tháng 3 07, 2008
Trang Thân Hữu : HỒI ÂM THƯ TRẦN HUY SAO
Trần Vấn Lệ
Tôi ở Đà Lạt ba-mươi-mốt năm.
Năm 1958, tôi lên Đà Lạt để học Trung Học Đệ Nhị cấp. Năm 1960, xuống Nha Trang học Sư Phạm. Năm 1961, về lại Đà Lạt làm thầy giáo, tiếp tục tự học, lập gia đình và năm 1965 đi vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường Bộ Binh, tôi tác chiến tại Bình Thuận, ba năm sau thì biệt phái về dạy học lại. Tôi có một thời gian “cải tạo” khá dài khi chế độ mới ngự trị trên cả nước. Tôi rời bỏ hẳn Đà Lạt đầu năm 1989, tôi đi qua Mỹ…
Với tôi, Đà Lạt đã thành ruột rà. Hầu như không chỗ nào của Đà Lạt mà chân tôi không giẫm tới. Những cảnh đẹp, đã đành ( đi chung với học trò ), những nơi heo hút, sóc Thượng K’Ho, M’Nông, Chu Ru…tôi cũng không ngần ngại. Người Đà Lạt tôi quen đông( Cha, Mẹ học trò, các bạn đồng nghiệp). Tôi thường giao du với những vị lão thành, uống rượu Tây chơi, không bàn bạc bất cứ chuyện nhân tình thế sự nào, ai cũng cùng có một ý nghĩ giống nhau : sống đời này là tạm bợ khi con người mất niềm tin. Lãng đãng một thoáng chính kiến rồi đó. Nhức đầu, cho qua đi !
Những bạn già của tôi mất gần hết. Họ chết sau năm 1975, ngay trên quê nhà, hay ở ngoài nước vì tuổi cao, tàn tạ và tuyệt vọng…
Cuối năm 1989, tôi tới Mỹ, gặp lại một ít bạn, rồi từ từ chia tay. Tới phiên tôi không còn ai để đọc cáo phó hay có lời phân ưu. Chẳng sao ! Tôi làm Thơ, rải đi cùng khắp. Tôi nghĩ, với cách này, tôi sẽ có bạn, gặp lại bạn cũ, thêm bạn mới. Những người Đà Lạt luôn luôn nặng cái tình.
Tôi gặp Trần Huy Sao trong tình huống này khi tôi vẫn còn sống.
Trần Huy Sao làm Thơ hay quá. Hay thật. Hay là hay. Giản dị. Đời thường. Hay đáng cho điểm 9, điểm 10. Trung bình là 5, Trần Huy Sao không ở cái thang điểm nhiều hạn chế. Tôi đọc anh thường xuyên trên nhiều Báo. Tôi thấy anh in sách. Và có vài tập Thơ của anh tôi mua được làm của riêng trong nhà.
Tôi ở Đà Lạt. Trần Huy Sao cũng ở Đà Lạt. Ngộ ghê, không quen nhau ở quê nhà. Nơi tôi cư ngụ là đường Hoàng Diệu. Nơi anh cư ngụ là đường Ngô Quyền. Cách nhau chỉ 3 hay 4 cây số. Nơi Trần Huy Sao cư ngụ được gọi là Cây Số Bốn. Nơi tôi cư ngụ là Khóm Mỹ Thành( còn gọi là Khu Lò Gạch, Xóm Thượng Cam Ly ).
Khóm Đa Trung, Đa Cát, Bạch Đằng, Đa Thành chẳng xa lạ gì đối với tôi, nhưng thật tình tôi quen ít người. Trong thơ Trần Huy Sao thấy nhắc hoài về những địa danh đó, lòng tôi xốn xang, mắc cỡ nhiều nhiều…
Qua Mỹ, tôi gặp Trần Huy Sao hai lần. Mới đây thôi. Hai lần ấy, hai năm, năm trước, năm này, ở Hội Ái Hữu Đà Lạt. Gặp trên đồi thông xanh biếc, Fountain Valley. Bắt tay nhau, nói dăm ba câu chuyện, rồi thôi vì phải bắt tay thêm nhiều người nữa. Trần Huy Sao dành cho tôi những tình cảm rất đặc biệt vì anh nói anh thường đọc Thơ tôi trên các Báo, tìm hiểu tác giả thì biết là dân Đà Lạt. Tôi không ngần ngại gì khi khi lặp lại những lời ấy với anh – đọc thơ Trần Huy Sao hoài hoài, biết Trần Huy Sao là dân Đà Lạt, thấy Trần Huy Sao có nói về Ban Mê Thuột, về Huế, văn kiến kỳ thanh… Bây giờ, mình gặp nhau đây, đúng quá, thơ của Trần Huy Sao nhé : “ Gặp nhau thương lại thời yêu dấu, mắt cay lòng quặn nhớ ngày xưa.”.
Ngày xưa hai đứa tôi không quen biết, nhưng bây giờ nhắc lại đường đi nước bước của Đà Lạt, coi như từng đồng hành…Tôi luôn nói với lòng : Thơ Trần Huy Sao thật là hay ! Nói như vậy hoàn toàn không khách sáo, không nịnh bợ. Nói như vậy, là nói thật lòng. Những gì mà tôi với Trần Huy Sao nói với nhau trong lần gặp mặt đầu tiên, năm 2006, không nói lại vào năm 2007, bởi đã nói rồi và đinh đã đóng cột ! Tôi ghi laị trong bài này là cái cớ, chỉ là cái cớ cho biết vì đâu tôi không quên Trần Huy Sao, không quên thơ Trần Huy Sao. Con người xương thịt Trần Huy Sao : đàng hoàng, khả ái, nồng nhiệt. Thơ Trần Huy Sao : chân thật,đằm thắm, dịu dàng, êm ái, nhẹ như ru.
Gặp Trần Huy Sao, đọc thơ Trần Huy Sao, liên lạc thư tín với Trần Huy Sao, lòng tôi luôn ray rứt : bao giờ mình về lại Đà Lạt nhỉ ?. Lên Cây Số Bốn, thăm Khóm Đa Cát, đi tới nữa thăm trường Bạch Đằng, xuống thung lũng gõ cửa nhà ông Cam Lĩnh đốt cho Ông một nén hương. Thơ của tôi hiện ra loáng thoáng. Thơ của Trần Huy Sao thì tràn ngập trong hồn tôi. Không cùng anh, ít ra một lần, đi bên nhau, như từ nhiều năm nay, thơ anh là niềm quấn quyện, là Đà Lạt, là Ban Mê Thuột, là Huế dễ thương, ngọt ngào, nghẹn ngào !
Sáng nay, mở internet, đọc được e.mail Trần Huy Sao thăm hỏi , tôi hồi âm cho anh như thế này, ngắn dài như tóc mai, anh nhé…
Tôi rất cảm động khi đọc bài thơ về Đà Lạt anh thác lời của người chị chờ mong em ở xa, rất xa :
NGẬM NGÙI THÁNG GIÊNG
Em nói tháng Giêng về thăm Chị
Bây chừ tháng mấy rồi hở em ?
Mưa nắng qua hiên Đời cô tịch
Chị chờ em rộn bước bên thềm
Em đi tính đã mười năm lẻ
Là bấy nhiêu ngày Chị nhớ mong
Nước mắt rơi theo dòng dâu bể
Răng mà lâu vậy hởi em thương !
Không biết bây chừ em có khác
Đất người mờ nhạt nỗi thương quê !
Tóc xanh e cũng nhiều sợi bạc
Lòng có còn quen một lối về !
Mười năm ! Em biết, mười năm đó !
Đời cũng vàng Thu lá rụng thềm
Chị ở quê nhà rưng nỗi nhớ
Bao giờ mới được nắm tay em !
Bao giờ nấu lại nồi cơm mới
Khui hủ cà dưa muối để dành
Ngồi ngó em ăn, vui mà khóc
Đừng cười ốt dột Chị, nghe em !
Thương em, Chị cũng thành thơ dại
Dễ hờn, dễ tủi, dễ cười vui
Mai mốt tháng Giêng quày trở lại
Chị vẫn bên hiên, đứng ngậm ngùi !!!
Trần Huy Sao làm thơ cho Đà Lạt nhiều, nhiều lắm. Có bài làm ở chùa Linh Quang, chùa này ở Cây Số 4, tôi có biết, tôi có nhiều bạn tu ở chùa này, họ đã tu xuất hết rồi vì thời chiến thanh niên ai cũng phải đi lính. Trần Huy Sao làm tôi nhớ lại chỗ tôi từng đứng nhìn khói nhang bay, tôi biết khói nhang vẫn còn bay mà tôi thì cũng như anh, xa xôi vạn dặm !
Những bài Thơ anh viết về Ban Mê Thuột khiến tôi buồn buồn. Một vài đoạn thế này, hỏi không thương làm sao cho được ?
Mắt dại mùa Thu, tim mùa dông bão
Hồn theo Thơ mà lòng dạ theo em
Người đời nói đường tình yêu rất đẹp
Có đẹp gì đâu ! Chóng mặt quá chừng !
Chưa tìm được cho riêng mình dáng đứng
Trong tim em, nên cứ chạy vòng quanh
Phố Bụi tình thơ tôi cứ để dành
Em có quay đi, tôi còn cất giấu !
Bông cà phê trắng nõn thuở ban đầu
Sao đoạn cuối lại giọt màu đen, đắng ?
Em Phố Bụi của một thời áo trắng
Mà giờ đây loạn lạc tới phố nào ?!!!
( PHỐ BỤI, NHỮNG TÌNH THƠ )
Tôi không hiểu sao Trần Huy Sao có một bài cho Huế rất đau đớn. Anh nguyên quán Huế mà răng rứa hè ! Cái tựa đề của bài Thơ. "Phụ Phàng", đã thấy tràn trề nước mắt. Anh để trước khi đi vào bài hai câu thật thê thảm : “ Huế rất đau lòng mà không nói. Những kẻ yêu rồi phụ phàng nhau “. Nhưng thật may mắn cho người thưởng ngoạn, nội dung bài Thơ không đến nỗi nào bi thiết lắm…
Phụ phàng chi tội rứa anh
Cho ran lồng ngực cho hành hạ nhau !
Tình như sớm đánh tối đầu
Nay hờn mai giận lụy sầu do đâu ?
Để rồi đứng với chưa lâu
Nói chi tới chuyện ngồi lâu, níu tình !
Mặc em ở với một mình
Anh đi đâu kiếm ái tình thì đi
Rứa là tính chuyện chia ly
Rứa là kẻ ở, người đi ! Rứa là…
Mai kia mốt nọ ngang nhà
Có còn liếc trộm như là hồi xưa ?
E chừng sớm nắng chiều mưa
Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !
Hôm qua ngang ngõ nhà người
Thấy ai chẻ tóc bạc trời mây bay….
Trần Huy Sao đến Mỹ trên dưới mười-lăm-năm nay. Tuổi trẻ bay mất là chuyện của thời gian, không ai tránh được. Không cần ngang ngõ nhà ai, ta cứ ngồi trước gương, chính ta chải tóc cho ta, cả bầu trời trắng mây trên tóc ! Nhiều người bạn già của tôi đã chết. Chuyện đời như chớp mắt, như sớm nắng, như chiều mưa ! Đúng như Trần Huy Sao nói : “ Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !”. Tôi đọc thơ Trần Huy Sao thấy mình thêm tuổi lúc nào không biết…
Hồi âm cho Trần Huy Sao, tôi kéo dài như cùng ai uống rượu. Tuổi tàn rồi, chúng ta có quyền “ nhề nhệ “ phải không Trần Huy Sao ?
TRẦN VẤN LỆ
Temple City, Oct.26,2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Hello. This post is likeable, and your blog is very interesting, congratulations :-). I will add in my blogroll =). If possible gives a last there on my blog, it is about the Home Theater, I hope you enjoy. The address is http://home-theater-brasil.blogspot.com. A hug.
Il semble que vous soyez un expert dans ce domaine, vos remarques sont tres interessantes, merci.
- Daniel
Đăng nhận xét