Một năm rồi sẽ
đi qua. Cuốn lịch giờ chỉ còn một tờ duy nhất. Sáng mơi thức dậy, là một ngày
đầu của một năm, thêm.
Vậy là
hai-mươi-năm quá giang vùng Đất Mới !.Ngày gia đình lê thê lếch thếch qua đây thiệt không có lời nào tả nổi !. Tay trắng túi trơn hình hài ốm đói. Hành trang mang theo không nhiều nhưng nỗi lòng mang theo thì hằng hà sa.
Nỗi đau nhói xa quê bỏ lại rất nhiều kỷ niệm gần nửa cuộc đời.
Nỗi hoang mang lo ngại bộn bề về ngày tháng rồi sẽ ra sao, ở một nơi chốn chưa bao giờ và chưa từng nghĩ tới.
Cũng là trời cũng là đất cũng nắng cũng mưa cũng ngày qua đêm tới mà muôn trùng xốn xang xa lạ.
Một đời thương nhớ và cám ơn người anh vợ, anh Sáu Râu, đã cưu mang đùm bọc gia đình tôi những ngày bơ vơ lạc lỏng qua vùng Đất Mới. Anh làm tôi mủi lòng và nhớ nhiều, rất nhiều, người đã từng giúp tôi vượt qua ghềnh thác cuộc đời.
Giờ đây, những người ơn nghĩa của tôi đã không còn ai bên cạnh. Đã lưu lạc phương nào!. Đã trở về cát bụi !.
Chỉ còn tôi ở nơi này… Một chiều cuối năm…
Escondido, góc sân sau nhà của cậu Hai. Câu chuyện cuối năm đầu năm xin chọn nơi này. Một góc nhỏ có cây xanh và hoa và bóng chiều nghiêng nắng đủ vừa trầm mặc. Sân trước sân sau gạch lát nối hàng phủ phê cây xanh chậu cảnh và hoa . Một góc này riêng khuất lấp, sâu lắng và lãng mạn.
Nhưng tôi có viết được gì đâu !.
Ba tôi nói : “ Khi trong lòng có nhiều điều muốn viết mà không viết được thì thôi, đừng viết. Có viết gắng gượng thì cũng không nên. Là viết lung tung đó. Có ra chi mô !”.
Đại khái, Ba tôi, chuộng chữ nghỉa chân thật, lòng trung thực không bày vẻ rườm rà, thấy sao viết vậy. Khi muốn viết mà không viết được là vì lòng có manh nha ý đồ viết lung tung, không thật với lòng mình.
Cha nói “ Mi cứ hoài đi biệt
Tau chờ mê, đợi mỏi, buồn tê “
Tôi làm Thơ tìm chữ gây mê
Không kịp Cha mấy lời sàng dã
Cha nói: “ Mi làm Thơ như lá
Lá rụng về ở chỗ rồi về”
Tôi ,văn chương lộng gió bốn bề
Không đạt tới một lời Cha diễn
Cha nói:”Có thương Trời thương Biển
Cũng lưa ra một chỗ con người”
Tôi nghe ra, cám cảnh, ngậm ngùi
Cha nhắc khéo tình đời ngang trái !
Mấy mươi năm theo Đời trường trải
Tôi làm Thơ học mót lời Cha
Thơ không chuộng văn chương bóng bẩy
Chỉ đơn sơ mộc mạc lời quê
Thơ vẫn cứ như là chuyện kể
Những buồn vui cuộc sống đời thường
Những cảnh đời dâu bể nhiễu nhương
Có tình tôi thở dài trong đó
Có chia xa, có thời gắn bó
Có bạn bè đứa ở đứa đi
Có em tôi con mắt liếc tình
Và có tôi Thơ ròng cơm áo...
Lời, ý vẫn giữ lòng thơm thảo
Như khi Cha dặn buổi đầu đời
Thơ phải viết như là mình nói
Đừng theo đòi chữ nghĩa cao xa
Thơ như mưa giữa trời nắng hạn
Như quê hương có lũy tre làng...
(Văn Chương Lộng Gió, Thơ Trần Huy Sao, tập 2)
Từ rất lâu tôi vẫn nằm lòng, thấy đúng. Còn tìm thấy ra một điều đảo nghịch kỳ khôi : khi trong lòng không có ý chi để viết mà tự nhiên viết được. Không viết mà cũng cứ viết. Là ngẫu hứng đó. Thiệt là cảm khoái.
Hơn nửa đời thơ văn lộng gió, tôi viết từ ngẫu hứng. Hoàn toàn ngẫu- hứng-sinh-tình.
