tháng 1 21, 2012


Mùa Tết cũng là mùa hoa. Ba ngày Tết mà trong nhà không có màu sắc của hoa thì còn có ý nghĩa gì!
Nhà nào cũng có một cành Mai hồng thắm. Mà đâu phải bỏ tiền mua. Chỉ cần bỏ công nửa ngày, vào rừng. Xóm với rừng gần nhau, đi thì chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhưng phải bỏ công nửa ngày là để chọn lựa một cành Mai ưng ý.
Mai mọc bạt rừng, bạt núi thậm chí tràn vô tới Xóm. Hầu như nhà nào cũng có trồng một cây Mai trước ngõ.
Tháng mười-hai, Mai nhà đã nụ hồng. Có nhà thì hoa đã rộ nở.
Tôi còn nhớ, con đường mà tôi thích nhất là con đường hẻm dài một hàng Mai tươi tốt, từ nhà bác Nghi qua nhà ôn mệ Lào, rồi chấm dứt ở nhà ôn Cai Tư. Một khoảng đường rất ngắn nhưng giữ mãi trong tôi êm đềm cái cảm giác râm mát bóng cây của tháng Hè và nôn nao những bông Mai hồng thắm của ngày Xuân. Tôi thường đi, về trên con đường đất gập ghềnh này trong suốt thời gian học ở trường Tiểu học Bạch Đằng, nằm cheo leo trên ngọn đồi Cao Thắng. Con đường hẻm đất đá có hàng Mai rợp bóng là một trong những kỷ niệm tôi giữ hòai về chốn quê. Nhất là những ngày Xuân, nhìn hoa Mai rộ nở, lòng cứ nôn nao hòa nhập trong những nôn nao có quần áo mới, có tiền lì xì, có pháo đốt thả giàn, có những trò vui chơi trong ngày Hội Làng…Cho đến bây giờ, vẫn cứ còn giữ mãi độ ấm nồng ngầy ngật mỗi độ Xuân về. Ấm nồng ngầy ngật bởi lẽ, duyên nợ trăm năm đã gắn bó đời tôi với tà áo tiểu thư ở một trong những ngôi nhà trên khoảng đường rất ngắn, của ngày xưa, đó…
Những ngày cuối Chạp, đứng ở Xóm mà nhìn về hướng núi là cả một thảm hoa hồng thắm chạy dài từ Cam Ly Hạ ngược lên Dốc Trời ngút ngàn vô sâu tận Rừng Dẻ. Tầm nhìn tuổi thơ chỉ chừng giới hạn nhưng trí tưởng tượng thì dặm dài xa ngất. Tôi nghĩ rừng Mai chắc vô cùng tận, không chỉ ngừng ở Rừng Dẻ vốn đã là quá xa, chắc còn sâu còn xa hơn nữa. Ở chỗ núi mờ xanh thẳm mịt mùng…
Mấy anh trai Xóm thì nghĩ ngợi gần hơn.
Đâu cần phải xanh thẳm mịt mùng làm chi cho mệt. Chỉ cần vào khu rừng Mai Cam Ly Hạ mà đem hương sắc mùa Xuân về trang hòang nhà cửa.
Buổi sớm mai dằn mấy chén cơm cho chắc bụng rồi sẵn sàng dao, rựa rủ nhau đông đảo tới rừng Mai. Khi chọn cành Mai ưng ý là đã đắn đo ước lượng khoảnh rộng hẹp của phòng khách, nơi sẽ được chưng bày cành Mai giữ hương sắc mùa Xuân, cũng chính là nơi làm rạng nét nhà. Phòng khách rộng mà cành Mai nhỏ thì bất xứng, lại bị thầm chê là hòan tòan không có khiếu về mỹ thuật. Cành Mai to đùng mà chưng ở phòng khách quá nhỏ thì có vẻ như là khoe khoang, giựt nổi. Rồi cũng phải tính tóan khít khao làm sao hoa sẽ nở rộ vào đúng những ngày Tết. Nụ nhiều quá thì không tốt mà nở sớm quá thì cũng không tốt luôn.
Đến chúc Tết nhà, việc đầu tiên là liếc thầm một cái về phía cành Mai được trang hòang trong phòng khách, để đánh giá và so sánh. Đánh giá trình độ nghệ thuật của chủ nhà và sẵn đó, so sánh cành Mai của nhà chủ với nhà mình. Chủ và khách, rất nhanh, bắt gặp ánh mắt nhau ở cái liếc thầm này trước khi bắt tay nhau. Sự ganh đua, so sánh không hề to tiếng, chỉ lén thầm nhưng đã thành ước lệ. Thầm nhận biết mình thua hay tự hào mình hơn cũng chỉ là cảm giác buồn, vui nhỏ như tiếng pháo chuột so với tiếng pháo cối, vậy thôi. Nhưng mà cũng phải liếc chớ, thiếu đâu có được!.
Vô hình trung, đã thành một tục lệ âm thầm, ở Xóm quê tôi. Cho nên nhiệm vụ của mấy anh đi chặt cành Mai chưng bày đón Tết là đi mang sứ mạng trong người, có phải chơi đâu…
Ngòai cành Mai là tiêu biểu lớn, còn có hoa Vạn Thọ, hoa Cúc và cao sang quyền quý yểu điệu thục nữ quân tử háo cầu là hoa Lan.
HoaVạn Thọ, Cúc đơn, Cúc đại đóa thì hầu như, ít nhiều, nhà nào cũng rộ. Trồng trong chậu để cầu kỳ dành riêng cho ba ngày Tết . Trồng trước sân nhà làm cây cảnh tự nhiên.
Riêng về cái khoảng hoa Lan thì khó cầu nên chi rất hiếm. Cũng muốn có một chậu Lan để khi người đến chúc Tết , cố theo dõi cái liếc thầm của khách, mà thấy sướng vui trong bụng.
Nhưng mà đâu có dễ bởi vì hoa Lan thiệt như là đứa con cầu tự, khó nuôi khó dưỡng. Nắng thì bất ưng lạnh thì bất ổn. Phải dành một khu đất riêng có giàn rào che chắn gió, có mái chống nắng tránh mưa. Công sức và tiền của bỏ vô đó cũng bộn bề. Chưa nói tới chuyện phải tìm tòi học hỏi trao đổi về kỹ thuật qua sách vở, qua thực tế kinh nghiệm. Phải đong đo cân đếm khí hậu thời tiết thay đổi từng mùa mà liệu chừng tìm phương cách cưng chiều chăm chút thúc ép cho hoa nở đúng thời. Nở sớm quá thì mất duyên. Nở trễ quá thì…hết Tết rồi, nở làm gì nữa !
Miếng bỏ bụng đói no ngày tháng còn chưa lo tới được nói chi chuyện chăm lo cho đời sống cao sang của lòai hoa vương giả. Và, nói cho cuối cùng, cũng chỉ nhằm để thỏa mãn, đắc ý cho một cái liếc thầm của khách. Cao xa quá! Nhiêu khê quá! Làm sao mà liếc cho tới đây ! Thôi thì cứ liếc thầm một cành Mai chưng Tết, đủ rồi !

Không có nhận xét nào: