tháng 9 12, 2008

VỀ TỚI NHATRANG


gởi Ba Mạ Len Em

Xe phải ngừng lại ở ngả ba đường lớn không thể vào được đường nhỏ chằn chịt vòng vo trong xóm. Ở ngả ba này hồi đó ngó thẳng vô là cái chuồng bò thật lớn bên cạnh có giàn thanh long cũng to lớn ngang bằng lá xanh tua tủa và trái đỏ nặng đòng sát đất. Bây giờ xa lạ một dãy nhà cao trơ cây kiểng chỉ có nắng bu vàng tưởng nức vách nẻ sân.

Dượng Phú đón tôi ở ngả ba này.
Ngó cũng như ngày nào không khác duy chỉ có rám đen và hình như có thêm chút già nua thoáng gợn mà chưa thành chưa làm rõ nét để biến dạng dung nhan.
Vì ngồi trên chiếc honda đang gầm rú chực chờ tháo chạy nên chi hai đứa tôi và Dượng chẳng tiện ôm nhau thắm thiết cho lần gặp mặt. Mười bốn năm xa chứ ít gì !
Tánh khí trương phi vẫn như ngày nào :
- Anh lên đây em chở về nhà . Lên xe !
Lên sao được mà lên! Còn Chị với hai đứa cháu thêm hiền nội của Dượng đứng giữa nắng chang. Còn bốn cái valise to tướng anh một cái Chị một cái hai đứa cháu hai cái chờ chuyển vô nhà. Đường tráng ciment trơn láng nên quyết định kéo lê.
- Dượng cứ vô nhà trước đi. Anh Chị với hai cháu đưa hành lý vô sau. Vô trước đi!
Dượng rú ga vọt thẳng một đoạn quẹo phải mất dạng. O ngó theo nói theo :
- Chắc là chưa ngủ trưa chưa trả giấc nên chi rứa !
O quên là lúc xe tới Mả Vòng có ghé vô quán tìm bữa cơm trưa. Cả nhà nôn nao không ai thấy đói nhưng phải ghé cho chú tài xế no bụng để còn trở về Đà Lạt kịp giờ trước tối. Đưa điện thoại hối O gọi về cho Dượng là người yêu đã tới với biển khoảng chậm lắm nửa tiếng là tới với nhà. Tiếng Dượng reo vui khi biết có anh chị và hai cháu cùng chuyến về thăm như vậy là Dượng đã trả giấc trưa rồi chớ O còn ngó theo nói theo chi nữa.

Dợm kéo valise lại nghe tiếng xe honda thấy cháu Tony vừa chồm tới to lớn dềnh dàng Cậu nhìn không ra ngày nào còn nhỏ xíu leo hái dừa xiêm cho Cậu bây giờ chắc leo không nổi nữa rồi!
- Con vô trước đi. Vô nhà rồi nói chuyện sau. Cậu kéo được mà. Vô trước đi !
Cháu rú ga vọt thẳng một đoạn quẹo phải mất dạng. O ngó theo nói theo :
- Chắc là đi làm về chưa ăn uống chi nên rứa!
O lại quên nữa rồi ! Bây giờ là hơn hai gần ba giờ chắc ý O muốn nói là chưa ăn bữa chiều mà cũng không hiểu chuyện một người ngủ chưa trả giấc với chuyện một người chưa ăn uống chi nó có dây mơ rể má với cái chuyện rú ga vọt thẳng rồi quẹo phải mất dạng !
Ôi dào chuyện O thì O biết cứ vô nhà tránh cái nắng hầm dông.

*

Ngôi nhà cũ có phép thần thông biến hóa thành ngôi nhà khang trang tầng cao chất ngất rào ngõ phong kín đường vô có hai chú thím chó nhỏ con chút xíu mà giọng sủa vang trời dậy đất . Có giàn bông tường vi trưởng giả đang len lén leo tường. Đường vô nhà cũng có phép tàng hình hóa đường ciment rộng thoáng không còn cát lún bước chân đi chồm tới rướn người nghiêng ngả. Sạch boong không còn lá dừa khô lá cây trứng cá lá cây ô ma ( cứ quen gọi là ổ gà ) lá cây xoài lá cây vú sữa lá cây đu đủ lá cây mảng cầu vương vãi trên đường. Chỉ có nắng dọi đường ciment nên nắng nóng ran. Và gió biển bị chận ngang từ những ngôi nhà cao tầng không mang tới mát dịu hiu hiu. Không mang trọn mùi biển mặn mà hình như chắc chắn là có pha lẫn mùi ciment bê tông cốt sắt mùi kiến trúc thị thành. Một mùi hương xa lạ quá sau mười bồn năm về tới Nhatrang.

Tôi khó lòng trang trải nỗi niềm khi không còn thấy những cây trứng cá rải rác dọc đường đi qua thành phố không thấy vẻ dáng trầm mặc những ngôi nhà nằm khuất lấp trong sân gạch râm mát bóng dừa xiêm lấn cao hơn những tàng cây ăn trái bên cạnh cái giếng nước muôn đời mang vẻ dáng nhatrang gắn bó không rời trong sinh hoạt hàng ngày của người dân xứ Biển.

Mỗi miền mỗi cảnh mỗi người mỗi quê dù đã từng ở nhatrang tuy thời gian gom lại không đủ độ dài để hòa nhập bản xứ nhưng cũng đủ để chia xớt ấm nồng và chan hòa rung động khi thoáng nhìn một vẻ dáng thân quen nhưng tôi biết nhớ và biết lòng mình còn mặn mà với nhatrang qua hình ảnh một-cái-giếng.

Đúng vậy với tôi cái-giếng-là-nhatrang-là-cái-giếng.

Tôi không đi nhiều lắm nhưng có đi được nhiều nơi trên mọi miền đất nước đâu phải miền nào cũng có giếng nhưng nếu miền nào mà có giếng. Là tôi nhìn giếng nước lại nhớ nhatrang nhưng sẽ không nhớ lắm hay chỉ thoáng nhớ nhatrang khi qua các miền cũng nhìn thấy lá me rơi nhìn bông phượng đỏ nhìn bông điệp vàng nhìn biển cát nhìn nắng đường nắng chợ nắng biển nắng rát đầu nắng cháy da. Chỉ thật sự tha thiết nhớ da diếc nhớ nhatrang khi bất chợt nhìn thấy cái giếng ở bất cứ miền đất nào miền núi cao miền biển nắng miền đồng bằng miền sông rạch…

Nỗi nhớ giếng-nước-nhatrang của tôi nghĩ cũng thiệt lạ kỳ như cái lạ kỳ của bao đời người nhatrang tắm giặt cũng ra giếng nước vo gạo nấu cơm rửa rau lóc cá bóc tôm xả thịt vặt lông vịt nhổ lông gà cũng ra giếng nước người xa đến thăm nhà cũng ân cần mời ra giếng nước dội miếng cho giạt nóng mát người trước khi ngồi với nhau bên ly trà ấm giọng ly rượu ấm lòng nhắc nhớ làng xưa xóm cũ chuyện tình yêu trai gái cũng tìm ra giếng nước để thầm thì to nhỏ dưới trăng khuya vằng vặc nếu không trăng thì có sao trời không sao trời thì có tàng cây che khuất có giếng nước chỉ nghe mà không hề thóc mách.

Đời sống gắn bó gắn chặt và bó sát với nhau như chim liền cánh cây liền cành cũng phần nào giải tỏa sự lạ kỳ để được diễn nghĩa như là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống còn của bao thế hệ. Thời gian tích lũy lâu dài trở thành hình tượng bất khả phân.

Nhatrang nhà nào mà không có giếng nước !
Giếng nước nào mà không có trước sân nhà người nhatrang !

Giếng-nước-nhatrang không chỉ chứa nước trong xanh mát rượi mà còn chứa vô vàn kỷ niệm của mỗi người dân nhatrang từ ấu thơ cho tới tuổi già nua quá vãng.

Không có nhận xét nào: