tháng 12 31, 2011

BÀI CUỐI NĂM


cuối năm ta quạnh một mình
đón Giao Thừa với nỗi tình mồ côi
chỉ riêng ấm một chổ ngồi
ngó quanh quẩn chỉ lạnh hoài quạnh hiu
nỡ nào em chỉ bấy nhiêu
bỏ quên đâu thuở cứ liều thương nhau !


Hiên Trăng
2011 dợm bước 2012

HAPPY NEW YEAR 2012

tháng 12 27, 2011

NGỌN ĐÔNG


nay nắng đã lịm rồi Hiên Trăng
ta cớ chi ngồi lâu thêm nữa
cơn gió lạnh chuyển mùa húng hắng
coi chừng nghe sổ mủi nhức đầu !

tháng cuối rồi năm tận ho khan
thời tiết cũng thay lòng tráo trở
cây trơ nhánh tưởng là khô hạn
hóa ra là giá lạnh mà trơ !

mây trở dáng nặng nề u ám
trôi chậm rì phía núi mù sương
hoa lá vườn ngó mà bắt ngán
héo xàu chi tới nỗi hẻo buồn !

ta mới sáng còn cười nói giởn
chiều đã ngồi một đống thù lu
gió ngoài hiên hú nghe phát ớn
trở cơn ho thắt ruột sật sừ !

ngọn Đông về đuổi Hạ nắng xa
nắng hanh Thu cũng rồi mất dấu
đất trời trở theo về lạnh giá
ta trở mùa lạnh quá ho khan….

12/2011

tháng 12 22, 2011

TỊNH ĐÔNG


trời thầm lặng chuyển mùa
rủ về theo rét lạnh
con chim Hè nhí nhảnh
ngơ ngác trước hiên nhà

cây trơ cành nhớ lá
mùa Đông rồi mùa Đông
buổi chiều về gió lộng
theo riết tới hiên nhà

nhà cũ giờ vắng quá
nhìn quanh chỉ hai mình
nếu nửa ấy mần thinh
một nửa này cũng tịnh

chỉ cây lá rung rinh
ấm tình nhau hiên lạnh
trong nhà thì hiu quạnh
níu tình mình có nhau

có nhau từ đã lâu
lâu thiệt là lâu lắm
từ tay nhau khẻ nắm
rồi nắm chặt không rời

bỗng dưng trời gió nổi
bỗng dưng mình lạnh se
cái liếc tình rất khẽ
anh ngẫu hứng Thơ tình

em ơi chuyện chúng mình
nhắc mỏn đời chưa ngạ
đã lạc đường trăm ngả
còn nhớ bước tình đầu

khi em chờ rất lâu
mà anh chưa đến hẹn
khi em xua bẻn lẻn
chìu anh nụ hôn đầu

chuyện xưa mà xưa đâu
có thêm mùa Đông lạnh
cũng tại trời hiu quạnh
nhắc ấm chuyện hai mình

Đời chia lại chuyện tình
có mùa Đông ghé với
anh cũng thèm ghé tới
níu em hùa theo anh…


ngày đầu Đông
22/12/2011

tháng 12 19, 2011

NỖI NHỚ CHƯA BƯA



gởi Emily Trần và các em Xóm nhỏ, quê mình


chào dòng suối Cam Ly hạ
chào con chim Sẻ hói đầu
chào cội Mai gầy xương xẩu
chào mấy em cùng Xóm nghèo !

ta nửa đời xa mấy nẻo
ngó hoài ngó miết Xóm quê
cứ chào quanh đời quạnh quẻ
mà chưa thấy lại quê nhà !

các em người ở người xa
bể dâu mổi người mổi ngả
ta thì nói làm chi ngạ
ngút ngàn xa ngái Xóm quê !

Xóm quê ngó nhỏ trăm bề
mà lớn vô cùng vô tận
cứ khiến lòng ta vướng bận
nhớ từng ngọn cỏ đường xưa !

nhớ dầm dề những ngày mưa
đường Xóm nhão bùn trơn ướt
bấm mười ngón chân kẻo trượt
quê nghèo giày dép có đâu !

nhớ quá dòng Trăng ghé đậu
sân Đình rộn tiếng cười vui
Trăng ghé ngày xưa buồn tủi
chờ ai về lại Xóm nghèo !

chờ ai giữa đời trăm nẻo
khi mưa thối lại nắng hầm
khi đầy rồi khuyết mùa Trăng
Xóm nghèo Trăng treo Trăng khuyết !

các em giờ thì xa biệt
như ta biền biệt Xóm quê
viết bài Thơ buồn thè thẹ
gọi thầm nỗi nhớ chưa bưa…

12/2011

tháng 12 16, 2011

BUỒN DÁNG THU MƯA


cơn bão rủ cơn mưa về thăm phố
chắc ở lâu e cũng tới vài ngày
trời cuối Thu còn nương gió heo may
mưa bão làm chi cho đau lòng lá !

những lá Thu vàng trôi dòng nước lạ
làn gió heo may cổi dạ thay lòng
mây bàng bạc cuộn dáng mình quậy bóng
bỏ lại Thu vàng rủ rượi chiều mưa !

phố chiều nay theo mù mây một nửa
nửa để dành níu với lại chiều Thu
những chiều Thu gió se lòng cất giú
vạt nắng hanh vàng quyện lá vàng rơi !

ta cũng chiều nay lòng dạ bồi hồi
ngồi ngẩn ngơ mưa giọt dài giọt vắn
giọt ngắn nhất lại vươn dài vô tận
mùa Thu của ta mưa bão giú đâu !

giú đâu rồi hởi chiều nay mưa mau
không thấy mây bay rưng lòng vạt nắng
chỉ giọt rơi nghiêng buốt lòng hiên lặng
phố cũng lặng thầm buồn dáng Thu mưa…


Mira Mesa, chiều mưa 13/12/2011

tháng 12 09, 2011

ĐÔNG PHỐ


chớm Đông rét lạnh thân da
phố đêm buốt gió phương xa ngược về
hàng cây gầy nhánh buồn tê
lá Thu vàng cuộn mình se đau tình
ta riêng phố lạc riêng mình
đường khuya vàng ánh điện nhìn đêm khuya…

12/2011

tháng 12 08, 2011

MƯỜI NĂM ĐÂU PHẢI LÀ HÔM QUA


gởi Vi Vi Võ Hùng Kiệt

đứng lặng nhìn lâu người bạn cũ
muốn mừng chưa vội cứ nhìn nhau
mười năm không gặp mười năm cũ
nay gặp đây rồi có cũ đâu !

vẫn mới như ngày nào chia tay
bạn lên vùng cao ta lũng thấp
tiễn nhau chiều xưa mây trắng bay
từ đó rồi xa chưa lần gặp !

nay thoáng nhìn nhau ngờ vẫn vậy
hóa ra đã tràn nếp thời gian
cái bắt tay ôm choàng lâu ngày
sao nghe râm ran đời chạng vạng !

lâu quá rồi lâu nay gặp đây
nín lặng đừng khen nhau chớm già
cứ nắm tay như ngày nào vậy
mười năm đâu phải là hôm qua !

mười năm Thơ ta oằn câu chữ
bạn còn nét cọ tiếp tài hoa
ta thiệt lòng vui không nói giú
bạn vẫn như xưa vẫn cười xòa !

vẫn nụ cười ta không níu kịp
chỉ kịp níu nhau, chiều, có nhau…

San Diego, 04/12/2011
chiều đến tham dự, ra mắt, tuyển tập
MẸ VIỆT NAM ƠI
“chúng con vẫn còn đây”
tác giả là bạn Nguyễn Hữu Của

tháng 11 30, 2011

HÌNH ẢNH


Gĩa từ 11 11

THƠ CUỐI NĂM GỞI CHO EM

tạ ơn Đời có cái ăn cái mặc
có vui buồn ngày tháng cầm hơi
từ quê cũ tới nương nhờ quê mới
thấy mây trời sông núi như nhau
tha lỗi cho tôi em yêu dấu
để em vàng như lá mùa Thu
em héo cau khô em xàu liểu rủ
em ra vô thầm lặng trong đời
từ hai ta lưu lạc phương trời
em bấu tay tôi ưng lòng trao gởi…

con cá vượt sông ra vùng nước lợ
ngó biển khơi chới với nỗi đời
tôi với em hai đứa mồ côi
qua đất lạ nương nhau mà sống
tôi dắt em đi trời cao đất rộng
ngó quanh thân chỉ có hai mình
đời đạm bạc như thuở nào quê cũ
có buồn vui nào không chia cho nhau !
mình mất quê hương từ cuộc bể dâu
gang tấc nào đo nỗi lòng muôn dặm
tháng với ngày cứ trải dài thăm thẳm
đường tình yêu thêm sợi bạc thăng trầm
dẫu là vậy vẫn gừng-cay-muối-mặn
miếng trầu têm còn giữ mãi ân tình
đuôi con mắt vẫn còn lung liếng
để tôi hoài giữ lấy làm riêng

trời cuối năm rồi em có biết
cuộc phong trần thêm một tuổi lao đao
Thơ tôi viết đêm khuya trời dông bão
gió và mưa rét ngọt trở mùa
tôi vẫn cứ đem Thơ vào lãng mạn
giữ đời nhau qua mỗi bước thăng trầm
xin gởi em trái tim nồng ấm
cõi thơ Trần còn mãi chuyện tình yêu…

( trích Nhánh Rong Phiêu, Thơ, 1999 )

tháng 11 29, 2011

LÃNG MẠN TÌNH YÊU


có tuổi rồi ngồi ngó mình ngó tình
để em buồn cứ nín lặng làm thinh
thí dụ như là khi em ngồi một mình
anh không tới ngồi gần bên chia với

ngồi một nửa làm sao em với tới
khi nửa kia đang quá đổi vô tình
không cùng chan một nửa để hai mình
ngồi với bên nhau cho tình ong mật

thí dụ như là khi em ngầy ngật
những cơn đau mùa chuyển gió trở trời
anh vẫn ngồi phòng Văn chọn chữ gạn lời
cho bài Thơ tình gởi em yêu dấu !

em yêu dấu giờ đang nằm đau thấu
trời xanh rồi đâu kịp với tình Thơ
chỉ cầu xin anh bỏ chữ xa lời
xoa nhẹ tình em bàn tay ngày ấy

ngày hai đứa thương nhau rồi lấy
nắm tay nhau dù cuối biển cùng non
giờ cuộc tình đi tới biển cuối non mòn
anh ngó lại thấy mình thằng-phải-gió

khóe mắt xanh em đã nhuộm buồn mắt đỏ
anh lời yêu xưa nay lạc mất đâu rồi
có thương anh xin em đừng bối rối
cứ lần hồi mình tìm lại dấu yêu xưa

thương em nữa xớt tình Thơ một nửa
bởi lúc xa nhau chỉ còn Thơ ở lại….

Phòng Văn 11:53 pm
11/29/2011

tháng 11 25, 2011

XIN CÁM ƠN CUỘC ĐỜI


Tác giả Hoàng Thanh


Đang cặm cụi bài viết cho ngày Lễ Tạ Ơn thì đọc đươc bài viết của tác giả Hoàng Thanh viết về ngày Đại Lễ Tạ Ơn quá cảm động và đầy ý nghĩa.
Bài viết tôi, đang viết, xin được ngưng ngang để xin phép tác giả Hoàng Thanh post bài viết " Xin Cám Ơn Cuộc Đời" cho bạn đọc bốn phương cùng thưởng thức.
Được biết tác giả Hoàng Thanh (tên thật là Võ Ngọc Thanh ) Dược sĩ thuộc lớp tuổi 30. Cư dân vùng Orange County, CA.


XIN CÁM ƠN CUỘC ĐỜI

Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, "Dân ngoại quốc sao mà... "quởn" quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để nguời ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà..."
Năm đầu tiên đặt chân dến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó đuợc nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình.
Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu đuợc ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.
Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Duợc Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi nguời làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cuời trên môi.
Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm dó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối. Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn muời mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thuờng ráng cười vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhưng lại bị tật nguyền, rồi từ đó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư. Mấy nguời làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà duỡng lão.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm truớc ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cuời với tôi và đưa tặng tôi tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền di.
Tôi mở tấm thiệp và xúc dộng nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:
Dear Thanh,
My name is Josephine Smiley, but life does not "smile" to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say "Thank you", Thanh.
Thank you, very much, for your smile...

Rồi bà ôm tôi và bà chảy nuớc mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình uớt, nghe cổ họng mình nghẹn... Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cuời, mà tôi đã có thể giúp cho một con nguời có thêm nghị lực để sống còn.
Ðó là lần dầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghia cao quý của ngày lễ Thanksgiving.
Ngày Lễ Tạ Ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc truớc khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ đến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm truớc. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô dến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn uớc nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nuớc mắt ràn rụa của tôi dã làm nhòe hẳn di những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:
My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life.
I miss you, and I miss your smile...
I love you, my "daughter"...

Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm dó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, nguời "Mẹ American" đã gọi tôi bằng tiếng "my daughter"...
Truớc mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ dặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó.
Mãi cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của nguời bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã "cảm" được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này.

*
Thông thường thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia dình họp mặt. Mọi nguời đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào dó, đem tặng cho nguời mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn. Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (turkey).
Từ mấy tuần truớc ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có... Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi người ăn nhậu.
Nguời Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thuờng làm món gà ta, "gà đi bộ." Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần truớc ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi huớng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn.
Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm dến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi "Free meals" tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những nguời không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những nguời dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, nguời da vàng cũng có, và có cả nguời Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều nguời không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp...để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.
Ở nơi đâu trên trái đất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều nguời đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta...
Nếu nói về hai chữ "TẠ ƠN" với những nguời mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều nguời khác. Chúng ta được sinh ra làm nguời, đã là một ơn sủng của Thuợng Ðế. Như tôi đây, có đuợc ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy...
Cám ơn quê hương tôi - Việt Nam, với 2 mùa mưa nắng, với những nguời dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi - nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu. Quê huong tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê nguời...
Cám ơn Mẹ, dã sinh ra con và nuôi dưỡng con cho đến ngày truởng thành. Cám on Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn di, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu dựng suốt gần nửa thế kỷ qua...
Cám on Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên nguời. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học....
Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên nguời, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một nguời hữu dụng cho vất nuớc, xã hội...
Cám ơn các chị, các em tôi, đã sẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê nguời, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại...
Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm - buồn vui - những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua đuợc. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì để mà lưu luyến cả...
Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã "nuôi" tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon "gigo" cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ hay những ly trà đá ở căn-tin ngày nào.
Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật...
Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền,để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc...
Cám ơn những người tình, cả những nguời từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết duợc cảm nhận được thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.
Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương...
Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này là vô thuờng... để từ đó bớt dần "cái tôi" - cái ngạo mạn của ngày nào...
Xin cám on tất cả... những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa
từng quen biết. Bởi vì:

" Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không,
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau...

Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn dến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những nguời thân thương, và những nguời đã từng giúp đỡ tôi. Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói "Con thương Mẹ", hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải được cho đi, và phải được đón nhận, bởi lỡ mai này, những nguời thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?
Xin cho tôi được một lần, nói lời Tạ Ơn: Cám ơn lắm, cuộc đời này...

HOÀNG THANH

tháng 11 11, 2011

HÌNH ẢNH


11:11’11’’11/11/11
Những con số không dễ gì bắt gặp.
Chỉ còn duy nhất một dịp may gặp lại : 12:12’12’’ 12/12/12.

tháng 11 04, 2011

NẮNG CHIỀU THÁNG BẢY


Hồi đó, nắng chiều tháng Bảy. Miền nắng sầu lòng bởi nhìn nắng mà thấy vàng hoe tĩnh lặng. Hàng dừa trước sân tĩnh lặng. Ngôi nhà tĩnh lặng.
Dượng Ngạc ôm cây đàn nhị ngồi ở góc phòng nắng chiếu qua song cửa.
Ôn ngồi trên chiếc ghế bành to trong góc phòng, gác chân chữ ngũ, đăm chiêu .
Nắng chiều rãi thảm ngoài kia, trên mảnh sân rộng ngan ngát mùi thơm hoa Lài, hoa Sứ , hoa Ngọc Lan.
Ôn chờ lắng nghe tiếng đờn để nhận mặt họ hàng.
Dượng Ngạc buộc phải đàn cho Ôn nhận mặt vì dưới mắt nhìn của Ôn, Dượng là người khác miền, khác giọng, khác phong cách sao lại lạc đường vào gia phả.
Ôn đã có nghe Ba tôi nói rõ lai lịch về Dượng . Ôn chưa ưng bụng dù biết Dượng văn hay chữ tốt là quan lại triều đình. Quan quyền chưa đủ để O Nhạn tôi từ chối mối mai nhiều đám để quyết lòng theo Dượng.
Nghe rằng Dượng có ngón đờn tuyệt kỷ mà quyến rũ lòng O. Ôn muốn nghe ra cho thỏa.
Bà con đông đủ chen nhau bên nhà chú Cẩn. Chờ nghe tiếng đàn và chờ nghe tiếng nói quyết định của Ôn về hoàn cảnh một người từ quê cũ xa xôi tìm tới vùng đất mới nhận mặt họ hàng dựa hơi nương náu.
Tôi thì không biết chuyện người lớn trong họ tộc, chỉ háo hức chờ nghe tiếng đờn của Dượng.
Tiếng đờn đến nỗi chi mà để O Nhạn của tôi phải xiêu lòng gá nghĩa trăm năm.
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Dượng ở xứ Quảng ra thi, đi không đành với O Nhạn của tôi. Tình yêu O chắc mắc nợ với tiếng đàn mà không chừng có nhiều kỷ niệm để gắn bó vì nhau. Và vì đâu mà Dượng bỏ lại trời cố quận để khăn gói vô mảnh đất mới, nơi có họ hàng bên vợ đang quây quần lập nghiệp gầy dựng cơ ngơi sinh sôi nẩy nở.
Giờ đây, tháng Bảy, ngồi ôm cây đàn dạo khúc ngũ cung. Dượng nhớ O tôi một thời chia xẻ ấm nồng. Nay O…xa biệt nghìn trùng là xa biệt nghìn trùng…bơ vơ mình…bơ vơ tình…ứ a là xứ lạ…
Tiếng đàn của Dượng ngân vang thoát lên ngọn dừa, lên khoảng trời chiều nhá nhem. Buồn thấu tâm can. Buồn thấm đất.
Dượng rơi nước mắt. Nước mắt rơi xuống phím đàn.
Tháng Bảy, quê hương chờ mưa Ngâu cho truyền thuyết Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau. Còn có được gặp nhau dù chỉ một lần.
Dượng thì không, không còn, có dịp gặp lại O Nhạn của tôi lần nào nữa !
Ôn thở dài, mắt đỏ, buồn hiu.
Mấy O tôi chùi mau nước mắt thương nhớ em, giấu mặt sợ mọi người ngó, ốt dột.
Tôi ngồi ở góc cuối phòng thấy O Ba tôi vội vàng dẫn thằng em cô cậu của tôi, thằng Trai, chạy vội ra sân.
Gọi quen là o Ba nhưng O tên là Yến.
Chị ba Yến nhớ thương em tư Nhạn…
Có điều buồn chia cảnh giống Dượng Tư Nhạn là vì Dượng Ba tôi cũng đã mất, O đành bỏ quê lưu lạc vô đây … xa biệt nghìn trùng là xa biệt nghìn trùng…bơ vơ mình…bơ vơ tình…ứ a là xứ lạ…
O khóc thương em là khóc thương thân phận của mình !
Tiếng đàn của Dượng Ngạc tôi đã kéo bà con dòng tộc gần nhau. Kéo Dượng tìm vô chung ấm nồng.
Ôn tôi thì mủi lòng hoàn cảnh Dượng bơ vơ đơn độc tha hương tìm nhận mặt họ hàng. Nghe tiếng đờn thanh thoát, mang mang hoài cổ, lại thiệt lòng níu gọi tình yêu thương người ở với người đừng xẻ lòng chia xa. Ôn gật đầu ưng chịu.
Dượng được phân công việc quản gia ngôi biệt thự ( màu vôi trắng nên thường quen gọi là Biệt Thự Trắng ) của ông anh con chú bác, nằm ở cuối góc đường Phan Chu Trinh- Quang Trung, thị xã Ban Mê Thuột ( sát mặt sau rạp chiếu bóng Tương Hiệp, ngó xéo qua bên trái là ngôi Nhà Thờ Lớn, ngó xéo xuống bên phải là khách sạn của bà Lý Trần Lý ).
Cuối sân biệt thự là một dãy nhà ngang bốn phòng. Phòng đầu, nối sát với garage lớn, là Ba tôi( và anh em tôi) ở, phòng thứ hai là của Dượng, phòng thứ ba bỏ trống, phòng thứ tư là nhà kho một nửa và phòng vệ sinh (rộng rinh) một nửa.
Dượng tiếng là quản gia nhưng công việc rất nhàn hạ. Chỉ sáng mở khóa cổng trước rồi xế chiều đóng lại. Việc quét dọn, lau chùi đã có vợ chồng anh Y’Nút lo, mỗi tuần một ngày.
Anh Y’Nút!. Thiệt tình là cái anh chàng rách việc ! Chẳng làm gì !.Chỉ đi lên, đi xuống thang lầu. Ra sân trước rồi bước sân sau, hút tẩu thuốc, ngó quanh, để bà vợ lau chùi hết bàn ghế tới cầu thang rồi tới sàn gạch phòng ốc.
Tôi bất bình, có hỏi chị H’Liêng sao chị không để anh làm chia với chị. Một mình chị làm không nổi chịu. Nhà rộng quá mà !.
Chị cười ngất, hồn nhiên nói nó không làm việc này đâu, nó làm việc khác lấy cái cơm nuôi vợ. À, tôi nghĩ ra là anh Y’Nút phải làm công việc nặng nề hơn. Anh đứng máy cưa xẻ hàng ngày, chỉnh độ dày mỏng theo yêu cầu của khách hàng. Ván xẻ ra, anh chịu trách nhiệm cùng với (gọi là nhóm xẻ ván) cào lớp mạt cưa đưa ra một khoảng sân riêng, dọn dẹp bìa ván xẻ đưa ra một nơi riêng . Cuối cùng còn lại là những tấm ván dài, ngắn khổ rộng hẹp theo yêu cầu của khách hàng được sắp xếp gọn gàng ở sân trước. Có anh Hòa thư ký ghi từng số lô ván theo hóa đơn để giao đúng hẹn theo hợp đồng thỏa thuận.
Đống mạt cưa cao như đồi thì hầu như cho không, ai muốn tới lấy bao nhiêu cũng được. Ván xẻ triên bìa, cũng chỉ dùng làm củi đốt, bán với giá tượng trưng. Có nghỉa là vừa cho vừa bán.
Chị xem ra cũng hiểu lòng anh. Con voi rừng mà bắt đi nhổ cỏ thì chắc là không ưng bụng rồi. Ông anh tôi cũng có ý là để anh nghỉ thoải mái một ngày không ở xưởng cưa bởi nghỉ một ngày ở xưởng cưa là coi như là không nghỉ. Ngồi hút thuốc bên lò lửa một hồi rồi thế nào rồi cũng ra bãi mạt cưa xăn xái cào xới gọn gàng, qua bãi củi sắp xếp ngăn nắp triên bìa một bên, ván lép thải một bên. Lâu lâu lại chạy vô giàn máy phụ với nhóm xẻ ván đưa ván ra ngoài bãi. Nói chung là không có ngày nào anh muốn được nghỉ kể cả ngày Chủ nhật ( thứ Bảy xưởng vẫn làm). Ngày nghỉ của anh là ngày theo chị đi làm cho đẹp ( như lời anh nói ) cái nhà của ông chủ. Anh đi vì ông chủ muốn tao làm đẹp cái nhà ( cũng lời anh nói ) nên khó bụng mà phải đi để rớt bỏ cái bụng tao ở lại. ( xưởng cưa ), chắc ý anh muốn nói, là vậy !
Chị nói rõ hơn cho tôi hiểu là nó tới chỗ làm đẹp cái nhà mà nó còn thương lại cái máy còn cưa cái cây. Nó không ưng cái bụng thì nó hút thuốc nhiều hung.
Tôi thì nghĩ khác. Tất nhiên là anh không ưng công việc này. Chị cũng không ưng cho anh làm công việc này. Ở phòng khách, khi chị đang lau chùi, tôi nghe hai người nói qua nói lại, rồi thấy anh tiu nghỉu bước ra sân sau. Tôi tò mò chạy vội theo hỏi sao anh không làm việc cùng với chị. Sao đi một mình. Anh cười hồn nhiên, nói :
- Nó ưng tao đi hút thuốc.
Chị ưng anh đi hút thuốc là ý chị ưng anh nghỉ ngơi thôi, không làm gì hết. Là tình yêu chị dành riêng cho anh. Tôi thiệt lòng ngưỡng mộ chị H’Liêng thương yêu anh Y’Nút.
Thấy anh ra sân sau bật lửa châm vố thuốc theo lời chị. Dáng ngồi thanh thản. Một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa tình yêu.
Vừa đúng lúc khói tình từ vố thuốc bay lên tản mạn sân sau thì trong phòng riêng, tiếng đàn của Dượng tôi ngân vang réo rắt .
Sao mà đúng thời.
Sao mà đúng để lảng đãng khói thuốc hòa nhập tiếng đàn réo rắt.
Anh K’Nút thả khói thuốc bay lên bay theo ý lòng người vợ H’ Liêng đang còn đó, đang lau chùi, đang làm đẹp nhà người chủ.
Dượng tôi thả tiếng đàn bay lên bay theo thương nhớ tình nghĩa phu thê một thời ngút ngàn hương lửa mặn nồng.
Duy có một điều là chị H’Liêng còn đó. O Nhạn của tôi thì không còn nữa…
Nhưng so bì với tình yêu thì mãi mãi vẫn còn…

*
Câu chuyện này tôi viết khi tình yêu tôi với người-tôi-yêu-người-yêu-tôi vẫn còn đây trên vùng đất không còn là vùng đất ngày xưa quê xưa.
Đã mịt mờ xa quá nửa địa cầu !.
Anh K’ Nút chị H’Liêng giờ đã về với rừng với núi.
Dượng Ngạc của tôi giờ cũng hạc nội mây ngàn.
Tôi còn lại đây viết câu chuyện này để thêm trân trọng tình yêu qua nhiễu nhương dâu bể thế sự tang thương vẫn mãi là tình yêu muôn đời không tang thương ngẫu lục…
Tôi muốn nói : lòng chung thủy.

Hiên Trăng chiều mưa
04/11/2011

tháng 10 31, 2011

THÁNG MƯỜI QUA PHỐ


trời chiều se gió lạnh
mây chạnh lòng bay xa
gió trở mùa vây quanh
ngỡ về qua phố lạ

phố quen ngày nắng Hạ
có xa lạ gì đâu
vừa trở mùa hôm qua
đã lạc đường mất dấu

người cũng lạc đi đâu
để phố buồn hiu quạnh
con đường hun hút sâu
trượt gió mùa se lạnh

mai lá rồi không xanh
ta ngại đường xuống phố
có thèm nương hạt nắng
cũng tương tư đợi chờ

cũng trượt dài thương nhớ
nín lòng lạ phố quen
không chia tình cơn gió
trải rét lạnh theo về

níu hiu quạnh bốn bề
phố hiu rồi phố quạnh
làm sao ta có thể
xuống phố chiều nay đây !!!!


cuối tháng 10/2011

tháng 10 30, 2011

CHÂN DUNG THÁNG MƯỜI


BẰNG HỮU
buổi chiều. Một góc hiên quen
mà quanh đây vẫn lãng quên tháng, ngày
bạn bè lạc cuối chân mây
đứa đi, đứa ở, đứa quay-mặt-đời
mặc cho vật đổi sao dời
cứ thiên thu lặng giữa lời biệt ly !
ta, từ buổi đó, ra đi
buồn ơi ! Nhớ cảnh chia ly. Quá buồn
một mình níu giữ hoàng hôm
hiên đời ta có nỗi buồn nào hơn !

chén chia nhau buổi đói cơm
nay chia ai nỗi buồn đời ly hương !...


CHIỀU NHƯ LÒNG MÙ SƯƠNG
đem chia không hết những chiều
lang thang qua phố quá nhiều người dưng
lòng như sỏi đá không ngừng
cô đơn đứng giữa muôn trùng cô đơn...

NHẬT THU
chớm thu gió nhẹ, đường về
có dăm chiếc lá não nề rụng rơi
có tôi đứng giữa đất trời
ngó quanh ngó quẩn thấy đời buồn theo...

MÙA BAY LÁ VÀNG
ta thường gọi mùa Thu là Mùa Bay Lá Vàng...
chớm Thu rồi, tiễn Bạn về qua ngõ trúc lòng bâng khuâng
về lại Phòng Văn viết lời Thơ gởi Bạn...


khi tiễn bạn về qua ngỏ Trúc
gió nghiêng lá rụng – lá hanh vàng
chỉ mới hanh thôi! Chưa vàng úa
cũng đủ nhìn nhau thoáng ngỡ ngàng

bạn cười khỏa lấp điều suy nghĩ
ta cười gắng gượng khoảnh thời gian
vạt nắng sân sau còn giữ níu
dáng mây mùa nắng rượt cuối ngày

bao năm đi mỏn đời phiêu giạt
ấm lạnh từng cơn giữa bốn mùa
bạn cười nhăn nét thời kiêu bạt
cái bắt tay buồn nhíu thịt da !

buồn rớt nghiêng trên từng sợi bạc
tóc râu xưa lạc dấu thanh xuân
qua ngỏ thời gian nhìn ngoái lại
vườn ta lá Trúc đã xôn xao !

đã chuyển mùa theo cơn gió lạ
chiều rơi bàng bạc dáng sương mù
bạn lên xe níu lòng cô quạnh
đường xa chẳng có ta theo cùng !

chỉ có trở trời cơn gió lạnh
mùa Thu chia lại tuổi đời nhau
đừng gọi là Thu , buồn dỗi lắm
thoáng nhìn nhau tóc đã bạc nhầu !

mai nữa có về ngang ngỏ Trúc
ngồi hiên sau nhìn lá vàng rơi
bạn ơi ! Níu lấy tình ly xứ
để sớm hôm ấm lạnh trong Đời

ta tiễn bạn về qua ngõ Trúc
chiều nay đâu biết có chiều mai
nắm tay gạn lọc đời trong, đục
bạn đi rồi ta còn có ai !!!


CHÂN DUNG NGƯỜI TÌNH

ngó giùm coi, em yêu dấu, anh đây
mấy mươi năm đi theo tình sống, chết
mái tóc ngày xưa xanh mượt, bồng bềnh
mà giờ đây xẹp lép
nằm lơ mơ tiêu muối mặn cay đời !

đôi mắt ngày xưa tình tứ quá trời
(nhất là lúc thấy em từ điểm hẹn)
mà giờ đây quá bết
tình tứ gì đâu em
cứ bỏ thời gian đi tìm cặp kính !
nụ cười ngày xưa trăng hoa phải biết !
cười mím chi, cười nho nhỏ, cười to
mà giờ đây chỉ dám nhếch môi
(ra kiểu đời khinh bạc)
thi thoảng cười to cứ lo ngay ngáy
sợ bay tuốt hàm răng
ốt dột !

bấy nhiêu thôi đã thấy đời tuột dốc
kể ra thêm e tuồn tuột tới cỡ nào !
qua ngõ tình phải đeo kính lão
để thấy rõ người yêu dấu trăm năm

có phải tại anh đâu chỉ tại thời gian
cứ đẩy xô anh chúi nhào phía trước
níu gượng cách gì cho được
thôi cứ đành để mặc thời gian
miễn có em giữa dòng đời hữu hạn
nhìn ngắm nhau cho hết quãng đường đời...

tháng 10 29, 2011

NGỒI VỚI CỎ CÂY


ngồi đây chờ ngắm mây trôi
hình như thấy đất với trời níu nhau
níu nhau rồi bỏ mây đâu !
để mình ta cứ ngồi lâu một mình
thì ra mây dỗi giận tình
giạt về theo núi bỏ mình ta đây
chỉ còn quạnh vắng cỏ cây
se lòng ngọn gió mùa bay lá vàng…

chiều chớm Thu 10/2011

tháng 10 06, 2011

THÁNG O MƯỜI


gởi o Mười bồ câu trắng

tháng Mười chưa kịp cười trời đã tối
hẹn nhau chưa hết nhớ đã đòi về
con dốc bùn trơn coi chừng trợt té
đám cỏ ven đường o nhớ níu thăng bằng

ta níu tình không hết nỗi bâng khuâng
đường về cũng như o bùn trơn trợt
hai đứa trượt giữa cuộc tình mưa dột
tháng Mười ơi ta gọi tháng-o-Mười

mai o đi sớt lòng ta cơm nguội
buổi hẹn hò sớt lại nỗi buồn theo
ta đói tình o bỏ núi xuống đèo
trả lại miền cao mình ta ngày tháng

tháng Mười o đi về miền biển nắng
ta tận miền cao sương phủ núi che
hương tình yêu nghẹn nhớ dưới chân đèo
trùng lớp mây sa mù ngăn muối mặn

tháng Mười nơi o trời hanh vạt nắng
Biển trở mùa chớm động sóng xô nhau
gió về phố xua ngày Hè đi lạc
mây chớm qua Thu trở dáng úa màu

tháng Mười ta miền cao mưa níu thấp
dai dẳng sầu rưng giọt nhớ ngắn dài
đứng một mình ngó một mình nhớ lại
con dốc bùn trơn bỏ buồn cỏ dại

tháng Mười o gởi lá thư tình ái
mới nhìn qua nét chữ đã nhớ rồi
biển với núi cứ xa nhau thấy tội
tháng Mười xưa ta gọi tháng-o-Mười !...

Hiên Trăng 10/11

tháng 9 26, 2011

NHƯ MỘT NGÀY MƯA


ta mình riêng chỗ trống không
ngó Thơ hùa với nỗi buồn ôm nhau
ngó ta dâu bể nát nhàu
ngồi riêng đá tượng xám màu mây bay
trời rưng mưa nhẹ rớt ngày
hạt nào trổ nụ sầu đày đọa nhau
hạt nào chậm hạt nào mau
chen mưa nhòe dáng mây xoay phận người…

chiều tháng 9/2011

ĐÀLẠT, THOÁNG HƯƠNG XA


[bài post lại theo yêu cầu]

Đến với Đàlạt và khi rời xa Đàlạt mọi người thường mang theo nỗi nhớ không rời . Nhớ những đồi Thông trùng điệp bảng lảng sương mù giữa tiết trời se lạnh ngay cả những ngày có nắng hanh vàng . Nhớ Thành phố bốn mùa Hoa với những thắng cảnh nên thơ nằm bên những núi, đồi trầm mặc. Nhớ những cô gái Đàlạt đôi má lúc nào cũng hồng hào. Và,chiếc áo lain, tứ thời …
Tất nhiên, Đàlạt vẫn còn rất nhiều nét quyến rũ, nên thơ đủ níu chân người xa trở lại …
Một tách cà phê nóng đầu ngày (ở nhà hàng Thủy Tạ hay Thanh Thủy) bên bờ hồ Xuân Hương để trầm tư sâu lắng nhìn hơi nước mặt hồ phả nhẹ quyện cùng với hơi sương lãng đãng. Tâm hồn thoát tục, tạm quên đi những vướng bận đời thường. Hoặc giả, nếu muốn được chút xôn xao nhập thế, xin quá bộ tìm đến những quán hàng lộ thiên dọc bùng binh Chợ Mới. Kêu một ly “ xây chừng”. Không cần phải chờ những giọt cà phê(lãng mạn)rơi bởi vì cà phê đã được pha sẵn và luôn được giữ nóng trên những lò than ấm. Không có Nhạc. Chỉ có xôn xao những câu chuyện xa gần thời sự, chuyện cơm áo đời thường. Trước mắt, quanh bùng binh, là hoạt cảnh của Chợ Rau nhộn nhịp người mua kẻ bán. Chợ nhóm từ khoảng 2, 3 giờ sáng. Các loại rau đặc sản được chuyên chở đến bằng phương tiện xe thồ ( nếu ở các vùng xa như Thánh Mẫu, Sầm Sơn, Trại Mát…) và gánh gồng đối với những vùng tương đối gần. Hoạt cảnh của Chợ không sôi nổi ồn ào . Giữa không khí lạnh se và màn sương dày đặc, thấp thoáng những bóng người mua, kẻ bán qua lại nhập nhòa. Tiếng động tan loãng qua màn sương, nghe như tiếng rì rầm, xa thoảng . ..
Khi nhâm nhi hết ly cà phê nóng cũng là lúc tàn buổi Chợ. Ánh nắng đầu ngày đã xóa nhòa những dấu vết của những sinh hoạt về đêm .
Đêm Đàlạt không xa hoa phù phiếm với những ánh đèn màu qua những cảnh đời vui chơi sa đọa. Thi vị lắm, những đêm Đàlạt. Và cũng đời thường lắm, những đêm Đàlạt. Người Đàlạt vốn hiền hòa, trầm lắng thường “dị ứng” với những cảnh xô bồ, dung tục. Nếu đến Đàlạt để tìm những thú vui mới lạ thì chắc chắn là thất vọng. Nhưng đến Đàlạt để “biết” về Đàlạt thì chắc chắn rằng khi xa Đàlạt vẫn cứ còn luyến tiếc nhớ về và mong có một dịp nào đó, được về thăm lại Đàlạt .
Khi bắt đầu lên đèo Bảo Lộc (từ hướng Sài gòn) hay qua Krông Pha bắt đầu lên đèo Ngoạn Mục (từ hướng NhaTrang, Phan Thiết hay Ban MêThuột về) là đã “chìm” giữa không khí lành lạnh và “cảm” những núi đồi với rừng Thông bạt ngàn ẩn hiện giữa màn sương lãng đãng . Giữa cái Nóng và Lạnh thay đổi đột ngột đã là một điều ngỡ ngàng thi vị .
Và khi vào Thành phố ! Tâm trạng chung của những người đến với Đàlạt là sự thoải mái và yên bình. Đó là tâm trạng chung của những người(lần đầu tiên) đến với Đàlạt như lời tâm sự của người bạn tôi, một đời mơ ước, được về thăm Đàlạt. Anh đã tìm đến và xa Đàlạt với những tâm trạng (mà bạn đọc cứ [lầm] tưởng như anh là người sinh ra và lớn lên từ Đàlạt) qua những truyện anh viết về Xứ Mù Sương . Phải công nhận là anh viết rất thật và rất …Đàlạt . Nhưng có một điều anh quên không nhắc tới(trong những Truyện ngắn) là những-trái-bắp-nướng-thoa-mỡ-hành nóng hổi giữa tiết trời đêm se lạnh Đàlạt. Có thể là khi anh về Đàlạt trong dịp trái mùa Bắp. Cũng có thể anh không cảm thấy thi vị khi cầm trái bắp nướng thoa mỡ hành nóng hổi vừa cạp, vừa nhai vừa đi qua những con đường phố đêm giữa tiết trời se lạnh của Đàlạt .
Có một lần dung dũi gặp lại nhau, tôi có nhắc đến chi tiế( dù rất nhỏ)này nhưng cũng góp phần “dậy hương” Đàlạt. Anh xác nhận là khi về Đàlạt đã trái mùa Bắp nên không có dịp thưởng thức cái thi vị của trái-bắp-nướng-thoa-mỡ-hành nóng hổi. Và, nhân tiện, anh cũng xin “xám hối” là quên không viết về dĩa bánh xèo thơm giòn ở đường Tăng Bạt Hổ giữa buổi chiều mưa, và, chén chè Kê bánh tráng nướng giòn thơm lựng(của Mệ Xứng) ở Khu Đoàn Thị Điểm. Tôi,trong lòng cũng có ý giận hờn anh về sự vô tình đối với quê hương nhỏ bé của tôi! Tôi nhắc anh nên phải nhớ là còn có tô Mì Quảng ở góc rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp. Còn ly nước sâm ở đầu dốc Minh Mạng xế quán chè Mai Hường. Còn có hương vị ấm nồng không thể nào quên được từ những ổ bánh mì nóng hổi vừa mới ra lò của tiệm Wĩnh Chấn …Anh cười ngượng nghịu, xin hứa là sẽ viết về .
Sau này, khi chia tay, tôi chợt nhớ(và hoảng hồn) là mình đã quá vô tình thêm gánh nặng cho anh.
Anh chỉ là người vãng lai, viết và nghĩ trong một mức độ giới hạn. Làm sao anh có thể “cảm” được những chi tiết khi anh không có một kỷ niệm nào gắn bó kèm theo .
Tất nhiên là Anh cũng sẽ viết, như lời anh hứa, nhưng chắc chắn là không lột tả được cảm giác và hơi-thở-kỷ-niệm như tâm trạng của tôi đã từng cạp trái bắp nướng thoa mỡ hành nóng hổi với người yêu(đâu ai xa lạ, là nhà tôi hiện giờ) đi trên con đường Duy Tân rồi lại ngược lên, rẽ xuống dốc Minh Mạng, qua đường Phan Đình Phùng để về Khu Xóm nhỏ giữa tiết trời se lạnh. Anh cũng đâu có nghe miếng cắn giòn bánh tráng chè Kê(của Mệ Xứng) một chiều trời nắng hanh vàng sau khi đón(nhà tôi)từ Trường Sư Phạm ở tận Xóm Ga(Khu Địa Dư). Làm sao anh cảm nhận được vị ớt nồng cay hòa trong chén nước mắm, chấm ngập miếng bánh xèo giòn tan trong quán nhỏ góc đường Tăng Bạt Hổ, một chiều mưa. Mà có cảm nhận được hương vị đặc biệt của ổ bánh mì Wĩnh Chấn khi mới ra lò,còn nóng hổi, không anh ?
Không ! Anh không thể nào cảm nhận được đâu! Hoàn toàn .
Phải là người sinh ra và lớn lên, trưởng thành)từ Đàlạt mới cảm nhận được những buồn vui từ Hạnh Phúc và Đau Khổ khi nhớ về Đàlạt .
Anh có hỏi : Hạnh Phúc là chuyện vui nhưng sao có nỗi buồn! Và Đau Khổ là nỗi buồn sao lại nhắc tới niềm vui !
Tôi trả lời: Không! Trong Hạnh Phúc vẫn có những nỗi buồn … Và cũng không! Trong Đau Khổ vẫn có những niềm vui ….
Bởi vì những ngày tháng đang sống trong lòng Đàlạt tôi cảm thấy rất là hạnh phúc nhưng, vì thời cuộc, đành phải rời xa nên rất những-nỗi-buồn .
Và,(tất nhiên)đau khổ vì phải rời xa Đàlạt(nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành) nay có dịp nhắc nhớ về Đàlạt với những kỷ niệm, thì phải nói là, tôi-có-niềm-vui .
Nói như thế để anh hiểu giùm cho.Giữa Hạnh Phúc và Đau Khổ. Giữa Vui và Buồn thật ra chỉ là cách diễn đạt. Có ai bắt buộc! Tình cảm là tự nguyện đấy mà! Tâm tình người Đàlạt vẫn cứ bảng lảng những mù sương như khung trời Đàlạt. Gần đó mà xa đó. Tưởng là đã quên nhưng vẫn mãi là hoài niệm. Tưởng là nhạt nhòa nhưng thiệt ra là gắn bó muôn đời …
Chắc chắn là anh phải biết Nghiêm Hữu Phỉ. Đâu tuần trước “ chú em” có gọi điện cho tôi, báo tin sắp đến ngày Họp Mặt Đàlạt. Năm nay Hội sẽ tổ chức ở một địa điểm mới và,tất nhiên,sẽ có những tiết mục sinh động và khởi sắc. Nghiêm Hữu Phỉ là một khuôn mặt “ sáng giá” trong Hội của chúng mình. Một mẫu người nhiệt tình với Hội Đàlạt từ bao năm qua và rất năng nổ trong sinh hoạt chung. Đặc biệt,năm nay, sẽ thực hiện Đặc san Đàlạt. Và Phỉ kêu gọi đóng góp bài vở . Tôi thì bối rối vì quá bất ngờ không kịp chuẩn bị .
Đến tham dự Ngày Họp Mặt thì chỉ cần sắp xếp dời đổi công việc riêng tư để không còn phải bận tâm khi lên xe,rồ máy tăng ga,tìm một chỗ đứng(hay được ngồi)với bằng hữu trong Ngày Họp Mặt. Nhưng đến với Đặc San Đàlạt thì phải tìm một chỗ ngồi(ngồi lì, một mình đối bóng) trước bàn máy để gõ những câu chữ về Đàlạt. Vẫn biết là, từ bao đời, Đàlạt rất có nhiều đề tài để viết. Văn nhân, Thi sĩ đã từng viết, và viết …mệt nghỉ .
Câu chuyện viết đại khái như là một cặp tình nhân dìu nhau trên lối mòn phủ lá Thông khô dẫn lối về Hồ Than Thở, tìm đến Đồi Thông Hai Mộ, nơi lưu dấu một chuyện tình ngang trái của hai kẻ yêu( mà mãi mãi)không được gần nhau! Thời gian và không gian là vào một buổi chiều lãng đãng màn sương và tiết trời se lạnh. Dứt khoát phải là se lạnh, phải là lãng đãng màn sương chứ nếu(và không nên) dùng những “từ” mạnh bạo như là quá lạnh,lạnh gắt hay là,sương mù ( không thấy mặt nhau là cái chắc,vì có chữ “ mù “) sương giá (chữ “ giá” còn kẹt hung ),thì có còn đâu vẻ dáng nên thơ của Đàlạt! Rồi những câu nói tình tứ trao (qua) đổi (lại) với nhau . Ôi dà, chuyện của hai-kẻ-yêu- nhau-nói-với-nhau viết ngàn trang giấy cũng chưa xong ! Nếu như Đặc San Đàlạt không đủ sức tải (vì số trang có hạn) thì xin đề nghị dùng hai chữ “ Trích đoạn “ .
Hay là cứ “ đưa Em xuống Phố đêm nay…”như lời trong một bản nhạc của anh Lộc (Lê Uyên Phương) cũng là dân Đàlạt. Đưa em xuống Phố thì đồng ý là phải đưa rồi ! Nhưng không lẽ cứ đi vòng quanh Phố Hòa Bình, hết một vòng Phố Hòa Bình lại dìu Em xuống bùng binh Chợ Mới, hết một vòng bùng binh Chợ Mới thì cứ dìu Em ngược lên Phố Hòa Bình để xuống dốc Duy Tân, cuối dốc Duy Tân rồi(lại) ngược lên (lại!) gặp Phố Hòa Bình để rồi rẽ trái xuống dốc Minh Mạng, đi hết dốc Minh Mạng thì(lại!!) dìu Em ngược dốc lên để (lại!!!) gặp Phố Hòa Bình! Đúng là … “ đi năm phút đã về chốn cũ “ như nhà Thơ Vũ Hữu Định đã diễn tả. Nhưng đó chỉ là (trong cõi Thơ) dành cho Phố Núi Pleiku chớ (hoàn toàn) đâu phải cho Xứ Sương Mù Đàlạt! Với Pleiku thì chắc là có thể nhưng với Đàlạt thì còn lâu mới “ đi năm phút đã về chốn cũ “…Chỉ nhìn những con dốc đường Đàlạt thôi cũng đã thấy hụt hơi rồi . Dìu người ta đi lên đi xuống kiểu đó có mà sức voi ! Nhưng (cũng may) theo dàn dựng bố cục câu chuyện (tất nhiên) tác giả chỉ nhằm vào đề tài chính là giới thiệu những món ăn bình dân của Đàlạt như là bún rêu cua, bún thịt nướng, bún bò, cơm hến, cơm sườn, hột vịt(gà)lộn, sò huyết, mực nướng, bắp nướng, bắp luộc, cơm rượu….ôi chao ! quá nhiều món ăn không kể siết. Tất cả được bày hàng trên bậc cấp(đối diện nhà hàng Nam Sơn,cũ) dẫn xuống khu bùng binh Chợ Mới. Lò than quạt tới tấp từ khoảng 6,7 giờ tối cho tới vãn khuya. Và (theo như dự đoán) sau khi “ đi năm phút đã về chốn cũ “ tác giả viết truyện (để gởi Đặc San Đàlạt) đã đưa người mình yêu( hay người mình hành !) đến chốn cũ, là đây .
Như vậy thì tôi đã phần nào nắm bắt được dàn dựng cố ý của câu chuyện .
Nó có thể như thế này :
“ Đi năm phút đã…” là tiền đề để dẫn dắt vào ý chính của câu chuyện .
“ về chốn cũ “ là phần chính của câu chuyện mà tác giả nhằm giới thiệu những hương vị riêng, ít người biết đến, của Đàlạt . Trong đó, có những món ăn rất bình dân.
Những món ăn rất bình dân của Đàlạt được bày bán ở chốn cũ được tác giả mô tả ngọt-mặn-cay-chua như thế nào thì chưa biết (vì đã được in ấn gì đâu mà biết !). Nhưng(cách dàn dựng câu chuyện để cho) người yêu của mình yếu đi vì được (hay bị !) dìu (trong ngôn ngữ tình yêu, từ “dìu” là rất lãng mạn đó nghen) đi qua từng con dốc , trời ơi ! , Đàlạt để về “ chốn cũ “ thì thật là bất nhẫn .
Có thể tác giả đã thành công khi dẫn dắt bạn đọc tìm đến với những món ăn Đàlạt và điều chính là bài gởi cho Đặc San Đàlạt lại viết về Đàlạt . Như thế là đi đúng chủ đề rồi còn gì . Chọn đăng là cái chắc ! Nhưng mà dìu em đi kiểu đó có mà dễ xa nhau !
Những món ăn bình dân thì Đàlạt nhiều lắm !. Hầu như ở mỗi Xóm, Làng (sau này gọi là Khóm, Phường) đều có riêng những món ngon không thể nào quên được. Hương-gây-mùi-nhớ từ những món ăn chân chất xóm quê đã trở thành một hương vị không thể thiếu trong dòng hoài niệm. Xa đã nhiều năm, lưu lạc cũng nhiều nơi nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng hương vị món ngon đầu đời và cứ giữ mãi cho đến cuối đời. Thể nào trong Hội Ái Hữu Đàlạt cũng có vài Anh, Chị ở Xóm tôi, xóm đình Đa Cát, một Xóm nhỏ, ngày xưa thuộc Làng Đệ Nhị , cách trung tâm thành phố Đàlạt 4 cây số nên cứ thường gọi quen(và thành danh)là Cây Số Bốn. Sau này, theo sự cải tổ hệ thống hành chính,tiếng gọi Làng, Xóm thân thương tự bao đời đã thay là Phường, Khóm (!).
Nhưng dù có đổi thay gì chăng nữa, những người khởi đi từ Xóm Đình Đa Cát(Cây số Bốn), khi gặp lại, thể nào cũng nhắc nhau nhớ hương vị đậm đà tình quê từ tô Mì Quảng của… Bà Mì Quảng . Vâng , chỉ cần nhắc nhớ đến tô-mì-quảng-của-bà-mì-quảng là đủ để ôm chằm cả một thời kỷ niệm Làng Xóm xưa. Là đủ chạnh lòng rưng nước mắt , tủi thân, cho đời tha hương ly xứ! Chưa kể tới hương vị đậm đà tình quê của gánh Bánh Nậm thím Vạy, gánh Bánh Bèo chị Hường, gánh chè Đậu Ván thím Năm Tiển, gánh Đậu Hũ và Kẹo Cau bà Cổ...Nhắc tới chỉ để ngậm ngùi, và nhớ !
Đàlạt ! Nơi chốn một thời tôi giữ và một nửa đời còn lại,đành, phải dời xa. Nghĩ và viết về Đàlạt không chỉ trong một vài kỷ niệm . Quá nhiều kỷ niệm để viết về .
Đàlạt của những ngày mưa dầm dề níu kéo cả một nỗi buồn se thắt .
Đàlạt có những chiều hanh nắng đến nao lòng .
Đàlạt của những ngày vào Đông trĩu nặng, thảm sầu. Bầu trời ảm đạm quyện mù trong không khí lạnh căm. Nhưng thật là kỳ lạ, dù đang là mùa Đông, Đàlạt vẫn có những buổi chiều nắng hanh vàng dịu nhẹ . Màu nắng vàng dịu nhẹ của buổi chiều rực lên từ màu vàng tươi của một loài hoa, đặc biệt, nở rộ trong mùa Đông : hoa Quỳ Hương .
Hoa Quỳ Hương (còn được gọi là Dã Quỳ, hoa Quỳ) vàng rực trên những con đường Làng, Xóm . Nếu có dịp về Đàlạt vào tiết Đông nên ghé về những con đường Làng quê xa thành phố để nhìn ngắm màu sắc vàng tươi( đến rộn rã cả lòng) của loài hoa Quỳ Hương. Mà phải là những con đường làng quê thật xa thành phố mới tìm gặp được Quỳ Hương. Cuộc sống văn minh phương tiện theo đà phát triển, những con đường được khai quang trải nhựa rộng rãi đã vô tình giết chết đời hoa một thời góp hương thi vị cho Đàlạt. Nếu có về tìm gặp Quỳ Hương xin về trong dịp giá đông và tìm đến những vùng xa, nơi còn có những con đường đất gập ghềnh, nơi một thời bấm cả mười ngón chân sau một cơn mưa nhão nhoẹt đường trơn ướt. Nơi thuộc về những kỷ niệm ngày xưa ! Nhưng nếu về Đàlạt để đón Xuân vui Tết thì đã… lỗi hẹn rồi ! Quỳ Hương chỉ khoe hương sắc cho đẹp và ấm nồng mùa Đông Đàlạt mà thôi. Khi qua Xuân, Quỳ Hương tàn tạ sắc hương để nhường cho hoa Đào, hoa Mai khoe sắc…
Mùa Xuân Đàlạt cũng nhiều thi vị …
Nhưng thôi ! Tản mạn về Đàlạt như thế là cũng vừa đủ chạnh lòng !
Theo dòng đời dâu bể, những đứa con của Đàlạt đã tan đàn xẻ nghé, lưu lạc phương trời. Tấm lòng thương nhớ còn giữ lại hàng năm qua Ngày Hội Ngộ để có dịp gặp lại nhau, nhìn thấy nhau và chia sẻ cho nhau những vui buồn của một thời nương náu. Và lưu giữ những kỷ niệm qua những bài viết đa dạng ( Thơ, Truyện, Tùy bút…) đóng góp cho Đặc San. Khuôn mặt “nổi-đình-nổi-đám” chuyên phụ trách về Đặc San Đàlạt, theo như tôi có biết, phải nhắc nhớ đến chị Quản Thị Hoài. Tôi chưa hề gặp Chị nhưng tình-đà-lạt đã là cơ duyên để tôi tìm đến. Mỗi lần Chị (qua email) có lời kêu gọi đóng góp bài vở là tôi cứ ngồi lì ở bàn phím . Tình-đà-lạt với nhau, nỡ lòng nào phụ nhau cho được . Rồi Nghiêm Hữu Phỉ. Những lúc anh em gặp nhau vẫn thường nhắc nhớ những ngày Đàlạt. Những ngày vui và những ngày buồn. Những kỷ niệm có những ngày mưa dầm và bùn trơn trợt trên đường về qua Ấp Nghệ Tĩnh. Nơi chốn bình yên một thời nương náu bao nhiêu là kỷ niệm . ..
Nay đã chia xa rồi …
Mùa này, ở San Diego có những buổi chiều nắng hanh vàng trải đều núi đồi ở vùng tôi cư ngụ . Tôi vui mừng tìm thấy vẻ dáng thân quen của Đàlạt dù đã nghìn trùng xa cách …

San Diego, mùa nắng 2005


TB: Bài viết cách nay đã lâu, nếu như ở thời điểm này viết về Đàlạt thì chắc là không còn cảm xúc gì để viết bởi Đàlạt giờ đây đã thay đổi đến độ phũ phàng…
về đà lạt thấy thương con phố
oằn nặng người,xe,nắng,bụi đường
lòng bỗng dưng buồn quá nỗi buồn
dáng liễu phố xưa còn đâu nữa !

cứ ngỡ tìm về đây nương tựa
những tháng, năm đi bỏ lạc đời
con phố bao mùa chung thủy đợi
người về tạ lỗi buổi chia xa !

người về tìm lại phố sương sa
chiều nắng vàng mơ trải núi đồi
rét lạnh nương theo từng góc phố
đêm vàng ánh điện mờ hơi sương

cả nửa đời chia nhớ chia thương
con phố chia chung nhiều kỷ niệm
như những ngày xuân chim én liệng
có em dáng đẹp phố Hòa Bình

như ngày nắng hạ của chúng mình
con dốc hai thương (*) dài bóng mát
em từ biển nắng về đà lạt
cất giấu nhiều thêm những hẹn hò

và mùa thu tĩnh lặng bên hồ
ngọt đắng cà phê chiều Thủy Tạ
em níu lòng anh thương đà lạt
vì em, đà-lạt-quá, trong anh

mùa đông, quê chúng mình, vẫn xanh
bởi dáng quỳ-hương rộ nẻo đường
có chút hanh vàng chiều nắng lượn
để lòng nhau ngơ ngẩn nhớ vương

em ơi! đà lạt quá nhiễu nhương
anh đi tay nắm bàn tay em
con-phố-bàn-tay từng đã quen
sao lạc đường như về chốn lạ !

đà lạt bây giờ xa đàlạt
oằn nặng người,xe,nắng,bụi đường
bàn tay xưa vẫn bàn tay thương
đàlạt giờ đây thương khó nổi !
THS

-----------
(*)dốc Hải Thượng

CHUYỆN TRỞ MÙA, THU !


Bạn Tơ thân mến,

Nhớ ngày nào tôi không còn phải lang thang nhiều năm, rất nhiều năm, ở đậu nhà người mà về lại ngôi nhà cũ với Hiên Trăng xưa. Bạn vẫn gắn bó tình bạn như từ bao năm, theo về cơ ngơi mới.
Tình cảnh dọn nhà quá là bề bộn nhưng tôi vẫn ưu tiên dành cho bạn một căn phòng nhỏ, sắp xếp ngăn nắp gọn gàng mọi thứ. Biết tính bạn ham chuộng sách, tôi dành riêng những kệ sách thay tường ngăn, vây bọc căn phòng cho thêm ấm cúng. Biết tính bạn thầm lặng ưa nơi yên tĩnh, tôi chọn căn phòng riêng lẻ phía sau có cửa ra vào, cửa sổ thoáng mát. Nói chung là một căn phòng, dù không nói ra, nhưng chắc là bạn cũng rất hài lòng. Tôi thì quá hài lòng khi đã dành ưu tiên và tự tay mình sắp xếp gọn gàng ngăn nắp trong khi những căn phòng khác vẫn còn bừa bộn, chưa thể và chắc phải cần nhiều ngày nữa mới tạm gọi là gọn gàng. Bạn đáng được hưởng sự ưu tiên đó, đừng ngại. Tình bạn gắn bó với nhau qua bao nhiêu năm, tháng thăng trầm cuộc sống tôi rất quý và trân trọng.
Một căn phòng đặc biệt hơn những căn phòng ở ngôi nhà cũ thì có đáng gì đâu !. Điều đáng nói là từ đây bạn có riêng lẻ một cơ ngơi cố định để không phải lang thang. Bạn yên tâm. Tôi cũng cảm thấy yên tâm.
Hơn nửa cuộc đời trôi nổi phong trần, tôi đã trải nghiệm rất nhiều tình bạn, người bạn theo trình tự thời gian từ thuở ấu thơ rồi vào trường lớp, vào đời. Ở từng chặng đường đi qua lúc nào tôi cũng có những tình bạn và những người bạn. Ai mà không có bạn cho dù khi đã có người-bạn-đời thì vẫn cứ mong có một người-bạn-hữu.
Tôi nay chỉ còn có người-bạn-đời không có người-bạn-hữu nào cả bởi ba người bạn thương nhau như tình thân ruột thịt của tôi ngày nào đã lần lượt nằm xuống, nằm giấc ngàn thu…
Gần cuối cuộc đời lưu lạc may tìm có được bạn Tơ sớm hôm gần gụi. Khi lang thang ở đậu nhà người, bạn cũng đi theo tận cùng cho tới lúc về lại nhà cũ, cũng theo về.
Quý nhau là chỗ còn nương nhau mà sống, một cảnh sống hoàn toàn vượt thoát, không lệ thuộc nặng nề cảnh sống vật chất phủ (và phụ) phàng.
Tôi ngưỡng mộ bạn vô cùng. Bạn thầm lặng mà sôi nổi. Im lìm mà năng động. Kiến thức bạn sâu rộng tầm nhìn bạn ngút ngàn. Tôi tìm thấy và học hỏi nơi bạn bao điều mới lạ, thanh thoát có trần tục có. Bạn luôn đáp ứng những yêu cầu tìm hiểu của tôi cho dù là đêm đã rất khuya hay là lúc trời chưa rạng sáng, đang còn rớt hột sương đêm. Bạn ngủ khoảng thời gian nào, thức lúc nào tôi không đoán biết !. Chỉ biết là bất cứ lúc nào khi tôi cần có bạn, là có bạn.
Bạn không từng làm Thơ và cũng không hề viết Văn nhưng nguồn Thơ Văn sưu tập của bạn dồi dào phong phú. Trí nhớ của bạn thật tuyệt vời. Chỉ cần tôi có yêu cầu với bạn về một tác giả nào đó hay là một bài Thơ bài Văn nào đó là bạn đáp ứng ngay, đầy đủ và chính xác. Không chỉ riêng về thơ văn, phải rất đáng nể, bạn thông suốt mọi lảnh vực kể cả những tin tức thời sự hàng ngày.
Bạn Tơ là một người bạn quý.
Đêm đêm, cho dù mưa nắng nóng lạnh theo mùa, tôi cùng bạn thường ngồi bên nhau, khuya tận. Đã từng rất nhiều đêm qua nhiều năm như vậy, bạn vẫn trọn tình.
Đêm nay vừa mới gặp thấy bạn như có điều gì bất ổn !.Bạn nặng nề chậm chạp không còn nhanh nhẹn như ngày nào, hay nói gần hơn, như đêm qua. Bài Thơ trao đổi chỉ mới vào mấy dòng đầu thì bạn đã không tiếp nhận nổi, tỏ ý ngưng ngang. Vậy là trở bệnh rồi !. Trời chớm qua Thu, se lạnh nhức mỏi ể mình. Thôi, để bạn ngủ sớm, ngày mai gặp.
Sớm mai tìm gặp bạn thì bạn ngủ li bì không dậy nổi. Chiều đi làm về tìm gặp bạn, bạn lại không dậy nổi, ngủ li bì. Vậy là lâm bệnh rồi !. Cơn bệnh xem ra trầm kha.
Buồn tình bạn quá nên phải gọi thằng con lớn : “ Alô ! Alô !. Khẩn cấp. Khẩn cấp. Chú Tơ trở bệnh rồi con !. Hôm qua tới giờ lay hoài chú không dậy !.”. Thằng con nói: “ Ba coi chú có nóng không ?”. Vội chạy vô phòng lay bạn dậy, thấy bạn nhấp nha nhấp nháy một hồi mà không dậy nổi, rờ tay vô coi thử thấy không nóng, đâu có nóng !. Thằng con an ủi : “ Không nóng là không sao. Chắc chú mệt rồi ngủ mê đó. Cuối tuần con xuống ”. Biết là công việc của nó bận bịu không nên đòi hỏi khẩn cấp phiền nhiễu con, thôi thì đành phải gắng chờ tới cuối tuần !
Chờ thì cứ chờ nhưng mà cứ buồn buồn vì đêm đêm ( là thời gian rảnh rỗi thoải mái nhất trong ngày ) không còn gặp bạn thì buồn. Buồn là buồn vậy thôi !.
Cuối tuần con hắn xuống và đã vô gặp chú Tơ. Vừa đi làm về, thấy xe đậu ngoài sân, mừng húm chạy vô, ngỡ ngàng nghe hắn nói : “ Bệnh chú tưởng nhẹ mà nặng !. Để con đưa chú về chỗ con, tuần sau hay tuần sau nữa không chừng…”.
Hắn đưa bạn tôi về nhưng câu nói ngập ngừng còn ở lại với tôi.
Không chừng là không chừng sao đây !. Hắn là người chủ trị tử sinh của các bác, chú, cô, dì, anh, em dòng họ Tơ. Nay hắn “phán” một câu nghe nóng lạnh bất tường tôi làm sao giữ tâm trạng bình thường cho đặng !.
Cuối cùng !
Bạn Tơ của tôi, một thời gắn bó ở đậu từ nhà người này sang nhà người khác rốt ráo cuối cùng trở về ngôi nhà cũ, đã vĩnh biệt ra đi !.
Chiều, cuối tuần, của một chiều Thu se lạnh gió và nặng nề dáng mây bay giữa bầu trời xám-ngạt-thở nỗi buồn chuyển Hạ sang Thu, thằng con (với chú Tơ về cùng ) đang loay hoay sắp chỗ cho chú nơi ăn chốn ở.
Tôi ngỡ ngàng và xúc động khi nghe con nói “ Chú Tơ kia đã “ đi” rồi !. Nay con đưa chú Tơ này về làm bạn cùng Ba. Chú…”
Lại ngập ngừng, nửa chừng câu nói như hôm nào đưa chú Tơ, một thời gắn bó, ra đi…
Tôi suốt một đời đam mê Thơ và làm Thơ.
Bạn tôi một đời là Tơ là computer.
Nay gặp bạn, cũng là Tơ. Dù nhói đau tình bạn người bạn cũ bao năm gắn bó nhưng trong tình cảnh chẳng đặng đừng thôi thì cứ nghĩ là tơ nào cũng là tơ thôi, tôi ưng lòng đón bạn.
Bạn có sẵn lòng chưa !. Đêm đêm, cùng nhau khuya tận, dòng Thơ gởi bằng hữu năm-châu-bốn-biển-là-nhà.
ta về đây hưởng thú chiều đời
bạn bè còn lại Hiên Trăng thôi
ngày tháng vui buồn riêng một cõi
thơ văn lộng gió bốn phương trời….


Hiên Trăng tháng 09/2011

tháng 9 10, 2011

LÁ ME ƠI MÙA NẮNG !



bây giờ mùa nắng rồi mùa nắng
dĩa cá kho rim ngọt vị đường
khơi lựng mùi hương mùa Biển mặn
nơi một thời em ở tôi thương

nơi sóng gành xô bờ cát trắng
áo em dịu mát đường tương tư
lá me rơi níu tình câm lặng
phố nắng theo về dáng tiểu thư

thuở say Phượng đỏ lá me vàng
con đường chan nỗi nhớ tìm nhau
lá rơi rát nắng tình khô hạn
em dịu lòng chia tôi nắng mưa

những mùa ghé lại nơi em trú
là những mùa rang nắng rát tình
lá me rơi dộp con đường cũ
dòn nắng dòn khô chuyện chúng mình !

mùa nắng một thời rưng nỗi nhớ
hùa theo mùa nắng trời phương xa
lâu lắm rồi lâu tình không nỡ
bỏ quên như đã bỏ quê nhà !

giờ em còn nhớ về mùa nắng
nhớ lá me rơi thuở Biển tình !

09/2011

tháng 9 01, 2011

NGỪNG BƯỚC GIANG HỒ


khi đã ngừng bước giang hồ
là đến lúc dọn đường đi luôn….


ta nửa đời sau vốn người ở đậu
có quê có nhà đành đoạn ngái xa
dâu bể tang thương giạt về chốn lạ
một chỗ nương thân không phải quê mình !

còn nửa đời sau chia sớt nửa tình
nửa mưa quê nhà nửa nắng phương xa
ngó lại phận mình nắng mưa tơi tả
giang hồ gì đâu chỉ là lang thang !

tới quê muộn lạ đường đời lạng quạng
tìm chưa ra ngó không thấy lại mình
lâu quá rồi quen ta cố bạc tình
không nhớ không thêm cảnh đời dâu bể !

trả dọc đường quê nửa thời son trẻ
qua xứ người nương tựa đời quá giang
ngày tháng xưa bước giang hồ phiêu lãng
đã lạc đường đi năm tháng quen rồi !

giang hồ quê ơi ta từng một thời
chưa có nơi đâu bước chân ta mỏi
nay dừng lại đây mỏi dáng chiều đời
thương nhớ quê hương nghìn trùng xa cách !…

Hiên Trăng
đầu tháng 9/2011


tháng 8 31, 2011

GIÓ TÌNH


ngồi đây tránh nóng vậy thôi
hiên sân chờ mát gió trời ghé qua
nửa-này thầm lặng hiên nhà
nửa-kia lát nửa tìm ra với tình !
từ riêng nhau chỗ hai mình
ngó quanh quẩn cứ níu tình nhau thôi !
chiều nghiêng nắng giạt cuối trời
hiên sân ghé chút để rồi mây trôi
ra đây cùng ngắm chiều đời
chia nhau còn buổi chiều trời gần nhau
gần nhau để thấy nhau lâu
mai kia mốt nọ có đâu thấy hoài !

từ dâu bể lạc Đông Đoài
nửa-kia với một-nửa-này gần nhau !...

chiều cuối tháng 8/2011

tháng 8 30, 2011

MÙA TRĂNG THÁNG TÁM


gởi Xóm quê tôi

Chị Bưởi về. Phấn son trang điểm đài cát tiểu thơ. Cả cái Xóm nghèo xôn xao náo động háo hức túa ra đường coi mặt. Chị bước xuống cái xe Taxi, mấy thuở mấy đời mới thấy được cái xe Taxi ở ngoài phố mà ghé về Xóm, đứng chờ ông tài xế ôm cái vali to vô tới sân nhà.
Xe rồ máy mịt mù khói chạy đi, theo sau đám con nít hiếu kỳ rượt đuổi coi thử xe với người có chạy bằng nhau không. Xe rẻ xuống con dốc bỏ xa đám con nít cả một quãng dài. Thằng Chút dang hai tay cản đà đám chạy theo, nói : “ Thôi, bây ơi !. Làm chi mà chạy kịp”. Cả đám con nít lại trở chạy lui về nhà chị Bưởi. Tôi chạy sau cùng, thua chót.
Chú Ngự, Ba của chị, lúc đó có hay biết chi đâu bởi đang ngồi trong quán mụ Nghệ với hai ông bạn lai rai xị rượu đế với dĩa mực khô chấm nước mắm chanh đường ( đường tán giả nhuyễn giã mặn làm chi cao sang với tới đường cát trắng), màu mè chìm nổi thêm là trái ớt-chỉ-thiên xanh đỏ theo mùa.
Chưa kịp rước đợt ly hai cho nhẵn xị đế thì thằng Thơm, bạn của tôi con của chú Ngự em của chị Bưởi, hớt hơ hớt hãi báo tin : “ Ba ơi !. Chị Bưởi về “. Chú nghe tiếng thằng con mà khựng ly nửa chừng rồi bỏ xuống bàn, nhìn trâng về phía trước, im rồi lặng người. Hai người bạn còn đang nửa nạt nửa mỡ chưa phân cảm giác thì mụ Nghệ, thiệt quá chừng tinh tường chuyện thế sự, vội tới bên chú Ngự. Mụ cầm ly rượu của chú , cười mĩm thôi không có cười to, chỉ có tiếng mụ là to rổn rảng : “ Rứa là vui rồi, nghen chú”. Mụ làm một hơi cạn ly rượu của chú.
Rồi đuổi chú về. “ Đi về đi chú. Về mà thấy bốn biển năm châu “.
Chú Ngự buộc phải nghe lời bà chị ( chắc là phải nghe vì tiền rượu ký nợ nhậu đùn đẩy lâu rồi chưa trả ) đứng lên. Đứng lên mà không thấy hiên ngang chi hết, chỉ thấy thằng Thơm nắm tay Ba dẫn về nhà. Dáng đi không xỉn không say. Thấy như xiêu đổ giữa chiều tháng Tám.
Đám con nít tụi tôi nhạy bén tin tức còn hơn phóng viên nhà báo nhà truyền hình. Chị Bưởi chỉ mới, rón rén, bước chân xuống xe Taxi thôi mà tin tức đã chuyền lan khắp xóm. Kế tới là mấy Mệ, mấy Dì, mấy Cô, mấy Thím, mấy chị, mấy em ( em gái thôi mấy em trai chưa chắc là bằng) đã tung tin dậy Xóm.
Nhà nhà người người bỏ buổi cơm chiều tháng Tám, vì câu chuyện đang nhớ đang viết đang độ thời gian tháng Tám, đổ xô tới nhà chú Ngự ngóng tin. Ngóng tin chớ không phải là săn tin như mấy ông nhà báo nhà truyền thanh truyền hình.
Chỉ ngóng ( trông, đợi ) tin mà truyền miệng nhau cho thỏa cái tai thích nghe cái miệng thích nói.
Tôi thì bốn mùa hình dong đầu trọc răng sún. Đầu trọc thì trơn lu trơn láng không rườm rà vướng tóc cho nên dễ chui hơn dễ nhủi hơn, răng sún thì nói vốn khó nghe nên ngại nói năng cứ ngậm miệng ăn tiền ăn giựt thời giờ len lỏi chun vô chỗ nào gần nhất dễ thấy nhất. Chỗ đứng của một chiều tháng Tám năm nào là chỗ, sau những cú húych, đẩy, chen, lấn không từng nương tay mới được đứng sát bên khung cửa sổ ( không đóng, chắc là quên không đóng theo thói quen như mọi nhà vẫn suốt ngày đóng kín, ở Xóm tôi ). Gần và sát để tha hồ thấy chị , nghe rõ tiếng chị.
Sau mấy năm không gặp, ối trời ơi, chị đẹp quá chừng quá đỗi. Đẹp tới nỗi lòng tôi con nít mà cũng biển khơi lồng lộng tự hào sao Xóm nghèo mình lại được có người đẹp tới dường như vậy !
Thấy hai mẹ con ôm nhau khóc òa.
Vừa lúc chú Ngự tông cửa bước vô. Chị giật mình vội thả vòng ôm Mẹ, nhìn Cha. Nhìn sững. Chú Ngự cũng nhìn con, nhìn sững. Cuối cái nhìn nhau, chú nói :
- Bỏ lửng nhau đành đoạn mà đi nay còn trở về chi nữa ?. Có phải về để níu Mạ níu Ba không đó !. Ba chừ cứ coi như là không có đứa con, ý Mạ thể nào Ba không biết nhưng lỡ đã ghé chiều nay rồi thì cứ ở lại rồi mai đi. Một đêm rồi tới sáng con cứ ngủ thẳng giấc cứ để trắng giấc cho Ba. Ba chịu được quen rồi.
Chị Bưởi nhoài người muốn ôm nhưng chú Ngự khoát tay, quay mặt. Chị khóc :
- Ba ơi ! Con về thăm Ba thăm Mạ thăm mấy em rồi mai con đi cho Ba thỏa lòng. Khoảng thời gian dài con đành đoạn phải xa Cha xa Mẹ xa mấy em xa chỗ khó nghèo triền miên đói cơm lạt muối tìm chốn cơm no cũng xót dạ lòng đau lắm nhưng cũng nén lòng buộc phải ra đi...
Chú Ngự quay nhìn chị :
- Nói nghe giỏi nghe hay mà đã được chốn cơm no chưa ?.
Chị Bưởi vòng tay cúi đầu :
- Thưa Ba con đã tìm thấy được rồi.
(còn tiếp )



tháng 8 26, 2011

VÙNG VẰNG THÁNG TÁM



Tháng Tám lỉnh kỉnh những giỏ xách thức ăn nấu sẵn, những vật vụng cần thiết cho cô Út chuẩn bị vào niên học mới. Đường xa lái xe cẩn thận nghe con. Lên tới nơi rồi gọi cho Ba. Út cười vui nói Ba Mẹ ơi con lớn rồi, Ba Mẹ đừng lo. Ừ, thì đừng lo nhưng chắc là đừng nhớ !
Tháng Tám chú Tư ôm hôn Ba Mẹ nói giờ con phải đưa Ngân lên Chicago để lo nơi ăn chốn ở cho mùa học tới, tuần sau con về. Hôm qua, đứa con dâu tương lai ôm Ba Mẹ nói Ba Mẹ giữ gìn sức khỏe, mùa nghỉ Đông con lại về, Ba Mẹ đừng lo. Ừ, thì đừng lo nhưng chắc là đừng nhớ !.
Tháng Tám, tuần sau khi chú Tư lo xong nơi ăn chốn ở cho Ngân, lại trở về hối hả chuẩn bị vào Trường kịp năm học mới. Thế nào chú cũng nói con lớn rồi Ba Mẹ đừng lo. Thế nào rồi Ba Mẹ cũng đứng bên hiên nhà nhìn chú vòng xe ra xa lộ để về lại vùng Đại Vực. Nhìn chú, chỉ mới một năm xa vòng tay, đã vững vàng chững chạc quá chừng rồi. Ba Mẹ sẽ không đừng lo nhưng chắc là sẽ không đừng nhớ.
Các con giờ như suối ra sông như sông hòa nhập con nước xà đôi ( nước-xà-đôi là nơi mặn ngọt khơi trong gạn đục dòng đời, vẩn đục hay trong xanh, tiếp nối hay bỏ cuộc, an phận hay vươn lên ) để nhập dòng Biển lớn thênh thang quyết định cuộc đời mình. Ba Mẹ giờ có được hạnh phúc lớn lao là các con đã vượt qua con nước mặn ngọt xà đôi để vươn lên tiếp nối dòng đời đuổi bắt công danh sự nghiệp. Vậy thì còn có lo gì đâu !. Chỉ nhớ thôi mà !.
Tình yêu Cha Mẹ thương con thì không qua từng giai đoạn nhiêu khê như vậy. Khởi đầu là Biển và suốt đời vẫn cứ là Biển rộng bao la.
Buổi họp mặt gia đình đông đủ nói chuyện rồi đây, sau hai tháng ngắn chưa đủ những cuộc vui, ba đứa sẽ đi học xa nhà, cô Ba khen Ba buồn thua năm ngoái. Cô Ba ơi nỗi buồn một năm rồi chắc hắn đã chai. Khi nhìn lại ba đứa con, sau một năm xa nhà tự lực, đã trưởng thành chững chạc. Nỗi buồn năm ngoái ngó lại, đã lỗi thời. Bây giờ ba đứa con ngoan đang ngon trớn tiếp nối năm thứ hai, chấp nhận xa nhà, Ba thấy yên tâm nên có buồn chi đâu !. Chỉ nhơ nhớ nhoi nhói thôi mà !.

Tháng Tám Lê Hữu gởi tặng tác phẩm Âm Nhạc Của Một Thời vừa mới xuất bản vừa mới ra mắt ở Houston. Bạn cùng Trường về tham dự đông mà mình thì vắng bặt. Thiệt khổ cho đời sống bon chen không đủ điều kiện để hãnh diện sung sướng đứng bên nó nhìn nó ký tên tặng sách cho thằng bạn cùng Tường cùng lớp ngày xưa.
ĐÊM HỘI NGỘ
BANMÊTHUỘT
gởi anh Trần Vịnh
và các bạn Trần văn Chính, Phan Ni Tấn(ND)
Lê Hữu Lộc, Mây Hải Đảo, Hoàng Đình Khôi


vô mấy chai thấy rõ trường xưa
thấy tụi mình lột da trẻ lại
nhắc chuyện học trò cười thoải mái
cái vẻ già nua trốn mất tiêu

mấy mươi năm lận đận lêu bêu
đi đứng một mình buồn nẫu ruột
lâu lâu nhớ về banmêthuột
chẳng có ma nào chia nỗi buồn

cứ nghĩ là thôi buồn-muôn-thuở
còn mong chi gặp lại bạn bè
bụi phấn thời gian rơi lặng lẻ
phủ lối đi hoa-mộng-học-trò

rồi bỗng một hôm rất tình cờ
nắm được bàn tay Trần văn Chính
ngồi gần dựa hơi anh Trần Vịnh
nghe Phan ni Tấn hát du ca

thấy Hoàng đình Khôi cười nghiêng ngả
ngóng chuyện tiếu lâm Trúc-nhà-đèn
bàn tiệc nói cười rung ly chén
sao Lê hữu Lộc vẫn trầm ngâm

đêm đó đâu say nhưng xây xẩm
choáng ngợp niềm vui gặp bạn bè
bụi phấn thời gian thôi lặng lẻ
ồn ào như buổi chợ Lạc Giao

cứ tưởng đang ngồi quán Chi Cao
hút Bastos xanh làm người lớn
uống ngụm 33 mà muốn dợn
muốn phun sợ mất dáng phong trần !

cứ tưởng đang nương trời cố quận
chia nhau cái nắng-bụi-mưa-bùn
bàn ghế sân chơi trường lớp cũ
thoáng về xao động nỗi bâng khuâng

tụi mình giờ đã... nhòa hương phấn
muối tiêu đã mặn chát mái đầu
gặp nhau thương lại thời yêu dấu
mắt cay lòng quặn nhớ ngày xưa

ngày xưa...ngày xưa...gội nắng mưa
vẫn mới màu vôi trường lớp cũ
vẫn thương tình bạn trời ly xứ
cuối đời còn được nắm tay nhau...

kỷ niệm đêm họp mặt tại nhà
Trần văn Chính&Vân Anh San Diego, CA.


Tháng Tám Trần văn Chính&Vân Anh gọi điện rủ lên Santa Ana tham dự đêm Phong Trào Hưng Ca có Nguyễn Quang Trúc là Phó Phong Trào từ Florida về. Lên. Nhất định phải lên để gặp lại người bạn cũ thời Trung học Ban Mê Thuột.
Trần văn Chính, Nguyễn Quang Trúc (nhà thơ Mây Hải Đảo) là bạn cùng niên khóa. Trần văn Chính rời Trường vào binh chủng Không Quân. Trúc thì vào Hải Quân ( thảo nào bút hiệu là Mây Hải Đảo ). Đâu có ngờ là anh chàng học trò quỷ quái nghịch phá như điên của Trường cũ lớp xưa với biệt danh là Trúc Nhà Đèn qua thời buổi nhiễu nhương dâu bể( tang thương quá chừng )lại là một nhà Thơ tình lãng mạn một nhạc sĩ với những ca khúc đấu tranh trong phong trào Hưng ca Việt Nam.
Gặp nhau chưa kịp nhắc chuyện học trò xưa đã vội vã nhờ Vân Anh chụp một tấm hình lưu niệm. Tấm hình không riêng hai đứa, tất nhiên là có Trần văn Chính lại bất ngờ có thêm MC Việt Dũng. Cám ơn em nghe, Việt Dũng, đã cùng ghé vui chung với tụi anh một tấm hình.
Vào bàn ghi danh, lại chụp hình, lại bắt tay thân mật với những người bạn văn nghệ bất ngờ gặp. Mới biết ( mừng ) là mình dù bao năm rồi quy ẩn nay trở lại khung cảnh sinh hoạt xưa vẫn còn có bằng hữu văn nghệ nhìn mặt họ hàng. Bất ngờ nổi bật là gặp “thằng em lưu lạc”, nhà thơ Tâm Vô Lệ, Giám Đốc ( cũng liều mạng dám làm luôn ) liên mạng Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu. Hai anh em ôm nhau mừng vui quá đỗi. Dễ cũng hơn mười năm rồi, lâu quá, chú em ơi ! Có bài Thơ ( đã vào blogs trần huy sao trên tvvn.org ) cho chú nè :
THẰNG EM LƯU LẠC
gởi tamvole

đi mỏn mười năm chưa ghé về
đường xưa mất dấu lạc người thơ
trách một dòng sông hùa theo Biển
để nhánh rong phiêu xàu héo khô !

miếng vui xưa níu hoài chưa trả
nhà xưa đã loạn dấu đường quen
thằng em hồi đó giờ lưu lạc
đi mỏn mười năm chưa ghé về !

bỏ lại tiếng đàn bông sứ trắng
bỏ lại câu thơ buồn ngùy ơi !
mười năm !. Chú biết mà !. Lâu lắm
đủ nhíu đời nhau bạc tóc rồi !

anh nhớ mùa xanh xưa, chiều đó
chú ôm đàn dạo nhánh rong phiêu
escondido mùa gió lạnh khô
ông bạn Vi Vi ngồi rượu, níu chiều…

anh níu tiếng đàn tâm vô lệ
đón ly chia nửa cùng Vi Vi
ôi chao một thuở vui chi kể
vậy mà không níu được người đi !

từ đó ngó nhau mà không thấy
thằng em lưu lạc mỏn mười năm
lâu lắm rồi em!. Sao lâu vậy !
chưa có lần em ghé về thăm…

Hiên Trăng
San Diego, đêm 14/02/2011
(*)
trách một dòng sông, thi tập, tâm vô lệ
nhánh rong phiêu, thi tập, trần huy sao
chú ( cũng như nhạc sĩ Trường Hải ) nhắc nhớ là tháng 9/2011 cũng tại nhà hàng này có tổ chức một đêm nhạc. Sẽ có hai bản nhạc phổ Thơ trần huy sao được trình bày anh có điều kiện nên đến tham dự. Không nói với anh Trường Hải nhưng nói riêng với chú là anh ốt dột quá xá chừng !. Gần cả ngàn bài Thơ mà chỉ đâu mười hơn phổ nhạc ( trong số nhạc đó phần hơn là ông bạn Võ Tá Hân phổ thôi ) chú em thì chỉ vì cảm tình riêng mà phổ nhạc hai bài Bông Sứ Trắng và Nhánh Rong Phiêu trình làng trong đêm đó. Có ca sĩ của Trung Tâm Asia trình diễn hai bài nhạc (của em) phổ Thơ( của anh). Nghe thì sướng mê mà thôi em ơi đừng bắt anh đi, tội nghiệp. Coi như kỷ niệm một thời bông sứ trắng nhánh rong phiêu hai anh em mình có nhau. Anh ngại chỗ đám đông xin em hiểu.

Lại bất ngờ gặp chị Dương Nguyệt Ánh. Cám ơn anh chị đã chia chung một tấm hình cùng với bạn bè.
Gặp cơ duyên chị Bích Huyền đài VOA (Việt) như còn nghe đâu đây giọng chị đọc thơ trần huy sao nhiều lần qua mục tác giả&tác phẩm. Chỉ nghe tiếng nói thôi mà chưa từng gặp mặt. Nay đã gặp nhau rồi. Nắm tay nhau, đứng gần nhau. Máy chớp sáng.
Rồi lại đứng bên nhạc sĩ Trường Hải. Máy chớp sáng.
Đứng bên ca sĩ Quốc Anh. Máy chớp sáng.
Đứng bên nhà thơ Y Cao Nguyên. Máy chớp sáng.
Đứng bên huynh trưởng Xuân Rỏan, Vĩnh Anh. Máy chớp sáng.
Đứng bên Trần văn Chính, gần mười năm gặp nhau mà thiệt là sơ sót, chưa từng có tấm hình hai đứa riêng nhau. Máy chớp sáng. Hai lần, chớp. ( cám ơn em, Vân Anh, đã chụp hình hai đứa anh trong khoảnh thời gian chiều đời lưu lạc, không còn nữa đâu còn nữa thuở hoa mộng học trò).
Đứng bên anh chị huynh trưởng và đàn em một thời Trung Học Ban Mê Thuột. Máy chớp sáng.
Tháng Tám, đường xa về lại San Diego, Vân Anh giữ vững tay lái cho hai thằng bạn ngồi giãi beer ( không giãi rượu vì có từng uống rượu đâu !). Thêm một lần nữa, cám ơn Vân Anh, hòa chung tình chồng tình bạn theo cùng tình nghĩa Trung học Ban Mê Thuột ). Hiếm hoi quá, nỗi tình chan hòa ( chan nhau rồi hòa quyện với nhau ) trên đất quê người!.

Tháng Tám lây lan cơn ho dai dẳng bà xã trở mùa chớm Thu. Bên ho sù sụ bên ho đang chớm lây lan lây sang. Tình yêu thì đồng điệu nhưng cơn ho thì né tránh khó nên đồng điệu. Cũng buộc phải, đêm đêm, ra sofa nằm ngủ ngáy để (đành) lạc điệu còn hơn là đồng điệu. Nhớ ngày nào còn ở tháng năm quê khổ nhà tôi ( là bà xã đó ) đâu có ho không hề có ho trong không khí tù túng bẩn chật cho dù khi có một khoảng thời gian ( dài ) làm thuốc hút vấn bỏ quán kiếm tiền đắp đổi sống qua ngày. Nhà vẫn hàng ngày sau giờ lên bục giảng là về vấn thuốc đếm thuốc bỏ bao giữa mịt mù khói thuốc như tàu hỏa của thằng tôi hư thuốc lá cà phê hư rượu beer thời cuộc. Bây giờ nhà hửi mùi khói thuốc nói ho thêm hôi thêm nhăn mặt nhíu mày thiệt là khó chịu nên tôi phải ngồi hiên sau ngược gió. Đôi khi cơn gió chơi nghiệt, đổi chiều, lại phải ra ngồi hiên trước. Nhà hai bên có phải gió mùi hương hôi bay ngang chắc là không ưng lòng không ưng bụng người hàng xóm. Thiệt là lưỡng đầu thọ địch. Hút thuốc đâu có tội ( hình luật ) chỉ có tội ( tình nhau ) thôi.
Lời khuyên bác sĩ Tư Đào : nên lạc điệu thì hơn !.

Tháng Tám viết được mấy bài Thơ dài ngắn có lại xóa đi vì không ưng ý. Lý do : không phải chủ ý làm Thơ cho thiệt nhiều để lên báo in, báo mạng nạp thêm lượng ( có thêm nghiệt cái là có lượng mà không không có chất ) cho mình. Anh bạn Thơ Khê Kinh Kha (thtp://trangvhntnguoncoi.wordress.com) nói thơ hay wá mình rất thích. Email vậy thì đọc vậy thôi nhưng mà cẩn thận không chừng vì xả giao. Quan niệm Thơ không nói được lên điều muốn nói thì thôi đừng, đừng làm Thơ, cứ bình thường như mọi người, thở . Thở rất cần cho sự sống. Thơ rất cần cho cuộc sống nhưng đừng nghĩ là thở cũng ra Thơ. Thơ và thở có điều dị biệt. Tất nhiên là còn thở mới còn Thơ nhưng nín thở (qua sông) để cho (có nhiều ) Thơ là điều không thể.
Lời nhận xét của dương gian : Những người làm Thơ là do Trời phú thiên phú, là Trời cho đó. Đừng ná thở nín thở để làm Thơ.

Tháng Tám uống cà phê với người bạn trẻ tình cờ mới quen qua blogs riêng trên tvvn.org. Bạn trẻ ngờ ngợ nhớ tấm hình trên blogs sao giống người đang gặp. Hỏi ra mới biết hình và người đang gặp là như nhau in nhau có nhau. Vậy là mừng vui như ngộ cố nhân rồi nhã ý mời vô quán cà phê làm một ly sẵn hơi liều-một-đám. Câu hỏi đầu tiên ( y như phỏng vấn) là bao giờ anh mới hết Thơ. Ngỡ ngàng quá chừng !. Bao giờ !.Tới bao giờ mới hết (để ) làm Thơ. Câu hỏi có ngầm ý thử lửa gì không đây !. Tất nhiên là khi không còn hiện hữu trên cõi đời thì không còn làm Thơ nữa. Hỏi mà đã chắc-bắp-nếp câu trả lời rồi sao còn hỏi !. Đang suy nghĩ thì ông bạn trẻ tự mình trả lời thời gian rồi cũng qua đi đời người rồi cũng xa đi chỉ còn Thơ ở lại. Sực nhớ đó là những câu Thơ viết ngay đầu trang của thi tập Chỉ Còn Thơ Ở Lại xuất bản năm 2002. Người ta hỏi bao giờ anh mới hết Thơ chứ có hỏi bao giờ anh mới hết làm Thơ đâu ! Ông bạn trẻ này vui tính quá xá chừng.
Những điều rất thật về Thơ :
vợ nuôi ăn mập mạp đỏ hồng
để làm Thơ đăng bao chợ
có một lần em ( chẳng biết thật hay đùa )
nói : anh cứ làm Thơ chùa đăng báo chợ
tôi gật gù khẽ nói ( cũng vừa thật vừa đùa )
thì em cũng thường ra chợ lấy báo chùa !

có nhiều lần em đọc thơ tôi
lại rưng rưng nước mắt
tôi tự nghĩ những điều rất thật
Thơ chùa!. Nước mắt…cũng chùa sao !


Tháng Tám bắt đầu trả nóng để dan díu cái se lạnh chớm Thu.Cuối chiều ngồi trước hiên nhà nhìn nghiêng nhìn ngửa không thấy ít thấy ai đi qua đi lại như những ngày còn nắng nóng. Nhìn lên thấy mây không còn tản mạn mà đã vầy đoàn nặng nề chậm chạp trôi về hướng núi . Trời trở màu chì than không còn trong xanh. Gió nhẹ đã không còn cảm thấy mát mà se se lạnh. Đêm trở mình mau hơn. Giấc ngủ sofa phòng khách cố đè nén cơn ho sợ con nghe nó lại xót lòng. Trong phòng the thì bà xã không dằn nén nổi cơn ho đã lên tới cấp độ trầm kha dai dẳng. Những cơn ho chắc là thắt ruột bởi ngoài sofa đang nằm cố nén ho mà nghe trong đó ho cũng thấy thắt lòng. Vợ chồng buồn vui cay đắng ngọt bùi còn có thể chia sớt được nhưng đau đớn thể xác từ những căn bệnh thì không thể nào chia được. Muốn chia nhau cũng không cách gì chia được. Nằm ngủ một mình ngoài này nghe tiếng ho một mình trong kia cũng theo đà mất ngủ luôn.
Nhận xét : có trường hợp không bắt buộc phải ngủ một mình mà phải nói là bị ngủ một mình khi đang ngủ hai mình
NẰM NGỦ MỘT MÌNH

nằm một mình không ngủ được, làm Thơ
Thơ nhẩm trong đầu không ghi trên giấy
con dế kêu sương hiên khuya giá lạnh
nghe thấm buồn như nằm-ngủ-một-mình
ngủ một mình khi đang có hai mình
không biết sao mà em vô tình vậy
lý lẽ đầu tiên là anh hay ngáy !

khi tình yêu tới thời vận không may
tiếng ngáy ngày nào đã thành tiếng sấm !

nằm chung một giường chung chăn nệm ấm
mà thật ra là hai mình ngủ riêng
hai cái lưng đối mặt giấc sầu miên
kẻ ngáy hướng Đông người thở hướng Đoài
đêm trở giấc vật vờ quay trở lại
chỉ thấy cái lưng không thấy mặt người
giấc ngủ bỏ chừng dỗ hoài không tới
bỗng ngộ chữ “ quay lưng” mà thấy nhói
khi quay lưng là không ngó nhìn nhau
không ngó nhìn nhau là không thương đâu
không thương đâu mới quay lưng ngoảnh mặt !

có không đây!. Mấy mươi năm trăng mật
sao bây giờ nằm ngủ lại quay lưng !!!

em ơi ! Hồi đó mình là người dưng
khi thương nhau là người thương khác họ
nắm tay nhau đi giữa đời gian khổ
ngó nhau hoài để biết mình có nhau
có nghỉa hai mình rất là thương lâu
sao tới giờ lại quay lưng ngoảnh mặt
em ngó hướng Đông chắc gì em thấy
anh ngó phương Đoài có thấy gì hơn !
chỉ thấy hoài một giấc ngủ cô đơn
đâu thấy tình yêu trăm năm đầu bạc
cũng tới lúc có một người đi lạc
tới một chỗ nào không thấy được nhau
để lại một người quay quắt lòng đau
không thấy ấm một khoảnh lưng quay mặt
quờ tay lui sao chỉ quờ trống vắng
mới biết mình đang giấc ngủ mồ côi...

có khi nào, nửa đêm, em thức giấc
nhớ vô cùng tiếng ngáy ngủ của anh....

bài Thơ này bà xã vô cùng bất ưng, cự nự dữ dằn. Đúng là lý lẽ trơn lu như da cá Lóc của mấy tay làm Thơ, diễn giải cách nào cũng xuôi trớt. Ngủ ngáy như sấm thì buộc phải quay lưng quày lưng quảy lưng để bớt nghe mà ngủ cho yên, không đạp (hắn) một cái cho đã nư đã giận đã cái chưn là may lắm rồi, còn bày đặt lý này lẽ nọ.
Nghe ra cũng đúng như có đọc đâu đó: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Ai mà chột mắt thì nửa hồn thương đau !.

Tháng Tám Tư Đào với Út Linh, sau hai tháng Hè về với cả nhà, nay lại đi học xa nhà bỏ hai con khỉ ho cò gáy. Là hai con khỉ già đang ho sù sụ. Là ngôi nhà vừa mới đông vui rộn rã nói cười nay trở nên vắng vẻ âm thầm có khác chi nơi chốn khỉ ho cò gáy!. Gộp hai ý lại nói cho ngắn gọn vậy thôi mà !.
Những ngày vui Hè mới đó mà mau qua qua mau !. Mùi thơm miếng sườn nướng Trại Hè ở Dixon Lake còn vương vấn đâu đây. Tiếng con cá quẩy cắn câu đêm trên cầu Oceanside còn đâu đây. Ánh lửa bùng to rát nóng bên bờ biển Misson Bay còn đâu đây. Những chiều rộn rã tiếng nói cười họp mặt đông vui đông đủ đại gia đình còn đâu đây.
Nay đã đâu mất rồi mà nơi đây thầm lặng…
Buổi sáng Tư Đào rẽ khúc quành tìm ra xa lộ ra sa mạc ra xa gia đình rồi Mẹ rủ Ba ra quán Bolsa ăn cái chi đó cho nó dằn cái bụng buồn. Ba thiệt tình không muốn đi đâu chỉ muốn ngồi một mình ngó mây theo hướng con đi ngó núi về hướng con đi….Ngó cho đã đời nỗi nhớ. Nhưng không đành ngồi ngó một mình phải đi hai mình.
Đi đâu cho thiếp theo cùng
đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

Bây giờ thiếp(đói)muốn đi mà chàng không đi(no)theo thì nỗi lạnh lùng không có đồng cam cộng khổ. Không có rồ-măng-tíc gì hết trơn hết trọi. Không chừng chén đọi lại đụng,va,choảng nhau.
Ngồi chưa ấm chỗ chỉ mới nói chắc là khoảng bốn giờ chiều là thằng Tư nó tới nơi. Thấy Mẹ đã chan hòa nước mắt nói thôi anh đừng nhắc nữa, Ba nín lặng nghẹn lời, nghẹn lòng níu giữ…Tô phở gà Bolsa sáng nay sao đắng quá nuốt không trôi, Mẹ phải chia một nửa.
Chị Ba khen Ba buồn thua năm trước. Nỗi buồn một năm rồi chắc hắn cũng chai. Bây giờ mới biết là không phải đâu là không phải đâu !. Hắn không chai mà hắn đang lây lan lây sang đó. Cũng như cả tuần nay Ba lây lan lây sang cơn ho của Mẹ tới sật sừ lừ đừ….
Nhận xét : Người bạn đời – hãy trân quý từng giây từng phút sống bên nửa-kia-của-mình, một trong hai nửa, không biết nửa nào, sẽ ra đi trước.

Tháng Tám vùng vằng những buồn vui nên viết ra câu chữ để phù phép cho vui lây nỗi buồn, buồn lây nỗi vui. Huề vốn.

Tháng 8/2011

THƠ VIẾT CHO TƯ ĐÀO DƯỚI HIÊN TRĂNG


gởi chú Tư Đào (Trần Minh Đạo)

mai Tư Đào lại trở về trường lớp
sáu tiếng lái xe qua vùng sa mạc
Mẹ cặm cụi lo thức ăn mặn, nhạt
mặn nhớ ăn liền còn nhạt dành ăn lâu

Ba chẳng có gì chẳng có gì đâu
chỉ nỗi nhớ theo con quày nhớ lại
chỗ nhà mình chỗ nơi con xa ngái
nhớ tới nhau thôi cũng đủ thấy gần

nỗi nhớ này Ba dành dụm từ đầu
khi con nhỏ tới khi con khôn lớn
nay gởi cho con trao hết cho con
cứ mang theo mà trang trải dọc đường

đường công danh rồi cũng lắm nhiễu nhương
cố gắng nghe con chân cứng đá mềm
đừng ngoái tình Ba tơ lòng vây quyện
con cứ ra riêng với bắt đời mình

cứ để Ba ngồi quen chỗ lặng thinh
chỉ nhớ thôi không chi ngoài nỗi nhớ
mai con đi đường xa về trường lớp
Ba vẫn mỗi chiều trải lòng theo con !

Phòng Văn
đêm khuya 25/08/2011

tháng 8 10, 2011

THƠ VIẾT CHO ÚT DƯỚI HIÊN TRĂNG


gởi cô Út ( Trần Nhã Uyên )

tháng Tám, Út trở về trường lớp
Mẹ đang cơn ho thắt ruột trở mùa
Ba cũng trở mùa tâm trạng ngày mưa
ngày mưa thì làm sao vui được !

chị Ba khen Ba buồn thua năm trước
nỗi buồn một năm chắc đã chai rồi
cái con ni nói ra nghe ốt dột
có buồn đâu chỉ nhơ nhớ thôi mà !

một năm qua hai đứa xa nhà
về lại thấy trưởng thành vững chãi
nước xa nguồn chim xa tổ ấm
Biển mênh mông trời rộng thênh thang !

dịp Út về tháng Sáu nắng giòn tang
qua tháng Bảy nắng khô giòn rụm
anh Tư không nổi chịu lò than Đại vực
cũng vội về đây nương gió Biển Hè

Ba ưng tụi bây nôn nóng đường về
để trộn nhớ trong vòng ôm nồng ấm
bỏ những đêm Ba ngồi lặng, lặng thầm
tiếng sương rơi ngỡ ai về hiên trước !

Út về đây rồi Ba như lượm được
niềm vui tràn nắng Hạ mát gió Hè
con vẫn là cô bé khóc nhè
cô Út Sún cô Năm nhè, hồi đó !

ai chẳng có riêng một thời để nhớ
lớn lên rồi nhắc lại chỉ cười vui
mà biết chừng đâu có chút bùi ngùi
khi nhớ lại một quãng đời xưa cũ !

tháng Sáu về vui chưa kịp đủ
tháng Tám vội vàng trở lại Trường xa
con thấy không, ngày tháng đi qua
mới đó thôi đã dợm mùa Thu tới !

dưới Hiên Trăng bài Thơ này viết vội
sợ ngập ngừng cảm xúc sẽ vơi đi
đã vơi đi là không viết được gì
dù chỉ một câu nói gì trang giấy !

thôi nhớ tới đâu thì viết vậy
chỉ nhớ thương thôi không có buồn
chị Ba khen Ba buồn thua năm trước
nỗi buồn một năm chắc đã chai rồi !...

Hiên Trăng
chiều 07/08/2011