tháng 7 31, 2010

THÁNG BẢY BÂNG KHUÂNG


Mấy chậu bông cũng nhìn theo lưu luyến
Hai đứa lên hai xe mở máy vẫy tay cười
Vòng bánh xe lăn nghiến lòng đau nhói
Đi xa rồi bao giờ về nhà xưa !...

Ngôi nhà xưa vợ chồng tôi mới về cơ ngơi lại chưa đủ giáp năm thì chú Tư, cô Út có Trường nhận vào học. Hai anh em hối hả chuẩn bị đi cho kịp ngày giờ nhập khóa. Công việc đang vững vàng hanh thông trong thời buổi kinh tế khó khăn khối người thất nghiệp, cũng bỏ luôn !.
Vậy là đứa xuôi Nam, đứa ngược Bắc.
Tôi thì chắc rồi sẽ, chiều chiều, ngồi trước hiên nhà, con mắt láo liêng ngó Nam ngó Bắc. Ngó hướng nào cũng thấy trùng trùng mây bay !.
Ngó lại mình vẫn còn vương vấn tình cảm “cơm nắm muối mè” tiễn con đi học. Từ Trường Làng lên Trường Tỉnh.
Bây giờ là thời hiện đại. Trường học xuyên Bang. Hamburger với Ketchup. Có thời giờ đâu mà nấu-cơm-rồi-nắm-lại-rang-mè-mà-nắm-cơm !.
Câu chuyện cơm-nắm-muối-mè chỉ còn trong hoài niệm chỉ nhắc nhớ trong lúc ngồi quây quần bên nhau bên mâm cơm thịt cá ê hề giữa trời đất quê người.
Ngày xưa tôi cũng đi học xa nhà nhưng cách xa chỉ là gang tấc. Lớp đàn anh thì chắc là có huyền thoại cơm-nắm-muối-mè. Lớp tuổi tôi thì có cá khô sang cả hơn nhưng hết phần thi vị.
Chú Đào thì đi học xa hơn và thời gian học buộc phải dài hơn cô Út.
Hai cha con, không phải mỗi nhưng có nhiều, buổi tối ngồi bên nhau tâm sự cuộc đời. Tôi coi chú như người bạn nhỏ, ngày xưa, bằng tuổi chú tôi đã vào đời rất lâu, đã có gia đình, đã mon men tìm ra sự nghiệp. Nói chung, là đã trưởng thành. Đang bắt đầu ngon trớn thì cuộc đổi đời bể-dâu-thương-hải. Tôi bỏ tuổi trưởng thành trong những năm, tháng đày đọa nhục nhằn không bút mực nào tả xiết. Qua đất người thì đã hết rồi, tuổi xuân xanh…
Trưởng thành đã hóa là trưởng lảo.
Tôi tụt hậu từ mọi phía khi đối diện với vùng Đất Mới và cuộc sống hoàn toàn thay đổi từ tiếng nói, phong tục, thổ ngơi. Cũng y chang như anh Mán về Thành…
May là Ông Bà để lại nề nếp gia đình truyền thống bao đời con cháu noi theo nên chi tôi vẫn còn giữ được vị thế trưởng tộc, của họ tộc ly hương, để tới bây giờ con (đã có thêm đông, các cháu) cho được quyền ăn trên ngồi trước( không phải ngồi trốc, để mà hành thiên hạ).
Mỗi cuối tuần đại gia đình tụ họp ăn uống vui chơi. Tôi cố tình ngồi một góc riêng ( tất nhiên là có beer ( con mua biếu ) đưa cay một dĩa mồi ( cô dâu trưởng làm tặng) mà nhìn, nhìn mê nhìn miết không khí thuận hòa vui vẻ dâu rể con cháu một nhà. Thiệt là giống cảnh quê xưa !

Nay chú Tư ấp a ấp úng xin Ba Mẹ cho con làm đám hỏi với người con thương ( người thương con ) trước khi hai đứa cùng đi học xa.
Quyết định này chắc cũng nhiều đêm trăn trở để cuối cùng thưa với Ba Mẹ.
Thì ra là bạn gái của chú Tư, tháng Tám này, cũng đi học xa nhà ! Chắc là hai đứa có thầm thì với nhau, có tình nguyện thủy chung với nhau…
Tôi không biết chuyện riêng hai đưa nhưng thấy là cũng đúng thôi !. Để cho hai đứa yên lòng để còn yên tâm học.
Ở cái đất nước văn minh tình người tình yêu thay đổi bất thường.
Chưa quá nửa năm đã có xe đời mới, TV, computer đời mới và ( rất nhiều, quá nhiều) thứ đời mới để xúi lòng người có mới nới cũ, quên lòng thủy chung.
Chuyện con lo xa, tôi hiểu và thầm phục con, vì nó còn tin tưởng vào tập tục quê hương. Đám hỏi có sự hiện diện và chứng nhận của họ hàng hai bên nhà trai nhà nhà gái cũng như là lời ước hẹn của hai gia đình. Như đinh đóng cột. Nửa chừng , nới nhau, là thôi đừng ngó nhìn nhau !
Vậy thì làm đám hỏi cho chú Tư Đào trước khi chú ( và cô) cùng đi học xa.
Đúng là nề nếp gia đình !. Anh chị em hết lòng thương yêu đùm bọc nhau.
Khen cô Ba đã (úi trời ơi! Lần đầu tiên đó nghen ) tự lái xe lên Santa Ana mua cau trầu bánh rượu linh tinh các thứ. Cô lái xe thì ai cũng công nhận là ô kê (OK) nhưng đường xá thì phải tôi “ê-kô” từng chặp. Có muốn ngủ trên xe cũng không dám ngủ, cứ ngó chừng chừng e không khéo, cô lại tuốt lên China Town !
Cuối cùng, thiệt không ngờ, mọi việc đều xong xuôi không sơ suất ngoài trở ngại đường về xe kẹt gần hai tiếng đồng hồ.
Khen chú Hai tặng con heo quay to đùng, đỏ lường bóng bẩy. Hai ngày sau mới ký check cho chú Tư ( cái khoản này thì con heo có to đùng, có bóng bẩy nhưng không đỏ lường nóng hổi. Nhắc chừng chú Hai đó. Đừng để cái lo đi trước cái no nghen).
Đúng là đông người thì vỗ tay to. Truyền thống gia đình lại thêm một lần nữa ( một lần đám cưới cô Ba, trước, và một lần đám cưới chú Hai, sau) đã trước-với-sau-và sau-như-một.
Buổi tối, cả gia đình, ngồi bên nhau chúc mừng một ngày thành công tốt đẹp. Tôi nắm lấy bàn tay chú Tư khi chú nói lời cám ơn Ba Mẹ. Xém khóc. ( là tôi cảm động mà xém khóc, còn chú thì còn âm vang rộn rả tiếng cười, mà chỉ dám cười giú nụ).
Có gì đâu con, đó là bổn phận. Không phải nói lời cám ơn.
Con nên có riêng lời cảm ơn anh, chị, em của con đã hết lòng thương mến nhau.
Cám ơn con đã còn theo khuôn nề nếp gia đình mà tự mình hòa nhập vào dòng chung gia tộc. Giữa đất người dị biệt, giữ được nếp riêng, là điều quý hiếm rất đáng tự hào và hãnh diện.
Mỗi người một tay, thiệt là hay quá hay, buổi lễ trịnh trọng cho cuộc đời chú Tư đã ghi vào máy hình của chú Hai, cô Ba, cô Út. Hình nào cũng “wow” gọn gàng. Không thiếu phần lễ nghĩa, không mất tục lệ quê hương, và không ngớt tiếng cười vui rộn rã.

Đi học đường xa nhiêu khê thì chắc bắp rồi !.
Cơm áo gạo tiền hai đứa tự lo, vợ chồng tôi có lo thì cũng lo chi cho nổi !.
Hỏi ra thì có nhà nước lo, chỉ vay tiền sau này trả nợ.
Nay thì lo, cái lo trước mắt, khi hai đứa lên xe rồ máy vẫy tay chào.
Cái nỗi âu lo này, xem ra, thì nhỏ quá nhưng nặng tình.
Lo ướp thịt có cái ăn để cho con trong tuần đầu tiên bận bịu chốn ở và ngày nhập trường.
Cái lo làm cho con áy náy nhưng mà thực tế không lo không yên tâm.
Chị Ba cũng lo cho hai em mỗi đứa một bao gạo ( tượng trưng) trước khi còn lo nhiều hơn nữa !
Anh Hai lo bảo hiểm xe cho hai em ( thực tế ) và còn tiếp tục lo dài dài.
Ngó nhỏ nhưng mà to bởi tấm lòng thương. Lo được chừng nào là yên tâm phần nấy.
Cả nhà dự định hai ngày họp mặt nấu nướng ăn uống thả giàn. Lũ trẻ thì dựng lều sau vườn, cứ tưởng tượng, như là đi cắm trại ngủ qua đêm.
Một đêm hội ngộ.
Tôi lại ngồi ở góc quen ngồi nhìn chú, cô lăng xăng vui đùa cùng các cháu.

Hẹn xong một niên học đầu tiên, chú cô lại về nghỉ hè với mái nhà xưa. Lại họp mặt, lại cắm trại qua đêm sau góc vườn nhà.
Tôi cũng tìm một góc riêng ngồi nhìn con, cháu quây quần đông đủ…

Hiên Trăng, tháng 7/2010

tháng 7 26, 2010

Bài KHÔNG ĐỀ



không qua mẫu giáo
chữ viết chậm rì
ngó chắng ra chi
cũng trò Minh Đạo

tiếp thu rất mau
phát biều rất tốt
thông minh nhất lớp
cũng trò Minh Đạo

có điều hơi…nhão
mau khóc mau hờn
vui buồn có cơn
cũng trò Minh Đạo

quyền cước rất bạo
nắm-đứng-ngồi-quỳ
ngó như con khỉ
cũng là Minh Đạo

tánh khí ồn ào
chưa đi đã…rượt
chưa nói đã cười
cũng là Minh Đạo

Ba Mẹ hỏi nhau
" Cái thằng rất lạ
mười-hai-con-giáp
nó giống con nào ?"


tháng 8/1989
(trích Nhật Thi, thơ Trần Huy Sao ( 1983-1994 )

Hình ảnh đó đã là ngày xưa…
Bây giờ đã trưởng thành, hỏi vợ cho chú yên tâm trước khi chú, và cả cô, cùng đi học xa nhà. Chú về hướng Nam cô thì ngược lên vùng Đông Bắc.
Hướng nào rồi cuối cùng cũng là chung một hướng tương lai.
Cố lên nghe, cô chú.

tháng 7 21, 2010

CHÂN DUNG THƯƠNG HẢI


Tôi chiều ngồi trước hiên nhà
Ngó cây cảnh ngó nắng và ngó mây
Ngó hoài thấy vẫn đâu đây
Cái thằng tôi của tháng ngày xa xưa
Có rù hơn bởi dầm mưa
Xàu hơn rau bởi te tua nắng dòn
Ngó lâu nhận mặt vẫn còn
Dẫu phong sương cũng chỉ mòn sơ thôi
Vẫn là tôi trước hiên đời
Ngó cây cảnh ngó đổi dời nhói đau….
07/2010

tháng 7 09, 2010

TRANG THÂN HỮU: QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ TRẦN HUY SAO


QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ TRẦN HUY SAO

Bích Huyền(VOA News)26/12/2009

Màu tím mùng tơi dù có lợt
Nhưng mà đậm quá, những vui buồn
Trang vở đầu đời tôi nắn nót
Chan hòa dòng mực tím quê hương

Đọc thơ Trần Huy Sao, thấy những kỷ niệm đời thường ai cũng có. Đó là những hình ảnh của mái trường xưa, với trái mồng tơi giã nghiền làm mực tím, với bạn bè cũ đầu trần, tay chân trổ mốc, của con dốc nắng mưa, quỳ hương che kín, của con diều bay, con dế kêu sương, của trái ổi, bụi sim rừng, của “nắng hanh se, rồi mưa bụi phấn rơi" trên lối ngõ, có lá vàng làm nên mùa thu, cái mùa đã cho Trần Huy Sao xúc cảm thành thơ, những vần thơ đầu đời thương mây khóc gió…
Tất cả những kỷ niệm ấy, Trần Huy Sao đã không mang theo trên bước đường xa xứ. Ông đã bỏ lại, đã gói kín, gởi lại quê nhà…
Gởi con cá Tràu dòng Cam Ly Hạ
Bụi sim rừng ở đồi Trọc, rừng Ngo
Con dế kêu sương dưới lùm cỏ dại
Con diều bay hút gió hục Bà Sơ

Gởi trái ổi ôn Cai Hoành ngọt lịm
Hái dành cho “cô gái rượu” ôn Lào
Trái mồng tơi giã nghiền làm mực tím
Vỏ bao nhang thấm nước làm phấn son
.....
Xóm nhỏ tôi nghèo, xa phố chợ
Áo cơm dè sẻn để đến trường
Suốt mùa không đủ tiền sách vở
Những ngày thiếu mực, giã mồng tơi...

Ngày xưa ấy với những ngày thiếu mực giã mồng tơi, những đêm “sương rớt hột vàng trăng đằm hoa lá”, "những tháng năm vào đời khôn lớn" bằng hương vị ngất ngây của nụ hôn đầu.
Gởi nụ hôn đầu sau vườn ổi Sẻ
Vị mặn cay muối ớt rát bờ môi
Để tôi biết vị tình yêu là thế
Ngọt-đắng-chua-cay, có cả mặn mòi

Và “ngôn ngữ tình yêu là im lặng, là con mắt liếc nhớ dài mong”…
Tất cả cũng bỏ lại. Chỉ có một hình ảnh duy nhất mà thi sĩ mang theo, thật bất ngờ thú vị lại là một thứ " hành lý tôi mang là một nụ cười". Một nụ cười mênh mang nỗi đắng cay, chua xót, ngậm ngùi…
Nỗi buồn trong thơ Trần Huy Sao thường đi đôi với nỗi nhớ “chỉ có nỗi buồn rủ rê thêm nỗi nhớ”. Nói như nhà thơ Phan Ni Tấn,viết về thơ Trần Huy Sao : cái nhớ xô người đọc vào nỗi nhớ quá, nhớ hoài, nhớ quặn thắt, nhớ xót xa… “bút mực nào gởi hết nhớ thương”.
Tháng Sáu, cúc thương em mà cúc nở
Anh thương em, cứ nói thiệt là thương
Từ hai ta chung chịu nỗi đoạn trường
Nhìn cúc nở thấy tình thêm lãng mạn

Nắng thương em,nắng hanh vàng tơ lụa
Đường em về hoa nắng rụng đầy sân
Từ dắt nhau đi giữa cuộc phong trần
Nắng hong sợi tình yêu thơm lụa nõn

Mưa thương em, mưa trời tơ phiến mỏng
Giữ tình anh nên mỗi bước đi, về
Từ tháng, năm hai đứa lạc trời quê
Mưa níu lại cho nhau từng nỗi nhớ

Trần Huy Sao tên thật là Trần Phan Hưng, sinh trưởng tại xóm đình Đa Cát (Gọi quen là Cây số 4 )thuộc thành phố Đà Lạt, thành phố của sương mù, của thông reo, thác đổ, của tình yêu đôi lứa, của hoa thơm quả ngọt, của cảnh và người.
Ông cũng đã từng lưu học tại trường Trung học Ban Mê Thuột một thời gian và thành lập Thi văn Đoàn Sao Dị Hình năm 1964 tại Thị xã này.
Với trên mười tác phẩm đã được thực hiện cho thấy Trần Huy Sao rất yêu thơ, nặng tình với thơ, cư xử với thơ bằng tất cả tấm lòng trân quý của mình, một tấm lòng giữa đời sống đầy tục lụy, khi mà tất cả sự vật trong đời này hư ảo phai đi, tan biến đi, thì với Thi sĩ, chỉ còn Thơ là ở lại.
Thời gian rồi sẽ qua đi
đời người rồi cũng xa đi
chỉ còn thơ ở lại



Nguồn:http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-26-voa24.cfm?renderf...


Post bài đọc này của cô Bích Huyền (Voa News) khi tình cờ "lượm" được vì có nhắc nhớ tới bài Thơ GỞI LẠI QUÊ HƯƠNG LÀ KỶ NIỆM, là chủ đề chính cho tháng Bảy của Blogs, vậy thôi. Chỉ vậy thôi.

DẤU VẾT THỜI GIAN


con chim Sâu ở đồi Trọc rừng Ngo
có thấy con diều đứt giây trốn chạy
con cá Tràu ngược dòng Cam Ly Hạ
có thấu lòng tôi đau xót xa nguồn !

tuổi thơ tôi dịu mát gió quê hương
lồng lộng cuộn ngàn thổi tràn qua Xóm
bếp lửa nhà ai chiều khơi khói ngọn
bỏ lưng trời mùi cá Giếc kho rim
đàn Két chiều về chẻ màu ráng tím
ở cuối chân mây xa thẳm thượng nguồn...
tôi lớn lên trộn hết nỗi vui buồn
lũ bạn Xóm nghèo đầu trần chân đất
đời đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm
và cho đầy, đầy ứ, nỗi xót xa

trên mỗi chặng đường tôi đã đi qua
rơi rớt lại ít nhiều thời thơ dại
khi ngoảnh lại thấy đời mình trống trải
dấu thời gian rêu cỏ phủ lối về....

tháng 7 06, 2010

HƯƠNG THỜI GIAN



GỞI LẠI QUÊ HƯƠNG
LÀ KỶ NIỆM

Khi tôi đi mùa hồng chưa kịp chín
Cơn mưa mùa chuẩn bị về qua
Con dốc Linh Quang quỳ hương che kín
Đường Ngô Quyền lạc dấu tình xa

Tôi bỏ lại rất nhiều kỷ niệm
Kỷ niệm nào cũng thấy dễ thương
Đường xa quá, gánh gồng thêm bất tiện
Nên phải đành, gởi lại quê hương !

Gởi con cá Tràu dòng Cam Ly Hạ
Bụi Sim rừng ở đồi Trọc, Rừng Ngo
Con dế kêu sương dưới lùm cỏ dại
Con diều bay vuốt gió hục Bà Sơ

Gởi trường Bạch Đằng bốn-mùa-lộng-gió
Cái quần đùi buộc túm dây thun
Đám bạn đầu trần tay chân trổ mốc
Con dốc Đa Trung nắng bụi mưa bùn

Gởi trái ổi ôn Cai Hoành ngọt lịm
Hái dành cho “cô gái rượu” ôn Lào
Trái mồng tơi giã nghiền làm mực tím
Vỏ bao nhang thấm nước làm phấn son

Gởi những đêm trăng rượt-bắt-cứu-tù
Thấy anh Lạc ôm hun chị Hẹ
Thấy mái Đình cong dáng buồn ủ rũ
Nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè

Gởi lại mùa Thu lá vàng lối nhỏ
Nắng hanh se rồi mưa bụi phấn rơi
Cũng tại mùa này tôi biết làm Thơ
Khóc gió thương mây học đòi người lớn

Gởi nụ hôn đầu sau vườn ổi Sẻ
Vị mặn cay muối ớt rát bờ môi
Để tôi biết vị tình yêu là thế
Ngọt-đắng-chua-cay, có cả mặn mòi !

Gởi lại tháng, năm vào đời khôn lớn
Ở một nơi yêu dấu lắm : Quê Hương
Giờ phải xa đi, tôi thiệt quá buồn
Bút mực nào gởi hết nhớ thương !

Đất xa quê tôi chỉ còn có em
Người cùng Xóm, cùng quê, cùng cảnh
Để lúc buồn, vui có người chia xẻ
Những mảnh đời bỏ sót lại quê xưa...

Hiên Trăng Brookhurst tháng Bảy, mưa
( Trích : Chỉ Còn Thơ Ở Lại, Thơ, 2002 )

Bài Thơ viết vào khoảng tháng Bảy, năm 2000, nhân ngày kỷ niệm 6 năm rời xa quê hương.
Viết dưới Hiên Trăng của ngôi nhà này, ngôi nhà nương náu những năm tháng biệt quê cũ qua nương nhờ quê mới.
Viết trong nỗi buồn hụt hẫng chơi vơi khi nghe tin Xóm nhỏ đang nằm trong quy hoạch hóa đô thị.
Con đường Ngô Quyền lạc dấu tình xa rồi sẽ được mở rộng ra. Mở rộng ra thì chắc chắn sân trước của những ngôi nhà nằm hai bên đường sẽ được ( bị ) thu hẹp lại. Không chừng có nhà mất hẳn cả sân trước, chỉ (may quá) còn mái hiên.
Không may, có nhà được ( bị ) xén ngọt ngào một nửa.
Đường đã mở rộng theo quy hoạch là cứ coi như đụng( nhà )ai nấy chịu.
Rồi nếu như mai này có thiệt đúng là có đô thị phồn hoa theo như kế hoạch. Con đường phóng lớn ngược xuôi hai chiều xe thoải mái thì chắc chắn là khách bộ hành hay là người của Xóm quê tôi không dám gồng mình ngược xuôi chung với dòng xe xuôi ngược.
Phải có một lối dành riêng cho khách bộ hành. Lại phải buộc lấn thêm ra đụng ( nhà ) ai nấy chịu !.
Tới nông nổi này thì con dế kêu sương dưới lùm cỏ dại cũng biết thân mà kêu dưới một kẻ đá nào đó, bên đường. Bởi đô thị hóa rồi, còn cỏ dại đâu mà tới cả lùm !
Tôi có làm Thơ thì cũng hắc ín đã trải đường theo dòng đô thị phồn hoa náo nhiệt chớ đâu có thấy mái Đình cong dáng buồn ủ rũ mà cứ thương cứ nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè.
Những kỷ niệm ngày xưa gởi lại Xóm nghèo mà Xóm nghèo không giữ được…
Chỉ còn lại trong hoài niệm
Và trong Thơ…
Xóm nghèo mình xưa thôi xin đừng về
về lại buồn thêm trong Thơ, Văn anh
anh tả cảnh Xóm Làng mình muôn vẻ
khiến lòng em đau xót quá chừng chừng

Xóm bây giờ em cứ tưởng người dưng
bởi thoáng đó đã hóa thành xa lạ
người Xóm cũ đã lạc đường muôn ngã
để người xa tìm tới ở...buồn ghê !

em ở lại đây chỉ nói anh nghe
không có ai buồn hơn em nữa đó
bởi anh biết khi ngày xưa ngày nhỏ
em lớn lên thì Xóm đã mồ côi

nhà em ở cũng mồ côi thấy tội
bởi chung quanh nhà gạch ngói xây lầu
nghĩa hàng xóm đã ngăn che phên giậu
đâu như hồi nào nương dựa tình nhau

có phải chỉ vì một cuộc bể dâu
nên Xóm cũ cũng thay hình đổi dạng
lớp trẻ ra đi lớp già chạng vạng
rủ nhau nương hương khói sầu nhiễu nhương

đọc thơ văn anh em quá đỗi buồn
tha thiết một thời tình Làng nghĩa Xóm
chuyện anh kể lúc em chưa kịp lớn
nay lớn rồi thương lắm chuyện hồi xưa...

mấy ngả đường bùn trơn đâu còn nữa
sân Đình xưa trăng sáng cũng lạc rồi
nay phố thị mọc lên giành mất lối
anh có về chắc không nhận ra nhau

anh có về cũng người xa mất dấu
lại phụ phàng câu chữ với thơ văn
thôi đừng về để anh còn sâu đậm
trong thơ văn kể chuyện Xóm quê mình...


ừ thôi thì cứ để Thơ, Văn kể chuyện Xóm quê mình…

Hiên Trăng Brookhurst
mười-sáu-năm xa quê

QUÊ HƯƠNG MỘT KHOẢNG CÁCH XA


Trong quê hương lớn rộng, thầm lặng lòng tôi,
có một trời quê nhỏ :
Xóm Đình Đa Cát

tôi ra đi, giã từ Đa Cát
Xóm quê nghèo thương khó nuôi tôi
ngôi nhà xưa gió lùa mưa tạt
gốc ổi buồn oằn tuổi già nua

buổi tôi đi mờ mịt cơn mưa
buồn đến nỗi trời rưng nước mắt
buồn đến nỗi phía ngoài khung cửa
cảnh quê hương mù mịt thảm sầu…

tôi chưa kịp níu lòng tôi lại
xe đã vòng qua một khúc quanh
cũng đâu kịp vẫy tay từ giã
mưa phũ phàng, vùi dập tình thân !

những tháng, năm trên vùng đất lạ
tôi cứ buồn từ những cơn mưa
mưa đan chéo chia lòng trăm ngả
thầm lặng riêng, một ngả quê xưa…

trong quê lớn có trời-quê-nhỏ
cả hai quê,nặng quá, ân tình
cứ nghĩ là suốt đời gắn bó
vậy mà nay đành đoạn xa đi !

có buồn nào hơn lúc chia ly
chịu chi thấu niềm thương nỗi nhớ
ai khơi dậy nỗi lòng tôi nhỉ !
hay chỉ là riêng tôi, với Thơ….

( trích : Chỉ Còn Thơ Ở Lại, Thơ 2002 )

TẢN MẠN THÁNG BẢY


Sân nhà cũ đã hoàn toàn đổi khác. Dấu vết xưa còn lại là một khoảnh nhỏ rải đá của ngày nào, nay đã bạc màu thời gian…
Ba cây cam và cây quýt…
Tháng Bảy. Trời nắng nóng, không mưa, như tháng Bảy quê nhà.
Ngoài trời thì nắng khô nhưng trong lòng thì mưa dầm dề ướt thấm hình ảnh của một buổi sáng mưa tháng Bảy, cách nay đã mười-sáu-năm, trên chuyến xe dời xa xóm nhỏ quê nhà để tới vùng đất mới. Ngày tháng lạ lẫm bơ vơ làm lại từ đầu.
Đất mới, qua thời gian lâu, đã thành đất cũ cho cây quen hơi thổ nhưởng mà bén rễ đâm chồi trổ nhánh…
Đã hình thành một chi ( hay chia ?) nhánh họ tộc trên mảnh đất không là mảnh đất quê.
Thì cũng đúng thôi !.
Ngày chân ướt chân ráo đến ngôi nhà này, chỉ vợ chồng và bốn đứa con dưới sự bảo trợ ân tình suốt đời không quên của anh Sáu Râu.
Nay anh không còn nữa!. Ngôi nhà của anh thì vẫn còn…

tháng 7 05, 2010


Tôi, sau một thời gian dài dắt díu vợ và chú Tư Đào cô Út Linh lang thang ở trọ nhà người.Nay thì không thèm lang thang mà về lại ngôi nhà xưa. Coi như nhà của mình nên ở lì, không đi nữa.
Thời gian mới đó mà mau…
Cậu Hai Trí cô Ba Quyên đã có gia đình, có cơ ngơi riêng lẻ.
Tôi đã lên chức ông Nội, Ngoại.
Về lại ngôi nhà xưa chỉ chưa vừa giáp năm thì tháng sau chú Tư Đào cô Út Linh đã phải tiếp tục đi học xa.
Chỉ còn lại hai-con-khỉ-già với ngôi nhà lớn !.
Với nỗi buồn còn lớn hơn !
Không biết nỗi buồn lớn tới cỡ nào bởi chú,cô lâu nay vẫn sống gần Ba Mẹ. Nay cô chú đi xa làm sao mà không lánh được nỗi buồn !!!

Chiều chiều tôi vẫn cứ ra ngồi đây, trước hiên nhà, nhìn mây bay…Mây tụ, mây tan, mây vần vũ, mây tản mạn…mà nhớ những năm tháng qua đi…
Nhớ lúc trắng tay làm lại cuộc đời trên vùng đất Mới. Cả nhà còn đông đủ, buồn vui chia nhau, vượt khó chia nhau để vươn lên trong nhịp sống hối hả bon chen ở xứ người…
Rồi cậu Hai rồi cô Ba tới lúc chia riêng đông đủ, chia riêng buồn vui cha mẹ anh em để tự vượt khó tìm và được có một mái gia đình .
Ngày đó, ngày chú cô ra riêng, tôi chiều chiều vẫn ra ngồi đây, trước hiên nhà, nhìn mây bay..
Nay chú Tư Đào cô Út Linh dù chưa ra riêng, chỉ đi học xa để nắm bắt tương lai rồi cũng chuẩn bị ra riêng.
Thiệt lòng có nỗi mừng vui vì thấy chú cô chưa bằng lòng với hiện tại đã có, còn muốn vươn lên.
Nhưng vẫn thấy buồn buổi cơm chiều cô không bới cho Ba chén cơm, chú không gắp bỏ chén Ba miếng thịt. Đêm đêm không nghe tiếng chú, cô đùa giỡn nhau ồn ào...
Tôi chiều chiều vẫn ngồi hiên trước. Ngồi hoài để hoài thấy mây bay. Mây tụ mây tan mây vần vũ… Để nhớ, quên..
Ngày mai là đúng mười-sáu-năm qua với đất người…
Như thông lệ từ bao năm, một buổi cơm chiều không đạm bạc như ngày còn ở quê nhà, con ( nay còn thêm cháu) quây quần bên nhau để nhớ ngày…
Buồn vui cũng để nhớ ngày xưa, và, nay….

San Diego, 05/07/2010

tháng 7 01, 2010

THÂN CỎ LẠC LOÀI


ngồi đây ngó cỏ xó rừng
ngẩm thời gian thiệt quá chừng qua mau
tóc xanh xưa nhuốm bạc màu
tuổi thanh xuân đã nát nhàu quan san
ngày nào gió núi mây ngàn
bước chân lảng tử dọc ngang sông hồ
bây giờ ngồi ngó đất thô
đất cây cỏ đất cùn khô nỗi đời
từ dưng không cuộc đổi dời
để chi đến nỗi tới ngồi quê xa
ngó cây cỏ lạc quê nhà
ngó mình cũng chạnh xót xa phận mình…

01/07/2010