tháng 9 29, 2010
NỖI NHỚ MÙA THU
gởi con, Minh Đạo
mai lên vùng Đại Vực thăm con
nắm bàn tay con lâu rồi chưa nắm
từ buổi xa con Ba đời tĩnh lặng
cứ mỗi chiều ngồi hiên trước nhớ con
cứ nhìn mây bay lòng dạ héo mòn
hoa Cúc nở rồi mùa Thu ghé tới
mây nặng lòng bay giữa chiều mau tối
Ba không nổi rồi trời lạnh chớm Thu
con đi rồi buồn vui Ba cất giú
bỏ trong Thơ, không đủ, bỏ trong chiều
những chiều qua chiều vắng lạnh đìu hiu
Ba ngó mây bay nhớ vùng Đại Vực
nhớ con rứt lòng đêm nằm thao thức
đêm dài thêm nỗi nhớ lại dài hơn !
mai lên vùng Đại Vực thăm con
Ba nắm tay con, nắm hoài không thả…
Hiên Trăng
giữa đêm 29/09/2010
HÌNH ẢNH
Ngày mai Ba Mẹ lên vùng Đại Vực (Arizona) tham dự ngày con mặc áo Tuệ Tỉnh Thiền Sư Hoa Đà Biển Thước.
Nói theo phong cách nước người là ngày white coat ceremony là nghi thức mặc chiếc áo trắng nối nghiệp Hippocrates, ông tổ của ngành Y học.
Hai tháng trước, Ba Mẹ và gia đình chị Ba cũng đã lên Pomona để dự ngày white coat ceremony của em con, bé Út.
Ngày mai, Ba Mẹ ( được thêm một lần nữa )cùng gia đình anh Hai lên vùng Đại Vực Arizona để dự ngày vui của con.
Ba Mẹ không nghĩ và không thể nghĩ là có dịp được tham dự tới hai ngày vui trong đời mình !!!
Cám ơn hai con đã không phụ lòng Ba Mẹ…
(bài đọc mở mang thêm tri thức,đường xa, chờ giờ phút gặp con)
Hippocrates sống vào khoảng những năm 430-370 trước công nguyên, thời kỳ mà nền văn minh cổ Hy lạp phát triển rực rỡ nhất. Ông sinh ra và lớn lên trên hòn đảo Cos xinh đẹp của đất nước Hy lạp. Hippocrates học nghề y từ người cha Heracleides của mình và những người thày nổi tiếng thời bấy giờ.
Vào thời Hy lạp cổ những người bị ốm đau bệnh tật thường đến các ngôi đền để thờ cúng và cầu xin Asclepius, vị thần trị bệnh của Hy lạp.
Thời kỳ này y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật được giải thích bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí.
Chính Hippocrates là người đầu tiên đã coi y học là một ngành khoa học và cho rằng mỗi bệnh tật đều có những nguyên nhân tự nhiên riêng.
Ông đã nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, và tìm hiểu các nguyên nhân có chứng cớ, trực tiếp, và các nguyên nhân còn chưa rõ của bệnh tật. Ông cho rằng cơ thể con người có 4 khí chất: mật vàng, mật đen, đờm, máu. Chúng có cùng đặc tính khô, nóng, ướt và lạnh như 4 yếu tố khí, lửa, nước và đất. Bệnh tật là do mất cân bằng tỉ lệ dịch trong cơ thể gây ra.
Khoảng năm 400 năm trước công nguyên ông thành lập trường y ở Cos. Ông và các môn đồ của mình đã đưa ra phương pháp khoa học để khám và điều trị cho người bệnh. Người thầy thuốc phải trực tiếp khám xét người bệnh và tìm ra bệnh qua các triệu chứng biểu hiện, phải bốc thuốc kê đơn sau đó theo dõi để xem việc điều trị có kết quả hay không. Hippocrates khuyên các thầy thuốc ghi chép lại các phát hiện và các phương pháp điều trị của họ để truyền lại cho các thế hệ sau áp dụng. Một nguyên tắc y học nổi tiếng của ông là : “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi”. Ngày nay người ta vẫn còn sử dụng những dấu hiệu, những dụng cụ mang tên Hippocrates vì ông được cho là người đầu tiên tìm ra như “bộ mặt hippocrates” (bộ mặt của người chết, người ốm lâu ngày, người bị đói...), “ngón tay hippocrates” (ngón tay hình dùi trống ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh phổi ...), “ghế hippocrates” (ghế dùng lực nén để cố định xương)....
Cuộc đời thật của Hippocrates ít được biết đến nhưng những thành tựu y học của ông đã được Plato và Aristotle thu thập lại. Những tác phẩm được coi là của ông gồm khoảng 60, 70 khái luận tập hợp thành Tuyển tập Hippocrates. Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Hippocrates là Lời thề Hippocrates mà cho đến ngày nay người ta vẫn thường nhắc đến. Nó phản ánh ý tưởng cao đẹp của Hippocrates.
Bố cục của Lời thề chia làm hai phần rõ rệt. Phần đầu chỉ rõ nghĩa vụ của học trò với người thầy dạy họ y thuật và bổn phận truyền đạt kiến thức y học cho người khác.
Phần sau đưa ra yêu cầu về y đức bắt buộc người hành nghề y phải tuân theo. Vì phần sau của Lời thề trái ngược với các nguyên tắc và thực hành của Hippocrates nên người ta cho rằng nó không chỉ của Hippocrates mà có lẽ còn do các môn đồ của Pitago viết ra.
Mâu thuẫn rõ nhất là Lời thề cấm phá thai nhưng trong Tuyển tập Hippocrates có nói đến các phương pháp làm sẩy thai và sử dụng thuốc đặt âm đạo để tránh thai. Những cấm đoán này cũng không phản ánh những tình cảm chung của công chúng Hy lạp thời ấy. Ở một thế giới mà việc vứt đứa con mới đẻ ra đường được coi là hợp pháp thì việc phá thai khó có thể bị coi là tội lỗi.
Mâu thuẫn thứ 2 là việc cấm tự sát. Ở thời cổ đại tự sát không bị xã hội chê trách và tự sát để giải thoát khỏi bệnh tật được coi là hợp pháp. Các nhà cầm quyền ở một số nước còn công nhận đó là việc làm chính đáng. Không có tôn giáo cổ đại nào cấm việc tự sát. Luật pháp và tôn giáo để cho các thầy thuốc tự do làm những gì mà lương tâm họ cho phép.
Học thuyết Pitago là giáo lý duy nhất có thể giải thích cho những mâu thuẫn trên trong Lời thề Hippocrates. Trong tất cả các trường dạy triết học ở Hy lạp thời ấy, duy nhất chỉ có các môn đồ của Pitago là cấm tự sát và phá thai. Họ cấm tất cả các qui trình mổ xẻ và cấm làm chảy máu là nơi được cho là linh hồn trú ngụ. Hơn nữa trong Tuyển tập Hippocrates có nói chi tiết về các kỹ thuật mổ và các qui trình trong phòng mổ nên điều cấm mổ xẻ trong Lời thề không thể là của Hippocrates.
Thực tế cho thấy việc cấm phá thai và tự sát đã từng phù hợp với các nguyên tắc của Nhà thờ Cơ đốc giáo nên cũng có thể Lời thề đã đựơc sửa đổi để phục vụ cho các ý tưởng tôn giáo thời ấy.
Trải qua bao năm tháng và ở những xã hội, những nước khác nhau, một vài phần và vài từ của Lời thề đã bị thay đổi. Cho đến nay có nhiều dị bản nhưng hầu hết người ta không dùng nguyên bản cổ nữa vì nó ủng hộ việc chỉ truyền nghề cho đàn ông mà không truyền cho đàn bà và nó cấm mổ xẻ cũng như nạo phá thai.
Mặc dù có thể Lời thề đó không phải chỉ do Hippocrates viết và nhiều điều trong đó còn hạn chế, không còn phù hợp với thời đại ngày nay nhưng nó vẫn chứa đựng những ý tưởng cao đẹp về y đức, vẫn luôn là biểu tượng của lời cam kết mà những người sắp trở thành thầy thuốc cần tuân theo. Và Hippocrates, người đầu tiên đặt nền móng cho ngành y như một ngành khoa học, người đã tách y học ra khỏi tôn giáo, bác bỏ yếu tố thần bí, mê tín dị đoan trong y học cổ xưa được coi là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành y ở mọi thời đại. Ông xứng đáng là “Ông tổ của ngành y”./.
Lời thề Hippocrates
Trước vị thần y Apollo, vị thần trị bệnh Aesculapius, vị Thần sức khoẻ và Đấng Vạn năng, trước tất cả các vị thần và các vị nữ thần tôi xin thề sẽ tuân theo lời thề này và quy định này theo khả năng và phán đoán của tôi :
Tôi sẽ coi người dạy tôi y thuật như cha mẹ tôi, nếu được yêu cầu tôi sẽ chia sẻ của cải của tôi cho họ, giúp họ giảm túng bấn, coi con cái của thày tôi như anh em của tôi và dạy họ y thuật nếu họ muốn mà không đòi hỏi tiền của hay bất cứ điều kiện nào.
Tôi sẽ truyền đạt kiến thức về y thuật bằng mọi hình thức cho các con trai tôi, cho các con trai của thầy tôi và cho các môn đệ chịu chấp nhận điều quy định và chấp nhận lời thề theo luật của nghề y mà không truyền cho ai khác.
Tôi sẽ theo khả năng và phán đoán của tôi áp dụng phương pháp điều trị mà tôi cho là có lợi cho người bệnh của tôi, tránh những gì có hại và nguy hiểm cho họ.
Tôi sẽ không đưa thuốc gây chết người cho bất cứ ai dù họ yêu cầu cũng như không đưa ra bất cứ lời đề nghị nào như vậy. Tôi sẽ không đưa thuốc đặt cho phụ nữ để làm sẩy thai.
Tôi sẽ sống và làm nghề y của mình với sự trong sạch và thánh thiện.
Tôi sẽ không dùng dao thậm chí cả khi bệnh nhân cần mổ xẻ mà để công việc đó cho những người chuyên làm việc này.
Bất cứ ngôi nhà nào tôi đến, tôi sẽ vào vì lợi ích của người bệnh và không cố ý gây ra những hành động xấu xa hoặc đồi bại, tôi sẽ tránh xa sự cám dỗ của cả đàn bà và đàn ông, cả của người tự do và những người nô lệ.
Tôi sẽ giữ kín, không tiết lộ những gì không được phép nói ra có liên quan hoặc không liên quan đến nghề của tôi mà tôi đã nhìn thấy hoặc nghe thấy trong cuộc sống của những người khác.
Nếu tôi tuân theo và không vi phạm lời thề này tôi sẽ được ban cho cuộc sống hạnh phúc và được hành nghề y, mãi mãi được mọi người tôn trọng. Nhưng nếu tôi làm sai và vi phạm lời thề, số phận của tôi sẽ bị trừng phạt./.
(sưu tầm)
tháng 9 22, 2010
THƠ DƯỚI DÒNG TRĂNG
TRĂNG NGŨ NGÔN
hiên trước Trăng lên cao
hiên sau mây trốn núi
ta giữa trời hư ảo
nhìn Trăng xiết ngậm ngùi
bao năm đời ly tán
Trăng Xóm nghèo sầu đơn
tình quê hương khô hạn
Trăng quê xưa mỏi mòn
trước sân hoa Cúc nở
vàng mượt dòng Trăng xa
hỏi ai lòng không nhớ
mùa Trăng xưa..quê nhà…
TRĂNG MUỘN
ta giờ mỏi ánh Trăng xa
em nghiêng Rằm mỏn cũng qua xuân thời
nắm tay đi lạc giữa đời
qua miền đất lạ ngoái trời thương Trăng
bao năm lưu lạc phong trần
dòng Trăng xưa cũng quan san dặm trường…
Hiên Trăng
đêm Rằm tháng 8/2010
tháng 9 03, 2010
ĐỜI NHƯ SƯƠNG KHÓI
...lại chuyện xóm làng quê...
Chị về lại Xóm nghèo cùng lúc với cơn gió chướng Đông và mây xám màu trời ảm đạm. Lạnh theo gió buồn theo màu trời nên người trong Xóm ai cũng co ro ngồi nhà sưởi ấm lò than.
Khi chị bất ngờ từ cửa bếp bước vô, cả nhà không kịp giựt mình nên chi thầm lặng, ngỡ ngàng, ngó. Chỉ có tôi vụt đứng dậy chạy ùa ôm chầm lấy chị.
Buổi chị về lại Xóm nghèo là vậy đó.
Nhà người đông mà cứ ngồi ngó thản nhiên khi chị nắm tay tôi, quen đường, dắt về phía căn phòng nhỏ của chị ngày nào. Căn phòng nay đã dành cho mấy đứa em gái từ sau ngày chị đi. Chị có nhà để về nhưng không còn có nơi để ở. Thoáng chút ngỡ ngàng nhìn ngó quanh rồi chị khựng lại, bàn tay chị níu chắc lấy tay tôi như là để đè nén cơn xúc động vỡ tràn. Rồi chị ngồi xuống trước cửa phòng, gục đầu, khóc ngất.
Cơn gió chướng ngoài sân ngoài đường ngoài Xóm hú dài thê thiết. Bàn tay tôi chị vẫn còn nắm chắc, úp lên đầu gối chị đè nặng dưới khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt nóng ấm của chị. Tôi chưa đủ khôn để thấu lòng đau thắt buổi trở về. Tôi chỉ dại khờ ngô nghê nhìn hai vai chị rung theo tiếng nấc, nghe cảm giác ấm nồng từ dòng nước mắt đầm đìa tắm gội cả bàn tay.
Rồi bỗng nhiên có cảm giác hụt hẫng khi chị thả bàn tay tôi, vụt đứng lên. Dáng chị ngả nghiêng đổ nhào về hướng cửa bếp, nơi chị trở về bất chợt.
Và ra đi bất ngờ.
*
Buổi sáng ngồi ở hiên nhà ngó qua nhà chú Tánh, chưa hết hồn chuyện đêm qua chị về rồi vội ra đi, anh Thuận đã hối hả tìm tới. Anh nắm bàn tay tôi, hỏi dồn :
- Nói anh nghe, đừng giú. Có phải chị Liễu hôm qua có về, phải không ?. Đừng nói giú anh nghe, tội anh mà. Chị Liễu có về, phải không ?
Tôi nhìn gương mặt anh gần như khóc. Có một đêm Trăng ngày nào, tôi thấy anh cầm tay chị Liễu ở sân Đình. Tôi hiểu tình cảm anh dành cho chị từ lúc ấy. Lâu rồi, từ khi chị đi xa rồi trở về, chắc là tình xưa không nhạt, vẫn sáng trăng Rằm.
Chị vội về rồi lại vội đi tới nỗi tình tôi cũng hụt hẫng, thương chị, không biết chị lại đi đâu, về đâu !.
Hai anh em ngồi giữa sân, ngó nhau mà không thấy nhau, chỉ thấy nỗi muộn phiền chen giữa. Giữa tình yêu của anh và tình thương của tôi, về chị.
Nắng sớm mai chưa đủ xua đi rét lạnh. Anh đứng lên, cười ( chắc là chỉ gượng cười ), xoa đầu tôi :
- Em cũng không biết đâu. Thôi, để anh đi tìm chị…
Từ đó anh em mình xa nhau.
Xóm làng xa nhau thương hải tang điền…
*
Câu chuyện tình xóm làng quê ngày nào bỏ lại khi tôi vào đời rất sớm, sớm hơn những thằng bạn cùng trang lứa.
Giang hồ phiêu lảng đó đây tình cờ tôi gặp chị…
Một chiều chớm Thu ở một thị trấn quạnh hiu vùng núi trong góc quán lạnh gió bốn bề. Chai beer trần thân không ướp lạnh. Ly beer suông không lạnh đá và dĩa cơm sườn dè sẻn. Khoảnh nắng vàng trước sân khó xua tan được cái lạnh gió núi khe khẽ tràn về. Nhiều nơi chốn tôi đã từng qua nhưng chưa từng thấm nỗi buồn khi ngồi ở đây, góc quán chiều vàng nắng chớm Thu giữa thị trấn vùng cao.
Bỗng có bàn tay đặt nhẹ trên vai và giọng nói, dịu dàng :
- Chị nhận ra em rồi ! Cu Hưng. Ngó lại chị đi ! Chị Liễu đây em.
Tôi giật mình, lạnh toát bờ vai. Quay lại, ngước nhìn. Có giọt nước ấm nồng rơi trên má tôi, chảy dài xuống nỗi tình cờ quặn thắt.
Tôi thấy lại rồi ! Đôi mắt đầm đìa nước mắt ngày xưa khi chị về nhà cũ. Giọt rơi rụng ngày nào trên tay tôi khi chị ôm tôi vào lòng. Nay giọt rơi trên má tôi khi tôi ngước lên nhìn chị.
Là giọt nước mắt của chị Liễu, ngày nào.
Tôi cầm chắc bàn tay chị, lặng đắng nỗi buồn vui. Hơi ấm nồng của tháng ngày Xóm quê xưa, của một đêm Đông chị bất chợt trở về rồi vội vã ra đi…
Tôi vụt đứng lên, ôm choàng lấy chị….
*
Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, tình cờ, tôi lại gặp anh ở thị trấn Đức Lập, nơi các đơn vị dừng quân để chuẩn bị vào sâu chiến trường Quảng Đức.
Giữa dòng người nhốn nháo rời bỏ vùng Quảng Đức, Kiến Đức để tìm về thị xã Banmêthuột lánh nạn, tôi nhìn anh bước xuống chiếc xe Jeep nhà binh. Chắc là không nhầm lẩn bởi vẻ dáng thân quen bao năm Xóm cũ. Tôi vuột miệng kêu tên anh. Anh khựng lại, quay nhìn một đỗi, rồi cười vui :
- Ồ, thằng cu Hưng đây mà.
Hai anh em ôm choàng lấy nhau. Hình ảnh Xóm Làng xưa thoáng hiện về làm cay xè đôi mắt. Anh vỗ vỗ lưng tôi :
- Cẩn thận nghen em. Ở đây thì tạm ổn. Vô xa, vô sâu thì nóng lắm, phải hết sức cẩn thận…
Tôi cười :
- Em biết rồi. Thôi, chuyện nhà binh mình bỏ qua đi. Hỏi anh chuyện nhà. Chị và các cháu…
Anh vụt cười :
- Anh vẫn còn độc thân khó tính. Chị với cháu chi đâu mà chú hỏi thăm !. Hỏi lại chú thì đúng hơn.
Tôi làm bộ ngạc nhiên :
- Ủa, hồi đó anh nói anh đi tìm chị Liễu mà. Chị với anh sao rồi !. Có chi bất ổn?.
Anh khe khẽ lắc đầu, cười buồn :
- Bao năm rồi anh đi tìm chị mà có tìm ra đâu !.Suốt đời anh sẽ cứ tìm. Nếu gặp lại chị, biết chị yên bề gia thất thì anh sẽ vui. Nếu như chị vẫn còn không thì anh sẽ cố lựa lời để chị theo anh. Chú biết tính anh mà !. Ăn cục nói hòn thấy sao nói vậy e là chị có phật lòng điều chi không !.
Tôi mủn lòng cảm phục tình yêu của anh. Đời người hạn hẹp, từ ngày chia tay tới nay tình cờ gặp lại, đã bao nhiêu năm rồi mà tình anh vẫn tình Xóm cũ Làng xưa.
Thời gian gặp nhau ngắn ngủi, tôi chỉ kịp vui mừng kể lại cho anh nghe buổi tình cờ gặp chị ở thị trấn hiu quạnh vùng cao, ở quán nhỏ ven đường. Anh nên tìm tới đó để lựa lời dỗ ngọt tình yêu. Nhớ uống thêm cho tôi một chai beer chia vui ngày hạnh ngộ.
Từ đó hai anh em, thêm một lần nữa, chia xa.
Tôi vào vùng nóng bỏng. Anh về BTL/Quân Đoàn dưỡng quân vài ngày rồi lại ngược lên vùng chiến trường Tân Cảnh.
Sực nhớ khúc giữa đoạn đường lên Tân Cảnh là phải ghé qua thị trấn hiu quạnh, có quán nhỏ ven đường, có người xưa chờ đợi người xưa.
Thể nào anh cũng ghé.
*
Dễ cũng mấy mươi năm dâu bể tang thương, lại, tình cờ gặp anh chị.
Không là nơi chốn Làng quê Xóm cũ.
Không là nơi chốn mịt mờ lửa khói chiến tranh.
Nơi tình cờ gặp lại là nơi đất khách quê người, khu chung cư đông người Việt.
Anh già nua, còm cõi , gầy nhom ngồi chưa hết nửa vuông ghế nệm sofa phòng khách.
Chị thì trẻ trung, cười rạng rỡ trong khung hình, sau bát nhang đang nghi ngút khói hương thơm.
Khói nhang này là tôi vừa mới đốt để buồn vui ngày gặp lại…
Nghe anh kể…
“ Anh có tìm về thị trấn quạnh hiu có quán nhỏ ven đường. Chưa kịp lựa lời thì chị đã dọn đường cho anh đọc thuộc “đi đâu cho Thiếp theo cùng. Đói no Thiếp chịu lạnh lùng Thiếp cam”.
Đưa nàng về khu gia binh, chưa tập làm quen cuộc sống vợ chồng thì lại miệt mài chinh chiến triền miên cho tới ngày rã ngũ tan hàng.
Đưa nhau về Xóm cũ, chưa ổn định cuộc sống thì lại miệt mài tù “cải tạo”.
Mười năm khoai sắn trở về vừa lo chạy gạo để sống đời vừa lo thủ tục để được cầm tấm vé máy bay qua vùng Đất Hứa.
Anh thì ngồi bong gân nhức mỏi, mệt tim khó thở, oằn oại dạ dày cứ chờ trong uống ngoài thoa. Hậu quả của mười năm rừng thiêng nước độc…
Chỉ mình chị một tay bôn ba xoay trở. Tội quá chừng !
Qua tới đây rồi, chưa kịp quen ăn humburger, pizza. Chưa kịp dồi phấn tô son áo lượt quần là làm người phụ nữ, “giải phóng” những tháng năm làm kiếp trâu cày, thì đã nhắm mắt xuôi tay…”
Tôi thẩn thờ nghe anh nói, nhìn chị cười trong khung ảnh mà nước mắt chảy dài.
Nhớ quá. Giọt nước mắt ấm nồng của chị chảy trên tay, trên má tôi ngày nào…
San Diego, 09/2010
tháng 9 01, 2010
TRĂNG BẰNG HỮU
Có mỗi một lần về qua chốn cũ
Nhìn thấy bông Cau trắng muốt miệt vườn
Nhìn lá Me rơi chua những con đường
Nghe tiếng em cười ngọt thanh Xoài cát
Chiều giạt nắng gió ruộng đồng dịu mát
Ngồi vườn sau chờ mẻ cá nướng trui
Mấy thằng bạn đồng quê chưa thấy tới
Chỉ có mấy nàng chia lửa đông vui
Lát nửa đây mặt trời chun vô núi
Trăng lại lên soi rõ mặt bạn bè
Những người bạn giờ đây đâu còn trẻ
Đã chớm bợt màu râu tóc phong sương !
Ta viễn phương về ngó bông Cau rụng
Ngó lá Me rơi ngó Trăng đồng nội
Ngó cô em một thời trang tóc rối
Bao năm qua còn vẻ dáng tiểu thơ !
Bởi lâu lắm rồi giữa quên giữa nhớ
Ghé về đây mong tìm lại một thời
Em ruộng đồng cháy khô mùa tóc rối
Dáng tiểu thơ đã chân lấm tay bùn
Bông Cau rụng lá Me rồi rơi rụng
Người xưa đau lạc dấu người viễn phương
Em đón ta cười rớt nụ bên đường
Đôi mắt đỏ hoe giữa chiều giạt nắng
Buổi về đây chuốc rượu giữa đêm Trăng
Bạn bè đông vui níu thời trai trẻ
Em có vui không, tới đây, ngồi ghé
Không còn lớp Nam lớp Nữ ngày xưa
Cứ ghé bên nhau chia chung bếp lửa
Trăng cũng chia chung vạn dặm quê nhà
Đường xa rồi, ừ nhỉ, đường quá xa
Áo học trò đã phai mờ dấu mực
Bạn bè xưa cũng lạc dòng lưu bút
Ngồi bên nhau khi kẻ mất người còn
Ta muộn màng trở về rưng mắt nhớ
Buổi tan trường theo dâu bể nhiễu nhương
Ơi lá me rơi chua những con đường
Mẻ cá nướng trui thơm tình bằng hữu
Đêm chuốc rượu mùa Trăng về chốn cũ
Mai viễn phương ta sẽ nhớ đem theo…
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)