tháng 1 31, 2011
LỤC BÁT NGÀY XUÂN
mùa xuân lục bát
mùa xuân con én lạc bầy
như tôi đây cũng lạc ngày tháng xa
giú buồn vui ở quê nhà
chỉ mang theo nỗi xót xa ngậm ngùi
ngày xuân rồi cũng lạc vùi
giữa dòng xuôi ngược giữa trời quê xa...
hoa xuân
sáng nay bất chợt hiên nhà
hiếm hoi một nụ hoa vàng mãn khai
giật mình nhớ nắng vàng phai
nhớ hương xuân đọng cành mai quê nhà
nhớ em trâm-giắt-lược-cài
vàng mơ áo lụa mượt mà phấn son...
thơ cuối năm
mấy vần Thơ đợi Giao Thừa
rưng đôi con mắt, cố, chừa một con
để nhìn cho rõ nước non
dặm ngàn xa ngái có còn Xuân xưa !
hay là đã dãi nắng mưa
bể dâu khuất lấp dáng xưa mất rồi !...
buổi sáng mười-hai
sáng đi qua ngõ trúc đào
thấy em đứng giữa ồn ào sương mơi
giọt còn đọng giọt còn rơi
giọt nương mái tóc bóng ngời tình tôi
ngó nhau như thế đủ rồi
đủ rồi cho cả một đời thấy nhau...
đứng giữa chiều đời
đứng đây ngó đất ngó trời
ngó quanh chút nữa thấy đời hư không
thấy mình vẫn cứ lông bông
tóc râu mặn muối nỗi lòng cay tiêu
cũng may còn lại ít nhiều
mấy vần thơ lạc giữa chiều phù vân...
MÙA XUÂN NĂM ĐÓ
1
Mùa Xuân năm đó, bất ngờ, anh Trọng được về phép dẫn theo một người bạn cùng đơn vị. Được giới thiệu là anh Thiện, quê Nam. Mồ côi, sống tự lập từ nhỏ. Nhà giáo và cũng là nhà Thơ. Động viên vô lính được hai năm. Lý lịch ngắn gọn để giới thiệu người lạ bước vào nhà được chấp nhận theo mỗi nếp suy nghĩ của thành viên trong gia đình.
Mạ của Thảo nghĩ đơn thuần là hắn mồ côi, tội nghiệp!
Ba của Thảo cho là tay này cũng có nhiều bản lãnh.Tự thân bươn chải từ thuở nhỏ mà có được cái danh vị sáng giá là nhà giáo, rồi là sĩ quan quân đội. Tốt lắm.
Riêng Thảo, nàng “chấm điểm” anh Thiện trên trung bình, ở chỗ anh là nhà giáo “đồng nghiệp” (trong tương lai) của nàng, mà lại là nhà thơ nữa !
Đón anh vô nhà bằng một buổi tiệc tất niên. Cả nhà vui vẻ coi như anh là đứa con đi xa nay lại trở về. Ba Thảo mời anh một ly rượu gọi là vui Xuân đoàn tụ. Mạ Thảo ân cần gắp cho anh nguyên cả cái đùi gà. Bà coi đó như là sự bù đắp cho anh sau những ngày miệt mài chiến trận, ăn uống thất thường. Anh Trọng thì cứ thúc hối anh ăn vì nghĩ anh lạ cảnh lạ người, giữ lễ đâm mất tự nhiên. Thảo không có vai vế chi trong bữa tiệc, nàng chỉ thầm chia với anh một ánh mắt nhìn...
Câu chuyện của ngày đầu gặp gỡ chỉ có vậy để anh mạnh dạn ngồi lì suốt đời suốt kiếp. Anh chịu chia với nàng một nỗi nhớ, chịu khổ với nàng những năm tháng bể dâu. Với Thảo, tình yêu đến sao mà nhẹ nhàng thơ mộng không hề có ba-đào-sóng-dậy như những cuộc tình của mấy nhỏ bạn. Nhẹ nhàng đến nỗi, khi giật mình nhìn lại thì lá Trầu đã têm cánh Phượng quyện với vôi nồng làm đỏ mấy vành môi cuả bà con trong họ. Nàng lên xe hoa về nhà... Nàng. Tại vì anh thân phận mồ côi, không người thân thích. Ngày ở rể, anh có làm hai câu thơ mà nàng cứ thầm nhớ mãi :
Cho anh ở rể nhà em
Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày...
