tháng 7 21, 2013

HOA MỘNG TUỔI HỌC TRÒ

BUỒN MUÔN THUỞ
Thân gởi các bạn cũ Trường Trung học Ba mê Thuột
đặc biệt đến các cây bút thơ văn tuổi học trò
Thi Văn Đoàn SAO DỊ HÌNH Ban mê thuột
                                      
 
 
              Tôi có về Ban Mê Thuột vào năm 1972, mùa Hè đỏ lửa. Bụi mù che Ban Mê Thuột. Những con đường vẫn còn vẻ dáng của ngày nào, nhưng bụi mù đã che dấu (hay phủ lấp) những khuôn mặt bạn bè ngày xưa. Thằng nào cũng bận bịu chuyện chiến trường. Mấy cô bạn thì bận bịu chuyện chồng con. Tôi trở thành kẻ cô đơn giữa nơi chốn một thời đông đủ bạn bè trang lứa. Một thời chỉ cần “ới” nhau một tiếng là đã đông đủ bạn bè họp mặt. Nay thì :” Ở giữa phố đông. Chỉ thấy bụi mù che Banmêthuột “.
             Về thăm lần này, tôi dẫn theo người bạn đời. Cô nữ sinh trường Trung học Bùi Thị Xuân Đàlạt. Trước là ra mắt tông chi họ hàng. Sau là “khoe” với bạn bè rằng tôi đã thật sự là người lớn. Chú học trò mặt búng ra sữa ngày nào, bây giờ đã trổ mã. Con chim non của tổ ấm trường xưa đã đủ lông đủ cánh vượt bay cao, bay xa ra vùng trời bao la mới lạ.
           Vậy mà, nơi chốn đông vui của một thời xa xưa đó, đã không còn ai để gặp. Có đến nhà Phùng Ngọc Long ở cuối con dốc suối Đốc Học. Phùng Ngọc Long chỉ học đến lớp Đệ Tam là bỏ trường, bỏ bè bạn đăng vào binh chủng Hải Quân. Nó là thằng ra đi sớm nhất trong đám bạn bè. Ra đi từ cả hai nghĩa.
           Nhìn tấm ảnh thờ ám khói theo thời gian, tôi nói với Nhà tôi :
           - Là Hoàng Chúc Linh đó. Một vì sao dị hình trong Thi văn đoàn Sao Dị Hình Banmêthuột ngày xưa. Anh ấy thường làm thơ, những vần thơ tình tới-nơi-tới-chốn. Vậy mà Nàng đọc không thèm cảm động. Để rồi, cuối cùng, anh ấy ra đi...
           Phùng Ngọc Long lớn hơn tôi hai tuổi. Gọi là anh, chắc là “nó” không phản đối.
           Đến nhà Đoàn văn Trường nằm đầu đường Hoàng Diệu – Phan Chu Trinh.
           Nhà đã thay đổi chủ. Chiếc cổng sắt nhỏ màu xanh có giàn hoa Lý ngày xưa vẫn còn nhưng đã thay màu sơn khác. Giàn hoa Lý cũng không còn. Đoàn văn Trường, đầu năm Đệ Nhị đã sung quân vào Biệt Kích rồi cũng ra đi rất sớm. Chỉ sau Phùng Ngọc Long chừng hai năm. Tôi lại nói với Nhà tôi :
           - Là Hoàng Hải Sơn đó. Cũng là một vì sao dị hình nữa. Anh ấy cũng làm thơ tình, thơ năm chữ thôi. Chắc là thơ năm chữ chưa đủ ý diễn đạt mối tình kéo dài mấy năm Trung học nên, cuối cùng, cũng phải ngậm ngùi...
           Đoàn văn Trường lớn hơn tôi một tuồi. Dù chỉ một tuổi thôi nhưng trước mặt Nhà tôi, khó xưng hô kiểu mày tao chi tớ như ngày xưa. Nhưng giả thử nếu gặp nó (chỉ giả thử thôi, chứ làm sao mà còn gặp lại nhau được nữa!) tôi vẫn cứ gọi mày tao với nó, chẳng phải ngại ngùng.
           Nắng và Bụi. Và chỉ có vậy thôi cho một lần về. Nhà tôi không thể ngờ rằng tôi đã có một khoảng thời gian hoa mộng khá dài ở một nơi mịt mù bụi đỏ như thế này. Nhà hỏi :
           - Có buồn không ? Sao gọi là Buồn Muôn Thuở ?. Gọi là bụi mù trời, ý nghĩa nhiều hơn.
            Tôi khó trả lời câu hỏi này. Bụi mù trời thì đúng. Nhưng mà buồn muôn thuở thì...Cũng đã có một khoảng thời gian vui lắm mà ! Đó là những năm, tháng bạn bè đông đủ quây quần dưới mái trường Trung học. Những năm, tháng đó đâu có buồn ! Rõ ràng là bạn bè nếu gặp lại nhau, nhắc nhớ những kỷ niệm học trò xưa chắc chắn sẽ có những trận cười nghiêng ngửa. Đã gọi là cười nghiêng ngửa thì có gì mà buồn ?
           Vậy mà, vẫn cứ buồn ! Bởi vì, chính những ràng buộc, tự nó, đã đan kết một nỗi buồn. Buồn muôn thuở. Buồn một thuở. Chắc chắn là chỉ có buồn mà thôi. Lần trở về thăm đó, chẳng thấy bóng dáng những khuôn mặt ngày xưa. Tự trong lòng đã dấy lên một nỗi buồn. Tôi không thể lý giải dài dòng về điều mình suy nghĩ. Tôi chỉ muốn đưa Nhà tôi đi thăm những nơi chốn kỷ niệm xưa...
           Đầu con dốc, nhìn qua bên kia là Khu Công Chánh. Nhìn bên trái là Trường Sư phạm Cao nguyên. Rẽ phải, đi xuống mộ khúc ngắn  đã là cổng trường Trung học. Mùa Hè, nên sân chơi, trường lớp vắng lặng. Hàng Phượng đã rộ đỏ sân trường. Tôi nói với Nhà tôi :
           - Đây, mái trường xưa của anh là đây. Căn phòng đầu của dãy nhà bên kia, gần nhà ông Cai trường, là lớp học mà anh đã ngồi mấy năm. Về sau, lớp chuyển qua dãy nhà bên này, ở phòng thứ ba, có cửa sổ nhìn ra đoạn đường đá..,Con đường đá đó, đi thẳng vào Thác Nhà Đèn.                           
           Đứng ngắm nghía một đỗi lâu. Tôi cảm thấy buồn. Buồn lắm ! Nhà tôi khẽ nắm lấy tay tôi. Chắc là đã “thấy” được nỗi buồn của tôi. Nỗi buồn-một-thuở.
            Nén tiếng thở dài rất nhẹ, tôi rẽ trái ra Quốc lộ, rồi lại rẽ trái nữa để về lại thị xã. Bên lề đường là Phi trường L.19. Dọc theo bờ rào là những lùm bụi cây mắc cở phủ bụi đỏ ngầu. Đến đường Phan Chu Trinh là bùng binh ngã sáu. Khu Nhà thờ chính rực nắng. Tôi cho xe dọc xuống đường Ama Trang Long rồi rẽ phải ở góc đường Y Yút. Đi thẳng một đoạn khá dài gần đến ngã tư Quang Trung-Y Yút, tôi ngừng lại trước xe bán bánh mì khuất lấp phía bên phải. Ông già Tàu vẫn còn đó. Chiếc xe bánh mì vẫn cũ kỹ như xưa, mặt kính vàng đục cáu bẩn những vết dầu mỡ lâu ngày. Một dãy thịt xa xíu treo dài phía trong, óng màu hấp dẫn. Những ổ bánh mì được sắp lớp bên cạnh cái thớt tròn, dày và con dao to bản vẫn như ngày nào. Tôi nói với Nhà tôi :
           - Đây, người bạn già của tụi anh đây. Xe bánh mì xa xíu. Hồi đó, nếu một ngày mà không có miếng bánh mì kẹp mấy lát xa xíu mỏng dính quẹt đầy tương đen bên trong là thấy như thiếu thốn lớn lao.
           - Thêm một chút tương ớt đỏ. Và, ăn dè chừng sợ mau hết...
           Nghe Nhà tôi nói, tôi bật cười sảng khoái :
           - Không sai. Vậy thì đừng bỏ mất cơ hội, hãy vào.
           Tôi dựng xe bên lề. Ông già Tàu đón khách với vẻ dửng dưng xa lạ. Tự nhiên tôi thấy có chút xót xa, buồn lắng.. Rõ ràng ông không còn nhận ra tôi. Chẳng trách gì đâu ! Thời gian đã qua lâu quá rồi mà. Tại vì tôi quá háo hức những kỷ niệm ngày xưa đó thôi.
           Tôi mua chỉ nửa ổ bánh mì xa xíu trong ánh nhìn ngạc nhiên thầm hỏi của Nhà tôi. Ông Tàu già lẳng lặng lựa lấy nửa ổ bánh mì.  Bánh mì của ông lúc nào cũng được giữ nóng, giòn tang. Tôi háo hức chăm chú nhìn những động tác của ông. Ngày xưa, mỗi lần mua bánh, tôi cũng nhìn chăm chú như thế. Nhìn để chờ đợi một ân huệ, một biệt đãi vì có thể ông sẽ phóng tay cho thêm một vài lát xá xíu hay quét dày hơn lớp tương đen, tương đỏ. Giờ đây, tôi cũng nhìn chăm chú nhưng chỉ để háo hức tìm lại những hình ảnh quen thuộc ngày xưa. Đôi tay ông chuẩn xác, thành thạo mọi động tác. Chỉ cần đưa một đường dao nhẹ, nửa ô bánh đã được phanh đôi. Buông con dao, ông  chụp ngay cái muỗng cắm  sẵn  trong lọ tương đen, ngoáy nhẹ một cái rồi lẹ làng quệt vào lòng ổ bánh, phía bên trái. Đường muỗng lả lướt, chính xác như đường cọ dao sơn dầu của  họa sĩ. Một vệt tương đen, tương đỏ trộn lẫn, trải dài đều đặn theo chiều dọc của nửa ổ bánh mì.
           Khi trả tiền và ngỏ ý với ông là không cần phải thối lại tiền lẻ. Ông cười, nhìn tôi và gật đầu nhiều lần. Nụ cười của ông đã già nua quá, không kéo lại cái nét tươi vui như ngày nào. Tự nhiên, tôi cảm thấy buồn. Buồn nghẹn !
           Khi ra xe, tôi nói với Nhà tôi :
           - Anh cố tình mua một nửa ổ. Một nửa này để thưởng thức hương hoa. Một nửa kia để nhịn thèm. Ngày mai, thể nào em cũng tìm tới.
          Tôi cho xe chạy thẳng qua nhà hàng Đô Thành, qua ngã tư Y Yút – Phan Bội Châu. Đến ngã tư  Y Yút – Hoàng Diệu, nghe nhà tôi ngồi phía sau xuýt xoa :
           - Đúng là danh bất hư truyền.
           Quay nhìn lại. Một nửa ổ bánh mì còn cái cùi nhỏ xíu. Tôi cười to, cho xe rẽ về hướng trái dọc theo đường Hoàng Diệu. Tôi muốn đưa nhà tôi đến một quán hàng quen thuộc nữa. Quán của ông Tàu mập, nằm ngay ngã tư Tôn Thất Thuyết – Hoàng Diệu. Ngày đó, tụi tôi thường gọi là “ Quán Xíu Quách “, bởi vì quán nổi tiếng là món hủ tiếu. Tôi còn nhớ, cứ mỗi tối cuối tuần cả bọn chúng tôi gồm Hồ Việt Thống, Hoàng văn Đức, Nguyễn văn Lưu, Phùng ngọc Long, Đoàn văn Trường, Lý Phẩm, Phạm Phú Thái (hai tên này là dân Bồ Đề) đóng góp tiền đi ăn nhậu. Gọi là đi ăn nhậu nhưng thật ra là chỉ có ăn mà thôi. Hoặc là đến “ Quán Xíu Quách “ này. Hoặc là đến  “ Quán Nghệ Sĩ “ nằm quá ngã tư Tôn Thất Thuyết – Quang Trung một đoạn.
          Đến Quán Xíu Quách chúng tôi chỉ có đủ khả năng kêu hai dĩa (loại dĩa sứ lớn) xíu quách và mỗi thằng một chai nước ngọt. Xíu quách ở đây rất đặc biệt vì có rất nhiều món. Ngoài xương heo là chính còn có mực khô, xương gà. Chấm với hắc xì dầu và tương ớt đỏ. Vừa nói cười chọc phá nhau, vừa gặm xương cho đến khuya rồi ai về nhà nấy. Tuần sau lại đổi chương trình, đến “ Quán Nghệ Sĩ “. Gọi là quán thì không đúng, vì chỉ là xe Phở nhỏ nằm bên trái ngã tư Tôn Thất Thuyết – Quang Trung. Tên Quán Nghệ Sĩ là do chúng tôi tự đặt cho có vẻ nghệ sĩ chút đỉnh. Chả là vì thằng nào cũng văn, thơ chất ngất. Đa số đều là đoàn viên Thi văn đoàn Sao Dị Hình Ban Mê Thuột. Không gọi là văn nghệ sĩ thì gọi là gì đây !
           Mỗi lần chúng tôi kéo đến là xe phở hết chỗ ngồi. Đây cũng là lý do để chúng tôi ít đến nơi này. Một phần vì không được tự nhiên thoải mái và không thể ngồi lâu chuyện trò đùa nghịch. Vẫn thích đến Quán Xíu Quách hơn và do đó chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm ở quán này. Những bài thơ bày đặt thương mây khóc gió, tình ái não nùng cũng được trộn chung với mùi xíu quách, mùi xì dầu, tương ớt ở đây !
           Đến gần ngã tư, tôi cho xe chạy chậm để nhìn cho kỹ. Đã mất dấu hết rồi ! Chiếc sân rộng phơi đầy bắp. Căn nhà đã được sửa lại. Cạnh hàng rào gỗ ngăn với nhà bên cạnh, còn dựng hai mặt bàn tròn. Có lẽ lâu ngày, mặt bàn bám bụi, nứt nẻ và cong. Đó là dấu vết duy nhất còn xót lại của ngày nào. Lớp bụi thời gian đã che khuất đường về. Tôi chỉ còn con đường chạy thẳng. Sự mất mát không là lớn lao, nhưng với tôi, sao mà thấy xót xa hụt hẩng. Tôi nhớ quá, những khuôn mặt bạn bè trong nhóm ngày xưa. Nhớ quá...
           Những ngày nấn ná còn lại, tôi thật sự lạc lõng bơ vơ giữa những con đường và khung cảnh thân quen. Tôi mang tâm trạng chơi vơi của một người đánh mất. Đánh mất rất nhiều thứ. Đến cả như anh chàng Hoàng văn Đức (trong Thi văn đoàn hắn lấy bút hiệu Hàn Mặc Đan ) là anh chàng được coi là thổ địa của vùng đất kỷ niệm này cũng mất dấu. Nhà hắn ở khu Trần Hưng Đạo, gần hồ Bơi. Nhìn qua phía bên đồi là nhà Lê Ngọc Lâm, Trần văn Chính, Nguyễn Quang Trúc, Lê chân Long, Nguyễn văn Tuấn, Bùi thị Điều...cũng ở khu này.
           Và mỗi lần đi trên đường Tôn Thất Thuyết, qua khỏi trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, đến ngã tư Phan Bội Châu rồi Hoàng Diệu, tôi lại nhớ đến Hồ việt Thống (bút hiệu Triều Phong Sương ). Nhà của Hồ Việt Thống là Tòa soạn (gọi cho có vẻ đấy thôi) của Thi văn đoàn Sao Dị Hình. Thật ra, chỉ là chỗ để đoàn viên nhóm họp định kỳ mỗi tháng một lần. Quy định là vậy nhưng tụi tôi vẫn thường nhóm bạn bất kể ngày giờ và tới lui cũng chỉ mấy khuôn mặt quen. Mỗi ngày tan học tụi tôi thường tụ về nhà Thống để chơi đùa nghịch phá như là một cái lệ, đã thành quen. Không gặp nhau ở nhà Thống mỗi ngày lại thấy như thiếu vắng, buồn buồn. Kể cả những ngày tháng chuẩn bị học thi Trung học Đệ Nhất Cấp, nhà Hồ Việt Thống cũng là nơi tụ tập, chia nhóm để  “dùi mài kinh sử “.
           Thật ra, “tòa soạn” chính của Thi văn đoàn là tại nhà Phùng Ngọc Long ( bút hiệu Hoàng Chúc Linh) ở suối Đốc Học. Chính tại nơi này, trên căn gác nhỏ sát mái nóng hầm hập, chúng tôi đã thực hiện được hai đặc san cho hai năm 1963-1964 và 1964-1965 lấy cùng tên là Mùa Phượng Vĩ. Tôi còn nhớ rõ khoảng thời gian tập sự làm báo ngày đó. Điều kiện thì quá eo hẹp. Phương tiện in ấn thì quá thô sơ. Báo được in, cắt xén, đóng tập hoàn toàn bằng tay. Hình bìa của cả hai tờ đặc san được Thầy Trần Đắc Hiền hào phóng vẽ tặng không. Phần đánh máy bài vở trên stancil để in được chị Mai (lúc bấy giờ chị làm việc tại tòa Hành chánh Tỉnh) tình nguyện giúp. Vật dụng lăn in, giấy, mực do anh Hoàng Trọng Đạt (bút hiệu Hoa Thiên) hoàn toàn ủng hộ. Anh Đạt là đoàn viên duy nhất của Thi văn đoàn không nằm trong lứa tuổi học trò. Anh đã vào đời lăn lộn kiếm sống, gia nhập Thi văn đoàn chỉ vì lòng yêu mến thơ, văn.
           Báo in xong, chúng tôi có đến từng lớp để kêu gọi ủng hộ . Thầy Nguyễn văn Tuấn là người ủng hộ đầu tiên. Sau đó, tất nhiên, là thầy Trần Đắc Hiền. Rồi đến cô Tiên, thầy Kiểm, thầy Lô. Tôi còn nhớ là chẳng tên nào dám đến “ chào hàng” với thầy Ngoạn.
           Khoảng thời gian đó, việc in ấn để phát hành một đặc san là một hình thức mới lạ, một việc làm “đội đá vá trời” của mấy tay khóc-gió-than-mây. Ngay như phong trào báo chí của Trường cũng chỉ thực hiện được bích báo (nôm na là báo tường) hoàn toàn trang trí và viết tay. Nội dung  cũng chỉ được phép trong khuôn viên sân trường không được phép đi ngoài lằn ranh giới hạn. Phượng đỏ là vì bông Phượng có màu đỏ. Ve kêu là tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè. Mùa Hè là mùa nghỉ học , là mùa chia tay ai về nhà nấy trong ba tháng hè. Buồn là vì sẽ không gặp được nhau trong một thời gian (ba tháng) theo quy định. Chỉ được buồn vì xa thầy cô xa bè bạn. Không có buồn  tình  kiểu hạ-hồng-phượng-đỏ, hoa-mộng-học-trò. Trong ánh nhìn mô phạm, đặc san Mùa Phượng Vỹ đã đi đôi hia bảy dặm. Đã dám vượt không gian và thời gian quá sớm so với lứa tuổi đáng ra phải thức khuya dậy sớm chuyên cần học tập chứ không phải để mơ mộng viễn vông. Cần có biện pháp. Do lẽ đó, đặc san đã không được phát hành công khai nhưng bù lại đã được sự ủng hộ nhiệt tình của mấy bạn đã từng mang đôi hia bảy dặm, đã hoa mộng học trò, đã hạ hồng phượng đỏ. Trong vòng một tháng đặc san đã không còn để cung ứng. In thêm thì quá ngại vả lại bản stancil gốc sau nhiều lần lăn qua lăn lại đã tả tơi không còn rõ nét. Đành cáo lỗi cùng những bạn yêu mến đặc san và hẹn sẽ tái bản ( hẹn là “tái bản” cho ra vẻ thế thôi chư làm gì có chuyện đó !).
           Để gọi là mừng thắng lợi, Thi văn đoàn tổ chức buổi tiệc họp mặt khá đông đủ tại nhà Hồ Việt Thống. Sau đó là một chầu ciné tại rạp Lô Đô. Ai có ngờ đâu đó là buổi họp mặt cuối cùng để rồi tan đàn xẻ nghé. Không khí thơ văn sôi nổi một thời rồi chìm lửng theo sự mất mát của Phùng Ngọc Long, rồi Đoàn văn Trường... Thật là buồn cho buổi tan đàn xẻ nghé, buổi bèo giạt hoa trôi !
           Giờ đây trong ký ức bộn bề theo tháng, năm dâu bể, tôi nhớ lại lần lượt những khuôn mặt bạn bè cùng trường cùng lớp. Thời gian cũng đã khá lâu, đầu óc không còn trật tự ngăn nắp nên người nhớ người quên. Riêng về những “nhà thơ nhà văn” học trò trong thi văn đoàn thì tôi nhớ rõ ràng từng khuôn mặt : Hoàng Hải Sơn, Hàn Mặc Đan, Hoàng Chúc Linh, Triều Phong Sương, Hoa Thiên, Mạc Phương Linh, Tần Phẩm, Phạm Phú Thái, Hương Lam, Lệ Anh Đào, Dạ Huyền Linh, Thùy Anh(Nhatrang), Thái Quế (Đàlạt), Ngọc Thái Tuyết.
           Và tôi vẫn nhớ đến những khuôn mặt, dù không gia nhập thi văn đoàn, nhưng lúc nào cũng quan tâm giúp đỡ . Lê thị Mẫu Đơn, Dư Kim Hoa, Dư Kim Cúc, Ngô thị Phin, Nguyễn thị Sơn, Ngô thị Mỹ, Nguyễn thị Thu Vân, chị Mai, chị Phạm thị Ngọc Anh, Phùng thị Minh, anh Hồ Công Thành, Trần Vạn, bạn Phan Tiến, Lý Phượng Hoàng, Nguyễn văn Lưu...
           Những người của một thời xưa ấy nay đâu ? Ai còn ai mất !
   Lần đó tôi về và đi cùng một tâm trạng là rất buồn. Tôi biết rõ là tôi đã mất thật rồi. Banmêthuột của tôi ngày nào đã phụ rẩy lòng tôi. Tôi trở về như một khách lạ đường xa ghé đổ thị trấn bên đường. Chẳng hề có sự ấm nồng thân quen của cảnh tay bắt mặt mừng. Chẳng có khuôn mặt nào của ngày xưa để hàn huyên tâm sự cho bõ vắng những ngày lưu lạc phương xa. Chỉ có bụi mù che Banmêthuột ! Và chỉ có tôi, một mình, đi giữa phố đông. Tất cả, dường như đã vào khuây lảng...
           Chuyến xe đưa tôi ra phi trường Phụng Dực. Rừng cao su chạy dài gần tới cây số 3. Đi thẳng là đường quốc lộ về hướng Sàigòn. Rẽ phải để ra phi trường. Nhà Hương Lam Lữ thị Hương ở khoảng này. Giờ này không biết Hương lưu lạc phương nào ! Kỷ niệm cuối trước khi rời trường cũ là một lần họp bạn trong Thi văn đoàn và có ghé nhà Hương. Cả lần đi và lần về là cuộc đua xe đạp sôi nổi hào hứng giữa cái nắng gắt gao của mùa khô Banmêthuột.
           Xe qua khu Trung tâm Thực nghiệm. Phía sau rừng cây giá tỉ kia là hồ Trung Tâm. Tôi còn giữ một tấm hình chụp chung với Đoàn văn Trường, Hồ Việt Thống, Hoàng văn Đức, Lữ thị Hương, Lệ Anh Đào nhân dịp theo lớp đi du ngoạn. Kỷ niệm cũng còn giữ được với Nguyễn văn Tơ, nhà ở khu Hòa Bình gần khu Thực nghiệm. Hương vị đĩa xôi nếp trắng và món thịt nhím kho rim mà Nguyễn văn Tơ đã đặc biệt khoản đãi cả bọn, vẫn còn phảng phất đâu đây.
           Đến phi trường Phụng Dực. Trong khi chờ chuyến, tôi nhìn ra khoảng sân rộng chói nắng vàng. Dãy nhà tole phía xa xa mái đỏ vì bụi. Những lùm bụi mắc cở cũng đỏ hoe. Lại nhớ đến cảnh cả hai lớp Đệ Tứ năm nào, đứng sắp hàng chờ lên chiếc C.130 để về Nhatrang thi Trung học Đệ nhất cấp. Ngày đó vẫn còn đông đủ lắm. Đoàn văn Trường đầu chải láng xì coóng, quần tergal xanh lơ, áo nilfranc trắng lốp. Phùng ngọc Long thì có chiếc Zippo cáo cạnh, biểu diễn bật lửa một tay kêu lách cách và nhanh, làm cho tụi tôi đứa nào cũng lác mắt. Hoàng văn Đức vẫn cứ mộc mạc đơn sơ bộ đồng phục của nhà trường nhưng đặc biệt là đầu cũng tém sát rạt, láng mướt. Anh chàng Trần Phan Hưng ( là tôi đây) áo nilfranc trắng, quần tergal đen, chơi thêm cặp kính đen ngòm làm như điệp viên  Z.28. Đi thi mà làm như đi du lịch. Lần thi đó, tội nghiệp quá, Phùng ngọc Long đã không được may mắn để rồi cuối cùng phải vào đời và ra đi quá sớm !
           Chuyến bay đã trả tôi về lại với cuộc sống hiện tại.
           Nhìn xuống thành phố thân yêu của một thời gắn bó. Tôi chỉ thấy bụi mù che Banmêthuột. Kỷ niệm đó. Bạn bè đó. Gần gụi mà quá xa xăm. Ngày tôi dời xa Banmêthuột để vào đời trên chuyến xe cuốn bụi mịt mù. Tôi thầm hứa sẽ về thăm lại chốn xưa. Nay tôi trở về rồi lại ra đi với một nỗi buồn.
           Thảo nào người ta thường gọi Banmêthuột là Bụi Mù Trời. Buồn Muôn Thuở. Tôi thấy buồn muôn thuở có lẽ đúng hơn.
           Muôn Thuở tôi vẫn yêu cái Buồn của một nơi chốn gắn bó cùng tôi quá nhiều kỷ niệm...
Về thăm Ban mê thuột 1972
nhuận sắc từ San Diego, CA 2001
                                                            một khoảnh đường Y Jut
 
                                                              rạp chiếu bóng Lô Đô

 
hình ảnh : http://lamduoanh.blogspot.com/

Không có nhận xét nào: