tháng 10 27, 2009
MỪNG SINH NHẬT CÔ ÚT (trăm chữ)
Wow....
" Qua đường, lẹ lên con. Nắm tay Ba, nắm chắc.".
Hồi mới qua vùng đất mới, dắt con với anh Đào đi chợ.
Ba cha con ngớ ngẩn ở cửa ra, vào. Đứng chờ vào ở cửa
ra, chờ ra ở cửa vào. Qua ngã tư, con níu Ba, tay đẵm
mồ hôi vì sợ. Nay con đã lớn khôn để tự đi vào đường
đời không cần tay Ba nắm. Con hãy bước đi, vững vàng
trên chặng đường một thời Ba từng đi.Không nắm tay
con nhưng Ba vẫn nhìn theo từng bước con đi vào Đời..."
27/10/2009
BÀI THƠ HỒI NHỎ
( Nha Trang 1994. Cô Út ngồi bên anh Đào, bên phải. Nhỏ chút xíu, là hồi đó, chớ bây giờ...wow!!!)
gởi Út để chia hồi nhỏ
hai chiếc nơ xinh xắn
như đôi bướm tung tăng
trong vườn-hoa-tóc-bé
thơm ngát một mùi hương
cô bé nào xinh quá
hai má phính hồng hào
mắt tròn đen lay láy
bé tên gì, bé ngoan ?
" trước tiên là Maika
rồi nô tỳ Asaura
tên Anqua-Bala
là sau này Ba đặt
còn nếu như tên thật
là Nhã Uyên đó nghen
mà tên gọi thường quen
là Út Linh, Út Sún
khi nào bé làm nũng
thì Ba gọi Năm Nhè
khi nào nói không nghe
thì Ba kêu Vằn Hổ
mỗi khi ai có hỏi
thì Ba gọi Phục Linh
chắc là tại bé xinh
mới có nhiều tên vậy!..."
ồ, cô bé của Ba
bé là vườn hoa nhỏ
có hoa thì màu đỏ
có hoa lại màu hồng
mỗi loài hoa mỗi vẻ
người đặt mỗi tên riêng
bé như những bông hoa
mỗi ngày trông mỗi vẻ
khi thì Hoa Khóc Nhè
khi thì Hoa Làm Nũng
có khi cười : Hoa Sún
có lúc Hoa Ăn Hàng
tùy loài hoa Ba đặt
cho mỗi một tên riêng
đừng phiền nghe, cô bé !!!...
Xóm Nghèo,12/02/1990
trước hòn Non Bộ ngồi chơi bán hàng
với bé Út.
( trích Nhật Thi, thơ Trần Huy Sao,1990)
tháng 10 23, 2009
LẠI CHUYỆN LÀNG CHUYỆN XÓM
Xóm quê tôi “tối lửa tắt đèn” nhà ai nấy ở, đường vắng teo. Lệ Làng quy định gần mười giờ là có chú A, nhà ở cuối dốc giếng Hai Vòi, đeo cái mõ cầm cái dùi, đi hết làng trên xóm dưới.
Chú vừa gõ mõ vừa ê a bài học-thuộc-lòng nhắc nhở mọi nhà coi chừng lửa bếp, coi chừng cửa nẻo, coi chừng...ngủ sớm để mai có sức ra làm công việc nương rẫy, làm thợ làm thầy.
Nói chung, khi tiếng mõ đã gióng lên từ làng trên xóm dưới là mọi người dân xóm đều biết đó là giờ giới nghiêm. Nhà ai nấy ở nội bất xuất ngoại bất nhập.
Tráng đinh trong làng sẽ đi tuần rỏn để giữ gìn an ninh trật tự cho bà con có giấc ngủ đầy.
Người lớn ai cũng gọi chú A là “thằng mõ”. !
Tôi nghe mà trong lòng cứ chộn rộn xốn xang nỗi bất bình. Chú lớn tuổi rồi, có đông con và cũng bắt đầu lai rai có vài đứa cháu nội ngoại. Vậy sao gọi là “thằng”?.
Tôi có đi dò hỏi quý đàn anh đàn chị, có vòng tay xin Cha tôi giải thích về danh xưng “thằng” riêng đối với chú A (Nguyễn văn).
Các anh, chị lớn không giải thích nổi vì mỗi lần gặp chú thảy đều vòng tay cúi đấu thưa chào phải phép. Đâu có dám gọi “thằng"!
Cha tôi thì không nói rõ hết ngọn ngành, chỉ nhắc chừng con có gặp chú thì phải chào hỏi lễ phép “tiên học lễ hậu học văn”. Chú cũng là dân xóm làng mình. Ai cũng có phần việc riêng để chung lo chuyện xóm làng.
Hàng năm xuân thu nhị kỳ hay ba năm Làng vô hội kỳ yên thấy chú chạy trong, ngoài mệt nghỉ theo lệnh sai bảo của quý vị chức sắc hội tề. Chú tất bật luôn tay và cười vui luôn miệng. Chẳng khác chi là người ăn kẻ ở cuả xóm làng. Tôi thiệt lòng thấy bất nhẩn bất ưng !
Thương chú những đêm Đông trời lạnh giá vẫn nghe tiếng mõ và tiếng chú ê a kéo dài lúc to lúc nhỏ hòa theo tiếng gió hú ngược ngàn thung xanh về ngang qua Xóm.
Một thời gian sau này, lâu mau tôi không nhớ được, tiếng mõ tự nhiên tan biến, đã không còn đêm đêm.
Thời thế đổi thay. Xóm làng cũng theo dòng thay đổi. Lớp tráng đinh lần lượt bỏ làng bỏ xóm lên đường thi hành quân dịch,kỳ hạn ba năm.
Lúc nào không hay, đêm đêm làng xóm không còn có tiếng mõ cầm canh với lời nhắc nhở. Quán mụ Đối vẫn đèn(dầu)khuya đối bóng mấy anh trai làng nhậu nhẹt thâu đêm.
Đường xóm khuya vẫn còn mấy chị thanh nữ hẹn hò tình yêu về muộn.
Lớp trẻ tụi tôi thả giàn những đêm Trăng sáng sân Đình. Tha hồ mà bày vẻ những trò chơi tới hồi khuya lơ khuya lắc.
Coi như cái thời xa xưa đã vào cải cách giai đoạn mới.
Miếng đầu làng to hơn sàng bếp đã đi vào thực tế,là không nên cần thiết. Bởi có to mà không no thì thôi,xin đừng to theo kiểu no hơi danh lợi phù vân mây nổi mây trôi...
Ôn cai Tư, là hương sư của nhiều thế hệ.
Tới thế hệ tôi, ôn trở dáng chiều đời không còn nhanh nhẹn đi đứng. Không nhặm lẹ nói năng bác vật bởi mắc chứng lảng quên tuổi già.
Không trách. Chỉ trách con gà dĩa xôi cúng thầy buổi khai tâm đã không chút sơ múi cho thằng học trò trỏ mắt nhịn thèm. Khi ngồi xếp bằng bên cạnh đồng môn, nước miếng thèm ăn làm lạc giọng ê a bài học ..tử con tôn cháu lục sáu tam ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau...
Khi tôi vào trường tiểu học Đa Nghĩa thì nhường cái-nhịn-thèm cho lớp đàn em trong Xóm. Ba tôi lại thêm một con gà và dĩa xôi cho em tôi. Em Tuyết. Nay em không còn nữa !
Những cái-nhịn-thèm cứ tiếp nối cho kỷ niệm xóm làng về một người Thầy, không chỉ là đáng kính, mà đáng yêu trong suốt dòng chảy tuổi thơ.
Bọn trẻ xóm tôi không hề gọi là Thầy mà chỉ gọi là ôn. Tiếng gọi níu thân thương do từ tình Làng nghĩa Xóm.
Bởi khi gọi tiếng Thầy, nghe sao mà xa lạ không còn Xóm còn Làng. Vấp váp xa lạ và không thể gần gụi thân thương bằng tiếng ôn.
Tiếng "Thầy" chỉ để rồi dần quen khi vào dòng học chính thống ở trường Tiểu Học,nơi có hệ thống cải tiến theo tân học tựa như con đường quê đất đá qua con đường trải nhựa phẳng phiu !.Có Thầy(Cô Hiệu Trưởng).Có ông(bà)Trưởng Ty Tiểu Học !
Tiếng gọi hương sư đã dần đi vào quên lảng.
Riêng hương-sư-Ôn-cai-Tư, mãi mãi muôn đời, là ôn Thầy của bao thế hệ đàn anh đàn chị ( đàn tôi) đàn em của riêng cái xóm nghèo (trong muôn vạn xóm nghèo) quê tôi.
Ôn đã khai tâm cho nhiều thế hệ, sau này vào đời, đã có nhiều thành đạt.
Khi trở lại Làng quê Xóm cũ, quý vị giáo sư (đã và đang dạy học trò),quý vị đã bỏ bút nghiên theo việc kiếm cung nhân khi nhắc lại thầy xưa, vẫn cứ gọi là ôn.
Ôn của một thời đèn dầu khô bấc.
Ôn của một thời sân Làng vang lừng chiêng trống hội kỳ yên.
Một thời có “thằng mõ” đêm đêm nhắc nhở mọi nhà củi lửa coi chừng vạ lây trăm họ.
Ôn của tuổi khai tâm con gà dĩa xôi dọn đường chữ nghỉa vào đời khôn lớn.
( Anh Vĩnh Nghi ( con của “mệ” Bửu Thực) thủ khoa khóa 17 Võ Bị Quốc Gia Đàlạt , khi về lại xóm nhỏ, xoa đầu tụi tôi nói các em gắng lên để cái sàng bếp xóm mình to ngang bằng, và sánh ngang bằng cái đầu nước, chớ không phải( và đừng phải) cái đầu làng. Anh hồi nớ cũng có ôn cai Tư khai tâm như lớp trẻ tụi em. Cũng có cái nhịn thèm miếng thịt gà miếng xôi có khác chi đâu !)
Tụi trẻ xóm tôi ngưỡng mộ gương mẫu của anh, gắng giành nhau vượt khó để sớt cái đầu làng mà lên cái đầu nước. Khi tụi tôi bắt đầu vào đời với các chuyên khoa Đại Học, nao nức vào quân trường thì Thiếu tá Vĩnh Nghi ngả xuống trong trận chiến Mậu Thân 1968 !).
( Anh Phạm Liêu (con của ôn Phạm Lào) giáo sư trường Võ Tánh Nha Trang cũng có về qua Xóm. Tính ông ít nói ít cười( chỉ hiếm hoi cười trong niên học là vào dịp tất niên “đãi” học trò về ăn Tết và dịp hết niên học “tiễn” học trò lên lớp trên).Coi như một năm chỉ có hai nụ cười!.Tôi gọi ông là anh, không là Thầy, vì ông là anh vợ, tôi lại không là học trò Võ Tánh Nha Trang.
Ông nghiêm nghị cỡ nào thì quý anh một thời võ-tánh-nha-trang[nếu tình cờ đọc bài viết này]khắc biết. Không chừng góp thêm cho tôi vài “giai thoại” về tính nghiêm nghị của ông.)
Khi anh về xóm nhỏ, nhắc chuyện khai tâm, anh vẫn gọi thân thương là ôn cai Tư của Xóm mình.
Còn nhiều, nhiều lắm, những anh những chị đã một thời ...lục sáu tam ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau.. đã vào đời, đã nên danh nên phận từ buổi khai tâm con- gà-dĩa-xôi với ôn cai Tư của Xóm quê mình : xóm đình Đa Cát.
Chỉ nhắc tượng trưng hai anh gần gụi nhất ( anh Vĩnh Nghi gần nhà, anh Phạm Liêu thì gần bên vợ). Một bên văn một bên võ.
Nhắc cho nhói nỗi nhớ thương về một nơi chốn, khi ở thì thấy như là rất bình thường mà khi dứt bỏ ra đi lại ray rứt nhớ thương.
Anh Vĩnh Nghi đã thật sự đi xa rồi !
Anh Phạm Liêu, nay vẫn còn bám trụ ở Nha Trang, hưu trí. Mở một kệ sách cho thuê kiếm sống qua ngày thêm dặm vào đồng lương hưu ít ỏi cho một nhà giáo lưu dung....
(còn tiếp, khi có thời giờ buồn nhớ bâng khuâng...)
Tháng 09/2009
tháng 10 10, 2009
HÌNH ẢNH
HÌNH ẢNH
Tiền đạo Kuno Rhinos
Đặc điểm : Rất khó tính (nhìn hình biết liền!)
Chỉ chờ banh chọn chân chứ không thèm chân chọn banh.
Có những cú...sút...thần sầu quỷ khấp làm rung rinh khung thành đội bạn vì bóng chỉ lướt sát khung thành chứ chưa bao giờ phá lưới!!!
Đang trong mùa chung kết để giành chức vô địch toàn vùng.
Sáng nay, 10/10/2009, có trận đấu quyết liệt. Đang chờ xem...
Thơ Langbian : SÓNG
gởi Hiền, Đại, Huy, Nhuận, Phúc
Minh Hiền, Lộc, Vân…và các bạn
Từng con sóng dập dồn
Cuốn xô ghềnh đá cũ
Chìm hoài trong hoàng hôn
Trong vực sâu quá khứ
Tình…giờ ngàn năm ngủ
Nhớ…giờ yên đáy mồ
Sóng xô…và sóng xô…
Miên man lời tâm sự
Như lời ai tình tự
Biết có còn ai nghe ?
Biết có ai còn về
Từng chiều nghe sóng hát
Dấu chân người trên cát
Đi đâu…và về đâu ?
Đời rồi như bể dâu
Bạc đầu con sóng nhớ !
Langbian
từ một lần về gặp lại…
tháng 10 08, 2009
LÁ THUỘC BÀI
(lớp tuổi trẻ sau này về thăm lại trường xưa. Không khác xưa, còn phong trần hơn xưa !!!) Bâng khuâng và ngỡ ngàng quá, phải không chú bạn nhỏ!!!
tôi gởi bài viết này cho các bạn ở trường Tiểu học Bạch Đằng(ngôi trường lộng gió)ở xóm đình Đa Cát( cây số 4 )thành phố Đà Lạt, của tụi mình.
Câu chuyện về chiếc lá-thuộc-bài gần như là truyền thuyết.
Không ai biết chiếc lá đó hình dạng ra sao, màu sắc thế nào.
Chỉ có những người tự đi tìm chiếc lá-thuộc-bài đó như trường hợp của trò Chuyên, trò Thiệt trong câu chuyện này là biết rõ. Nhưng tiếc thay, vẫn phải giữ im lặng và bí mật để cầu lấy sự linh nghiệm. Người viết câu chuyện này, trong thời gian còn là chú học trò bé nhỏ( và chắc chắn là cũng có nhiều những cô chú học trò bé nhỏ đồng thời ) đã có đi tìm chiếc lá-thuộc-bài. Nhưng vẫn phải theo nguyên tắc chung là sự im lặng và bí mật.
Cả lớp yên lặng, nín thở chăm chú theo dõi cây bút của thầy Điền rà dọc theo cuốn sổ điểm danh. Đây là giờ trả bài Học-thuộc-lòng và thầy Điền, đặc biệt, trong giờ này rất là nghiêm khắc.Thầy thường nhắc nhở với cả lớp :
- Các trò phải nhớ cho kỹ lời Thầy. Đã là học thuộc lòng là học thuộc nằm lòng, không có một lý do gì mà ngập ngừng. Ngập ngừng là không thuộc lòng. Không thuộc lòng thì...alê, hấp.
Thầy chỉ tay về phía góc lớp, cạnh cửa ra vào. Nơi đó là chỗ “nghỉ chân” của mấy trò không thuộc bài. Thầy nói : “A lê. Hấp “ có nghĩa là nếu không thuộc bài thì cứ tự nhiên tới đó, đứng day mặt vào tường khoảng nửa tiếng. Hình phạt, dù hình thức không nặng nhẹ gì cho lắm. Nhưng mà nặng là nặng cái hột vịt tròn vo nằm ở trong sổ điểm. Thầy Điền không nương tay bao giờ. Con số O Thầy viết quả có nặng tay, lún cả giấy. Một phần bực bội trong người vì có trò lại dám không nghe lời Thầy mà học cho thuộc, đọc cho trơn. Một phần cho hả bớt cơn giận.
Số O bao giờ cũng được viết bằng mực đỏ.
Đầu năm, cái góc lớp vào giờ Học thuộc lòng… đông khách lắm. Có hôm đứng choáng cả cửa ra vào. Trò này nhìn ót trò kia. Không có phân biệt trai, gái như khi sắp hàng vào lớp, nam tả nữ hữu đàng hoàng.
Đã không thuộc bài thì phân biệt cái nỗi gì ! Đứng dồn vô góc tuốt luốt !
Đông quá thì liệu mà đứng để không đạp nhằm chân nhau. In ít thì còn dễ thở hơn. Trò nào cũng khét nắng hôi chua. Gặp khi trời nóng, đứng đông quá, chịu đời không thấu !
Thầy Điền buồn lắm, nhất là lúc nhìn đám học trò đứng chật cứng ở góc lớp, lấm la lấm lét nhìn về phía Thầy. Thầy ngao ngán khi nhìn những con số O đỏ chói chiếm gần nửa cột giấy mà chóng mặt nhức đầu muốn hoa cả mắt. Nhưng không thể nào hơn ! Thầy phải kiên quyết.
Lần hồi, tình trạng có vẻ...thoáng mát hơn. Rồi qua nửa năm, cái góc lớp chỉ còn loe ngoe vài mống. Nhưng mà, phải công nhận, đáng nể nhất là trò Thiệt. Từ đầu năm cho tới giờ phút này, lần nào kêu lên trả bài Học-thuộc-lòng, trò cũng được tới “nghỉ chân” ở góc lớp không thiếu sót lần nào ! Riết rồi, tới giờ Học-thuộc-lòng, khi Thầy kêu tới tên Phạm Thiệt là y như học trò cả lớp đều không hẹn mà nhìn nhau lắc đầu le lưỡi.
Giờ thì cây bút Thầy đang rà dọc xuống, chầm chậm và ngừng lại .
- Phan Thành.
Cả lớp thở phào.. Thành là niềm tự hào của lớp, ít ra, là trong giờ Học-thuộc-lòng. Một cây trả bài đúng là thuộc nằm lòng như ý thầy Điền mong muốn. Mỗi lần kêu tới tên, hắn đứng lên chững chạc tự tin. Sau khi hai tay đưa cuốn vở cho Thầy chấm điểm viết, hắn quay mặt về phía lớp, vòng hai tay đứng ưỡn người,mắt thì nhắm tít lại. Và tiếng đọc bài rổn rảng, không vấp váp, không hề ngập ngừng dù bài dài hay ngắn. Dứt bài đọc, hắn mở bừng mắt, hai tay vẫn vòng trước ngực, đứng yên chờ đợi. Lần nào cũng thế, thầy Điền gật gù khoái chí, đưa trả cuốn vở cho hắn. Con số 10 mập ú bên cạnh chữ “Giỏi” no tròn. Thành từ tốn về lại chỗ ngồi trong ánh mắt nhìn thán phục của cả lớp.
Riêng có một ánh mắt nhìn chăm về phía thằng Thành, ngoài vẻ thán phục, còn có cả sự ao ước thèm thuồng không giấu giếm. Đó là trò Thiệt. Thật vậy, nó ao ước đến ngơ ngẩn thẫn thờ cái phút giây nhìn thấy thầy Điền gật gù khoái chí và khi đưa trả cuốn vở cho nó, có thêm con số 10 mập ú. Nhưng đó chỉ là ước mơ với hoài chưa tới. Bởi vì, cứ mỗi lần Thầy kêu lên trả bài là tự nhiên nó thấy người bủn rủn, nhớ trước quên sau. Cố gắng cho lắm thì cũng chỉ được vài câu rồi bắt đầu khựng lại. Những dòng chữ rõ ràng hồi sáng còn đọc trơn tru, bây giờ đi lạc đâu mất không chịu về ! Một cảm giác vừa buồn vừa giận ngập òa trong lòng nó. Càng cố nhớ lại càng quên. Mặt mày nó nhăn nhó thảm hại.
Thầy Điền khẽ thở dài ngao ngán, đặt cuốn vở của nó qua một bên. Và nó, tự biết ý, lủi thủi đi về góc lớp.
Cảnh đó đã trở thành quen thuộc đến độ nhàm chán.
Sáng nay, cây bút Thầy ngập ngừng ở tên Thiệt rồi không hiểu Thầy nghĩ thế nào, cho qua. Và do đó, cái góc lớp sáng nay cũng lặng buồn, không có...khách.
Anh Chính bỏ cây cuốc xuống gốc Sung, hỏi :
- Sao buồn vậy, chú em ?
Thiệt vẫn ngồi yên, không trả lời. Mọi lần gặp anh Chính, nó rất vui vì tính anh rất khôi hài, hay quan tâm đến người khác. Anh nói chuyện có lớp lang tuồng tích nghe rất khoái. Nhưng lần này thì đúng như anh Chính hỏi, nó buồn thật. Vừa ôm một cái trứng vịt tròn lại phải đứng ở góc lớp làm sao mà vui cho được ! Anh Chính đến gần bên, quàng tay qua vai nó, cười :
- Hồi trước, có anh chàng Tấn Lực, cỡ bằng tuổi em đây, thường ngồi buồn xo một mình nhìn trời nhìn đất. Có người hỏi : “Sao buồn dữ vậy ?”. Nó trả lời : “ Nhớ Mẹ “. Ừa, nhớ Mẹ là đúng rồi. Vì nó mồ côi mà ! Hồi này, thấy em cũng y dáng vậy, anh hỏi em, em không trả lời. Vậy là buồn hết cỡ rồi !. Người đời thường gọi cái buồn này là buồn câm nín .
Nếu như lần khác, nó sẽ cười vui vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của anh Chính. Nhưng lần này thì nó cười không nổi. Tự nhiên nó lại giận lây cả anh Chính nữa. Hất tay anh ra, nó vùng vằng :
- Thôi mà anh ! Em đang buồn thiệt mà .
Anh Chính vẫn cưồi, thích thú cái hất tay bực bội và cái vẻ vùng vằng của nó :
- Thì anh có nói em vui hồi nào đâu ?
Rồi anh giả lơ nhìn mây trời, nói trỏng :
- Mà cũng đáng buồn thiệt chớ. Mỏi cẳng quá chừng chừng lại còn bắt người ta ăn hoài mấy cái trứng vịt ớn tận cổ, nuốt không vô.
Thằng Thiệt giật thót người, quay nhìn anh Chính, ngạc nhiên :
- Ủa, sao anh biết ?
Anh Chính nhìn nó, cười ngất :
- Ủa, biết là biết chớ sao. Hỏi kỳ thiệt. Tới gần em nghe mùi vịt không à. Cái trứng vừa rồi chắc bị ung….
Lại cười ngất. Thằng Thiệt chịu không nổi, vùng vằng dợm đứng dậy. Vội vàng, anh Chính nắm tay nó kéo xuống :
- Ậy, ậy. Đừng nóng chú em ! Ngồi xuống đây anh nói đôi lời tâm sự đã. Chuyện nhỏ mà, có khó khăn gì đâu. Ngồi xuống, ngồi xuống…
Thiệt ngồi xuống. Anh Chính như được đà, nói tiếp :
- Ngày xưa, có ông Lưu Bị ba lần hạ cố thảo lư đặng mời cho được Khổng Minh Gia Cát...
Đến đây, thằng Thiệt xua tay như đuổi tà :
- Thôi, thôi. Ông Lưu Bị chỉ có ba lần còn anh thì nói có chục lần hơn cái chuyện này rồi. Nghe riết bắt thuộc nằm lòng…
Tức thì anh Chính cười, vỗ mạnh vào vai nó :
- Vậy hả ?. Vậy là thuộc nằm lòng thiệt sao ?
Rồi anh hắng giọng, đứng thẳng người, giả làm tiếng nói của thầy Điền :
- Các trò phải nhớ cho kỹ lời Thầy. Đã là học thuộc lòng là học thuộc nằm lòng, không có một lý do gì mà ngập ngừng. Ngập ngừng là không thuộc lòng. Không thuộc lòng là a lê...hấp...
Thằng Thiệt sững sờ nhìn anh, hỏi :
- Ủa, sao anh biết ?
Anh Chính lại cười :
- Ủa, biết là biết chớ sao ! Hỏi kỳ thiệt.
Rồi anh ngồi ghé xuống bên nó, giọng nhỏ nhẹ :
- Nói thiệt với em nghe. Chắc em biết con Chuyên chớ ?. Hồi đó (lại hồi đó) nó còn bết bát hơn em nhiều ! Rồi bây giờ em thấy nó sao ? Có phải là bảnh hơn em không ?. Cái góc lớp đó nó chê từ khuya rồi. Vậy mà sao em cứ bám đứng vô đó hoài !
Con Chuyên là em của anh Chính, nó biết chớ. Hồi đó, con nhỏ này với nó thi đua đứng hoài ở góc lớp có sót buổi nào đâu !. Rồi chỉ thời gian sau con nhỏ bỏ nó hồi nào không hay. Bỏ cái góc lớp ra đi mà oanh liệt lắm, tưởng như là một phép lạ. Phải là một bước thấu trời. Con nhỏ lần hồi trở thành niềm tự hào của đám học trò bên nữ. Giờ học thuộc lòng nào nó cũng chiếm điểm ưu hạng. Đúng là đọc thuộc nằm lòng như ý thầy Điền mong. Cả lớp ai cũng lấy làm lạ và hết sức ngưỡng mộ. Thầy Điền thì khỏi phải nói. Thầy khen nó không tiếc lời. Những lần nghe nó trả bài học thuộc lòng, Thầy khoái chí lim dim đôi mắt, gật gù. Cả lớp học thì cứ nhìn sững. Tưởng là ai chớ đâu phải trò Chuyên của ngày nào, cứ đứng lì ở góc lớp, đuổi hoài không chịu đi !
Anh Chính tự nhiên nhắc tới con nhỏ Chuyên làm cho thằng Thiệt càng thêm buồn tủi.Nó nói :
- Nhưng bây giờ thì nó khác rồi. Đâu có...
Anh Chính vội cướp lời :
- Thôi, chú em khỏi phải nhiều lời. Thì rõ ràng bây giờ nó đâu có như em nữa. Nó ở trên trời, em đứng dưới đất. Người ta gọi là một trời một vực đó.
Rồi anh ghé vào tai nó, nói nhỏ :
- Có khó gì đâu, em. Anh đây sẽ giúp em tận tình.
Thằng Thiệt ngạc nhiên, hỏi lại :
- Làm sao anh giúp được. Bộ anh học bài giùm em hả ?
Anh Chính không trả lời câu hỏi của nó, vẻ mặt anh trở nên nghiêm trọng :
- Chỉ cần em thành tâm và có niềm tin. Chỉ cần cái lá thuộc bài...
Thằng Thiệt ngơ ngẩn không biết anh Chính nói gì. Trong khi đó anh vẫn nhìn vào tận đâu đâu, miệng lẩm bẩm :
- Phải. Chỉ cần tìm cái lá thuộc bài là giúp đỡ chú em này được. Cái lá thuộc bài...
Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của anh Chính, thằng Thiệt đâm ra bối rối. Mọi ngày anh đâu có vậy ? Sao bây giờ nhắc tới cái lá thuộc bài gì đó, thấy anh có vẻ khác lạ. Nó nhè nhẹ đẩy vai anh Chính
- Anh Chính. Anh Chính. Anh đang nói gì vậy ?. Lá thuộc bài gì hả ?
Anh Chính quay lại nhìn nó, vẫn giữ vẻ nghiêm trọng :
- Là cái lá giúp em sẽ học thuộc bài. Ngày đó, con Chuyên đã tìm được cái lá thuộc bài này. Bây giờ anh muốn giúp em, chỉ sợ là em không đủ lòng tin và không làm đúng lời chỉ dạy.
Nhìn điệu bộ và lời nói của anh Chính, thằng Thiệt thấy rờn rợn. Chuyện có vẻ thần bí. Nhưng nghĩ tới con Chuyên trong lòng nó tự nhiên thấy háo hức. Một ngày nào đó, nếu nó tìm được cái lá thuộc bài như lời anh Chính vừa nói, nó cũng đâu có thua gì con Chuyên nữa. Sẽ một trời một vực. Nó giựt tay anh Chính, hối thúc :
- Vậy thì anh dạy em đi. Con Chuyên nó làm được thì em đây cũng làm được mà
Anh Chính cười có vẻ khoái chí. Vòng tay qua vai nó, anh nói :
- Chà, nói câu này nghe được. Phải, người ta làm được thì mình làm được. Không có chuyện gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Anh sẽ dạy cho em “bí kíp”…
Thằng Thiệt ngạc nhiên, vội hỏi :
- Anh nói gì ghê vậy. Bí kíp là gì mà nghe lạ hoắc
Anh Chính có vẻ bực mình, hơi xẵng :
- Chú em này hỏi nhiều quá chừng. Bây giờ anh hỏi nè. Có muốn học đâu nhớ đó. Đọc câu trước nhớ liền câu sau không ?
Anh Chính nói “ đọc câu trước nhớ liền câu sau “ nghe sao mà “đã” quá. Thằng Thiệt hăng hái :
- Có chớ.
Anh Chính lại tiếp :
- Hỏi thêm câu này nữa. Câu này quan trọng nè. Vậy em có lòng tin không ?
Thằng Thiệt trả lời không cần suy nghĩ :
- Có
Anh Chính có vẻ hài lòng :
- Vậy thì lắng nghe đây. Nghe cho kỹ. (Anh tằng hắng, lấy giọng ). Buổi sáng, em phải dậy thiệt sớm khi mà mặt trời chưa mọc, còn mù sương. Chỗ này quan trọng, em phải nhớ mà làm chớ để mặt trời lên rồi mới dậy thì vô phương. Dậy rồi, ra vườn bứt một cái lá. Lá nào cũng được, miễn lá còn đọng sương là tốt. Xong, đem vô ép trong cuốn vở mà em có bài đang học. Tiếp tới là ngồi đọc bài nhiều lần. Kỳ diệu lắm. Lúc đó em học tới đâu thuộc tới đó, ro ro.( Anh ghé vào tai nó, thì thầm ) Nhưng mà em phải hết sức bí mật, không tiết lộ cho ai biết. Nếu như có ai mà biết được thì coi như không “ép phê” gì nữa. À à, anh quên, không “ép phê” tức là không linh nghiệm nữa đó !
Gương mặt của thằng Thiệt cũng trở nên nghiêm trọng. Nó bị kích động mạnh vì những lời của anh Chính. Tìm cái lá thuộc bài như vậy thôi thì cũng dễ, khó gì. Nhưng mà kẹt một điều là làm sao mà dậy sớm cho được ! Nó là thằng ngủ mê ngủ muội thuở giờ. Sáng nào thức dậy mặt trời cũng đã lên cao. Có bữa chạy vắt giò không thôi trễ học. Chuyện này khó giải quyết dữ !
Thấy thằng Thiệt mặt mày nhăn nhó ra chiều khó nghĩ, anh Chính hỏi thăm dò :
- Sao? Nhắm được không ? Nói đại đi. Ngó cái mặt chú mày sao anh nghi quá ! Thôi, bỏ đi. Coi như anh chưa nói gì...
Thằng Thiệt nhìn anh Chính, cười ngượng nghịu :
- Không phải vậy đâu anh ơi ! Em làm được mà. Nhưng có điều em...em... mê ngủ thuở giờ, làm sao mà dậy sớm cho được.
Anh Chính cười ngất :
- Tưởng chuyện gì chớ chuyện đó khó gì. Em quên chị Thơm của em rồi sao ? Nhờ chỉ kêu giùm một tiếng là xong ngay.
Thằng Thiệt vẫn còn áy náy :
- Kêu thì chỉ kêu chớ. Nhưng anh có dặn là phải giữ bí mật mà !
Anh Chính vỗ nhẹ hai tay vào nhau ngửa mặt kêu trời :
- Trời ơi là trời ! Cái thằng này !.Anh có biểu em phải nói rõ lý do kêu dậy sớm với chị Thơm đâu. Cứ nhờ chỉ kêu một tiếng xong rồi việc ai nấy lo. Chị lo cơm nước ra đồng, em lo chuyện đó. Không lẽ chỉ đi rình em làm gì sao. Cùng lắm thì cứ nói kêu dậy sớm để học bài, khỏe re...
Thằng Thiệt cười, mặt mày tươi tĩnh.
Hai anh em chia tay
Trên đường về, thằng Thiệt đi mà như chạy. Đầu óc nó đang mơ tới một ngày sẽ như thằng Thành, như con nhỏ Chuyên. Nó sẽ giã từ cái góc lớp một cách oanh liệt. Sẽ được thầy Điền khen ngợi hết lời. Được đám bạn nhìn ngó tha hồ thán phục. Rồi đây nữa, điểm 10 cũng phải lấy thúng mà đựng không hết.
Về tới nhà, thấy chị Thơm đang quét sân, nó nói liền :
- Chị Hai ơi ! Sáng mai chị kêu em dậy sớm nghe. Nhớ là kêu dậy thiệt sớm nghe chị.
Chị Thơm đang thu dọn đống lá, nghe nó nói, chị ngừng chổi ngạc nhiên hết sức :
- Cái thằng này ! Sao tự nhiên lại bắt chị kêu dậy sớm ? Mà em dậy sớm làm gì ? Dậy sớm đi ăn trộm hả ?
Thằng Thiệt vùng vằng, làm đúng bài bản anh Chính dặn :
- Thì kêu dậy sớm học bài mà...
Chị Thơm ngẩn người vì câu nói của nó. Vừa lúc đó, có tiếng tằng hắng ngoài cổng. Chị Thơm nhìn ra, thấy anh Chính đứng lấp ló sau hàng bông Cẩn. Thấy chị, anh nháy nháy mắt, tay chỉ chỉ về phía thằng Thiệt, đầu gật gật.Chị Thơm hiểu ý, cười vui vẻ, nói với thằng Thiệt :
- Thôi được rồi. Để chị kêu em dậy trước lúc mặt trời mọc.
Vần xong nồi cơm, Thơm đến giường của thằng Thiệt. Thấy nó nằm trùm mền kín mít, co quắp thiệt tội. Một thoáng ngần ngừ, rồi chị dứt khoát :
- Thiệt ơi ! Dậy đi em. Dậy đi, sáng rồi.
Thằng Thiệt trở mình ú ớ. Chị Thơm lay mạnh người nó :
-Dậy đi mà ! Mặt trời lên rồi đó
Mấy tiếng “ mặt trời lên rồi đó” có tác dụng liền. Thằng Thiệt bật ngồi dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Nó dụi mắt cho tĩnh ngủ. Ngoài ánh sáng vàng vọt của cây đèn dầu, mọi vật vẫn còn mờ tối. Chị Thơm thấy vẻ hoảng hốt của nó, không nín được cười :
- Em làm gì vậy, Thiệt ? Kêu rồi đó nghen. Giờ thì chị lo xuống coi cơm nước. Dậy liền đi. Đừng có nằm lại rồi ngủ quên.
Thằng Thiệt vẫn còn đang ngái ngủ, muốn nằm xuống trùm mền ấm, rồi tới đâu thì tới. Nhưng rồi nó chợt nhớ sáng nay có giờ Học Thuộc Lòng và cái góc lớp quen thuộc tới nổi phát ghét. Nhớ lời anh Chính về cái lá-thuộc-bài hôm qua. Rồi mặt mày hí hửng của con Chuyên...Nó bước xuống giường, quơ vội cái áo ấm rồi ra vườn.
Cảnh vật im ắng chìm trong màn sương. Có tiếng dế gáy say sưa ở cuối sân vườn. Tiếng sột soạt của bầy chim trên cành ổi Sẻ. Tiếng sương rơi nhẹ, đều, quanh vườn. Nó bước tới khóm hoa thược-dược cành lá um tùm mà nó đã có ý ngắm sẵn từ chiều hôm qua. Chọn một cái lá nhỏ đầu ngọn còn đẫm sương đêm, nhẹ tay bứt lấy bỏ trên lòng bàn tay rồi khúm núm đi vào nhà, vẻ mặt có vẻ nghiêm trọng. Sau khi ép chiếc lá còn đẫm sương vào cuốn vở Học Thuộc Lòng như lời dặn dò của anh Chính, nó bắt đầu ngồi học. Trời sớm mơi không khí trong lành, mát lạnh làm cho đầu óc sảng khoái, trong người cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái.Đọc đâu được vài lần, nó cảm thấy cái lá-thuộc-bài này linh nghiệm thiệt. Đọc đâu nhớ đó. Rõ ràng là chỉ đọc có mấy lần thôi mà nó thuộc ro. Gấp vở lại, nó nhắm mắt đọc thử. Thiệt là linh nghiệm. Không vấp váp, không bỏ sót chữ nào.. Trong lòng nó dậy lên niềm tin tưởng mãnh liệt.
Thời giờ để chờ đến sáng, chẳng biết làm gì, nó ngồi học mê mãi.
**
Cây bút của thầy Điền lại rà dọc xuống cuốn sổ điểm trong khi cả lớp nín thở chờ đợi. Rồi !. Đầu bút ngừng lại, nhịp nhịp vài cái nhẹ. Thầy hắng giọng, kêu :
- Phạm Thiệt…
Không phải kêu tên mình mà cả lớp, trò nào cũng giật thót người. Rồi sau đó, lén nhìn về phía trò Thiệt với ánh nhìn ái ngại. Riêng thằng Thiệt thì nó đã chờ đợi cái giây phút này lâu lắm rồi. Khi nghe kêu đến tên mình, nó cầm lấy cuốn vở đứng lên một cách mạnh dạn. Những bước chân vững, mạnh, không mau, không chậm. Gương mặt có vẻ bình thản và tự tin.
Đầu tiên là thầy Điền thoáng ngạc nhiên. Mắt chăm chú theo dõi từng cử chỉ khác lạ của thằng Thiệt nhưng tay thì vẫn theo thói quen, Thầy bỏ cây bút xanh cầm cây bút đỏ. Chắc chắn là cây bút đỏ này, chớ không có cây màu mè nào khác, sẽ vo tròn một con số O lún giấy.
Cả lớp xì sầm bàn tán rồi nhìn nhau dò hỏi. Thằng Thiệt vẫn giữ vẻ dáng tự tin, hai tay trao cuốn vở cho thầy Điền rồi quay xuống phía lớp. Nó bắt chước y điệu bộ của thằng Thành, hai tay vòng trước ngực, mắt nhắm tít và giọng đọc bắt đầu…
Ý trời đất ơi ! Giông bão có làm sập trường cũng không bằng cái cảnh động trời dậy đất xảy ra trước mặt. Cái giọng đọc bài rổn rảng của thằng Thiệt từ đầu cho tới cuối bài trơn tru liền lặn, không vấp váp, không bỏ sót một chữ nào.
Hết bài đọc, thằng Thiệt mở choàng mắt, vẫn vòng hai tay chờ đợi.
Thầy Điền trố mắt nhìn sững nó, vẻ ngạc nhiên không cần giấu diếm. Cặp kính cuả Thầy trễ nặng gần muốn rớt xuống mặt bàn mà Thầy cũng cứ để mặc. Cả lớp thì im lìm không một tiếng động. Khoảng thời gian im lặng kéo dài cho tới lúc thầy Điền thoáng giật mình buộc miệng một tiếng “Giỏi”. Tay Thầy lanh lẹ ghi con số 10 to tướng. Con số 10 màu đỏ chói thay vì màu xanh như thường lệ. Cả lớp, như con nước vỡ bờ, ồn ào náo động như cái chợ vỡ.
Thằng Thiệt sung sướng đến run cả người, nhận cuốn vở từ tay Thầy. Con số 10 no đầy đỏ chói làm cho nó muốn xây xẩm. Những bước chân nhẹ hẫng trong tiếng ồn ào và những ánh mắt nhìn ngạc nhiên thán phục của cả lớp.
**
Chị Thơm để chén chè đậu ván nước bốc khói nghi ngút lên bàn, trước mặt anh Chính.
- Chén chè này là để cám ơn anh đã giúp em Thiệt
Anh Chính mát lòng mát dạ, vui quá chừng. Không phải vì cái chuyện giúp thằng Thiệt mà là vì chén chè được chính tay người đẹp mang tới mời mọc tận tay. Đi hết làng trên xóm dưới thiệt khó có cô gái nào qua mặt được cô Thơm về cái nết dịu dàng hiền hậu. Lại siêng năng cần mẫn, giỏi việc nhà, việc đồng áng. Nói năng thì dám ngọt hơn chén chè này nữa chớ phải chơi. Anh Chính ưng bụng từ lâu.
Nói cho cùng, chị Thơm cũng có cảm tình với anh Chính. Bởi thấy anh ăn nói thông kim bác cổ. Bụng dạ thánh hiền. Anh hay quan tâm và giúp đỡ mọi người đâu có hề nghĩ tới chuyện đền ơn đáp nghĩa. Chén chè này tuy gọi là đền ơn nhưng thiệt ra trong bụng có ý tứ kín đáo hơn. Chị muốn gặp anh Chính. Gặp để mà gặp vậy thôi chớ đâu có chuyện gì để nói.Không lẽ nói chuyện thầm kín trong bụng mình, mắc cở bỏ đâu cho hết!
Anh Chính cũng có ý nghĩ vậy. Được nhắn, anh mừng quá, bỏ ngang công việc tới liền. Chén chè ơn nghĩa của chị Thơm làm anh ngượng ngịu :
- Chuyện nhỏ mà, cô Thơm. Cô làm vầy tui thấy ngượng quá !
Chị Thơm nhìn cái mặt đỏ rần của anh Chính, cười :
- Tại vì anh nghĩ là nó nhỏ chớ thiệt ra là chuyện lớn đó anh. Thằng Thiệt thuở giờ mê ăn mê ngủ chớ có đâu như bây giờ, siêng năng cần mẫn. Ba em, ổng khen anh hoài…
Được lời như cởi tấm lòng. Anh Chính trở nên mạnh dạn , hoạt bát :
- Chuyện nhỏ mà, cô Thơm. Thiệt tình mà nói, khi Cô mở lời nhờ cậy chuyện giúp đỡ em Thiệt, tui cũng đã bàn tính trong bụng rồi. Nó mê ngủ thì mình tính chuyện cho nó hết mê ngủ. Nó không có lòng tự tin thì mình tạo cho nó niềm tin. Cái này thuộc về tâm lý mà cô Thơm. Với lại, khi con người đã có lòng tin rồi thì đâu có việc gì là khó khăn.
Rồi anh cười thoải mái, nói tiếp :
- Với lại cô Thơm tính coi. Dậy sớm quá chừng, thời gian còn lại để chờ giờ đi học thì làm gì hơn là học bài. Đọc tới, đọc lui như tụng kinh thì cái bài học thuộc lòng ngắn củn đó có khó gì đâu mà không thuộc.
Chị Thơm phục anh Chính về chuyện thằng Thiệt từ lâu. Nay nghe anh nói áp dụng phương pháp tâm lý gì gì đó, rồi nghe anh phân tích ngọn ngành hợp lý mới thấy anh tuy là chân lấm tay bùn, nhưng vượt trội hơn người. Chị có cảm giác yên tâm và tin tưởng ở người bạn trai này. Cầm chén chè lên, chị dịu dàng :
- Thôi, anh Chính ăn đi. Để nguội mất ngon.
Rồi nhìn anh, mỉm cười ranh mãnh :
- Hồi nãy anh Chính nói phương pháp tâm lý gì đó. Vậy chớ, em hỏi anh nghen. Anh có lòng tin không ?
Anh Chính đang cầm chén chè, nghe hỏi, hơi khựng người một thoáng. Rồi khi anh nhìn thấy nụ cười của Thơm, thấy ánh mắt nhìn anh kín đáo, dịu dàng. Anh cười, đáp lại :
- Sao cô Thơm lại còn hỏi ? Ăn chén chè ngọt đây rồi, tui có lòng tin dữ lắm chớ...
San Diego, mùa hoa Phượng tím
TÌNH HOA BƯỚM
gởi ai còn nhớ tuổi học trò
khi tôi còn trẻ em vừa trẻ
hai đứa mình bày vẽ tình yêu
lời nhớ thương chưa tính bao nhiêu
mà hờn giận đếm ra quá bộn
trái tim tôi có là hảo hớn
cũng nhói đau từng chặp từng cơn
may hồi đó tôi đang sức lớn
chấp tình em khi giận lúc hờn
nỗi đau quen quen quá hóa lờn
vẫn trơ mặt dẻo dai lì lợm
ai biểu tôi yêu người quá sớm
rủ tình em son phấn theo đời
môi còn thơm ngọt vị ô môi
chưa từng cắn trái tình đắng chát
đâu biết đời chan chung mặn nhạt
chỉ biết hờn biết giận mà thôi
mưa hờn giận cũng chừa tóc rối
nắng giận hờn cũng nhịn màu da
em bốn mùa nóng lạnh thả ga
tôi mệt đuối chịu đời không thấu
để cuộc tình bỏ buồn thêm dấu
tình yêu ra tình yếu đó em
đừng trách tôi lòng dạ nhỏ nhen
không ráng chịu cho em hành hạ
khi tình yêu đã thành xa lạ
gặp lại em ngúng nguẩy liếc lườm
tôi hốt nhận ra mình là bướm
em là hoa hương sắc có gai
tình hoa bướm ngày xưa nhớ mãi
giận hờn chi giờ đã phôi phai
mai hay mốt chốn xưa về lại
em chia hờn tôi chia giận... huề nghen...
khi ghé về sân trường cũ
Buồn Muôn Thuở 08/2008
tháng 10 06, 2009
THU VÀNG GHÉ VỘI
nhà có hiên trăng trồng cây cảnh
mỗi chiều ra ngắm nghía đỡ sầu
lâu lâu thời tiết chan nóng lạnh
vài lon beer cho đặng thơm râu
vài câu thơ thất tình lục dục
giữa mây trời lục đục chen nhau
ta khó thở giữa đời chen chúc
nên về đây bằng hữu cỏ cây
cây biết lớn mà thành cổ thụ
cỏ biết dài mà hóa cỏ hoa
hơn nửa đời lận đận lu bu
nay ngồi ghé mượn tình khuây khỏa
mây cuối rẻo héo thời ngang dọc
nắng ngang trời lạc thuở giang hồ
ta dâu bể nửa đời xanh tóc
nay tóc râu tiêu muối mặn khô
ngồi một chỗ ngó mông nhiều chỗ
thấy bể dâu choàng lấp cỏ cây
nắng chiều nay vàng thu se gió
đổ bóng ta nhòa với bóng mây !
Hiên Trăng cây cỏ mùa Thu
tháng 10/2009
tháng 10 04, 2009
TRĂNG THU
gởi đêm trăng xưa vạn dặm
Tự nhiên tôi được mệ Miên cho năm cắc.
Mệ hỏi :” Hôm qua, Trăng Thu, con có thấy chi không ?”.
Tôi nói :” Con thấy Trăng sáng như ban ngày. Thấy từng ngọn cỏ”.
Mệ giựt mình nhìn quanh, dáo dác,nói nhỏ :” Thấy Trăng thì ai không thấy nhưng mà có thấy chi thêm ngoài thấy Trăng không?”.
Tôi bỗng “ngộ” ra năm cắc mệ cho , ưng mệ cho thêm năm cắc nữa nên mới nói :” Con thấy mệ với anh Thuận thợ mộc. Anh với mệ làm chi mà con dị quá. Mệ rên rỉ...” Tới đây thì mệ lanh tay bịt miệng tôi,lại nhìn quanh dáo dác, nói giọng nhỏ hơn: ” Im, im. Chớ nói chuyện cùng ai nghen. Hứa với mệ đi rồi mệ cho thêm năm cắc nữa “.
Tôi hứa vì năm cắc với năm cắc là một đồng. Một đồng mà mua kẹo bi màu xanh đỏ tím vàng ăn cả ba ngày chưa hết. Mua đường táng vàng ăn một tuần còn dư. Ra tới chợ tỉnh mua cá với thịt cả nhà ăn một bữa đã đời đã thèm.
Tôi có nhận năm cắc với năm cắc là một đồng của mệ để rồi nợ mệ một đời khó trả được.
Câu chuyện đâu có đáng giá năm cắc với năm cắc là một đồng mà thiệt tình sáng rỡ như Trăng Rằm mùa Thu.
Có khúc có ngọn có đầu có đuôi.
Cái xóm nghèo cạp đất của tôi bỗng dưng , một ngày ham thả diều ở đồi Trọc, tôi không được chứng kiến có ôn dòng dõi vua chúa dọn về ở ngôi nhà to lớn đầu con dốc gần nhà thờ Chúa. Căn nhà gạch ngói duy nhất trong những căn nhà mái tole vách ván của xóm. Nằm riêng lẻ kín cổng cao tường và một khoảnh đất bao quanh xum xuê cây trái. Nó ngược ngạo cảnh đời cơ cực của xóm nghèo nên mãi mãi thầm lặng cô đơn. Có một khoảng cách ngăn vô hình và một cuộc sống gần như xa biệt với sinh hoạt của xóm nghèo.
Ôn dòng dõi vua chúa mang thân phận lạc loài trên vùng đất xúc hến mò cua miếng cơm đơm không đầy bát. Thi thoảng ôn có ra đường dạo quanh, đi phía sau, có mệ. Gọi là mệ mà cảm thấy ngường ngượng bởi còn trẻ ngó mê cái nước da trắng hồng và cái nét dịu dàng thanh tú. Chân lấm tay bùn vai u thịt bắp ở cái xóm quê tôi làm chi mà chiêm ngưỡng nổi. Nên chi e dè.
Ôn với mệ đi tới đâu là người giạt tránh nhường lối rộng rinh.
Tôi thấy người “kinh đô” như ôn có dáng vẻ thoát tục, không giống người thường. Người ta e dè tránh né vì tưởng tượng phía sau lưng ôn là cả một đền đài cung điện, áo mão cân đai, nghi thức triều đình...Nên cần phải giữ một khoảng cách lớn để được bình yên. Ngay giọng nói “kinh đô” cũng nặng âm, trại tiếng khó nghe. Ôn cũng già hung, giọng khàn đục, chậm rãi. Đôi con mắt nheo nheo ngó người đối diện, tôi nhớ hoài.
Mệ thì trẻ trung tươi mát, giọng nói không có “kinh đô” mà có hơi hướm miền Nam ruộng lúa thẳng cánh cò bay chó chạy le lưỡi.
Thi thoảng, thấy mệ “đơn thân độc mã” ra chợ Chiều mua miếng rau mớ thịt và cười nói thân tình với bà-con-cô-bác. Lời qua tiếng lại riết thân tình.
Không ai thấy mệ có nặng nề hình ảnh kinh thành triều nghi cung cách phía sau. Thí dụ như mệ mua bó hành, trả tiền, còn hậu hỉ biếu thêm chút đỉnh. Tiền “típ” đó nghen! Thiệt là văn minh miệt vườn mà đi trước thiên hạ.
Mệ cũng thường một mình đi dạo vòng quanh xóm, chắc là bỏ nỗi nhớ thương quê trên những con đường đất gập ghềnh mang vẻ dáng miền quê Nam ruộng lúa thẳng cánh cò bay chó chạy le lưỡi !
Một tháng, hay gần gần một tháng sau( tôi chưa dám xác định đúng thời gian vì vội viết câu chuyện này khi Trăng Thu đang lên sợ không kịp thì Trăng tàn, không còn dòng văn để viết ) tôi gặp tình cờ anh Thuận thợ mộc đang lai-rai-ba-sợi ở quán mụ Đối.
Chuyện xưa năm cắc với năm cắc là một đồng nhớ lại mà trong lòng, thiệt tình, cũng ấm ức vì đâu lại có chuyện "tiếc thay hạt gạo trắng ngần đã vo nước đục lại vần lửa rơm".
Không lẻ vì chuyện đời nhục dục tầm thường mà trâm anh thế phiệt lại tìm tới cái bào cái đục. Anh có cưỡng không. Hay người ta lại đang cầu.
Mấy miếng đường táng còn sót lại chưa ăn hết là lý do để tôi muốn biết cho ra lẽ. Cái chính đáng, thầm kín trong lòng, là tôi hết sức ngưỡng mộ nhân cách và hương sắc của mệ. Có đâu lại vần lửa rơm !
Chuyện hóa ra là không phải. Hoàn toàn hạt gạo vẫn trắng ngần đâu có thèm vo nước đục( thì lấy chi mà nói vần lửa rơm).
Đêm đó, trăng thu không chê cái xóm nghèo đói rách tã tơi, nên vẫn cứ ban ơn một dòng trăng thơ mộng rải đều, rải khắp, rải mọi nơi.
Ôn vì thời tiết trái gió trở trời đang từ hạ đột chuyển qua thu nên không cách chi gượng nổi để cùng dạo mát ngắm trăng . Mệ phải đi một mình vì mệ thích ngó trăng.
Ác nghiệt là xóm quê nghèo thương khó của tôi đường đất đá gập ghềnh lại có một một loài cây hoang dã mọc hoang đàng chi địa là cây cà dại.
Cây cà dại, nếu ai từng ở xóm quê, thì chắc chắn là không thể nào quên. Thân nhánh có gai, trái (nhỏ thôi) vằn vện màu xanh trắng. Tới mùa sai trái, bứt trái chẳng làm gì, chỉ bày chơi trò buôn bán hay ném nhau để tránh né cho vui thôi !
Buổi tối mệ đi ngắm trăng thu trên đường vô tình đạp nhằm cả một nhánh cà dại xum xuê ai đó bỏ lại trên đường. Gai nhánh cà gai đâm loạn đau xót bàn chân.
Cũng thời may, có anh Thuận thợ mộc trên đường say(không phải say Trăng)trở về mái nhà tranh ngó thấy thương tình, ôm bàn chưn mệ, mà gở cho hết nhúm gai đâm.
Mỗi lần gở một cái gai đâm là mỗi lần mệ rên lên vì vừa nhói đau vừa nhói đã sướng.
Tôi xách đèn đi qua, ngó thấy mà lạc hồn, bỏ đi luôn. Mắc cở và bàng hoàng không tưởng là sự thật.
Và, năm cắc với năm cắc là một đồng dành cho tôi chỉ để nén tiếng thị phi. Anh Thuận thợ mộc, có xác nhận, là anh còn nhận tiền bồi hoàn gấp năm lần. Nhiều quá vậy trời !
Hèn chi mụ Đối luôn luôn cười tươi rói với anh vì đã, thần sầu tới độ thảm sầu, trả dứt món nợ ghi chịu mỗi lần tới lai-rai-ba-sợi đỡ buồn đời.
Vậy mà anh còn chê là ít. Anh nói với tôi : “ Phải lúc đó gai đâm nhiều thêm tao có cơ hội mà ôm bàn chân trắng nõn trắng nường lâu lâu chút chút”. Thấy tôi còn ngu ngơ chưa hiểu, anh ký đầu tôi một cái (bây giờ tưởng tượng lại,vẫn thấy còn nhói nhói đau đau) nói : “ Cái thằng ni ! Mi là là thằng cu hay là thằng cụ”. Rồi cười vang, thoải mái.
Bây giờ mệ Miên đã là hương khói. Anh Thuận thợ mộc cũng đã là khói hương.
Trăng Thu thì mãi mãi vẫn còn.
Tôi cũng vẫn còn đây để ngắm trăng thu mà viết lại đôi dòng nhớ cái đêm trăng xưa vạn dặm mệ Miên và anh Thuận thợ mộc.
Riêng một điều tôi có nghĩ chưa ra là ôn già lụm cụm, mệ trẻ lứa bắp bung, anh thì hùng hục đục bào nhuần nhuyễn.
Đêm trăng xưa vạn dặm,ngày đó,có phải là gai đâm !....
Mira Mesa
Hiên Trăng Rằm 10/2009
tháng 10 02, 2009
TRĂNG THỀ
ngó trăng mà nhớ chân quê
cái hồi em xỏa tóc thề giởn trăng
tôi say khướt ánh trăng rằm
ngó mê dòng tóc đẵm đầy ánh trăng
mấy mươi năm lạc đêm rằm
tương tư dòng tóc ướt đằm trăng quê
em xưa huyễn mộng tóc thề
mà nay tóc đã nghẹn về dấu xưa
quê người chợt nắng chợt mưa
tóc quê xưa cũng theo mùa thời trang
tém lên gợn sóng gọn gàng
để mùa trăng trượt gió ngàn trả quê
trả quê mái tóc hương thề
bỏ dòng trăng lạc chân quê mất rồi
thơ tôi viết cũng nghẹn lời
ngó quanh đâu thấy cái hồi xưa...xa... !
rằm tháng tám 2009
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)