Đó là câu ví von trong thơ của anh mà thôi, chứ thật sự anh và nàng cứ mãi cách xa nhau hoài. Mỗi năm chỉ có vài ngày phép ngắn ngủi để mà được cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày. Rồi sau đó, anh lại miệt mài chiến trận, bỏ cô giáo với nỗi nhớ đầy, với những khát khao bỏng cháy trên từng vuông da thịt...
Kịp khi đứa con đầu lòng ra đời đâu được vài tháng thì đất nước đã đổi thay. Miền Nam bị cưỡng chiếm. Cuộc chiến tàn trong tức tưởi. Người lính trở về với nỗi lòng đau thắt. Thảo đón anh đầu ngõ mà sao thấy anh có vẻ trầm lặng, xa lạ. Anh bước vô nhà cúi đầu chào Ba, Mạ. Hai cha con nhìn nhau một thoáng lâu rồi bỗng nhiên Ba cười ngặt nghẻo. Cười mà hai hàng nước mắt chảy trên đôi má nhăn nheo. Thảo ôm con ghì siết vô lòng, lo sợ. Tiếng cười của Ba bỗng nhiên ngừng bặt. Ông chồm người tới phía anh và hai cha con ôm choàng lấy nhau. Thảo thật sự không hiểu tâm trạng của hai người nhưng linh cảm cho nàng biết rồi đây sẽ còn có những trái ngang xảy đến, không những cho riêng gia đình nàng, mà cả cho những gia đình có người buộc lòng phải trở về từ cuộc chiến.
Rồi anh lại tiếp tục lên đường. Con đường anh đi lần này có rào kẽm bủa giăng và có cả hận thù chực chờ phía trước. Ngày tiễn anh đi, tội nghiệp quá, Thảo chỉ thu vén cho chồng mấy bộ đồ mặc ấm, một bịch thuốc rê, chai dầu cù là với một lọ thuốc cảm và cuối cùng là nụ hôn đẫm đầy nước mắt chia ly !
Cuộc sống bên ngoài trở nên tù túng chật hẹp. Đúng là một ngục tù trong tù ngục bao la. Ba nàng trở nên trầm lặng, ít nói ít cười. Mẹ nàng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Lòng Mẹ thì chứa chan hơn, biểu hiện rõ nét nỗi buồn rứt ruột khi nghĩ đến một đứa con trở về rồi lại phải ra đi trong một hoàn cảnh khắc nghiệt. Một đứa thì biệt tăm chưa thấy trở về...
Còn Thảo thì nói chi hơn ! Lòng nàng trải dài nỗi nhớ mong theo từng ngày từng tháng từng năm. Một mùa Xuân và nhiều mùa Xuân đã đi qua, nàng cứ mãi chờ anh trở về ở rể. Hình ảnh một mùa Xuân đậm nét trong lòng nàng để nàng thêm quay quắt nhớ cái vẻ dáng hiền hòa khi anh bước vô nhà rồi từ đó cứ ở lì không đi nữa! Có cái chi mà chặt không đứt bứt không rời phơi không khô chụm không cháy ? Phải chăng đó là tình yêu ! Tình yêu của nàng đối với Thiện. Của người vợ trong cảnh đời dâu bể đổi thay, tần tảo ngược xuôi trăm bề cực khổ nuôi con và nuôi chồng những tháng năm dài “cải tạo”. Tình yêu đã giúp nàng vượt qua những khó khăn vây bủa để chỉ nghĩ đến anh, nghĩ về một mùa Xuân xưa khi anh đến và cả khi anh đọc hai câu thơ như một lời tỏ tình lãng mạn :
Cho anh ở rể nhà em.
Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày...”
2.
Ba cười vấn điếu thuốc rê.
