tháng 9 12, 2008
VỀ TỚI NHATRANG
gởi Len Em
rỗ sò huyết dậy mùi biển Nhatrang
gió Đồng Đế đỏ lò than khỏi quạt
Len Em nói Cậu bây giờ không khác
mười-bốn-năm về ngó “mướt” hơn xưa
Dượng ngồi bên O cời than giữ lửa
chạnh lòng chi sao tằng hắng dữ hè !
về tới Nhatrang bỗng dưng thấy trẻ
sóng bạc đầu nhưng Biển có già đâu !
lửa nóng ran sò huyết chờ lâu
thôi cụng trước lon beer mừng hội ngộ
cụng trước hiên nhà mát lừng cơn gió
biển ngày nào níu gọi tình nhau
tô bún bò Huế xưa ít thịt nhiều rau
con cá nướng trui chia đều không đủ
giàn mướp đương hoa trước sân nhà cũ
giếng nước trong dội mát buổi chiều
Đồng Đế nhà xưa vét cháy cạo nồi
dĩa cá kho chia đời nhau thấy tội
Cậu ôm cháu hẹn mười năm về tới
trể bốn năm rồi đó Len Em !
là mười bốn năm về lại lối quen
không thấy hàng dừa xiêm oằn trái
mất dấu những con đường quê lún cát
giàn mướp xưa gọi nhớ ngày xưa đâu !
giếng nước trong xanh nay cũng đục ngầu
nhà cũng đã lên tầng cao chất ngất
ngỡ thời gian theo dòng đời lạc mất
vẫn CònThươngRauĐắngMọcSauHè (*)
về tới Nhatrang bỗng dưng thấy trẻ
sóng bạc đầu nhưng Biển có già đâu !
dĩa sò huyết dẫn đầu cuộc nhậu
Dượng chia O rước ngọt nhiều hơi
Cậu ghé ngồi vô chia ké nụ cười
chụp tấm ảnh để giữ làm kỷ niệm
mai mốt là xa dặm ngàn sông biển
nhớ nụ cười còn để lại nhatrang…
Đồng Đế,Vĩnh Hải tháng 07/08
VỀ TỚI NHATRANG
gởi Ba Mạ Len Em
Xe phải ngừng lại ở ngả ba đường lớn không thể vào được đường nhỏ chằn chịt vòng vo trong xóm. Ở ngả ba này hồi đó ngó thẳng vô là cái chuồng bò thật lớn bên cạnh có giàn thanh long cũng to lớn ngang bằng lá xanh tua tủa và trái đỏ nặng đòng sát đất. Bây giờ xa lạ một dãy nhà cao trơ cây kiểng chỉ có nắng bu vàng tưởng nức vách nẻ sân.
Dượng Phú đón tôi ở ngả ba này.
Ngó cũng như ngày nào không khác duy chỉ có rám đen và hình như có thêm chút già nua thoáng gợn mà chưa thành chưa làm rõ nét để biến dạng dung nhan.
Vì ngồi trên chiếc honda đang gầm rú chực chờ tháo chạy nên chi hai đứa tôi và Dượng chẳng tiện ôm nhau thắm thiết cho lần gặp mặt. Mười bốn năm xa chứ ít gì !
Tánh khí trương phi vẫn như ngày nào :
- Anh lên đây em chở về nhà . Lên xe !
Lên sao được mà lên! Còn Chị với hai đứa cháu thêm hiền nội của Dượng đứng giữa nắng chang. Còn bốn cái valise to tướng anh một cái Chị một cái hai đứa cháu hai cái chờ chuyển vô nhà. Đường tráng ciment trơn láng nên quyết định kéo lê.
- Dượng cứ vô nhà trước đi. Anh Chị với hai cháu đưa hành lý vô sau. Vô trước đi!
Dượng rú ga vọt thẳng một đoạn quẹo phải mất dạng. O ngó theo nói theo :
- Chắc là chưa ngủ trưa chưa trả giấc nên chi rứa !
O quên là lúc xe tới Mả Vòng có ghé vô quán tìm bữa cơm trưa. Cả nhà nôn nao không ai thấy đói nhưng phải ghé cho chú tài xế no bụng để còn trở về Đà Lạt kịp giờ trước tối. Đưa điện thoại hối O gọi về cho Dượng là người yêu đã tới với biển khoảng chậm lắm nửa tiếng là tới với nhà. Tiếng Dượng reo vui khi biết có anh chị và hai cháu cùng chuyến về thăm như vậy là Dượng đã trả giấc trưa rồi chớ O còn ngó theo nói theo chi nữa.
Dợm kéo valise lại nghe tiếng xe honda thấy cháu Tony vừa chồm tới to lớn dềnh dàng Cậu nhìn không ra ngày nào còn nhỏ xíu leo hái dừa xiêm cho Cậu bây giờ chắc leo không nổi nữa rồi!
- Con vô trước đi. Vô nhà rồi nói chuyện sau. Cậu kéo được mà. Vô trước đi !
Cháu rú ga vọt thẳng một đoạn quẹo phải mất dạng. O ngó theo nói theo :
- Chắc là đi làm về chưa ăn uống chi nên rứa!
O lại quên nữa rồi ! Bây giờ là hơn hai gần ba giờ chắc ý O muốn nói là chưa ăn bữa chiều mà cũng không hiểu chuyện một người ngủ chưa trả giấc với chuyện một người chưa ăn uống chi nó có dây mơ rể má với cái chuyện rú ga vọt thẳng rồi quẹo phải mất dạng !
Ôi dào chuyện O thì O biết cứ vô nhà tránh cái nắng hầm dông.
*
Ngôi nhà cũ có phép thần thông biến hóa thành ngôi nhà khang trang tầng cao chất ngất rào ngõ phong kín đường vô có hai chú thím chó nhỏ con chút xíu mà giọng sủa vang trời dậy đất . Có giàn bông tường vi trưởng giả đang len lén leo tường. Đường vô nhà cũng có phép tàng hình hóa đường ciment rộng thoáng không còn cát lún bước chân đi chồm tới rướn người nghiêng ngả. Sạch boong không còn lá dừa khô lá cây trứng cá lá cây ô ma ( cứ quen gọi là ổ gà ) lá cây xoài lá cây vú sữa lá cây đu đủ lá cây mảng cầu vương vãi trên đường. Chỉ có nắng dọi đường ciment nên nắng nóng ran. Và gió biển bị chận ngang từ những ngôi nhà cao tầng không mang tới mát dịu hiu hiu. Không mang trọn mùi biển mặn mà hình như chắc chắn là có pha lẫn mùi ciment bê tông cốt sắt mùi kiến trúc thị thành. Một mùi hương xa lạ quá sau mười bồn năm về tới Nhatrang.
Tôi khó lòng trang trải nỗi niềm khi không còn thấy những cây trứng cá rải rác dọc đường đi qua thành phố không thấy vẻ dáng trầm mặc những ngôi nhà nằm khuất lấp trong sân gạch râm mát bóng dừa xiêm lấn cao hơn những tàng cây ăn trái bên cạnh cái giếng nước muôn đời mang vẻ dáng nhatrang gắn bó không rời trong sinh hoạt hàng ngày của người dân xứ Biển.
Mỗi miền mỗi cảnh mỗi người mỗi quê dù đã từng ở nhatrang tuy thời gian gom lại không đủ độ dài để hòa nhập bản xứ nhưng cũng đủ để chia xớt ấm nồng và chan hòa rung động khi thoáng nhìn một vẻ dáng thân quen nhưng tôi biết nhớ và biết lòng mình còn mặn mà với nhatrang qua hình ảnh một-cái-giếng.
Đúng vậy với tôi cái-giếng-là-nhatrang-là-cái-giếng.
Tôi không đi nhiều lắm nhưng có đi được nhiều nơi trên mọi miền đất nước đâu phải miền nào cũng có giếng nhưng nếu miền nào mà có giếng. Là tôi nhìn giếng nước lại nhớ nhatrang nhưng sẽ không nhớ lắm hay chỉ thoáng nhớ nhatrang khi qua các miền cũng nhìn thấy lá me rơi nhìn bông phượng đỏ nhìn bông điệp vàng nhìn biển cát nhìn nắng đường nắng chợ nắng biển nắng rát đầu nắng cháy da. Chỉ thật sự tha thiết nhớ da diếc nhớ nhatrang khi bất chợt nhìn thấy cái giếng ở bất cứ miền đất nào miền núi cao miền biển nắng miền đồng bằng miền sông rạch…
Nỗi nhớ giếng-nước-nhatrang của tôi nghĩ cũng thiệt lạ kỳ như cái lạ kỳ của bao đời người nhatrang tắm giặt cũng ra giếng nước vo gạo nấu cơm rửa rau lóc cá bóc tôm xả thịt vặt lông vịt nhổ lông gà cũng ra giếng nước người xa đến thăm nhà cũng ân cần mời ra giếng nước dội miếng cho giạt nóng mát người trước khi ngồi với nhau bên ly trà ấm giọng ly rượu ấm lòng nhắc nhớ làng xưa xóm cũ chuyện tình yêu trai gái cũng tìm ra giếng nước để thầm thì to nhỏ dưới trăng khuya vằng vặc nếu không trăng thì có sao trời không sao trời thì có tàng cây che khuất có giếng nước chỉ nghe mà không hề thóc mách.
Đời sống gắn bó gắn chặt và bó sát với nhau như chim liền cánh cây liền cành cũng phần nào giải tỏa sự lạ kỳ để được diễn nghĩa như là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống còn của bao thế hệ. Thời gian tích lũy lâu dài trở thành hình tượng bất khả phân.
Nhatrang nhà nào mà không có giếng nước !
Giếng nước nào mà không có trước sân nhà người nhatrang !
Giếng-nước-nhatrang không chỉ chứa nước trong xanh mát rượi mà còn chứa vô vàn kỷ niệm của mỗi người dân nhatrang từ ấu thơ cho tới tuổi già nua quá vãng.
Nhân tiện nói về nỗi nhớ thiệt lạ kỳ tôi cũng xin lấn sang chút đỉnh về chuyện quê tôi để củng cố vững vàng thêm nỗi-nhớ-giếng-nước-nhatrang
Tôi gốc gác huế nhưng là dân đàlạt vì sinh ra và lớn lên ở vùng đất sương mù không thấy mùa hè chỉ thấy mùa thu đông và mùa xuân rất ngắn hạn chỉ đủ để vui chơi vỏn vẹn một tháng tết sau đó là cứ cái áo laine bó riết không rời nếu rời ra là cảm lạnh mà nếu cảm lạnh thì không thể nhìn hết vẻ đẹp của hoa nở bốn mùa mà cũng thiệt đúng là đàlạt có tứ thời hoa nở để người đàlạt người không đalạt chỉ ngắm hoa thôi là đủ đem lòng nhớ tới đàlạt nhớ tới hoa anh đào hoa mimosa nhớ tới nỗi quê tôi được mọi người xưng tụng là xứ hoa đào hay là thành phố mimosa ướt át nhất là tên gọi xứ sương mù !
Và đây là cái nhớ lạ kỳ của riêng tôi về một loài hoa gắn liền đàlạt đâu phải là hoa đào cũng chẳng thể mimosa mà chính là hoa quỳ chỉ là tiếng quỳ ngắn gọn sau này có một nhà văn nữ nhã ca thì phải ghé lên đàlạt gọi tên là dã quỳ còn tôi thì gọi là quỳ hương.
Quỳ hương vốn chỉ là loài hoa hoang dại mọc hai bên đường không hề được bàn tay người chăm bón tự phát tự tàn cũng không từng có đất đứng trong những vườn cây cảnh lại chẳng có tên trong danh sách những loài hoa làm nên vẻ dáng kiêu sa đài cát hay trầm mặc u hoài đàlạt nơi chốn và theo mùa đủ các loài hoa thi nhau nở rộ đem vẻ đẹp cho thành phố để rồi tới mùa đông với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt thì hoa tàn nhụy vửa cây trơ nhánh cằn khô giữa màu trời ảm đạm chỉ rất lạ lùng kỳ diệu còn riêng vẻ dáng quỳ hương lại vươn mình rộ nở những cánh hoa sung mãn óng vàng màu sắc cưỡng chế màn trời u ám tiết đông tiếp nối cho trọn nghĩa trọn tình câu chữ hoa-nở-bốn-mùa đàlạt của những ngày vào đông trĩu nặng thảm sầu bầu trời ảm đạm trong không khí lạnh căm nhưng thật là thi vị mùa đông đàlạt vẫn có những buổi chiều nắng hanh vàng dịu nhẹ rực lên từ màu vàng tươi của hoa quỳ hương đặc biệt chỉ nở rộ trong mùa đông dọc theo những con đường làng xóm mà phải là những con đường làng quê thật xa thành phố mới gặp dáng quỳ hương bởi cuộc sống văn minh phương tiện theo đà phát triển cho những con đường khai quang trải nhựa rộng rãi đã vô tình giết chết một đời hoa một thời góp hương thi vị cho đàlạt nhưng nếu có muốn về tìm lại dáng quỳ hương xin về trong dịp giá đông và tìm tới những vùng xa nơi còn có những con đường đất gập ghềnh nơi một thời bấm cả mười ngón chân sau một cơn mưa nhão nhọet đường trơn ướt nơi thuộc về những kỷ niệm ngày xưa còn như nếu về đàlạt để ngắm hoa xuân vui tết thì đã…lỗi hẹn dáng quỳ hương rồi vì quỳ hương chỉ khoe hương sắc cho đẹp và ấm nồng mùa đông chỉ là tiếp nối cho trọn nghĩa trọn tình câu chữ hoa-nở-bốn-mùa đàlạt mà thôi chứ nếu qua đông khi mùa xuân tới thì quỳ hương tàn tạ sắc hương để cho hoa đào hoa mai khoe sắc…
Tôi yêu quỳ hương vì lẽ đó mà cũng vì trong mỗi cánh hoa vàng tươi còn giữ lại rất nhiều kỷ niệm khi tôi đi mùa hồng chưa kịp chín cơn mưa mùa chuẩn bị về qua con dốc linh quang quỳ hương che kín đường ngô quyền lạc dấu tình xa tôi bỏ lại rất nhiều kỷ niệm kỷ niệm nào cũng thấy dễ thương đường xa quá gánh gồng thêm bất tiện nên phải đành bỏ lại quê hương…
Trên chặng đường ly xứ tôi không tìm đâu thấy dáng quỳ hương để tôi còn chỗ nhớ mà nương về.
Chỉ thấy hoa mimosa nhưng sao mà hoa thì lớn lá thì dày nhìn chẳng thấy thướt tha yểu điệu làm tôi chỉ dợm nhớ thôi chưa đủ độ chìm sâu.
Và tôi cũng có thấy hoa anh đào không hồng phấn dễ thương như má phấn tiểu thơ lại giống màu môi của mấy cô đào hát bóng vẻ dáng thì không yểu điệu thục nữ quân tử háo cầu mà in tuồng giống mấy bà võ sĩ đô vật !
Duy chỉ có lần vào khu chợ á đông tôi sững người nhìn thấy từ phía xa ở gian hàng cây cảnh không phải một mà nhiều cành anh đào hồng phấn dễ thương như má phấn tiểu thơ vẻ dáng thì đúng là yểu điệu thục nữ quân tử háo cầu đủ để bật người bén gót tưởng chừng như đang chạy u cho mau tới thành phố quê tôi để rồi ngẩn người hụt hẫng khi nhận ra cành đào rất nhiều cành đào giả. Dối!
Không thấy dáng quỳ hương trên từng bước chân tôi qua chỉ còn lại ở chỗ tôi ngồi trên bàn viết mấy đóa quỳ hương được cắm trong bình gỗ không phải thay nước hàng ngày vì là hoa giả để lâu lâu ngắm một chút cho dã nhớ tới thành phố quê tôi đó thôi !
Còn một điều nữa sẵn tiện cũng nói ra luôn cũng giống như về tới nhatrang được ngó cây trứng cá cái giếng nước cho buổi đoàn viên thêm ấm nồng thì về đàlạt có dịp được ngắm lại không phải một mà cả một trời vàng rực sắc hoa quỳ hương và được tìm lại giây phút rất dễ chạnh lòng bên cái-lò-than đàlạt nghe ra rất bình thường nhưng lắng lòng nghe thì cả một trời thương nhớ ngập òa đến xót xa khi chợt nhớ và nhận biết được là mình cũng đã có một thời gắn bó gắn chặc và bó sát cái-lò-than đàlạt những đêm và cả những ngày giá buốt của vùng đất cao nguyên được mệnh danh là xứ sương mù mặt trời và khát khao ánh nắng ấm sợ hãi cái lạnh giá nên cứ tìm tới cái lò than như là một nhu cầu không thể thiếu của người dân đàlạt lâu dần trở nên một hình tượng bất khả phân.
Đàlạt nhà nào mà không có cái lò than !
Cái lò than nào mà không có trong nhà người đàlạt !
Lò-than-đàlạt không chỉ là nơi cả nhà quây quần xúm xít đêm đêm tìm hơi ấm mà là nơi chốn tích lủy vô vàn những câu chuyện cổ tích chuyện thần thoại chuyện ma chuyện tiên chuyện bụt qua tới chuyện nhà chuyện làng xóm chuyện gần xa về họ tộc chuyện buổi đầu cha mẹ tìm tới nhau chuyện các đứa con trong số những đứa con đang ngồi xúm xít với lời răn đe nặng nhẹ khuyên bảo dịu dàng cho con biết cách học ăn học nói học gói học mở ở đời nói chung là rất nhiều chuyện y như là ngàn lẻ một đêm bởi vì đêm nào cũng lạnh cóng đêm nào cũng lò than hình thể nhỏ to tùy gia đình đông ít con hay giàu với nghèo cũng đều tiết kiệm phần lửa đỏ ran mà không nấu nướng chỉ hơ háp khơi khơi.
Lò than từ cái tĩn nước mắm bằng sành tách đôi hai phần trên và dưới được gắn úp nhau bằng một lớp keo dày bỏ phần trên lấy phần dưới tuy là nhỏ không ủ được nhiều than nhưng cũng là cái lò nhà có đông người thì ngồi xít nhau vòng trong vòng ngoài lâu lâu đổi chỗ vòng ngoài vòng trong sau này văn minh tiến bộ hơn chút nên lò than được cắt đôi từ cái thùng bằng thiếc vốn để đựng dầu lửa dầu ăn nước mắm xì dầu rồi tới hồi văn minh hơn thêm chút nữa thì không thấy hay là thấy nhưng mà rất ít cái cảnh gia đình đêm đêm xúm xít ngồi hơ lửa nói chuyện đời ôn cố tri tân có thể nhịp sống văn minh ít nhiều cũng làm ra của cải chuyện ăn uống hàng ngày có phần hào phóng nên năng lượng có sẵn trong người không cần tới cái lò than hay là vì cái nạn phá rừng làm rẫy bán củi hầm than làm cho trái đất nóng lên để cái-lò-than đàlạt trở về vị trí khiêm tốn dưới gầm giường cho mấy cụ bà cụ ông chống lạnh đêm đêm hay quý bà quý cô hơ háp sau khi ở cữ cho săn da chắc bụng.
Hình ảnh gia đình xúm xít đêm đêm bên cái-lò-than đàlạt đã trở thành chuyện cổ tích cách tân.
Cho tận tới bây giờ nó rơi vào huyền thoại bởi vì nói ra con nít thời nay có tin đâu mà đã không tin hay khó tin thì được xếp vào huyền thoại là may lắm chứ có nhiều đứa vụng ăn vụng nói vụng gói vụng mở nó phê cho một câu là ông nói dóc thì biết gói chỗ nào mở chỗ nào đây họa hoằn kêu gọi ba nó hay mẹ nó xác nhận làm tin thì cũng chỉ vớt vát được phần nào mà có gì đâu mà phải gợi nhắc cứ giữ trong lòng mình cho những đêm giá lạnh ngày xưa bên bếp lò đỏ lửa với những câu chuyện kể ít nhiều cũng khuôn vàng thước ngọc nâng đỡ những bước vào đời thấy cái lò than bất chợt ở nơi nào lại nhớ về chốn cũ.
Đã nói là mỗi miền mỗi cảnh mỗi người mỗi quê khi về tới nhatrang là đi tìm lại ngày xưa hay tìm cái giếng nước nghĩa nào cũng đúng cho một lần về ở đàlạt thì trái mùa quỳ hương rộ nở vì trời đang chuẩn bị vần vũ gió mưa ngâu và hình ảnh cái-lò-than đàlạt dẫu không tin cũng phải thầm xót xa để tiễn đưa vào huyền thoại khi đàlạt giờ đây đã thay hình đổi dáng buồn cho cái áo laine cứ xếp hoài dưới đáy valise có lạnh gì đâu có sương mù đâu chỉ có mờ khói xe và người xa lạ. Tôi trở về thành phố và cảm thấy mình cũng là người xa lạ.
Xa đàlạt trên chuyến xe buổi sáng dưới cơn mưa in như mười bốn năm trước tôi bỏ đàlạt cũng trên chuyến xe buổi sáng và cũng dưới cơn mưa.
O Vân nói nhatrang mùa này cũng có mưa vậy là banmêthuột cũng mưa huế cũng mưa những nơi chốn tôi sẽ đến trong cuộc hành trình muôn dặm đều có mưa.
Mưa! Mưa! Thôi mọi chuyện tới đâu hay đó cứ về tới nhatrang…
Hai anh em ngồi nói chuyện ở ngoài hiên.
Hai chị em ngồi nói chuyện trong nhà.
Nói chuyện trong nhà chắc chắn là hấp dẫn hơn vì là chuyện trong nhà mà. Trong nhà thì có thiếu gì chuyện để nói bởi nhà nào mà không có chuyện trong nhà nhất là lâu ngày gặp nhau nói cho đã nư đã đời. Nói chuyện buồn, khóc. Nói chuyện vui, cười. Khóc mới đó rồi cười đó có sao đâu! Tâm sự đầy vơi! Cho nên nói chuyện trong nhà có nhiều tình tiết hỉ nộ ái ố hấp dẫn là vậy. Mà vui, vì nói mãi nói hoài rồi tưởng mình chưa nói, nói thêm.
Còn nói chuyện ở ngoài là nói chuyện tầm phào cũng vui vì là chuyện ở ngoài mà. Ở ngoài thì cũng có thiếu chuyện gì để nói bởi ở ngoài đường ngoài chợ ngoài biển ngoài đời ở chỗ nào mà không xảy ra nhiều chuyện.
Nói nghe vậy mà không phải vậy !
Tuy là hai anh em ngồi nói chuyện ở ngoài nhưng mà ngồi nói chuyện ở ngoài hiên. Ngoài cái hiên nhà còn có sân nhà, có vườn hoa, có giếng nước, có hàng rào có nhiều thứ, thứ nào cũng ở trong nhà, đâu có ở ngoài. Cho nên ngồi nói chuyện ở ngoài nhưng chưa nói ngoài, đang nói trong.
Chuyện trong nhà đầu tiên tôi về tới nhatrang là tâm trạng hụt hẩng muốn té nhào khi nhìn thấy ngôi nhà xưa đã hoàn toàn biến mất. O Vân lên nuôi bệnh Mệ gần cả tháng đang muốn quày quả trở về thì cũng đúng dịp tôi về thăm nên đành nán lại chờ cùng anh chị và hai cháu về tới nhatrang. Mấy ngày về Đàlạt anh em ngồi chuyện trò sa đà rồi cả quảng đường dài đàlạt-nhatrang O không nói về chuyện nhà, chỉ nói chuyện thay hình đổi dạng nhatrang. Không nhắc chuyện nhà cửa có nghĩa là không có gì để nói, vẫn như xưa. Chỉ có nhatrang là không như xưa đang rộn ràng thay đổi. Trước ngày về tôi cũng quyết định là về tới nhatrang phải qua nhà O Dượng. Tôi muốn tìm lại những hình ảnh ngày nào, cách đây mười bốn năm, về thăm O Dượng trước lúc xa quê. Những ngày vui khó lòng tìm lại nay có dịp trở về nối tiếp sau một thời gian khá dài, gián đoạn. Sẽ cùng các cháu đi tắm biển Đồng Đế và trên đường về ghé quán mì chả cá, kêu thêm dĩa đầu cá thu luộc chấm nước mắm dầm trái ớt thiệt cay. Sẽ ghé mua về mớ cá, chẳng biết tên nhưng thịt nhiều giá lại rẻ, để nướng trui bằng bẹ lá dừa khô rồi chia nhau ngồi ăn ở hiên nhà ngó giàn mướp đương hoa che mảng sân nhà mát rượi. Thể nào cũng có một nồi bún bò Huế như ngày nào ngồi ăn bệt dưới sàn nhà. Rồi uống nước dừa xiêm ngọt lịm, ăn chua muối ớt trái chùm-ruột bên hông nhà. Ngủ một giấc trên chiếc võng đong đưa dưới hiên nhà mà nghe gió ru lời biển nghe cây lá lao xao gợi nhắc nhiều, rất nhiều, những kỷ niệm nơi chốn này. Khi chưa ra đi, gọi là ngôi nhà của O Dượng. Khi xa đi rồi, nhớ lại tháng ngày qua, gọi thầm là ngôi nhà xưa…
Nay về tới nhatrang thì còn đi đâu nữa! Về lại ngôi nhà xưa thôi !
Điều thầm kín giữ mãi trong lòng là muốn được về tắm mát bên cái giếng ngày xưa. Cái giếng trước sân nhà, cạnh giàn mướp, kế hàng dừa xiêm, chung quanh là những bụi ớt, bụi cà, bụi rau đủ loại chen chúc xanh um. Tôi còn nhớ như in những vết nứt sàn giếng ciment và cả những mương nước xẻ rãnh nhỏ dẫn tới những gốc rau. Cả cái gàu nhựa hình thuẫn trên to dưới nhỏ và khúc dây nilon được buộc từng múi cách nhau để kéo nước cho khỏi trơn tuộc tay. Nước giếng trong xanh mát rượi. Chị em vui vẻ chuyện trò trong khi làm cá rửa rau, anh với Dượng chiều chiều ra tắm mát, các cháu thi nhau kéo gàu nước cười nói vui đùa té nước lên nhau. Nơi chốn giữ gìn những hình ảnh khó quên đó là cái-giếng-nước nhatrang ! Cái-giếng-nước nhatrang ở nhà O Dượng
Về nhatrang để được đi tắm biển. Về nhatrang cũng còn tìm được cảm giác rất thú vị khó lòng quên : tắm giếng-nhatrang.
Dượng ở Banmêthuột gặp O ở Đàlạt. Sau thời gian tang thương ngẫu lục vật đổi sao dời về với nhatrang. Khởi thủy là ở Ba Làng sát mé biển Đồng Đế sau dời về Phường Vĩnh Hải xa biển chút nhưng gần chợ hơn để O có một khoảng thời gian dài buôn bán. Gia đình tôi, vài ba năm, trốn cái cảnh mưa dầm dề buồn thảm đàlạt mà về tới nhatrang tắm biển tắm nắng tắm giếng và chia nhau những kỷ niệm trong hoàn cảnh nghèo khó như nhau. Những bữa cơm vét cháy cạo nồi bên dĩa cá kho tô canh rau nhà trồng chắc là không no bụng nhưng no lòng. Ngay cả những ngày về thăm O Dượng và các cháu trước lúc xa quê, dành dụm chắt bóp làm một nồi bún bò Huế mà cũng rau nhiều thịt ít. Tội quá sức ! Trong cảnh đói nghèo mà còn dành cho nhau tấm lòng thơm thảo thì thơm lâu. Do vậy mà các cháu, cả hai nhà, chia nhau nhiều kỷ niệm gắn bó dẫu bây giờ có đứa đã nên vợ nên chồng gặp lại nhau vẫn giữ mãi lòng thơm thảo vét cháy cạo nồi rau nhiều thịt ít của những ngày xa khi về tới nhatrang tắm biển tắm nắng tắm giếng…
Có chuyện này nói thêm vui.
O tiếng là ở nhatrang mà một năm chỉ ra biển có một lần nói chi là đi tắm biển. Ra biển một lần vào đúng ngày mồng-năm-tháng-năm-ta để chỉ lội xuống nhúng ướt nước biển… làm thuốc. O tin, cũng như mọi người, ngày mồng-năm-tháng-năm là ngày thuốc. Cây lá ở rừng, nước suối nước sông nước biển cũng đều thành thuốc. Nhà gần biển xa rừng nên ra biển nhúng nước biển làm thuốc để trừ mọi bệnh. Biển vào ngày đó, đông. Chỉ toàn người già và con nít. Không thấy nhiều, rất ít, thanh niên thiếu nữ chắc vì ở tuổi thanh xuân tràn trề sức lực chưa cần thấy sức khỏe của mình bị đe dọa từ bệnh tật. Ra biển trong ngày đó cũng chỉ thấy tuổi già tràn lũ kéo về, đời cảm thấy mất vui chăng !
Ở thành phố quê tôi ngày mồng-năm-tháng-năm là thanh niên phần đông thiếu nữ phần ít, không thấy người già và trẻ nít, hăng hái vác dao rựa vô rừng chặt cây, lá về phơi mấy nắng cho thật khô để dành uống quanh năm. Gọi là lá Vối.
Cây, lá ở vào ngày đó là cây thuốc. Nước biển ở vào ngày đó cũng là nước thuốc. Duy có điều tôi không biết là khi nhúng nước biển trở về có dội lại nước ngọt cho trôi cái mặn rít trong người không. Hay phải chờ cho nước thuốc thấm qua da qua thịt vô tận các tế bào trong suốt thời khắc vẫn còn là ngày thuốc. Như vậy cứ phải để người rít mặn qua tới ngày hôm sau!
Dượng thì không biết có được cái thú tắm biển không nhưng cứ mỗi lần tôi về thăm cũng nể lòng anh chị ra biển. Nhìn kiểu tắm biển thiếu mặn mà, ở cả hai nghỉa, của Dượng tôi nghĩ ra Dượng cũng chỉ hơn O một chút vậy thôi.
Về cái khoản tắm giếng thì Dượng hơn người nhatrang hay nói cho khiêm nhường là bằng nhưng hơn rất nhiều người nhatrang.
Một ngày nhiều khi Dượng tắm một lần đôi khi tắm hai lần. Tính ra thì cũng vậy thôi, có hơn thua gì đâu !
Vậy mà hơn. Hơn ở chỗ là Dượng lúc nào cũng nhắc nhở hối thúc mọi người tắm giếng. Hồi đó, mỗi lần về ghé nhà, ngồi chưa kịp mát đã nghe Dượng hối thúc mọi người tắm giếng. Cái giếng nước thì im lặng mà Dượng thì sôi nổi ồn ào. Đang ngồi nói chuyện ngon trớn với tôi bỗng nhiên Dượng quay nhìn quanh lớn tiếng “ Tony. Thằng Tony đâu rồi! Ra tắm đi con. Ra tắm” rồi quay lại bình thản tiếp nối câu chuyện. Chừng năm, mười phút sau lại quay nhìn quanh lớn tiếng: “ Con Len Chị tắm chưa?.Ra tắm”. Câu chuyện cứ bị khập khểnh dứt ngang vì còn nhiều đứa Dượng vừa chợt nhớ là chưa nhắc nhở tắm thằng Trí, con Quyên, thằng Đào, con Út, con Len Em, con Mimi..Và cuối cùng Dượng cũng làm tôi cụt hứng câu chuyện :” Anh ra tắm một cái, cho mát”. Tôi muốn nổi sùng. Mát cái con khỉ khô. Hồi nảy tui với Dượng vừa tắm, ngồi chưa hết mát lại hối đi mát nữa !
Đại khái là như vậy, suốt ngày. Suốt những ngày về với nhatrang.
Dượng yêu thương cái-giếng-nước nhatrang tới tầm cỡ nào thì tôi chưa lường được nhưng suốt ngày cứ sôi nổi hối thúc mọi người yêu cái-giếng-nước nhatrang như vậy thì khó lường chuyện cảm lạnh có thể xảy ra. Ở nhatrang đang mùa nóng mà bị cảm lạnh là chuyện ngược đời.
Giờ đây, tôi về tới nhatrang, ngôi nhà xưa mất dấu.
Giàn mướp đương hoa trước sân, hàng dừa xiêm ở cạnh hàng rào, cây vú sữa cây chùm ruột cây xoài cây ô ma và cả cái sân cát rợp mát bóng cây đã hoàn toàn biến mất.
Cái-giếng-nước nhatrang vẫn còn.
Vừa mới rủ bỏ bộ đồ đi đường,thay quần ngắn áo thun cho mát thì Dượng đã kéo tôi ra ngồi ngoài hiên nói chuyện về khoảng thời gian khá dài xa cách. Hiên nhà lót gạch bông mát rượi nhưng khoảnh sân trước mặt thì nắng nóng. Không còn có bóng cây nào che dịu ánh nắng mặt trời. Những đứa cháu bé nhỏ ngày xưa giờ đây đã trưởng thành đã ra đời, ra riêng. Tôi đang chờ những con chim bé nhỏ ngày nào trở về khu vườn xưa đây. Nhưng phải chờ tới sau giờ tan việc.
Và điều tôi đang nôn nóng chờ đợi khi đang ngồi nói chuyện với Dượng là câu nói, như ngày nào :” Anh ra tắm một cái, cho mát”. Là tôi sẽ nhào ra, cái-giếng-nước nhatrang, nó cũng đang chờ tôi đó.
Vậy mà cứ ngồi nói chuyện hồi lâu hết chuyện quê nhà tới chuyện quê người, không thấy Dượng nhắc chi tới câu nói ngày xưa. Đứa con từ trong nhà đi ra, chắc không chờ nổi câu chuyện dài Dượng đang nói với Ba, nhắc khẽ :
- Ba đi tắm cho mát.
Lúc đó Dượng mới sực người nhớ lại. Giọng nói sôi nổi ồn ào như ngày nào :
- Ồ, quên. Anh vô tắm một cái, cho mát.
Chỉ chờ có vậy, tôi bước vội ra sân trong khi Dượng đang quơ chân tìm đôi dép, nói vói theo :
- Không. Không. Anh vô trong tắm. Đừng có tắm giếng. Vô trong. Vô trong.
Đứa con chạy theo nói nhỏ :
- Dượng nói Ba vô trong tắm. Tắm ngoài này….
Tôi hiểu ý nó ngại tôi tắm ngoài trời không tường che vách chắn nhưng tôi chưa hiểu ý Dượng sao lại ngăn không cho tôi tắm giếng. Tôi cười :
- Không sao đâu con. Ba muốn tắm giếng muốn tìm lại cảm giác ngày xưa. Có ngại gì đâu!
Hai cha con tới thành giếng nhìn xuống. Nghe tiếng đứa con “Úi,trời”. Tôi thì lặng người ngơ ngẩn. Có tiếng Dượng, phía sau :
- Giếng để tưới cây, đục ngầu. Anh vô trong nhà có hai phòng tắm rộng rãi thoải mái. Tắm giếng làm chi, anh thấy không, nước đục ngầu. Vô đi anh. Vô tắm một cái cho mát !
Tôi thẩn thờ :
- Ừ, nước giếng đục ngầu có thấy gì đâu !
Thấy gì đâu nữa những hình ảnh ngày nào bên thành giếng cũ ! Bây giờ giếng cũ còn đây mà hình ảnh ngày nào đã chìm khuất theo màu nước đục ngầu !
Ngày nào Dượng sôi nổi hối thúc : “ Anh ra tắm một cái, cho mát”.
Bây giờ cũng câu nói đó cũng sôi nổi hối thúc : “ Anh vô tắm một cái, cho mát”
Không lẽ cái-giếng-nước nhatrang rồi đây cũng mất dấu theo cái-lò-than đàlạt….
Về tới nhatrang
Phường Vĩnh Hải, Đồng Đế tháng 7/08
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)