Một vài dẫn chứng khi ngẫu-hứng-sinh-tình :
1. Buổi chiều Đông, tôi lúi húi loay hoay chiên con cá He. Em loay hoay lúi húi nồi cơm(điện). Em thoáng nhìn qua tôi, cười (nụ cười vừa nhẹ), ý chừng hỏi là cá đã vàng rộm chưa. Tôi mím môi chưa cười trả góp (bởi cá chiên vừa chín tới, chờ vàng rộm, không cười). Chỉ một sát na em thoáng nhìn thoáng cười, tôi đã giòn một câu Thơ, ngẫu hứng.
Vội vàng riu lửa, xuống Phòng Văn ghi vội một câu, chỉ một câu thôi, ngẫu hứng.
Rồi bữa cơm chiều, như mọi chiều trôi qua…
Đêm về, khi yên ắng sâu lắng một mình, mượn câu Thơ ngẫu hứng hồi chiều mà nhập cuộc một bài Thơ :
con cá He trở vàng giòn trong chảo
chiều sau cơn mưa trời trả lạnh về
em nấu nồi cơm hạt gạo hương quê
cơm cá chen nhau tha hồ thương nhớ
chiều xa quê rưng lòng theo tiếng gió
cơn lạnh về ôn lại tháng ngày xưa
miếng cá khô giòn chén cơm xớt nửa
nhà dột mái che vách thưa luồn gió
em và miếng cơm xé miếng cá khô
chiều trở cơn mưa đè đau khói bếp
hai đứa chia nhau nỗi buồn thấm mệt
né chỗ này mưa dột tới chỗ kia
bữa cơm chiều xưa cơm cá em chia
tôi giữ riết tới bây giờ vẫn giữ
tình yêu nhau trải bao mùa mưa lũ
vẫn thơm cơm mặn miếng cá khô giòn
dẫu bây giờ miếng cá giòn giòn hơn
nồi cơm trắng không độn thêm khoai sắn
mưa cũng trời mưa gió chiều vẫn lạnh
cơm cá chiều xưa sao cứ nhớ hoài
bởi tại thương nhau dù lạc Đông Đoài
vẫn giữ riết những chiều mưa khói bếp
miếng cá khô nói giòn lời không hết
chén cơm chia không mỏn đời thương nhau
khi ngoái lại thời thương hải bể dâu
mới thấm thía câu gừng-cay-muối-mặn
con cá chiều nay đậm đà muối mặn
chén cơm chiều nay thơm lựng gừng cay
tôi vốn làm Thơ suốt đời không nhả
châu ngọc gì đâu chỉ lời chân quê
em vốn yêu tôi suốt đời vẫn thế
chăm chút tình tôi rất đỗi lặng thầm
ơn con cá He chiều giòn vàng rụm
ơn nồi cơm thơm đất trời quê hương
tôi với em ngồi ngó lại yêu đương
xẻ miếng cá sớt chén cơm chia với…
( Con Cá He Chiều Mưa Tạnh, Thơ Trần Huy Sao, tập 2 )
2. Khi ra ngồi ở chỗ thường ngồi. Buổi chiều im nắng vàng và thanh thản. Mùa Thu thì nắng vàng hơn và thanh thản hơn. Và gió hiu, se lạnh. Chỉ ra ngồi ngó trời ngó đất, vậy thôi!. Bỗng dưng thấy mấy lá(là lá Chanh) rơi. Lại ngẫu hứng nhớ một mùa lá Me(không lá Chanh) rơi…Ngẫu hứng một hơi dài :
Có mỗi một lần về qua chốn cũ
Nhìn thấy bông Cau trắng muốt miệt vườn
Nhìn lá Me rơi chua những con đường
Nghe tiếng em cười ngọt thanh Xoài cát
Chiều giạt nắng gió ruộng đồng dịu mát
Ngồi vườn sau chờ mẻ cá nướng trui
Mấy thằng bạn đồng quê chưa thấy tới
Chỉ có mấy nàng chia lửa đông vui
Lát nửa đây mặt trời về với núi
Trăng lại lên soi rõ mặt bạn bè
Những người bạn giờ đây đâu còn trẻ
Đã chớm bợt màu râu tóc phong sương
Ta viễn phương về ngó bông Cau rụng
Ngó lá Me rơi ngó Trăng đồng nội
Ngó cô em một thời trang tóc rối
Bao năm qua còn vẻ dáng tiểu thơ !
Bởi lâu lắm rồi giữa quên giữa nhớ
Ghé về đây mong tìm lại một thời
Em ruộng đồng cháy khô mùa tóc rối
Dáng tiểu thơ đã chân lấm tay bùn
Bông Cau rụng lá Me rồi rơi rụng
Người xưa đau lạc dấu người viễn phương
Em đón ta cười rớt nụ bên đường
Đôi mắt đỏ hoe giữa chiều giạt nắng
Buổi về đây chuốc rượu giữa đêm Trăng
Bạn bè đông vui níu thời trai trẻ
Em có vui không, tới bên, ngồi ghé
Không còn lớp Nam lớp Nữ ngày xưa
Cứ ghé hùa nhau chia chung bếp lửa
Trăng cũng chia chung vạn dặm quê nhà
Đường xa rồi, ừ nhỉ, đường quá xa
Áo học trò đã phai mờ dấu mực
Bạn bè xưa cũng lạc dòng lưu bút
Ngồi bên nhau khi kẻ mất người còn
Ta muộn màng trở về rưng mắt nhớ
Buổi tan trường theo dâu bể nhiễu nhương
Ơi lá me rơi chua những con đường
Mẻ cá nướng trui thơm tình bằng hữu
Đêm chuốc rượu mùa Trăng về chốn cũ
Mai viễn phương ta sẽ nhớ đem theo…
(Trăng Bằng Hữu, Thơ Trần Huy Sao tập 2 )
Vậy mà chiều nay, cố tình chọn một góc sân khuất lấp trữ tình, âm thầm mượn giấy bút của cháu nội Li Li, sảng khoái nhâm nhi ly beer thằng con dành cho Ba buổi tiệc cuối năm…
Không có một chữ nào !...
Không tìm ra câu ngẫu hứng !...
Thì thôi, nhớ lời hồi xưa Ba nuối dặn, có viết được chi mà cứ ngồi hoài uổng phí thời gian. Thôi, đứng lên rồi đi đi như từng đã nhiều lần đứng lên rồi đi tìm ngẫu hứng.
Gian bếp núc nấu nướng là đông vui nhất. Vậy thì ở đây với các con các cháu chia nhau miếng ngon miếng khét(đắng) tại vì cậu Hai lơ đảng, hay đang tìm câu-thơ-ngẫu-hứng !
Thiếu cô Ba. Giờ gia đình cô đang dong duỗi dong chơi ở một nơi, nghe con Út nói là có tuyết rơi nhiều lắm.
Cái con ni lạ, chỗ ấm nồng chiều cuối năm không thích lại ưng nơi lạnh lẻo xa nhà !
Buổi tiệc chiều cuối năm phủi hết trơn mùi nước-mắm-kho-quẹt, mùi đậu-phụng-kho-queo một thưở nào, lâu lắm là lâu.
Hai-mươi-năm, không, chỉ gần hai-mươi-năm. Tháng Bảy này mới đúng khớp, giờ thì chưa. Đang dần dần tới.
Tháng Bảy này, các con, nhớ cho Ba một bữa. Không phải để ăn ngon, ăn đã bữa. Không phải để uống cho bưa, cho thỏa.
Không phải đâu là không phải đâu, các con ơi !.
Chỉ là để cho Ba thỏa nợ ân tình một nơi chốn nhà mình, ngày nào, tìm tới rồi cứ ở lì ở mãi ở không chịu thiên di.
Nơi chốn các con có thời cơ trở mình khôn lớn.
Nơi chốn Ba có thời tóc xanh rồi chớm bạc. Nói nhỏ đừng buồn (rồi sẽ tới một khoảng đời trắng bạc).
Nói chung chung, một nơi chốn bình yên.
Bữa tiệc cuối năm tràn giang đại hải những món con dâu tự làm ngon và chớ quên sau những ly cocktails cậu Đào pha chế tuyệt-cú-mèo là màn xem phim (có phòng riêng màu sắc, âm thanh y như ở rạp chiếu bóng thành phố) do cậu Hai tự biên tự diễn.
Một ngày cuối năm vui, no, say liu riu đủ, vừa, thoải mái.
Và, cuối cùng một năm, xin cảm ân Đời cho thêm bình yên Năm Mới .
( Giữa đoạn phim mình thiu thiu ngủ, loáng thoáng lơ mơ thấy thằng Hai thè thẹ kéo mền đắp ấm cho Ba. Trong cơn nửa tĩnh nửa mê mình có nói (thầm) : “ Thằng Cha bây ( “thằng-cha-bây” là mình chớ ai) Ba không lạnh đâu, [thằng] con đừng đắp, nóng”. ).
Bây giờ, sáng
đầu năm, nhớ lại thấy tức cười.
Sau tức cười
là thấy thương mấy đứa con, thiệt là thương cũng như tụi hắn thương mình vậy. Huề.Đứa nào cũng như ngày nào, in như ngày nào. Không thay đổi.
Con Út nói ( qua điện thoại, tất nhiên) là lát nữa con đi " hải kinh" về sẽ đãi Ba Mẹ đi ăn chiều ( tất nhiên là có thằng Peanut). Ba Mẹ đừng nấu nướng. Đầu năm không nấu không nướng cho được cả năm không bận. OK.
Thằng Tư gọi về (qua điện thoại, tất nhiên) là con sẽ về khuya Ba đừng đợi. Ba nhớ cho cá ăn nghen.
Wow !!! Nghe nhói tai rồi nực gà lắm à nghen !,
Mi suốt năm suốt tháng đi thực tập hết hạn nơi này rồi khởi đầu nơi kia mải miết khi nào có dịp về ghé nhà là nhào vô coi bể cá trước khi coi Ba tròn méo thể nào !
Ngày ngày (tao) cho cá (mi) ăn không lẽ tao để cho chết đói.
Ây zà !. Cái thằng này !.
Thiệt đúng như anh Hai của mi nói : “ Cái thằng ni nghề thầy thuốc e là nghề tay trái còn nghề nuôi cá cảnh là nghề tay phải”. Có phải rứa không con ?.
Nói chuyện ngẫu hứng mà nói lung tung riết rồi không văn-học-nghệ-thuật chi cả.
Chỉ nói chuyện đời thường. Rất bình thường như đói cơm lạt muối, buồn vui sướng khổ mà nên truyện. Ba dặn con là nhớ nhắc chuyện thành truyện. Con cứ quên hoài lẩn lộn hoài. Sợ Ba buồn phiền nên con ít truyện mà ôm Thơ. Trong Thơ cũng là chuyện nhưng cô đọng chắt bóp gạn lọc. Dài quá dài như Thơ của ông nhà thơ Tô Thùy Yên, cần (nên) ngắn bớt vài đoạn, để người đọc đọc Thơ mà không ná thở. Ngắn như ông Trụ Vũ mà chuyện thành truyện. Chỉ viết một đoạn mà người đọc rướn nghĩ thêm một đoạn, dài.
(xin đọc cho nhớ lại Quasimodo (tên gù nhà thờ đức bà ) thơ Trụ Vũ
Có một lão lưng gù
Yêu một nàng công chúa
Một mối tình thiên thu
Bếp hồng còn đỏ lửa
Hôm nay tôi cũng khóc
Như lão đã khóc nhiều
Như em rồi sẽ khóc
Châu ngọc của tình yêu
Có chút chi cao quý
Trong hạt lệ âm thầm
Có chút chi thi vi
Trong mối tình lặng câm
Hồng hoa đương độ nở
Cứ hát khúc yêu đương
Chi hay tình câm của
Tấm lá khô bên đường
Trong vắng lặng lầu chuông
Cuả nhà thờ Đức Mẹ
Chiêm ngưỡng đoá hoa hồng
Lão gù rưng mắt lệ
Ôi nàng thì tuyệt đẹp
Giữa trời đất thanh tân
Trên đôi mày nét nguyệt
Hiện vẻ chi thiên thần
Nàng ngồi bên cửa sổ
Trong tiếng hát thiên đường
Đưa hai bàn tay nhỏ
Ôm chim mà yêu thương
Hồn dâng tình tuyệt mỹ
Lão gù đứng dưới chân
Đưa tay che mặt quỷ
Ngắm bức tranh thiên thần
Nàng quay đầu trở lại
Ngó xuống ngó xuống thềm
Lão gù che mắt lệ
Mà trông lên , trông lên
Đôi mắt lặng nhìn nhau
Đất trời không tiếng nói
Ôi nàng đâu có hay
Lòng ai đang khổ tủi
Hôm nay tôi cũng khóc
Như lão đã khóc nhiều
Như em rồi sẽ khóc
Trăng tàn trong hoang liêu
Cuối năm dọn chỗ ngồi viết mà viết không đặng.
Đầu năm không nghĩ không viết, chờ con chở đi đây đó cho vui lại thèm viết. Ngồi vô là ngồi lì.
Mà có viết chuyện gì đâu nên truyện.
Hóa ra là viết chuyện ba lơn…
Hiên Trăng ngày đầu năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét