tháng 7 31, 2011
THƯ THÁNG BẢY
Mới vừa viết câu " giã từ tháng Sáu " mà nay đã viết thêm " giã từ tháng Bảy ". Thời gian mau thật...
Mỗi chiều vẫn ra ngồi hiên trước sân nhà, ngắm mây bay, nhìn xa thẳm về hướng núi thành quen lệ. Có điều những tâm trạng nhìn ngắm mây bay nhìn xa núi thẳm của những buổi chiều khác những buổi chiều.
Vui với buồn theo đuổi thời gian dây dưa cùng tâm trạng
Ngày này năm trước ( là năm ngoái ) ngồi hiên trước buồn nẫu ruột bởi vì hai đứa con rứt ruột ( thằng Tư, con Út ) ngày mai đi học xa nhà. Hai tiếng xa nhà nghe quá chừng xa lạ, tới nỗi khó ( muốn ) nghe. Chặng học đường ( hay, nói thêm là, chặng đường đi học của hai đứa suốt thời mẫu giáo tiểu học ( ở quê nhà ) rồi tới trung học đại học ( ở quê người ) vẫn luôn ở bên Ba Mẹ có ngày nào rời đâu ! Nay cô chú lại tiếp nối thêm chặng học đường ( đúng nghỉa là học đường ) xa. Vậy là vẫn tiếp nối học đường. Nhưng chặng này thiệt là học đường xa. Học đường xa có nghỉa là không còn học đường gần. Xa nhà, xa Cha Mẹ, xa Anh, Chị ….
Thuở giờ cả nhà mình có xa nhau bao giờ đâu !.
Nay đi xa, đi học đường xa, xa nhà…
Nói chi hết tâm trạng phải xa con khi tự thuở nào có xa nhau !
Hiên trước ngồi ngắm mây nhìn núi đã thành quen lệ mỗi chiều. Mây thì tôi cứ nhìn theo bay về hướng núi. Còn núi thì tôi cứ ngơ ngẩn nhìn hết phương Bắc rồi phương Nam.
Phương Nam có thằng con không biết chiều đi học về có biết tự nấu nướng miếng chi ăn cho no bụng.
Phương Bắc không biết con Út có mặc thêm áo ấm chiều Thu se lạnh trên đường học về…
Nỗi lo chung chạ nỗi lòng thương con mỗi buổi chiều thiệt không muốn ăn mà cứ ngồi nhớ mãi. Nói ra e chừng ốt dột mà thiệt là như rứa đó !
Sau một năm dùi mài đèn (điện sáng choang) sách (in máy hiện đại). Đâu có như lúc tôi dùi mài kinh sử leo lét ngọn đèn dầu, đôi khi đèn pin, dưới hầm trú ẩn ( tránh B.40 ) bên những trang sách ( mực in dòng mờ dòng đậm, quá lôi thôi).
Hai đứa sau một năm dùi mài đèn điện sáng choang sách in máy hiện đại, dịp Hè,về lại nhà tổ ấm xưa.
Thời gian…
Thiệt là mau quá !.
Mới đong đưa chiều chiều nỗi nhớ tháng ngày chỉ mới đong đưa nỗi lo con ( học đường ) xa đó thôi. Nay hai con về lại nhà tránh nắng mùa Hè. Nhìn ngó sơ sơ cũng đã thấy. Trưởng thành. Chững chạc.
Chiều chiều, theo thông lệ, ra ngồi hiên trước ngắm mây nhìn núi. Tâm trạng khác hơn những chiều đã đi qua.
Lòng thanh thản và nỗi vui òa ngập nắng Hè.
( còn tiếp dài dài....)
tháng 7 30, 2011
tháng 7 27, 2011
THÁNG BẢY ĐÔNG VUI
có thêm chú Hai (là ba đứa ) hình chụp thiếu cô Ba (là bốn đứa )
hai đứa đang ở gần Mẹ gần Ba
hai đứa đi học xa nhà
nay xa, gần gặp nhau. Tháng Bảy...
tháng Bảy hai con về trốn nắng
hiên nhà mình hiu quạnh bay đi
buổi chiều về không còn thinh lặng
đông vui rồi thinh lặng nỗi chi ?.
xoa đầu con như hồi còn nhỏ
bỗng giựt mình thấy đã lớn hung
chim đủ cánh bay rời khỏi tổ
chặng công danh đang rượt tới cùng
hai đứa bây được nưa làm nũng
xoa lưng Ba nhột quá đây nì !
nỗi nhớ thương ngày tháng rưng rưng
cái xoa lưng trả mùa mát dịu
về trốn nắng cho Ba giữ níu
những ngày vui đông đủ cả nhà
nồng ấm lắm nghen con, những chiều
Ba không còn ngồi ngó phương xa…
cây cảnh nhà trổ mừng xanh lá
đàn chim vui ríu rít chuyền cành
về đây rồi có chị, có anh
có những ngày nắng Hè thoải mái
đêm đốt lửa cời than nhóm Trại
đêm trên cầu mùa cá vô bờ
ngày nắng nóng ra ngồi Biển gió
chiều quây quần bên bếp đông vui
ơi tháng Bảy nóng mà mát rượi
hai con hùn trả nhớ cho Ba
mai trở về trường lớp phương xa
thối lại Ba ngày vui tháng Bảy
Ba sẽ dành tiêu pha lần lựa
trang trải mùa đơn lạnh Thu, Đông…
07/2011
tháng 7 14, 2011
NHỚ LẠI HỒI XƯA
gởi người cùng Xóm quê,Cây số Bốn, Đàlạt
không biết bây giờ Làng Xóm cũ
có còn khói bếp rủ chiều trôi
bữa cơm chưa kịp trời xụp tối
leo lét vàng hoe ánh đèn dầu
bầy chim bay muộn giạt về đâu
con dế kêu sương trời khuya lạnh
gió bạt ngàn qua thung hiu quạnh
Xóm nghèo rưng nỗi nhớ hồi xưa
đi xa lâu quá rồi nắng mưa
đã gội phôi pha ngày tháng mỏn
con cá ra sông tìm Biển lớn
biền biệt mù khơi một lối về
những người xưa cũ đã hồn quê
bàng bạc hương bay chìm khuất núi
kỷ niệm nghiến lòng đau tro bụi
chỉ còn nỗi nhớ gởi đời sau
đời sau vướng lụy cuộc bể dâu
trôi giạt tha phương chờ mỏi mắt
kẻ ở người đi tìm đâu thấy
để Xóm Làng buồn lặng ngẩn ngơ
tôi nỗi buồn bỏ lại trong Thơ
bỏ rớt bên rừng Ngo đồi Trọc
bụi mâm-xôi trĩu cành trái ngọt
vị sim rừng hoang dại Dốc Trời
con cá Tràu cá Giếc chơi vơi
lạc dòng suối khô Cam Ly hạ
con Hến oải mình bờ cát cạn
chia lòng đau con Rạm phơi mình
Làng Xóm giờ chắc buồn nín thinh
đã thay da trở mình xa lạ
người Xóm xưa giạt đời trăm ngả
ai có về e lạc đường thôi !
Xóm xưa ơi ! Người Xóm xưa ơi !
dâu bể rồi rức lòng không nỡ
đi đã nhớ ở càng thêm nhớ
chốn xưa, Cây số Bốn, Xóm mình !...
tháng 7/2011
tháng 7 13, 2011
THÁNG NGÀY CÒN LẠI
rồi đây chim cũng mỏi cánh bay
núi lở sông bồi đời hữu hạn
buồn vui rồi cũng dòng trôi chảy
thế sự thăng trầm tựa nước mây
em tóc xanh xưa giờ chớm bạc
tôi nhìn tôi lạ hẳn ngày xưa
ngày xưa !...Nghe thiệt là chua xót
đến nổi không ngăn tiếng thở dài
giật mình sắp xếp đời nhau lại
moi tìm đâu đó thuở xuân xanh
soi gương chỉ thấy toàn xa lạ
toàn thứ gì đâu !. Ngó bất ưng
thời gian đâu có lòng độ lượng
nên chi vết chém chẳng lưu tình
huống nữa tháng ngày đầy xu nịnh
vết nhăn hằn dấu cuộc nổi trôi !
tôi với em lạc giữa cuộc đời
nhìn qua ngó lại đã hanh hao
đã xa hơn chút, gần hơn chút
vòng quay nhật nguyệt vẫn vô tình
may ra, còn chút Thơ sóng sánh
dắt nhau đi dạo ngắm phương Đời
suốt quảng đường quen còn sót lại
dăm ba kỷ niệm để vui khuây
rồi đây chim cũng mỏi cánh bay
đậu xuống lằn ranh, ngoài hữu hạn
đời nhau đó, có câu Thơ lạc vận
có nhiễu nhương nhau lạc bước phong trần...
cuối tháng 7/2000
( trích Xóm Đình Đa Cát, tuyển tập thơ văn, 2000 )
DẤU VẾT THỜI GIAN
con chim sâu ở đồi Trọc rừng Ngo
có thấy con diều đứt dây trốn chạy
con cá Tràu ngược dòng Cam Ly hạ
có thấu lòng tôi đau xót, xa nguồn !
tuổi thơ tôi dịu mát gió quê hương
lồng lộng trên ngàn thổi tràn qua Xóm
bếp lửa nhà ai chiều khơi khói ngọn
bỏ giữa trời mùi cá Giếc kho rim
đàn Két bay chiều chẻ màu ráng tím
ở cuối chân mây xa tít thượng nguồn...
tôi lớn lên trộn hết nỗi vui buồn
cùng lũ bạn thơ đầu trần chân đất
bạn gái tóc dài bạn trai tóc ngắn
tóc đứa nào cũng khét nắng hôi chua
( chí cắn quanh năm gãi loạn bốn mùa ! )
đời đã cho tôi vô vàn kỷ niệm
và cho nhiều, nhiều quá, những xót xa
cứ mỗi chặng đường tôi đã đi qua
rơi rớt lại ít nhiều thời thơ dại
khi quày lại thấy đời mình trống trải
dấu thời gian rêu cỏ phủ lối về....
San Diego, chiều 27/08/2000
( trích Xóm Đình Đa Cát, tuyển tập thơ văn 2000 )
tháng 7 12, 2011
THƯƠNG NHỚ NHỮNG MÙA CÂU
Tôi ngồi chờ, thè thẹ liếc nhìn về phía sân sau. Thấy Ba tôi đang tước lạt tre để bó, dễ cũng năm sáu cái cần câu, cho gọn nhẹ. Mùi thơm mè rang từ gian bếp lan tỏa tới nhà trên. Nghe tiếng Ba tôi :
- Nhắc chảo xuống, đổ ra mâm.
Mợ tôi vội vàng nhắc chảo xuống, đổ tràn mè ra chiếc mâm thiếc đã để sẵn bên bếp. Những hạt mè đang nóng gặp hơi lạnh tanh của mâm thiếc, nhảy nổ lung tung. Mùi mè thơm bung ra ngào ngạt. Ba tôi ngừng tay, ngó trời hít mủi mắt lim nhim. Ông trở lại công việc đang dang dỡ, không nói gì.
Không nói gì là đã bằng lòng độ thơm chính xác của mùi mè rang. Không sớm quá để mùi thơm còn vướng vất mùi dầu. Không trễ quá để mùi dầu bắt đầu trở khét.
Sau khi bó cột những chiếc cần câu gọn gàng, Ba tôi trở ra vạt đất ẩm thấp gần cái bể-cạn ( gọi là bể cạn là tên riêng theo vùng. Thật ra, nó là cái hồ xây bằng gạch cao khoảng 1 mét hay cao hơn chút đỉnh, có thể là hình vuông có thể là hình chữ nhật, được tô trét lớp ciment rất kỷ mặt trong và mặt ngoài, dùng để chứa nước mưa cho gia đình dùng quanh năm) coi lại mớ mồi câu được gói kỹ càng trong lá chuối.
Mồi câu là những con trùn đỏ au đang tranh nhau đùn mình tìm hơi ẩm trong cục đất đen nhão nước. Ông chăm chú cẩn thận dò tìm những con trùn trở màu bạc đỏ, thân đã bắt đầu nhão. Những con trùn này không là mồi câu, phải loại bỏ. Mồi câu phải là những con trùn còn giữ màu đỏ bóng, thân tròn lẳng căng đầy.
Gọi là trùn huyết.
Trùn huyết không phải đào bắt từ đất. Nó nằm trong những bẹ lá chuối khô.
Bẹ lá chuối được hình dung như là cọng lá chuối. Khi lá chuối trở già, trở khô thì bẹ lá cũng bắt đầu rời rã nhả ôm thân chuối để chờ teo tóp nhường cho lớp bẹ non trổ lá xanh. Lá sau dồn lá trước cho thân chuối vươn lên…
Thường thì lá khô bẹ khô tự thân teo tóp chẳng ai đoái hoài chỉ có Ba tôi là chăm chút vì ông biết chắc và tin chắc buổi đi câu nắm phần thắng lợi chính là từ giữa khoảng hở của thân và bẹ chuối !
Mới nghe qua thì thiệt mơ hồ !. Cá sông cá suối có dính dáng gì cái khoảng hở của thân và bẹ chuối !.
Vậy mà có. Khi ông kéo cái bẹ chuối xuống là những con trùn đỏ au mập ú oằn thân co rút. Mỗi bẹ không nhiều, đâu chỉ mươi mười con. Đám chuối sau nhà cũng đủ mồi cho một buổi câu dư dã.
Trùn bỏ trong nắm đất moi từ gốc chuối và gói lá chuối, không hề bỏ trong lon hộp. Chắc là để giữ mùi đất, mùi lá quen thuộc.
Xem xét cần câu, mồi câu, các thứ lỉnh kỉnh cần thiết đâu đó rồi ông lên nhà trên chiếc rượu từ chai lớn ra một chai nhỏ bỏ vừa túi. Thường, thì không quên làm một ngụm trước khi đi.
Đây là giây phút tôi hồi hộp ngồi nín yên, chờ đợi.
Ba tôi chỉ thích đi câu một mình. Thi thoảng mới cho tôi đi theo chắc là ông cũng biết cái thú câu cũng đã lây lan qua thằng con. Nghiệt cái tôi quá nhỏ có biết gì đâu !. Chỉ ngồi nhìn chiếc phao nhấp nhô, đứng yên, nhấp nhấp rồi chìm lút. Ba tôi gật nhẹ tay, rê cần rồi thấy con cá quẫy xao động nước. Tôi lại gỡ cá không rành cứ trầm trầy trầm trật làm ông bực mình cứ “xì, xịt” làm tôi càng thêm cuống. Tự vì ông câu tới sáu cần nên cứ đều tay giật…Tôi gỡ cá làm sao kịp !
Cái thú đi câu của Ba tôi, có thêm tôi, hóa là cái bực mình…
Bữa đó, chắc tôi ngồi nhấp nhỏm liếc ngang liếc dọc dò chừng, ông không nỡ :
- Nì, con vác cái oi rộng cá, bỏ trùn với mè rang vô. Nhớ là mè bỏ dưới, trùn bỏ lên trên. Đi đừng có lắc mạnh không thôi trùn nó trối nước, nó chết lấy mồi đâu câu !.
Tôi mừng muốn nhảy dựng.
Hai cha con xuống cuối dốc cây dầu Gió nhà chú Hai Tín, ông ngừng lại, đắn đo. Cuối cùng, ông nói :
- Thôi, bữa ni không câu ở hồ, câu ở suối. Hôm trước nghe dượng Cứ mi nói là ở suối đang mùa rộ cá Trắng có cá Chép nữa. Vô câu thử.
Vậy là vô suối Cam Ly. Rẻ phải thay vì rẻ trái.
Vô tới suối rồi ông đâu có câu liền ! Đi lên rồi đi xuống một đổi xa đổi gần thăm chừng con nước chảy, xem chừng vòng xoáy nước vô cái eo rộng có trả liền nước ra suối hay giữ nước chầm chậm theo dòng, xem chừng từng đám rong mềm mỏng hay dày đen bám đáy.
Quày quả lên xuống gần cả tiếng đồng hồ mới chọn được một chỗ câu ưng ý. Lại xăm xoi moi đất nắm từng những nắm tròn rồi lăn mè rang đều quanh. Đi lên một đoạn thảy vài nắm đất. Đi xuống một đoạn thảy vài nắm đất. Chuyện này tôi đã biết. Mùi mè rang thơm để rủ cá tìm tới. Thể nào cũng tìm tới. Tôi ngồi nép người trong lùm cây, nhấp nhỏm đợi chờ.
Ba tôi thì vẫn điềm nhiên ngồi móc mồi câu rồi từ tốn nhấp vài ngụm rượu, ngó trời, ngó nước, ngó qua phía thằng con đang ngồi nhấp nhỏm.
Tôi nhớ có nhiều lần, sau khi đã thăm chừng, quăng đất lăn mè rồi chọn chỗ ngồi nhìn trời nhìn nước ( ngó thằng con đang ngồi nhấp nhỏm chờ, chắc là thể nào cũng có ngó ). Cuối cùng, ông bó cần gọn lại, thả mớ mồi câu xuống nước, nói :
- Thôi, mình đi về.
Ông xăn xái đi trước, tôi lúp xúp chạy theo sau mà trong bụng cứ ấm ức một buổi câu đang hồi ngon trớn. Hình như thấy rõ được tâm trạng tôi, ông ngừng lại chờ. Vuốt đầu tôi, ông nói :
- Bữa khác rồi mình quay lại. Bữa ni thì ngó bộ không ra chi rồi, có ngồi lâu cũng giỏi lắm chỉ vài con. Chim trời cá nước, lo chi. Cái hồ ni tiếng là rậm cá nhưng bữa ni thì, thôi, về đi con.
Tôi nghe thì nghe vậy, vẫn lúc thúc chạy theo rồi xực nhớ là buổi câu nào ông nhất định ngồi lâu là y như là buổi đó cá cắn câu giựt đều tay, gở cá rồi tiếp mồi đều tay. Ông đâu có câu chỉ một cần, giàn cần bày hàng ngang trước mặt từ sáu ( không dưới sáu ) tới mười cần. Tay giựt như máy, gở cá, tiếp mồi nhuần nhuyễn kịp thời khiến tôi cứ đứng nhìn mê, nhìn sửng.
Rồi bỗng nhiên ông thản nhiên chuẩn bị cuốn cước từng chiếc cần, không câu nữa. Tôi quá ngạc nhiên, vuột miệng :
- Ba .Cá đang ăn mà !. Sao Ba không câu nữa ?.
Ông vỗ vỗ cái đầu trọc của tôi, cười ngất :
- Câu chi nữa, con. Con không thấy cá lớn nó giành ăn, mình đã câu lên hết rồi. Còn lại mớ cá nhỏ ăn theo, mình có câu thêm thì phí của Trời. Chờ mai mốt tụi hắn lớn rồi ghé lại. Bữa ni mình câu hồ này mai mình câu hồ khác. Chim trời cá nước mà, lo chi . Phải biết dừng để dưỡng. Về thôi !.
Hóa ra cá lớn ỷ mạnh giành ăn mồi trước bị câu trước. Cá bé thì phải chịu phần thua, ăn sau. Cái triết lý dừng dưỡng của Ba tôi nghe ra cũng thiệt quá đúng.
Cái đầu trọc lóc không có tóc như tôi nên nghĩ chưa thấu đáo.
Đầu có tóc, còn may ra. Đầu tóc bạc như Ba tôi thì nói đâu trúng đó.
Bởi Ba tôi vốn đam mê nghề câu, coi đó như là một ( trong những ) thú vui cuộc đời. Cái cần câu theo ông dọc suốt thời trai trẻ tới tận cùng tuổi già run tay mờ mắt với bao nhiêu là thành bại để rút tỉa làm kinh nghiệm giắt lưng.
Ở Xóm tôi không có tay câu nào qua mặt được. Không có nhà nào ăn nhiều cá câu như nhà tôi.
Giờ thì ông ngồi trên bờ suối Cam Ly nhìn trời nhìn nước, nhẩn nha nhấp vài ngụm rượu. Tôi thì ngồi thu lu trong bụi sim rừng nhấp nha nhấp nhỏm chờ cá xủi tăm, lâu lâu thè thẹ ngoái nhìn Ba tôi.
Có thể ông sẽ cuốn cước bó cần đi về không câu .
Có thể ông bắt đầu dương cần quăng ngọt một đường cước vòng đẹp mắt. Cục chì rồi sẽ chìm xuống, phao rồi sẽ nổi dập dềnh chờ…
Thấy Ba tôi nhỏm người nhìn vầng nước xoáy nhẹ vòng quanh trước khi trả mình hòa nhập theo dòng chảy đều ra con suối. Một đổi lâu ông quay lại nhìn tôi ngoắc tay rồi chỉ xuống nước. Tôi chỉ chờ có vậy, bật người bươn tới.
Nghe tiếng Ba tôi vui vẻ :
- Cá bắt mùi tìm tới rồi, ngó bộ dày đám. Không câu xuể nhiều cần được đâu. Ba câu một cần thôi.
Ông quay nhìn tôi, dò hỏi :
- Con muốn câu không ?.
Tôi tưởng nghe lầm, ngớ ngẩn. Ba tôi cười ;
- Câu đi. Cứ thấy phao lút nước là giựt…
Ông chọn cái cần câu nhỏ nhất trong số cần đưa cho tôi :
- Nì, quăng dây đi. Cho con phá đám trước đó.
Tôi cầm lấy chiếc cần câu, mừng tới choáng ngợp. Bắt chước tư thế sánh điệu của ông, tôi quăng dây. Tiếng rớt nặng cục chì nghe bỏm, phao vừa chạm nước chưa kịp tìm dáng đứng thì đã bị lôi tuột. Tiếng Ba tôi hối hả ;
- Giựt lên. Giựt lên mau.
Tôi nhấp giựt mạnh. Đầu cần cong vút trì xuống . Tay cầm cần có cảm giác oằn nặng rung đều. Tiếng nước xé dọc dài ánh lên màu bạc. Tôi giật mạnh thêm lần nữa. Ánh bạc rời nước bung lên rớt vòng ra phía sau. Tôi quay lại mừng rỡ khi thấy màu sáng bạc vùng vẫy giữa đám cỏ.
Nghe tiếng Ba tôi cười sảng khoái.
*
Những mùa câu đã từng qua trong đời nhưng sao tôi cứ nhớ thương hoài một người câu đã từng dẫn dắt tôi đi trong những mùa câu của một thời thơ ấu…
Mùa câu 2011
gợi ý bài viết khi đang câu trên cầu Oceanside
đêm 07/07 ( song thất )
tháng 7 04, 2011
MÙA CÂU
gởi Nhường
trên cầu Oceanside mùa câu tháng Bảy
trời nắng oi rủ cá về giởn sóng
cô em Pomona về San Diego tránh nóng
lại trúng mùa câu đang rộ đầu Hè
xin bỏ qua đi những cơn gió nhẹ
những bước chân đạp sóng vỗ chân cầu
nên nhớ là mình ra đây mùa câu
không có chỗ cho hồn Thơ ghé đậu
chỉ nhớ một điều nhuần nhuyễn quăng câu
chăm chú chiếc phao đang đùa giỡn sóng
chỉ nhớ giữ dây căng đừng buông thỏng
thấy phao chìm mau nhấp nhẹ nặng cần
nặng cần rồi là cá đã dính câu
cứ thong thả đều tay quay rút cước
khi con cá đã vượt mình xa nước
nó chỉ có một chỗ nằm : trong xô
bài học mùa câu dặn lời nhỏ(rồi)lời to
em gật gù mà làm thì trật lất
cá cắn câu chìm lút phao không giật
lại giật khi phao giỡn ngụp sóng chân cầu
những tấm hình nhóe sáng chụp vô đâu !
không thấy con cá nào vẫy đuôi làm dáng…
Đêm trên cầu Oceanside
03/07/2011
mùa câu
nhân dịp cô em lại về thăm San Diego ( vội vàng chiều 31/07/2011 [ vẫn còn trong tháng Bảy] ) ngẫu hứng thêm hai câu cuối( của bài Thơ ) :
thiệt quá khổ cho cô em thời chạng vạng
mắt kính đâu rồi không lấy ra đeo !!!...(
hóa ra nãy giờ câu không có kính, có thấy chi mô !!!)
ths
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)