tháng 6 01, 2016

Chú Tư Đào


















gởi chú Tư ĐàoTrần Minh Đạo

Không phải Chú Tư Cầu của nhà văn Lê Xuyên. Là chú Tư Đào, con tui đó mà.
Cũng là tên kêu tại gia thành quen thôi. Minh Đạo đó. Lâu lâu lại giả làm quên(quen)gọi là cu Đào. Cũng cười vui nhộn bình thường không có (phản) dị ứng chi. Nói cho cùng, ở đất nước này, ngắn gọn hai chữ Dao Tran là đủ. Diễn giải ngọn nguồn chữ nghĩa rườm rà cho thêm lắm chuyện...
Giờ chú xồm đầu đối đầu với thời gian nội trú bệnh viện gì đó không nhớ tên ở Riverside không có thời gian về thăm nhà mổi cuối tuần. Thi thoảng có về dăm ba lời (chưa kịp bốn chuyện) cười vui rồi vô phòng miệt mài một giấc. Thức dậy là ra xe về lại chỗ phải cần về... Rất bận rất bận...
Tuần rồi có về (ở lại qua đêm sáng mơi đi sớm) bàn chuyện trầu cau sính lễ cho tháng tới này. Chuyện chú Tư(cu)Đào cưới vợ là chuyện rất phải lo, chớ có lầm lẩn là lo lắng, ý nói đây là lo liệu phần việc cả nhà, từ Ba Mẹ cho tới chị em rồi lây lan qua các cháu. Mổi người mổi việc góp vốn chung lo ngày vui của chú. Ngày anh Hai Trí đi xa không về nữa thì cô Ba cáng đáng việc nhà, lo cho Ba Mẹ, lo cho các em, lo cho các cháu. Thiệt nặng nề quá tải đó, cô Ba.
Tình gia đình bao năm lưu lạc vẫn không(chưa) từng sứt mẻ chỗ nào. Nhiều khi, nhiều lúc, ngồi một mình nhớ lại, ngoái lại, tìm lại thấy mình thiệt là còn may phước. Nội cái cảnh mổi tuần dâu rể con cháu quây quần về ngôi nhà cũ rộn ràng mấy món ăn quê hương là đã thấy “đã” lắm rồi. Về tới nhà Ba Mẹ(Ôn Mệ)là không có hamburger, hot dog, pizza, beefsteak., taco, Spaghetti... chi trơn.
Chỉ thấy quê nhà ở Quán-o-Mười. Bún Bò Huế. Mì Quảng. Cơm Hến. Phở tái bò viên. Miến Gà. Bún Riêu Cua. Bún Chả Cá. Cá Nướng Da Giòn. Lẫu(qua tới đây bày ra thêm thập cẩm chớ hồi nảo hồi nào hồi xưa chỉ nhất cẩm thôi).
Món ăn ba miền đất nước quê hương nhập lại ở Quán-o-Mười mổi tuần thay đổi thực đơn, con cháu hưởng ứng nồng nhiệt quá chừng. Ngó cảnh nhộn nhịp cầm tô chờ múc nước lèo mà trong lòng thiệt là mát rượi.
Còn thích món quê hương là còn có, ít nhiều, quê hương trong lòng. Còn tạo điều kiện cơ hội gần gụi bên nhau là còn, nhiều, quan tâm thương yêu nhau. Vậy còn đòi chi nữa !.
Nay nhà có người tính chuyện trăm năm đầu bạc thì cả nhà xúm vô cùng lo liệu là đúng rồi.
Nếp nhà xưa nay vẫn vậy. Đứa lớn lo đứa nhỏ với cùng tận khả năng mình. Tôi với bà xã đứng vòng ngoài ngó vô thôi. Lâu lâu xía vài câu tầm bậy trật chương trình dàn dựng nhưng tụi nhỏ chỉ cười vui rồi cho qua. Xưa bày nay theo là lễ nghi hương trầm nhang khói vọng nhớ tổ tiên ông bà. Màn diễn tiếp nối là tụi con dàn dựng theo phong cách nhập gia tùy tục đáo giang....Ừ, thì làm chi thì làm miễn đừng quá cường điệu.  Tôi thì liệu sức mình, giờ lực bất tòng tâm con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Cũng nhờ may phước đức ông bà tụi nhỏ vẫn còn hương quê.
Hai đứa để ý nhau từ hồi Trung học. Thương nhau hồi lên Đại học. Ước thề có nhau sau khi xong chuyên ngành. Giờ thì trái đã chín cây nên cùng hái chia cho nhau ngọt bùi. Tình yêu mà !. Đại khái qua buổi giao tình, qua thời gian thử thách...Chặng gian nan đường tình gian nan thử thách đã vượt ải qua đèo rồi nên chi quan viên hai họ chờ tới ngày đứng nam tả nữ hữu chứng nhận cuộc tình viên mãn có đại diện đàng trai đại diện đàng gái...
Trai lớn cưới vợ gái lớn gả chồng là chuyện thường tình cũng là chuyện vui không riêng chi cặp đôi mà còn lây lan qua người thân ruột thịt.
Nếu như mạo muội nêm thêm chút buồn trong ngày vui thì có gì quá đáng không đây ?.
Là chút buồn thầm kín trong lòng khi nhìn con gái lên xe về nhà chồng nhìn con dâu về nhà mình nhưng chỉ về theo nghi lễ rồi lại ra riêng...
Cảnh cũ nhà xưa một thời sống cùng cha mẹ giờ chỉ còn là nơi chốn thi thoảng về thăm, rồi đi, không ở chung như ngày nào !.
Cho nên có buồn riêng tư thì cứ buồn thầm lặng buồn tới tới mà nín lặng, chớ ra lời. Cuộc sống riêng tư giờ thì cứ in đúc in khuôn nhập gia tùy tục đáo giang tùy khúc. Đất nước này quê mới này vốn làm vậy thuở giờ cho tự do dân chủ muôn niên trường trị.
Tôi sẽ rời xa chú Tư Đào và chú Tư Đào rồi cũng rời xa tôi.
Ý nghĩ này không thêm mắm muối tiêu đường bột ngọt chi trơn. Cứ khi lấy vợ lấy chồng là lấy một đời sống riêng khó lòng kì kèo bớt một thêm hai con cứ về đây, ở chung chạ, chung nhà cho sớm hôm còn có bên nhau. Lời yêu cầu dù khẩn thiết tới đâu cũng không còn nơi bám rễ.
Thi thoảng, ở gần, cuối tuần, nếu không bận dọn dẹp nhà cửa giặt ủi áo quần đi dự sinh nhật đám cưới v...v... thì ghé về thăm Ba Mẹ, rồi đi. Hẹn tuần sau (nếu không có gì bận bịu) thì gặp lại...
Như nếu ở xa, nói kiểu xuyên bang theo như lời chân quê là xa ngái, thì thôi, thôi thế cũng đành...
Tâm sự là vậy cuộc sống riêng tư buộc phải làm vậy khiến sao không nêm chút xíu buồn vô trong ngày vui...
Chú Tư Đào dính chặt với Ba Mẹ từ hồi khóc dạ đề cho tới nay dễ cũng mấy mươi năm rồi không ít.
Khoảng thời gian đó là có biết bao nhiêu là kỷ niệm bao nhiêu bài Thơ tôi viết từ lúc chú vô dự bị rồi qua mẫu giáo cho tới lúc này chú chuẩn bị ra chuyên ngành, kiếm sống. Giờ ra sức chuyên tâm cưới vợ đặng chuyên chở gánh nặng cho một đời riêng tư.
Là bỏ lại một quảng thời gian gắn bó lâu dài thiệt không dễ gì quên. Cách chi không gợn chút buồn trong ngày vui...
Hôm qua chú Tư Đào về khi cả nhà tụ họp đông vui ở Quán O Mười. Món bún bò Huế.
Cô ba Quyên nói em không lo, ở nhà đã lo mọi chuyện rồi giờ em cứ no đi, bún bò Huế đó. Ai (là người lớn) nghe vậy cũng cười chỉ mấy đứa cháu vẫn thản nhiên lo gắn nơ vào món quà chú(cậu) dành tặng khách mời đến dự ngày vui.
Tôi thì chưa no bụng mà đang no lo không biết tới ngày đó có mưa không đây. Tháng Năm mọi năm trời chuyển hầm dông nóng hẩm. Năm nay thay màn trình diễn lạ đời, vừa mới mưa bay bay đó lại nắng vàng hanh kia. Không biết tới ngày vui của chú Tư Đào mưa có nổi trận xung phong không hay là nắng có nộ khí xung thiên không. Ai biết đâu nà.
Chỉ có Trời mới biết mưa nắng về hay không về !
Cả nhà ngồi lại góp bàn chuyện cần làm cho ngày vui, rất vui.
Nói vòng vo rồi cũng một đám cưới có trầm hương nhang khói thơm lựng lễ nghi quê nhà. Có buổi tiệc đình đám lãng mạn quá chừng bên vùng vịnh nức tiếng San Diego. Ngồi ngó ra thấy biển sóng rì rào tâm sự. Chán ngó ra thì ngó vô tìm hương vị món lạ quê người.
Đổi nơi chốn ngồi đổi menu cho thoáng mát.
Bởi thuở giờ, như thành lệ quen lệ, cứ nhà hàng cứ thực đơn chiên xào chưng hấp rồi dứt điểm món cuối là cơm chiên dương châu.
Restaurant thì lui tới cũng nơi chốn nhẳn ghế từng nhà hàng.
Menu thì tới lui cũng từng đó món. Riết quen rồi tới nhàm. E dè thêm một chữ “chán” không biết có mích lòng ai không chớ mà riêng tôi thì không thấy ngại ngùng, cứ mạnh dạn nối thêm đuôi câu chữ là... nhàm chán.
Còn một điều muốn nói như mọi người từng( than phiền hay chấp nhận) cứ việc rề rà chuẩn bị bộ áo quần tươm tất hơn mọi ngày khi đi dự đám cưới : “ Không ăn đậu không phải là dân Mễ, không đi trễ là không phải người Việt”. Câu nói ví von ngộ nghĩnh đã lấn mặn vô nếp sinh hoạt của người Việt Nam mình đã từ lâu lắm rồi, khó bề xóa mặn.  Đi sớm hay, rất lịch sự, là đi đúng giờ như trong Thiệp Mời thì cứ việc làm ơn làm phước kiên trì ngồi đợi. Đợi đến bao lâu đợi đến bao giờ thì chỉ có...cái bàn mới quyết định !.
Là tại làm sao mà nói làm vậy ?.
Thì tại vì bàn mời nên phải cần có người ngồi cho đủ(đầy) bàn. Nói nghe ba lơn mà như thiệt, có thiệt.
Không có nỗi chờ rức lòng hơn  là khi chờ dọn món đầu tiên khởi đầu đám cưới để kịp thời chia nhau, cho lưng lửng cái bụng đang réo đói...
Nói ra nghe chừng như quá đáng !. Có quá đáng chi đâu !. Là nói thiệt lòng mà.
Đi mừng đám cưới của người bạn người em người cháu là đi mừng cho mình có thêm một niềm vui trong cuộc sống. Đi đúng giờ nghen. Đừng nên đi trễ như lề thói thành nếp từ thuở giờ.
Nơi đất người thực dụng nơi giờ giấc là vàng nơi tín dụng là thật thà nơi khi nói điều chi cho nhau phải nhìn thẳng mặt nhau...
Chú Tư Đào nhà mình đông tây hòa hợp có lớp lang trình tự khúc chiết.
Nghi lễ xưa bày nay theo phải rất nên trân trọng giữ gìn.
Sau nghi lễ là phần việc vui chơi. Giờ  vui chơi thì cứ việc chơi vui thoải mái không cần tới chấp nhất gì nhau.
Đi trễ theo giờ quy định thì có người hướng dẫn chỉ nơi chỗ để ngồi. Nói ngắn, gọn, là nên đi đúng giờ để không phải áy náy với những khách mời đến đúng giờ ngồi chung bàn tiệc.
Nếu nhiệt tình đi sớm thì có một khoảnh sân rộng bày một quày bar tiếp các món ăn nhẹ kèm cocktail, beer light các loại đặng nhâm nhi thời gian gặp lại bạn bè lâu ngày không gặp tha hồ hàn huyên trong lúc chờ giờ đúng hẹn vào bàn tiệc chính....
Hóa ra chú Tư Đào tưởng bận rộn mà đã âm thầm lo liệu đâu vào đó. Cả nhà chỉ phụ lo ba chuyện vây vi cá thôi.
Có cô ba Quyên, thay thế anh Hai đi xa không dịp về, nặng nề bao công việc lo toan chu toàn cho em. Hiên nhà, hai cha con, gặp nhau ngó nhau thầm lặng mà hiểu thấu lòng nhau. Ba Mẹ giờ lực bất tòng tâm, con thay thế anh Hai, lo cho em trọn vẹn một ngày vui là Ba Mẹ ưng bụng lắm rồi nói chi tới anh Hai, anh còn ưng bụng hơn.
Tôi biết là cô Ba đang mong cô Diễm từ Oakland về để hai chị em chung tay gánh vác.
Diễm sẽ về với một-trăm-năm cái bánh phu-thê do tự tay làm để đi lễ nhà gái.
Bánh phu thê Huế mình tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng... Một trăm năm cái bánh gợi ý là một-trăm-năm...
Con ni giỏi thiệt. Là Ba khen con đó, Diễm...

Chiều ni ngồi dưới Hiên Trăng ngó ra trời âm u mây xám tản mạn chút tình riêng gởi ngày vui của chú Tư Đào. E lòng dạ cũng như trời chiều ni. Chú Tư Đào mai mốt rồi cũng chỉ ghé về thăm Ba Mẹ rồi đi về nhà ai nấy ở như anh Hai chị Ba em Út đó thôi...
Mà nói chi thì nói viết chi thì viết riêng ra Quán-o-Mười vẫn còn đó nghen.
Lâu lâu hay mau mau càng tốt, bổn quán rất mong khách hàng quen thuộc hồi nào tới giờ xin cứ ghé về gầy cuộc đông vui...


Hiên Trăng, chiều 31/05/2016

Không có nhận xét nào: