Lát nữa đây, chú Tư Tỵ lại về cùng ngọt ly với anh em mình, cho bỏ nhớ những ngày nào....
Mắt ông nhìn xa xăm. Ông Bốn Nẫm lại nhìn xa hơn nữa! Ở tận những tháng, năm bương chải ngày xưa khi chú Tư Tỵ tàn hơi kiệt sức, thở hắt từng hồi rồi lịm dần trong vòng tay ông. Sống mũi ông cay cay, lòng ông nôn nao một cảm giác khó tả. Ông chợt hiểu nỗi lòng của ông Hai Mẹo trong lúc này, nên đỡ lấy ly rượu :
- Vậy thì tui xin cạn ngọt cùng anh. Lát nữa đây, chú Tỵ...
Ông ngửa cổ, dốc cạn. Chất rượu như con nước vỡ bờ, tràn lũ dội ngược vào cuống họng rồi trôi tuột xuống, nóng ran từng khúc ruột. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ đây là lần đầu tiên ông được uống thứ rượu lạ lùng. Thơm nức mũi,cay nồng xé ruột mà công nhận là ngon. Không kềm chế được, ông “khà” lên một tiếng thiệt là sảng khoái. Ông Mẹo gật gù, tự rót thêm một ly cho mình, rót tràn thêm ly cho ông Bốn Nẫm. Hai cái ly cụng nhau nghe cái “cốp”, rượu sánh ra ngoài hết nửa. Phần còn lại chui ngọt vô hai cái miệng khát rượu. Lại rót thêm.
Nắng dọi rát đỉnh đầu. Đám người đi dự phần lớn tản mác tìm bóng râm ngồi tránh nắng. Anh thợ chụp hình đang lân la tán tỉnh mấy cô đang ngồi chụm nhau dưới gốc cây Sao. Cái miệng dẽo kẹo, con mắt láo liêng không lương thiện chút nào hết. Hiện trường chỉ còn lại mấy đứa con nít hiếu kỳ và bà Mẹo ngồi chồm hổm lom lom nhìn xuống lỗ huyệt. Mấy tay đàn em của ông Nẫm đã bắt đầu thấm mệt. Nhớ lời sư phụ dặn dò nên cố tình kéo rê thời giờ chút đỉnh cho đáng đồng tiền bát gạo của người ta. Mấy cái lưng trần đẫm ướt mồ hôi, dính đất bụi tèm nhẹp.
Ở trên gò, cuộc nhậu đang tới hồi sôi nổi. Ông Mẹo, da mặt đã trở xanh chàm. Ông Bốn Nẫm thì đỏ bầm như con tôm luộc. Cả hai ông ngồi bệt xuống đám cỏ khô, gật lên gật xuống thấy như là muốn ngả ngửa. Giọng ông Mẹo nhừa nhựa:
- Cái hồi mới tới nơi này đó, chú còn nhớ không? Vàng cục vàng hòn gì đâu, nếu không có cái rẫy bắp mùa đầu đó thì có mà cạp đất cạp đá...
Ông Nẫm gật gù ra chiều hiểu ý, giọng ông lè nhè :
- Dà, đất ở đây đá nhiều lắm ông anh ơi! Mấy thằng nhỏ “cạp” hoài mà chưa thấy tới. Nhưng mà phải tới chớ. Nhứt định tới mà, ông anh...
Ông Mẹo vỗ đùi cười sảng khoái, nâng ly rượu đã cạn queo, đưa qua đưa lại trước mặt ông Nẫm :
- Phải đa. Nè, tới luôn bác tài...
Ông ngửa cổ dốc ly rượu, sau đó, phun gió phèo phèo :
- Mẹ ơi, rượu gì lạt thách.
Rồi ông quơ tay tìm cái chai. Hai con mắt nhướn muốn hết nổi :
- Nói tới đâu rồi, thằng em. À, tới cái hồi tao không chịu làm con tắc kè. Con tắc kè xanh đỏ tím vàng đó. Đời nào tao chịu.
Ông Nẫm lại gật đầu, hưởng ứng nhiệt tình :
- Tui cũng chịu cái loại rượu tắc kè này lắm nghen. Uống có hậu với lại bổ nữa. Bổ cái vụ đó..đó, anh Hai.
Rồi ông bật cười khoái chí. Ông Hai Mẹo, tức thì, choàng tay qua vai ông Bốn Nẫm vỗ vỗ mấy cái, cười phụ họa
- Ừa, bỏ qua hết, bỏ qua hết. Thiệt là tay hảo hớn...
Vừa lúc đó, có tiếng ồn ào phía dưới. Mọi người túa lại bu đen trên lỗ huyệt. Thấy bà Mẹo bương bả chạy lên, quần áo xốc xếch, mặt mày nghiêm trọng. Tới bên ông Hai Mẹo, bà nói không kịp thở :
- Ông ơi! Ông ơi! Tới rồi, tới rồi. Chú Tư Tỵ...
Ông Bốn Nẫm giật nẩy người mất đà ngã ngửa ra phía sau. Ông Hai Mẹo thì cố nhướng cặp mắt ngó bà vợ đang đứng thở dồn dập :
- Bà nói cái gì tới? Mà làm gì tới đây?
Bà Mẹo cố nín hơi, nói gấp :
-Thì chú Tư Tỵ đó. “Tới” rồi...
Ông Hai Mẹo “hừ” một tiếng, lè nhè :
- Chú Tư Tỵ hả ?. Cái thằng mắc dịch, đi đâu nãy giờ mới mò tới? Bà làm ơn xuống nhắn nó lên đây, tui dạy việc.
Bà Hai Mẹo chỉ kịp kêu lên mấy tiếng “Úy Trời ơi!” rồi đứng sững. Mắt bà mở thao láo, miệng há hốc. Miếng thuốc trầu dính tòn ten bên mép, đung đưa qua lại theo nhịp thở giống cái quả lắc đồng hồ. Ông Mẹo nhìn thấy cảnh đó tự nhiên nổi “xung thiên”, nạt lớn :
- Bà còn chưa chịu đi?
Bà vẫn đứng sững như trời trồng. Trong khi đó ông Bốn Nẫm cố gắng hết sức lồm cồm ngồi dậy, miệng lắp bắp :
- Đi chớ. Đi chớ. Tui đi liền bây giờ nè...
Ông chống tay lấy sức đứng lên, người sàng qua đảo lại muốn bật ngửa. Cố bậm môi trợn mắt, ông đứng được nhưng hai chân cứ đá tới đá lui. Hai tay ông quơ qua quơ lại. Con mắt đỏ kè nhấp nháy liên hồi. Mặt mày ngơ ngác, ông phều phào :
- Ủa, mà đi đâu vậy hè !...
Hiên Trăng nhà cũ
San Diego
(trích XÓM ĐÌNH ĐA CÁT tuyển tập thơ văn 2000 )
MÙA MƯA TÌNH
những chiều mưa đã qua rồi
buồn tình cái lạnh cũng đòi đi theo
vàng hiu vạt nắng rơi thềm
vời trông cơn gió lạnh se trả mùa
trả mùa nắng giạt mùa mưa
em về mưa phố ngưng chưa phố chiều
gió se đã ấm lại nhiều
nắng vàng đã tráo màu chiều hanh khô
tôi về qua phố ghé Thơ
chợt khô rang chợt rất vô cùng tình
em qua phố với một mình
có thương nhớ phố dẽo tình chiều mưa…
03/2012
tháng 3 07, 2012
CHIỀU NAY
những ngày mưa gió Ba đau
Tư Đào, tội nghiệp, vô ra suốt ngày
mớm từng miếng cháo ân cần
rót từng ly nước ngọt ngào làm sao
lại còn tay ngọc tay ngà
sờ lưng hết mỏi, sờ đầu hết đau
có gì đâu !. Có gì đâu
lòng yêu thương cũng hóa ra ngọc ngà.
11/01/1988
Từ K.60 (Tà In) đãi vàng trở về, sốt rét.
( trích Nhật Thi, thơ 1984 )
Tập thơ Nhật Thi được viết, như là nhật ký, sau ngày trở về từ trại “cải tạo”.
Thơ viết tay ( giấy vàng,thô nhám và mực tím ) hằng ngày ghi lại những sinh hoạt cuộc sống sau buổi đổi đời.
Qua tới Vùng Đất Mới ( không phải vùng-kinh-tế-mới) có phương tiện để đánh máy rồi in tập ( chỉ một tập duy nhất ) giữ gìn làm kỷ niệm. Lâu lâu giở từng trang Thơ đọc lại, thương những ngày cơ khổ mà vẫn đời Thơ vẫn làm Thơ, nên thơ.
Bài Thơ trên viết khi đang sốt rét sau những ngày dài đi đãi vàng ở vùng K.60 Tà In ( Đà lạt – Lâm Đồng ) trở về. Vàng thì không thấy có nhưng có cơn sốt rét hành hạ tiêu điều.
Chú chắc là không nhớ nỗi vì ngày đó còn quá nhỏ nhưng Ba thì vẫn nhớ không từng quên. Bàn tay nhỏ bé đâu có phép màu gì!. Chỉ có tình thương Ba trong lúc rét run mà ân cần sờ nắn những chỗ Ba đau. Vậy mà sờ lưng hết mỏi sờ đầu hết đau .
Dễ cũng đã qua hơn hai-cái-mươi-năm rồi !. Bàn tay bé nhỏ ngày nào đã to hơn, mập ú hơn, hồng hào hơn, ngày đó.
Ba bây giờ cũng không phải đi đãi vàng cầu (Ơn Trên ) cho trúng mánh để vực gia đình mình trong cơn hoản loạn đói cơm lạt muối. Thuở quê nhà.
Tới Vùng Đất Mới ( không phải vùng-kinh-tế-mới) phải đi cày vẫn đi cày (như con Trâu) hàng ngày để sớm ổn định cuộc sống trên vùng đất không là thiên đường cũng không là địa ngục. Vẫn bình thường như bao cuộc sống tay làm hàm nhai chớ đâu có phải cứ nằm chờ sung rụng !.Bàn tay nhỏ bé ngày xưa sờ lưng hết mỏi sờ đầu hết đau theo ngày tháng đã thấy mập hồng khúc nạc khúc mỡ. Thuở đói cơm lạt muối phải đi đào vàng đãi thiếc đã thuộc về dĩ vảng.
Tới tận giờ phút này, nói chung, cuộc sống cũng tạm gọi là mát trời mây giữa phong thổ không quen nhưng rồi cũng dần quen như đã cố để quen với vùng đất mới. Bàn tay, không chỉ riêng con, các con trong bốn đứa con đã mập ú đỏ hồng, đã tự vẽ vời cuộc sống của mình.
Riêng chỉ có vấn nạn là bàn tay Ba thì, tệ quá, trở nổi gân nổi đốm co giuổi yếu nhiều, tê nhiều, đau nhiều…
Chú về thăm nhà mấy ngày ngắn ngủi Ba lại có dịp thoải mái khai cái bệnh cái đau của mình. Uả, mà sao chú nhìn Ba lạ vậy !. Có bệnh thiệt Ba mới khai chớ đâu có phải làm mình làm mẩy làm nũng làm nịu chi đâu !. Nghi ngờ chi đó chú ?. Bệnh thiệt đó mà !.Khai thêm nghen !. Ba thì ăn bình thường ngày ba bữa, không thiếu. Ngủ thì nằm chỉ năm phút là ngáy như sấm. Chỉ dạo gần gần đây cánh tay, chỉ tay bên phải thôi . Đưa cao lên thấy yếu, đưa ngang qua thì thấy đau, cái đau nó chạy tới sau lưng ở vùng bả vai. Chỗ này, chỗ này này, con bấm thử coi…
Thấy chú vẫn ngồi yên, nhìn Ba. Thoáng một phút giây, Ba ngỡ ngàng !. Nãy giờ chú đâu có lắng nghe lời khai bệnh mà đang lắng lặng ngắm nhìn Ba. Ngắm nhìn Ba thời tuổi trẻ, thuở trung niên và giờ đây, tuổi chớm già đang ngồi, bên chú, thật thà khai căn bệnh của mình.
Tại thời gian đó đâu phải tại Ba !. Chú xót xa làm chi !.
Hóa ra thương yêu ngày nào in khuôn giống hệt thương yêu ngày hôm nay!.Dẫu trải qua dâu bể tang thương qua vật đổi sao dời qua tuổi thơ rồi tuổi trưởng thành bàn tay chú vẫn ngọc ngà sờ nắn tuổi đời Ba. Cho Ba vượt khó cơn đau thế cuộc cơn đau đổi đời cơn đau thể xác.
Chiều nay ngồi hiên trước nhìn mây bay về hướng Pomona về hướng Arizona trong lòng chỉ nhớ mà không buồn.
Cám ơn chú, chỉ hai đêm chữa trị, bây giờ cánh tay đưa lên chỉ mây đưa ngang chỉ núi không còn thấy nhói đau, bình thường lại rồi.
Mây bay về núi ngủ vùi sau núi
Mai mốt chú thành đạt trở về dựa vùi trên cánh tay hết tê hết mỏi hết đau của Ba, nghen.
Chờ đó. Chú Tư Đào.
Hiên trước nhìn mây như mọi chiều
06/03/2012
tháng 3 04, 2012
NỖI NHỚ CHƯA BƯA
mai chú về lại Trường bỏ đây nỗi nhớ
để Ba cất giùm cất kỹ cất lâu
chị Ba nói hắn lớn rồi có phải nhỏ đâu
anh Hai cũng hùa theo
nói Ba lo làm chi hắn đâu còn nhỏ nữa
Út không nói gì chắc là đứng giữa
bởi cũng đi học xa nhà cũng bỏ quên nỗi nhớ
nỗi nhớ này nỗi nhớ kia
Ba chia nửa nào to nửa nào nhỏ
(đừng làm nũng làm hờn nghe con)
nói thiệt lòng to, nhỏ cũng nhớ thôi !
Út thì cuối tuần về rồi đi vội
còn anh Tư xa ngút ít dịp về
Ba ngày tháng mỏn chặng đời quạnh quẻ
thiệt lòng thương mà nói
nhớ chú Tư đường xa hơn cô Út đường gần
chiều ngồi một mình sau nhà anh Hai
bâng khuâng
nghe tiếng cười vui con, cháu trong nhà
muốn viết câu Thơ cho nhả
mà giấy bút có đây đâu !
chỉ sân gạch với chậu hoa cây cảnh
thấm mặn chát buồn giữa trời se lạnh
thôi vô nhà vui cho trọn chiều nay
mai chú đi rồi bỏ lặng nỗi buồn đây
có hiểu lòng Ba không đó, chú !
nỗi nhớ bỏ quên Ba giành cất giữ
đường đời đi chân cứng đá mềm
thương nhớ lại chú đừng quên đừng quên
mổi chiều về có người ngồi hiên trước
hiên nhà mình
không phải nhà anh Hai)
nắng khô rồi mưa ướt
vẫn dõi nhớ thương con đi học xa nhà….
Escondido,chiều 02/03/2012
ngẫu hứng sinh Thơ
tháng 3 01, 2012
CHIA TAY THÁNG HAI
vậy là tháng Hai đi
mùa Đông rồi tản mạn
gió se vạt nắng vàng
mây tủi lòng trôi xa
trời chớm xanh màu lá
đất trổ mầm cỏ non
tháng Hai giờ đã mỏn
đi đâu rồi về đâu !
ta nỗi buồn không giấu
khi nói lời chia tay
khi ngó nhìn quanh đây
đã xa rồi mất dấu
lá sớm mơi sương đậu
vạt nắng chiều lạnh se
hột sương đêm rơi khẽ
thầm lặng xuống câu Thơ
gởi thương và giữ nhớ
tháng Hai rồi đi qua
giờ đã vào tháng Ba
bỏ mùa Đông ở lại....
03/2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)