tháng 11 09, 2009

MÙA HƯƠNG BẮP


Buổi chiều, sau giờ tan sở, tôi ghé chợ Lucky Seafood ( vốn là chợ 79 cũ, nay đổi tên theo trào lưu hòa nhập đất người) tìm cho được mấy trái bắp mang nhãn hiệu quê nhà. Trời cuối năm lành lạnh, muốn được tìm lại hương quê qua mấy trái bắp( thay vì luộc chín trong nồi) cứ đưa vào microwave oven với khoảng thời giờ vừa phải cũng hâm nóng được tình ly xứ.
Đang đứng chọn lựa những bị bắp (đông lạnh) hạt phải nở đều, thân trái phải tròn trịa theo yêu cầu (tưởng tượng) về những trái bắp nếp quê nhà đã một thời nhức nhối đam mê theo từng kỷ niệm. Vừa lúc đó, anh đến. Anh cũng đứng tần ngần, cầm lên, bỏ xuống những bị bắp đông lạnh. Những bị bắp anh vừa cầm lên, bỏ xuống cũng chính là những bị bắp tôi cũng vừa bỏ xuống, cầm lên. Cả anh và tôi cùng đứng tần ngần, nhìn ngắm, thầm chọn lựa. Cuối cùng, anh bỏ đi. Và tôi, cũng bỏ đi.
Đúng là lượt bắp xuất khẩu, hay nói đúng hơn, đợt bắp nhận hàng của Chợ đã không đúng “tiêu chuẩn” chọn lựa của khách hàng. Là tôi và anh.
Bản tính tôi vốn cầu kỳ, hương hoa chuyện ăn uống nhất là từ lúc gia đình được đến định cư vùng-đất-hứa. Đã là vùng-đất-hứa, vấn đề đói no cơm áo hàng ngày không còn là vấn đề ưu tư dằn vặt. Sau thời giờ của một ngày rượt đuổi cuộc mưu sinh để được sống còn, cũng muốn có một khoảnh thời gian dành cho những chọn lựa kiểu cách, thi vị riêng tư. Một dĩa bắp luộc bày ra bàn để vợ chồng con cái cùng chia sẻ miếng ngon và nhắc nhớ những mùa bắp khi còn ở quê nhà, cũng là sự chọn lựa thi vị để chấm dứt một ngày tất bật. Vùng đất này quả thật là một vùng đất kỳ hoa dị thảo và những món ngon vật lạ không phải chờ đợi theo mùa.
Nói đâu xa, ở quê nhà, muốn ăn miếng dưa hấu xanh-vỏ-đỏ-lòng cũng phải đành chờ tới dịp Tết. Nơi đây thì hình như dưa hấu có quanh năm. Hoặc giả, khi tình quê nung nấu, muốn thưởng thức những cây trái ngọt ngào hương kỷ niệm bốn mùa xưa?. Xin cứ vào những khu Chợ Việt Nam, tìm tới gian hàng đông lạnh. Cây trái bốn mùa của quê hương nằm chen lấn trong đó. Tuy là đông lạnh nhưng vẻ dáng và hương vị cũng còn ít nhiều phảng phất hương quê !
Tìm lại một món ăn mang đầy đặn tính quê cũng phải đắn đo suy nghĩ. Không phải vì tiếc tiền nhưng mà tiếc khoảng thời gian để chọn lựa. Và càng ngẩn ngơ , hụt hẫng khi sự chọn lựa của mình đã nhầm lẫn, đã không gợi được tình quê vốn nặng lòng kỷ niệm. Cũng mặt hàng như thế nhưng mang nhãn hiệu của những nước bạn láng giềng. Cảm giác thi vị sẽ không sâu lắng mặn mòi khi nghĩ những loại cây trái đó không hề mang nặng hơi hướm của mùi đất quê hương. Không được lớn lên, trở mình huê dạng ở ngay mảnh đất, mà khi xa đi, tâm tình và cảm xúc vẫn cứ thèm hai tiếng thương yêu : Quê Mẹ !
Món ngon vật lạ thiếu gì vậy mà cháu Út Nhã Uyên, lâu lâu cứ vòi Mẹ cho được ăn cơm với cá khô chiên giòn. Ngồi riêng ở một góc bàn, nhìn cháu Út mê mải với dĩa cơm và mấy miếng cá khô, tôi cảm thấy ấm lòng. Nhiều năm rồi, hòa nhập vào quê hương mới, nhưng cứ vẫn giữ được tấm lòng chân quê !
Lòng vòng tâm sự, xin trở lại câu chuyện dở dang.
Tôi vòng qua dãy bày bán khoai lang dẻo, món mà tôi rất thích. Khi còn ở quê nhà, có thể vì chủ quan và còn mang nặng tính địa phương, tôi cho rằng khoai lang dẻo không đâu sánh bằng đặc sản của Ấp Sầm Sơn ( thuộc Khóm An Lạc, Thành phố Đàlạt). Những lát khoai vàng lườm óng mật sắp xếp mỹ thuật trong từng túi nilon, được bày hàng trong trong Khu Chợ Mới Đàlạt là món hàng chiêu dụ khách du lịch nhiều nhất. Dân địa phương thì không cần thiết chuyện màu mè, chỉ mua cân ký và biết chọn khoai của từng vùng đất. Khoai mật vùng Định An ( Quận Đức Trọng, Đàlạt) cũng ngọt, dẽo . Nhưng dẫu sao, sành điệu, vẫn là khoai lang mật đất Sầm Sơn.
Ở đây thì mất quyền lựa chọn vì mặt hàng xuất khẩu đa dạng.
Những lát khoai bày biện khá mỹ thuật trong những bao nilon đủ màu sắc và được giới thiệu là sản phẩm của những địa danh trong nước. Có những địa danh tôi nghe rất lạ, cứ hoài nghi và không nghĩ là nơi đó có thể sản xuất khoai lang mật đạt vào hàng xuất khẩu. Rõ ràng là lộng-giả-thành-chân. Đa số được khéo léo tẩm mật đường và pha chút phẩm màu vẻ dáng. Cả một dãy hàng, tôi và anh cứ nhích ngang từng bước, cầm lên rồi bỏ xuống. Cuối cùng, tôi ( và anh) bỏ cuộc.
Không tìm được hương vị quê hương, chiều hôm đó, nhưng tôi tìm được nhân dáng quê hương qua câu chuyện làm quen với anh. Thì ra anh cũng là dân Đàlạt, lại là người đồng điệu với món bắp nếp, khoai lang dẻo với tôi.
Ngạc nhiên và hết sức thú vị khi anh cho biết, anh chính là dân gốc Ấp Sầm Sơn ngọt mật khoai lang, xanh mát những luống rau tươi góp phần làm nổi danh Thành Phố Mù Sương. Anh phải chọn lựa đắn đo những món ăn ruột thịt là chính vì như thế. Tôi đồng tình với anh.
Cũng như, khi còn ở quê hương, muốn thưởng thức hương vị ngọt ngào thanh cảnh của những trái Mận vàng ( hay đỏ) tươi, thì phải là Mận vùng Trại Hầm. Còn muốn cắn ngập, giòn tan để lắng lòng trong hương thơm chất ngất của những trái Hồng no tròn thì không thể quên giống Hồng độc nhất vô nhị của Ấp Đa Phú. Muốn tìm hương vị chua ( thanh) ngọt (lịm) hương vị Dâu Tây thì chắc chắn phải là những trái Dâu đẫy đà, no chắc của vùng Ấp Hà Đông. Cầu kỳ những món ăn đặc sản được chế biến từ các loại rau cải thì đừng quên những sản phẩm của vùng đất Ấp Tây Hồ, Sào Nam( nói chung là vùng Trại Mát) hay là khu Thánh Mẫu (Ấp Đa Thành). Bởi chưng, đặc sản của mỗi vùng có những vẻ dáng và hương vị riêng, góp phần, làm nên nét đặc trưng Đàlạt.
Khi về qua Đàlạt, nghe danh là Thành Phố Hoa Nở Bốn Mùa, cũng muốn nhìn cho thỏa. Đâu phải chỉ ngắm hoa là cứ vào Vườn Hoa Thành Phố ! Sao không ghé về vùng đất Ấp Thái Phiên. Dẫu là nơi đây, hoa chỉ trồng nhắm mục đích kinh doanh gây lợi nhuận, nhưng cứ hãy tìm đến nhìn ngắm cho thỏa lòng. Đứng trên đồi cao nhìn xuống thung lũng bạt ngàn những luống hoa đang sắp vào mùa thu hoạch. Hoa nở rộ đủ màu sắc rực rỡ, cứ tưởng như là một tấm thảm hoa trải dài. Nhất là giữa ánh nắng chiều vàng tơ nhung lụa chìm lắng trong không gian yên ắng, lòng bỗng nhiên tĩnh mặc, hòa nhập với thiên nhiên...
Hay là ngại đường xa, thì cứ việc thảnh thơi dạo qua những đường phố . Phải nói là, Đàlạt, con đường nào cũng có hoa – theo cả bốn mùa .
Kể cả mùa Đông giá lạnh, những con đường Đàlạt vẫn cứ rực rỡ vàng tươi màu sắc hoa. Riêng có một loài hoa rộ sắc giữa mùa Đông giá lạnh để tiếp nối cho đầy đặn câu chữ hoa-nở-bốn-mùa của thành phố quê tôi.
Đó là hoa Quỳ Hương ( Quỳ Hương là theo tên gọi cho có văn thơ của tôi thôi, chứ dân Đàlạt thì vẫn cứ thường gọi quen là hoa Quỳ) . Hoa hoang dại tự mọc tự tàn, đâu có ai thèm trồng nên cũng không thèm chăm sóc !. Cứ mỗi độ Đông về lạnh giá thì dáng hoa vàng rộ kiêu sa giữa nắng chiều vàng trên những con đường Đàlạt. Hoa chỉ rộ nở theo mùa Đông để rồi tàn theo mùa Xuân! Thân phận Quỳ Hương là tiếp nối cho đầy đặn danh xưng thành phố hoa-nở-bốn-mùa !
Với dân Đàlạt, nếu gợi nhắc tới hoa Quỳ Hương( hoa Quỳ) mà cứ ngẩn ngơ (dù chỉ một thoáng) thì thiệt là, xin lỗi, đâu phải là dân Đàlạt.
Tôi có nói với anh bạn cùng quê là tôi rất yêu và nhớ Quỳ Hương(của tôi nhưng của anh là hoa Quỳ) bởi vì tôi có rất nhiều kỷ niệm với loài hoa hoang dại này. Anh thật lòng hưởng ứng và chia sẻ cùng tôi cảm nhận riêng.
Theo anh, thì anh yêu hoa Quỳ nhất. Yêu, không chỉ vì gắn bó nhiều kỷ niệm mà yêu vì hợp tâm tính của anh. Muà Đông giá lạnh, khắt khe đến như thế mà tại sao hoa vẫn cứ nở, sung mãn. Hoa cứ rực óng một màu vàng thách thức với màu trời ảm đạm thê lương!
Và, một điều nữa, anh tâm sự . Đàlạt những ngày Đông giá lạnh, sao lạ, lại có những chiều nắng hanh vàng ! Màu nắng hanh vàng dịu nhẹ hoà nhập vào màu vàng rực rỡ hoa Quỳ tạo một không gian chìm lắng, sâu thẳm nhưng lại tràn đầy sức sống.
Màu nắng hanh vàng trải dài đồi núi hoà nhập vào màu hoa vàng rực rỡ dọc bên đường gợi lòng hun hút những suy tư, tầm mặc!.
Anh yêu những ngày Đông Đàlạt, không chỉ vì cái lạnh lùng se thắt để được ấm nồng bên lò than hồng . Nhưng, yêu, vì khi nhìn thấy những cụm hoa Quỳ rộ nở dọc dài theo những con đường đất làng quê giữa chiều Đông mượt nắng hanh vàng.
Những chiều như thế, anh thích được đi lang thang qua con đường gập ghềnh trong Xóm. Nhìn sắc hoa vàng óng và màu nắng vàng quyện lòng nhau, sao cảm thấy chính lòng mình cũng thanh thản, nhẹ nhàng...
Chiều nhạt nắng ở quê xa chẳng có gì thi vị. Nắng góc phố bên kia đường, mới vừa đó, lại nhạt nhòa bóng tối bên này. Đèn đường bật sáng. Buổi chiều như vậy đã gọi là qua, chấm dứt một ngày mỏi rời chuyện cơm áo đời thường.
Chiều, dù có nắng hanh vàng hay mưa rơi nhè nhẹ cũng chẳng gợi được điều gì.
Con người vô tình đã là cái máy tính thời gian qua những lần bật nhóa của chiếc đồng hồ dạ quang trước tay lái.
Như nếu chiều nay nắng không hanh vàng mà lại mưa, dù chỉ là cơn mưa dịu nhẹ gợi tình, trong lòng cũng trống trơn ngoài một ý nghĩ là đường sẽ kẹt xe. Lại phải gọi điện tin cho nhà biết khoảng thời gian ước lượng sẽ về được tới nhà. Gọi trước 9 giờ tối, cell phone vẫn đều tay chém. Tính toán chi li như thế thì còn đâu là nắng hanh vàng, là mưa bay dịu nhẹ, là Quỳ Hương( hay là hoa Quỳ). !
Anh cười ngất, khen tôi có tính hào sảng với đời thường cơm áo mà chi li với góc nhỏ của đời riêng. Ý anh nói là tôi có nhiều hội nhập sẽ rất mau là tên mỹ-da-vàng.
Anh ghi vội cho tôi địa chỉ nhà, hẹn một ngày gặp lại.
Khi vòng ra Exit để nhập dòng xa lộ, quả nhiên, dòng xe bắt đầu dồn lại chậm rì. Nhích đo từng thước đường xe kẹt, tôi có thời gian nhớ lại giây phút gặp gỡ tình cờ hi hữu vừa qua.
Và, giật mình, khi biết mình đã quên không ghi số điện thoại nhà cho anh.

Không có nhận xét nào: