tháng 1 22, 2012


Chiếc Honda vượt khỏi con đường đất đỏ hai bên là rừng cao su bạt ngàn, dừng lại ở đường quốc lộ. Anh Hường, phụ huynh của học trò tôi, vừa dựng xe vừa nói :
- Thôi, Thầy về ăn Tết vui vẻ nghe. Thầy quyết định về quê ăn Tết tụi tui cũng thấy mừng. Ở đây buồn lắm Thầy ơi !
Buồn hay vui, không phải là nguyên do để tôi đột ngột quyết định phải về nhà ăn Tết. Chỉ vì nhớ.
Tình cờ, sáng nay, khi vừa thức dậy nghe tiếng hát từ chiếc radio ở nhà bên cạnh :
“...Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai. Sẽ mang về cho quần áo mới. Ba ngày Xuân đi khoe xóm làng...”. (*)
Lời hát làm cho tôi nhớ đến xót xa những ngày Tết quê nhà. Tôi nhớ những đêm cùng các em thức canh nồi bánh Tết, lòng nôn nao nghe tiếng pháo vọng xa trong màn đêm tĩnh mịch. Những ngày Tết rộn ràng xôn xao câu chúc tụng trên con đường xóm nhỏ dập dìu người qua kẻ lại. Tôi nhớ không khí ấm nồng của những ngày Xuân chan hòa tình làng nghĩa xóm.
Và tôi quyết định phải về, dù hôm nay đã là ngày 30 Tết.
Tốt nghiệp ra trường rồi thuyên chuyển về vùng đất mưa bùn nắng bụi, heo hút bạt ngàn rừng núi này. Đây cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà. Tôi muốn trải nếm cảm giác của lòng người xa xứ. Vậy mà, cuối cùng, vẫn không chịu được. Mới hay là nơi chôn-nhao-cắt-rún mãi mãi là nơi chốn phải quay về.
Có chuyến xe hàng ở đầu con dốc. Anh Hường mau mắn đưa tay vẫy chặn. Trong xe thưa thớt chỉ vài người khách, có lẽ cũng về quê ăn Tết muộn như tôi. Bác tài vừa sang số xe, vừa nói :
- Xe về tới Dục Mỹ thôi, thầy Hai. Tới đó, Thầy liệu đường mà bương tiếp...
Tôi không nói gì. Định bụng là đến Dục Mỹ sẽ đón xe về tới ngã ba Thành. Từ đó, đón tiếp xe lên Đàlạt. Chậm lắm là khoảng 11 giờ đêm sẽ có mặt tại thành phố sương mù. Hy vọng còn kịp giờ đón Giao thừa.
Bắt đầu qua dèo M’Drăk, xe ngừng lại đón thêm một người khách. Anh ta vứt cái bao đồ khá lớn ở cuối xe rồi nhìn quanh tìm chỗ ngồi. Trong xe cũng còn quá nhiều chỗ trống. Anh đứng tần ngần một thoáng rồi đến ngồi bên cạnh tôi :
- Chào anh. Ngồi đây cho có bạn chuyện trò đường xa.
Tôi cười gật đầu chào xả giao
- Vâng, chào anh. Anh cũng về Dục Mỹ à ?
- Không, tôi chỉ đến Khánh Dương.
Rồi anh che tay, ngáp, ngon lành. Tôi lén nhìn anh, quan sát. Bộ râu quai nón rậm rì lốm đốm nhiều sợi bạc. Mái tóc lâu ngày không cắt tỉa phủ xuống quá gáy. Da mặt sạm đen vì nắng gió. Nhìn vẻ dáng thật phong trần. Tôi cứ ngờ ngợ như là đã gặp anh đâu đó một đôi lần. Tôi đem ý nghĩ này nói với anh. Anh cười, hàng răng trắng đều giữa hàm râu rậm :
- Vậy hả ?. Cũng có thể là đã gặp đâu đó. Tôi vẫn qua lại vùng này thường lắm
Qua lại thường ở vùng này thì chắc thế nào anh cũng đến Phước An, nơi tôi làm việc. Có thể là gặp anh một đôi lần nơi đó. Tôi hỏi :
- Nhưng có khi nào anh đến Phước An ?
- Có chứ, một đôi lần. Nhưng hơn năm nay, tôi không ghé. Chẳng có gì phải ghé.
Tôi ngạc nhiên :
- Có gì là có gì, anh ?
Anh lại cười :
- Thì đại khái là kim loại, đồng, thau, vàng, bạc, các loại đồ cổ. Mua bán có, trao đổi có. Nhưng tôi thường đến các buôn bản Thượng. Họ có những món đồ cổ, quý hiếm. Thuận thì trao vừa thì đổi, chẳng ai ép ai. Người Thượng họ thật thà chất phác, gần gụi họ mình cảm thấy cuộc đời phẳng lặng hơn. Anh thấy tôi đầu tóc râu ria giống họ không ? Cố tình đó.
Rồi anh huyên thuyên kể chuyện vui về việc mua bán trao đổi với người Thượng từ các buôn bản xa xôi hẻo lánh. Anh có lối kể chuyện thu hút người nghe và đặc biệt là không ngừng nghỉ. Một mẫu người vui tính và dễ thân thiện, tôi thầm nhận xét. Kể lể một thôi một hồi, bỗng anh khựng người nhìn tôi, cười :
- Thiệt là vô tâm. Nãy giờ ham chuyện quên hỏi chú em. Í, mà gọi chú em được chớ?. Ngó bộ dạng trẻ quá mà. Sao? Về quê ăn Tết hay là đang đi kiếm ăn đây ?
- Kiếm chác gì đâu anh ! Tôi làm việc ở vùng này. Về quê ăn Tết đó.
Anh cười, phụ họa :
- Thiệt là bươn chải đường xa, tới ba ngày Tết cũng kiếm đường về. Mà về đâu đây, chú em ?
Tôi đáp gọn :
- Đàlạt
Anh “Hả” lên một tiếng, gương mặt có vẻ ngạc nhiên. Tôi vẫn vô tình :
- Anh lưu lạc nhiều nơi, chắc cũng có dịp về qua Đàlạt.
Gương mặt anh trở nên tư lự. Anh khẽ thở dài :
- Ghé qua sao được. Có thời gian anh ở đó rồi. Mà không lâu.
Tôi cười vui vẻ :
- Vậy là gặp người cùng quê rồi. Anh ở vùng nào vậy ?
Anh im lặng, nhìn ra cửa xe, như đang suy nghĩ điều gì. Rồi anh thở dài :
- Ở không lâu mà đi xa cũng nhớ mới kỳ. Hồi đó anh ở vùng Trại Mát.
- Tôi thì ở số 4, là xóm Đa Cát đó. Trại Mát nơi anh ở họ trồng rau nhiều lắm. Đặc biệt, anh biết có gì không ? Đá gà. Nhứt là mùa Tết , cá độ gà đá dữ dằn lắm. Để coi ,ở Xóm tôi cũng có nhiều tay mê đá gà nặng. Sống bằng nghề đó luôn. Có Ôn Tôn Lạc, có chú Cử, chú Phú xe Lam nè. Lớp sau này có anh Trai, anh Đát con rể của ôn Cai Hoành…
Tôi đang ngập ngừng cố nhớ thêm vài tay mê đá gà nữa thì nghe anh nói, giọng có vẻ hốt hoảng :
- Aí chà, thôi chú em ngồi nghe. Anh xuống coi cái bao đồ không chừng mấy tay lơ xe moi móc...
Rồi không chờ tôi trả lời, anh hối hả đứng lên đi thẳng. Tôi mất hứng ngồi yên.
Khá lâu không thấy anh trở lại. Tôi ngoái nhìn, thấy anh ngồi khuất ở băng ghế cuối, đang loay hoay làm gì đó.
Xe chạy một đoạn dài, tôi vẫn có ý chờ anh trở lại để tiếp câu chuyện đang còn hứng thú. Vừa lúc đó nghe tiếng bác tài xế rổn rảng :
- Khánh Dương. Ai Khánh Dương chuẩn bị xuống nghe.
Xe bắt đầu hãm thắng, chậm dần. Tôi quay lại, cũng vừa lúc anh vội vàng đi lên.Bàn tay anh bóp mạnh lấy vai tôi, đau nhói. Tôi nghe anh nói, giọng có vẻ xúc động :
- Nhớ tìm anh nghe.
Rồi anh lẹ làng nhét một mảnh giấy nhỏ vào túi áo trên của tôi, quay người đi vội xuống cửa sau, chụp bao đồ nhảy xuống khi xe chưa ngừng hẳn. Tôi nhoài người ra cửa hông, thấy anh đứng bên lề đường đưa tay vẫy vẫy.
Xe qua khỏi Khánh Dương một đoạn, tôi chợt nhớ tờ giấy anh nhét vào túi áo. Đó là tờ giấy bao vỏ thuốc Capstan, trên có ghi địa chỉ nhà anh và ở dưới có dòng chữ viết vội :
“ Chú Trọng
Về quê ăn Tết vui vẻ nghe. Biết chú không có thì giờ thôi thì để ra Giêng tìm tới anh. Có nhiều chuyện muốn hỏi chú.
Anh, Tấn
Người cùng Xóm Đình “



Hiên Trăng mùa Xuân
(*)(Xuân Này Con Không Về - Trịnh Lâm Ngân )

Không có nhận xét nào: