tháng 11 14, 2008
VỀ QUA BAN MÊ THUỘT
gởi anh Phước và buônmathuột
tưởng nhớ anh Hàm và Buôn Trấp
Cả nhà đứng chờ khi xe vừa ngừng lại. Cháu Nhân cháu Hiền ùa ra phụ đở cho em Đào em Út Linh mấy cái valise to tướng, không kịp chào Chú. Tôi nhìn thấy anh đứng trong nhà, chị đứng ngoài hiên.
Banmêthuột thì đứng ngoài đường chờ tôi xuống xe, thanh toán tiền bạc, sửa lại dáng đi để đưa tôi vào lại ngôi nhà, mười-bốn-năm trước tôi đã chia xa, bây giờ trở lại.
Chị ôm choàng lấy tôi, mừng tủi. Anh xúc động nhưng vẫn cố giữ dáng bình tĩnh, cười, không phải với tôi mà với hai cháu :
- Út Linh đây hả ? Cu Đào đây hả ? Bác ngó không ra…
Tôi cũng ngó không ra dáng anh ngồi đó nói, cười vui vẻ. Cứ ngỡ với căn bệnh kéo dài từ bao năm, anh tàn tạ và sa sút nhiều ! Anh hồng hào và đẫy đà hơn xưa. Chỉ có giọng nói đôi khi hơi ngượng nghịu. Cử động tay chân vẫn có giới hạn, không lanh lẹ như ngày nào.
Khi tôi ồn ào chuyện trò cùng chị và hai cháu, tôi biết, anh vẫn đứng lặng thầm nhìn tôi. Mười bốn năm xa giờ trở lại gặp nhau trong hoàn cảnh và điều kiện không như ngày nào chia tay tay nhau cũng tại ngôi nhà này.
Ngôi nhà xưa xập xệ dang dở tường gạch, ván liền chung nay đã khang trang năm tầng lầu cao ngất. Đứng trên sân thượng nhìn ngó cả một vùng rộng lớn gần như là toàn cảnh thị xã Banmêthuột.
Anh xưa nhanh nhẹn nói cười nay cũng cười nói như xưa nhưng có nhiều giới hạn từ căn bệnh kéo dài nhiều năm không liệt giường liệt chiếu nhờ thuốc men đều đặn và nghị lực phi thường. Cả Thị xã vẫn nhìn thấy mỗi chiều, trong công viên, một người già lê từng bước khó nhọc dưới sự nâng đỡ của người con. Và nhiều tháng sau, những bước lê khó nhọc không còn có sự nâng đỡ khi người con vẫn ngồi trên một ghế đá công viên chăm chú theo dõi từng bước chân của người cha đầy nghị lực.
Rồi nhiều tháng sau, người con đã không cần phải ngồi ở ghế đá công viên chăm chú theo dõi những bước chân người cha bởi biết là cha đã làm chủ được những bước chân mình. Chỉ cần đón cha về khi cha đã quyết định giờ giấc.
Tháng đầu, đón sớm.
Vài tháng sau, đón trễ.
Và vài tháng nữa, sau đón trễ, là không cần phải đón. Bởi cha có thể, nhẩn nha, tự đi về một mình.
Khi tôi về thăm anh lịch trình sinh hoạt hằng ngày của anh đã, từ lâu, đi vào nề nếp bất di bất dịch.
Buổi sáng thức dậy( muộn)vì căn bệnh đã kéo ngược thời gian sinh hoạt. Đêm, anh không ngủ cho đến gần sáng. Ngày, thèm ngủ để trả giấc ban đêm.
Do đó đã quy định buổi sáng coi cháu nội cho bà và ba mẹ cháu quán xuyến lo liệu chuyện làm ăn liên doanh với tổng công ty cung cấp dầu ăn cho toàn thị xã và các tỉnh lân cận. Buổi trưa, chị lo miếng kiêng khem cho anh bỏ bụng. Sau đó, lên phòng riêng yên tĩnh, làm một giấc cho tới gần bốn giờ là ra công viên đi bộ giáp mấy vòng rồi tà tà trở về. Tắm rửa. Cơm chiều. Lên phòng đọc sách bốn bể năm châu vô hình trung trở thành nhà bác vật ( có nghĩa mọi vật cũng tạm được gọi là thông ). Cũng có nghĩa là nghe ai nói chi đó, một điều, thì cũng có khả năng bác vật diễn nghĩa thêm một(vài)điều(do đọc quá nhiều sách)bổ sung.
Cuộc sống của anh bây giờ chỉ có thuốc men hàng ngày. Sách đọc hàng đêm. Và ngày tháng mong chờ chú em sớm về gặp mặt kẻo mà không kịp !
Trước ngày dời xa quê hương, tôi có lên thăm anh chị và các cháu nhân tiện tìm chia tay bạn bè năm tháng thời trung học. Cũng nhìn ngó lần cuối bamêthuột. Đêm họp mặt cuối cùng ở nhà anh có những người bạn còn sót lại sau cuộc bể dâu. Hồ việt Thống, Hoàng văn Đức, Nguyễn Châu và chú em Phùng ngọc Cữu . Lê huy Yết, Lê ngọc Lâm bận bịu chuyện nhà không về phó hội. Phù tường Mậu thì không phải chờ vì chắc là không đến !
Khi đã chếnh choáng men say nửa đêm thị xã ánh điện vàng mờ đục hơi sương anh hào hứng mở tủ lấy chai rượu quý cất giữ từ bao năm để , tuyên bố mở đầu màn hai, tiễn chú lên đường. Cả bọn nhìn nhau lắc đầu le lưỡi e sợ lên đường không nổi. Tôi cầm chai rượu xin hẹn anh sẽ cạn cho một lần về hội ngộ, cũng tại ngôi nhà này.
Chai rượu được cất giữ từ rất nhiều năm để chờ ngày hội ngộ.
Hình ảnh đêm chia tay trước sân nhà dưới ánh điện vàng khuya thị xã vẫn còn cất giữ rất lâu và rất mãi trong đời.
Những người bạn nắm tay tôi tiễn biệt trong đêm khuya thị xã ngày nào đã không thể, không còn giữ được độ ấm nồng ! Tôi thì chỉ đi xa, xa quá nửa địa cầu. Hồ việt Thống, Hoàng văn Đức, Nguyễn Châu thì lại đi xa, xa quá, để chẳng bao giờ còn được gặp nhau !
Phùng ngọc Cữu thì lưu lạc về xứ Sàigòn với các con và các cháu. Chú em ngày xưa nay đã lên hàm ông ngoại.
Ngôi nhà xưa đã là ngày nay, cao ngất bề thế , nhìn không ra.
Banmêthuột đã thay hình đổi dạng.
Chỉ còn anh và tôi [ cũng tại ngôi nhà này].
Cái còn lại gặp lại nhau , theo thời gian, cũng có nhiều mất mát.
Anh bệnh hoạn, xuống sức trẻ đêm khuya nào hào hứng mở tủ lấy chai rượu tuyên bố mở đầu màn hai.
Tôi chưa ( sẽ ) bệnh hoạn nhưng thời gian cũng đủ để run tay cầm chai rượu đêm khuya nào xin hẹn anh sẽ cạn cho một lần về hội ngộ.
Chai rượu, đêm khuya của năm xưa, cứ vẫn còn nguyên dáng, đợi chờ !
Buổi cơm chiều hội ngộ sau mười bốn năm chia xa anh trân trọng lấy chai rượu và nhắc lại chuyện năm xưa cho cả nhà cùng nghe.
Chuyện xưa tích cũ bao giờ cũng hay bởi vì tự nó đã có những tình tiết hấp dẫn để tô bồi nên câu chuyện. Rằng thì là ngày xưa có bạn hữu đông vui của chú hẹn ngày tái ngộ cạn chai tương phùng. Nay thì bạn hữu người thì đi quá là xa, người thì đi xa, người thì ở gần mà xa. Ai chuốc rượu cùng ai cho cạn chén tương phùng!
Phút giây hội ngộ, cuối cùng, chỉ còn có hai anh em người thì bệnh hoạn kiêng khem đủ thứ trên đời người thì sồn sồn ngó bộ, giỏi lắm, cũng chỉ cạn được một ly hay , giỏi quá quá giỏi, hai ly qua ly thứ ba chắc nằm chơi mệt nghỉ(thở).
Cả nhà hào hứng nghe mà cũng náo nức lo khi anh tuyên bố khui chai mừng hội ngộ, có nói thêm là, đoàn viên.
Tiếng cười anh rộn rã, tiếng nói hào sảng khi anh cầm chai rượu run run . Không ai nỡ nói lời ngăn cản trong phút giây anh đang vui mừng. Cả nhà thầm lặng nhìn tôi, chờ đợi…
Anh đã chờ đợi tôi mười năm như lời hẹn ước bên thềm nhà cũ một đêm nào. Tôi đã không tròn lời hẹn ước lại trễ thêm bốn năm. Bốn năm là khoảng thời gian không dài nhưng chậm quá rồi, cho những ước mơ xưa! Nếu tôi về đúng dịp mười năm như ước hẹn thì chai rượu sẽ cạn cho đầy ý nghĩa buổi đoàn viên. Dẫu không còn có bạn bè như năm xưa nhưng vẫn còn có anh, có thêm anh Hàm đang ở vùng kinh tế mới cách thị xã Banmêthuột không xa. Gọi ới nhau chưa đầy nửa tiếng đường xe. Ba anh em sẽ ngồi lại bên nhau suốt một đêm dài…
Nhưng đã muộn rồi! Anh vừa mới ngã bệnh khoảng thời gian hơn ba năm. Anh Hàm thì vừa mới ra đi năm ngoái. Tôi thì chỉ mới vừa về!. Chai rượu mười năm chờ đợi đã hóa nỗi đau dằn xé trong lòng tôi và anh. Dù ngoài mặt nói cười hào sảng hẹn nhau cạn chén tương phùng nhưng vẫn cứ giấu trong lòng một sự thật đắng cay còn hơn chất rượu. Anh bây giờ một ly cũng gắng gượng tôi giỏi hai ly cũng đủ đoạn trường. Thời gian đã bào mòn sức lực và lấy đi hình dáng trẻ đêm xưa bên thềm nhà cũ. Banmêthuột ngày tôi về lại, đã hoàn toàn thay đổi không còn nhận được nét quen xưa. Anh ngày tôi về cũng đã…
Thôi thì cạn một ly tương ngộ. Một ly thôi cho chai rượu mười-bốn-năm chờ đợi không còn buồn tủi. Ngấn còn lại xin dành để cho anh Hàm. Ngày mai hai anh em vào thăm sẽ dành ưu tiên cho anh ấy cạn chai. Kẻ đi xa bao giờ cũng được phần hơn. Hồi còn nhỏ bữa cơm nào có người vì lý do nào đó không kịp về thì thường được dành phần cơm nhiều hơn, thức ăn chọn lựa. Coi như là phần ưu tiên cho người đi xa. Bây giờ anh Hàm đã đúng nghĩa đi xa, phần ưu tiên xin cứ đúng lệ nhà, dành hết cho anh ấy.
Cả nhà nhẹ nhỏm khi nghe anh tuyên bố :
- Cũng được. Làm một ly hội ngộ.
Mấy cháu lăng xăng lấy hai cái ly nhỏ để lên bàn. Anh không chịu, đòi ly lớn. Cháu Nhân nói :
- Ba muốn uống ly lớn là phải pha soda mới đúng điệu. Để con đi lấy soda.
Tôi ngại một điều là lấy ly lớn mà anh lại đổi ý không chịu đúng điệu thì chắc là không phải là ly lớn mà là chuyện lớn nên năn nỉ :
- Thôi mà anh ! Đã gọi là ly rượu mừng hội ngộ mà pha soda loãng ra thì đâu có còn ý nghĩa. Làm một ly nhỏ mà nguyên chất cho nó đậm đà. Nguyên chất đi !
Anh nhìn tôi một thoáng, rồi nói :
- Cái thằng ni ! Nói nhiều quá! Thôi, rót rượu. Rót đầy.
Tôi có được phút giây hạnh phúc uống cùng anh ly rượu hội ngộ là vào buổi chiều tháng 8 khi Banmêthuột đang bước vào mùa mưa tại căn nhà một thời tôi đã sống suốt tháng, năm dài thời trung học. Thời gian đẹp nhất của tuổi học trò.
Trở về Banmêthuột là trở về tìm lại những ngày xưa. Trở về níu giựt thời gian để gặp lại anh sợ là không kịp như đã không còn kịp để gặp lại anh Hàm.
Với anh thì còn kịp, được gặp anh rồi, được cùng uống với nhau ly rượu mừng vui hội ngộ.
Với anh Hàm, tôi chỉ còn có nỗi ngậm ngùi ! Xin được, nhân chuyến về thăm này, gởi đến anh Hàm những điều tôi viết về anh mà chưa kịp gởi…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét