tháng 1 31, 2011
MÙA XUÂN NĂM ĐÓ
1
Mùa Xuân năm đó, bất ngờ, anh Trọng được về phép dẫn theo một người bạn cùng đơn vị. Được giới thiệu là anh Thiện, quê Nam. Mồ côi, sống tự lập từ nhỏ. Nhà giáo và cũng là nhà Thơ. Động viên vô lính được hai năm. Lý lịch ngắn gọn để giới thiệu người lạ bước vào nhà được chấp nhận theo mỗi nếp suy nghĩ của thành viên trong gia đình.
Mạ của Thảo nghĩ đơn thuần là hắn mồ côi, tội nghiệp!
Ba của Thảo cho là tay này cũng có nhiều bản lãnh.Tự thân bươn chải từ thuở nhỏ mà có được cái danh vị sáng giá là nhà giáo, rồi là sĩ quan quân đội. Tốt lắm.
Riêng Thảo, nàng “chấm điểm” anh Thiện trên trung bình, ở chỗ anh là nhà giáo “đồng nghiệp” (trong tương lai) của nàng, mà lại là nhà thơ nữa !
Đón anh vô nhà bằng một buổi tiệc tất niên. Cả nhà vui vẻ coi như anh là đứa con đi xa nay lại trở về. Ba Thảo mời anh một ly rượu gọi là vui Xuân đoàn tụ. Mạ Thảo ân cần gắp cho anh nguyên cả cái đùi gà. Bà coi đó như là sự bù đắp cho anh sau những ngày miệt mài chiến trận, ăn uống thất thường. Anh Trọng thì cứ thúc hối anh ăn vì nghĩ anh lạ cảnh lạ người, giữ lễ đâm mất tự nhiên. Thảo không có vai vế chi trong bữa tiệc, nàng chỉ thầm chia với anh một ánh mắt nhìn...
Câu chuyện của ngày đầu gặp gỡ chỉ có vậy để anh mạnh dạn ngồi lì suốt đời suốt kiếp. Anh chịu chia với nàng một nỗi nhớ, chịu khổ với nàng những năm tháng bể dâu. Với Thảo, tình yêu đến sao mà nhẹ nhàng thơ mộng không hề có ba-đào-sóng-dậy như những cuộc tình của mấy nhỏ bạn. Nhẹ nhàng đến nỗi, khi giật mình nhìn lại thì lá Trầu đã têm cánh Phượng quyện với vôi nồng làm đỏ mấy vành môi cuả bà con trong họ. Nàng lên xe hoa về nhà... Nàng. Tại vì anh thân phận mồ côi, không người thân thích. Ngày ở rể, anh có làm hai câu thơ mà nàng cứ thầm nhớ mãi :
Cho anh ở rể nhà em
Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày...
Đó là câu ví von trong thơ của anh mà thôi, chứ thật sự anh và nàng cứ mãi cách xa nhau hoài. Mỗi năm chỉ có vài ngày phép ngắn ngủi để mà được cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày. Rồi sau đó, anh lại miệt mài chiến trận, bỏ cô giáo với nỗi nhớ đầy, với những khát khao bỏng cháy trên từng vuông da thịt...
Kịp khi đứa con đầu lòng ra đời đâu được vài tháng thì đất nước đã đổi thay. Miền Nam bị cưỡng chiếm. Cuộc chiến tàn trong tức tưởi. Người lính trở về với nỗi lòng đau thắt. Thảo đón anh đầu ngõ mà sao thấy anh có vẻ trầm lặng, xa lạ. Anh bước vô nhà cúi đầu chào Ba, Mạ. Hai cha con nhìn nhau một thoáng lâu rồi bỗng nhiên Ba cười ngặt nghẻo. Cười mà hai hàng nước mắt chảy trên đôi má nhăn nheo. Thảo ôm con ghì siết vô lòng, lo sợ. Tiếng cười của Ba bỗng nhiên ngừng bặt. Ông chồm người tới phía anh và hai cha con ôm choàng lấy nhau. Thảo thật sự không hiểu tâm trạng của hai người nhưng linh cảm cho nàng biết rồi đây sẽ còn có những trái ngang xảy đến, không những cho riêng gia đình nàng, mà cả cho những gia đình có người buộc lòng phải trở về từ cuộc chiến.
Rồi anh lại tiếp tục lên đường. Con đường anh đi lần này có rào kẽm bủa giăng và có cả hận thù chực chờ phía trước. Ngày tiễn anh đi, tội nghiệp quá, Thảo chỉ thu vén cho chồng mấy bộ đồ mặc ấm, một bịch thuốc rê, chai dầu cù là với một lọ thuốc cảm và cuối cùng là nụ hôn đẫm đầy nước mắt chia ly !
Cuộc sống bên ngoài trở nên tù túng chật hẹp. Đúng là một ngục tù trong tù ngục bao la. Ba nàng trở nên trầm lặng, ít nói ít cười. Mẹ nàng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Lòng Mẹ thì chứa chan hơn, biểu hiện rõ nét nỗi buồn rứt ruột khi nghĩ đến một đứa con trở về rồi lại phải ra đi trong một hoàn cảnh khắc nghiệt. Một đứa thì biệt tăm chưa thấy trở về...
Còn Thảo thì nói chi hơn ! Lòng nàng trải dài nỗi nhớ mong theo từng ngày từng tháng từng năm. Một mùa Xuân và nhiều mùa Xuân đã đi qua, nàng cứ mãi chờ anh trở về ở rể. Hình ảnh một mùa Xuân đậm nét trong lòng nàng để nàng thêm quay quắt nhớ cái vẻ dáng hiền hòa khi anh bước vô nhà rồi từ đó cứ ở lì không đi nữa! Có cái chi mà chặt không đứt bứt không rời phơi không khô chụm không cháy ? Phải chăng đó là tình yêu ! Tình yêu của nàng đối với Thiện. Của người vợ trong cảnh đời dâu bể đổi thay, tần tảo ngược xuôi trăm bề cực khổ nuôi con và nuôi chồng những tháng năm dài “cải tạo”. Tình yêu đã giúp nàng vượt qua những khó khăn vây bủa để chỉ nghĩ đến anh, nghĩ về một mùa Xuân xưa khi anh đến và cả khi anh đọc hai câu thơ như một lời tỏ tình lãng mạn :
Cho anh ở rể nhà em.
Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày...”
2.
Ba cười vấn điếu thuốc rê.
Nhắc chi mấy chuyện năm tê năm tề. Bây chừ con đã trở về. Lo răng cuộc sống yên bề, rứa thôi. Đất vườn Hợp Tác lấy rồi ! Chỉ còn cái chái đỡ trời này đây. Cuối đời tay lại trắng tay. Còn chừa cái mạng là may lắm rồi. Thiệt là lỡ khóc lỡ cười. Mù-cha-tam-đợi cái thời quỷ ma. Rồi đây, liệu nó có tha. Con lo tính chuyện bôn ba cho rồi. Nói ra tội với Đất Trời. Vợ, con để lại hạ hồi tính sau. Sông sâu biển rộng ba đào. Lỡ chi không lẽ ôm nhau chết chùm. Thôi thì đã tới ngõ cùng. Thê, nhi vướng bận cứ đùn cho Ba. Ơn Trời suôn sẻ phong ba. Con qua bên nớ là qua hiểm nghèo. Lần hồi lãnh vợ, con theo. Châu Về Hiệp Phố đò về bến xưa. Phần Ba như nắng như mưa. Giấc mơi nắng đó giấc giấc trưa mưa rồi. Tính ra gần đất xa trời. Có mô mà cứ sống đời lột da. Nói gần thôi, nói đâu xa. Mạ con nằm đó chờ Ba dọn về. Dù chi cũng nghĩa phu thê. Không về với “Mụ” thì về với ai ?. Thôi con, nói chuyện dông dài. Quanh co cũng chuyện an bài cho con. Miễn rằng của mất người còn. Tốn hao chi cũng gắng lo vuông tròn. Bao năm chắt bóp lần bòn. Còn lưa chút đỉnh đợi con trở về. Mối mai cũng đã yên bề. Thảo lương tích đủ thuyền bè cũng xong, Con đi đi, chớ nặng lòng. Đi mà tính chuyện vuông tròn về sau…
Ba cười vấn điếu thuốc rê.
Mà đôi con mắt đỏ hoe nặng sầu. Con ôm Ba một đỗi lâu. Trái tim nhói buốt lòng đau quặn lòng. Ba cười, nước mắt lưng tròng. Dáng Ba nghiêng xuống ôm con ấm nồng. Dù mai cách núi ngăn sông. Cũng không quên được nụ hôn lúc này. Chòm râu bạc trắng tháng ngày. Đôi dòng lệ khổ lặng thầm tiễn con.
Thưa Ba, chuyện đã vuông tròn.
Bến sông lại gặp con đò năm xưa. Vàng thu lá rụng bao mùa. Mộ Ba rêu cỏ nắng mưa tháng ngày. Đường đời sông nhánh chia hai. Quê hương trầm lạc bể dâu xót lòng. Nhớ Ba, nước mắt lưng tròng. Nụ hôn xưa giữ ấm nồng đời con. Chòm râu trắng nụ cười buồn. Theo con suốt cả dặm trường tha hương. Trời làm chi cuộc nhiễu nhương. Cha con mình phải đôi đường biệt ly.
Biệt ly dài những biệt ly. Xót lòng đau cứ mỗi khi nhớ về.
Ba cười, vấn điếu thuốc rê...
3.
Ông Thiện đọc xong bài thơ, xúc động lặng người. Nước mắt ông chảy dài mờ đi mắt kính. Ông nhẹ nhàng để lại bài thơ trước mấy bức ảnh thờ, tay run run mở nắp chiếc hộp gỗ đựng đầy những điếu thuốc rê. Ông lấy ra một điếu, xoắn tròn cho chắc rồi bật quẹt châm lửa. Mùi thuốc thơm quyện vào hương khói nhang trầm đầm ấm cả căn phòng. Ông thận trọng cắm đuôi thuốc vào chân nhang, nói thầm :
- Ba hút đỡ Half and Half. Đất xa quê tìm đâu được hương vị quê mình. Mạ con, bà cũng chịu ăn trầu khô cau sấy. Rồi anh Trọng nữa, anh cũng hút thuốc Marlboro rồi đó Ba !
Qua làn khói mỏng manh, ông mơ hồ thấy được chòm râu bạc trắng và nụ cười hiền trong ảnh. Nụ cười còn vương lại trên con kênh, dưới rặng dừa, buổi tiễn đưa năm nào. Nụ cười còn giữ mãi trong bài thơ ông viết sau khi được đoàn tụ cùng với vợ con. Những lời thơ viết bằng nỗi nhớ thương và nước mắt, ông trân trọng để ở trang thờ. Như một định lệ không bao giờ thay đổi, khi mỗi độ Xuân về, ông lại đọc bài thơ trong lúc cúng rước Ông Bà Cha Mẹ về vui Tết cùng con cháu.
Đêm nay, cả gia đình chờ đón giao thừa trong không khí thanh nhàn đầm ấm giống những mùa Xuân xưa khi ông còn là một anh lính trẻ. Ông còn nhớ như in, hình ảnh Ba Mạ còn ngồi đó, anh Trọng ngồi đó và cô Thảo ngồi đó. Cả gia đình cười nói vui vẻ trong giờ phút chờ đón Giao Thừa giữa những tiếng pháo gần xa rộn ràng không dứt...Những hình ảnh thiêng liêng đó, thường ngày cứ mờ nhạt trong cuộc sống bon chen tất bật trên đất lạ quê xa, tưởng chừng như mất dấu. Vậy mà, cứ mỗi năm trong giờ phút chờ đón giao thừa, hình ảnh xưa lại trở về rõ nét. Cứ thôi thúc một nỗi nhớ đến nghẹn ngào. Những người thân yêu đã không còn nữa, chỉ còn có Thảo để ông được chia những ngậm ngùi quá khứ. Giờ thì ông đâu còn ở rể nữa, ông đã ra riêng rồi. Ra riêng từ giây phút ông rời vòng tay ấm nồng của người cha vợ, vượt qua con kênh đi vào định mệnh. Ông đã bỏ lại bên trời quê hương một chòm râu trắng, một nụ cười buồn, một điếu thuốc rê chân chất thiệt thà. Và cả ân nghĩa lớn lao từ một tấm lòng cưu mang độ lượng để ông còn được mái ấm gia đình hôm nay...
Có hơi thở ấm nồng phía sau. Ông Thiện quay đầu lại thấy bà Thảo, vợ ông, đang chỉ tay vào bát nhang . Giọng bà thầm thì, thành khẩn :
- Anh coi tề! Tàn nhang uốn vòng đó. Chắc Ba Mạ với anh Trọng nghe anh đọc thơ với lại nói chuyện rồi!
Ông Thiện nhìn vào bát nhang, gật đầu im lặng. Bà Thảo choàng tay ôm ngang lưng ông, nghiêng đầu nói thầm :
- Sẵn nhang đang uốn vòng, em muốn đọc anh nghe hai câu Thơ
Rồi không kịp để cho chồng có phản ứng, bà đọc nhỏ bên tai ông :
-“ Đi mô cho Thiếp theo cùng. Đói no Thiếp chịu lạnh lùng Thiếp cam”. Hai câu ni em làm đó ! Tặng anh...
Ông Thiện gật gù, biết đó là hai câu ca dao bà đọc lại từ trong sách . Ông mỉm cười thú vị với ý nghĩ là cũng có thể châm chước cho sự mạo nhận ở chỗ bà khéo léo vay mượn để đạt được cái ý riêng tư thầm kín. Với lại có sự cố tình thay đổi chữ “mô” đậm đặc tính chất của bà, O Huế đó !
Dù sửa chỉ có một chữ thôi, chỉ là một chữ,mà nói lên được cái riêng của mình thì coi đó như là của mình. Cũng được. Ông Thiện thấm ý, gật gù cười mỉm.
Ông liếc nhìn bà, thấy đôi mắt bà long lanh sáng rực.
Thốt nhiên ông nhớ lại ánh mắt, cũng long lanh rực sáng như bây giờ, khi ông cầm tay cô Thảo để đọc hai câu thơ tỏ tình :
“Cho anh ở rể nhà em.
Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày...”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét