tháng 7 31, 2009

ĐỪNG VỘI QUA THÁNG TÁM


Chưa vội đâu, bây giờ, đang là tháng Bảy.
Tháng Sáu, viết bài ngẫu hứng “Tháng Sáu Gọi Tình”, được chấm điểm trên trung bình, chút xíu. Bài được tải trên một vài web thân hữu và cũng có lai rai bạn bè email bàn chuyện tình sương sương tháng Sáu.
Đại khái là cũng “thương nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”. Gió đâu gió ở phương này một phương đất lạc nhịp cầu ngày xưa…
Bây giờ qua tháng Bảy, có còn gọi tình hay gọi gì đây ?.
Đang bối rối không biết gọi gì thì nhận được thư anh. Không hẹn mà gặp vì anh cũng đang gọi tình. Không là tình yêu trai gái qua cầu gió bay mà là tình cảm anh em như thể chân tay …
Tháng Bảy ! Chợt bâng khuâng rồi đây !
Cũng tháng này, năm ngoái, về ngồi với anh ở ngôi nhà xưa thời tôi còn cắp sách, thời vào đời, thời bị phải đổi đời, rồi chia tay anh cũng tại căn nhà này để viễn phương.
Gặp lại nhau sau mười-bốn-năm xa cách. Anh vui mừng, theo cách của anh, là vẫn bình thường cười nói như là chú vừa đi đâu đó, mới về.
Chỉ khi có hai anh em trong phòng riêng, anh mới hỏi cặn kẻ về cuộc sống của tôi trên vùng đất mới.
Vật đổi sao dời, dòng thời gian cuốn lũ…
Tóc xanh xưa giờ mặn muối cay tiêu….
Về lại nhìn nhau, chia lại ngày tháng xa xưa, nhiều ít ngậm ngùi không giấu.
Căn nhà xưa đã vẻ dáng tân kỳ. Thị xã cũng đã nhiều thay đổi, không nhận được nét thân quen. Những con đường đã xóa tên như xóa những vết chân một thời in dấu…
Ngày tháng xa xưa xin chỉ giữ lại cho nhau trong hoài niệm.
Cứ ngồi nhìn nhau khoảng thời gian rất ngắn cho một lần về để mai này thêm một lần chia xa, không thấy lòng trống vắng tháng năm.
Dẫu sao, cũng, đã có một lần gặp lại. Dẫu, thể nào, cũng đã được nắm lấy bàn tay nhau trong tình cảm anh em.
Và cả tình chị em nữa!
Bởi chuyến bay đêm xớt lại nỗi ngậm ngùi cố quận để về thăm lại Huế. Huế của cuống rún chưa lìa. Huế của chị Ng. bao năm dài tôi chưa gặp lại...
Cũng mặn muối cay tiêu…
Cũng ngậm ngùi dâu bể…
Cũng là nơi cố quận cho người viễn phương…
Chị khóc, cười, quên, nhớ. Đã lẩn lộn rồi những hình ảnh và kỷ niệm sau một khoảng thời gian quá dài, gặp lại.
Khi tôi về và khi cả lúc đi. Huế và Banmêthuột trời mưa…
Tháng Bảy có những cơn mưa bất chợt…

Thời gian từ bấy đến giờ, thoáng chốc, đã là một năm rồi đó. Vừa nhận được thư anh, “gặp” lại anh, nay đã khác. Sức khỏe đã xuống! Lời thư như có gì gởi gắm !
Thời gian !...

Calif, tháng 07/09
ngày nhận được thư anh Ph.

NHỚ CHIỀU CỐ QUẬN


gởi anh Ph.

Bầu rượu Ama Kông mưa chiều cố quận
Chuyến bay đêm mù mịt trời viễn phương
Miếng nồng cay chia ấm suốt dặm trường
Anh đứng lặng níu em quày trở lại

Hiên nhà xưa thương lòng em xa ngái
Trời viễn phương đau xót một phương này
Cơn mưa dỗ buổi xa rời cố quận
Tháng Bảy rưng buồn từ chiều tiễn đưa

Một chặng đường xa giải nắng đầm mưa
Không biết bao giờ mới về thăm lại
Hiên nhà xưa em vẫn còn giữ mải
Một bàn tay vẫy níu một bàn tay

Trời mịt mù mưa em nhìn không thấy
Cái vẫy tay còn giữ níu không rời
Có mặn điếng hòa theo dòng mưa xối
Hóa ra là nước mắt giữa trời mưa

Hóa ra là buồn lắm buổi tiễn đưa
Để không giú được lời đau câm lặng
Chỉ một mình thôi giữa đời mưa nắng
Giọt nước mắt thầm rơi giữa nắng mưa

Nếu không về thì không có tiễn đưa
Đâu có nước mưa chan hòa nước mắt
Để một chiều xưa xa trời cố quận
Có mang theo hơi ấm tình anh em

Bầu rượu Ama Kông chiều vào đêm
Mưa rớt bên hiên buồn rót ngợp lòng
Lát nữa rồi em đi trời viễn phương
Anh ở lại một phương đời vắng lạnh…

Calif 29/0 7/09
ngày nhận thư anh, một năm rồi, từ buổi chia tay…

tháng 7 16, 2009

NỖI ĐAU NÍU TÌNH


gởi những ngày em đau bệnh


đứng lên ngồi xuống hụt hơi
cho nên em gọi bạn đời níu tay
cánh tay anh của hôm nay
cũng in như của những ngày năm xưa
vẫn còn dìu đón nhẹ đưa
dắt em đi giữa nắng mưa bất chừng

hóa câu mặn muối cay gừng
là nôm na nói xin đừng phụ nhau

hồi xưa em có biết đâu
cái câu ví dặm qua cầu gió bay
thiệt tình áo có bay đâu
thương anh đứng lạnh trên cầu đó thôi
là chia ấm lạnh trong đời
mẹ nghe nín lặng nhớ thời áo xưa
một thời mẹ cũng qua cầu
khi về cũng nói… qua cầu gió bay !

bây giờ lạc tới phương này
một phương sớm nắng chiều mưa bão bùng
cái câu mặn muối cay gừng
bỏ quên ở giữa chặng đường xa quê
dễ chừng cũng lạc câu thề
ở đâu đó giữa phồn huê đổi đời
chỉ xa có một phương trời
mà sao đành đoạn quên lời thề xưa

miếng trầu vôi gọi miếng cau
nhập dòng xa lộ vội bay mất rồi !

tình đời nhắc nhớ vậy thôi
khi hai mình có dịp ngồi bên nhau
em từ đang mạnh đổ đau
anh thương câu chữ qua cầu gió bay
dẫu phiêu giạt tới phương này
gừng cay muối mặn vẫn đầy đặn nhau
dìu em chỗ cạn chỗ sâu
chỗ riêng hai đứa buổi đầu thương nhau

buổi em áo trắng qua cầu
chiếc cầu ván mục nhát đầu ngón chân
run tay níu giữ thành cầu
nhớ chi cái cảnh qua cầu gió bay
gió bay chừa lại phương này
kẻo không thôi lại… người bay xuống cầu!

miếng tình yêu để nơi đâu
để nơi vết mổ em đau níu tình
đi đâu cũng có hai mình
em đừng ngại cứ níu tình anh theo
đường đời ghềnh thác cheo leo
đường tình yêu có anh theo với “mình”
áo xưa nhắc lại chuyện tình
anh nay ngồi với nửa mình trong anh
hỏi rằng ai đó? Tôi đây !
tôi đang ngồi với nỗi đau chính mình

đi đâu cũng xớt chia tình
ngồi đâu cũng xớt chia mình nỗi đau…

16/07/09

THÁNG BẢY PHONG RÊU


miếng chia chai rượu đế quốc doanh
miếng (thầm) giành nhau dĩa khô mực
lâu lắm rồi bụng đói khát loanh quanh
uống trả bữa lễ nghĩa chi ông Khổng Tử !

ông nói câu hay giữa bạn bè ta đói lữ
đọc lời hay không bằng nhai miếng hay
quân tử cầu chi rót đầy thêm ly nữa
để có cớ mà xé miếng (lớn) đưa cay

buổi nhiễu nhương đời chỉ bận loay hoay
phụ nữ vùng lên ra đứng chợ trời
cuối ngày nhau bên dĩa mắm kho queo
dũng khí còn đâu cho tình yêu em hởi !

khổ nạn những ngày miếng rụng miếng rơi
tới nỗi chi mà mặc quần vá loạn
em nỗi chi mà suốt ngày loạng quạng
bỏ bụi phấn bảng đen hòa nhập dòng đời

tháng Bảy bây giờ nhắc chuyện trời ơi
cố giả lơ mà rưng lòng cứ nhớ
miếng khô mực réo một thời gian khổ
miếng đưa cay bằng hữu lạc đông đoài

ta làm thơ kỷ niệm mười-lăm-năm
mười lăm năm ăn chực giữa quê người
lâu lâu nhớ miếng đưa cay khô mực
nhớ nhớ thôi mà nhá nhá bất ưng

miếng hồi xưa khi nhớ lại rưng rưng
muốn xé sợi nhai ngồm ngoàm chuốc rượu
nhưng ngặt nỗi mười lăm năm rã rượi
tóc bạc màu răng cỏ cũng lung lay

nhai miếng đau nuốt miếng đắng gì đây
khi nhìn lại thấy quần thần lơ láo
ta phong rêu giữa dòng đời cơm áo
chiều ra ngồi hoa cỏ góc sầu miên !!!

07/09

tháng 7 10, 2009

CA DAO TÌNH


ví dầu cầu ván đóng đinh
cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...

(ca dao)

khó đi thì dắt em đi
nắm tay cho chắc lấy gì lạc nhau
có câu nước-chảy-qua-cầu
nhiễu nhương thế sự bể dâu thăng trầm
tưởng xa mà thiệt là gần
nghĩ gần mà hóa lạc trầm mất nhau
lòng người biển rộng sông sâu
tình yêu cũng có đắng cay ngọt bùi
đừng bao giờ để lạc vùi
tay em anh nắm mà dìu em qua
đường trần dẫu có phong ba
cuộc-trăm-năm vẫn có ta có mình...

LỤC BÁT


bông sứ
gió trới là gió trời ơi
tóc bay tám hướng mười phương dậy sầu
dáng em trên Ngũ Phụng lầu
trắng như bông Bưởi vô mùa mãn khai

nghiệp duyên
lòng anh vô Nội theo em
phong rêu mấy kiếp nghiệp duyên nặng nề
chơ răng mà tội chưa tề
nghiệt oan chi lại hùa về với nhau
bông Cau thương nhớ dây Trầu
bình vôi ôm siết cái màu đỏ son

những đợi những mong
lục bình trôi dưới sông Hương
anh thì trôi nổi viễn phương mịt mờ
em ơi có đợi có chờ
chiều ra núi Ngự trông mờ phương xa
nửa đời bương chải phương xa
hắt hơi nhảy mũi cũng là tại em

trai huế
anh là trai Huế phải không
hèn chi ăn ớt như nhồng, cũng hay
e chừng ớt nóng ớt cay
sinh lòng rậm rực tày mày khổ em

sông hương
hỏi là anh nhớ em không
mười thương anh giữ mấy thương trong lòng
nói em nghe thử được không
hay là cứ lặng như dòng sông Hương
sông Hương có nét lạ thường
trên thì tĩnh lặng dưới cuồng cuộn sôi
hỏi là ướm hỏi vậy thôi
lòng anh em hiểu hồi mô tới giờ
đâu mà có lặng có lờ !...

CHẲNG CÒN GÌ QUANH ĐÂY


ở đây có dòng sông nào đâu
để tôi ra đứng ngó phương sầu
nghe con cá quẩy mà vui chút
cho bớt lòng đau cuộc bể dâu

cũng chẳng có con đường nứt nẻ
mùa khô gõ móng bước trâu về
tiếng con chiền-chiện kêu tình tự
lủi miết tìm nhau dưới rặng tre

cũng chẳng có chi là hương Bưởi
để tóc em thơm lựng mười phương
cho tôi ngơ ngẩn đi không nỡ
riết rồi cũng nặng nỗi sầu vương

rồi cũng chẳng còn chi để nhớ
ngày tháng năm ra cũng hững hờ
trái tim buốt nhói lòng đau xói
giữa đất xa quê người xa người

nên tôi cứ mãi nhớ quê hương
thèm vị thanh tao ngọt mật đường
bởi vì cay đắng nhiều vô kể
cần chút chi vui nhẹ nỗi buồn....

HÌNH ẢNH


Nhìn tấm ảnh này, bỗng dưng tha thiết, muốn viết đôi dòng cho thỏa.
Bởi vì, tháng 7, có liên quan tới giày, dép...
Hình tượng chung : mang giày, xỏ dép là để chuẩn bị đi còn như nếu cởi giày bỏ dép là thôi, không đi nữa.

Tháng 7, mười-lăm-năm trước, mang giày xỏ dép để ra đi, chuyến đi dài hơn nửa cuộc đời. Và còn đi, đi mãi...
Đôi giày, đôi dép của một thời vượt đoạn đường dài qua sông qua núi qua đồi qua biển lớn nay đã lạc loài bơ vơ mất dấu, tìm không thấy nữa ! Đã cất công tìm hoài mà không hề thấy trong mớ đồ bề bộn xếp xó garage ( để chờ garage sale !!! ). Nhưng nếu cố tình nhìn ngó lại thì còn thấy, còn thấy đâu đây, và cả hình dung được bụi đất quê nhà còn bám víu đế giày đế dép suốt chặng đường quá giang.
Mười-lăm-năm qua vùng đất mới cứ mãi lo chuyện áo cơm đời để vươn lên như tuồng cây cỏ giữa trời cao đất lạ nghiệt ngã khí hậu nắng gió trở mùa, thổ ngơi Đông Đoài khác biệt.
Nay, nhìn lại, những đôi giày đôi dép tự nhiên nghe nặng nhẹ nhớ thương ngậm ngùi...
Đông đảo, ngổn ngang giày dép không có nghĩa(cởi giày bỏ dép) là thôi, là không đi nữa. Vẫn đi. Vẫn còn cứ đi ! Dẫu là đi vào chốn đông vui của một ngày( cuối tuần thư giản, hay là dịp lễ hội ở quê người) họp mặt bạn bè, người thân, người sơ, người xả giao công việc làm...Đại khái là những người cô đơn không còn có quê hương chỉ còn có người cùng quê hương...
Cởi giày bỏ dép ở xứ người không là ý nghĩa là thôi, là không đi nữa. Vẫn đi. Đi cho tận cuối cuộc đời. Đứng lại, không đi, là thua cuộc.
Nay, bất chợt, nhìn ngó đôi giày đôi dép trong hình thấy vẻ dáng hàng hiệu tân kỳ. Ngậm ngùi nhớ lại mà thương một thời lê dép( mòn)chốn quê nhà.

Đôi giày ngày nào không còn thấy ! Giờ, chỉ thấy, đôi giày của mình nằm riêng lẻ ở cuối hàng.
Một đôi giày cô đơn hay là chưa quen hội nhập !
Một đôi giày da chính hiệu ôm chầm đôi chân quê !!
Hay là một đôi giày gìn giữ đôi bàn chân đã mỏi !!!
Mười-lăm-năm! Thoáng chốc đã là tre tàn măng mọc !!!!

Phòng Văn, một mình, ngó nắng
tháng 7/09

VỀ THĂM QUÊ NGOẠI


gởi hai con Tư Đào&Út Linh
để nhớ Ngoại, ngày nào....

xa quê từ thuở còn thơ dại
lòng không giú hết nỗi thương quê
lớn lên trên đất người xa lạ
cứ ngỡ đây là cũng chốn quê

bài học yêu thương từ nơi Mẹ
từ đôi dòng lệ Mẹ tháng, năm
từ câu chuyện kể về kỷ niệm
một cảnh trời quê quá đỗi gần

con hiểu, bây giờ, con mới hiểu
quê hương con ở tận trời xa
cũng có mây trời và sông biển
có người thân và có Ngoại già

con muốn về thăm quê, thăm Ngoại
thăm ngôi nhà ngày Mẹ nằm nôi
thăm nơi chốn Mẹ thường nhắc nhớ
là quê hương gắn bó muôn đời

Mẹ dắt con về thăm quê Ngoại
bông Cau rụng trắng đường con qua
hương đồng cỏ nội vương trong gió
gợi nhắc tình quê quá đậm đà

đàn bướm nhởn nhơ vờn trong nắng
con sông hiền dịu những dòng tơ
rặng núi mờ xa vờn mây trắng
ruộng lúa reo vui lả cánh cò

Ngoại ôm con mừng rơi nước mắt
con khóc òa ôm Ngoại già nua
tóc Ngoại như bông Cau trắng nõn
xõa xuống lòng con nỗi xót xa

con biết đời con không thể thiếu
một chốn quê yêu dấu muôn đời
dẫu cách ngăn nghìn trùng sông biển
vẫn hoài thương nhớ mãi ! Quê hương...

tháng 7 09, 2009

CHIỀU LẠC QUÊ HƯƠNG


không biết qua hết mấy cái đồi rồi tới đâu Ngoại hả ?
Ngoại mau bình phục cả nhà mình lại xách gói đi chu du...
Nguồn : zen-corner.blogspot.com/


gởi cháu Kuno của Ngoại

Bên kia núi là quê nhà con đó
Ngó thấy gần mà xa thẳm trùng khơi
Ngoại bỏ tuổi thanh xuân ở đó lâu rồi
Không biết bao giờ Ngoại quày trở lại !

Chiều rớt nắng buồn bên sông quê lạ
Ngoại dắt con ra ngó núi nhớ nhà
Núi xa thẳm sông trổ nguồn trăm ngả
Ngoại đứng giữa chiều thầm lặng vời trông

Ai trong đời không có một dòng sông
Để giữ mãi một tấm lòng chung thủy
Sông có khúc cuộc đời rồi có lúc
Vẫn nghẹn ngào gợi nhớ nỗi thương quê

Khi lạc sông xưa theo đời dâu bể
Lòng tang thương nương đất lạ quê người
Chiều quê hương xa thẳm cuối chân trời
Ngoại có các con gần bên nồng ấm

Dẫu buồn vui có bàn tay con nắm
Ngoại thấy quê hương gần gụi bên đời
Đứng bên Ngoại nghen con chiều dần tối
Lát nữa về con dắt lối Ngoại đi…

chiều 08/07/09

tháng 7 06, 2009

HÌNH ẢNH


Ngày này giờ này của mười-lăm-năm trước, gia đình khăn gói đến quê người.
Mãi mãi không quên anh Sáu Lạc đã dọn đường cho gia đình em có được ngày hôm nay.
Tấm ảnh này kỷ niệm mười-lăm-năm.
Ngày bỡ ngỡ qua vùng quê mới chỉ hai vợ chồng với bốn đứa con. Nay thì đã đông thêm, và, sẽ còn đông thêm nữa.
Anh em mình đoàn viên xum họp chỉ đúng 4 năm 4 tháng 5 ngày thì anh ra đi, mãi mãi, không còn thấy nhau !!!
Các cháu nay đã thành đạt trên đất người.
Vợ chồng em cũng thêm cháu đông vui.
Ngày này, tụ họp gia đình, hai em nhớ tới anh, các con em nhớ tới cậu, các cháu em nhớ tới Ôn.
Anh ( Cậu, Ôn ) Sáu râu !
Nhớ lắm !!!

tháng 7 02, 2009

Trang Thân Hữu :ĐỒNG HƯƠNG

Hai từ đồng hương, tới thế hệ con tôi thì giữ được đến bao giờ?

Trăn trở này, không biết thế hệ như ba mẹ tôi- lúc khăn gói dẫn bầy con ra đi- có hỏi những câu tương tự?

Tháng sáu hàng năm, cả nhà tôi vẫn theo ba mẹ đi gặp mặt đồng hương Đà lạt. Họ không gọi hội đồng hương mà gọi là hội thân hữu, chắc để bao gồm thêm những người yêu mến, hay có ít nhiều gì đó liên quan đến Đà lạt. Mọi người gặp mặt, đều chào nhau bằng câu, “Chào người Đà lạt!” Không biết ba trăm sáu mươi bốn ngày còn lại họ là ai, cho một ngày, ai cũng là người Đà lạt.

Nói là đi gặp người quen cùng quê, nhưng ngoài gia đình bà và má, tôi không còn biết và nhận ra ai cả. Hầu hết những người đi dự đều là người nhỏ hoặc hơn hoặc đồng lứa với ba mẹ tôi, ra đi vào những năm tôi còn quá nhỏ để nhớ nỗi khuôn mặt và bối cảnh của họ. Đến như khi mẹ giới thiệu tôi với cô con gái bà Bốn Rìu, lại nhắc nhà ở gần giếng Hai vòi. Trong khoảng khắc, tôi không tài nào nhớ quá khỏi cái giếng Hai vòi của bà Tín. Cứ tẩn mẩn tới tối mới định vị được nhà bà Bốn Rìu ở đâu. Rồi sực nhớ dì T. con ông cậu làm dâu nhà này.

Cái mức độ thiêng liêng, gần gũi với đồng hương trong tâm thức, theo từng thế hệ mà giảm đi, tôi nghiệm ra vậy.

Như bà đây, mỗi năm đau yếu thể nào bà cũng ráng ra tham dự. Bà ngồi trên hàng ghế danh dự, lưng tay trổ đồi mồi đen ráp nắm chặt tay mấy bà bạn, quay qua điểm mặt thử ai đi ai ở, ai còn ai mất. Lúc bà đi săm soi coi từng cái hình nhỏ cắt dán trên những tấm carton sinh hoạt của hội thân hữu hàng năm, tay bà run rẩy rờ từng khuôn mặt, dừng lại hình bà bạn già, bà nói, “Bà này ngoại nghe nói đã mất năm ngoái.” Thế hệ của bà, giờ chỉ ngồi lặng lẽ tán chuyện con cháu, chuyện cái khớp chân, cái khuỷu tay đau nhức mỗi khi trở trời, chuyện một ngày mình đi bộ bao xa. Vậy nhưng ông bà là chất keo dính cho thế hệ con cháu sau này, vành khăn đen mỏ quạ đó, búi tóc nhỏ xíu bạc phơ đó, hàm răng đen bóng cái còn cái mất đó, thể nào mà không gợi nhớ những ngày mưa dầm bùn đất dính nghẹt đế dép lội ngược về những con dốc ngợp những hàng thông xanh?

Hôm đi mẹ gặp được người thầy giáo cũ, ba gặp người đồng hương Ban Mê Thuộc về hội ngộ với Đà lạt. Từ lúc mới tới, đã nhìn quanh quất tìm người quen để còn tay bắt mặt mừng. Người này hỏi người kia, có gặp anh A, chị B, chú C chưa? Người quen nhau thế hệ của ba mẹ thì nhiều lắm. Nếu tính ra thì chắc cũng là những người ở vùng lân cận tìm về thôi. Những người ở tiểu bang khác, chắc là có riêng hội đồng hương Đà lạt hay là không tiện về họp mặt. Thích nhất là được nghe lại những giọng nói với âm hưởng của người Đà lạt. Không nặng, không nhẹ, trung hòa của thanh âm tứ xứ. Bao nhiêu năm qua rồi, vẫn không lầm lẫn đâu được! Chỉ ngồi chứng kiến cảnh người người tay bắt mặt mừng chào hỏi với người quen cũ thôi cũng đủ thấy vui vui trong bụng.

Trong chừng đó năm chăm chỉ đi gặp đồng hương, hiếm khi nào anh em tôi gặp người cùng trang lứa. Mà nếu có cũng là người ở đâu đó, dù có ở lại Đà lạt, cả đời cũng chưa chắc đã đụng mặt nhau. Được biết những người cùng lứa với anh em tôi, hầu như là con dân HO, đều ở tứ tán khắp nơi, như chị em chị T. ở tuốt bên Texas, chị em anh H. ở Arizona, chị em T. N. thì đứa ở Georgia đứa sống ở Hawaii, T. lang thang qua tới Massachusette, D. lưu lạc tới Hawaii, anh T. nghe đâu ở Washington, anh Đạt chị Xuân thì sống đâu đó ở North California, thằng Bình con cô Tư thì nghe nói đã bỏ về Việt nam sống. Người quen cùng quê, cùng xóm thì chắc cũng nhiều nhưng đã mất hoặc không liên lạc được. Thật tình mà nói, nếu không vì ba mẹ đường xa đi lại không tiện, anh em tôi có nhớ tới ngày này để hội tụ về? Rồi khi đi lại giữa những khuôn mặt quen mà lạ vầy, biết nói chuyện gì đây? Giá như có gặp người cùng xóm, cũng loay hoay tán gẫu chuyện công ăn việc làm, chuyện nuôi con dạy cái, đủ thứ chuyện ta bà, trừ chuyện ‘hồi đó bên mình.’

Con bây giờ biết nói tên thành phố tôi sinh ra mỗi khi hỏi nó mẹ ở Việt nam ở đâu. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi tự mình hào hứng- nói tắt lại là tự hào- lắm rồi. Giống như lúc xưa, mỗi lần khai nguyên quán, phải là nguyên quán của ba, điền vào Bát Vọng Tây, thiệt tôi thấy mập mờ, xa lắc. Hành trình về quê của cả nhà nhằm để con biết tới quê cha đất tổ, âm hưởng trong con giờ chỉ có từ ‘nóng’. Nhưng mà vậy đi, trang giấy trắng không thể nào viết hết trong một khoảnh khắc. Mình không quay lưng, con làm sao mà quên được.

Lòng có mềm đi giữa một chiều Đà lạt trong lòng California?

Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người, gần nhau, trao cho nhau tin yêu đừng gian dối


Hẹn về tháng sáu nhiều năm sau…



Quyên Trần
Nguồn : zen-blogspot.com