Nhắc chi mấy chuyện năm tê năm tề. Bây chừ con đã trở về. Lo răng cuộc sống yên bề, rứa thôi. Đất vườn Hợp Tác lấy rồi ! Chỉ còn cái chái đỡ trời này đây. Cuối đời tay lại trắng tay. Còn chừa cái mạng là may lắm rồi. Thiệt là lỡ khóc lỡ cười. Mù-cha-tam-đợi cái thời quỷ ma. Rồi đây, liệu nó có tha. Con lo tính chuyện bôn ba cho rồi. Nói ra tội với Đất Trời. Vợ, con để lại hạ hồi tính sau. Sông sâu biển rộng ba đào. Lỡ chi không lẽ ôm nhau chết chùm. Thôi thì đã tới ngõ cùng. Thê, nhi vướng bận cứ đùn cho Ba. Ơn Trời suôn sẻ phong ba. Con qua bên nớ là qua hiểm nghèo. Lần hồi lãnh vợ, con theo. Châu Về Hiệp Phố đò về bến xưa. Phần Ba như nắng như mưa. Giấc mơi nắng đó giấc giấc trưa mưa rồi. Tính ra gần đất xa trời. Có mô mà cứ sống đời lột da. Nói gần thôi, nói đâu xa. Mạ con nằm đó chờ Ba dọn về. Dù chi cũng nghĩa phu thê. Không về với “Mụ” thì về với ai ?. Thôi con, nói chuyện dông dài. Quanh co cũng chuyện an bài cho con. Miễn rằng của mất người còn. Tốn hao chi cũng gắng lo vuông tròn. Bao năm chắt bóp lần bòn. Còn lưa chút đỉnh đợi con trở về. Mối mai cũng đã yên bề. Thảo lương tích đủ thuyền bè cũng xong, Con đi đi, chớ nặng lòng. Đi mà tính chuyện vuông tròn về sau…
Ba cười vấn điếu thuốc rê.
Mà đôi con mắt đỏ hoe nặng sầu. Con ôm Ba một đỗi lâu. Trái tim nhói buốt lòng đau quặn lòng. Ba cười, nước mắt lưng tròng. Dáng Ba nghiêng xuống ôm con ấm nồng. Dù mai cách núi ngăn sông. Cũng không quên được nụ hôn lúc này. Chòm râu bạc trắng tháng ngày. Đôi dòng lệ khổ lặng thầm tiễn con.
Thưa Ba, chuyện đã vuông tròn.
Bến sông lại gặp con đò năm xưa. Vàng thu lá rụng bao mùa. Mộ Ba rêu cỏ nắng mưa tháng ngày. Đường đời sông nhánh chia hai. Quê hương trầm lạc bể dâu xót lòng. Nhớ Ba, nước mắt lưng tròng. Nụ hôn xưa giữ ấm nồng đời con. Chòm râu trắng nụ cười buồn. Theo con suốt cả dặm trường tha hương. Trời làm chi cuộc nhiễu nhương. Cha con mình phải đôi đường biệt ly.
Biệt ly dài những biệt ly. Xót lòng đau cứ mỗi khi nhớ về.
Ba cười, vấn điếu thuốc rê...
3.
Ông Thiện đọc xong bài thơ, xúc động lặng người. Nước mắt ông chảy dài mờ đi mắt kính. Ông nhẹ nhàng để lại bài thơ trước mấy bức ảnh thờ, tay run run mở nắp chiếc hộp gỗ đựng đầy những điếu thuốc rê. Ông lấy ra một điếu, xoắn tròn cho chắc rồi bật quẹt châm lửa. Mùi thuốc thơm quyện vào hương khói nhang trầm đầm ấm cả căn phòng. Ông thận trọng cắm đuôi thuốc vào chân nhang, nói thầm :
- Ba hút đỡ Half and Half. Đất xa quê tìm đâu được hương vị quê mình. Mạ con, bà cũng chịu ăn trầu khô cau sấy. Rồi anh Trọng nữa, anh cũng hút thuốc Marlboro rồi đó Ba !
Qua làn khói mỏng manh, ông mơ hồ thấy được chòm râu bạc trắng và nụ cười hiền trong ảnh. Nụ cười còn vương lại trên con kênh, dưới rặng dừa, buổi tiễn đưa năm nào. Nụ cười còn giữ mãi trong bài thơ ông viết sau khi được đoàn tụ cùng với vợ con. Những lời thơ viết bằng nỗi nhớ thương và nước mắt, ông trân trọng để ở trang thờ. Như một định lệ không bao giờ thay đổi, khi mỗi độ Xuân về, ông lại đọc bài thơ trong lúc cúng rước Ông Bà Cha Mẹ về vui Tết cùng con cháu.
Đêm nay, cả gia đình chờ đón giao thừa trong không khí thanh nhàn đầm ấm giống những mùa Xuân xưa khi ông còn là một anh lính trẻ. Ông còn nhớ như in, hình ảnh Ba Mạ còn ngồi đó, anh Trọng ngồi đó và cô Thảo ngồi đó. Cả gia đình cười nói vui vẻ trong giờ phút chờ đón Giao Thừa giữa những tiếng pháo gần xa rộn ràng không dứt...Những hình ảnh thiêng liêng đó, thường ngày cứ mờ nhạt trong cuộc sống bon chen tất bật trên đất lạ quê xa, tưởng chừng như mất dấu. Vậy mà, cứ mỗi năm trong giờ phút chờ đón giao thừa, hình ảnh xưa lại trở về rõ nét. Cứ thôi thúc một nỗi nhớ đến nghẹn ngào. Những người thân yêu đã không còn nữa, chỉ còn có Thảo để ông được chia những ngậm ngùi quá khứ. Giờ thì ông đâu còn ở rể nữa, ông đã ra riêng rồi. Ra riêng từ giây phút ông rời vòng tay ấm nồng của người cha vợ, vượt qua con kênh đi vào định mệnh. Ông đã bỏ lại bên trời quê hương một chòm râu trắng, một nụ cười buồn, một điếu thuốc rê chân chất thiệt thà. Và cả ân nghĩa lớn lao từ một tấm lòng cưu mang độ lượng để ông còn được mái ấm gia đình hôm nay...
Có hơi thở ấm nồng phía sau. Ông Thiện quay đầu lại thấy bà Thảo, vợ ông, đang chỉ tay vào bát nhang . Giọng bà thầm thì, thành khẩn :
- Anh coi tề! Tàn nhang uốn vòng đó. Chắc Ba Mạ với anh Trọng nghe anh đọc thơ với lại nói chuyện rồi!
Ông Thiện nhìn vào bát nhang, gật đầu im lặng. Bà Thảo choàng tay ôm ngang lưng ông, nghiêng đầu nói thầm :
- Sẵn nhang đang uốn vòng, em muốn đọc anh nghe hai câu Thơ
Rồi không kịp để cho chồng có phản ứng, bà đọc nhỏ bên tai ông :
-“ Đi mô cho Thiếp theo cùng. Đói no Thiếp chịu lạnh lùng Thiếp cam”. Hai câu ni em làm đó ! Tặng anh...
Ông Thiện gật gù, biết đó là hai câu ca dao bà đọc lại từ trong sách . Ông mỉm cười thú vị với ý nghĩ là cũng có thể châm chước cho sự mạo nhận ở chỗ bà khéo léo vay mượn để đạt được cái ý riêng tư thầm kín. Với lại có sự cố tình thay đổi chữ “mô” đậm đặc tính chất của bà, O Huế đó !
Dù sửa chỉ có một chữ thôi, chỉ là một chữ,mà nói lên được cái riêng của mình thì coi đó như là của mình. Cũng được. Ông Thiện thấm ý, gật gù cười mỉm.
Ông liếc nhìn bà, thấy đôi mắt bà long lanh sáng rực.
Thốt nhiên ông nhớ lại ánh mắt, cũng long lanh rực sáng như bây giờ, khi ông cầm tay cô Thảo để đọc hai câu thơ tỏ tình :
“Cho anh ở rể nhà em.
Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày...”
tháng 1 25, 2011
KHI XUỐNG PHỐ ĐÔNG NGÓ LÒNG TRAI GÁI
xuống phố đông thấy em buồn một mình
buồn dễ sợ khiến tim ta nín thở
ghế đá cũng buồn trên sân vắng, tĩnh
hàng cây khô trơ trọi lá, ngẩn ngơ
ta xuống phố chỉ ngó lòng trai gái
phải lòng nhau cho đời sống bớt buồn
đâu nỡ thấy em buồn không níu lại
níu trật lòng là buồn sẽ vỡ, tuôn
buồn em chắc là nỗi buồn thiếu ai
trái tình yêu em bỏ rụng bên đường
không ai lượm để em cầu xin lại
giữa yêu thương và không yêu thương
em không nói gì khi ta ngồi ghé mái
chiều buông lời, rất nhẹ, phía gần em
mắt bỏ trời mây nhìn mê nhìn mãi
từ không quen tới chỗ lụy thân quen
rồi từ đó em ngồi lâu, lâu tới nỗi
đến không ngờ mong lại xuống phố đông
níu lấy tình em, xin nhau thứ lỗi
giữa xôn xao ta lại có, riêng lòng.
1969
CHIỀU
RỚT LÒNG CHIỀU CUỐI NĂM
chiều cuối năm qua phố đầu năm Tây
là biết đã lạc đường tìm kỷ niệm
phố đông vui hút xa đường Én liệng
chẳng có hoa Mai hoa Cúc hoa Đào
vạt nắng chiều mang dáng vẻ lao đao
đâu có mượt xưa chiều ba-mươi-tết
cái lạnh hanh se trở mùa khắc nghiệt
đâu có dịu dàng xưa ngày cuối năm
em son phấn trái mùa xa vạn dặm
mắt môi xưa cũng trái gió trở trời
mái tóc giờ đây hẹn thề không nổi
đã dòng đời hòa nhập nét thời trang
ngó quẩn quanh bỗng thấy lòng quờ quạng
ở bên này trời rét lạnh ngày Đông
ở quê nhà đàn Én lượn bên song
trời trả Đông rồi qua Xuân nồng ấm
hủ dưa món đã trở màu thấm đậm
mẻ mứt rim đã sên ráo tới đường
nhà đã rực mùi thơm lựng trầm hương
bánh tét bánh chưng dậy mùi vị Tết
son phấn em khiến lòng ta mê mệt
quyện lòng nhau theo áo lụa đôi tà
mái tóc thề cứ nhìn mê không nhả
nụ cười em ta giữ cả mùa Xuân
cho tận tới giờ cứ mãi bâng khuâng
những ngày Xuân xưa u hoài trong dạ
lâu lắm rồi quen hơi vùng đất lạ
em bỏ mùa Xuân quê ở nơi nào !
áo đã không còn đôi tà xôn xao
tóc đã xén cao theo thời trang mới
ta hoài cổ nên chi không với tới
chỉ ngậm ngùi thương hương xưa bay đi…
Hiên Trăng
01/2011
tháng 1 11, 2011
ĐI HỌC XA NHÀ
Hồi đó tôi trong hoàn cảnh buộc phải đi học, xa nhà.
Tôi buồn lắm, ngồi ở bậu cửa khóc. Anh Phúc chờ tôi khóc đã nư, ra dỗ dành :
- Thôi, đừng khóc nữa em. Đằng nào anh cũng phải đưa em đi. Ở đây không đủ chỗ cho em rồi, phải đi với anh thôi…
Tôi vùng vằng choài đạp không chịu vô nhà, vẫn khóc. Anh tần ngần đứng một hồi lâu rồi ghé ngồi bên tôi, nhỏ nhẹ :
- Hôm qua về thấy em ngồi ngủ ở cửa trước, anh phải bồng em vô nhà. Mà sao em không vô nhà mà ngủ, lại ngủ ngoài hiên ?. Sao vậy em ?.
Tôi nín khóc, chạnh lòng, ôm níu lấy anh. Anh cũng vội ôm tôi, ôm chặc. Giọng anh xúc động :
- Nói anh nghe đi , em đừng giú.
Tôi giụi đầu (cái đầu quanh năm trọc tóc ) trong vòng tay anh nồng ấm, nói thiệt lòng :
- Hôm qua đi học về tự nhiên nhớ chị, nhớ hai anh nên em ngồi trước cửa rồi ngủ hồi mô không biết. Thức dậy thấy nằm trên giường rồi thấy anh, em tưởng là nằm mơ.
Anh vội siết vòng ôm, tôi cảm giác có giọt nước ấm rơi trên cái đầu trọc tóc của tôi . Nghe giọng anh nghèn nghẹn :
- Anh biết rồi ! Mai anh dắt em đi theo ở với anh …
Tôi đi học xa nhà từ sau giây phút đó.
Chị và anh em tôi mồ côi Mẹ rất sớm.
Chị với hai anh chỉ mới vài năm tuổi còn tôi thì sinh ra mới ba ngày là Mẹ sót nhau mà mất !
Ba tôi lại quá sớm tục huyền.
Năm tôi ba tuổi thì chị bỏ nhà ra đi, không biết đi đâu về đâu ! ( Sau một cuộc đổi đời gặp lại, chị em ôm nhau trong tình cảm máu mủ ruột thịt. Còn con đường chị đi tôi vẫn, cứ coi như ngày nào, không biết chị đi đâu rồi rốt cuộc, về đâu !.)
Tôi lớn thêm vài tuổi nữa thì anh Phúc cũng đi theo ông anh chú bác của tôi lên làm ăn lớn ở vùng Ban mê thuột.
Thêm vài tuổi nữa thì anh Hà của tôi cũng bỏ nhà giang hồ tới tận miền Năm Căn, Cà Mau rồi tới miệt Tây Ninh tự nguyện làm ông giáo ruộng đồng ngày dạy học trò vài tiếng đồng hồ bởi sau trưa là học trò tự bỏ lớp lo ra đồng cấy góp, lo lùa trâu nhốt chuồng, lo phủi chưn chun vô nóp !
Còn tôi thì ngủ gà ngủ gật ngủ mèm trong nỗi nhớ, trước cửa sân nhà. Giấc ngủ cô đơn !!!
Chị và hai anh tôi bỏ nhà ra đi trong hoàn cảnh, không còn cách nào hơn, phải tự chọn lựa cho mình một đời sống khác.
Tôi thì chưa đủ sức chọn lựa thì anh Phúc đã sớm gợi ý cho tôi một con đường : đi học xa nhà.
Mấy chục năm qua, ngồi nhớ lại, thấy tức cười, mà buồn thiệt là buồn !
Ngày đó, tôi đi học xa nhà, lại vui.
Nay, con tôi, đi học xa nhà lại buồn và nhớ nhà. Nỗi buồn nỗi nhớ ba mẹ anh chị em thiệt là tràn đầy hạnh phúc.
Còn tôi ngày đó nỗi buồn nỗi nhớ mồ côi bên bậu cửa, ngủ gục hồi mô không biết nữa !
11/01/2011
TÌNH Ý MÙA ĐÔNG
QUẠNH HIU NỖI NHỚ
nhà hiu quạnh hai mình nồi cơm trắng
dĩa cá khô thơm mùi Biển quê nhà
trời chớm Đông gió mùa se lạnh quá
ngồi gần nhau chưa đủ ấm, gần nhau
anh với em bây giờ còn gì đâu
ngày vắng xa nhau chiều về gặp lại
đơm chén cơm ngó quanh nhà trống trải
chỉ có hai mình nồng ấm chia nhau
và miếng cơm nhói nỗi lòng không giấu
nhớ tiếng cười vui đông đủ ngày nào
miếng cá khô rang chén cơm thơm nhảo
ngó quanh nhà hiu quạnh quá buồn ơi !
những đứa con mỗi đứa theo dòng đời
bỏ lại bến sông tháng ngày cằn cỗi
sông ra biển hóa trùng khơi sóng dội
chim đủ lông đủ cánh lướt trời mây
chỉ có hai mình trú lại nơi đây
nhìn ngó trời mây trải lòng sóng dội
tổ ấm xưa đã mưa dầm nắng dọi
chỉ còn riêng một chỗ có hai mình
đơm chén cơm chiều nay chia sớt tình
xé miếng cá khô chia lòng nỗi nhớ
chiều mùa Đông lạnh se về theo gió
lạnh gió ngoài trời đâu lạnh lòng nhau…
chiều Đông 11/01/2011
tháng 1 02, 2011
NHỚ
BÀI ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH
chia với em, nỗi lòng ta Năm Mới
buổi sáng đầu năm ngồi Hiên trước
nhìn nắng hình như nắng cũng già
giật mình nhớ lại thời xuôi ngược
giờ đây ngày tháng đã phôi pha
nếp nhăn ghé dấu hằn quen lạ
râu tóc trổ màu mây trắng bay
hào khí sông hồ xưa đã trả
chiều đời lảng đãng quyện vòng quanh
ngồi đón đầu năm mùa se lạnh
ngày tàn tháng tận trời phương xa
cuốn lịch đời ta rồi mỏng nhánh
lòng riêng thầm nhớ chốn quê nhà
quê nhà có mượn mà chưa trả
bốn mùa thơm lựng mùi hương đưa
bốn mùa kỷ niệm nhiều không ngạ
xa lâu ngoảnh lại ngó hồi xưa
cội Mai già trải nắng dầm mưa
trở dáng hồng tươi mừng năm mới
cây Vạn Thọ lạnh se dòng nhựa
vẫn nhú bông khoe sắc với đời
miếng mứt gừng đường chưa chín tới
khéo oằn cong rộ óng màu da
em son phấn mượt mà năm mới
ta ngó hoài ngó mãi không ra
chuyện ngày xưa mới đó đã xa
ngồi nhớ lại đã là trái chín
đã dặm trường núi sông chia ngả
dõi tìm chi cho mỏi mắt nhìn…
em đời ta hẹn ước níu tình
hai mình có chung trời thương muộn
Hiên trước đầu năm ta cứ níu
mấy câu Thơ em đọc đỡ buồn !
đầu Năm Mới 2011
tháng 1 01, 2011
HÌNH ẢNH
NĂM NỚI VUI VẺ = HAPPY NEW YEAR
Ngẫm lại thấy cũng hay :
Happy New Year = Năm Mới Vui Vẻ = Vui Vẻ Năm Mới
Vậy là quá đủ rồi.
Chỉ cần vui vẻ thôi, không cần thiết rườm rà những câu chúc tụng an khang thịnh vượng sức khỏe dồi dào mọi điều như ý phước như Đông hải thọ Tỷ Nam sơn ..v…v...
Quá nhiều câu chúc lành cho Năm Mới !. Mà chỉ chúc, là chúc vậy thôi !. Còn đạt được hay không, chuyện đó hạ hồi tính sau. Ai biết được !
Hóa ra chỉ là câu nói thời trang (điểm) cho rôm rả ngày đầu Năm Mới, hoàn toàn không dính dáng gì những ngày ( sau những ngày Năm Mới ) trong năm.
Người chúc và người nhận cũng (nên, rất nên) quên sau khi qua những ngày Năm Mới.
Mà nhớ tới làm gì !.
Không chừng người chúc trong một năm còn lận đận hơn người nhận.
Lại không chừng người nhận ( sao không chịu quên, cứ nhớ ) đâm ra giận người chúc mình vì có được như lời chúc đâu !. Còn tệ hơn nữa !.
Dám lẩn quẩn nghĩ, thêm, là hóa ra nó nói mát ( là nói mỉa mai một cách ngọt ngào) mình cũng nên !.
Lại thêm bầm gan tím tím ruột, ích lợi gì !
Chúc nhau mà chúc kiểu đó bằng mười xa nhau !
Người ta thì có chúc tụng gì nhau đâu. Chỉ ngắn gọn Năm Mới Vui Vẻ = Vui Vẻ Năm Mới.
Ý chính là vui vẻ.
Cũng đúng thôi !. Một năm Cũ nhàm chán qua đi để háo hức vui mừng đón Năm Mới, coi có gì khác lạ hơn không. Tâm trạng chung là vui. Còn vui nhiều vui ít hay không vui là tùy thuộc mỗi nhà, mỗi người đâu có ai ép buộc hay gán ghép.
Chúc tụng chi cho rườm rà rả đám.
Nhưng mà có bên phản đối với lý do là tục lệ lâu đời vào dịp đầu năm Mới, xưa bày nay theo cho con cháu nhìn vào “giấy rách phải giữ lấy lề” để mà còn níu “ đất lề quê thói”…
Lại có bên đồng ý ( là OK, nói ngắn gọn theo ngôn ngữ vùng đất mới ). Còn như muốn diễn đạt thêm cho văn vẻ đượm mùi quê hương là “ nhập gia tùy tục đáo giang tùy khúc”.
Không biết chọn theo ý kiến nào!. Dòng nói ngược cũng hay mà dòng nói xuôi nghe ra cũng được !.
Nhưng có điều vướng chút là khi người ta (không may, thiệt là quá không may )đang vương căn bệnh ung thư, viêm gan thời kỳ cuối bác sĩ chê cho về nhà hay là đang làm thủ tục khai phá sản cơ nghiệp, đang mất việc mất nhà vợ bỏ con chê, đang lang thang muốn nhảy cầu vì tình phụ, đang… ( những cái đang phổ biến rất phù phiếm xa hoa trên một đất nước quá xa hoa phù phiếm nay có mai không nay còn mai mất dễ ợt ngon lành như ăn cơm sườn ) mà chúc phúc như Đông hải thọ tỷ Nam sơn ( rồi đại khái những câu chúc học-thuộc-lòng nhân ngày Năm Mới ).
Chẳng khác chi là hình thức bọc nhung bọc đường của một lời nói mát ( là nói mỉa mai một cách ngọt ngào, xin lập lại).
Tình cảm tuy là có chan hòa nhưng phong tục tập quán lại có nhiều dị biệt.
Dễ hiểu lầm và dễ xa nhau.
Thôi, để dành lời chúc tụng nhau trong dịp mừng Tết Nguyên Đán là Tết ta.
Những ngày đó cứ tha hồ người mình chúc nhau. Nếu chúc người ta trong ngày đó, người ta lại tưởng mình khùng.
Tết ta với mình, nếu như, lời chúc có trật-dường-rầy thì cũng được xí xóa vì dầu sao cũng đất-lề-quê-thói đó thôi. Cũng giấy-rách-phải-giữ-lấy-lề, đó mà !.
Chúc trật-dường-rầy cũng không sao bởi thông cảm hoàn cảnh như nhau!. Lý do là vì cả năm trời hắn tất bật đi cày như trâu !. Sáng bảnh mắt đã chạy chiều mờ mắt mới về nhà. Tắm rửa rồi ăn uống xong bữa. Cái phòng khách cũng không ghé tới, chỉ nhào u vô cái phòng ngủ nằm mê mệt qua đêm. Sáng ra lại vội vả đi cày tiếp.
Chính ngay nhà nó, nó cũng không biết ai yếu ai khỏe. Ngay chính bản thân nó dù có thấy yếu cũng phải gắng gượng đi cày. Không dám đau !!!
Nhà mình đã vậy thì nhà người hỏi sao mà biết được gì!. Chỉ tại vì “ đất lề quê thói” cứ học-thuộc-lòng những câu chúc Năm Mới xưa bày nay theo, là được rồi. Là thấy đủ rồi!. Năm Mới.
Chuyện Đông Tây nói hoài không hết. Dị biệt tới nỗi dị òm luôn !.
Trước Năm Mới có lót thêm ngày Christmas cho nên học sinh sinh viên có dịp được nghỉ dài ngày. Con cháu quây quần đông đủ cả nhà. Thực hiện đúng câu “ một Mùa Giáng Sinh an bình Năm Mới vui vẻ ”.
Ngày Giáng Sinh an bình trước ngày Năm Mới vui vẻ một tuần.
Một tuần được an bình thì Năm Mới vui vẻ là cái chắc.
Cho nên nhà nhà, người người đều vui chơi thoải mái.
Cả một tuần bên con cháu quây quần tôi được ăn toàn món quê hương. Bánh Căn, Bánh Xèo, Bún Bò Huế, Phở tái, Sò nướng…
Đâu cần nghe tiếng con cháu chúc mừng chỉ cần nghe tiếng húp xì xụp và tiếng cười dòn dã thiệt quá là vui là an bình.
Mà chúc mừng làm chi !.
Ba(Ôn) đang thời ăn uống ngon lành lại được các con ( cháu ) thảo thơm ghé thêm chút nước mắm cho mặn nồng thêm chút ớt cho cay nồng thêm ly rượu cho thức dậy nồng mặn nồng cay một thời quê nhà xa ngái…
Vậy là đủ tình thảo thơm dành cho người nửa đời quá giang….
đêm Giao Thừa Tết Tây
01/01/2011
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)