tháng 11 14, 2008
…chai rượu mười bốn năm cất giú, nay đã thỏa lòng.
Và giai thoại về cái áo-lộn-cổ cũng được thỏa lòng luôn.
…cả nhà đang chuyện trò vui vẻ nhắc nhớ ngày xưa thì anh vỗ vai tôi, giọng anh hào hứng :
- Nì, mi còn nhớ cái áo của ai đây không ?
Tôi quay lại, nhìn thấy anh đang mặc chiếc áo chemise vải trắng, mỏng, có sọc dài màu xanh nhạt. Thoáng nhìn phút giây, tôi nhớ ra liền…
Cái áo liền thân suốt một khoảng thời gian khá dài, thời khốn khó, làm sao quên ! Nhà Tôi đã mua từ sạp quần áo cũ ở chợ Trời cầu thang Chợ Đàlạt. Ngoài bộ vest màu xanh đậm ( chưa nỡ hay chưa tới hồi ) đem bán chợ Trời để đổi cơm gạo nuôi con, tôi còn được sắm thêm cái áo trắng sọc xanh này. Tôi nghĩ là Nhà Tôi không nỡ, vì bộ vest đã có nhiều kỷ niệm thuở về-với-nhau . Cũng không nỡ để tôi mặc áo vest mà trong thì trần sì cái…áo da ! Cho nên sắm thêm cái áo này để gọi là liền bộ. Ngoài thì áo vest, trong thì có áo chemise. Dẫu không là áo trắng cho hợp thời trang nhưng cũng nhờ nhợ màu trắng, dẫu có thêm mấy sọc xanh thì cũng cứ coi như là kiểu cách tân trong thời buổi gạo châu củi quế. Không có cái ăn nhưng cũng tạm thời có cái mặc tạm gọi là tươm tất để lễ-nghĩa với đời. Mà đúng thiệt ! Đi tới chỗ làng nước, họ hàng có thêm bộ cánh cũng thấy mình trân trọng mình mà mọi người cũng vui lòng vì thấy mình được trân trọng. Dẫu chỉ là hình thức nhưng lễ nghĩa bao đời vẫn giữ. Giấy rách vẫn giữ lấy lề mà ! Kẹt nỗi, không lẽ cứ diện bộ cánh quanh năm ! Chỉ có dịp cưới hỏi mới lên bộ. Cúng giỗ, thôi nôi, bạn lâu ngày tới thăm, ông bà nhạc tới nhà, tiếp khách lạ, quen.... Đại khái,những ngày có những sự kiện khác hơn ngày thường là phải buộc lòng tươm tất chút đỉnh.
Tươm tất có nghĩa là vượt hơn thêm cái không tươm tất hàng ngày. Không thể đóng bộ để làm cho nhau ngượng ngùng vì lễ nghĩa quá đáng thành ra lúng túng. Chỉ cần tươm tất hơn mọi ngày.
Vì vậy mà cái áo màu nhờ nhợ trắng có sọc xanh dài là cái áo liền thân trong suốt, suốt, chiều dài thời gian khốn khó. Nó không liền đôi liền cánh ( hay chỉ rất là thi thoảng ) với với bộ vest màu xanh đậm mà Nhà Tôi không nỡ bán. Nó thiệt sự liền (da)thân với tôi trong những lúc cần nên tươm tất. Thậm chí, có những lúc ngồi một mình uống ly cà phê, thưởng thức tách trà, nhâm nhi ly rượu cũng mặc áo để..tìm hương phong nhụy ngày nào !
Lấn lướt thời gian, chiếc áo đã không làm nên phong nhụy mà trở phong sương làm nên tiều tụy ! Lớp vải vốn mỏng, đã mỏng thêm ! Màu trắng nhờ vốn có đã nhờ nhạt thêm ! Sọc xanh xưa xanh đậm rỡ ràng đã ngả màu nhàn nhạt phong sương !
Và thê thảm quá chừng đổi là cổ áo, lâu ngày không nổi chịu, đã sờn ! Sờn, không hẳn nghĩa là rách. Chỉ là tưa, là sưa, là lưa thưa vải không níu tới sợi.
Nhà tôi đã có sáng kiến thần sầu là kéo ngược thời gian làm mới cái cổ áo sờn.
Tháo chỉ ra, trở ngược cổ áo từ sau đàng trước, may liền lại. Thiệt như trò ảo thuật !.
Cái cổ áo sờn tưa đã liền da thắm thịt, mới toanh.. Nhà Tôi, bằng vào sự khéo léo nữ-công-gia-chánh-công-dung-ngôn-hạnh, đã lật cổ áo cũ để làm nên cổ áo mới. Nhưng nếu lật ngược lên, nhìn phía sau, thì thấy những rõ vết sờn hằn đau xưa, cũ. Mỗi khi tôi mặc, vẫn thấy rất là tươm tất.
Vào khoảng thời gian tôi không còn dịp để tươm tất ở quê nhà nên đem lên gởi ( hay cho, hay biếu ! ) anh. Thời buổi bấy giờ miếng no chưa có miếng ấm chưa có chia sẻ với nhau là lòng lớn hơn trời rộng. Anh giữ cái áo và tôi giữ niềm vui khi anh cười đón nhận. Cái áo, vậy là, đã chuyền tay cùng với khoảng thời gian tôi lên thăm anh lần cuối trước lúc chia xa…
Như một món quà, để, anh giữ làm kỷ niệm.
Mười-bốn-năm tôi về lại. Anh mặc cái áo năm xưa hỏi tôi là áo của ai ! Tôi nhận biết liền và không tránh được niềm cảm xúc. Cái áo vẫn như ngày nào chứng tỏ anh không thường mặc, anh chỉ giữ gìn. Chỉ giữ gìn thôi, như đã giữ gìn mọi điều tốt đẹp, sức khỏe và thời gian để chỉ mong được gặp lại em một lần sau một lần xa .
Và anh em mình đã gặp lại nhau.
Xin anh, cứ giữ mãi cái áo này.
(…trong xúc động nghẹn ngào tôi không nén được cười khi anh nói : “ mi nói chi thì nói. Tau chỉ nói, đây, là cái áo lộn cổ”. )
***
Về qua Ban Mê Thuột chỉ vỏn vẹn hai ngày. Không đủ thời gian để dàn trải nổi lòng người xa.
Chỉ kịp ghé thăm trường cũ.
Anh xe thồ hỏi tôi thời gian bao lâu để trở lại đón. Bao năm anh về chắc là có nhiều điều cần biết, nhiều người cần gặp. Anh cứ tự nhiên, tôi sẽ chờ.
Tôi nói anh chỉ chờ tôi một chút thôi rồi tôi đi.
Cổng trường xưa đã giấu, mất dấu ( nghe từa tựa như là yêu dấu, nhưng không, nghĩa ở đây là mất dấu, là không còn )
Dãy phòng học ngày xưa thay đổi ( nghe mường tượng như là thay lòng đổi dạ ).
Sân trường xưa đã mất ( tiếng, mất, thường mang tâm trạng xót, đau )
Nói chung, khi về nhìn lại trường cũ, lòng không được thanh thản và buồn. Đã hoàn toàn thay đổi.
Tôi yêu cầu anh chở tôi về quán Đô Thành, tất nhiên là tên quán ngày xưa, ở ngả tư đường Quang Trung & Y Jut. Tôi tâm sự với anh, lâu lắm rồi, tôi về lại chốn xưa uống ly cà phê đen và nhìn phố cũ. Anh xe thồ nhìn tôi một thoáng, im lặng thở dài. Xe ngừng lại ở nơi cần đến. Quán Đô Thành đã không còn, nay là nhà Ngân Hàng Nông Nghiệp rộng lớn. Nhìn qua rạp hát Lô Đô, nay là một bãi ủi đất bằng chờ xây dựng. Nhìn chéo qua khu đất đang san bằng ngổn ngang đá, gạch. Giật mình nhớ lại, đây nơi xưa là trường tiểu học Nguyễn Công Trứ ! Bây giờ …! Tôi thẩn thờ nhìn qua phía bên kia đường ( Phan Bội Châu cũ). Ngôi đình Lạc Giao vẫn còn nhưng bé nhỏ lạc loài giữa những dãy lầu cao.
Tôi cũng cảm thấy lạc loài bơ vơ giữa buổi chiều thị xã trời vần vụ mây đen!.
Cũng là trời mây của những buổi chiều thị xã vào mùa mưa như ngày nào nhưng cảnh quang giờ đây đã hoàn toàn thay đổi!.
Nhìn không ra cái ngả tư Phan Bội Châu – Tôn Thất Thuyết ( nay là Lê Hồng Phong ).
Cái ngả tư gởi nhiều kỷ niệm những đêm khuya nhóm bạn ( Hồ việt Thống, Đoàn văn Trường, Phùng ngọc Long, Hùynh bá Phẩm, Phạm phú Thái… ) ngồi học bài thi dưới ánh đèn đường . Nhà Hồ việt Thống ở quá ngả tư vài chục bước nên được chọn là tụ điểm để hàng đêm nhóm bạn đến ôn bài. Cả bọn thường ra ngồi dưới cột điện ở ngả tư để dùi mài kinh sử. Thường thì nửa đêm, có khi về nhà Hồ việt Thống, có khi chị Ngọc Anh mang nồi cháo trắng ra ngả tư này để cả bọn giành nhau la hét cãi cọ um sùm chén to chén nhỏ, múc ít múc nhiều. Chữ, nuốt, thì chưa biết được bao nhiêu trong bụng nhưng cháo khuya thì đứa nào cũng ( hay cũng vừa, đủ ) cành hông.
Giành nhau miếng cháo khuya ngày đó thì cứ coi như là đứa nào cũng đồng đều, ấm bụng. Giành khoa bảng để dọn đường sau này cho có cảnh ông Trạng vinh qui thì , ngày đó, chỉ có Phùng ngọc Long, Đoàn văn Trường bỏ cuộc . Hai đứa bạn của tôi đã vào đời ( rồi cũng bỏ đời! )sớm nhất trong lớp bạn cùng trang lứa.
Chị Ngọc Anh không biết bây giờ ở nơi đâu?. Tình cờ có đọc những dòng chữ này, nhớ tìm thăm…
Đó là mới chỉ nhìn thấy một con đường thôi, đã bồi hồi nhớ nhiều kỷ niệm đủ để ngậm ngùi. Đi cho hết những con đường thị xã, kỷ niệm xưa hành hạ chắc là ngậm ngùi không nổi chịu…
Có tìm thăm Hoàng văn Đức. Hai đứa ngồi nhìn nhau, thầm lặng. Tấm ảnh thờ ngó trẻ trung lành lặn đâu có phong sương phờ phạc như ngày gặp nhau lần cuối !
Dòng đời cứ trôi đi…Con đường đất đá gồ ghề um tùm cây cỏ dẫn xuống khu Trần Hưng Đạo, nhà bạn tôi, ngày nào bây giờ khang trang rộng lớn vẻ dáng tươi mát tân kỳ nhìn không ra xưa cũ. Cháu Nhân chở tôi đi vòng vo quanh quẩn gần cả tiếng đồng hồ, hỏi thăm người trong xóm, ai cũng lắc đầu không biết!. Hóa ra là người xóm cũ đã đi xa, người xa lạ thì về xóm cũ. Cuối cùng, tưởng là bỏ cuộc lại may mắn hỏi được một người cũ chưa đi xa. Lại hỏi trúng ngay nhà bạn. Tôi ngỡ ngàng. Căn phòng cũ, gần sát hàng rào, nơi hai đứa ngày nào thức trắng đêm chuyện trò nay là phòng khách khang trang . Bạn tôi vẫn ngồi đó, tính ra, cũng gần mười-ba năm rồi ! Ngồi một mình ngó cái bát nhang rồi ngóng bạn bè! Nay có bạn chí cốt về thăm, thấy bạn xưa vẫn còn trẻ trung lành lặn, chỉ có điều sao thầm lặng quá! Ngày xưa, gặp nhau ồn ào, sôi nổi…
Giữa mùi khói nhang quyện nỗi buồn hiu. Gặp nhau chiều hôm đó, trời thị xã dọa đổ cơn mưa, mây vần vũ xám ngắt. Ngồi lại với nhau một lát thôi, rồi lại chia tay. Hồi đó chia tay, bắt tay. Chiều nay, chia tay, không còn có bàn tay của mày cho tao nắm bắt, cho tao chia ấm nồng tình bạn. Chỉ có ánh mắt nhìn…
Không ghé thăm Hồ việt Thống được vì nó ở Phước An, xa. Nó cũng đang ngồi một mình ngó bát nhang rồi ngóng bạn bè!. Thời gian hạn hẹp quá ! Vỏn vẹn chỉ có hai ngày ở Ban Mê Thuột !.
Không ghé Suối Đốc Học thăm Phùng ngọc Long vì chú em Phùng ngọc Cửu đã đưa nó về Sàigòn. Biết là nó cũng đang ngồi một mình ngó bát nhang rồi ngóng bạn bè nhưng cách chi còn có thì giờ để tìm thăm !
Chỉ còn lại, ngày xưa, là quán phở Tân Hiên. Quán cũng như tên, ngày nào, vẫn không thay đổi. Vậy mà cũng không có thì giờ để vào tìm lại hương vị bát phở ngày xưa !...
***
Tôi rời xa Ban mê thuột vào buổi tối trời mưa như thác. Cháu Lễ lái xe vòng vo qua những con đường ý chừng như để cho chú nhìn lại những hình ảnh ngày xưa. Loáng thoáng những ánh điện mịt mờ dưới làn mưa trắng xóa, có nhìn thấy gì đâu, thị xã của ngày chia xa và ngày trở lại !
Phi trường Phụng Dực cũng đổi dáng, nhìn không ra.
Chỉ có ngày xưa còn giữ lại khi hai chú cháu ôm nhau nghẹn ngào lời chia tay. Tình cảm thương yêu vẫn như ngày nào…Ngày nào, cháu còn bé tí nay đã cao lớn , vẻ dáng phong trần. Nhìn cháu lại nhớ, cũng ở Phi Trường Phụng Dực, lần chú tuổi thanh xuân, chia tay Ban mê thuột để nhập cuộc vào đời…
Tuổi thanh xuân đã một lần chia xa. Tuổi cuối chiều thêm một lần chia xa.
Có khoảng thời gian nào để hẹn lần, nữa, về qua Ban mê thuột !
Về qua Ban mê thuột
tháng 8/08
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét