tháng Mười chưa kịp nhe răng cười trời đã hầm hầm tối.
Gió cuối Thu se lạnh trở mình dợm bước qua đầu Đông. Cảnh vật chung quanh nhìn
đâu cũng thấy buồn buồn. Là chỉ thấy buồn buồn thôi, đâu có gì buồn, mà có gì
đâu để mà buồn!.
nói quanh co rồi cũng đâu vào đấy những ngày cuối Thu,
vốn tự thuở giờ, vẫn vậy...
[nếu đoạn văn
ngắn giáo đầu ni mà đưa lên facebook thì, phải-nên-cần, gỏ vói thêm mấy tiếng ...he he he...cho
đúng điệu fb như ôn Hồ Đình Nghiêm đã “nhắc tuồng” nhưng nghiệt cái đang viết
truyện ôn cố tri tân nhờ anh Bắc Phong gởi cho bà con đọc vui. Phải nghiêm khắc
dặn mình đừng có gỏ ẩu, he he he, mà
trật đường. Ôn Nghiêm thông cảm...].
giờ, viết tiếp không thôi rồi, khô ran cạn hứng....
Những buổi chiều giờ đây nơi đây, lang thang tản bộ, lại
nhớ những con đường của một thời rất xa giờ đã hóa ra xưa. Nhớ những chiều, đâu
cần phải là tàn thu mà vẫn cứ y như là đang dợm bước qua đông. Cũng lành lạnh
se se. Cũng buồn buồn y như là tâm trạng bây giờ. Có khác chăng là khác, những
con đường ngày đó, chỉ là đất đá khô cằn tên gọi thường quen là con-đường-đất. Nói
ra e ốt dột thời cách tân canh tân đường trải nhựa tới đường xa lộ thênh thang
sang laine thoải mái mà cứ giú riêng mấy chuyện đường đất trộn đá đưa cho bà
con đọc...Nghiệt nỗi buồn xa xứ quá lâu năm rồi nhớ lại viết chút gì cho thỏa,
rứa thôi ai chẳng có một thời để nhớ một thời yêu và một-đời-tìm-nhau...
rứa là viết tiếp nghen, về một đời tìm nhau một thời....
*
Chiều nay nhận được email, đọc, mà phát buồn, rồi cười !.
(chớ không phải là buồn cười). Chắc chắn đây là người cùng Xóm đình chớ không
chạy trật !.
Nội dung :
“...mi con cháu nhà ai mà viết ngang viết dọc về cái xóm quê mình để tao
đọc mà mất ngủ mấy đêm. Mất ngủ vì nhớ lại cái hồi xưa. Tao nhờ thằng cháu lên
gô gồ tìm tên tác giả để đọc cho đã cái bài Xóm Đình Đa Cát mà tụi nhỏ nói là
có ông mô đó viết về xóm quê mình sao mà buồn ray rứt. Tao có đọc. Cái
đoạn mi nói bị con chó cắn rồi về xức mồ hóng. Con chó của nhà chú Ba Cận chớ
mô.. Còn Phạm Lạc thì tao nhớ, Phạm Đông tao cũng nhớ. Cả hai là con của chú
Hương kiểm Lào gần nhà chú Nghi. So trong truyện mi là bạn của thằng Đông, rứa
là đàn em xa so với tao rồi. Tao lứa tuổi với Phạm Liêu là anh của Phạm Lạc,
Phạm Đông. Hồi nhỏ còn chơi với nhau cứ gọi là mày, tao mà nhiều khi đánh nhau
hung lắm. Sau này Liêu về Xóm đã là thầy giáo mà nghiêm nghị chững chạc cho nên
tao khó gọi lại mày tao quá. Cứ gọi nhau là ông với tôi cho dễ chuyện trò với
nhau. Vậy chớ mi con cháu nhà nào trong Xóm....”
Meo qua meo lại hóa ra anh là người cùng xóm. Anh đang ở quê nhà và cũng đang ở
nhà trông coi cháu nội, ngoại đầy đàn. Có một đoạn email, anh nói “ Mù cha
tam đợi ! Mấy đứa con tao răng mà hắn soàn soạt mỗi năm mỗi đứa làm cho tao với
chị hùn sức nhau trông coi mấy đứa cháu cũng thấy ngất ngư con tàu đưa. Nói
chơi vui là chắc trời lạnh tụi hắn ngủ sớm...”.
Thú thật, tôi không hình dung ra anh là ai, dù biết nhà anh cách nhà tôi một
đoạn đường dài gần gần như là Xóm trên Xóm dưới.
Sau này, do anh nói, là chồng của chị Huê, tôi mới giật mình nhớ lại anh là tài
tử, chị Huê là giai nhân của Xóm tôi. Té ra anh là con của bác Cứ, chị là con
của chú Tường. Rồi khi biết tôi là con của ôn Cai Hoành anh nói : “ hèn chi
mi viết văn làm thơ bởi hồi đó chú Cai cũng thơ văn giắt đầy mình đi tới đâu
cũng nói chuyện thơ văn mặc dầu chú là thợ mộc dùi đục chan chát suốt ngày. Sau
này chú lên chưn làm thầu khoán đi suốt năm suốt tháng. Lâu lâu về nhà thắp cây
đèn “măng sông” ( manchon) sáng rỡ. Hồi đó xóm mình chỉ có đèn dầu. Đêm tối có
việc ra ngoài thì đốt đuốc...”
Anh vốn tên là Địa.
Sau này, có một khỏang thời gian dài, lang bạt kỳ hồ xuống tận miền Nam kỳ lục
tỉnh. Có qua Cao Miên( có thiệt qua không, không biết, chỉ nghe nói, tin đồn
!).
Cuối cùng quày quả về lại Xóm quê.
Ai lâu ngày gặp gọi mừng tên Địa (cúng cơm) là anh giả lơ như không nghe không
thấy. Ngày nào bác Cứ cũng có người tới nhà “mắng vốn”, có nghỉa là phàn nàn
hay nặng hơn là phiền trách, về thái độ của anh với bà con làng xóm.
Bác, trước tiên là xin lỗi rồi sau đó mới giải thích nguyên do. Hóa ra là cái
tên Địa (cúng cơm) bây giờ đã đổi là Đại. Trần Quang Đại thay vì Trần Địa như
ngày nào. Chuyện này có Hộ Lại của Làng ( là chú Lại) thay mặt chính quyền viết
lên giấy trắng ( không trắng lắm, chỉ ngà ngà) chuyển đổi tên cũ qua tên mới
trên tờ Giấy Khai Sinh. Bên dưới có chữ ký của ông Xã Lùn( xin lỗi ôn, bởi ai
cũng gọi vậy, nên gọi quen) với dấu mộc màu xanh đen ( sau này dấu mộc đổi tông
màu đỏ chói ) . Ai dám không tin!.
Sau một khoảng thời gian trường trải quê xa học đòi bao điều mới lạ, anh về lại
Xóm cũ,phong cách coi như là “ hương đồng gió nội bay đi khá nhiều” nên
Trần Quang Đại như là một biểu tượng cách tân và mau chóng trở thành thần tượng
của lớp thanh niên Làng Xóm quanh năm đèn dầu le lói đêm ra đường thắp đuốc
đuổi bóng đêm.
Đầu tiên là cái đầu trọc bao đời gìn giữ nay đã chuyển hóa ra đầu tóc dài chải
tém, láng mướt dầu dừa. Mấy anh trai làng ( có nhiều anh đẹp trai dễ sợ mà cũng
có nhiều anh cũng trai, mà, xấu trai thấy ớn ) đã thầm lén đua nhau ( nhìn nhau
tranh nhau ) dưỡng nuôi mái tóc dài. Để tha hồ mà chải tém thời trang !.
Quần cụt áo thun hay thuở giờ trần sì quần cụt áo da tứ thời, nay đua đòi nhau
lên "mốt" quần tây, áo tây tay dài cổ bẻ. Quần thì bốn nếp li, hai
túi trước hai túi sau. Áo cần (rất cần) có một túi( bên trái nghe, bên phải là trật-cùi-chìa,
thấy mà dị hợm ) để bỏ cái lược ( nhỏ ) lâu lâu làm dáng, lấy ra, chải ngược
mái tóc gió bay.
Chân trần thuở giờ mưa nắng hai mùa, hay dẫu cho có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông
cũng trần chân lội đạp. Nay đã kịp thời trang “ôm” đôi dép cao su đủ màu xanh
đỏ tím vàng.
Nếu không điều kiện để đua đòi thời trang thì cứ chơi ngang đôi guốc vông. Cũng
vậy thôi ! Guốc với dép, nói tận cùng, cũng chỉ là một nghỉa ( cử ) như nhau.
Cũng chỉ là ôm đôi chân trần đừng cho đạp đất như đã từng đạp bao năm .
Duy có điều, so với thời trang, đôi dép thanh tân vẫn có tranh phần thời thượng
!.
Thử tưởng tượng coi !. Mặc quần tây áo tây mà đi đôi guốc vông thì đúng là
choài đạp xỉa xói nhau hung bạo tới cùng!. Thiếu điều mắc cở !!!
Nhưng mà thôi !
Nhắc chuyện hồi xưa mà đem so lòng toan tính theo tình cảnh ngày nay thì nhắc
nhớ làm chi !. Ngày xưa nó vậy mà !. Cứ để yên ngày xưa là như vậy trên trang
đời hoài niệm!.
Nói cho cùng, cũng chỉ tại vì nhớ tới anh Địa bỗng dưng là anh Đại.
Anh Địa (tên cúng cơm) rồi thành ra anh Đại !. Địa với Đại chỉ là chia nỗi nhớ
như nhau. Cũng chỉ là vòng ôm kỷ niệm viết về một làng quê. Viết hoài không hết
những trăn trở vui buồn....
Lớp thanh niên, ngày đó, có theo anh làm thay đổi lớn lao khuôn mặt Xóm Làng
nhưng không theo nổi anh tiếng đàn và lời ca bạt ngàn trời đất phương Nam. Cái
đó là của phần anh, đi một ngày đàng học một sàng khôn, không ai níu
với được.
Khi anh dạo tiếng đàn cò-bay-thẳng-cánh ruộng lúa phương Nam và cất lời ca Nam
Bộ, chính thống giọng Nam, không hề pha trại giọng người tứ xứ về hội tụ làm
nên Xóm Làng tôi. Một Xóm Làng quê nằm cuối trời phong thổ, chưa từng có nóng
chỉ có lạnh và se lạnh, vùng cao.
Xóm quê tôi đêm thắp đèn dầu âm thầm lặng lẻ trong sinh hoạt gia đình. Có những
đêm Trăng, bất chợt hữu tình, người người rủ nhau ra tụ họp ở sân Đình coi như
mái nhà chung để để tận hưởng thời gian quý báu Trăng về làm ấm làm vui. Được
có hiếm hoi để vui đùa cho lảng quên những lặng thầm sinh hoạt gia đình khép
kín. Quên những ngày Trăng, có lên, mà tức tưởi giú mình trong mây. Quên đi
những ngày mưa dài lê thê và những ngày tiết trời se sắt lạnh...
Tiếng đàn và giọng hát phương Nam của anh theo với dòng Trăng đã như níu nắng
ấm bỏ vô tình Làng nghĩa Xóm.
Anh là tài tử của Xóm quê tôi.
**
Xóm quê tôi “tối lửa tắt đèn” nhà ai nấy ở, đường vắng
teo. Lệ Làng quy định gần mười giờ là có chú A, nhà ở cuối dốc giếng Hai Vòi,
đeo cái mõ cầm cái dùi, đi hết làng trên xóm dưới. Chú vừa gõ mõ vừa ê a bài học-thuộc-lòng
nhắc nhở mọi nhà coi chừng lửa bếp, coi chừng cửa nẻo, coi chừng...ngủ sớm để
mai có sức ra làm công việc nương rẫy, làm thợ làm thầy.
Nói chung, khi tiếng mõ đã gióng lên từ làng trên xóm dưới là mọi người dân xóm
đều biết đó là giờ giới nghiêm. Nhà ai nấy ở nội bất xuất ngoại bất nhập.
Tráng đinh trong làng sẽ đi tuần rỏn để giữ gìn an ninh trật tự cho bà con có
giấc ngủ đầy.
Người lớn ai cũng gọi chú A là “thằng mõ”. !
Tôi nghe mà trong lòng cứ chộn rộn xốn xang nỗi bất bình. Chú lớn tuổi rồi, có
đông con và cũng bắt đầu lai rai có vài đứa cháu nội ngoại. Vậy sao gọi là “thằng”?.
Tôi có đi dò hỏi quý đàn anh đàn chị, có vòng tay xin Cha tôi giải thích về
danh xưng “thằng” riêng đối với chú A (Nguyễn văn).
Các anh, chị lớn không giải thích nổi vì mỗi lần gặp chú thảy đều vòng tay cúi
đấu thưa chào phải phép. Đâu có dám gọi “thằng"!
Cha tôi thì không nói rõ hết ngọn ngành, chỉ nhắc chừng con có gặp chú thì phải
chào hỏi lễ phép “tiên học lễ hậu học văn”. Chú cũng là dân xóm làng
mình. Ai cũng có phần việc riêng để chung lo chuyện xóm làng.
Hàng năm xuân thu nhị kỳ hay ba năm Làng vô hội kỳ yên thấy chú
chạy trong, ngoài mệt nghỉ theo lệnh sai bảo của quý vị chức sắc hội tề. Chú tất
bật luôn tay và cười vui luôn miệng. Chẳng khác chi là người ăn kẻ ở cuả xóm
làng. Tôi thiệt lòng thấy bất nhẩn bất ưng !
Thương chú những đêm Đông trời lạnh giá vẫn nghe tiếng mõ và tiếng chú ê a kéo
dài lúc to lúc nhỏ hòa theo tiếng gió hú ngược ngàn thung xanh về ngang qua
Xóm.
Một thời gian sau này, lâu mau tôi không nhớ được, tiếng mõ tự nhiên tan biến,
đã không còn đêm đêm.
Thời thế đổi thay. Xóm làng cũng theo dòng thay đổi. Lớp tráng đinh lần lượt bỏ
làng bỏ xóm lên đường thi hành quân dịch, kỳ hạn ba năm.
Lúc nào không hay, đêm đêm làng xóm không còn có tiếng mõ cầm canh với lời nhắc
nhở. Quán mụ Đối vẫn đèn(dầu)khuya đối bóng mấy anh trai làng nhậu nhẹt thâu
đêm.
Đường xóm khuya vẫn còn mấy chị thanh nữ hẹn hò tình yêu, về muộn.
Lớp trẻ tụi tôi thả giàn những đêm Trăng sáng sân Đình. Tha hồ mà bày vẻ những
trò chơi tới cũng tận hồi khuya lơ khuya lắc.
Coi như cái thời xa xưa đã vào cải cách giai đoạn mới.
Miếng đầu làng to hơn sàng bếp đã đi vào thực tế, là không nên cần thiết.
Bởi có to mà không no thì thôi,xin đừng to theo kiểu no hơi danh lợi phù vân
mây nổi mây trôi...
Ôn cai Tư, là hương sư của nhiều thế hệ.
Tới thế hệ tôi, ôn trở dáng chiều đời không còn nhanh nhẹn đi đứng. Không nhặm
lẹ nói năng bác vật bởi mắc chứng lảng quên tuổi già.
Không trách. Chỉ trách con gà dĩa xôi cúng thầy buổi khai tâm đã không chút sơ
múi cho thằng học trò trỏ mắt nhịn thèm. Khi ngồi xếp bằng bên cạnh đồng môn,
nước miếng thèm ăn làm lạc giọng ê a bài học ..tử con tôn cháu lục sáu tam
ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau...
Khi tôi vào trường tiểu học Đa Nghĩa thì nhường cái-nhịn-thèm cho lớp đàn em
trong Xóm. Ba tôi lại thêm một con gà và dĩa xôi cho em tôi. Em Tuyết. Nay em
không còn nữa !
Những cái-nhịn-thèm cứ tiếp nối cho kỷ niệm xóm làng về một người Thầy, không
chỉ là đáng kính, mà thiệt là đáng yêu trong suốt dòng chảy tuổi thơ.
Bọn trẻ xóm tôi không hề gọi là Thầy mà chỉ gọi là ôn. Tiếng gọi níu thân
thương do từ tình làng nghĩa xóm.
Bởi khi gọi tiếng Thầy, nghe sao mà xa lạ không còn xóm còn làng.
Vấp váp xa lạ và không thể gần gụi thân thương bằng tiếng ôn.
Tiếng "Thầy" chỉ để rồi dần quen khi vào dòng học chính thống ở trường
tiểu học, nơi có hệ thống cải tiến theo tân học tựa như con đường quê đất đá
qua con đường trải nhựa phẳng phiu !.Có Thầy(Cô Hiệu Trưởng). Có ông(bà)Trưởng
Ty Tiểu Học !
Tiếng gọi hương sư đã dần đi vào quên lảng.
Riêng hương-sư-Ôn-cai-Tư, mãi mãi muôn đời, là ôn Thầy của bao thế hệ đàn anh
đàn chị ( đàn tôi) đàn em của riêng cái xóm nghèo (trong nhiều lắm xóm nghèo)
quê tôi.
Ôn đã khai tâm cho nhiều thế hệ, sau này vào đời, đã có nhiều thành đạt.
Khi trở lại Làng quê Xóm cũ, quý vị giáo sư (đã và đang dạy học trò), quý vị đã
bỏ bút nghiên theo việc kiếm cung nhân khi nhắc lại thầy xưa, vẫn cứ gọi là ôn.
Ôn của một thời đèn cạn dầu khô bấc.
Ôn của một thời sân Làng vang lừng chiêng trống hội kỳ yên.
Một thời có “thằng mõ” đêm đêm nhắc nhở mọi nhà củi lửa coi chừng vạ
lây trăm họ.
Ôn của tuổi khai tâm con gà dĩa xôi dọn đường chữ nghỉa cho lớp trẻ vào đời
khôn lớn.
Nhắc cho nhói nỗi nhớ thương về một nơi chốn, khi ở thì thấy như
là rất bình thường mà khi dứt bỏ ra đi lại ray rứt nhớ thương.
Tôi nhớ, rất nhớ, dù đã bao năm xa nhà xa quê xa những đêm Trăng
vàng mượt xóm quê nghèo.
Quê tôi Đàlạt nhưng gốc ngọn chôn-nhau-cắt-rốn là xóm nghèo Đa Cát.
Xóm Đa Cát liên lụy cận thân với xóm Đa Thuận, xóm Đa Trung.
Ba xóm gộp chung lại gọi là Đệ Nhị phường, sau này nữa đổi là Phường 6.
Hồi tôi răng sún trọc đầu trải nắng đầm mưa chân dẫm bùn quen thân với đất thì
nghe gọi là xóm đình Đa Cát, xóm đình Đa Thuận, xóm đình Đa Trung bởi vì ở xóm
nào cũng có một ngôi Đình riêng.
Khi lớn trộng thêm một chút thì không còn nghe chữ Đình, chỉ đơn thân độc mả chữ
Xóm.
Rồi lớn thêm hơn thì lại nghe ra là chữ Khóm !.
Danh xưng theo thời thế, đổi thay dù cuộc đất và con người vẫn không thay đổi.
Hồi xửa hồi xưa, khi tôi chưa ra đời hay ra đời rồi mà còn quá nhỏ, gọi là Thôn
Đa Cát.
Nghe tiếng Thôn, tôi nuột cả lòng bởi thiệt quá thân tình đầm ấm.
Sau, nghe tiếng Xóm, coi như cũng còn não lòng vì dù sao cũng dây dưa tình Làng
nghĩa Xóm.
Tới thời nghe tiếng Khóm thì thiệt là lạc hồn quê, bởi đã đi vào thời hiện đại
ngó nhau mà không thấy nhau, chỉ thấy trời cao đất rộng vượt ranh qua khỏi lũy
tre làng. Là thời kỳ đổi mới, con người cũng đổi mới luôn !.
Nhắc tới chữ Thôn lại nhớ thiết tha đến mũi lòng khi nghe bài hát “ Nắng Chiều”
của ông Lê Trọng Nguyễn : " khi đến cuối Thôn chân bước không hồn. Nhớ
sao là nhớ đến người ngày xưa..."
Ông thì về tới Thôn nhớ chỉ một người xưa còn tôi khi nghe bài hát này cũng nhớ
Thôn xưa, nhớ những người xưa đã gắn bó đời sống nắng mưa.
Tôi, có về Thôn cũ, chỉ nhớ sao là nhớ những người ngày xưa.
Ông về Thôn cũ, lại nhớ sao là nhớ tới người ngày xưa. Đến nỗi chân bước không
hồn !.
Những người ngày xưa của tôi buồn vui lẫn lộn trong cuộc sống đời thường.
Người ngày xưa của ông, sao mà dịu hiền, thiệt tình tôi cũng ghé lòng yêu :
“ Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi …”
Tôi thiệt không giấu, quá lòng ngưỡng mộ người con gái có cái nết dịu hiền, dịu
hiền đến nỗi nắng chiều mà cũng phải ngừng trôi.
Có không, có người em gái dịu hiền làm vậy ?.
Hay là ông đang nhớ người em gái dịu hiền, nhớ, nỗi nhớ thiết tha đến nỗi nắng
chiều phải ngừng trôi !.
Dù thế nào chăng nữa, cũng phải nhận biết là cái nét dịu hiền của người phụ nữ,
đá cũng phải mềm nói chi tới trái tim của người nam tử !.
Đi lòng vòng ra khỏi Thôn rồi !
Quày trở lại thôi !. Để ngắm vầng Trăng xưa, nhớ những người xưa một thời đã
thành câu chuyện kể. Ngày xưa…
...có những đêm Trăng rượt-bắt-cứu-tù
thấy anh Lạc ôm hun chị Hẹ
thấy mái Đình cong dáng buồn ủ rũ
nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè…
Những hình ảnh đó chỉ còn thấy trong hoài niệm, trong Thơ chớ còn có thấy đâu nữa,
ngày tháng cũ !
Ngôi Đình bề thế đã không còn. Những người xưa đã lang bạt tha hương đã yên ngủ
lần lựa hóa người trăm năm cũ !
Lớp tuổi tôi, coi như là lớp trẻ hồi đó, còn nhận diện tháng ngày xưa thì cũng
đã có đứa ra đi, có đứa còn ở lại chờ chuyến xe sau !.
Đã là tri thiên mệnh…
Buổi đêm nay ngồi Hiên Trăng ngắm Trăng mà rưng rưng nhớ…
Nhớ Xóm nghèo qua dâu bể tang thương đã mất dấu yêu xưa. Người xa lạ tận đâu lại
đổ xô về chen lấn…
Xóm Đình xưa, người ngày xưa đã lạc dòng dâu bể…
Cuối Thu rồi dợm bước qua Đông. Hiên Trăng khuya vẫn còn Trăng
nhưng mờ(mịt) thức mây Thu tàn Đông tới vật đổi sao dời...
Nghĩ sao đây !.
Người dâu bể tang thương người còn vương nương náu xóm đình Đa
Cát tên gọi thường quen là Cây số Bốn, cố hương !
Người viết bài Lây Lan Hương Cố thương nhớ lại mùa xưa !.
vào nhà
đi thôi người cố hương cố quận
sương phương
Đoài lạc tận rồi phương Đông
Xin vào nhà thôi kẻo sương lạ sương xa sương sa phủ đầu e cảm lạnh
đời thường....
viết dưới hiên trăng, 22/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét